Mahadev Desai, bí thơ của thánh Gandhi, nghinh đón chúng tôi tại nhà ga Wardha một buổi sáng sớm vào tháng 8, khi chúng tôi vừa rời khỏi toa xe lửa. Chúng tôi bước lên một chiếc xe hơi mui trần với ông Desai và ba người nữa đi đón chúng tôi. Xe đi qua vài con đường lầy lội ở vùng quê, và một lát sau đã đư chúng tôi đến đạo viện Maganvadi, nơi tịnh thất của thánh Gandhi.
Ông Desai đưa chúng tôi vào thư phòng, tại đây thánh Gandhi ngồi xếp bằng trên chiếu trãi dưới đất. Một tay cầm cây bút và một tay cầm một tập giấy, ông tiếp đón chúng tôi với một nụ cười nồng ấm. Ông viết trên tập giấy hai chữ: “Kính chào!” bằng chữ Hindi. Hôm ấy là ngày thứ Hai, lại là ngày ông giữ tịn khẩu trong tuần.
Tuy đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã thông cảm ngay tức khắc. Năm 1925, Thánh Gandhi đã viếng trường Ranchi và có ghi những cảm nghĩ của ngài trong quyển sổ lưu niệm dành cho các quý khách.
Thánh Gandhi tuy có vẻ gầy ốm, nhưng tinh thần rất tráng kiện, toàn thân ngài toát ra một sức mạnh tâm linh và sức khỏe thể chất lành mạnh. Đôi mắt nâu dịu hiền chói rạng sự thông minh, lòng thành thật và óc phân biệt. Không một nhà lãnh đạo quần chúng nào đã từng thu phục lòng dân một các chắc chắn, bền vững như thánh Gandhi đối với hàng triệu dân Ấn Độ. Họ đã tặng cho ngài cái danh hiệu Mahatma (bậc thánh) mà họ cảm thấy xuất phát tự đáy lòng. Vì họ, ngài đã tự nguyện chỉ mặc quanh năm chỉ một cái khố ngắn, biểu tượng sự hợp nhất của ngài với quảng đại quần chúng nghèo khổ, lầm than.
“Những nhân viên lưu trú của đạo viện đều sẵn sàng phục dịch đại đức, vậy đại đức hãy cứ tự nhiên mà tuỳ nghi sử dụng.” Thánh Gandhi nhã nhặn lịch sự cầm đưa cho tôi mảnh giấy viết tay với những dòng chữ trên, khi ông Desai đưa chúng tôi ra khỏi thư phòng để đến nơi nhà khách.
Chúng tôi đi qua những khu vườn tược và đồng ruộng trổ hoa đến một ngôi nhà lợp ngói. Trước sân có một cái giếng lớn, gần bên có một cối đá để xây lúa. Trong nhà khách chia ra làm nhiều buồng ngủ nhỏ nhắn, mỗi buồn vừa một giường bố dệt bằng tay. Nhà bếp quét vôi trắng có một vòi nước máy ở một góc và ở một góc khác có một lò lửa đào dưới đất để nấu nướng. Chung quanh là những tiếng quạ kêu, chim hót, vài tiếng bò rống và tiếng giùi mài giũa đá.
Nhìn thấy tập Du Ký của bạn Richard. Ông Desai cầm lấy xem và viết trên một trang giấy bảng liệt kê mười một điều giới răn của phong trào bất bạo động (Satyagraha) mà tất cả những tín hữu và môn đệ nhiệt thành của thánh Gandhi đều tự nguyện tuân theo:
* Bất Bạo Hành (Ahimsa)
* Ngay Thật
* Không Trộm Cắp
* Khiết Bạch
* Thanh Bần
* Cần Lao
* Tiết Độ
* Vô Úy
* Khoan dung
* Dùng nội hóa (Swadeshi)
* Bỏ Kỳ Thị Gia Cấp (đối với kẻ cùng đinh.)
Những điều giới răn này phải được tuân theo với một tinh thần nhỏ nhoi, khiêm tốn."
