Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tây Tạng huyền bí

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12192 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tây Tạng huyền bí
Dr. T. Lobsang Rampa

Đời Người Tu Sĩ Sơ Cơ

Tại tu viện Chakpori, một "Ngày" của chúng tôi bắt đầu từ lúc nửa đêm. Khi tiếng kèn điểm giờ tý canh ba vang dội âm thanh đến những hành lang u tối, chúng tôi còn đang ngái ngủ, đã phải thức dậy xếp lại nệm chiếu và dò dẫm tìm cái áo tràng trong bóng tối. Mặc áo xong, chúng tôi vừa bước ra đi vừa dồn mọi đồ vật dụng vô áo tràng. Chúng tôi bước xuống thang lầu và nện gót giầy trên cầu thang với những tiếng động ồn ào, vì vào giờ này, chúng tôi thường bực bội không vui. Trong phần giáo lý của chúng tôi có câu: "Thà nghỉ ngơi với một tâm hồn an tỉnh hơn là ngồi tham thiền tụng niệm mà ôm cơn tức giận trong lòng". Tôi thường có một ý nghĩ bất kín: Nếu vậy tại sao người ta không để cho chúng tôi nghỉ ngơi trong sự yên tỉnh? Sự thức giấc vào lúc nửa đêm này làm cho tôi tức giận!
Nhưng không ai đã đưa cho tôi một lời giải đáp thỏa đáng, thành thử tôi phải đi cùng với mọi người vào nhà Nguyện Đường để dự cuộc lễ cầu nguyện ban đêm. Tại đây, vô số những ngọn đèn thắp bằng bơ chiếu ánh sáng lung linh xuyên qua những luồng khói hương nghi ngút bay lượn trong không khí. Dưới ánh sáng lập loè này, và giữa những bóng người qua lại, những pho tượng khổng lồ của các vị Thần dường như cũng cử động và hình như cũng nghiêng mình đáp lại những tiếng thánh ca của các sư sãi.
Hàng năm các sư sãi và thiếu niên Sơ Cơ ngồi xếp bằng trên những tấm nệm xếp thành những hàng dài trong nhà Nguyện Đường. Họ ngồi day mặt đối diện với một hàng và xoay lưng vào một hàng. Họ cất tiếng hát những bản thánh ca du dương dùng những tiết điệu đặc biệt, vì người Đông Phương đã từng hiểu biết về những quyền năng của âm thanh. Cũng như một âm thanh được phát ra đúng cách, có thể làm bể một cái ly thì một bản nhạc dùng nhiều thanh điệu ghép lại theo một tiết điệu nhất định cũng có quyền năng siêu hình, thần bí. Trong buổi lễ, cũng có đọc kinh Kangyur. Thật là một cảnh tượng uy hoàng mà thấy hàng trăm sư sãi mặc áo tràng màu đỏ sẩm, với mảnh lụa yểm tâm màu vàng che trước ngực, vừa nghiêng mình vừa hát hòa tấu những bài thánh ca, kèm theo tiếng ngân của những cái chuông nhỏ và tiếng trống. Những đám khói hương trầm và đèn nhan nghi ngút luồng qua chân các pho tượng thần khổng lồ và người ta có cảm giác rằng giữa cái ánh sáng âm u đó, những pho tượng ấy cũng nhìn chúng tôi dường như để chứng kiến cuộc lễ uy nghiêm.
Buổi lễ kéo dài gần một giờ, sau đó chúng tôi trở về phòng để ngủ lại cho đến bốn giờ sáng. Một cuộc lễ sớm bắt đầu vào lúc bốn giờ một khắc. Đến năm giờ, chúng tôi ăn điểm tâm với Tsampa và trà pha bơ. Dẫu cho trong khi ăn, chúng tôi cũng còn phải lắng nghe giọng nói đọc âm chán phèo của vị sư xướng ngôn, trong khi đó, vị sư giám thị ngồi kế bên dò xét chúng tôi với cặp mắt cú vọ. Trong dịp này người ta đưa ra cho chúng tôi tất cả mọi thông tri và huấn lịnh. Thí dụ như trong trường hợp có việc cần phải đi ra thành phố Lhasa, thì trong giờ ăn điểm tâm người ta nêu tên những sư sãi có phận sự lãnh công việc đó. Những vị này mới được phép rời khỏi tu viện trong một khoảng thời gian nhất định và được phép vắng mặt trong một vài buổi lễ trong ngày.
