“Sấm” Petrus Ký
Lêanhdũng
Duy đạp xe dạo phố Sai Gòn. Những con đường quen xưa nay đã đổi, những địa danh, tên đường cũng được thay bằng các tên mới! Chàng đạp xe đi trong thành phố đầy người. Lòng đường không biết cơ man nào là đủ loại xe di chuyển. Các con đường giống như những con sông, nước bị tắt nghẽn. Nào xe hơi, xe gắn máy đủ loại, xe đạp, chen vào thêm một ít xe xích lô... Người đi bộ cũng không cần đi trên lề đường mà tự nhiên lấn ra lộ. Cuối cùng chàng đành xuống xe dắt bộ theo lề đường. Chàng không dám mạo hiểm ngồi trên chiếc xe đạp mà không có lối nào để chen. Thật ra, mọi người đang điềm nhiên đi, điềm nhiên cỡi xe gắn máy và lái xe hơi, còi xe inh ỏi... Nhưng riêng Duy, chàng không muốn bị người ta cọ quẹt hay đè lên người mình khi chiếc xe đạp chẳng may bị ai đó đụng phải...
Hình như Sài Gòn bây giờ đầy người, ngập tràn, giống như nước lũ từ các nơi đổ dồn về con sông nhỏ. Con sông nhỏ chảy không kịp, nên nước dâng lên tràn bờ gây lũ lụt. Nếu ta ở trên một máy bay quan sát lượng người và xe cộ của một thành phố mà đường sá chưa được mở mang, trong lúc mật độ xe và người tràn đầy lòng và lề đường, thì ta có thể tưởng tượng đó là nước của những con suối nhỏ tìm chảy về dòng sông cái. Nhưng dòng sông cái ấy đã bị tắt nghẽn ở đâu đó... Ấy vậy mà Duy vẫn dắt được chiếc xe đạp mượn của bạn đi trên lề, tuy phải lách qua nhiều chướng ngại vật là người đi bộ cùng chiều và ngược lại.
Xa Sai Gòn đã mười mấy năm trời, bây giờ về lại chính nơi chàng đã sống qua thời tuổi thơ; thế mà giờ đây chàng cảm thấy mình như bị rơi vào một hành tinh nào lạ hoắc. Chàng nhớ lúc bé, sống với ông bà nội từ tuổi lên năm, mẹ phải nuôi hai em nhỏ ở quê ngoại. Cha chàng là một Sĩ Quan chế độ miền Nam bị “học tập cải tạo” ngoài Bắc. Lúc vừa bị đưa xuống tàu biệt xứ, cha chàng viết thư từ giã gia đình. Hình như ông nghĩ rằng đi chuyến nầy là không có ngày trở về; cho nên nói với mẹ đem chàng cho ông bà nội nuôi. Theo quan niệm của ông bà, chàng là cháu đích tôn, lỡ ông bỏ xương nơi xứ Bắc thì cũng có người nối dõi tông đường... Thế là chàng đã phải xa mẹ xa em vào Sai Gòn ở với Ông Bà đi học... Lúc gia đình chàng được qua Hoa Kỳ theo diện tị nạn là lúc chàng đang theo học Đại Học năm thứ hai Phú Thọ, ngành Công Chánh.
Qua Mỹ, với vốn liếng tiếng Nga và hành trang là một mớ kiến thức về XHCN trong đầu; những năm đầu tiên chàng phải vật lộn với cái cũ và cái mới, những chán nản xé rách cả một thời tuổi xuân. Từ năm thứ hai Đại Học rơi xuống con số không, một tiếng Anh chàng cũng không biết. Thế mà trước sự khuyến khích của cha mẹ, của các em và bè bạn, chàng đã quyết tâm nhập cuộc bằng từ con số không đó bò lên từng bước. Thế rồi bảy năm sau, chàng đã mặc áo thụng đen, đội mũ ra trường từ Đại Học nổi tiếng Berkeley! Thật là một niềm hãnh diện cho cả gia đình...