Ngày hôm sau, Thánh Gandhi đã đích thân duyệt lại và ký tên vào trang đó, đề ngày 27 tháng 8 năm 1935. Hai giờ sau khi chúng tôi đến, là đến giờ ăn trưa. Thánh Gandhi và độ hai mươi lăm tín hữu ngồi xếp bằng trên sàn gạch, có lót những manh chiếu nhỏ vuông vừa một người ngồi, trước mặt mỗi người có đặt những dĩa chén bằng thau chùi sạch bóng. Sau một bài cầu nguyện tập thể, bữa ăn mới bắt đầu. Bữa ăn gồm có Chapiti, một loại bánh nướng làm bằng bột mì có thoa bơ, các món rau đậu xào nấu ngon lành, mứt và cam.
Thánh Gandhi còn đặc biệt dùng thêm món rau luộc nhuyễn, quết thành cục, rất đắng, được coi là có dược tính lọc máu rất tốt. Ngài lấy cái muỗng sớt lấy một phần rồi để vào dĩa của tôi. Sợ đắng, tôi nuốt ực với nước lạnh, còn ngài chỉ từ từ ăn từng miếng một cách thản nhiên.
Chỉ một việc nhỏ nhặt ấy cũng đủ cho tôi nhận xét rằng Thánh Gandhi có khả năng tách rời tâm thức ra khỏi giác quan tuỳ ý muốn. Tôi nhớ lại câu chuyện mổ ruột dư của ngài cách đây mấy năm, đã được tường thuật trên mặt báo chí xa gần, với rất nhiều lời bình phẩm, ca tụng. Nằm trên bàn mổ Thánh đã từ chối không chịu chụp thuốc mê, và đã trò chuyện vui vẻ với các tín hữu đến thăm suốt cơn giai phẩu với nụ cười bình tĩnh hồn nhiên, tỏ ra ngài không biết đau đớn chi cả!
Trưa hôm ấy, tôi có dịp trò chuyện với một vị nữ đệ tử ưu tú của Thánh Gandhi, cô Madeleine Slade, ái nữ của một vị Thủy Sư Đô Đốc trong Hải quân Hoàng Gia Anh nay lấy tên Ấn Độ là Mirabai. Gương mặt bình tĩnh và cương nghị của cô chói rạng với một niềm hứng khởi nhiệt thành, khi cô nói chuyện với tôi, bằng tiếng Hindu rất thạo (thổ ngữ miền Bắc Ấn) về những hoạt động hàng ngày của cô.
- Công việc tái thiết nông thôn rất là thích thú! Mỗi ngày lúc năm giờ sáng, một nhóm tín hữu của tôi ra đi để phục vụ những dân làng kế cận và giáo dục học về vệ sinh thường thức. Chúng tôi phải ra tay quét dọn những chòi tranh và chí đến buồng vệ sinh của họ. Dân làng vốn thất học, họ không thể giáo hóa được, trừ khi bằng cách làm gương!
Nói xong, cô cười lớn thật giòn tan.
Tôi nhìn mà thán phục người phụ nữ ấy, vốn thuộc dòng dõi cao sang quyền quý nước Anh, mà đức khiêm tốn xứng đáng với chúa Ki Tô đã làm cho cô có thể hạ mình làm những công việc nhỏ nhoi dơ bẩn, thường chỉ dành cho giai cấp cùng đinh hạ tiện của xứ Ấn Độ. Cô nói tiếp:
- Tôi đến Ấn Độ năm 1925. Ở xứ này tôi cảm thấy như tôi đã thực sự trở về quê hương xứ sở. Bây giờ tôi không còn muốn trở về với nếp sống cũ và những thích thú trước kia của tôi nữa.
Trong giây lát, cô Mirabai đã bận rộn với công việc quay chỉ khi cô ngồi xuống trước cái bánh xe quay (charka.) Do sự cố gắng của Thánh Gandhi, những bánh xe quay chỉ ngày nay đã xuất hiện khắp nơi trong các vùng làng mạc thôn quê của xứ Ấn Độ.