Đến sáu giờ, chúng tôi vào lớp học, sẵn sàng học buổi học đầu tiên. Lời răn thứ nhì của Phật Giáo Tây Tạng dạy rằng: "Người sẽ làm tròn bổn phận tôn giáo và người sẽ học hỏi kinh thánh". Trong sự ngây thơ của tuổi lên bảy, tôi không hiểu tại sao người ta phải tuân theo Lời Răn này trong khi lời răn thứ năm: "Ngươi phải kính trọng những bậc trưởng thượng và những người thuộc dòng quý tộc". Lại không được tuyệt đối tuân theo? Thật vậy, kinh nghiệm của tôi cho tôi thấy rằng có một cái gì hổ thẹn mà sinh trưởng làm con nhà "Quý phái". Tôi thật sự đã là nạn nhân của sự "Quý phái" đó. Hồi đó tôi không hiểu rằng giai cấp của một người không phải là điều quan trọng mà chỉ có đức hạnh mới là đáng kể.
Đến chín giờ, chúng tôi ngưng học trong bốn mươi phút để dự một cuộc lễ khác. Sự gián đoạn này đôi khi cũng dễ chịu nhưng chúng tôi phải trở về lớp học vào mười giờ kém mười lăm phút. Khi đó, một môn học khác lại bắt đầu và kéo dài cho đến một giờ trưa. Chúng tôi vẫn chưa được phép ăn uống gì và phải dự một cuộc lễ trưa độ nữa giờ trước khi dùng bữa ăn trưa gồm có Tsampa và trà pha bơ. Kế đó là một giờ làm công việc nhà để giúp cho chúng tôi vận động cơ thể và để dạy chúng tôi đức tính khiêm tốn. Những công việc dơ bẩn nhất và khó chịu nhất được giao phó cho tôi, dường như nhiều lần hơn là tới phiên tôi phải làm.
Đến ba giờ chiều chúng tôi tụ hợp lại để nghỉ ngơi một tiếng đồng hồ. Trong giờ đó, sự nghỉ ngơi bị bắt buộc; cấm không được nói chuyện hay cử động; chúng tôi phải giữ im lặng hoàn toàn. Chúng tôi không thích sự sắp đặt đó chút nào, vì một giờ thì ít quá để ngủ trưa và dài quá để ngồi yên không làm gì! Sau giờ nghỉ trưa đó, đúng bốn giờ, chúng tôi trở lại lớp học. Đến đây mới bắt đầu giai đoạn gian lao nhất trong ngày nó kéo dài suốt năm tiếng đồng hồ, không một chút nào nghỉ ngơi, trong năm tiếng đồng hò đó chúng tôi không được phép rời khỏi lớp học vì bất cứ một lý do nào, nếu trái lịnh, chúng tôi sẽ bị trừng phạt rất nặng nề. Các vị thầy học sử dụng những gậy gọc to lớn một cách tự do và có vài vị tỏ ra rất sốt sắng trong việc trừng phạt những kẻ vi phạm. Chỉ có những học trò nào không thể chịu đựng được nữa hoặc những kẻ thật ngu xuẩn mới xin phép vắng mặt "đi ra ngoài" vì khi họ trở về lớp, sự trừng phạt là điều không thể tránh khỏi.
Đến chín giờ tối, chúng tôi mới được "giải thoát" để dùng bữa ăn cuối cùng trong ngày, cũng chỉ gồm có bấy nhiêu món là trà bơ và Tsampa. Đôi khi, nhưng cũng rất hiếm, chúng tôi được ăn rau, thường là những khoanh củ cải trắng hay đậu Hòa Lan. Những thứ rau đậu này chỉ ăn sống, nhưng cũng ăn được đối với những thiếu niên sinh bụng đói. Có một lần, năm tôi lên tám tuổi, người ta cho chúng tôi ăn búp măng Tây trộn dấm. Tôi rất thích ăn măng tây, vì tôi thường được ăn món ấy hồi còn ở nhà. Vì ăn còn thèm, tôi đã dại dột đề nghị với một bạn trẻ ngồi gần bên để đổi cái áo tràng thứ hai của tôi lấy phần ăn của nó. Vị sư giám thị bắt gặp quả tang chuyện này, bèn gọi tôi ra đứng giữa phòng ăn để công khai thú tội trước mặt mọi người. Để trừng phạt tội tham ăn của tôi, tôi phải chịu nhịn đói, nhịn khát trong hai mươi bốn giờ. Còn cái áo tràng của tôi thì bị tịch thu họ viện lẽ rằng nó không có ích lợi gì cho tôi, vì tôi đã muốn đổi nó lấy một vật không cần thiết lắm!
