Căn nhà của nữ võ sư Kim Liên nằm trong một con hẻm sâu. Tiểu Long chở Quý ròm, ba nhỏ Hạnh chở nó trên xe gắn máy, bốn người vừa chạy rề rề vừa đảo mắt dáo dác nhìn lên các biển số nhà.
Sở dĩ ba nhỏ Hạnh có mặt trong chuyến đi này đầu đuôi là do Quý ròm. Nó bảo với Tiểu Long nó sẽ chứng minh người diễn viên hôm nọ là anh Tú. Tưởng nó nghĩ ra mưu kế gì, ai ngờ nó “chứng minh” bằng cách chạy tới “cầu cứu” nhỏ Hạnh.
Nhỏ Hạnh giúp Quý ròm bằng cách chờ một buổi tối rỗi rãi, mon men lại gần ba:
- Ba nè!
- Gì thế con?
- Ba đã bao giờ nghe nói về nghề cascadeur chưa?
Ba mỉm cười:
- Ba đã từng viết về họ.
Câu trả lời của ba làm nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Ba đã từng viết về họ ư?
- Đúng thế! Ba đã từng đến đó.
- Đến đâu cơ?
- Đến phòng tập của câu lạc bộ Cascadeur.
Nhỏ Hạnh tò mò:
- Ba đã gặp tất cả mọi người chứ?
- Tất nhiên! Ba đã gặp hầu hết thành viên trong câu lạc bộ! Võ sư Kim Liên đã giới thiệu họ với ba!
- Võ sư Kim Liên là ai?
- Là phó chủ nhiệm câu lạc bộ.
- Là nữ ư? – Nhỏ Hạnh ngẩn ngơ.
- Nữ thì sao?
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
- Con cứ nghĩ phụ trách công việc này phải là nam chứ!
- Vậy là con lầm rồi! Võ sư Kim Liên là người đeo thập bát bạch đai, một đẳng cấp tối cao của Võ cổ truyền! Bà được võ sư Nguyễn Phương Danh tức nghệ sĩ Tám Danh dạy võ công từ nhỏ, sau đó thụ giáo các võ phái Sa Long Cương Bình Định, Thiếu Lâm, Thái cực Đường lang, học thêm kiếm Tây, kiếm Nhật…
Nhỏ Hạnh có vẻ không hình dung được những điều ba nói. Nó cắn môi:
- Thế sao con ít thấy bà ấy xuất hiện trên các báo thể thao thế?
- À! – Ba gật gù – Bởi vì võ sư Kim Liên học võ không phải để thi thố võ nghệ, mục đích chính của bà là tìm cách ứng dụng võ thuật vào sân khấu. Trên căn bản võ thuật đắc thủ được, bà tìm tòi, chắt lọc và sáng tạo những chiêu thức đẹp mắt, hiệu quả và quan trọng là chiêu thức đó phải phù hợp với thể lực của người nghệ sĩ, chứ không phải võ sĩ, để có thể trình diễn được trên sân khấu. Ba quên nói với con, võ sư Kim Liên còn là phó chủ nhiệm Khoa Cải lương của trường Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh!
Nhỏ Hạnh trầm ngâm một hồi rồi tiếp tục thắc mắc:
- Nhưng việc gì bà ấy phải học nhiều môn võ khác nhau thế? Con nghĩ nếu để ứng dụng trên sân khấu, chỉ cần thông thạo võ cổ truyền là đủ!
- Không đơn giản như con nghĩ đâu! – Ba tặc tặc lưỡi – Cũng là binh khí, nhưng Lục Vân Tiên sử dụng côn, Quan Vân Trường múa Thanh Long đao hay Tôn Ngộ Không múa thiết bảng đều có đặc trưng riêng. Dựng tuồng dã sử về thời Tây Sơn thì không khó, nhưng nếu gặp tuồng Nhật, người chỉ đạo võ thuật buộc phải am hiểu các môn võ Nhật như Karaté, Kendo, Aikido hay Judo. Cũng vậy, khi dựng các vở phương Tây như Roméo và Juliette chẳng hạn, diễn viên sân khấu phải biết các tư thế chào, cầm kiếm và đánh đỡ của các hiệp sĩ châu Âu thời xưa…
Đang nói thao thao, ba bỗng nhỏm người dậy và quay sang nhỏ Hạnh:
- Nếu con thích, chiều mai ba dẫn con đến nhà thăm võ sư Kim Liên! Từ lúc bà ấy đi lưu diễn ở Pháp về, ba vẫn chưa gặp lại!
