Trần Tự-Sơn, Đào Kỳ, Đô Dương… đến chỗ trú của anh hùng Lĩnh Nam ở cửa Đông thành thì không thấy một người nào ở đây nữa. Chủ nhà cho biết khi trước đó mấy giờ, Phương-Dung trở về, đốc xuất mọi người vượt thành ra ngoài. Nàng để lại một bức thư. Đào Kỳ lấy bóc ra, trong thư vỏn vẹn có mấy chữ:
Trần đại ca nên mang Khất đại phu, Chu sư bá, Đô đại ca và Đào tam lang đi Lạc-dương cứu nhũ mẫu, nhất là phải áp bức Mã Thái-hậu đưa thuốc giải để cứu Tiên-yên nữ hiệp. Mọi việc ở đây tiểu muội xin lo liệu hết.
Khất đại phu nói:
– Con bé Phương-Dung ước tính như vậy là phải. Về võ công, lão với Đào tiểu hữu đủ sức đấu với các võ sĩ cấm quân Lạc-dương. Về lý thì Lĩnh-nam vương với Hàn Thái-hậu tình nghĩa mẹ con thâm trọng, thì nên đích thân đi. Còn Đô, Chu thì thuộc đường lối trong thành. Thôi chúng ta lên đường.
Nguyên sau khi cứu Trần Tự-Sơn ra khỏi nhà ngục, Khất đại phu, Đô Dương, Chu Bá đánh nhau một trận trời long đất lở với cấm quân, thoát đến điện Vị-ương. Phương-Dung nảy ra ý cho Trần Tự-Sơn giáp mặt với Quang-Vũ, gọi là ân đoạn nghĩa tuyệt, để Vương có thể nhất tâm, nhất trí lo phục hồi Lĩnh Nam. Vì hơn ai hết, Phương-Dung biết Tự-Sơn là người tình cảm. Giữa Vương với Quang-Vũ không phải một ngày, đôi tháng mà tuyệt tình được. Nay nếu đưa Vương ra ngoài thành cầm quân, Vương không thể thẳng tay với Quang-Vũ, thì chi bằng trong lúc Vương đang phẫn hận, để Vương gặp Quang-Vũ tuyệt tình với y, thì mới mong Vương dứt khoát với Hán.
Sau khi Tự-Sơn kể hết những xấu xa bỉ ổi của Quang-Vũ trước mặt quần thần, Vương gọi tên tục Cảnh-Thủy hoàng đế là Lưu Huyền, gọi tên tục Quang-Vũ là Lưu Tú. Đô Dương mạ lỵ Quang-Vũ bằng lời lẽ nặng nề, như vậy Tự-Sơn không còn liên hệ với Hán nữa. Trong khi Đô Dương kinh nghiệm về quân tình nhà Hán. Chàng lại cầm quân lâu, nên đưa ra ý định khi rời thành Trường-an, phải đánh Quang-Vũ một trận trời long đất lở, để y biết mặt anh hùng Lĩnh Nam. Phương-Dung ước tính rằng Trần Tự-Sơn với Quang-Vũ tình nghĩa quá thâm trọng, không dễ gì một ngày trở mặt với nhau được. Lại nữa, các quan văn võ triều Hán đều không ít thì nhiều liên hệ với Vương, mà bảo Vương dùng quân Thục đánh nhau với họ, không thể nào được. Vậy muốn thực hiện trận đánh, Phưong-Dung tìm cách cho Tự-Sơn vắng mặt. Trận đánh Trường-an là trận then chốt, sau trận này, anh hùng Lĩnh Nam rời Trung-nguyên, trở về đánh đuổi quân Hán phục quốc.
Phương-Dung cùng Tiên-yên nữ-hiệp, Trần Công-Minh vượt thành, gặp quân Thục đang đi tuần. Viên lữ-trưởng nhận ra Phương-Dung vội đón về doanh trại.
Trong doanh trại Thục, anh hùng Thiên-sơn, Lĩnh Nam tụ tập đông đủ. Họ thấy Phương-Dung trở về với một số người lạ mặt thì ngơ ngác không hiểu. Đầu tiên Mai-động ngũ hùng Nguyễn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, đến trước mặt Tiên-yên nữ hiệp, Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn phủ phục xuống hành lễ, vấn an sư bá, sư thúc. Các tướng Thục biết ba người này địa vị không nhỏ. Họ lại thấy Cao Cảnh-Sơn cùng hai con đến trước mặt Cao Cảnh-Minh thụp xuống làm lễ kêu bằng sư thúc, thì biết đây là những cao nhân mới từ Lĩnh Nam tới.
Bỗng Tiên-yên nữ hiệp kêu lên một tiếng, ái chà rồi loạng choạng muốn ngã. Phương-Dung đỡ bà dậy, mặt bà khi xanh, khi đỏ, mồ hôi vã ra, tay chân lạnh toát. Nàng đưa bà vào trong trướng đặt lên giường. Hơi thở của bà rất yếu, chỉ còn thoi thóp. Tuy nhiên bà là người cương cường can đảm, dù đau đến chết bà cũng không lên tiếng, song độc tố Huyền-âm của Trần Lữ hành hạ, khiến người bà run lập cập, mặt tái nhợt, tỏ ra đau đớn vô cùng. Các anh hùng Lĩnh Nam đều lắc đầu nhìn bà ngao ngán không biết làm sao.
Đêm hôm trước Khất đại-phu đã nói, trúng chưởng này không có thuốc nào chữa được. Khi bất cứ ai bị trúng nọc độc Huyền-âm thì cứ cách ngày lên cơn một lần, cho đến khi nào trong người kiệt lực không còn sức chống bệnh nữa, sẽ chết như ngọn đèn hết dầu. Phương-Dung kể chuyện cho mọi người nghe, Tạ Thanh-Minh với Trần Lữ bị Đào Kỳ dùng nội công đẩy chất độc Huyền-âm trở lại người, bọn chúng cũng chịu chết mà không có thuốc giải. Bây giờ chỉ hy vọng Khất đại-phu, Trần Tự-Sơn, Đào Kỳ áp chế Mã Thái-hậu đoạt thuốc giải kịp thời cứu bà mà thôi.
Một lát Tiên-yên nữ hiệp mệt quá ngủ thiếp đi. Hoàng Thiều-Hoa ra lệnh đánh trống, họp các tướng. Bên Thục cao nhất là Thái-tử Công-tôn Tư, bởi chàng lãnh chức Đại Tư-mã quyền chưởng quản toàn bộ quân sĩ trong tay. Tuy nhiên về vai vế trong phái Thiên-sơn, trên chàng còn có Tề-vương Tạ Phong, Lũng-tây vương Triệu Khuôn, Phiêu-kỵ đại-tướng quân Nhiệm Mãng, là vai sư phụ, sư thúc, nên chàng để họ ngồi hai bên, sau đó tới tám đại-tướng Thục và năm đại-tướng Hán mới hàng, theo thứ tự ngồi xuống. Phía Lĩnh Nam Hoàng Thiều-Hoa là Vương-phi Lĩnh-nam vương cầm quyền Đại tướng-quân ngồi cao nhất. Nàng để các vị Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn, Cao Cảnh-Minh, Cao Cảnh-Sơn, Đinh Công-Thắng, Lương Hồng-Châu ngồi ngang hàng. Còn các anh hùng khác theo thứ tự ngồi xuống. Thấp nhất là Tây-vu Thiên-ưng Lục-tướng, Tây-vu Lục-hầu tướng.
Đây là lần hội họp đông đủ anh hùng nhất kể từ khi rời Lĩnh Nam. Lục Sún thấy mình được ngồi ngang hàng với các vị sư bá, sư thúc Việt, lại thấy mình được trọng vọng như các đại tướng Thục, chúng vênh mặt, ưỡn ngực lên, ngồi nghiêm chỉnh đạo mạo chưa từng thấy!
Thái-tử Công-tôn Tư lên tiếng:
– Thưa các vị anh hùng Lĩnh Nam. Nhờ ân đức của Lĩnh-nam lão tiên, Thiên-sơn lão tiên mà chúng ta đang từ thế đối nghịch, trở thành anh em. Đúng như các vị ước tính, các vị chỉ trở tay một cái mà đã trả hết thành trì đã mất về cho chúng tôi. Chúng tôi còn được thêm đất Hán-trung. Ba đạo quân của chúng ta tới Trường-an đúng như dự liệu. Ta lại chiếm được vùng Phù-phong, thu được năm chục ngàn quân Hán đầu hàng. Bây giờ, trước mắt, chúng ta sẽ đánh chiếm Trường-an, Vị-nam, Lâm-đồng và Đồng-quan.
Anh hùng Lĩnh Nam và các tướng sĩ vỗ tay rung động doanh trướng.