Đến chín giờ rưởi, chúng tôi trở về phòng. Ai cũng muốn về mau để đi ngủ! Lúc đầu, tôi nghỉ rằng những giờ học dài quá mức đó có thể làm hại sức khỏe tôi, và có lẽ tôi sẽ lăn ra chết bất cứ lúc nào hoặc tôi sẽ ngủ luôn để không bao giờ thức dậy nữa. Cùng với những ma mới khác, chúng tôi thường rút lui vào một góc hẻo lánh để ngủ gà một giấc. Nhưng lần lần, tôi đã quen rất mau với cái thời khắc biểu khắc nghiệt đó, và sau cùng, những chuỗi ngày dài vô tận đó không còn làm cho tôi khó chịu nữa.
Lúc ấy đã gần sáu giờ khi người thiếu niên dẫn đường đưa tôi đến trước cửa tư thất của Minh Gia Đại Đức. Tuy tôi không gõ cửa, người cũng lên tiếng trước gọi tôi vào. Phòng khách của Đại Đức rất trang nhã với những bức tranh tuyệt đẹp, vài bức tranh được vẽ ngay trên tường và những bức họa khác được vẽ trên những tấm màn trướng bằng lụa. Trên những bàn nhỏ có sắp những pho tượng các vị thần hay thần nữ bằng vàng hoặc bằng cẩm thạch. Trên tường cũng có gắng một bánh xe luân hồi rất lớn, biểu tượng của định luật Tuần Hoàn trong vũ trụ, ngồi theo tư thế liên hoa trên một tấm nệm, trước một cái bàn đầy những sách vỡ, vị Lạt Ma đang nghiên cứu kinh điển khi tôi bước vào. Người nói:
- Lâm Bá, con hãy ngồi đây gần bên ta, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Nhưng trước hết, đối với một thiếu niên đang ở tuổi sắp lớn, ta cần hỏi con một câu: Con có được ăn uống đầy đủ hay không?
- Bạch Ngài, có.
- Sư Trưởng có nói rằng chúng ta có thể làm việc chung với nhau. Chúng ta đã tìm thấy được tiền kiếp của con: Con đã tiến bộ khá lắm. Bây giờ chúng ta muốn phát triển lại vài khả năng và sở đắc mà con đã thu thập được trong kiếp sống vừa qua. Chúng ta muốn rằng trong khoảng vài năm, con sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức hơn là một vị Lạt Ma có thể thu thập được suốt cả một đời.
Nói đến đây, Đại Đức bèn ngừng lại và chăm chú nhìn tôi một lúc rất lâu, với đôi mắt sáng dường như soi thấu mọi vật. Người lại nói:
- Mọi người phải được tự do chọn lựa con đường của mình. Tương lai của con sẽ rất gian lao khổ cực trong bốn mươi năm nếu con chọn con đường tốt, nó sẽ đưa đến những phần thưởng lớn lao trong kiếp sau. Trái lại, trên con đường dở, con sẽ được giàu sang với đầy đủ mọi sự tiện nghi sung sướng của cỏi trần nhưng con sẽ không có được sự tiến bộ tâm linh. Vậy con hãy tự mình quyết định lấy.
Nói xong, người nhìn tôi chờ đợi. Tôi đáp:
- Bạch Ngài, cha con có nói rằng nếu con thất bại và rời khỏi tu viện, con không nên trở về nhà. Làm sao con có thể sống cuộc đời sung sướng tiện nghi nếu con không có nhà để trở về? Và ai sẽ chỉ dẫn cho con theo con đường tốt nếu con chọn đường đó?
Đại Đức mỉm cười và nói:
- Con đã quên rồi chăng? Chúng ta đã tìm thấy lại được kiếp trước của con. Nếu con chọn con đường dở, tức con đường dể dãi tiện nghi, con sẽ được quy định ngôi thứ trong một tu viện như một vị Hóa Thân. Và trong vài năm, con sẽ được đưa lên chức vị Sư Trưởng. Cha con chắc sẽ không cho đó là một sự thất bại chứ?
Tôi bèn hỏi tiếp:
- Bạch Đại Đức, theo ý ngài đó có phải là một sự thất bại không? Người đáp:
- Phải. Với tất cả những gì mà ta biết, thì đối với ta, đó là một sự thất bại.
- Bạch Đại Đức, ai sẽ hướng dẫn cho con?
- Ta sẽ là người hướng dẫn con, nếu con chọn con đường tốt, nhưng con hãy tự mình quyết định lấy, không ai có quyền ép buộc con hết cả.
Tôi ngước mắt lên nhìn Đại Đức và tôi cảm thấy tôi yêu mến người đối diện với tôi lúc ấy: Một người cao lớn, với đôi mắt đen huyền, cái nhìn trong sáng, một gương mặt cởi mở và một vầng tráng cao rộng. Phải, tôi cảm thấy tràn đầy thiện cảm đối với người! Tuy tôi mới lên bảy, cuộc đời tôi trước kia thật là vất vả khổ cực và tôi đã từng gặp gỡ nhiều nhân vật: Thật sự tôi có thể xét đoán tính chất của một người. Tôi nói:
- Bạch sư phụ, con sẽ chọn con đường tốt và ước mong được làm đệ tử của Ngài.