- Ba nói thật đấy chứ?
Nhỏ Hạnh nói như reo. Nó đang tìm cách gạ ba viết về đề tài cascadeur để bọn nó tìm cách đi theo điều tra bí mật của anh Tú. Khi nghe ba bảo đã từng viết bài giới thiệu về câu lạc bộ này rồi, nó không khỏi than thầm. Nào ngờ đúng vào lúc nó không còn hy vọng gì, ba lại rủ nó đi thăm võ sư Kim Liên, một trong những người phụ trách câu lạc bộ, bảo nó không mừng như bắt được vàng sao được!
Tất nhiên ba không hiểu ý nghĩa tiếng reo của nhỏ Hạnh. Thấy nó hào hứng, ba mỉm cười:
- Con quan tâm đến chuyện võ nghệ từ bao giờ thế?
Nhỏ Hạnh nói trớ:
- Hôm trước xem ti-vi, thấy các anh chị cascadeur giật giải trong “Trò chơi liên tỉnh” nên con tò mò thế thôi!
Ừ, trẻ con nào mà chẳng tò mò! Ba nghĩ thế nên khi nhỏ Hạnh đề nghị cho Tiểu Long và Quý ròm tháp tùng, ba vui vẻ đồng ý ngay.
Hẻm càng lúc càng sâu, bốn người vừa đi vừa dòm quanh quất, mãi vẫn chẳng thấy địa chỉ muốn tìm.
Nhỏ Hạnh chép miệng:
- Ba chưa đến đây lần nào sao?
- Chưa! Những lần trước ba chỉ gặp võ sư Kim Liên ở phòng tập của câu lạc bộ!
Đang nói, ba bỗng reo lên:
- A, kia rồi!
Đã được ba gọi điện thoại hẹn trước nên võ sư Kim Liên không hề bất ngờ trước sự viếng thăm của người quen cũ. Bà chỉ ngạc nhiên trước bọn trẻ lủ khủ đi theo:
- Ôi, ông nhà báo còn dẫn theo những hoàng tử, công chúa nào nữa thế này? Hay là định giới thiệu mầm non vào đội nhào lộn trong câu lạc bộ của tôi đây?
Ba cười:
- Con cháu tôi cả đấy! Chúng vốn hâm mộ câu lạc bộ Cascadeur nên biết tôi đến thăm chị, chúng nhất quyết đòi đi theo để “chiêm ngưỡng dung nhan” chị cho bằng được!
Võ sư Kim Liên trợn mắt:
- Ôi, chiêm ngưỡng dung nhan xấu xí của bà lão này ư? – Rồi bà vẫy tay, vui vẻ - Vậy thì xin mời quý khách vào tệ xá!
Hồi sáng, khi nghe nhỏ Hạnh tấm tắc thuật lại những điều ba nó kể về nữ võ sư Kim Liên, Tiểu Long và Quý ròm thán phục đến ngẩn ngơ. Và tụi nó mường tượng một nữ võ sư mang đai cấp mười tám của võ cổ truyền, lại thông thạo võ công của nhiều môn phái khác, hẳn phải là một người oai phong, quắc thước ghê gớm. Nào ngờ trước mắt tụi nó lúc này chỉ là một phụ nữ nhỏ nhắn trạc năm mươi tuổi, thậm chỉ có vẻ gầy gò, mảnh mai, khác hẳn với những gì tụi nó hình dung.
Quý ròm huých mạnh vào hông Tiểu Long, thì thào:
- Bà ấy cũng còm ròm giống như tao thôi!
Ngay lúc đó, ánh mắt của võ sư Kim Liên lia ngay đến chỗ hai đứa đứng khiến Tiểu Long quýnh quíu. Sợ thất lễ với chủ nhà, Tiểu Long vội né qua một bên tránh cú huých của Quý ròm.
Cú lách người bất thần của Tiểu Long làm Quý ròm mất thăng bằng. Nó hoảng hốt thấy người mình chao đi, nhưng đúng vào lúc nó loạng choạng sắp sửa ngã xoài ra đất thì xoẹt một cái, võ sư Kim Liên đã bắn đến bên cạnh và giữ chặt vai nó, miệng tủm tỉm:
- Cẩn thận chứ, chú bé!
