Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Khi Người Ta Khóc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 587 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi Người Ta Khóc
Minh Anh

Hạnh vào nhận trực, niềm vui vẫn còn phảng phất trên gương mặt khả ái.

Con gái cô vừa nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Quá khứ như cuốn phim quay chậm, những biến cố cứ diễn ra tuần tự rồi ráp lại với nhau đúng chỗ, đúng thời điểm, hợp lý một cách lạ kỳ như có bàn tay vô hình sắp đặt vậy. Có lẽ đó là số phận. Anh trở về sum họp với gia đình đúng vào năm cuối cấp của con gái, không khí gia đình đầm ấm đã giúp cô bé có được kết quả ngày hôm nay.

Vừa thay quần áo đồng phục vừa suy nghĩ miên man, tiếng bác sĩ Thái hô lớn: “Bóp bóng, lấy máy thở nhanh lên!”, lập tức đưa cô về với thực tại. Cô nhanh chóng đội nón, đeo khẩu trang, chạy ra bệnh phòng hòa vào bước chân hối hả của các đồng nghiệp. Người thì hút đàm nhớt, bóp bóng, người thì ép tim, người chạy đi đẩy máy thở, cô mở vội hồ sơ xem y lệnh và chuẩn bị bàn thuốc chích đẩy đến giường bệnh nhân. Cô rút máu thử khí máu động mạch, cắm thêm một chai dịch truyền mới, chích thêm hai lọ Atropin. Lát sau, bệnh nhân đã hồng hào trở lại nhưng vẫn hôn mê sâu.

Sau khi bàn giao thuốc men, dụng cụ, hồ sơ cho tua sau, mọi người lục tục ra về. Thư không quên nhắc cô: Theo dõi sát đấy, nặng lắm, ngộ độc thuốc rầy nằm ở bệnh viện Tiền Giang hai ngày mới chuyển lên khoa mình hồi sáng, một thiên tình sử sắp kết thúc rồi. Thư dị ứng nặng với những ca tự tử nên thường châm biếm, cô cho rằng ai muốn chết thì cứ để họ chết, cần gì phải cấp cứu tốn công tốn của rồi vài tháng sau lại gặp họ nữa. Hạnh cố thuyết phục Thư rằng không phải ai tự tử cũng đều muốn chết, họ lỡ rơi vào một cơn “muốn chết” và đã không làm chủ được mình để rồi ân hận nài xin: Bác sĩ cứu em, em chỉ muốn dọa anh ấy thôi! Nhưng Thư quá từng trải và sắc sảo, không bao giờ chấp nhận sự thiếu kiểm soát bản thân. Cô đã từng khổ nhiều, thất vọng nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cái chết mà luôn tìm đường thoát ra, tiến không được thì lùi, lùi không được thì tiến, tiến thoái lưỡng nan thì bay lên tầng trên, bỏ lại sự việc ở tầng dưới cho thời gian giải quyết, xìu xìu ển ển như Hạnh chỉ có khuyến khích người ta tự tử thôi. Thư có tầm nhìn rộng về xã hội, cô tin có thiên đàng, có địa ngục, sống nhiều đọc nhiều giúp cô lý giải mọi việc đến tận ngọn nguồn. Đối với cô không tồn tại hai từ “bế tắc” và “không thể”, chỉ những người muốn ì ra trong tình trạng hạnh phúc đã qua mới thích dùng hai từ này, họ cố xin xỏ, thậm chí dùng cái chết để dọa dẫm thì cũng chỉ được thương hại ban cho của bố thí mà thôi. Lý lẽ của Thư khóa chặt Hạnh lại, cô không thể thốt thêm lời nào nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó, không phải ai cũng tu luyện được như Thư.

Đến giờ thăm bệnh, một người đàn ông khoảng 30 tuổi dẫn một bé gái đến bên giường cô gái trẻ đang nằm bất động, trên người chỉ đắp một tấm drap mỏng. Người đàn ông thinh lặng nhìn vào khoảng trống, nét mặt vô cảm, khó có thể đoán được anh đang nghĩ gì. Hạnh hỏi thì anh trả lời một cách máy móc, không có phản ứng gì trước ánh mắt trách móc của những người xung quanh. Bé gái cứ quanh quẩn bên giường mẹ, nó lạ lẫm nhìn ngắm những thứ rối rắm xung quanh, nó nắm tay mẹ lắc lắc gọi: Mẹ ơi, dậy đi, dẫn con đi đạp vịt! Không thấy mẹ nói gì, nó chạy đến ôm chân người đàn ông cầu khẩn: Ba gọi mẹ về đi, sao mẹ ngủ lâu thế? Người đàn ông nhìn con thẫn thờ. Hạnh quay đi nhưng không kịp, một giọt nước mắt đã rơi xuống trang bệnh án làm nhòe đi dòng chữ: Tiên lượng tử vong. Hạnh khóc vì chính mình, hình ảnh của cô ba năm về trước như sống lại nơi cô gái này. Bé gái của cô ngày ấy đã vào lớp 6 và cú điện thoại định mệnh của con bé đã cứu cô thoát khỏi bàn tay tử thần.