Tôi nói thêm với một giọng băn khoăn:
- Nhưng chắc là con sẽ không thích làm việc nhiều!
Đại Đức cất tiếng cười lớn, một giọng cười cởi mở, nó sưởi ấm lòng tôi và nói:
- Lâm Bá, ở đời không ai là người thích làm việc nhiều, nhưng ít có người thành thật nhìn nhận điều ấy.
Đại Đức nhìn vào các giấy tờ trên bàn và nói:
- Một phép luyện bí mật sẽ cần thiết để giúp cho con mở được năng khiếu Thần Nhãn. Sau đó, chúng ta sẽ sử dụng khoa thôi miên để hối thúc sự học hỏi của con cho mau có kết quả. Chúng ta sẽ giúp cho con tiến rất xa trên các lãnh vực y khoa và Huyền Môn.
Tôi cảm thấy e ngại trước một chương trình bề bộn như thế: Nó hứa hẹn một sự làm việc ráo riết không ngừng và khó nhọc dường nào! Nhất là sau khi tôi đã trải qua bao nhiêu sự học vấn khắc khổ trong bảy năm qua, không hề có dư thời giờ cho các môn giải trí... và chơi diều!
Vị Lạt Ma dường như đọc được tư tưởng của tôi. Người nói:
- Thực vậy, con hỡi. Sau này con sẽ có thời gian để chơi diều nhưng đó sẽ là những con diều thật lớn và có thể chở người ngồi bên trong. Còn hiện giờ, ta cần thiết lập một thời khắc biểu hợp lý đến mức tối đa.
Sư phụ tôi lại cúi xuống mớ giấy tờ trên bàn:
- Xem nào, từ chín giờ sáng đến một giờ trưa, có được chăng? Phải đấy, ta hãy bắt đầu như vậy. Con hãy đến đây mỗi buổi sáng đúng chín giờ thay vì dự buổi lễ sáng và ta sẽ thảo luận về những vấn đề quan trọng. Buổi học đầu tiên sẽ là sáng mai. Con có muốn nhắn gì với cha mẹ con không? Ta sẽ đến viếng song thân của con ngày hôm nay. Con hãy đưa cho ta mớ tóc củ của con hôm trước!
Điều đó làm tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Khi một thiếu niên được nhận vào tu viện, người ta xuống tóc cho y và gởi cái bím tóc dài vừa cắt xong cho cha mẹ y qua sự trung gian của một thiếu niên Sơ Cơ để chứng minh rằng con của họ đã được thâu nhận. Trong trường hợp này thì chính Minh Gia Đại Đức đích thân đem cái bím tóc của tôi về nhà! Điều này có nghĩa là từ nay Đại Đức sẽ hoàn toàn đảm trách cuộc đời tôi và tôi đã trở nên đứa "Con tâm linh" của người.
Minh Gia Đại Đức là một nhân vật rất quan trọng, một người có một trí thông minh hiếm có và được nổi tiếng khắp nơi ở xứ Tây Tạng. Tôi tin chắc rằng dưới sự dìu dắt của một vị sư như Ngài, tôi không thể nào thất bại.
Sáng ngày hôm ấy, khi trở về lớp học, tôi làm một người học trò rất lãng trí. Tôi để tư tưởng vẫn vơ đâu đâu, và bởi đó vị gia sư lại có dịp thỏa mản cái khuynh hướng sử dụng gậy gọc một cách thẳng tay!
Tôi nhận thấy các giáo sư đã tỏ ra nghiêm khắc một cách quá đáng. Nhưng để tự an ủi, tôi nghỉ rằng dầu sao tôi đến đây là để học. Đó là lý do vì sao tôi đầu thai trở lại, tuy rằng hồi đó tôi không được biết rõ tôi cần phải học lại những gì.
Ở Tây Tạng, người ta tin tưởng rất mạnh nơi sự luân hồi. Họ tin rằng một người đã đạt tới một trình độ tâm linh nào đó, có thể chọn lựa sống trên một cõi giới khác, hoặc trở lại thế gian để học hỏi thêm hay để giúp đỡ kẻ khác. Có khi một nhà hiền giả đã hỏi phải thực hiện một sứ mạng nhất định trong đời mình nhưng lại qua đời trước khi hoàn thành sứ mạng. Trong trường hợp đó, người ta tin rằng nhà hiền giả có thể tái sinh trở lại thế gian để hoàn tất công việc đã bỏ dở trong kiếp trước, dưới điều kiện là công việc ấy sẽ hữu ích cho nhân loại.