Thánh Gandhi có những lý do lành mạnh và vững chắc để khuyến khích việc phục hồi những ngành tiểu công nghệ và thủ công, nhưng ông không chủ trương tẩy chay một cách cuồng tín tất cả mọi sự phát minh tiên tiến, máy móc cơ khí, xe hơi, tàu hỏa, vô tuyến truyền thanh, đều có đóng góp những vai trò quan trọng trong cuộc đời hoạt động vĩ đại của ngài! Một nửa thế kỷ hoạt động công ích, vào tù ra khám, vật lộn hằng ngày với những vấn đề thực tế và những va chạm phũ phàng trên trường chính trị, chỉ càng làm tăng cường thêm những đức tính quân bình, cởi mở, sáng suốt, lành mạnh và xét đoán với một tinh thần hài hước cái trò bi kịch lạ lùng trên sân khấu của cuộc đời.
Đúng 8 giờ tối hôm ấy, Thánh Gandhi chấm dứt cơn tịnh khẩu. Những công việc bề bộn của đời ngài bắt buộc ngài phải sử dụng thời giờ một cách đúng đắn từng giây từng phút.
- Kính chào đại đức!
Lời tiếp đón của Thánh Gandhi lần này không phải viết trên giấy! Chúng tôi vừa mới bước vào phòng làm việc của ngài, chỉ trang bị đơn giản tối đa với những tấm chiếu vuông nhỏ trải dưới đất, không có ghế, một cái bàn thấp với sách vở, giấy má, vài cây bút mực thường (không phải bút máy) và một cái đồng hồ treo trên vách. Giữa một bầu không khí an tịnh, thâm nghiêm, Thánh Gandhi nở một nụ cười cởi mở và nói:
- Nhiều năm trước đây, tôi bắt đầu giữ giới tịnh khẩu mỗi tuần một ngày để có thời giờ coi sóc và trả lời thơ tín. Nhưng bây giờ thì tịnh khẩu đó đã trở thành một nhu cầu tâm linh thiết yếu. Một kỷ niệm im lặng định kỳ không phải là một điều khổ hạnh, mà là một ân huệ tốt lành.
Khi tôi từ giã Thánh để sửa soạn đi ngủ và chúc ngài một đêm yên giấc, ngài cầm đưa cho tôi một lọ dầu xả trừ muỗi và vừa cười vừa nói:
- Giống muỗi ở Wardha không biết gì về Ahimsa (Bất Bạo hành) đâu nhé đại đức!
Trở về nhà trọ, tôi lại lấy làm ngạc nhiên một lần nữa về sự đơn giản và những dấu hiệu hy sinh biểu hiện ở khắp nơi.
Thánh Gandhi đã phát nguyện giữ đức thanh bần ít lâu sau khi lập gia đình. Ngài đã từ bở nghề luật sư với nhiều thân chủ đã từng đem đến cho Ngài những lợi tức mỗi năm trên 20.000 đô la, và đã đem phân pháo tất cả tài sản cho người nghèo.
Sư Phụ tôi thường châm biếm nhẹ nhàng những quan niệm thiếu sót thông thường về sự dứt bỏ, hay từ khước hạnh phúc trần gian. Sư Phụ nói:
- Một kẻ ăn mày không thể từ khước của cải, giàu sang. Hoặc có người nói: “Công việc làm ăn của tôi thất bại, vợ bỏ tôi, tôi sẽ hy sinh và từ bỏ hết cả để xuất gia tầm Đạo.” Nói vậy, thì người ấy từ bỏ hoặc hy sinh cái gì? Y không có từ bỏ của cải và tình yêu mà những thứ đó từ bỏ y!
Những bậc thánh như Gandhi, trái lại, không những đã hy sinh những tài sản vật chất đáng kể, mà còn thực hiện điều khó khăn hơn nữa là dứt bỏ những tham vọng ích kỷ và mục đích riêng tư, để hòa hợp tâm thức mình với lẽ sống chung của toàn thể nhân loại.