Phương-Dung tiếp:
– Theo các nơi báo cáo thì đạo Kinh-châu và Trường-sa vương Công-tôn Thiệu cùng Trưng Nhị đã chiếm xong chín quận Kinh-châu, hai quận cuối cùng là Trường-sa, Linh-lăng đã thuộc về Lĩnh Nam, đại quân đạo Kinh-châu đang trên đường về đánh Nam-dương chĩa thẳng vào Lạc-dương. Vậy chúng ta cần đánh một trận long trời lở đất, cho quân Hán rúng động mất hết tinh thần, song hiện Quang-Vũ có mặt tại đây cùng với Tần-vương, Hoài-nam vương và các đại tướng-quân danh tiếng Ngô Hán, Đặng Vũ, muốn thắng Hán trong một trận, chúng ta phải chấp nhận hy sinh.
Phưong-Dung thuật hết mọi chuyện đi cứu Trần Tự-Sơn, từ việc Giao-Chi thuyết được Đô Dương về hàng, đến việc gặp Tiên-yên nữ hiệp đánh nhau với Mã Viện trong đêm. Đến chỗ Tiên-yên, Đào Kỳ vào Trường-lạc cung dọa Quang-Vũ té đái vãi phân ra quần, anh hùng Việt, Thục đều vỗ tay cười vang dội cả hội trường. Rồi nàng thuật tiếp việc cứu Trần Tự-Sơn đến việc Tự-Sơn chửi Quang-Vũ. Đào Kỳ đánh bại hết cao thủ trước điện Vị-ương. Hiện Tự-Sơn, Khất đại-phu, Đào Kỳ, Đô Dương, Chu Bá đang trên đường đi Lạc-dương cứu Hàn Tú-Anh.
Nguyễn Giao-Chi nói:
– Đạo Kinh-châu có Tương-dương cửu hùng vô địch thiên hạ, thì Sầm Bành, Cảnh Yểm, Tế Tuân đã bị giết, đạo Hán-trung có Phùng Dị, Lưu Thương, Lai Háp cả ba cũng bị giết, cộng là sáu, như vậy từ nay cái tên Tương-dương cửu hùng, Côn-dương ngũ hổ không còn nữa.
Sún Rỗ hỏi:
– Bây giờ chúng ta đánh Trường-an phải không?
Sún Lé hỏi Công-tôn Tư:
– Sư huynh để chúng tôi đột nhập Trường-an cho chim ưng ăn thịt Quang-Vũ, khỏi mất công đánh.
Phương-Dung lắc đầu:
– Không! Chúng ta không bắt Quang-Vũ, cũng không giết hắn.
Sún Lé bất phục:
– Quang-Vũ là chúa tướng Hán, bắt y, Hán như rắn mất đầu. Chúng ta tiến về Lạc-dương, chia đôi thiên hạ với Thục, sư bá Công-tôn Thuật làm Hoàng-đế một nửa Trung-nguyên, sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa làm Hoàng-đế một nửa còn lại, bọn em làm Thiên-ưng đại tướng-quân.
Các tướng sĩ nghe Sún Lé đều cười ồ lên, nhưng họ nhận thấy Sún Lé rất chí lý.
Phưong-Dung nói:
– Em biết một mà không biết hai, chúng ta hiện chưa đủ lương thực, quân sĩ chiếm Trung-nguyên, chúng ta hãy chiếm Quan-trung, giao cho Thục để làm tiêu tan chí khí Quang-Vũ mà thôi. Để sau đó Thục chỉnh bị quân mã rồi mới mưu đồ chiếm Trung-nguyên, chúng ta đánh Quang-Vũ mở đường cho y chạy, vì hiện y đang bị quần thần coi thường, trong cung mẫu tử bất hòa, giết y đi ắt Hoài-nam vương lên thay, Hán sẽ có ông vua hiệp nghĩa, dân chúng qui phục, chúng ta không đánh được.
Sún Cao hỏi Công-tôn Tư:
– Công-tôn sư huynh, đất Trường-an có phải đất Tần không?
Thái-tử Công-tôn Tư có tài vương bá, chàng liếc mắt một cái nhận biết từng loại người một ngay, từ hôm đi cùng Lục Sún từ Hán-trung ra đây, chàng nhận thấy Lục Sún là những đứa trẻ thông minh, biết phân biệt chính tà, vì vậy chúng dám cãi lệnh Trưng Nhị tha Công-tôn Thiệu, mở đầu cho việc hòa hợp Lĩnh Nam với Thục, y nghe Sún Cao hỏi vậy liền đáp với một giọng ôn tồn:
– Đúng đấy, phía Bắc Trường-an là Hàm-dương, kinh đô cũ của nhà Tần.
Sún Cao tiếp:
– Quang-Vũ là người, chúng ta cũng là người, Quang-Vũ muốn làm vua cả Trung-nguyên, Lĩnh Nam, Thục tại sao chúng ta không làm vua Trung-nguyên được ? Theo ý em mình đánh Trường-an, bắt Quang-Vũ giết đi, cắt đất Trường-an phong cho Tần-vương Điền Sầm, không lẽ Công-tôn sư bá phong cho Điền sư thúc chức Tần-vương mà không được cai trị đất Tần ư ?
Sún Đen tiếp:
– Vậy thì phải cắt đất Lạc-dương phong cho Tạ sư thúc, vì sư thúc được phong Tề-vương.
Sún Lùn tiếp:
– Thế từ Thiên-thủy về phía Tây cắt phong cho sư thúc Triệu Khuôn, vì sư thúc được phong vùng Lũng-tây vương.
Đến đó nó reo lên sung sướng:
– Đúng rồi, sư huynh Công-tôn Thiệu được phong làm Trường-sa vương, hiện giờ đã trấn thủ Trường-sa rồi.
Sún Lé nói với Thiều-Hoa:
– Vậy mình cứ thế mà làm, chúng ta chỉ giơ tay ắt giết được Quang-Vũ, giết tên bất hiếu. Diệt nhà Hán, cắt Trung-nguyên làm hai, Thục một nửa, Lĩnh Nam một nửa. Em đề nghị thế này: Sư bá Lại Thế-Cường làm Nhật-nam vương, sư bá Đào Thế-Kiệt làm Cửu-chân vương, sư-tỷ Trưng Trắc làm Giao-chỉ vương, Sư-bá Nam-hải làm Nam-hải vương, sư-tỷ Trưng Nhị làm Tượng-quận vương, sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa làm Quế-lâm vương, Nghiêm đại-ca làm Hoàng-đế. Những đất đai cắt được ở Trung Nguyên, phong cho các vị sư bá, sư thúc, sư huynh, sư tỷ khác.
Công-tôn Tư hỏi:
– Thế Lục Sún muốn được phong gì nào ?
Lục Sún đang thao thao bất tuyệt, nghe Công-tôn Tư hỏi vậy thì ngẩn người ra, Sún Hô nói:
– Chúng em trở về Tây-vu làm Thiên-ưng Tây-vu lục tướng rồi đi từ Nam tới Bắc, từ Đông sang Tây, xử tử tất cả những tên lừa thầy phản bạn, bất hiếu, bất nghĩa.
Hoàng Thiều-Hoa hiểu nhiều tâm lý trẻ, nàng không muốn quát Lục Sún im lặng như Hồ Đề, Phương-Dung, vì nếu quát chúng chỗ đông người, chúng làm việc khó lường được, như thả Công-tôn Thiệu, nàng ôn tồn nói:
– Nếu thế chị sẽ phong cho các em trấn thủ thành Bạch-đế, mỗi ngày đọc một ngàn tờ phúc trình.
Lục Sún nghe đọc một ngàn tờ phúc trình thì ớn da gà, vì chúng nó không biết chữ, chúng tiu nghỉu ngồi im.
Công-tôn Tư bàn:
– Quang-Vũ mang theo hai chục vạn quân, cộng với mười vạn quân Trường-an là 30 vạn, y mất 5 vạn ở Phù-thành về hàng Thục, như vậy hai bên quân số bằng nhau, vậy chúng ta phải làm thế nào ?
Quân-sư Trung-lang tướng Tào Mạnh nói:
– Hiện ở Trường-an chỉ có bốn đại tướng giỏi, một là Hoài-nam vương, hai làTần-vương, ba là Ngô Hán, bốn là Mã Viện. Cần đánh gấp nếu không Quang-Vũ gọi các tướng trấn thủ Vị-nam, Lâm-đồng, Đồng-quan về cứu thì khó khăn lắm.
Hoàng Thiều Hoa nói với Công Tôn Tư:
– Chúng ta để Phương-Dung điều động quân mã.
Công-tôn Tư hai tay nâng ấn kiếm trao cho Phương-Dung, Phương-Dung thăng trướng nói:
– Bây giờ chúng ta cần đuổi Quang-Vũ khỏi Trường-an, vậy nỗ lực chính đánh Trường-an, nỗ lực phụ đánh Vị-nam, Lâm-đồng, Đồng-quan. Bàn về quân ngang nhau, nhưng về tướng chúng ta hơn quân địch gấp bội. Bên Hán có các cao thủ Hoài-nam vương, Ngô Lương, Ngũ-phương thần-kiếm, Tương-dương lục hùng hiện đều ở cả Trường-an, chúng ta chỉ có Tần-vương, Tề-vương, Lũng-tây vương và tôi địch lại họ. Chỉ ngặt một điều phía bên họ những mười ba người, ta có bốn người, ta lợi dụng họ tập trung một chỗ mình phân tán đi đánh các nơi khác không có cao thủ trước, các nơi khác mất Trường-an lâm nguy.
