Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Thoạt kỳ thủy

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11639 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thoạt kỳ thủy
Nguyễn Bình Phương

B. 1

Mười một giờ mười lăm.
Con cú giật mình chới với rơi từ vòm lá sung xuống. Không tiếng nổ, không người. Một vật gì bằng ngón tay cái đã nhằm trúng ngực nó.
Con cú dang rộng đôi cánh màu hoa mơ, cố cất lên, nhưng không được. Một bên cánh mỏi dừ, nặng nề sã xuống. Nó kêu mấy tiếng nhỏ, bất lực để cơ thể chạm nước. Bóng cây sung vỡ tan, loang rộng thành những vòng tròn mịn và nổi gồ.
Nước thong thả chảy.
Trưa, vắng.
Chiếc bè vó lầm lũi áp dần vào bờ trái. Trên bè vó, một người đàn bà ngồi vắt vẻo ru cho đứa bé trai ngủ.
Bên kia, bãi ngô, nóc nhà, ngọn cây của dân xóm Soi đột ngột dâng cao.
Nước ngấm qua lông, chạm vào da khiến con cú tỉnh táo lạ thường. Nước mơn man vuốt ve bụng nó. Ðôi chân con cú thu gọn lại, áp sát vào ức. Và nó thấy khoan khoái vì trạng thái dập dềnh nhè nhẹ.
Xa xa, rặng bạch đàn xanh mờ chạy thành bức tường chắn ngang sông cái.
Con cú tròn xoe mắt nhìn hai bên bờ. Nó trôi theo dòng nước, chậm rãi, lờ đờ.
Người đàn ông què chống gậy chui từ bè ra, đến phía sau, vạch quần đái. Tiếng nước chạm nhau ồ ồ, dai dẳng, xen với tiếng ho khan.
*

Liên bưng mâm cơm từ bếp lên. Khi lách qua cửa nhà, cạnh mâm chạm vào thành cửa, xô nghiêng. Một đôi đũa rơi xuống. Một chiếc bát trượt ra mép tay. Liên lúng túng cố chỉnh mâm cho cân. Phước, chồng Liên đang ngồi trên giường, tay mân mê cái chén, nhắc vợ:
“Cẩn thận.”
Bát rơi. Tiếng vỡ thô, đanh.
Liên hạ mâm, toan quay lại nhặt mảnh vỡ, bị Phước đạp thốc vào bụng. Liên cắn răng ôm bụng ngồi bậc cửa, đầu tỳ lên cánh tay. Bụng Liên to, vồng tròn.
“Hết tiền à?’’ 
Phước hỏi.
«Hết.»
Liên đáp, nhẹ hơn gió. Phước bặm môi, nén tiếng thở dài. Lúc ấy môi Phước xám đen, run run.
“Không có rượu, cơm cũng thành cứt. Thôi, dọn đi!”
Mâm cơm lại về bếp. Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách. Không có rượu, Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ. Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm. Liên sang bên vợ chồng Ðiện, lúc về, xách theo nửa chai rượu trắng đục. Mắt Phước sáng rực, trìu mến. Liên đặt chai trước mặt chồng,
Phước vồ lấy. Liên hỏi:
“Lúc nãy anh đạp chết con thì sao?”
Phước tợp chén, cười:
“Chết thì đền.”
Liên ôm mặt, tóc xõa ra:
“Mạng người không phải cái lá.”
Phước hồ hởi:
“Thiếu đếch gì, còn khối!”
Liên hứ một tiếng cong cớn. Phước lại rót rượu ra chén. Rót thành thạo, kính cẩn. Liên dặn chồng uống xong, nhớ ăn cơm, rồi vơ đồ đi làm. Liên trùm chiếc khăn xanh thẫm lên đầu, quấn một vòng từ sau gáy chẹn qua sống mũi, chỉ hở hai con mắt. Hai con mắt đen láy, mênh mông lướt qua mặt chồng.