... Chàng vừa dắt xe đi theo lề đường Thống Nhất cũ, bây giờ mang tên Lê Duẫn, vừa ngắm mấy cô nữ sinh viên đang tung tăng với nhau gần nhà thờ Đức Bà. Phố xá có đổi thay một ít, nhà cửa cao hơn to hơn, người đông đúc hơn, nhịp độ buôn bán có phần sầm uất hơn lúc chàng ra đi, nhưng đường sá thì vẫn thế. Một thành phố không có những bãi đậu xe, không có những lối dành cho xe đạp, đèn xanh đèn đỏ chưa có ý thức tuân thủ... bao nhiêu đó khiến cho Sai Gòn vẫn là nơi tai nạn nhiều nhất và kém an toàn nhất... Mải suy nghĩ vẩn vơ, chàng vượt qua tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc nào không hay. Lần đến công viên trước Dinh Độc Lập cũ, chàng cảm thấy mỏi mệt trong người. Tìm một ghế đá công viên, cho xe đạp sát vào, chàng ngồi trên ghế mà một chân thì xỏ vào xe phòng hờ bị cướp. Xe đạp mượn mà bị cướp mất thì phiền, chàng suy tính trong đầu...
Buổi chiều Sài gòn nhè nhẹ đến trong cái oi nồng mùa hạ. Mồ hôi trong người chàng cứ xâm xấp, hực ra mùi chua khó chịu. Định cư lâu năm ở một xứ ôn đới, quanh năm ít có mồ hôi toát ra trừ khi tập thể dục; bây giờ về lại quê hương với cái nóng ẩm vùng nhiệt đới, chàng cảm thấy hình như mình đang bị bỏ vào lò lửa... Hai mắt chàng mệt mỏi nhìn về phía xa, những con chim trên cành đang nhảy nhót chít chiu với nhau rồi cùng ùa bay về phía dinh Độc Lập... Cái nóng mùa hè bốc lên làm mờ ngọn cờ đỏ. Màu cờ đỏ cọng với sự oi bức làm chàng chóng mặt... Chàng nhìn đồng hồ, đã 5 giờ chiều mà sức nóng vẫn chưa tha, ánh sáng chói chang, mặt trời vẫn như lò than. Hay là chàng bị dị ứng với khí hậu? Hai mí mắt cứ chờ cụp xuống, nặng trĩu...
Bên kia đường bổng có mấy bóng đàn bà, không, mấy cô gái còn rất trẻ đang tiến về phía chàng. Họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ, ăn mặc diêm dúa lẳng lơ đến sát ghế đá nơi chàng đang ngồi. Duy đứng vội lên, lúng ta lúng túng trong cổ họng muốn chào. May mà chàng kịp giữ những lời chào còn trong thanh quản, chứ nếu phát ra thì lộ tẩy chàng là người ở nước ngoài mới về! Chẳng là những câu chào hỏi bằng tiếng Anh cứ đợi sẵn theo thói quen!
- Anh đợi ai đấy?
- Anh có nhớ chúng em không?
- A! người nầy lạ tụi bay ơi!
- Trông sao búng ra sữa nè!
- Cho tụi em ngồi với...
Chàng nghiêm giọng:
- Xin các cô cho tôi yên, tôi đang nhức đầu muốn ngồi tịnh dưỡng một chút, vả lại tôi không có tiền đâu!
- Để em mát xa cho anh nghen, tay em lành lắm đó, hết liền hà!
- Cảm ơn! Xin các cô đi kiếm nơi khác! Tôi đang bệnh mà!
- Thằng chả chỉ biết cảm ơn thôi tụi bay...
Mấy nàng cảm thấy không ra ngô ra khoai gì nên nguýt dài rồi cuốn gói qua phía bên kia, có mấy người đàn ông đang ngồi trên ghế hoặc đang đi dạo... Buổi chiều xuống dần trong tiếng ồn ào xe cộ, tiếng người, tiếng máy bay với sức nóng oi nồng nhiết đới...