Đoạn nàng cầm binh phù đứng dâïy nói với Triệu Khuôn:
– Lũng-tây vương trí dũng vẹn toàn, lĩnh năm vạn quân đánh Vị-nam, tại Vị-nam Hán có năm vạn quân, nhưng không có tướng giỏi, hẳn Quang-Vũ ra lệnh cố thủ không đánh, vậy Triệu vương-gia thống lĩnh các tướng Hán, mới qui phục Vương Hữu-Bằng, Lý Thái-Hiền, Chu Á-Dũng, Ngô Triệu, Phan Đức, cùng chư vị anh hùng Lĩnh Nam Nguyễn Giao-Chi, Trần Quốc, Mai-động ngũ-hùng, đội Giao-long Mai-động, nội đêm nay lên đường, làm sao trưa mai lấy được thành. Sau khi lấy thành, chất củi, cỏ, đốt cho khói lên mịt mù làm loạn lòng quân Trường-an Vương Hữu-Bằng hỏi:
– Đào quân-sư, xin Quân-sư xét lại, thành Vị-nam hiểm trở có sông lớn chảy qua, quân trong thành bằng chúng tôi, làm sao chúng tôi chiếm ngay trong một ngày?
Triệu Khuôn cười:
– Trấn-bắc tướng quân Đô-đình hầu lầm rồi, chính vì có sông Vị-nam chảy qua mà chúng ta vào được thành.
Ông chỉ Giao-Chi, Giao-long nữ nói:
– Dù cá Kình cũng thua các vị này, chỗ chứa lưong thảo của thành Vị-nam đặt bên nhánh sông nhỏ, chúng ta cùng đợi Kình-ngư Lĩnh Nam lặn theo sông, đốt cháy lương thảo, giết quân canh, mở cổng. Giữa đêm chúng ta tràn vào lấy thành như trở bàn tay, chúng ta đánh úp, chớ có công thành đâu mà cần đông quân.
Vương Hữu-Bằng chợt hiểu ra, gật đầu cười.
Phương-Dung nói:
– Sau khi chiếm Vị-nam, Triệu-vương chiếm hết các thành phụ dung như: Cao, Lặng, cho một đội cung nỏ phục sẵn trên đường từ Hàm-dương về Trường-an, để quân đóng ở Hàm-dương không về cứu được Trường-an.
Phương-Dung lại lấy binh phù đưa cho Phiêu-kị đại tướng quân Nhiệm Mãng:
– Xin Phiêu-kị đại tướng-quân cùng với tướng Điền Nhung, có sư thúc Lương Hồng-Châu, Đặng Đường-Hoàn trợ giúp, mang ba vạn quân phục trên đường từ Hàm-dương về Trường-an, để ngăn quân Hàm-dương cứu Trường-an. Ngày mai nếu thấy khói bốc lên từ Vị-nam, cũng cho quân đốt lửa lên làm nghi binh, hầu làm loạn lòng Quang-Vũ.
Sau đó nàng cầm binh phù đưa cho Tạ Phong:
– Tề-vương lĩnh các tướng Nhiệm Đăng, Ngụy Đảng, Lữ Vi cùng các anh hùng Lĩnh Nam sư thúc Đinh Công-Thắng, Trần Công-Minh, đem năm vạn quân đánh Lâm-đồng. Khi thấy khói bốc lên ở Vị-nam, cũng đốt lửa làm như chiếm được Lâm-đồng, làm loạn lòng Quang-Vũ.
Đoạn Phương-Dung nói với Công-tôn Tư:
– Trong thành Trường-an, Tần-vương Lưu Nghi mới bị mất tín nhiệm qua vụ Tạ Thanh-Minh, người của Xích Mi trà trộn vào, Mã Viện bị nghi ngờ, chỉ còn Hoài-nam vương với Ngô Hán. Tôi nghĩ Ngô Hán sẽ ở nhà giữ thành, Hoài-nam vương cầm quân, y là người mưu lược, khi chúng ta tiến đánh Quang-Vũ thế nào y cũng cho hai đạo Kỵ-binh đột xuất ra cửa Bắc và Nam đánh vào hông ta, vậy phiền sư bá Cao Cảnh-Minh và Cao Cảnh-Sơn xuất lĩnh hai đội nỏ thần phục ngoài cửa thành, hễ thấy giặc ra dùng thần tiễn bắn lui, mục đích không cho giặc cứu ứng lẫn nhau, sau khi giặc lui, đánh quặt trở lại cửa Tây.
Phương-Dung biết trận này thành hay bại, nhờ lực lượng Tây-vu của Hồ Đề, đám đệ tử Tây-vu là những người chân thật, tính tình giản dị, họ được huấn luyện về phản Hán phục Việt, cho nên đối với họ cứ đem chính nghĩa ra, bảo họ lăn vào chỗ chết họ cũng cam tâm, nàng hỏi:
– Trong khi sư tỷ Hồ Đề không có ở đây, ai là chúa tướng Tây-vu ?
Sún Lé nói:
– Luật lệ ở Tây-vu, khi sư tỷ Hồ Đề vắng mặt người nào lớn tuổi nhất coi như thống lĩnh, ở đây Vi Đại-Khê lão gia làm thống lĩnh.
Phương-Dung gật đầu nói:
– Trận đánh Trường-an là trận lớn nhất, mà chúng ta phải tham dự, song thắng hay bại đều do anh hùng Tây-vu.
Các anh hùng Tây-vu nhìn nhau, mắt đầy hãnh diện, từ hôm theo quân sang Trung-nguyên, họ không còn bị gọi là mọi là mán là Nam-man nữa, họ được ngồi cạnh bậc vương như Trần Tự-Sơn được sống với tiên ông như Khất đại-phu, tự ái của họ thoả mãn, bây giờ Phương-Dung lại bảo thắng hay bại là do họ, họ tự nhận thấy vai trò quan trọng.
Phương-Dung hỏi Hồ Hác:
– Sư đệ mới về Lĩnh Nam trở sang, sư đệ kiểm lại đội Thần-tượng chưa ?
Hồ Hác đáp:
– Dạ! tất cả có hai trăm thớt, chia thành hai tốt, tổng cộng tám lượng, mỗi lượng hai mươi lăm.
Phương Dung hỏi Lục-phong Quận-chúa:
– Các sư muội! Khí hậu lạnh thế này, Thần-phong có dùng được không ?
Hoàng-phong quận-chúa đáp:
– Thưa được, không có gì trở ngại.
Phương-Dung ghé qua tai dặn kỹ càng Lục Sún với Lục-hầu tướng những gì phải làm.
Công-tôn Tư viết chiến thư gửi Quang-Vũ, thách thức y ngày mai ra trước cửa Tây thành quyết chiến một trận, sứ giả đi một lúc trở về trình chiến-thư, quả nhiên trên chiến-thư Hoài-nam vương phê chữ Lai nhật Thìn thời quyết chiến, nghĩa là ngày mai giờ Thìn quyết chiến.
Sáng hôm sau giờ Dần, Phương-Dung thăng trướng nói:
– Tề-vương Tạ Phong chỉ huy Hầu Đơn, Quế-Hoa đi bên phải, có Sún Rỗ, Sún Đen, Hắc-Phong trợ giúp, Tần-vương Điền Sầm đi bên trái với Sử Hùng, Quỳnh-Hoa, Sún Lùn, Sún Hô và Hoàng-Phong trợ giúp. Trung-ương Thái-tử Công-tôn Tư, sư tỷ Hoàng Thiều-Hoa hỗ trợ, có Sún Lé, Sún Cao, Bạch, Xích, Thanh, Hồng-Phong sư muội. Bắc-bình vương Công-tôn Khôi làm Đốc-quân trung-ương, còn Vi lão gia dẫn Tây-vu lục hầu-tướng lĩnh nhiệm vụ đột nhập Trường-an, phóng hỏa khắp nơi.
Giờ Mão quân Thục tiến tới thành Trường-an dàn thành trận thế, trong thành phát pháo, đạo quân thứ nhất xuất hiện, Mã Viện cùng Tương-dương lục-hùng, đối diện cánh trái Thục, một lát đội quân nữa xuất hiện. Do Ngô Lương dẫn đầu cùng Ngũ-phương thần-kiếm đối diện cánh phải của Thục.
Tiếp theo pháo nổ ran, Hoài-nam vương cùng các quan văn võ yểm trợ Quang-Vũ ra trước trận. Hoài-nam vương quan sát trận thế một lúc, rồi nói với Quang-Vũ:
– Thựïc đáng lo ngại, bên Thục binh hùng, tướng mạnh, sao hiện diện ở đây chỉ có bảy tám vạn là cùng, vậy chúng đi đâu ? Thần lo cho Vị-nam, Lâm-đồng, Hàm-dương quá. Còn Nghiêm Sơn, Đào Kỳ, Khất đại-phu, Đô Dương, Chu Bá… và hầu hết các tướng Thục sao không thấy?