Quý ròm đỏ bừng mặt. Nó lấm lét nhìn quanh với vẻ ngượng nghịu. Thật là chả ra gì! – Quý ròm tự rủa thầm – Nếu không nhờ bà võ sư gầy nhom này kịp thời ra tay, mình đã làm trò cười cho mọi người rồi! Ý nghĩ đó khiến Quý ròm càng thêm xấu hổ: Thế ra mình đánh giá về bà võ sư này sai be sai bét! Thân thủ của bà nhanh không tưởng tượng. Cú lạng người phi phàm kia cứ như thể của một cô gái trẻ, chẳng có vẻ gì được thực hiện bởi một phụ nữ trung niên cả!
Những hình ảnh trong các cuộn băng vi-đê-ô quay tại Pháp được chiếu trên màn ảnh ti-vi sau đó càng khiến Quý ròm ngạc nhiên về sự nhanh nhẹn kỳ lạ của người phó chủ nhiệm câu lạc bộ Cascadeur mảnh khảnh này.
Cùng với Tiểu Long và nhỏ Hạnh, nó nghệt mặt xem cảnh võ sư Kim Liên song đấu tay không và binh khí với các võ sĩ Mỹ, Pháp, Angiêri, Thuỵ Sĩ… Nó như không tin và mắt mình khi thấy bà nhanh như cheo, đánh đỡ tự tin, đẹp mắt và kiến hiệu trước những võ sĩ to gấp đôi, gấp ba bà giữa tiếng reo hò ngưỡng mộ của công chúng nước ngoài.
Sau đó, bọn trẻ còn được xem những cảnh biểu diễn rùng rợn của các thành viên câu lạc bộ Cascadeur như đu dây tử thần hoặc cảnh vừa rượt đuổi vừa bắn nhau với “bọn cướp” bằng cách nằm ngửa trên xe, hai tay vẩy hai súng còn chân thì lái xe, bóp thắng, rồ ga… Trong những trích đoạn đó, võ sư Kim Liên đã tham gia không ít những cảnh đứng tim khiến bọn trẻ vừa xem vừa giật mình thon thót.
Trong khi Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh mải mê và thích thú ngồi dán mắt vào màn hình xem cảnh võ sư Kim Liên đóng những pha chiến đấu thay cho diễn viên Hương Giang trong phim
Tây Sơn hiệp khách, thay cho Việt Trinh trong
Ngọc Trản thần công… thì bà ngồi điềm tĩnh trò chuyện với ba nhỏ Hạnh.
Bà tâm sự:
- Thực ra mục tiêu của câu lạc bộ chúng tôi không chỉ hướng tới việc đào tạo những người đóng thế vai trong điện ảnh. Tôi mơ ước sẽ xây dựng nó thành một Võ phái Nghệ thuật với mục tiêu biểu diễn và truyền bá, nhưng hiện nay hoàn cảnh còn khó khăn…
- Thế chị đi suốt như thế này, anh ấy có nói gì không?
Câu hỏi của ba nhỏ Hạnh làm mắt bà long lanh. Bà đáp với giọng hạnh phúc:
- Chồng, mẹ chồng và các con tôi đều cảm thông và ủng hộ công việc mà tôi đang say mê đeo đuổi!
Đang nói, như sực nhớ ra một việc, bà mỉm cười:
- Thú thật thì thời gian đầu, chồng tôi đôi lúc cũng bực mình! Có lần tôi mải đi biểu diễn về trễ, chẳng lo cơm nước gì cho anh ấy. Đẩy cửa bước vào nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy một cái lồng bàn đậy giữa bàn ăn. Giở ra, tôi càng tá hoả. Trong lồng bàn chỉ có tờ bằng khen của tôi và chiếc đai của bộ võ phục mà thôi! Đó là một cách giận dỗi của anh ấy đấy!
Rồi bà vui vẻ tiếp:
- Nhưng đó là chuyện cũ, lâu rồi! Bây giờ những lúc mệt mỏi, nhớ chồng thương con, nếu không có sự động viên và cáng đáng của anh ấy, có lẽ tôi không đủ sức để theo nghề nữa…
- Hết rồi, cô ơi!
Tiếng kêu giật của Quý ròm cắt ngang câu chuyện giữa hai người. Võ sư Kim Liên quay lại:
- Gì thế cháu?
Quý ròm chưa kịp đáp, Tiểu Long đã hứng khởi vọt miệng:
- Phim hay quá cô ơi! Cô còn cuộn phim nào khác nữa không?
- Hôm nay trễ rồi các cháu! – Ba nhỏ Hạnh hắng giọng – Đã đến giờ cô Kim Liên phải có mặt tại câu lạc bộ rồi! Hôm khác chúng ta sẽ đến quấy rầy tiếp vậy!