Từ sáng đến giờ, chàng đã đi qua những con đường kỷ niệm ngày xưa, những ngôi trường khi chàng còn đi học. Trường Nhật Tảo, nơi Duy đã mài đủng quần những năm tiểu học, nay xuống cấp trầm trọng. Chung cư Ấn Quang, nơi Duy lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của ông bà nội, ngày nay mục nát, chàng có cảm tưởng rằng nó sẽ có thể sập bất cứ lúc nào. Không khí ồn ào chung cư trước sau vẫn thế, nhưng cái thối nồng ở các xó cầu thang thì không thể nào chịu nổi. Thế mà từng ấy người vẫn ở, từng ấy không gian nhỏ hẹp vẫn phủ chụp mọi người... Cái nghèo và cùng khốn của đám dân lao động khi xưa, bây giờ càng tệ! Bạn bè chàng hầu hết đã theo gia đình định cư ở các quốc gia. Chỉ còn sót lại thằng Lèo con ông Bốn Tân trên lầu ba chung cư Ấn Quang. Nó ngồi trước tủ bán vé số, thuốc lá lề đường với một vợ và ba con nhỏ.
Lèo, sau khi đậu trung học, đi nghĩa vụ quân sự mấy năm, bị thương cụt hết một tay, giải ngũ về nhà báo gia đình. “May là còn được một tay để đếm vé số!” Lèo vui vẻ tâm sự với Duy như thế. Nhìn bạn và nhìn cảnh sống của gia đình bạn, bỗng nhiên Duy thấy cay cay ở mắt. May mà chàng đã thoát khỏi và đã từ kinh nghiệm trong đói nghèo ở quê nhà, nên khi ra hải ngoại chàng mới hết sức cố vươn lên; bằng không, chắc gì giờ này chàng đã khác với hoàn cảnh của Lèo! Lúc xin phép đi vacation, Thằng Vương, làm cùng sở hỏi:
- Du lịch chỗ nào vậy?
- Về thăm Việt Nam.
- Ứ! Như thế không phải là du lịch mà đi tìm quá khứ.
- Có lý! Tìm quá khứ xem còn gì như trong ký ức không.
- Có thể có có thể không, nhưng chắc chắn là mầy sẽ buồn suốt cuộc hành trình. Mầy sẽ thấy một tháng trời đầy nỗi u hoài mà thôi!
Thằng Vương nói không sai chút nào. Duy về lại nơi xưa đã chất chứa bao kỷ niệm ngày thơ, tìm lại từng con đường, từng hơi thở dồn dập khi theo em xuống phố... Thế mà thực tế từ khi xuống máy bay đến giờ là những chán chường, những ray rứt, những suy tư cùng những cái không vui phủ chụp lấy... Đi chơi, đi vacation là để cho đầu óc nghỉ ngơi sau bao nhiêu ngày tháng làm việc. Nhưng chuyến hành trình nầy, chàng chỉ chuốc lấy chán và buồn mà thôi.
Đạp xe ngang qua Trường Lê Hồng Phong, nơi Duy qua những năm trung học, những ganh đua, những tị hiềm giai cấp, những khăn quàng đỏ, những Mac- Lenin, Thanh niên CSHCM và XHCN tốt đẹp, những giờ học tiếng Nga...Nếu không vào được Đại học thì đi nghĩa vụ quân sự ở Miên thời ấy...! Ôi cái quá khứ không có gì vui sao cứ lẩn quẩn trong hồn! Giờ đây, Duy đứng trước cổng trường, sao xa lạ như một người vừa mới ngủ một giấc dài trên giường, khi thức giấc thấy mình đang nằm ngoài cánh đồng không mông quạnh... Chàng cô đơn nhìn những thế hệ đàn em đang vào lớp... Ngồi mơ màng suy nghĩ vẩn vơ, hai mắt Duy cố mở lớn, nhưng không hiểu sao, chúng cưỡng lại lệnh, cứ từ từ nhắm lại. Và chàng đi vào một giấc mơ...
* * *
... Đứng trên một con cầu bắt qua suối, Duy ngắm những tia nước róc rách tìm lối chảy vào một hồ trong veo đầy những con cá Koi nhiều màu sắc đang bơi lội. Cảnh trí buổi chiều thong thả, bên kia hàng cây dâm bụt là một căn nhà cổ, cất theo lối miền Nam. Căn nhà mà hình như Duy đã thấy ở đâu đó từ trong tiềm thức. Đúng là chàng đang đứng trước một phong cảnh miền Nam. Đúng là Duy đang ở giữa những cánh đồng cò bay thẳng cánh... Căn nhà cổ sang trọng kia nằm giữa một vùng giàu có đầy thóc lúa! Nhưng Duy ngạc nhiên là tại sao mình có thể bất ngờ đến nơi nầy. Chàng đang thắc mắc và đang tìm câu trả lời thì trong nhà có hai em nhỏ khoảng mười ba tuổi chạy ra vái chào:
- Chào anh Duy! Ông tổ của chúng em sai ra đây đón anh!