Hoài-nam vương là người văn võ kiêm toàn, đánh dư trăm trận, kinh nghiệm nhiều, nhưng ông không hiểu rằng Phương-Dung xuất thân đệ tử phái Long-biên, kiếm pháp cực kỳ phức tạp, những chiêu thức phần lớn là hư, rất ít thực, nhưng đối phương không để ý thì hư thành thực ngay. Hư hư thực thực vốn là sở trường của nàng, nàng biết rõ Hoài-nam vương nên phân tán binh đi các nơi, chỉ để một ít ở Trường-an hầu làm kế nghi binh. Như vậy đạo quân chính ở Trường-an lại biến thành hư, còn các đạo Vị-nam, Hàm-dương, Lâm-đồng mới thực. Nàng ước tính rằng, nếu đem tất cả quân mã đánh Trường-an, ba nơi kia sẽ đưa quân về đây cứu viện, mình tứ bề thọ địch, vì vậy nàng cho gửi chiến-thư, dàn quân làm như đánh Trường-an, trong khi đó đánh úp các nơi. Các nơi kia mất, Trường-an lâm nguy, cho nên vừa mới xuất trận Hoài-nam vương đã cảm thấy nghi ngờ rồi, đạo dùng binh, tối kỵ nghi ngờ, đã nghi ngờ thì không thể thắng nổi.
Hoài-nam vương cầm roi ngựa chỉ sang Thục:
– Công-tôn Tư đâu, mau ra đây yết kiến Thánh-hoàng.
Bên trận Thục, Công-tôn Tư đi song song với Hoàng Thiều-Hoa, Phương-Dung phía sau có Sún Lé, Sún Cao, Bạch, Xích, Thanh, Hồng-Phong, so với bên Hán quả là quá ít.
Công-tôn Tư gò ngựa quát:
– Ta là Thái-tử Công-tôn Tư đây, Lưu Tú có điều gì muốn nói với ta thì nói đi ?
Quang-Vũ nói:
– Cha ngươi trước kia được Tiên-đế giao cho quản lĩnh sáu quận, khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, cha ngươi đã không biết đem tấc lòng diệt bạo trừ gian, lại hùng cứ một phương, thế là đạo lý gì vậy? Bây giờ ngươi mang quân phạm Trường-an, tội không nhỏ, ta đây dòng dõi chính thống, phất cờ giết Vương Mãng, thống nhất sơn hà, mệnh trời ở trong tay nhà Hán. Vậy ngươi mau bảo cha ngươi qùi gối xưng thần, cái chức vị phong hầu đã không mất mà lại được tiếng trung thần.
Công-tôn Tư vận khí vào đơn-điền nói thật lớn:
– Các tướng sĩ Hán, Thục hãy nghe đây. Trước đây bạo Tần tàn hại trăm họ, đánh mất con nai, quần hùng thi nhau mà đuổi. Cuối cùng còn Hạng Võ với Lưu Bang. Lưu Bang được tam-kiệt Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín phù trợ mà thành đại nghiệp, chứ có tài gì đâu. Thế rồi khi nghiệp đã thành, Lưu Bang bỏ tù Tiêu Hà, đuổi Trương Lương đi tu, còn Hàn Tín bị giết ba họ, việc làm khiến trời sầu đất thảm. Bởi vậy sau này bị con cháu Vương Mãng cướp ngôi, anh hùng sĩ dân không trung thành với Hán nữa, đó là lẽ đương nhiên không chối cãi được.
Đoạn Công-tôn Tư chỉ vào Hoàng Thiều-Hoa:
– Tổ tiên ngươi sát hại công thần, nghĩa sĩ thiên hạ. Còn mi thì sao ? Đây Lĩnh-nam vương-phi, ta để Vương-phi đối thoại với ngươi.
Từ sau trận Hoàng Thiều-Hoa cỡi ngựa từ từ đi ra, Quang-Vũ và các quan Hán từng nghe Vương-phi đẹp như tiên nữ, võ công hơn đời, nay tận mắt thấy nàng cỡi ngựa tiến ra, đều không khỏi choáng váng cả người. Quang-Vũ suýt xoa nghĩ thầm: Gái Việt đẹp thực, thảo nào xưa kia Ngô Phù-Sai chẳng mất nước vì Tây-Thi với Trịnh Đán, ta đã thấy Tường-Qui đẹp nhu mì như một bông hoa lan, cũng đã thấy cái đẹp mơn mởn của Phương-Dung, bây giờ không ngờ Hoàng Thiều-Hoa còn đẹp gấp bội.
Quang-Vũ vẫy Mã Viện đến gần nói:
– Mã quốc-cửu! Ngươi hãy điều khiển Tương-dương cửu-hùng, bằng mọi gía xông vào trận bắt Hoàng Thiều-Hoa cho trẫm, người đẹp thế kia dù trẫm có đổi giang sơn lấy nàng cũng không tiếc.
Mã Viện biết Quang-Vũ từ lâu, được Quang-Vũ tín nhiệm, mấy hôm nay xảy ra việc Mã bị trúng kế Trưng Nhị mất phân nửa Ích-châu với chín quận Kinh-châu, theo luật nhà Hán phải tội chém cả nhà, nhưng Quang-Vũ nể Mã Viện là cháu Thái-hậu không truy cứu tội, tiếp theo vụ Trần Lữ muốn hành thích Quang-Vũ, rồi Nghiêm Sơn, Đào Kỳ tố giác Mã Thái-hậu định hại mẹ đẻ Quang-Vũ là Hàn Tú-Anh, những việc đó làm cho Mã Viện lo lắng không ít.
Bây giờ Quang-Vũ gọi Mã Viện để thố lộ tâm sự, Mã Viện nắm ngay được việc lập công, y nghĩ: Nếu bắt được Thiều-Hoa, công tuy nhỏ nhưng được lòng Quang-Vũ, thì muốn gì chẳng được.Y vội cung kính tâu với Quang Vũ:
– Thần xin hết sức bắt y thị dâng Hoàng-thượng. Hoàng-thượng muốn bắt sống Hoàng Thiều-Hoa, bên Thục chỉ ngại có Trần Đại-Sinh, Đào Kỳ, Phật-Nguyệt và Phương-Dung, bây giờ bọn chúng không có mặt ở đây, vậy chúng ta chia nhau làm như sau. Hai người cầm chân Phương-Dung, hai người đánh vào phía phải cầm chân Công-tôn Khôi, hai người đánh vào phía trái cầm chân Công-tôn Tư, một người bắt sống Hoàng Thiều-Hoa.
Bô-lỗ đại tướng-quân Mã Vũ lắc đầu:
– Kim chỉ của Hoàng-thượng thì chúng ta phải làm sao cho được, nhưng e rằng phải hy sinh nhiều quân-sĩ, tướng-quân thử nhìn xem: Trận Thục nghiêm minh như thế kia, chúng ta làm sao xông vào bắt Thiều-Hoa cho nổi ? Đầu tiên, cánh phải, cánh trái tấn công chọc sâu trận Thục, rồi cắt ngang ở giữa. Bấy giờ cho đội Thiết-kị xung vào, chúng ta đi với đội này, gần tới nơi thi hành kế hoạch của tướng-quân mới xong.
Hoàng Thiều-Hoa gò ngựa đứng trước trận, gió xuân thổi nhẹ nhàng, y phục nàng bay phơi phới, tướng sĩ Thục, Hán im lặng phăng phắc, để nhìn một Tiên-nữ giáng trần, Thiều-Hoa hướng Quang-Vũ xá ba cái rồi nói:
– Tiểu muội Hoàng Thiều-Hoa, xin vấn an đại-ca Lưu Tú, trước trận tiểu-muội không hành đại lễ được, mong đại-ca thứ lỗi.
Quang-Vũ ngẩn ngơ một lúc mới lên tiếng:
– Trước đây trẫm nghe nhị đệ thành hôn với một đệ nhất giai nhân Lĩnh Nam, trẫm có gửi quà mừng đám cưới, tiếc rằng từ hồi ấy đến giờ, huynh đệ ngàn trùng xa cách, không thì giờ gặp nhau, vì vậy mãi đến hôm nay trẫm mới gặp được nhị muội, tại sao nhị muội lại theo Thục đánh ta? Nhị muội là Vương-phi của triều Hán mà!