Liên đi vào núi Hột.
Nắng xối xả.
Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu. Dưới chân núi, bãi đã ngổn ngang. Chếch mé trái, mấy chiếc lều tránh nắng nằm xiên vẹo, trống hoác.
Năm, sáu chục người trùm khăn ngồi bó gọn, đập đá. Những đống nhỏ xếp theo hình thang nằm rải rác khắp nơi. Không ai nói chuyện. Chỉ tiếng sắt va đá vang lên triền miên, ong ong.
Mấy chiếc xe nằm im lìm chờ công nhân bốc hàng.
Liên ngồi soãi chân, đập miên man. Bàn tay Liên nhịp nhàng, đều đặn đưa lên, hạ xuống theo một đường vòng cung.
Nheo đến, tháo găng, ngồi xổm cạnh Liên. Nhìn bụng Liên xệ xuống, Nheo chép miệng:
“Sắp đến ngày rồi, cố làm gì cho khổ!”
Liên không đáp, nhờ lấy hộ tích nước.
Chiều xuống, Liên thấy bụng nhâm nhẩm đau. Lúc nữa, càng đau nặng. Cơn đau thắt ở vùng lưng. Liên đứng dậy loạng choạng lê đến lán nghỉ. Khi cơn đau dịu lại, Liên thấy buồn đi ngoài. Rồi lại đau quặn. Liên kêu. Cánh đập đá chạy xô đến. Nheo gọi:
“Anh Mười đâu, chạy đi tìm cáng.”
Mười hỏi:
“Bị sao?”
“Ðau đẻ chứ sao.”
Mười sang xí nghiệp mượn cáng.
Ở trạm xá xí nghiệp, Liên nằm rên ư ử. Cô y tá trẻ măng cuống quýt chạy đi chạy lại.
Nghe tin vợ đẻ, Phước lật đật đến. Không ai cho Phước vào. Chốc chốc, Nheo lại ra báo tin cho Phước. Nheo than:
“Khổ quá. Mặt chị ấy cứ rúm lại.”
Phước lầu bầu:
“Trước sau rồi sẽ đến lượt cô.”
Trạm xá làm bằng vách nứa, ken thưa, mỏng. Phước loay hoay chờ bên ngoài. Ðêm lan ra, mặt người nhọ nhem thoắt ẩn thoắt hiện. Trong buồng Liên nằm, đèn hắt ra vàng đục như mắt chó gặp lửa. Phước ngồi mỏi, bèn lấy cái chén uống nước của trạm xá, đưa lên mồm gặm. Gặm được khoảng hai mươi phút, thì có tiếng trẻ khóc. Nheo chạy ra vồ lấy Phước:
“Con trai!”
Lúc ấy trăng đến.

*



Vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại.
Trăng không đi hình vòng cung lên cao. Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời. Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết.
Ðôi ba tiếng chó sủa.
Phước vẫn gặm chén.
Liên nằm thiêm thiếp, mồ hôi rịn trên vầng trán xanh xao vương mấy sợi tóc.
Năm lên hai tuổi, Tính không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Tính thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm.
Năm Tính bốn tuổi, thì vợ ông Bồi đánh cá và vợ ông Ðiện thịt lợn thuê cùng đẻ một giờ, cùng là con gái. Vợ chồng ông Bồi đặt tên con là Thương, vợ chồng ông Ðiện đặt tên con là Hiền.
Phước vẫn uống rượu đều đặn. Ngày ở nhà chăm rau, chăm lợn, đêm ngủ sớm.
Nghề mổ lợn của Ðiện thưa hơn vì có chỉ thị cấm sát sinh.
Thi thoảng rỗi, cánh đàn ông lại tụ nhau trên bè vó nhà Bồi què uống rượu.
Tính hay ra đầu nhà bắt công cống giết. Trẻ cùng lứa không đứa nào chơi với. Tính chẳng đi học, nên vật vạ khắp xóm.
Máy bay đánh.