- Sao các em biết tên anh? Ông tổ của các em là ai vậy?
- Ông tổ nói ra đón anh Duy! như vậy ông tổ đã biết tên anh. Mời anh vào nhà.
Duy theo chân hai em nhỏ vào sân. Sân trước nhà kê nhiều chậu hoa lạ, lối bước lên tam cấp có hai con lân bằng đá chạm trổ tinh xảo. Các loại kỳ hoa dị thảo đều có mặt mổi thứ hai chậu sắp đối hai bên trong thật là bề thế. Ánh sáng buổi chiều dìu dịu, mái ngói lâu năm màu xám xịt rong rêu, những cột kèo chạm trổ tinh vi bóng loáng. Bộ tràng kỷ xưa chạm trổ những hoa văn sa cừ... Một ông già đang ngồi thong thả uống trà. Chàng gập người vòng tay:
- Cháu xin chào ông!
- Ừ! Duy đấy hửng! Vào đây... Con học ở Petrus Ký từ năm 1982 đến năm 1988 phải không? Tuy tên trường bị đổi thành tên khác, nhưng đó là gia tài trí thức của miền Nam, là ngôi từ đường biết bao thế hệ mang tên Petrus phải không?
Duy giật mình đánh thót, như có ai đó sờ vào lưng với bàn tay nước đá lạnh ngắt. Chàng chưa kịp tỉnh táo quan sát ông già đang ngồi trên ghế trường kỹ thì nghe ông nói tiếp:
- Con học khá lắm! Qua Mỹ không những không nản chí mà còn làm nên được tiếng cho quê hương, cho trường Petrus Ký nữa.
- Dạ thưa ông là ai mà biết con từ chân lông kẽ tóc?
Ông già bỗng cười vang, giọng miền Nam vui:
- Con ngồi đi! ông cho phép.
Duy chưa dám ngồi vào ghế tràng kỷ, chàng nhìn ông lão tiên phong đạo cốt, bận áo dài, trên ngực có nhiều huy chương, có cả dây chuyền mang Thập Tự Giá, đội khăn đóng, không có râu... Ôi! sao giống tượng bán thân Petrus Ký chính giữa trường mà Duy thấy trước khi bị người ta hạ bệ cho vào dĩ vãng, thay thế bằng tên Lê Hồng Phong. Chàng đánh bạo nhìn kỹ lần nữa và... Ôi Chao! Đúng là ông Petrus Ký đang ngồi đó. Thất kinh, không kìm được sự kinh ngạc và kính phục, chàng quì xuống:
- Thưa... Có phải Ngài là Petrus Ký? Con có mắt như không, xin Ngài tha lỗi!
- Con thông minh lắm! Đứng dậy đi -
Ông vừa nói vừa đứng dậy đến bên Duy hiền từ đỡ duy dậy, ấn chàng ngồi xuống chiếc trường kỷ đối diện. Trên bàn, bộ tách trà nhỏ màu đất sẫm tỏa mùi thơm kỳ dịu hương hoa lài.
- Ta biết chuyến về quê hương lần nầy, mục đích của con là tìm kỷ niệm quá khứ. Nhưng con đang bị chán chường trước thực tế phải không? Uống trà đi rồi ta cùng trao đổi những kinh nghiệm cuộc đời!
Duy rón rén ngồi xuống mà lòng đầy thắc mắc, làm sao mình đến nơi nầy, ai đã đem mình đến đây. Mà phong cảnh nầy hoàn toàn trong quá khứ? Ông già ngồi kia là Trương Vĩnh Ký? Ôi! hay là chàng đã chết, hồn đến đây gặp những người muôn năm củ...