Hoàng Thiều-Hoa là đệ tử của Đào-hầu, nổi danh nghĩa khí, ghét kẻ giả nhân, giả nghĩa, nàng thấy Quang-Vũ lờ việc bắt giam Trần Tự-Sơn, nàng nói lớn:
– Phu quân của tôi một ngựa một gươm, cứu Hoàng-thượng. Một đêm đánh hai mươi trận, bị thương mười lăm lần, rồi giúp Hoàng-thượng phất cờ trung hưng, khắp thiên hạ ai ai cũng nói, không có phu quân tôi thì không có nhà Đông-Hán. Sau Ngô Hán, Đặng Vũ, Mã Viện, Sầm Đành, Phùng Dị đem toàn bộ Trung-nguyên đánh Thục bị thất bại, phu-quân tôi cử anh hùng Lĩnh Nam về giúp Hoàng-thượng, chúng tôi vào Thành-đô, Hoàng-thượng tưởng dẹp được Thục rồi, bắt giam phu-quân tôi, khi mới khởi binh phu-quân tôi nói rằng: Sau khi thành đại nghiệp, đại ca chỉ xin một thanh gươm, một con ngựa tiêu dao thắng cảnh. Thế mà đại ca cũng không cho, phu-quân tôi đã nói rằng: Kết nghĩa lầm với một người vô nghĩa bất nhân nhất thiên hạ.
Nàng ngưng một lát rồi nói tiếp:
– Con quạ là giống vật dơ bẩn, còn không nỡ bỏ mẹ bỏ cha, đại ca thân làm Hoàng-Đế, thế mà mẹ ở Lĩnh Nam bị con ác phụ họ Mã sai nhiều cao thủ đi giết hại, đại ca không cho bảo vệ mẹ mình thì thôi còn không nhìn đến bà. Như vậy đại ca đòi cai trị thiên hạ ư ? Vì thế ta mang quân đánh giết kẻ bất nghĩa, bất hiếu, những phường đó không xứng đáng để phu-quân ta gọi là đại ca nữa.
Quang-Vũ hỏi:
– Theo như Vương-phi ta phải làm thế nào để nối lại tình xưa với Lĩnh-nam vương ?
Sún Lé đứng sau lưng Hoàng Thiều-Hoa nó xen vào, hô lớn:
– Dễ lắm, điều thứ nhất bắt con ác phụ họ Mã chặt đầu, giết ba họ nó. Sau đó mang Hàn Thái-hậu về phụng dưỡng.
Sún Cao tiếp:
– Thứ nhì, ra chiếu chỉ đại xá thiên hạ, nhận lỗi với Trần đại-ca, rút quân khỏi Trường-an.
Sún Rỗ thêm vào:
– Chia ba thiên hạ với Lĩnh Nam và Thục
Quang-Vũ hỏi:
– Nếu ta không thuận thì sao ?
Thiều-Hoa cầm roi chỉ sang Hán, ra lệnh cho Sún Lé, Sún Cao. Quang-Vũ cùng các tướng nhìn lên trời thấy hai đoàn Thần-ưng bay lượn thành vòng tròn. Sún Lé cầm cờ phất một cái, toán đầu hai mươi lăm thần ưng tách khỏi đàn, rồi toán thứ nhì, thứ ba, thứ tư … đâm bổ xuống trận Hoài-nam vương, Lưu Quang đã nghe nói về đoàn Thần-ưng, y cùng các tướng cầm gươm thủ sẵn, bảo vệ Quang-Vũ, đoàn Thần-ưng bay xuống cách đầu người năm sáu trượng thì kêu lớn rồi lộn trở lên, chúng đồng ị xuống. Sau khi bốn toán Thần-ưng vọt lên thì từ trên Quang-Vũ xuống dưới các tướng Hán đều bị phân chim dính đầy người, trông thực thảm thiết.
Nhưng đã hết đâu, đoàn Thần-ưng của Sún Cao tiếp tục, rồi đến đoàn của Sún Đen, Sún Hô, Sún Lùn, Sún Rỗ.
Khi các đoàn thần ưng ị xong, Bắc-bình vương Công-tôn Khôi nói với Quang-Vũ:
– Lưu Tú, ngươi ăn ở bất nhân, nên chim trời cho ngươi ăn phân.
Công-tôn Tư chỉ tay một cái, quân tướng Thục ào sang tấn công vào trận Hán, binh Thục từ lúc được anh hùng Lĩnh Nam giúp sức, tinh thần hăng say, đoàn Thiết-kỵ xung vào trận Hán tấn công, Công-tôn Tư cầm cờ, đứng lên mình ngựa chỉ huy, hô lớn:
– Ai bắt được Quang-Vũ ta sẽ cho làm Chúa Trường-an.
Các Sún được tướng Thục bảo vệ, chúng nó đứng lên mình ngựa cầm cờ phất, chỉ huy đội Thần-ưng, từng đàn một hai mươi lăm Thần-ưng, từ trên trời lao xuống vun vút tấn công vào Quang-Vũ và các tướng Hán. Chỉ riêng có Ngũ-phương Thần-kiếm không bị tấn công, vì Lục Sún biết họ là bạn của Phương-Dung và Đào Kỳ. Tại trung quân có Quang-Vũ, đích thân Sún Lé chỉ huy tấn công, Thần Ưng lao xuống đánh, Hoài-nam vương dùng kiếm bảo vệ Quang-Vũ như thành đồng vách sắt, Thần-ưng lao xuống bốn đợt mà không tấn công được lần nào. Phương-Dung bảo Sún Lé:
– Em cho Thần-ưng tẻ ra một vài cặp, đánh từ phía sau, phía trước lại, như vậy Lưu Quang không bảo vệ nổi.
Sún Lé huýt sáo, bốn cặp Thần-ưng chia làm hai phía trước sau tấn công Quang-Vũ. Trong khi một đoàn trăm Thần-ưng từ trời vun vút bay xuống, quả nhiên hai Thần-ưng lao vào tấn công ngựa Quang-Vũ và Lưu Quang, ngưa ré lên một tiếng, vật hai người ngã lăn ra, Lưu Quang ôm Quang Vũ nhảy lên cao, hai tướng đứng cạnh nhường ngựa cho chúa, Lưu Quang sơ hở một chút, bị Thần-ưng cào mặt Quang-Vũ, các tướng xúm bảo vệ hai người, Thần-ưng bị đánh dạt bay lên trời.
Trong khi đó hai cánh trái phải, trận chiến đánh kịch liệt, Mã Viện cho Tương-dương lục-hùng chia làm ba tấn công như đã định, nhưng quân tướng Thục thiện chiến đánh bật lại, Lưu Quang lấy hỏa pháo đốt lên, cửa Bắc, cửa Nam thành Trường-an mở rộng, hai đợït Thiết-kị từ trong thành vọt ra ngoài khí thế như thác đổ.
Hai đoàn Thiết-kị Hán, mỗi đoàn đông đến hơn ba vạn, dũng khí hùng mạnh, vừa ra khỏi cửa thành cả hai đoàn đánh quật lại cửa Tây, Phương-Dung đứng trên cây cao đốc chiến, nàng đã đặt tại không phận cửa Nam, Bắc mỗi nơi năm chục Thần-ưng, Thần-ưng tuần tiễu thường trực, khi thấy Thiết-kị trong thành tiến ra ngoài, chúng lao xuống tấn công làm hiệu. Phương-Dung cầm cờ vàng phất lên, tại cửa Nam Cao Cảnh-Sơn đợi chờ Thiết-kị ra hết, đánh quật về Tây, ông mới thả một trăm thớt voi đi hai bên, ở giữa mười xe chở nỏ thần, nỏ thần do đại tướng-quân Cao Nỗ chế ra từ thời Âu-Lạc, mỗi phát bắn hàng trăm mũi tên. Sau khi thắng Đồ Thư, Cao-cảnh hầu, Cao Nỗ chữa lại, nỏ bắn xa hai trăm trượng (400 mét ngày nay). Có loại bắn tên, loại ngắn bằng gang tay, có loại bắn tên bằng cổ tay, dài hai ba thước. Nỏ đặt trên một xe, phía trước xe có cái giá bằng rơm bảo vệ cho xạ thủ, hai bên xe nỏ có giáp sĩ hộ tống.
Đoàn Thiết-kị hô lên, cùng nhào vào tấn công, Cảnh-Sơn phất cờ, loạt đầu mười xe nỏ đều bắn liên châu. Hơn nghìn Thiết-kị đổ xuống, tướng chỉ huy đoàn Thiết-kị kinh hoảng trước thế trận nguy hiểm, y ra lệnh tử chiến, các xe chở nỏ vừa bắn, vừa tiến. Đoàn Thần-tượng dàn hai bên hộ vệ theo xe tràn tới làm chiến mã Hán quân hỗn loạn, chỉ một lát đoàn kỵ mã bị hao hụt quá nửa, viên tướng chỉ huy định cho lệnh chạy vào thành. Cảnh-Sơn cho Thần-tượng xung vào trận, binh tướng Hán thấy voi to lớn xung sát, kinh hoảng bỏ cửa thành Bắc chạy về phía cửa Đông.
Tại cửa Nam Cao Cảnh-Minh thấy Thiết-kị tràn ra, ông rút tên bắn liền mười mũi, ba viên tướng đi đầu dùng vũ khí gạt, nhưng ông bắn liên châu, chúng đều trúng tên. Đoàn voi dàn hai bên bảo vệ các xe chở nỏ thần, cứ mỗi loạt bắn ra hàng ngàn Thiết-kỵ ngã ngựa, viên tướng chỉ huy thấy nguy cơ, không dám tiến, ra lệnh lui vào trong thành.
