Vừa bước vào tới cửa cung Thánh từ, vua Trần Nhân tôn đã sụp lạy:
- Trình phụ hoàng.
Thượng hoàng Trần Thánh tôn vừa nhận ra con có điều gì không bình thường, liền nói:
- Ta miễn lễ, chẳng hay có chuyện gì cáo cấp mà quan gia phải vào cung đang buổi thiết triều?
- Bẩm phụ hoàng, vì có việc cơ mật, khẩn cấp, con đã cho bãi triều.
- Việc gì vậy?
- Tâu, người của ta lấy được tin từ Yên Kinh về nói rằng: Hốt-tất-liệt vừa lập An Nam tuyên úy ty, cử Bột-nhan Thiết-mộc-nhi làm tham tri chính sự An Nam tuyên úy sứ đô nguyên súy. Sài Thung và Khu-ghê làm An Nam phó đô nguyên súy. Lại cho lập triều đình bù nhìn. Y giữ đoàn cống sứ của ta lại. Phong chánh sứ Trần Di Ái làm An Nam quốc vương. Lê Mục làm An Nam học sĩ, Lê Tuân làm thượng thư. Lại sai Sài Thung dẫn bọn này quay về Thăng Long và cho năm ngàn quân hộ tống. Trong đám quân ấy có một ngàn người Mông Cổ, còn bốn ngàn tên kia là quân tân phụ. Tiền quân của chúng đã tới Quảng Tây.
( - Theo chế độ nhà Trần thì Đông cung thái tử đã lớn, nhà vua trao cho ngôi báu, rồi lui về ở cung Thánh từ để giám sát công việc. Những năm đầu của vua mới lên ngôi, thực chất các việc lớn trong triều vẫn do vua cha quyết định. Đây là chế độ kèm cặp mang tính thực tập rất đáng lưu ý trong việc dùng người của nhà Trần.
- Quan gia: Đại danh từ chỉ nhà vua. Nguồn gốc: năm đời Đế lấy thiên hạ làm của công gọi là Quan; ba đời Vương lấy thiên hạ làm của nhà gọi là Gia.
- Yên Kinh tức Bắc Kinh ngày nay, cũng gọi là Đại-đô, nơi hoàng đế Hốt-tất-liệt nhà Nguyên lấy làm kinh đô.
- Quân tân phụ: Chỉ quân miền nam Trung Quốc-vùng đất Mông Cổ mới chinh phục.)
Thượng hoàng hơi biến sắc. Không biết vì giận bọn Trần Di Ái ngu tối, ươn hèn hay căm uất bè lũ Hốt-tất-liệt. Ngài nói:
- Vậy là chúng đã biến nước ta thành quận huyện của chúng. Quân cẩu trệ. Bước ra khỏi long án, thượng hoàng dằn từng bước chân nặng trịch trong nội tẩm. Đoạn ngài quay lại hỏi Nhân tôn:
- Quan gia khu xử việc này ra sao?
- Bẩm, con đã có chiếu thư cho bá phụ Hưng Đạo vương phải đón đánh bọn này ngay khi chúng đặt bước chân đầu tiên vào đất ta. Và bắt cho được bè lũ phản bội Trần Di Ái để trị tội.
- Thế còn Sài Thung thì sao? Bang giao hai nước căng thẳng. Nếu ta để Sài Thung chết trong đám loạn quân, Hốt- tất liệt ắt có cớ cất binh ngay. Việc này phải cân nhắc kỹ lắm. Vạn bất đắc dĩ không tránh được can qua, thì cũng gắng nhẫn nhịn để còn trù liệu binh lương.
- Tâu phụ vương, con chắc là Sài Thung với danh nghĩa sứ giả, y sẽ đi trước, còn bọn kia núp bóng theo sau. Về đoàn sứ giả, con đã cử thúc phụ Chiêu Minh vương, tướng quốc thái úy (Trần Quang Khải)lên tận biên ải tiếp rước y về Thăng Long. Và cũng giám sát không cho y nghênh ngang dò xét nội tình nước ta từ biên thùy vào nội địa.
Thánh tôn vụt mỉm cười:
- Hai việc ấy, giao cho hai người ấy, ta yên tâm. Vương nhi quả là sáng suốt.