Vị hiền phụ của thánh Gandhi là bà Kasturrabai, không hề phản đối khi ngài đem bố thí hết cả tài sản, không dành lại một phần nào cho bà và các con. Lập gia đình sớm, Thánh Gankhi và phu nhân phát nguyện giữ tịnh khẩu sau khi sinh được bốn người con.
Một nữ anh hùng can đảm thầm lặng trong cuộc đời tranh đấu gay go gian khổ của thánh Gandhi, bà Kasturrai đã theo chồng vào ngục thất, cùng chịu chung những cuộc tuyệt thực kéo dài suốt ba tuần lễ với ông, và cùng chia sẻ những trách nhiệm nặng nề lớn lao của ngài. Trong nhiều năm bà Kasturabai đảm nhiệm vụ thủ quỹ, gìn giữ số công quỹ toàn lớn hàng bao nhiêu triệu bạc mà Thánh Gandhi đã quyên góp được để dùng trong công tác xã hội. Nhiều chuyện có tính cách hài hước đã được thuật lại rằng trong các gia đình Ấn Độ, các ông chồng đâm ra hoảng sợ mỗi khi thấy các bà vợ nhà đeo vàng ngọc, nữ trang đi dự những cuộc hội họp của Thánh Gandhi. Lời nói đanh thép, hùng hồn và truyền cảm của dân chúng lầm than khốn khổ, dương như có ma lực quyến rũ rất mạnh, làm cho những chiếc neo vàng và kiềng vàng nạm kim cương rời khỏi tay và cổ các bà mệnh phụ sang trọng, quý phái để rơi và những cái rỗ quyên góp như một màn ảo thuật!
Một hôm, bà Kasturabai trong khi kế toán sổ sách nân quỹ, thấy thiếu mất bốn đồng rupee mà bà không nhớ rõ đã chi tiêu vào việc gì. Thánh Gandhi bèn điềm nhiên công bố một bản kết toán sổ chi thương trong đó ngài nêu lên một cách vô tư sự sơ sót của Kasturabai trong việc chi tiêu mất bốn rupee mà không ghi vào sổ.
Tôi thường hay thuật lại câu chuyện ấy cho những học viên người Mỹ trong những lớp dạy Yoga của tôi.
Một hôm, một bà nọ nghe chuyện ấy bèn nổi điên lên và hét lớn:
- Thánh hay phàm gì không biết, nếu ổng là chồng tôi thì tôi sẽ cho ông ấy lỗ mũi ăn trầu vì làm nhục tôi trước mắt thiên hạ do một chuyện không đáng!
Sau một cuộc thảo luận lý thú với các học viên về vấn đề tánh chất của phụ nữ Mỹ và phụ nữ Ấn, tôi đã giải thích thêm:
- Bà Gandhi coi ông ấy không phải như một người chồng mà như một vị Tôn Sư, tức là như một người có quyền sửa sai bà ta theo kỷ luật tâm linh, dẫu cho vì những điều lầm lỗi không đáng kể.
Ít lâu sau đó, Thánh Gandhi bị giam vì bị một án tù chính trị. Bà ấy cũng tình nguyện xin vào sống trong tù để phục dịch cho chồng. Bà đã chết trong khám đường tại Poona năm 1944. Thánh Gandhi thường nhật vẫn bình thản, ít khi lộ vẻ vui buồn ra ngoài mặt, thế mà khi bà ấy qua đời, ngài đã sụt sùi khóc nức nở. Về sau, những môn sinh của ngài đề nghị xây một đài kỷ niệm công đức của bà, lời kêu gọi ấy được đáp ứng nhiệt liệt với mười hai triệu rưỡi rupee từ khắp nơi trên toàn quốc gởi đến. Thánh Gandhi đã quyết định sử dụng ngân khoản đó vào công việc cứu trợ xã hội để cải tiến sinh hoạt nông thôn trong các giới phụ nữ và nhi đồng.
Ngày nọ, tôi hỏi Thánh Gandhi:
- Thưa đại nhân, xin ngài cho biết quan niệm của ngài về chủ trương Ahimsa?