Quân Hán trên mặt thành bắn xuống yểm trợ đội Thiết-kị xe chở nỏ ở ngoài tầm tên. Trong khi đó nỏ thần có tầm bắn xa hơn Cao Cảnh-Minh bảo Cao Cảnh-Anh, Hùng, Hào, Kiệt bắn lên mặt thành, họ là những tay cung thủ thượng thặng, cứ mỗi mũi tên, quân trên mặt thành rơi xuống.
Các xe chở nỏ được đẩy sát cửa thành, hai đội Thần-tượng đi theo hộ tống định tràn vào, tướng giữ cửa thành là Tần-vương Lưu Nghi với Đặng Vũ, hai người đứng trên địch lầu cho lệnh đóng cửa thành, đội Thần-nỏ lui ra chờ đợi.
Cao Cảnh-Sơn đứng nhìn mặt trận phía Tây thành, quân Thục núng thế, ông bảo Cao Cảnh-Nham, Cao Cảnh-Khê:
– Bố với năm xe Thần-nỏ trấn ở đây, con đem bớt năm xe nỏ đánh vào hông địch.
Phía mặt trận Thục, chỉ huy cánh trái là Sử Hùng với Quế-Hoa, được Sún Lùn, Sún Hô, Hoàng-Phong yểm trợ, ba lần xung phong chọc thủng phòng tuyến, giết người ngổn ngang, nhưng lớp này chết lớp khác tiến lên thay thế.
Sử Hùng đứng trên con ngựa, chỉ huy các đội Thiết-kị xung phong, thấy quân Hán không núng, y nói vọng xuống:
– Các sư-đệ Sún Lùn, Sún Hô mau ra tay !
Sún Lùn phất cờ một cái, đoàn Thần-ưng đang bay lượn trên không, tách ra từng đội hai mươi lăm con một nhào xuống tấn công vào hậu quân địch, hậu quân náo loạn hẳn lên, mặt trận Hán đã rúng động, Mã Viện thấy vậy rút kiếm quát lên:
– Ai lui ta chém !
Trước sức tấn công vũ bão của Thần-ưng, một tùy tướng lui lại hai bước Mã Viện vung kiếm chặt đầu, quân sĩ thấy vậy kinh hoảng lớp lớp tiến lên, hàng ngũ Thục lại lui trở về.
Sún Hô phất cờ cho đoàn Thần-ưng nhào ngay xuống đội hình phía trước của quân Hán, từng đội, từng đội tấn công, hàng ngũ quân Hán rối loạn gần vỡ.
Mã Viện nói với Tương-dương lục-hùng:
– Không ngờ đoàn Thần-ưng hung dữ quá, càng giết chết chúng càng lao xuống, hãy bỏ kế hoạch bắt Hoàng Thiều Hoa, Mã Vũ, Tang Cung, Lưu Hán đánh sang phải, Phùng Tuấn, Đoàn Chí, Lưu Long đánh sang trái. Chúng ta cần bắt cho được hai thằng nhóc chỉ huy đội Thần-ưng mới mong sống còn.
Hai bên giao chiến, quân sĩ chết hàng hàng lớp lớp, quân Hán bị các tướng đứng sau canh chừng, người nào lui thì chém, quân Thục có Thần-ưng yểm trợ, họ tiến lên không ngừng.
Trận Hán chuyển động, Tương-dương lục-hùng bỏ trận tiến ra trước, phóng chưởng đánh bạt quân Thục lại.
Sử Hùng nói với Hoàng-Phong:
– Hoàng sư-muội, cho Thần-phong xuất trận.
Hoàng-Phong cầm tù và thổi lên, năm cái xe phía sau trận hàng triệu Thần-phong bay lên mù trời, nhào xuống tấn công Tương-dương lục-hùng. Lục-hùng kinh khiếp, múa tít vũ khí bảo vệ thân mình, Thần-phong vẫn lọt được vào trận tấn công ngựa. Ngựa nhảy lồng lên, quật bọn họ xuống. Họ nhảy xuống đất, vận dụng vũ khí múa tít bảo vệ thân mình, quân sĩ thì ôm đầu chạy trở lại, quân Thục do đó tiến lên, thành ra Lục-hùng bị vây vào giữa trận.
Bên cánh phải trận Thục, Ngô Lương cùng Ngũ-phương thần-kiếm đốc quân tiến lên, Hầu Đơn đốc quân phía trước, Quế-Hoa đứng đốc quân phía sau, cứ đợt nào bị chết, trống chỗ, nàng cho đội khác tiến lên, trám vào liền.
Ngũ-phương thần-kiếm dàn hàng năm tiến trước trận, kiếm khoa lên, quân Thục ngã xuống, Hầu Đơn hô lớn:
– Các sư đệ Sún Rỗ, Sún Đen đâu, xuất trận thôi!
Sún Rỗ phất cờ, đoàn Thần-ưng đang bay trên cao, chia làm bốn, ba toán lao vào giữa trận tấn công Ngô Lương, một toán tấn công vào hậu đội, Sún Đen cho đoàn Thần-ưng của nó tấn công vào tiền đội, quân Hán náo loạn lui trở lại.
Ngô Lương mải chống trả với Thần-ưng, ngước nhìn thấy Thần-ưng không tấn công Ngũ-phương thần-kiếm, y ngạc nhiên:
– Không lẽ bọn này phản Hán rồi sao ?
Ngũ-phương thần-kiếm cũng thấy thế, bọn họ vung kiếm tấn công về phía trước, Sún Đen đứng trên mình ngựa rồi nói lớn:
– Ngũ Phương đại ca! Năm vị đại ca có ơn với Lĩnh Nam, bọn tiểu đệ không muốn tấn công các đại ca. Các đại ca lui lại ngay, Thần-ưng thì có thể sai tấn công người này, không tấn công người kia, chứ đoàn Hắc Phong chúng ngu lắm, muốn bảo nó đừng tấn công các vị đại ca thì không được đâu.
Ngũ-phương thần-kiếm không nghe, múa kiếm tiến lên hàng ngũ Thục rối loạn, phía Thục không có tướng nào khả dĩ đối đầu được với họ, họ đi đến đâu đầu rơi, người đổ đến đó, quân Hán nhờ thế tiến lên, quân Thục phải lui lại.
Hắc Phong công-chúa thấy nguy cơ cầm tù-và thổi, đội ong-bầu đen thui bay rợp bầu trời tiến lên, nhào xuống tấn công Ngũ-phương thần-kiếm và đội hình quân Hán, Ngũ-phương thần-kiếm đã biết lợi hại của đoàn Thần-phong, múa tít kiếm như những quả cầu bạc che kín thân hình không hề gì. Nhưng quân Hán bị tấn công hàng ngũ rối loạn lùi lại phía sau, quân Thục lại tiến lên đuổi theo.
Ngô Lương đứng đốc chiến phía sau cũng bị đoàn ong bầu tấn công, y múa đao tự bảo vệ, vì sơ hở Thần-phong lọt trong vòng đao quang, đốt trúng trán, y nhức đến chảy nước mắt, đao chậm lại một chút, đoàn Hắc-phong nhào vào đốt người, ngựa y, quân sĩ kinh hoảng dùng áo đập đàn ong cứu y, Hắc-Phong công-chúa thổi tù-và thúc Thần-phong tiến lên, quân Hán kinh hoàng lui tới gần chân thành.
Tại trung ương chủ lực Hán tới mấy trăm viên tướng, do chính Quang-Vũ với Hoài-nam vương đốc chiến, các tướng tiến lên gặp phải sức chống cự của đoàn đệ tử phái Thiên-sơn gồm hơn ngàn người võ công can đảm tuyệt vời. Phòng tuyến Thục vững như thành đồng vách sắt.
Về điều binh, thiết kế thì Phương-Dung đứng vào hàng thứ nhất thời bấy giờ, nhưng việc xung phong hãm trận, đốc chiến ứng phó với tình hình, nàng còn thua cả Hoàng Thiều-Hoa. Phía trước trung quân Công-tôn Tư đốc chiến, phía sau Công-tôn Khôi chỉ huy đội trừ bị, hai chú cháu học cùng sách vở, cùng chiến đấu bên cạnh nhau lâu ngày, phối hợp rất nhịp nhàng. Hoàng Thiều-Hoa đứng trên bành con voi lớn, phía trước có Sún Lé, phía sau có Sún Cao, cạnh nàng Phương Dung đứng trên lưng ngựa ô, cầm kiếm phòng thủ, Tứ Phong Công-chúa Bạch, Xích, Thanh, Hồng gò ngựa chờ lệnh.
Xung sát một lúc, Quang-Vũ cầm dùi đánh trống thúc quân tiến lên, binh tướng Hán ào ào xô về trước, đoàn đệ tử Thiên-sơn dũng mãnh như thế cũng phải lùi lại, Công-tôn Tư nói với Thiều Hoa:
– Xin Sư-tỷ cho các Sún yểm trợ.