Nhận được chiếu thư của nhà vua, Hưng Đạo vương cho triệu các con về bàn việc phụng chỉ. Bởi từ lâu nay, mạn đông và đông bắc, triều đình giao hẳn cho cha con đại vương trấn giữ. Khi các vương tử đã tề tựu đông đủ, đại vương bèn nói:
- Nay Hốt-tất-liệt đã bình định xong Trung Quốc, đặt nền thống trị và đổi quốc hiệu là Đại Nguyên rồi. Mộng bá chủ gầm trời của y là không gì cản được. Ngọn cờ xâm lược đang trỏ về phương nam, mà Đại Việt ta là chặng đường tiến quân chinh phục đầu tiên của y. Lẽ ra, sau trận thắng ở Nhai Sơn (Trận quyết chiến chiến lược của Hốt-tất-liệt tiêu diệt toàn bộ triều đình nhà Nam Tống), Hốt-tất-liệt đã kéo đại binh sang ta. Ngặt vì tướng sĩ sau nhiều năm chinh chiến ở Trung Nguyên đã mỏi mệt, y còn phải chỉnh bị lại. Vả chăng y cũng muốn giương oai gài bẫy răn đe để các nước nhỏ quy phục, hơn là phải cất quân đánh dẹp. Nay ta được mệnh vua ủy thác, phải xua tan đạo binh năm ngàn tên do nhà Đại Nguyên cử đi hỗ trợ sứ đoàn Sài Thung, dẫn bọn phản bội Trần Di Ái - bù nhìn quốc vương do Hốt-tất-liệt sách phong về nước. Vậy theo ý các con, ta dẹp bọn này thế nào cho êm thuận. Vừa giữ được chủ quyền quốc gia, vừa không để cho kẻ kia vin cớ cất quân.
Các con của đại vương có mặt đầy đủ. Trước hết là trưởng tử Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, bấy lâu nay vẫn cùng đại vương ở đại bản doanh vùng Kiếp Bạc - Bình Than. Tiếp đến là Hưng Trí vương Trần Quốc Hiến; Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất trấn giữ suốt một dải biên ải từ cực đông đến đông bắc. Sau rốt là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, trấn ngự cả một vùng biển đông bắc từ Ngọc Sơn đến Vân Đồn, Hạ Long.
Đại vương là một bậc trí tuệ, nghiêm cẩn, nên người giáo dưỡng các con theo nền nếp cực kỳ thâm viễn. Đại vương thường dậy các con thấu đáo đạo làm người, trước khi học đạo làm tướng.
Các vương cũng biết rõ tính cha, nên trước khi nói ai cũng phải suy nghĩ cho cạn nhẽ. Và ai cũng biết rằng, trong những cuộc nghị bàn như thế này là bàn việc quân cơ, việc lớn quốc gia. Sa xẩy là đại vương chiếu quân pháp trị tội, chứ không mảy may xen lẫn tình phụ tử mà châm chước.
Đại vương đưa mắt nhìn các con. Phút im lặng nặng nề khiến không khí như ngột ngạt. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng vốn tính bồng bột, ưa hành động hơn là suy ngẫm, vừa mấp máy môi, toan nói. Nhưng chợt nhìn thấy gương mặt cha vẫn trầm mặc và các huynh vẫn điềm nhiên, vương hơi chột dạ. Và suy nghĩ: "Việc dễ như trở bàn tay. Phục binh bất ngờ diệt gọn. Chém đầu Sài Thung ném trả Hốt-tất-liệt cho y bớt tính ngông cuồng. Treo cổ Trần Di Ái ở kẻ chợ, để làm gương cho những tên phản bội đê hèn...".
Triền miên với những suy tư đầy tức giận bởi cách cư xử hỗn xược của triều đình nhà Nguyên, Trần Quốc Tảng bực bội nói với mình: "Thân làm tướng. Gặp giặc là đánh. Có gì đâu mà các vương huynh phải nghĩ lâu thế Chẳng nhẽ ta là tướng thủy, xin lên đánh bộ, phụ thân lại quở : mạn xược".
Khí giận toát ra ngoài khiến vẻ mặt Trần Quốc Tảng không vui.
Giây lâu, Hưng Vũ vương Nghiễn lên tiếng:
- Bẩm đại vương, việc này không lớn nhưng cực kỳ khó.
Hưng Đạo vương gật gật mái đầu đốm bạc, nét mặt có vẻ tươi nhuần, người giục:
- Vương nói rõ ý con, ta nghe đây.