Không mấy ai có thể nhờ người khác truy ra những tiền kiếp của mình, việc ấy đòi hỏi một vài ấn chứng, tổn phí nhiều tiền bạc và mất nhiều thì giờ. Những người nào cũng như trường hợp của tôi có những ấn chứng đó được gọi là những vị "Hóa Thân" (Tulku - người đã tiến hóa cao, tình nguyện đầu thai trở lại cõi trần ngay sau khi chết, để thực hiện một sứ mạng tâm linh cao cả). Những vị này hồi còn trẻ được dạy dỗ theo một kỹ luật vô cùng khắc khổ, giống như trường hợp của tôi, nhưng về sau đến lúc trưởng thành họ được sự kính trọng của tất cả mọi người. Về phần tôi, người ta sẽ dành cho tôi một sự huấn luyện đặc biệt nhằm tăng cường những kiến thức của tôi về khoa Huyền Môn. Để làm gì? Hồi đó, tôi chưa được biết rõ lý do.
Những cú roi giáng xuống như mưa làm tôi giật mình, và đưa tôi trở về thực tế.
- Thằng ngốc! Đồ gàn! Những ý nghỉ đen tối nào đã lọt vào trong cái sọ dày đặt của mi? May cho mi vì đã đến giờ dự lễ nếu không, chắc là mi còn bị ăn đòn!
Kèm theo lời mắng mỏ ấy, vị giáo sư thịnh nộ đá vào đít tôi một đá nên thân và bước nhanh ra khỏi lớp học. Một bạn đồng môn của tôi nói:
- Bạn đừng quên rằng trưa nay là tới phiên chúng ta phải làm công tác dưới bếp, tôi hy vọng chúng ta có thể vô bao đầy món Tsampa.
Công tác làm bếp rất cực nhọc, vì những vị sư giám thị đối xử với chúng tôi như những kẻ nô lệ. Không có vấn đề nghỉ ngơi sau hai giờ công tác nặng nhọc đó. Làm bếp xong, chúng tôi phải trở lại lớp học ngay. Đôi khi người ta giữ chúng tôi ở lại bếp quá lâu nên chúng tôi đến lớp học trể giờ. Khi chúng tôi đến nơi thì vị giáo sư nổi trận lôi đình phân phát cho chúng tôi một loạt những cú roi, gậy như mưa tấc, không để cho chúng tôi có chút mảy may cơ hội để biện hộ cho sự trể giờ đó!
Công tác đầu tiên của tôi trong nhà bếp suýt nữa cũng là công tác cuối cùng. Theo những hành lang lót đá, chúng tôi đi đến nhà bếp... không chút hứng khởi trong lòng. Một sư sãi nét mặt rất cáu kỉnh đứng đợi chúng tôi ở ngoài cửa. Khi vừa thấy chúng tôi đến, y kêu to:
- Mau lên, thật là một lũ lười biếng và vô dụng. Mười đứa đầu tiên hãy vô nấu các nồi "Xúp de"!
Tôi lọt nhằm số mười, tôi bèn đi cùng với những thiếu sinh khác xuống bếp do một cầu thang nhỏ. Dưới nhà bếp nóng kinh khủng. Trước mặt chúng tôi, những bếp lò phát ra những tia lửa đỏ. Nhiên liệu đốt lò là phân con Yak phơi khô và ép thành từng bánh tròn, được chất lên từng đống lớn gần bên các chảo đụn. Vị sư sãi chỉ huy việc nấu bếp quát lớn:
- Hãy vác xuổng lên và xúc phân khô đổ vô lò!
Tôi chỉ là một đứa trẻ mới lên bảy tuổi lẫn lộn trong đám thiếu sinh mà đứa trẻ nhất cũng không dưới tuổi mười bảy. Tôi chỉ vừa đủ sức giơ cái xuổng lên toan xúc phân cho vào lò thì tôi vô ý thế nào làm lật cái chảo nước đang sôi lên hai bàn chân của vị sư sãi. Y thét lên trong cơn thịnh nộ, nắm lấy cổ họng tôi xoay một vòng... và loạng choạng té ngã. Tôi nhảy ra phía sau, nhưng tôi cảm thấy đau nhói kinh khủng và ngửi thấy mùi da thịt cháy khét. Tôi đã té ngã trên một cây sắt đầu nướng đỏ từ trong bếp lò văng ra. Thét lên vì đau đớn, tôi ngã lăn giữa những tro than cháy âm ỉ. Phần trên đùi bên trái của tôi, gần chổ xương háng bị cháy đến tận xương, chổ da thịt bị phỏng ấy đã để lại cho tôi một vết thẹo trắng, mà hiện nay còn làm cho tôi khó chịu. Chính vết sẹo ấy về sau đã làm cho người Nhật nhìn ra được tôi.