- Đó là Bất Bạo Hành, tức là không làm hại bất cứ một sinh vật nào, dù bằng tư tưởng hay hành động.
- Đó hẳn là một lý tưởng cao đẹp! Nhưng nếu có người hỏi: Ta có nên giết một con rắn độc chăng để tự vệ, hoặc để bảo vệ kẻ khác?
- Tôi không thể giết một con rắn mà không vi phạm hai điều giới răng này, là:Vô Úy và Bất Sát. Trong trường hợp đó tôi sẽ cố gắng hóa giải con rắn bằng tình thương. Những tiết điệu rung động của tình thương từ trong lòng tôi phát ra sẽ có thể làm cho nó lắng dịu. Không thể hạ thấp những lý tưởng tâm linh của tôi vì lợi ích cá nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Với sự thành thật đáng yêu của ngài, Thánh Gandhi nói thêm:
- Tuy nhiên tôi phải thú thật rằng tôi sẽ không thể bình tĩnh tiếp tục cuộc nói chuyện nầy nếu thình lình tôi bị đứng trước một con rắn hổ mang.
Màn đêm vẫn còn dầy đặc khi tôi thức dậy lúc năm giờ sáng. Đời sống thôn quê đã bắt đầu nhộn nhịp, trước hết là tiếng động của chiếc xe bò lăn bánh trên đường lộ ngang qua trước cổng đạo viện, kế đó là những người nông dân quảy gánh nặng trên đỉnh đầu họ và lầm lũi đi trong đêm tối. Sau bữa ăn điểm tâm, chúng tôi đến từ giã Thánh Gandhi. Ngài đã thức giấc từ bốn giờ để đọc kinh cầu nguyện mỗi buổi sáng.
- Kính chào đại nhân, chúng tôi xin từ biệt ngài!
Tôi quỳ xuống khấu đầu đảnh lễ dưới chân ngài và nói:
- Dưới sự điều khiển trong nom của ngài, Ấn Độ sẽ được an toàn.
Nhiều năm đã trôi qua sau cuộc gặp gỡ Thánh Gandhi tại Wardha. Trận thế chiến thứ hai đã bùng nổ khắp nơi. Trên không, trên đất liền và trên các đại dương đều dẫy đầy sát khí. Trong số các nhà lãnh đạo thế giới, Thánh Gandhi là người duy nhất đã áp dụng chiến thuật “Bất Bạo Động” để chống lại sức mạnh cường bạo của võ khí tối tân. Để giải quyết những nỗi bất công, hà khắc của chế độ thực dân, Thánh Gandhi đã dùng những biện pháp ôn hòa, không dùng bạo lực. Những biện pháp này đã luôn tỏ ra vô cùng hiệu quả.
Ngài giải thích chủ thuyết ôn hòa ấy như sau:
- Tôi đã nhận thấy rằng sự sống vẫn tồn tại giữa những cơn tàn phá, hủy diệt. Bởi vậy, hẳn phải có một định luật cao cả hơn định luật hủy hại trong thiên nhiên. Chỉ có định luật ấy mới đem lại một xã hội trật tự, điều hòa và mới làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Nếu đó là định luật của đời sống, chúng tôi phải thể hiện nó trong cuộc đời hàng ngày. Trong mọi cuộc tranh chấp, xung đột, mỗi khi chúng tôi phải đương đầu với một địch thủ, hãy chinh phục bằng tình thương. Tôi đã nhận thấy rằng định luật tình thương đã tác động hữu hiệu trong cuộc đời tôi bằng một cách mà định luật hủy hại không thể hiện được.
Ở Ấn Độ chúng tôi đã chứng nghiệm sự tác động của định luật ấy trên một quy mô vĩ đại. Tôi không nói rằng toàn thể bốn trăm triệu dân chúng Ấn đã thấm nhiễm được chủ thuyết Bất Bạo Hành, nhưng tôi quả quyết rằng lý tưởng ấy đã thấm nhập một cách sâu xa hơn bất cứ một chủ thuyết nào khác trong một thời gian rất ngắn ngoài sức tưởng tượng.
