Thím Dâu
Trần Quốc Bảo
Tôi trông thấy những giọt lệ trên khuôn mặt thím, khi thím sắp sửa quay đi. Thím đã khóc, khóc vì tủi phận.Hành lý đã được ông nội tôi soạn sẵn cho thím. Đầu đĩa, ti vi, vật dụng, tủ bàn...Thứ nào thuộc quyền sở hữu của thím ông nội đều dọn hết
Thím về nhà mẹ đẻ cùng hai đứa con gái. Người thiếu phụ chưa gặp được mặt chồng lần chót mà phải đi trong đắng cay. Chiếc xe tải nhỏ được ông thuê chở đồ đạc giúp thím, tiền bạc ông đã chi trả hết, nhưng tình nghĩa thì làm sao chi. Tôi hiểu ông cũng buồn khi phải xa hai đứa cháu gái và người con dâu. Chẳng còn gì có thể cứu vãn khi tình cảm rạn nứt. Đành nén lòng vì con cháu, cho yên ổn và bình an gia can, hạnh phúc của thím về sau nữa, thím ra đi là giải thoát khỏi bể dâu ngang trái.
Ông nội đã già, sức khoẻ không còn bao nhiêu, sao bao năm bôn ba hết thời trai trẻ, giờ nhìn lại bóng ngã xế tà, ông trở về đoàn tụ tìm chút ấm áp bên thâm tình máu mũ, kể ra khá là muộn màng.
Dòng đời nhiều hệ lụy, mắc xích, nhiều bước ngoặt. Con tạo lắt lay không xuôi theo mong muốn. Số phận mỗi một thành viên trong gia đình tôi không ai giống ai. Anh em chú bác chia đàn xẻ nghé, người ra riêng, kẻ lận đận, ngay cả bản thân tôi cũng miệt mài nhả tơ
"Kiếp tằm vướng nghiệp tình thơ
Đêm đêm tựa cửa sầu mơ một mình"
Thím dâu cất bước ra đi trước mịt mùng muôn lối rẽ. Khơi trong lòng tôi chút đổ vỡ hôn nhân. Người chú bạc bẽo trên mười năm đồng sàn chung mộng giờ ngang nhiên có vợ bé bên ngoài. Sự thật phũ phàng, không chỉ thím mà cả hai đứa con gái chú cũng ngỡ ngàng. Chút hờn ghen đàn bà nhuốm lên ngọn lửa tị nạnh nơi quả tim hẹp hòi. Đàn ông rộng rãi bao nhiêu cũng được, nhưng rộng rãi trong tình cảm chiếu chăn thì thật đáng trách. Thím dâu đau khổ khóc thầm uất nghẹn. Có nhiều đêm hai vợ chồng thím chiến tranh, cải vã và gây gỗ, đồ đạc trong phòng thay phiên nhau rơi xuống nền gạch, hai con chú khóc thét vì sợ hãi. Cuộc hôn nhân trở thành trò chơi rượt đuổi chạy khắp nhà. Bà nội chịu không thấu cái tình cảnh vợ chồng xem nhau như kẻ thù mà phải lên giọng chỉnh thím, sau đó rầy la chú. Tội tình đâu phải chỉ riêng một mình thím gánh.Phận đàn bà đúng nghĩa không một ai mà chấp nhận việc chồng mình chia nồng xẻ ấm với một người đàn bà khác. Chú rũ bỏ trách nhiệm với con mà chạy theo cái hạnh phúc lạ xa, chẳng rõ bến trong hay bến đục. kẻ phá hoại gia đình người ta là kẻ không đứng đắn. Xã hội phê phán họ qua mớ ngôn từ "lẳng lơ, trắc nết".Thế là họ ly thân, thím vẫn nương tựa ở nhà chồng.
Dù sống gần bên gia đình thím, nhưng tôi chẳng bao giờ xen vào cuộc sống của thím, nên cũng chẳng rõ chú tôi có trợ cấp tiền cho mẹ con thím hay không mà thím phải bươn chải mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nhìn cái vóc dáng không được cao mấy, thân hình tròn đều, cầm xấp vé số, đội chiếc nón lá tơi, trông xót xa quá!
Tôi tự hỏi "Sao thím chưa chịu về nhà ba mẹ ruột? níu kéo chi cảnh chăn đơn chiếu rách." câu hỏi đích thân tôi tự mò ra lời giải. Phận gái một khi gả đi rồi là con người khác. Thím đâu còn mặt mũi nào nhìn lại phụ mẫu với ê chề tủi hổ.
Sống gần ba năm, hằn nhiều sầu hận, giờ đột nhiên ông nội bảo thím nên về nhà mẹ đẻ. Lúc đầu thím nào chịu, bởi thím cũng có hộ khẩu trong gia đình. Rồi như suy nghĩ thấu đáo thế nào mà thím nhờ ông nội viết gửi ba mẹ thím vài dòng xin lỗi, cho thím còn có chút danh dự của phận dâu con. Ra đi là giải pháp tốt. Không còn tình thương nơi chồng thì đổ dồn hết vào hai đứa con gái. Trách nhiệm thiêng liêng sâu nặng quằn vai người đàn bà. Ra đi bởi khỏi là người lạc loài, lối xóm không còn soi mói bằng ánh mắt thương hại. Ra đi là hết duyên mà cũng dứt nợ.
Đừng trách hờn gì, khi ông nội quyết định thế thím ơi! tuổi xuân thím không còn là bao thì đừng để tiếc nuối lại là dấu hỏi lớn trong cuộc đời!
Viết xong 1 giờ 40 phút ngày 20 tháng 1 năm 2006
Chỉnh sửa 12 giờ 45 ngày 22 tháng 1 năm 2006