Sung, xã đội trưởng đến hô hào bà con lên hang dơi trú ẩn. Hang dơi rộng, ẩm, nhiều nhũ đá, lắm dơi. Dơi bay qua bay lại vùn vụt trên nóc hang, ẩn hiện ma quái giữa các nhũ đá lóng lánh làm Tính vui vẻ, hoạt bát hẳn lên.
Trong xã, chỉ có nhà Bồi què không đi, sống chết bám sông, đánh cá đưa lên hang bán.
Máy bay đánh cả ngày, nhiễu thả trắng trời. Trẻ con ra nhặt về tết làm búp-bê.
Linh Sơn nhiều người điên, họ hay tụ tập ở cột số múa hát í a. Ðợt máy bay đánh, chết mất một phần ba. Sau, lại có người ở các nơi lân cận đến nhập, thành ra càng đông hơn.
Ngớt bom, xã lại rời hang về nhà. Ðược một dạo, rồi cũng phải kéo nhau lên lần nữa. Sung chỉ huy dân quân tuần khắp hang để bắt Việt gian. Người đàn ông hay bán tương cho dân bị bắt và đem lên huyện xử.
Tối, Sung lôi xềnh xệch Phùng vào hang, chống nạng tuyên bố:
“Tay này tôi nghi là Việt gian.”
Phùng ôm đầu kêu trời. Vợ chồng Mịch đứng ra bênh:
“Bác ấy là văn nghệ sĩ đi kháng chiến, đừng ác mồm vu vạ như thế.”
Sung thả Phùng nhưng đe sẽ tìm được chứng cớ. Bom đánh trúng xã. Có khoảng hai mươi quả rơi quanh khu cột số. Trường lái xe Tiến Bộ bị thả bom chùm, chết nhiều người. Ông Tường, đại tá ghé qua nhà ngủ, bị trúng bom xác văng lên ngọn tre.
Khi dọn về, Nhai thấy một hố bom ngay trước cổng nhà mình, chửi:
“Tổ cụ thằng Mỹ, ăn cái hĩm bà.”
Sung nghe khoái lắm, buổi họp nào cũng đem ra kể làm gương về lòng căm thù.
Mấy năm sau.
Vợ chồng bà Xuân toét chuyên sống bằng nghề muối cà thấy ông Sung đến bảo:
“Thằng Hưng nhập ngũ đợt này.”
Bà Xuân khóc lóc, nói với ông Sung:
“Vợ chồng tôi già cả, có mỗi một mụn con, không miễn cho nó được hay sao?”
Ông Sung chống nạnh, lạnh lùng nói:
“Bọn Mỹ nó có miễn bom đạn cho vợ chồng bà không?”
Hưng được ba ngày chuẩn bị.
Trước tới nay hai mẹ con bà Xuân hay cãi vã nhau, giờ Hưng hóa tử tế, ngoan ngoãn hẳn. Hôm đi, Hưng dặn mẹ:
“Thế nào tôi cũng về, đừng có mong.”
Ông Xuân bị điếc, không nói, chỉ nhìn con gật gật.
Ðợt ấy, cả xã có mười hai người đi Bê.
Rồi có giấy báo tử cả mười hai người. Xã làm truy điệu tập thể.
Hai tháng sau lễ truy điệu con, bà Xuân ốm chết. Ông Xuân trụ lại được nửa năm, rồi cũng thổ máu đi gặp vợ. Trước khi chết, ông Xuân nhờ người gọi ông Khoa đến trăng trối gì đó. Ông Khoa nghe xong gật đầu và mặt ông Xuân bừng sáng. Chôn cất ông Xuân xong, mọi người tò mò xúm lại hỏi nhưng ông Khoa không tiết lộ.
Ngày giải phóng, tự dưng Hưng lù lù khoác ba lô về. Hưng nhận mình là thương binh, nhưng không có thẻ. Ông Sung hỏi giấy, Hưng chỉ vào chóp đầu:
“Ðây!”