Người ta cần phải trải qua một thời kỳ luyện tập công phu ráo riết mới đạt tới lý tưởng bất bạo hành. Đó là một đời sống có kỷ luật, cùng như đời sống của một người lính chiến. Trạng thái tâm linh đó chỉ có thể sở đắc đến mức hoàn toàn khi nào tư tưởng, lời nói và việc làm đều được kết hợp trong một hòa điệu thích đáng nếu chúng tôi quyết định áp dụng sự chân thật và bất bạo động (hay lòng từ ái) như một phương châm của đời sống hàng ngày.
Thánh Gandhi đã huấn luyện hàng nghìn môn đệ tin theo chủ thuyết bất bạo động của ngài, những người này đã phát nguyện mười một điều giới răn khắc khổ đã nói ở phần trên. Đến lượt những vị này đi truyền bác ái lý tưởng đó khắp nơi trong xứ, để giáo dục quần chúng Ấn làm cho họ hiểu những giá trị tâm linh và lợi ích vật chất của chủ thuyết bất bạo hành. Ngài đã võ trang quần chúng Ấn Độ bằng những khí giới bất bạo động là sự bất hợp tác với chế độ thống trị, sẵn sàng chịu đựng những sự ngược đãi, bắt bớ giam cầm, và đến cả sự chết, thay vì sử dụng võ khí giết người. Lịch sử đã chứng minh rằng bằng những phương pháp ôn hòa đó, Thánh Gandhi đã đạt được nhiều thành quả chánh trị cho xứ sở của ông hơn bất cứ một nhà lãnh đạo quốc gia nào khác đã được bằng võ khí và bạo lực.
Chính sách bất bạo động của Thánh Gandhi được áp dụng một cách độc đáo không những trên sân trường chính trị mà cũng trên những địa hạt tế nhị và phức tạp của vấn đề tôn giáo và cải tạo xã hội. Chính sách ấy đã giải quyết êm thấm nhiều vụ xung đột gay go nan giải trường kỳ giữa người Ấn Giáo và người Hồi Giáo. Hàng trăm nghìn người Hội Giáo đã coi Thánh Gandhi như nhà lãnh đạo của họ, Những người “bất khả tiếp xúc” Intouchables, thuộc giai cấp cùng đinh mạt hạng trong xã hội coi ngài như đấng cứu tinh của họ. Thánh Gandhi có nói: “Nếu tôi phải luân hồi tái sinh trở lại, tôi ước mong đầu thai làm một người cùng đinh trong giai cấp hà tiện, bởi vì như thế tôi sẽ phụng sự họ đắc lực hơn”.
Danh hiệu "Mahatma" mà quần chúng Ấn dùng để gọi ngài, có nghĩa là “Đại Hồn”, hay Đại Linh Căn. Ngài được toàn thể dân chúng mến yêu và trọng vọng như một đấng từ phụ. Thánh Gandhi hoàn toàn tin tưởng nơi bản tính tốt lành tự nhiên thiên phú của con người. Những khuyết điểm sai lầm đương nhiên không thể tránh khỏi của người đời không làm cho ngài mất đi lòng tin tưởng đó. Ngài viết:
-Dầu cho kẻ bị đối phương dối gạt lừa bịp đến hai mươi lần, người Satyagraha (tín hữu môn phái bất bạo hành) cũng sẵn lòng tín nhiệm y lần thứ hai mươi mốt, bởi vì sự tin tưởng toàn vẹn nơi thiện tính căn bản của con người vốn là tinh hoa then chốt của môn phái Satyagraha (phong trào bất bạo động của Thánh Gandhi).
Ngày nọ, có người nói với Thánh Gandhi:
- Thưa đại nhân, ngài là một nhân vật độc đáo, phi thường. Chắc ngài không nghĩ rằng thế gian có thể hoạt động giống như ngài?