Thấy Công-tôn Tư cầu cứu, nàng bảo Sún Lé, Sún Cao
– Các sư đệ ra tay đi thôi.
Trên trời hai đoàn Thần-ưng trực thuộc Sún Lé, Sún Cao vẫn bay lượn vòng vòng, trông rất đẹp mắt. Sún Lé nghe Thiều-Hoa ra lệnh cầm cờ phất lên, đoàn Thần-ưng một trăm con, tẻ ra một đội hai mươi lăm con lao xuống tấn công vào trung quân. Tiếp theo đội thứ nhì, thứ ba, rồi thứ tư, trung quân náo loạn lên.
Sún Cao hỏi Thiều-Hoa:
– Thằng Quang Vũ khả ố quá, để em cho nó một bài học.
Thiều Hoa hỏi:
– Em định làm gì nó ?
Sún Cao cười:
– Em trói nó lại cho bõ ghét.
Nó phất cờ hai ba cái, năm Thần-ưng rất lớn bay đến trước bành voi, nó mở cái túi vải trên lưng ra, Thiều-Hoa nhìn thấy mà nổi da gà, trong đó có hai con trăn lớn và hàng chục con rắn nhỏ. Sún Cao chỉ chỏ huýt sáo dặn Thần-ưng, rồi cho hai con trăn quấn vào lưng hai Thần-ưng lớn nhất, mười mấy con rắn nhỏ cho quấn vào ba Thần-ưng còn lại. Nó hú một tiếng cả năm Thần-ưng bay bổng lên cao, nó cầm cờ phất đoàn Thần-ưng trực thuộc lao xuống tấn công một lúc vào giữa chỗ Quang-Vũ đứng đánh trống. Các tướng Hán xúm vào dùng vũ khí chống trả với Thần-ưng, nhưng khác với mỗi đợt tấn công thông thường, Thần-ưng lao xuống từng đội hai mươi lăm con, tấn công một lát rồi bay lên, nhường chỗ cho đội khác. Lần này lao xuống cả trăm, tấn công liên miên, đang lúc các tướng Hán mãi chống cự với làn sóng Thần-ưng, thì năm Thần-ưng chở trăn, rắn tà tà hạ mình xuống thấp. Sún Cao cầm tù-và thổi lên tu tu ba hồi, hai con trăn buông mình rơi xuống cùng với đoàn rắn nhỏ đúng vào chỗ Quang-Vũ đang đánh trống thúc quân, bị hai con trăn lớn quấn chặt lấy chân, tay, ngã lăn xuống mình ngựa, Hoài-nam vương kinh hoàng nhảy xuống ngựa cứu Quang-Vũ, thì một vật nhỏ chui vào cổ, rồi lưng ông cảm thấy đau, ông thò tay vào lấy vật đó ra, thì là một con rắn lục. Con rắn co thân lại đớp một miếng nữa vào tay ông.
Ông hoảng kinh buông ra, hai ba con nữa chui vào ống quần, ông hốt hoảng hốt lấy tay đập rắn, nhưng con rắn nhỏ rất tinh khôn, đã chạy ra chỗ khác mất. Giữa lúc đó trên trời Thần-ưng lao xuống chụp đầu ông, hai chân cấu thịt, mỏ mổ vào mắt, ông phất tay giết Thần-ưng, thì nó đã bay bổng lên trời mất.
Tuy Quang-Vũ với Hoài-nam vương bị trăn quấn, rắn cắn, Thần-ưng cấu, nhưng nhờ các tướng giữ vững phòng tuyến nên quân Thục vẫn không chọc nổi thủng được, Phương-Dung quay lại nói:
– Bạch-Phong cho tấn công vào phía trái, Xích-Phong tấn công vào phía phải, Thanh-Phong cho tấn công vào tiền quân, Hồng-Phong cho tấn công vào hậu quân.
Lục Phong công-chúa cầm tù-và thổi lên, phía sau trận Thục hàng chục cái xe chở tổ ong, xuất phát mấy triệu Thần-phong bay lên mù trời. Chúng chia làm bốn toán, nhào xuống tấn công, quân tướng Hán náo loạn, lui trở lại đến mấy trượng, quân Thục đuổi theo, dần dần quân Hán bị dồn đến chân thành
Từ trong thành hai đội Thiết-kị xông ra, do Tần-vương suất lĩnh tiến lên thay thế đội quân đang chiến đấu mệt mỏi. Giữa lúc đó quân Hán la hoảng, họ nhìn về phía Hàm-dương, Vị-nam, Lâm-đồng khói bốc lên nghi ngút.
Hoàng Thiều-Hoa cho bắc loa gọi khắp nơi:
– Các dũng sĩ Thục nghe đây: Chúng ta đã lấy được Hàm-dương, Vị-nam, Lâm-đồng rồi, hãy tiến lên lấy Trường-an.
Quân Thục reo hò tiến lên, Quang-Vũ, Hoài-nam vương đã được cứu, hai con trăn bị giết chết, còn mười con rắn nhỏ không biết chạy đâu. Trời đã về chiều quân sĩ hai bên cùng mệt mỏi, người chết thây phơi khắp một vùng, Hoàng Thiều-Hoa hỏi Phưong-Dung:
– Hai bên chết nhiều quá rồi, nên thu quân chăng?
Phương-Dung nói nhỏ vào tai Thiều-Hoa:
– Binh sĩ chết nhiều hay ít, mình cũng đành chấp nhận, phải đánh một trận cho Quang-Vũ kinh hồn khiếp vía mới thôi.
Thiều-Hoa hiểu ý Phương-Dung, phất cờ tiến lên nữa, Bắc-bình vương Công-tôn Khôi nói với Phương-Dung:
– Tôi chỉ còn một đợt quân này nữa là hết, xin quân sư định liệu.
Phương-Dung chỉ thành Trường-an nói:
– Chúng ta giơ tay một cái lấy được Trường-an, xin vương gia cứ cho tiến lên.
Vừa lúc đó Cao Cảnh-Nham, Cao Cảnh-Khê dẫn đội Thần-nỏ đến bắn vào sườn cánh quân của Mã Viện, quân Viện cũng dùng cung bắn lại, nhưng tên do người bắn, tầm xa chỉ bằng nữa tên do Nỏ thần bắn, vì vậy khi năm xe nỏ tiến đến đâu quân Viện lui tới đó, phút chốc đã lui đến chỗ trung quân của Quang-Vũ.
Mã Viện nói với Hoài-nam vương:
– Vương-gia chúng ta phải liều mạng xông vào trận địch bắt tướng thì mới hy vọng sống qua ngày hôm nay. Bên Thục, Lĩnh Nam nhiều cao thủ, nhưng chúng phân nhau đi lấy Hàm-dương, Lâm-đồng và Vị-nam, ở đây chỉ có Phương-Dung, Công-tôn Khôi, Công-tôn Tư mà thôi. Bây giờ chúng ta có Tương-dương Lục-hùng và Ngũ-phương Thần-kiếm, nếu tất cả cùng xông vào trận địch, bắt Chúa-tướng, mới mong thoát nạn.
Hoài-nam vương nói:
– Trong các tướng địch ở đây, thì Hoàng Thiều-Hoa là chúa, võ công thị tuy cao, nhưng không hơn mấy người kia. Vậy phải bắt thị trước, bây giờ thế này: Mã Vũ, Tang Cung cầm chân Tạ Phong, Lưu Hân, Phùng Tuấn cầm chân Điền Sầm, Đoàn Chí, Lưu Long với Mã Viện xông vào bắt Hoàng Thiều-Hoa, Ngũ-phương Thần-kiếm cản Phương-Dung, Công-tôn Khôi, Công-tôn Tư, tôi tiếp ứng:
Mã Viện là người xảo quyệt hiến kế:
– Bọn Thục và Lĩnh Nam tự thị hiệp nghĩa xuất thân, vậy bây giờ ta cho thu quân, đội Thần-ưng, Thần-phong được gọi trở về, giữa lúc đó ta bất thần xung vào trận thì thành công.
Hoài-nam vương ra lệnh đánh chiêng thu quân, quân Hán dừng lại không tiến nữa, Công-tôn Tư cũng cho lệnh thu quân, Lục Phong Nữ dùng tù-và thu Thần-phong trở về trận, Lục Sún cho Thần-ưng bay lượn trên cao tuần hành, quân sĩ hai bên cùng lui lại.
Tương-dương Lục-hùng tiến lên hàng đầu, bất thình lình Mã Viện hô lớn:
– Tiến lên !
Tương-dương Lục-hùng dùng kinh công lao vút vào trận Thục, các tướng Thục cản lại, Lục-hùng là những người võ công kinh nhân, chưởng phong như vũ bão, các tướng Thục đều bật lui
Công-tôn Tư phất cờ, quân sĩ Thục trùng trùng điệp điệp vây Tương-dương lục-hùng vào giữa, quân đông mặc quân đông, Lục-hùng xung vào được trung quân, Phương-Dung nhận ra ý đồ của lục-hùng nói lớn:
– Hoàng sư-tỷ mau lui lại!