Ông Sung sờ, thấy chỗ ấy lõm, nhũn như thóp trẻ sơ sinh.
Ông Phùng ở một túp lều riêng trong khu Cậm cam. Ngày thì trồng sắn, trồng lúa, đêm ngồi cặm cụi viết. Cả xã ai cũng quý ông Phùng vì tính nhu mì. Quê ông Phùng, nghe đâu ở xa lắm. Tất cả chỉ biết có thế.
Tính hay lân la vào chơi chỗ ông Phùng. Ông Phùng kể chuyện cho Tính nghe. Toàn chuyện bịa. Không bịa được, lại đem bản thảo ra đọc. Ðọc chán thì đốt. Tính thấy lửa, thích, nhảy nhót cuống cuồng. Ông Phùng ngạc nhiên, vỗ vai Tính:
“Mày lạ như lửa.”
Tính hỏi lại, ông Phùng nói:
“Cái gì lạ cũng thành kiệt tác.”
Các buổi chiều trẻ con xúm lại nghe Hưng kể chuyện đánh Mỹ. Hưng lấy hai quả chuối gắn vào hai khóe mép, vươn cổ ra trước:
“Khoặp! Ðấy, một nhát là đi đứt.”
Bọn trẻ vừa sợ vừa khoái. Nhiều đứa đến trường thấy cô giáo, bèn chạy sấn lại, há mồm, rồi kêu:
“Khoặp!”
Ý chúng nó nói, cắn cổ cô giáo. Ông Khoa đến góp ý, bị Hưng đạp trúng đầu gối, đuổi về. Thằng Chanh Linh quệt mũi đế vào:
“Anh mọc nanh cắn bỏ mẹ bác ấy đi.”
Ông Khoa giận, không sang thăm Hưng nữa.
Hưng xui bọn trẻ vào bẻ mía vườn nhà ông Mịch. Nhiều người ca cẩm, Hưng thè lưỡi, trợn mắt:
“Trẻ con không xui cũng biết ăn cắp.”
Ông Mịch ức, cho con rình, nhưng không bắt được.
Bà Liên và cô Nheo suốt ngày quần quật ở bãi đá. Chú Mười hay bỏ việc la cà sang chơi với ông Phước. Ðược một dạo, tự dưng chú Mười không đến nữa mà ra bãi đá chăm chỉ làm.
Ông Ðiện lang thang khắp xã mổ lợn thuê, thi thoảng lại rủ Tính đi cùng cho vui. Ông Ðiện quý Tính vì bảo gì cũng làm, không hỏi, không nề hà. Ðến nhà nào, chủ hỏi, ông Ðiện cũng lẩm bẩm:
“Nhẽ ra tôi phải có con trai đầu lòng.”
Một lần, ông Thụy hùn lời:
“Lớn lên cho con Hiền với thằng Tính lấy nhau.”
Cô Nheo cười vỗ tay trêu:
“Ra chào mẹ đi, con rể.”
Tính vặc đầu:
“Cặc.”
Bà Liên túm lấy tát con hai cái. Tính cắn răng chạy ra chỗ những người điên.
Ông Ðiện hay mời ông Phước sang nhắm rượu với cổ hũ, lòng lợn. Ông Phước bảo mọi người:
“Ông Ðiện là đức Thánh Trần.”
Tính dành thời gian giết công cống, bắt được con nào cũng trân trọng đặt lên lòng tay, rồi bất thần đập tay kia xuống. Công cống chết nát bét. Tính cười mỉm, mặt rực lên.
Tờ mờ sáng, ông Ðiện đập cửa gọi Tính theo mình xuống cầu Rào thịt lợn. Ông Phước dậy mở cửa, càu nhàu:
“Mất cả ngủ.”
Ông Ðiện cười:
“Trưa về có cổ hũ.”
Ông Phước tỉnh hẳn, quát như lệnh vỡ:
“Tính, dậy theo bác.”