Thánh Gandhi đáp:
- Thật lạ thay mà thấy rằng con người luôn luôn tự dối mình. Họ tưởng rằng họ có thể cải tiến được cái xác phàm, nhưng không thể nào khai thác những khả năng tiềm ẩn của linh hồn. Tôi muốn chứng tỏ rằng nếu tôi có được ít nhiều khả năng đó, tôi cũng chỉ là một người yếu kém bất toàn như tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi có đủ sự khiêm tốn để thú nhận những điều lầm lạc, sai quấy của mình để sửa đổi lại. Tôi chỉ có một đức tin vững chắc nơi Thượng Đế, mến yêu sự thật và cố gắng thực hiện lòng từ ái. Nhưng phải chăng tất cả mọi người đều có sẵn tiềm tàng những đức tính đó ở tự nơi mình?
Nếu con người có thể thực hiện những phát minh mới mẻ tân kỳ trong cõi giới hiện tượng, thì họ há phải đành thú nhận sự phá sản của địa hạt tâm linh? Họ há phải là loài súc vật trước hết, rồi sau mới là người?
Tôi tranh đấu không ngoài mục đích đem lại hòa bình thế giới. Nếu phong trào khởi nghĩa của Ấn Độ được thành công trên căn bản chủ thuyết bất bạo động, điều đó sẽ tăng thêm một ý nghĩa mới cho lòng yêu tổ quốc nói chung, và nếu tôi có thể nói với tất cả tấm lòng khiêm tốn, cho chính đời sống con người vậy.
Sau khi Thánh Gandhi bị ám sát tại New Delhi ngày 31 tháng 1 năm 1948, Thủ tướng Nehru tuyên bố:
- Ngài quả thật xứng đáng là người cha của dân tộc, và một thằng điên đã giết ngài. Hàng triệu người dân Ấn đang thương khóc ngài bởi vì ánh sáng soi đường cho họ đã tắt. Ngọn lửa thiêng chói rạng trên mảnh đất này không phải là thứ ánh sáng tầm thường. Nó sẽ còn chói rạng trên xứ này đến muôn đời về sau, và cả thế giới đều sẽ nhìn thấy.
Năm tháng trước đó, Ấn Độ đã thực hiện nền độc lập quốc gia của mình trong sự hòa bình. Công trình của Thánh Gandhi đã được thành tựu mỹ mãn. Khi Thánh Gandhi từ từ ngã quỵ với ba viên đạn bắn vào mình ông, một thân hình mảnh khảnh của một ông già đã 78 tuổi, ngài chấp hai tay trong cử chỉ vái chào theo phong tục Ấn Độ, biểu lộ sự tha thứ trầm lặng của ngài đối với thủ phạm. Luôn luôn là một người có tinh thần nghệ sĩ độc đáo tuyệt luân vào lúc chết. Tất cả hy sinh trong cuộc đời vị tha vô kỷ của ngài đã kết thúc bằng cái cử chỉ cuối cùng biểu lộ tình thương đối với kẻ sát nhân cuồng tín. Nhà bác học Albert Einstein đã viết về Thánh Gandhi như sau:
- Những thế hệ tương lai sẽ không ngờ rằng một người như ngài có thể xuất hiện bằng xương bằng thịt để dẫm chân đi trên mặt đất.
Bức điện tín từ Tòa Thánh La Mã gửi đến phân ưu:
- Việc ám sát Thánh Gandhi đã gây nên xúc động bi ai tại Tòa Thánh. Ngài được tưởng niệm như một bậc sứ đồ nêu cao những đức hạnh của chúa Ki Tô.
Cái chết bi thảm của Thánh Gandhi vì chánh nghĩa đeo lại sự hòa hợp dân tộc cho xứ Ấn Độ đã nêu cao thông điệp nhắn nhủ của ngài cho một thế giới đang bị giày xéo bởi sự tranh chấp xung đột trên tất cả các vùng lục địa. Ngài đã tuyên bố bản thông điệp đó với những lời lẽ đầy ý nghĩa tiên tri:
- Lý tưởng bất bạo động đã đến với nhân loại và nó sẽ tồn tại với thời gian. Nó là ngọn cờ tiền phong của nền hòa bình thế giới.