Một cơn náo loạn đã diễn ra sau đó. Những sư sãi khác từ khắp nơi vội vàng chạy đến. Người ta mau mau đỡ tôi đứng dậy giữa đám tro tàn. Tôi bị những vết phỏng khắp thân mình nhưng nặng nhất là vết thương ở bắp đùi. Người ta mau cõng tôi lên những tầng lầu trên, ở đó, một vị Lạt Ma y sĩ cố gắng chữa trị vết phỏng để cứu lấy cái chân tôi. Thỏi sắt nướng đó là một vật dơ bẩn và để dính lại trong vết thương những mạt cưa sắt rĩ sét. Vị y sĩ phải moi trong vết thương để lấy ra những miếng sắt vụn này, cho đến khi vết phỏng được rữa sạch trơn. Kế đó, y sĩ rịt thuốc lên vết thương và băng bó cẩn thận. Còn những vết phỏng nhẹ ở khắp thân mình thì y sĩ thoa lên một chất thuốc nước làm bằng chất dược thảo nó làm cho tôi bớt đau rất nhiều.
Sự đau đớn, nhức nhói vẫn âm ĩ và tôi tưởng chắc là sẽ không còn sử dụng chân trái của tôi được nữa. Khi đã băng bó xong, vị Lạt Ma y sĩ gọi một sư sãi khiêng tôi vào một gian phòng bên cạnh và đặt tôi nằm trên nệm. Một vị sư già bước vào ngồi dưới đất ở bên cạnh giường tôi và bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Tôi thầm nghỉ: "Thật là tốt đẹp thay mà cầu nguyện ơn trên che chở cho tôi sau khi tôi vừa bị một tai nạn!" Sau cái kinh nghiệm bản thân về sự đau đớn cực hình này, tôi quyết định sẽ sống một cuộc đời đức hạnh. Tôi nhớ đến một bức tranh vẽ cảnh địa ngục, trong đó một quỷ sứ hành hình một nạn nhân bằng cách lấy dùi sắt nhọn nướng đỏ đốt thân hình y ở gần chổ mà tôi bị phỏng.
Có lẽ người ta sẽ nghỉ rằng trái với đều mà họ vẫn tưởng các sư sãi là những kẻ ác ôn. Nhưng sư sãi là gì? Ở xứ Tây Tạng, danh từ đó áp dụng cho mọi người phái nam sống trong một tu viện Lạt Ma Giáo, dẫu cho họ không phải là người tu. Hầu như bất cứ người nào cũng có thể trở nên sư sãi. Một trẻ thiếu nhi thường được gởi vào một tu viện để trở nên "Sư sãi" mà nó không cần được hỏi ý kiến. Đôi khi, đó là một người trưởng thành đã chán công việc đi chăn cừu và muốn có một mái nhà ấm cúng để đụt sương tuyết khi tiết trời lạnh lẽo sụt xuống đến bốn mươi độ dưới số không. Khi đó, y xin làm sư sãi trong tu viện. Không phải vì lý tưởng tôn giáo mà vì y muốn tự đảm bảo lấy ít nhiều tiện nghi vật chất. Các tu viện dùng những "Sư sãi" đó như những người lao công để làm những công tác xây cất, cày bừa hay quét dọn. Ở những nơi khác thì những người đó được gọi là nô bọc hay bằng một danh từ tương tự. Phần nhiều những người đó đã sống một cuộc đời rất khổ nhọc: Sống ở những vùng cao nguyên từ ba ngàn đến bảy ngàn thước bề cao, không phải là một cuộc đời dễ chịu. Đối với người Tây Tạng, thì một "Sư sãi" chỉ có nghĩa là một người như mọi người thường. Họ dùng danh từ Trappa để chỉ những người tu sĩ.
Những vị Lạt Ma (Lama) là những bậc cao tăng, thuộc một cấp đẳng cao. Đó là những bậc đạo sư, hay tôn sư. Thí dụ như Lạt Ma Minh Gia Đại Đức sẽ là vị tôn sư của tôi, và tôi sẽ là đệ tử của người. Kế đó, ở cấp đẳng cao hơn nữa là những vị sư trưởng. Không phải tất cả những vị này đều đảm trách việc trông coi một tu viện; nhiều vị nắm giữ những chức vụ cao trong chính phủ hoặc đi ta bà từ tu viện này đến tu viện khác. Có đôi khi một vị Lạt Ma lại ở cấp đẳng cao hơn vị sư trưởng; mọi sự đều tùy nơi những hoạt động của người.