Ông Ðiện đi trước, tay cầm dao, tay cầm gậy, vai khoác một vòng dây thừng. Tính lẽo đẽo bám theo cạnh. Lúc ấy còn sương, trông ông Ðiện với Tính mờ ảo, chập chờn như ma. Khi ông Ðiện bắt lợn, Tính túm hai chân sau của lợn ghì vào ngực. Con lợn nặng hơn tạ giãy đạp, nhưng không kêu được chỉ rên ư ử. Ông Ðiện có cách giết lợn gọn gàng, kín đáo vì thế tránh được phòng thuế xã. Ông Ðiện trói xong, xoay ra mài dao xoèn xoẹt, lệnh cho gia chủ:
“Chậu! Muối! Cả đôi đũa để khoắng, mà thôi, khoắng tay cũng được.”
Tính hết việc khoanh tay nhìn. Ông Ðiện vốc nước vỗ vỗ vào cổ con lợn. Vỗ đến ba lần, ông Ðiện quơ con dao, hô Tính cầm chậu hứng, rồi xọc vụt dao vào cổ lợn. Tính nghe tiếng dao đi sừn sựt. Ông Ðiện vặn nghiêng dao, tiết phun ra đỏ rực. Tính ngửa cổ ra sau tránh tiết lợn bắn vào thấy mặt ông Ðiện thản nhiên như không. Tay giữ dao, tay thò xuống, ông Ðiện khoắng liên tục, tiết vỗ vào chậu óc ách.
Ðến bảy giờ, ông Ðiện đã pha xong thịt.
Chủ nhà mang ra đôi sọt, ông Ðiện xếp từng súc thịt vào cho gọn, sau lấy lá chuối khô phủ lên. Cẩn thận, chủ nhà còn đặt trên nóc sọt nải chuối xanh, rồi buộc xe đèo sang chợ bán.
Mười giờ kém hai mươi thì lòng dồi được làm xong, ông Ðiện gói ít thịt, nửa cái cổ hũ đưa cho Tính ôm. Trên đường về, ông Ðiện mân mê con dao, nói với Tính:
“Có nó mới sống được đấy, cu ạ.”
Tính nhìn dao, nuốt nước bọt.
Trưa ấy, ông Phước lại sang uống rượu. Tính định bỏ vào bãi Nghiền sàng chơi, ông Ðiện giữ lại:
“Hai đứa mày hầu rượu bọn tao.”
Ông Phước khen sáng kiến hay, gọi Hiền vào, bắt hai đứa đứng chầu hai bên. Bà Liên, cô Nheo đi làm về, thấy, chửi bới ầm ĩ. Tính nhân cơ hội ấy chuồn thẳng.
Một trưa. Ông Phước ngồi uống rượu ngoài thềm, thấy Hiền cắp rổ đi lấy rau vừng, bèn hỏi Tính:
“Mày thích con bé này không?”
Tính gật. Ông Phước cười khà khà:
“Lớn lên, nó đẹp nhất trần đấy.”
Hiền học đến lớp bảy thì bỏ, ở nhà giúp mẹ.
Càng về sau, ông Ðiện càng ít gọi Tính đi theo mình vì ông để ý thấy Tính nhìn cảnh chọc tiết lợn với vẻ ham muốn đáng nghi. Mắt Tính càng lớn càng vằn lên.
Bà Liên quý Hiền, gọi bằng con, xưng là mẹ. Hiền ít nói, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, việc gì cũng làm đến nơi đến chốn.
Ngày giỗ chạp, hai gia đình vẫn mời nhau sang ăn. Họ thành cặp thân mật nhất xã từ trước đến giờ. Bà Liên đùa Hiền:
“Mày làm dâu tao, con ạ.”
Hiền đỏ mặt.