Anh đã bỏ đi ba tháng rồi. Cũng ngần ấy tháng cô sống vô định. Cô vẫn đi làm đều đặn, đưa đón nấu nướng cho con bé nhưng cô hầu như không thuộc về thế giới này nữa. Người nhẹ hẫng, không có cảm giác trời đang nóng hay lạnh, trước mắt cô mọi thứ đều nhạt nhòa không rõ nét, bỗng dưng cô phải đeo kính cận. Khó khăn lắm cô mới hiểu những câu hỏi của con bé, những câu đùa dí dỏm của nó trước đây thường làm hai mẹ con cùng cười ngặt nghẽo nay không lay được trái tim cô. Cô như ngọn đuốc tẩm xăng đang cháy, như dòng nước lũ bị bờ đê chặn lại. Ban ngày cô giành việc của các bạn để làm, những công việc đã quen thuộc đến mức trở thành bản năng không cần suy nghĩ, nhưng chỉ cần ngồi ghi hồ sơ cô đã quên mất hôm nay là ngày bao nhiêu. Cô luôn đói khát nhưng chỉ ăn một miếng, uống một ngụm là đã no. Đêm đêm, dòng nước lũ ấy dội ngược vào trong khiến chốc chốc cô phải ngồi dậy để thở, giấc ngủ lơ mơ chìm đắm trong kỷ niệm. Lúc nào cũng là anh, anh đang giảng bài cho lớp điều dưỡng năm 2, ánh mắt dõi về cô bé nhút nhát ngồi thu lu ở cuối lớp, anh vui buồn tùy theo tâm trạng cô. Hình ảnh anh tan ra, vỡ vụn. Rồi hơi ấm của anh mơn man trên da thịt, cái ôm siết của anh đẩy niềm hạnh phúc đến tận tế bào. Cô ngạt thở ngồi dậy nhìn quanh, cũng chỉ mình cô và con bé đang ngủ ngon lành. Nước mắt trào ra ướt gối, cô cố ru giấc ngủ. Và anh lại đến, sau hai tuần không liên lạc với cô, anh khóc vì ba anh không đồng ý, ba muốn sau khi học xong anh phải đi du học và phải lấy một người môn đăng hộ đối. Cô im lặng, anh quỳ xuống bên cô xin cho anh thời gian, cả hai sẽ cùng chinh phục gia đình. Cô là người vợ trong thâm tâm anh, hai tuần đủ cho anh hiểu cô đã là máu thịt của anh. Cô trao thân gửi phận cho anh, rồi cô sinh bé Linh, ôm con vào lòng mà mặt anh rạng ngời hạnh phúc. Khi bệnh viện yêu cầu làm giấy khai sinh, anh mới nhớ ra mình chưa có hôn thú, anh bảo: Đó chỉ là thủ tục thôi, tuần sau sẽ có đủ các loại giấy cho em xem, giấy tờ không bảo đảm hạnh phúc cho mình nhưng nó cần cho xã hội.

Cô ngủ say trong hạnh phúc. Sáng hôm sau đưa con đi học xong, vào đến bệnh viện cô vẫn lâng lâng, tin rằng mình đang sống trong hạnh phúc đêm qua, còn hiện tại chỉ là một trò đùa tai ác của ma quỷ để thử thách tình yêu của cô, lòng chung thủy của cô đối với anh. Suốt mười mấy năm yêu nhau, cô chưa hề bị thử thách, chỉ có anh phải đứng giữa ngã ba đường không biết bao nhiêu lần. Sau khi sinh bé Linh, gia đình nhỏ của cô về thăm ông bà nội như không có gì xảy ra. Lúc đầu ông không tiếp, chỉ có bà xuýt xoa thương cháu, mua đồ chơi, quần áo cho nó. Những dịp lễ tết, giỗ chạp và đều đặn hai tuần một lần, vợ chồng cô lại về chăm sóc nấu nướng cho ông bà. Sau lần ông bị tai biến mạch máu não, yếu nhẹ nửa người, ông mới nhận ra mình có một cô con dâu đằm thắm, chu toàn, có tình nghĩa, điều mà ông thấy khó tìm nhất trên đời. Ra viện, ông quyết định công khai với bà con họ hàng bằng một tiệc cưới thân mật, ấm cúng.