- Trình đại vương, con nói việc này không lớn, là bởi chỉ có năm ngàn tên quân Mông - Thát vào cõi ta. Một đạo binh nhỏ của chú Hưng Trí vương Hiến, hoặc Hưng Hiếu vương Uất là quét sạch. Nhưng nó lại dính đến cái sứ đoàn nhà Đại Nguyên, do tên cáo già Sài Thung cầm đầu. Theo y có cả một triều đình bù nhìn do Hốt-tất-liệt nặn ra. Việc này làm không khéo sẽ chọc giận con sư tử Hốt-tất-hệt nổi máu điên khùng, kéo đại binh sang giày xéo núi sông ta. Biết mưu kẻ kia thâm hiểm, nên thượng hoàng và nhà vua mới ủy thác cha và chú Chiêu Minh trông nom cho kín nhẽ.
Hưng Đạo vương vuốt chòm râu cứng tới ba lần rồi cười lớn:
- Khá khen cho con, không những vũ dũng mà còn có mưu sâu. Người thong thả nhấn thêm: - Phát lộ được mưu kẻ địch còn ẩn tàng, tức là con đã biết rõ gan ruột nó. Lướt nhìn các con một lượt, đại vương chậm chạp vuốt râu và thong thả nói tiếp: - Người làm tướng, không phải như thiên lôi chỉ đâu đánh đấy. Người làm tướng - Đại vương nhấn thêm - không phải chỉ biết đánh, mà phải biết thắng một cách nhàn hạ, không nhọc sức quân, không hao tổn máu xương sĩ tốt. Nhìn thẳng vào người con út, lúc này mang vẻ mặt buồn thiu, Đại vương nói như an ủi, như trách móc:
- Hưng Nhượng vương Tảng, ta lấy làm tiếc, con học nhiều, đọc rộng mà con vẫn chưa định được cái tâm, chỉnh được cái ý. Tính con nôn nóng, bồng bột, nếu con không ẩn nhẫn để sửa mình, ta e con khó thâu được thành tựu.
Trần Quốc Tảng nghe cha nói, giật mình kinh sợ, mồ hôi toát đẫm sống lưng. Vương thầm nhủ: "Vậy là cha biết cả tim óc ta".
Lại nhìn Hưng Vũ vương Nghiễn, đại vương chậm rãi:
- Việc này ta phó thác cho con lo liệu. Con nên cẩn trọng. Ngoài sứ đoàn Sài Thung ra, không cho một tên quan quân nào khác trong đoàn hộ tống lọt được vào đất ta. Con nên nhớ, chỉ cần cản không cho lũ kia sang đất ta, chứ không cần sát hại chúng. Bõ bèn gì vài ngàn tên giặc. Đây là ván cờ bang giao, không được để xảy ra điều gì sai quấy.
Vương đột ngột ngừng lời. Đôi mắt vương bỗng sáng quắc. Vương như đang trương nhãn lực nhìn cho thấu một vật gì đó qua màn sương mờ đục. Rồi cất cao giọng, vương nói:
- Gấp gáp lắm rồi. Cứ như ta suy ngẫm qua cung cách chèn ép, bức bách của nhà Nguyên, thì Đại Việt tiếp sứ Nguyên lần này có nhẽ là lần trót chăng? Cho nên việc canh phòng trên biên ải, cũng như việc thông đạt tin tức từ biên cương về bản doanh ta, không được lơi lỏng, trễ nải. Các hỏa điểm, củi đóm lúc nào cũng phải đầy đủ, ngay cả khi trời mưa bão. Còn các trạm, phải luôn luôn có ngựa tốt, để hễ có tin gì, là các kỵ sĩ có thể lên đường ngay được.
Ngày mai ta về Thăng Long, để xem vua tôi nhà Nguyên giở thêm trò gì nữa. Yết Kiêu đi cùng ta. Dã Tượng lo luyện tốt đội tượng binh, đội thần nỗ giúp ta. Các con cố gắng hoàn thành trách phận. Xong việc, ta sẽ có thưởng.
Nói xong, vương đứng dậy đi về phía tàu ngựa. Con tía mật thấy vương đi qua, nó hí lên một hồi dài, rồi lúc lắc bờm và gại móng, khiến vương phải dừng lại.