- Ta biết con đang có trong đầu trăm ngàn câu hỏi và thắc mắc rằng sao có thể đến nơi này gặp ta. Ta thấy con đang ngồi bên chỗ pho tượng của ta ngày trước trong công viên mà tâm hồn không ổn định. Ta gọi con đến đây để có một vài điều tâm sự cùng con. Khi xưa, lúc ta còn nhỏ, ta đã bị xa cha mẹ như con vậy... Ta cũng trăm đắng ngàn cay thoát ra từ đói nghèo mà không nản chí cầu học. Con nên hiểu câu “tang điền biến vi thương hải”, mà Nguyễn Du, Cụ cũng có hai câu thơ hay: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao!” Con đã vượt qua được những gian nan thời tuổi trẻ, giờ đây chờ dịp để giúp ích cho quê hương...
- Thưa Ngài! Xin cho một vài giáo huấn về con đường trước mặt.
- Sau mấy mươi năm vật đổi sao dời, thiên cơ còn bất khả lậu. Ngoạ Quỉ thì nhiều mà lòng người thì đang ly tán! Không thể tính một năm hai năm mà phải tính từ hàng chục. Con có thấy các triều đại vua chúa thời xưa không? Mỗi triều đại tính hàng trăm năm, mỗi dòng họ cai trị hàng bao thế kỷ. Thế thì nước ta bây giờ vẫn nằm trong những vòng xoay ta bà, rồi cũng sẽ biến thiên thuận thế! Về mặc nhân sinh, dân Việt mình đã đi đến tận cùng trái đất, đâu đâu cũng có con dân nước Việt. Đó cũng là việc tốt! Đất nước tuy trong vận hạn chưa tan chướng khí, nhưng những đổi thay tất yếu đang chuyển mình. Ngày con có dịp phục vụ quê hương trong tự do dân chủ không còn xa. Hãy cố gắng lên!
Duy vừa uống trà vừa nghe, những âm vang quá khứ và tương lai như nhắc nhở cái hiện tại đầy bất trắc nhiễu nhương trong tham nhũng, áp bức, độc quyền độc tôn, giai cấp mới ngoi lên vẫn đè đầu dân quê ngheo xơ xác...
- Thưa Ngài! Con xin có thắc mắc, Thưa, định hướng XHCN trong Kinh Tế Thị Trường có thể tồn tại được không ạ!
- Nước với lửa thì không trộn vào nhau được nhưng không thể thiếu hai thứ ấy trong cuộc đời. Mỗi thứ dùng vào mỗi lãnh vực, nhưng không trộn cho chung một.
- Thưa Việt Nam có thể nào có Đa nguyên như mọi người ước mơ?
- Trước mặt thì chưa, cái nọc độc còn phát tát, dân trí chưa cao, nền giáo duc một chiều; Vả lại hệ thống công an và hệ thống Đảng cắm quá sâu vào từng thớ thịt quê hương... Ta cho con bốn câu thơ để suy nghiệm:
Chó sủa hai lần định âm dương,
Gà toi sống lại thuận Nam Phương
Liềm búa trả về tay cố chủ,
Lưỡng cực hòa minh rạng tỏ tường
Muốn tháo gỡ phải mất hàng thế hệ bằng giáo dục, bằng thông tin, bằng ...
* * *
- Ê! Dậy mau, kiểm tra giấy tờ! Nằm ngủ ngay trong công viên là vi phạm...
- Thằng nầy ngủ ngon quá! Dậy mau...
Duy giật mình tỉnh dậy trong kinh hãi. Trước mắt chàng là một đám công an áo vàng, kẻ đèn pin, người cầm súng. Duy ngồi phắt dậy, dụi mắt:
- Các ông làm gì vậy?
- Anh cho xem giấy tờ chứng minh nhân dân.
- Tôi không có chứng minh nhân dân, chỉ có hộ chiếu...
- A! Ông nầy ở Mỹ về mà nằm ngủ ở đây có thể là đang làm tình báo CIA! Đem về đồn Công An Quận 2 !
- Mà cái xe đạp của tôi đâu rồi?
- Ông nói cái gì? Chúng tôi đến đây chỉ thấy ông nằm ngủ chèo queo trên ghế đá, không xe cộ gì hết, đừng có lộn xộn... Đứng lên, về đồn sẽ biết!
leanhdung
PK 65