Những người được coi như là những vị "Hóa Thân" (người ta đã chứng minh rằng đó là trường hợp của tôi) có thể được chỉ định làm chức sư trưởng vào năm mười bốn tuổi, sau khi đã vượt qua một cuộc thi rất khó khăn. Những vị này thường là nghiêm khắc nhưng không hung dữ và không bao giờ bất công.
Một thí dụ khác về sư sãi là trường hợp các sư sãi cảnh binh. Nhiệm vụ duy nhất của họ là duy trì trật tự, họ không có phận sự gì trong việc tế tự, lễ bái ở các đề chùa, họ chỉ cần có mặt để xem mọi việc có xảy ra đúng theo quy tắc luật lệ không. Họ thường rất hung tợn cũng như phần nhiều các sư sãi nô bọc như đã nói ở trên (nhưng không vì thế mà họ làm giảm uy tín của các tu viện). Người ta không thể lên án một vị giám mục vì ông ta có một tên làm vườn thô lỗ! Cũng như người ta không trông mong người làm vườn ấy sẽ trở nên một ông thánh chỉ vì y làm tôi tớ cho một vị giám mục!
Đây trở lại vấn đề tôi bị phỏng lửa khi đi làm công tác dưới bép. Hiệu lực của chất thuốc vừa tan dần, tôi hồi tỉnh lại và cảm thấy như mình bị lột da. Trong cơn mê sảng tôi tưởng tượng dường như một ngọn đuốt đang cháy được đặt vào một cái lỗ trống trong bắp đùi bên trái của tôi.
Thời giờ trôi qua. Tôi lắng nghe những tiếng động trong tu viện: Vài loại âm thanh đã quen thuộc đối với tôi, nhưng có nhiều loại khác mà tôi không nhận ra là những tiếng động gì. Toàn thân tôi bị rung chuyển vì những cơn đau điếng dữ dội. Tôi nằm sấp trên bụng nhưng những vết phỏng cũng lan rộng đến phía trước của thân mình tôi. Tôi nghe một tiếng động nhẹ: Có người đến ngồi gần bên tôi. Một giọng đầy thiện cảm và nhân từ của Minh Gia Đại Đức nói thì thầm bên tai tôi:
- Con hỡi, chắc là con bị đau lắm. Thôi hãy ngủ đi.
Vài ngón tay nhẹ nhàng lướt trên lưng tôi dọc theo xương sống, nhẹ lướt thêm nữa và thêm nữa. Thế rồi... tôi mê man ngủ thiếp đi.
Một vầng mặt trời êm ấm chiếu rạng ngời trước mặt tôi. Tôi thức dậy và chớp mắt liên hồi. Tư tưởng đầu tiên đến với tôi khi tôi vừa chợt tỉnh là hình như có người đá tôi vài đá vì tôi đã ngủ quá lâu. Tôi định nhảy xuống giường để hối hả đi dự buổi lễ sáng nhưng tôi bèn té ngữa ra sau, khắp mình mẩy đau nhức như rần. Thì ra đó là cơn mê sảng... Chân trái tôi đau quá.
Một giọng dịu hiền ưu ái nói với tôi:
- Lâm Bá, con hãy nằm yên. Hôm nay con có thể nghỉ.
Tôi quay đầu nhìn lại lấy làm vô cùng ngạc nhiên mà thấy rằng tôi đang nằm trong phòng của Minh Gia Đại Đức, còn Sư Phụ thì ngồi gần bên tôi. Người nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi và mỉm cười:
- Tại sao con ngạc nhiên? Phải chăng là một việc thường tình mà hai người bạn ở gần bên nhau khi một người bị đau ốm?
Tôi đáp bằng một giọng rã rời mệt mõi:
- Nhưng sư phụ là một vị Lạt Ma cao cả, còn con chỉ là một đứa trẻ nhỏ.
- Lâm Bá chúng ta đã cùng nhau đi một đoạn đường rất dài trong những kiếp trước. Hiện giờ con chưa nhớ lại được điều đó nhưng ta nhớ rõ, vì chúng ta đã sống rất gần bên nhau trong những kiếp vừa qua. Còn bây giờ con cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức. Chúng ta sẽ điều trị bắp chân con cho mau lành, con đừng lo gì cả!
Tôi liên tưởng đến cái bánh xe luân hồi sinh tử và nghỉ đến những điều răn trong kinh thánh của xứ tôi: "Người tâm hồn quảng đại sẽ được sống một cuộc đời giàu sang không bao giờ dứt, còn kẻ hèn tiển ít róng sẽ không bao giờ được sự ưu ái, từ tâm. Người có quyền thế hãy sống một cách quảng đại với những kẻ khác đến nhờ vả mình. Y hãy nhìn xa để thấy con đường dài của sự luân hồi sinh tử. Sự giàu sang luân chuyển như những bánh xe, nay nó thuộc về người này, mai nó thuộc về người khác. Kẻ hành khất ở kiếp này có thể trở nên một vị vương hầu ở kiếp sau, còn vị vương giả ngày nay có thể trở nên kẻ ăn mày trong một tương lai xa gần".