Lục Phong Nữ, Lục Sún cùng Hoàng Thiều-Hoa lùi lại hậu trận, Lưu Phong, Mã Viện, Đoàn Chí ngang tay, Phương-Dung rút kiếm ánh quang lóe lên, Mã Viện, Lưu Long bị chụp trong vòng kiếm quang. Nhưng hai người đều là đệ nhất cao thủ đương thời, một phải, một trái tấn công Phương-Dung, phía phải Hoàng, Bạch, Hắc kiếm đồng tấn công vào Công-tôn Tư, Công-tôn Tư tuy võ công cao, nhưng còn thấp hơn bất cứ người nào trong Ngũ-phương thần-kiếm, Công-tôn Tư thấy vậy, hô các tướng xúm vào vây ba người, còn chàng vẫn đứng điều khiển quân sĩ tiến lên giữ vững phòng tuyến.
Hoài-nam vương rút kiếm nhảy vào tấn công Phương-Dung, Đoàn Chí, Lưu Long rảnh tay, xung vào trung quân chỗ Hoàng Thiều-Hoa đứng chỉ huy.
Lục Phong nữ là những cô gái Mường, võ công bình thường, ngoài bản lĩnh điều khiển Thần-phong ra, các cô không biết gì hơn, Lục Sún võ công càng tầm thường hơn nữa.
Thấy hai người hung hãn quá, Sún Lé hô:
– Tung Thần-xà tấn công chúng.
Trong Lục Sún, Sún Cao đã dùng Thần-xà tấn công Quang-Vũ, nó chỉ còn tay không, Ngũ Sún cũng mở túi ra, tung trăn tấn công ba người, Lưu Long tấn công Thiều-Hoa, Thiều-Hoa đứng trên bành voi vung chưởng đánh xuống, chưởng của nàng là chưởng Cửu-chân chạm vào chưởng Lưu Long làm chưởng của y bị mất tăm, Hoàng Thiều-Hoa võ công cao, song nàng chỉ mới ở tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm công lực chưa được làm bao. Trong khi đó Đoàn Chí, Lưu Long đã đến tuổi bốn mươi lăm, bốn mươi sáu, công lực cao thâm khôn lường, Mã Viện thấy Thiều Hoa để hở phía sau, y vọt người lên tấn công vào lưng nàng, Thiều-Hoa hoảng hốt quay lại đỡ chưởng của y, thì Đoàn Chí, Lưu Long đồng vọt lên chụp nàng, Đoàn Chí vác Thiều-Hoa, Mã Viện, Lưu Long mở đường máu chạy về trận Hán.
Lục Sún tung trăn quấn Tang Cung, Lưu Hân ngã xuống ngựa, bị binh tướng Thục bắt sống, bên kia Hoài-nam vương bỏ Phương Dung chạy đến bảo vệ Đoàn Chí.
Phương Dung thấy vậy nghĩ:
– Nếu mình cứu Hoàng sư tỷ, cũng không địch lại bốn đại cao thủ, chi bằng mình vào trận bắt Quang Vũ là hơn.
Nàng hú lên một tiếng, con ngựa ô vọt về phía trận Hán, nó lao vào hàng quân, Phương-Dung đứng trên lưng ngựa, kiếm lia, đầu rơi, phút chốc nàng đã tới gần Quang-Vũ, Hoài-nam vương kinh hoảng, rút kiếm tấn công Phương-Dung, Phương-Dung xử dụng chiêu: Chiêu dương mộ nhật, một chiêu thức có tới 360 chiêu hư bao trùm, Quang-Vũ, Lưu Quang, Lưu Quang cảm thấy tay đau nhói, kiếm văng khỏi tay, Quang-Vũ phi ngựa bỏ chạy, Phương-Dung hô lên một tiếng, con ngựa ô vọt theo sát nút. Các tướng Hán reo hò cản Phương-Dung, nhưng ngựa ô đi tới đâu nàng vung gươm tới đó, đầu rơi, máu chảy, Quang-Vũ chạy đến cửa thành, thì ngựa Phương-Dung theo bén gót, y kinh hoàng thúc ngựa chạy vào trong, ngựa ô cũng vọt theo, Phương-Dung móc tay vào túi được nén vàng, nàng búng đến véo một cái, nén vàng trúng chân ngựa Quang-Vũ, ngựa đau quá ngã chúi về trước, vật y ngã lăn ra, Phương-Dung vọt khỏi mình ngựa, xuống đất dí kiếm vào cổ định nhắc y lên mình ngựa ô ra khỏi thành. Thình lình bốn mũi tên từ hai phía bắn vào nàng, nàng vung kiếm lên gạt, kiếm chạm vào tên, nàng cảm thấy cánh tay tê rần. Trong khoảnh khắc đó Quang-Vũ nhóm người dậy định chạy, nàng lia một kiếm ngang đầu, y kinh hoàng ngã chúi đầu về phía Phương-Dung. Trong đầu óc y thoáng nghĩ được một lối thoát: phụ nữ thì sợ người ta đụng vào chỗ kín, y húc đầu vào háng nàng. Thời bấy giờ dù Hán, dù Việt trong lúc giao tranh thà người ta chịu chết, chứ không bao giờ dùng đến chiêu thức hạ lưu này. Quang-Vũ trong khi thấy cái chết bên mình, lao đầu húc vào háng Phương-Dung, nàng hoảng hốt định xoạt chân định nhảy lên tránh thì y đã chui đầu qua quần nàng ra phía sau.
Nếu Phương-Dung là đàn ông, chỉ kẹp hai chân lại thì bắt sống được y. Nhưng nàng là gái, luống cuống một chút, y đã ra sau lẩn vào trong đám đông quân sĩ.
Phương-Dung vội lên ngựa ô chạy ra ngoài, bên ngoài thành đội Thần-nỏ đi đầu đang bắn vào quân Hán, quân Thục đi phía sau đuổi quân Hán đến cổng thành, cổng thành đóng lại.
Trong thành khói lửa bốc lên mịt mờ khắp nơi, đoàn Thần-hầu đột nhập vào cử Đông từ lâu, Tây-vu lục-hầu tướng chia làm bốn đội đốt phá bốn cửa thành, còn lại hai đội đốt phá cung thất.
Công-tôn Tư thúc quân đánh vào trong, quân tướng Hán liều mạng quyết chiến, quân Thục trùng trùng điệp điệp vào trong thành, đội Thần-tượng, Thần-nỏ đi đến đâu quân Hán tan đến đó, hai bên giao chiến đến nửa đêm, quân Hán theo cửa Bắc ra khỏi thành.
Công-tôn Tư cho lệnh thu quân, quân Thục chiến thắng trở về, Công-tôn Khôi kiểm điểm lại quân, mã: Thục chết mất mười vạn quân, hơn ngàn dũng tướng. Chinh-di đại tướng-quân Tang Cung, Phấn-uy đại tướng-quân Lưu Hân bị Lục Sún dùng trăn bắt sống, trong lúc Lục Sún khủng hoảng tinh thần vì Thiều Hoa bị bắt, chúng cho Thần-ung ăn thịt hai tướng, Công-tôn Tư tiếc than khôn cùng:
– Các em cho Thần-ưng ăn thịt hai đại cao thủ thực uổng, vì đất Trung-nguyên, cao thủ bằng hai người này, không quá hai chục người, giá để hai người chúng ta đổi lấy Hoàng sư-tỷ.
Một lát có tin báo: Hàm-dương, Vị-nam, Lâm-đồng đã chiếm được, Lũng-tây vương Triệu Khuôn, Phiêu-kị đại tướng-quân Nhiệm Mãng dẫn quân đắc thắng trở về.
Các tướng Thục và anh hùng Lĩnh Nam đều kinh hoàng về trận đánh vừa qua. Họ cho rằng đây là trận đánh lớn nhất, sau trận đánh giữa Hàn Tín với Hạng Võ ở Cai-hạ, trong trận này Sở có mười vạn quân, Hán có mười lăm vạn, kết quả mười vạn quân Sở tan rã, mười vạn quân Hán bị chết và bị thương. Trận đánh Trường-an kinh khủng ở chỗ, quân sĩ hai bên đều tinh nhuệ. Chúa tuớng võ công cao và đầy mưu trí.
Bên Lĩnh Nam Hoàng Thiều-Hoa bị bắt, trong khi bên Hán hai đại tướng-quân bị giết chết, Quang-Vũ chạy bán sống bán chết mới thoát thân.
Lũng-tây vương Triệu Khuôn nói:
– Quang-Vũ hy sinh hai đại tướng đã từng theo y chinh chiến hai chục năm nay. Để đổi lấy Lĩnh-nam vương-phi, chắc y không hại Vương-phi đâu, mà chỉ muốn trao đổi điều kiện gì với ta mà thôi.