Sống với niềm tin hạnh phúc được vài ngày, cô lại rơi vào thực tại. Cô không tin chỉ còn hai mẹ con trong căn phòng hạnh phúc, cô ngắt vào da thịt mình để biết chắc mình không mơ nhưng cô không thấy đau, có cái gì đó đã làm tê liệt các đầu dây thần kinh, cô nhìn cô lạ lẫm. Cô sống hết lòng với anh nhưng cô không hiểu ước mơ được khẳng định mình của một thằng đàn ông. Cô giận khi anh hay tham gia công tác xã hội. Công việc ở bệnh viện, các khóa học sau đại học, các chuyến công tác từ thiện đã khiến quỹ thời gian dành cho gia đình rất hạn hẹp. Không khí gia đình ngày càng nặng nề, anh chia sẻ những ước mơ của mình với một đồng nghiệp, rồi anh bị cuốn hút bởi tư tưởng của cô ấy lúc nào không hay. Dường như con người yêu thương của cô vẫn bám theo anh như hình với bóng, còn con người đang đứng trước gương đây thật lì lợm, vô cảm, ích kỷ bo bo giữ anh làm của riêng mình. Cô căm thù con người này, chính nó đã khiến anh phải ra đi. Cô vào bếp tìm dao, cô muốn đâm vào ngực trái để cho máu đen chảy ra hết và anh lại trở về với dòng máu đỏ biết yêu thương thông cảm của cô. Điện thoại reo cắt đứt cơn cuồng nộ, cô nhấc máy, đầu dây bên kia tiếng bé Linh hổn hển: Me ơi đón con, cô bận việc cho nghỉ hai tiết cuối, mẹ đón ngay nhé! Con bé có linh cảm thì phải, giọng nó rất xúc động, nó vẫn thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của cô mà. Cô cất dao vào tủ, cô phải nuôi dạy con bé nên người dù cô đang vui hay buồn, muốn sống hay không. Cô chợt thấy mình cảm thông với ước muốn của anh hơn bao giờ hết, sống cho mình là điều đương nhiên nhưng sống như thế thì chưa đủ.

Ba năm liền cô chỉ lo cho mình những nhu cầu căn bản, cô dồn sức làm việc, chăm con và học thêm đại học điều dưỡng. Đêm đêm cô phải đối đầu với nỗi cô đơn của mình nhưng cô vẫn thầm mong có một đêm anh sẽ trở về vì cô đã khác xưa nhiều rồi. Gia đình chồng an ủi, nâng đỡ cô, mẹ anh bảo cô cứ kiên nhẫn, bà hiểu con trai mình là người chân tình.

Hè năm bé Linh chuẩn bị vào lớp 9, cô nhận được thư anh. Anh xin cô tha thứ, thông cảm cho sự ngộ nhận của anh. Anh đã bị cuốn hút bởi tư tưởng của cô bạn đồng nghiệp nhưng sống với cô ấy anh luôn bất an, không thể yên tâm làm việc được. Chỉ có cô mới đúng là một nửa của anh, cô êm dịu đằm thắm lấp đầy nửa tâm hồn trống vắng của anh.

Cô đón nhận anh tự nhiên và thân thuộc như lỗi lầm đó cũng là của chính cô vậy. Gia đình cô được hàn gắn sau chuyến du lịch của ba người. Bé Linh như được chắp cánh, hăng say hẳn lên, nó bảo việc học của nó bây giờ là chuyện “nhỏ như con thỏ”.

Gần sáng thì gia đình cô gái xin về. Mọi người xầm xì: Dại chưa, bây giờ nó được tự do rồi, cứ trơ trơ ra, không nhỏ một giọt nước mắt, lấy con nào chẳng được. Sáng hôm sau, Thư kể cho Hạnh nghe về thiên tình sử ấy: Hai người quen nhau từ dưới quê nhưng gia đình người con trai không đồng ý. Họ cùng lên thành phố học, anh ra trường làm bên xây dựng, cô làm nữ hộ sinh. Có nghề nghiệp ổn định họ mướn nhà, tự tổ chức đám cưới rồi có hai đứa con. Kinh tế eo hẹp, anh bỏ nhà nước ra ngoài làm thầu xây dựng, làm ăn thất bát nợ nần, anh về quê mượn tiền cha mẹ nhưng họ không cho. Xóm bên có một gia đình giàu có, con gái lỡ dại ăn cơm trước kẻng nên muốn tìm một người làm cha hờ. Anh đồng ý với điều kiện sau đám cưới họ sẽ trả nợ. Đám cưới rình rang đi qua nhà cô vợ thật, gia đình điện thoại lên thành phố hỏi mới vỡ lẽ là cô không hề hay biết. Vốn kín đáo ít nói và quen tự quyết mọi việc, cô gửi con cho bà chị rồi mua một chai thuốc rầy kết liễu đời mình. Thư kết luận: Như mày mà khôn, biết nịnh gia đình chồng, đến khi thằng chồng lỡ dại còn có đồng minh.

Chuyện đau buồn của người ta mà Thư biến thành chuyện tiếu lâm làm Hạnh đang ủ rũ xót thương cũng phải bật cười. Không biết Thư có bao giờ khóc không? Có lẽ có, vì thỉnh thoảng Hạnh thấy nó đeo kính đi làm, hỏi thì nó bảo: Đau mắt đỏ mà, hỏi mãi, muốn lây thì lột kính tao ra...



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 387

Return to top