Ông Ðiện ốm sáu tháng. Cô Nheo chạy chữa thuốc thang tốn kém, phải bán dần đồ đạc trong nhà. Bán gần hết, cũng không đủ. Bà Liên đem tiền sang giúp. Gia đình cô Nheo hết gạo, bà Liên cũng bảo ông Phước xách sang hơn hai yến.
Ông Phùng thấy Hiền nhặt rau vừng, gọi vào đưa cho một gói tiền, Hiền không dám cầm. Ông Phùng trợn mắt:
“Ðể bố cháu chữa bệnh. Muốn ông ấy chết hử?”
Hiền mếu máo cầm về. Cô Nheo đến lạy lục cảm ơn, ông Phùng chỉ cười xòa. Từ đấy, Hiền quý ông Phùng lắm, lúc nào rỗi cũng ghé qua chơi.
Nhà ông Mịch ngày càng mất nhiều mía. Cả nhà xót của, không ăn không ngủ được, đâm bẳn gắt cãi vã nhau. Nửa đêm ông Mịch hô có trộm. Hàng xóm vùng dậy vác dao đuổi, không thấy ai. Ông Sung hỏi:
„Nó lấy gì?“
Ông Mịch lắp bắp phân bua:
„Tôi mơ thấy chúng nó bẻ mía.“
Ông Sung văng tục, bỏ về.
Hưng đi qua vườn mía nhà ông Mịch, gật đầu đắc ý nói bâng quơ:
„Chà, vợi quá nhỉ.“
Ông Bồi mời ông Phùng lên bè chơi. Hàn huyên một lúc, ông Bồi xoay sang chuyện đàn hát. Ông Bồi vờ chau mày nghĩ ngợi, nói giọng buồn chán, tiếc nuối:
„Ngày xưa suýt nữa tôi thành nhạc sĩ.“
Vinh, con cả ông Bồi chen ngang:
„Phét lác!“
Ông Bồi vơ điếu cày ném, Vinh nhoài xuống nước. Ông Phùng định về, ông Bồi giữ lại, lấy cây đàn bầu sứt sát ra, nói hồ hởi:
„Tôi đánh bài trống cơm cho bác nghe.“
Tiếng đàn rung lên, đục ngầu, rối loạn. Ông Phùng cúi đầu nhăn nhó. Khi về, trời đã khuya, ông Phùng thấy bên kia sông, dân xóm Soi đi thành vòng tròn trắng đục, ma quái. Nhìn quanh, không có ai, ông Phùng ôm ngực chạy hồng hộc.
Ðêm. Tính không ngủ được vì trăng. Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết. Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời. Tính đáp điên cuồng. Trăng không vỡ, đá rơi ào ào xuống nhà hàng xóm. Chó sủa rộ. Tính phát hiện ra con chó nhà ông Ðiện mắt vàng, sáng quắc đang rọi vào mình. Tính đớ người nhìn nó chằm chằm.
Nó đấy. Lạnh. Mắt chó vàng như trăng. Lại sáng. Nó giội lên bao nhiêu nước. Gội lên cả những người xóm Soi đang đi trên mép sông. Nhiễu nhiều lắm. Ông Ðiện cầm dao xọc vào cổ lợn, thế là lửa vụt lên. Như cái lưỡi liếm mặt. Xong rồi, xong rồi xong rồi ông Phùng cười nắc nẻ. Bom thì chả nổ, chỉ ngoạm thôi. Dơi đặc kín cả cái màn của mẹ. Nó rung rung, khoái lắm. Mắt chó vàng như trăng. Cho muối vào, khoắng, khoắng thật đều vào, sư ông tướng con, nó đông lại, chỉ có nhịn.
Bố còn gặm chén, không ai hiểu được. Hiền cầm rau vừng tung cho lợn. Lợn cười thành trăng. Lạnh lắm, mẹ ạ. Công cống cũng sắp hết rồi. Phải chờ anh Hùng nó mới ra. Khoặp! Ði đứt cả lũ. Lạnh lắm,
mẹ ạ

<< A. Tiểu sử | B. 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 704

Return to top