Khi đó tôi hiểu một cách chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa, mặc dầu trong cơn đau đớn thể xác và mặt dầu tuổi tôi còn nhỏ, rằng Minh Gia Đại Đức, sư phụ tôi là một tâm đức và tôi có thể tin tưởng lời giáo huấn của người. Rõ ràng là sư phụ tôi biết rõ rất nhiều điều về tôi, nhiều hơn rất xa những gì mà tôi có thể biết được. Tôi rất nóng lòng muốn làm việc chung với người và tôi quyết định rằng tôi sẽ là một người đệ tử gương mẫu. Tôi cảm thấy một cách rõ rệch rằng giữa chúng tôi có một sự đồng thanh đồng khí rất chặt chẽ và tôi lấy làm cảm kích sự xoay vần của định mệnh nó đã đặt tôi dưới sự hường dẫn dìu dắt của người.
Tôi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Những tấm nệm của tôi đang nằm được đặt trên một cái bàn để cho tôi có thể nhìn thấy bên ngoài. Cảnh vật rất là hùng tráng. Đằng xa, ở bên ngoài những nóc nhà chen chút nhau phía dưới cửa sổ của tôi, thành phố Lhasa vươn mình dưới ánh nắng mặt trời, với những ngôi nhà nhỏ sơn màu lợt xinh xắn. Trong thung lũng, con sông Kỳ Giang uốn khúc giữa những cánh đồng xanh tươi nhất thế giới. Những dãy núi xa tít chân trời ửng màu đỏ sậm với những đỉnh núi đội tuyết trắng phau. Trên những ngọn núi gần hơn, những vết màu vàng lóng lánh chen chút nhau trên sườn núi, đó là nóc của những tu viện. Bên tay trái, điện Potala nhô lên cao như một ngọn núi biệt lập.
Về phía tay mặt, một cụm rừng nhỏ trong đó rải rác những đền chùa và trường học. Đó là địa phận của vị Thiên Giám Quan, một nhân vật quan trọng mà vai trò duy nhất trong đời là tạo nên một nhịp cầu giao cảm giữa cõi trần gian vật chất và cõi giới vô hình, và tiên tri điều họa phúc của quốc gia. Dưới mắt tôi, trên sân mặt tiền, những sư sãi thuộc các cấp đi qua lại không ngớt. Vài vị trong số đó, những người sư sãi lao công, mặc áo màu nâu sậm. Một nhóm thiếu sinh của tu viện ở xa mặc áo trắng. Những sư sãi cao cấp cũng có mặt ở đó, đều mặt áo màu đỏ sậm, với manh yểm tâm bằng lụa vàng, chỉ rằng họ thuộc thành phần viên chức tối cao của chính phủ. Một vài vị cưỡi ngựa hay cưỡi lừa. Những người thường dân thì cưỡi ngựa đủ màu còn các sư sãi bắt buộc phải cưỡi trắng. Tất cả những cảnh tượng đó làm cho tôi quên cả hiện tại. Điều làm cho tôi quan tâm hơn hết là làm sao cho chống bình phục để có thể sử dụng hai chân của mình.
Ba ngày sau, người ta cho rằng tốt hơn tôi nên ngồi dậy và thử đi đứng xem sao. Chân trái tôi còn cứng đơ và làm cho tôi rất đau đớn. Chỗ vết phỏng đã sưng lên và có mủ vì những mảnh sắt vụn rĩ sét mà người ta khong thể gắp ra được. Vì tôi không thể đi đứng một mình, người ta làm cho tôi một cây nạng gỗ để tôi dùng mà đi một chân, tôi đi nhún nhẩy cũng như con chim bị thương. Toàn thân tôi vẫn còn những vết phỏng và những chỗ phồng da nhung chân trái tôi làm cho tôi đau đớn nhiều hơn các chỗ khác.Tôi không thể ngồi được mà phải nằm nghiêng bên mặt hoặc nằm sấp tôi không thể dự các buổi lễ cầu nguyện hay đi đến lớp học nên Minh Gia Đại Đức, Sư Phụ tôi dạy tôi học tại tư thất từ sáng đến chiều. Người tuyên bố hài lòng về những kiến thức mà tôi thu thập được trong thời "Niên thiếu" của tôi, người nói:
- Nhưng, nhiều điều trong những kiến thức đó chỉ là những kỷ niệm mà con đã mang theo từ những kiếp trước.

<< Trước Thềm Chánh Điện | Đời Sống Trong Tu Viện >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 939

Return to top