Vừa nói ông vừa đứng lên khỏi ghế. Trong khi Quý ròm và nhỏ Hạnh lục tục đứng lên theo và lễ phép cáo từ chủ nhân thì Tiểu Long vẫn nấn ná hỏi thêm:
- Các anh chị cascadeur luyện tập ở đâu thế hở cô?
- Ở câu lạc bộ thể thao Nguyễn Du. Bọn cô thuê phòng tập ở đấy, mỗi tuần ba buổi, chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu! – Đáp xong, võ sư Kim Liên niềm nở mời – Hôm nào rảnh, các cháu cứ đến đó chơi!
- Chắc chắn tụi cháu sẽ đến ạ!
Tiểu Long hoan hỉ nói và lật đật chào người võ sư, nó hối hả quay người đi theo Quý ròm và nhỏ Hạnh.
Nhưng vừa ra khỏi cửa, Tiểu Long bỗng “Ơ” lên một tiếng rồi hấp tấp dừng chân, quay sang hai bạn:
- Chết rồi! Tụi mình quên hỏi chuyện kia!
- Chuyện kia là chuyện gì? – Quý ròm giương mắt ếch.
Nhỏ Hạnh đập tay lên vai Quý ròm:
- Thì chuyện anh Tú chứ chuyện gì! Mải xem phim, Hạnh cũng quên khuấy mất mục đích đến đây!
- Ờ há! – Quý ròm gãi gãi đầu – Đoảng thật! – Rồi nó đánh mắt sang Tiểu Long – Thế bây giờ mày chạy vào hỏi đi!
- Tao ư? – Tiểu Long giật bắn.
Quý ròm láu lỉnh:
- Thì mày chứ ai! Anh Tú là anh mày mà!
Tiểu Long rụt cổ:
- Thôi, tao không dám đâu! Mày mau mồm mau miệng, vào hỏi giùm tao đi!
- Thằng này lạ! – Quý ròm nheo mắt – Có gì phải sợ! Mày chỉ cần hỏi xem trong câu lạc bộ Cascadeur có người nào tên Tú không thôi!
Tiểu Long tròn mắt:
- Chỉ hỏi thế thôi ư?
- Thế thôi! Câu trả lời sẽ làm sáng tỏ tất cả.
- Thế thì được!
Tiểu Long nhè nhẹ thở ra và rụt rè quay trở vào nhà.
- Ôi, mấy đứa trẻ làm gì mà lâu thế?
Dắt xe ra một hồi, chẳng thấy bọn trẻ ra theo, ba nhỏ Hạnh sốt ruột cất tiếng gọi.
- Ba chờ tụi con một tí! – Nhỏ Hạnh ngoảnh lại đáp – Bạn Long bỏ quên nón, phải quay vào lấy!
Câu trả lời của nhỏ Hạnh làm ba ngạc nhiên:
- Bạn con khi nãy đâu có đội nón!
- Không đội nhưng cầm trên tay ạ! – Quý ròm phịa nhanh như máy.
Nó vừa nói dứt, Tiểu Long đã hớn hở quay ra.
Quý ròm nhìn bạn lom lom, giọng thăm dò:
- Không có ai tên Tú phải không?
Tiểu Long cười tươi:
- Có! Quả là có một anh chàng tên Tú!
- Có sao trông mày phởn thế? – Quý ròm không khỏi lấy làm lạ - Mày chẳng sợ anh Tú mày tham gia vào những trò diễn nguy hiểm sao?
- Sợ thì vẫn sợ! Nhưng không hiểu sao sau khi gặp võ sư Kim Liên, tao cảm thấy bớt sợ đi nhiều.
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Nghĩa là Long bắt đầu cảm thấy nghề này cũng hay hay chứ gì?
- Ừ!
Nhỏ Hạnh tủm tỉm thì Quý ròm cũng tủm tỉm:
- Nghĩa là mày không còn ý định ngăn cản anh Tú mày đóng phim nữa chứ gì?
Trái với suy nghĩ của Quý ròm, lần này Tiểu Long lại lắc đầu:
- Không! Tuy đã bớt sợ nhưng tao vẫn thấy lo lo là! Anh Tú tao không nên đi theo nghề này thì hơn!
Lối ăn nói mâu thuẫn của Tiểu Long khiến cặp lông mày Quý ròm nhăn tít. Nhưng nó không có thì giờ để hỏi tới hỏi lui. Giọng nói giục giã của ba nhỏ Hạnh một lần nữa lại vang lên:
- Lên xe đi các cháu!