Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mùi tiền

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 516 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùi tiền
Hoàng Thái Sơn

Truyện ngắn này đoạt giải nhì Cuộc thi truyện ngắn 2004-2005 do tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị) tổ chức. Nhà văn Hoàng Thái Sơn nguyên là tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ (Hội VHNT Quảng Bình); đã có truyện ngắn đăng trên TTCT.

Tôi dự giờ nhiều người dạy bài thơ Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung nhưng chưa thấy ai như anh: ngoài những nét chung sách vở đã nói, anh còn cho thấy bài thơ là bức tranh đẹp với cận cảnh đặc tả một bông lúa chín vàng đọng sương long lanh nổi lên giữa viễn cảnh đồng quê ban mai; từ đó anh quay sang nói đôi nét về phép vẽ tranh và thế nào là “thi trung hữu họa” khiến mọi người phục lăn...
Có hôm anh mở đầu bài giảng bằng câu lạ hoắc: “Bài thơ này không hay mong các em cố gắng tiếp thu”, ấy thế rồi anh cũng mang lại cho học sinh một cái gì đó đúng là mới mẻ khiến chúng không đến nỗi chán bài thơ ấy lắm...
Anh làm thơ, vẽ tranh nhưng thơ không gửi đăng báo, tranh cũng chỉ để treo hoặc đem tặng. Tôi cam đoan thơ tình của anh hay hơn nhiều thứ thơ phú vẫn đọc thấy đây đó. Nhiều nữ sinh nay đã thành bà nội bà ngoại vẫn còn lưu thơ anh trong sổ tay, mỗi lần giở ra lại nhớ ông thầy tài hoa, một nghệ sĩ đứng ngoài sân chơi nghệ thuật.
Một hôm, sau khi phải chứng kiến cảnh mấy cô giáo to tiếng với nhau quanh chuyện tiền nong, anh hỏi chúng tôi:
- Trên đời cái gì bẩn nhất? - anh bảo tôi đưa ví cho anh. Lôi trong chiếc ví lép kẹp của tôi ra mấy đồng tiền nhàu nát, ném lên bàn, anh hỏi tiếp - Các cậu ngửi thấy mùi gì không nào?
Nắm tiền giãn ra từ những đường gấp xiên xẹo lâu ngày và một thứ mùi khắm đặc bốc lên, xộc vào mũi. Thì ra không gì thối bằng tiền!
- Trông này - anh đưa một tờ bạc lên soi qua ánh sáng - tờ bạc màu gì? Màu chiếc cổ áo lâu ngày không giặt, màu cống rãnh, màu lông chuột... Đồng tiền này được ra đời từ một nhà máy, có thể từng được trang trọng đặt lên nơi tôn nghiêm nhưng lại suốt đời bị nhấn chìm trong thế giới người, từng bị nghẹt thở những nơi chốn không ánh sáng, lộn mửa, nó in dấu bao bàn tay, sạch sẽ và bẩn thỉu, vô tư và tội lỗi, nó mang trong mình hàng lô vi trùng bệnh tật...
Lần nọ, anh lại đố chúng tôi:
- Vì sao sinh ra cái ví da có dây kéo? Là để cất tiền và để bịt chặt lấy mùi tiền khú khắm, không cho nó bốc ra ngoài. Này, các cậu ngồi với con gái mà để nó ngửi phải mùi tiền, lại tưởng anh này thối tai thì vứt!
Tôi giật mình, từ đó sinh ra hãi tiền, rồi học anh, chỉ giữ lại những đồng tiền mới, thứ đã nhũn ra, đã bốc mùi là tìm cách cho thoát khỏi người không tính toán.
Gần bốn chục tuổi anh mới lấy vợ. Trước đó anh có yêu mấy đám, không nữ sinh cũng cô giáo hoặc cán bộ nhân viên nhà nước. Thế nhưng vợ anh lại là một cô hàng vải, học hành chắp vá, sắc diện cũng thường, chẳng hiểu sao anh mê; hay cái “nửa” đầy chất thơ ở anh đã tìm thấy “nửa” còn lại nơi chợ búa ấy? Nhưng họ rất thương nhau. Và anh vẫn như xưa: ăn mang lịch sự, chải chuốt, vẫn làm thơ và vẽ tranh, vẫn chơi tiền sạch. Vợ anh rất tâm lý, biết tôn trọng những sở thích riêng của chồng; không rõ anh có thấy khó chịu với túi tiền của vợ mà anh vẫn gọi đùa là “túi càn khôn khó ngửi” không?
*
* *

Thế rồi đời anh bỗng ngoặt sang một lối rẽ đầy chông gai. Dạo đó đâu khoảng cuối những năm 1980; nghe tin nhà thơ V. từ Hà Nội vào, hiện mấy nơi đang mời đọc thơ, anh liền tìm cách liên hệ mời ông về chỗ mình chơi. Nhờ chúng tôi dạy thay, anh đưa V. đi đọc thơ ở một số cơ quan, đơn vị liền mấy ngày.
Nhà thơ V. vốn có chất giọng “quảng trường”; cứ đọc thơ một lúc, lại dốc cạn một ly rượu tăm, rồi sang sảng đọc tiếp như thể nhập đồng. Hội trường lúc càng đông, người ta bâu cả lên cửa sổ để nghe thơ; còn trẻ con thì lân la từ xa đến gần cuối cùng ngồi vây lấy chân bục gỗ, có đứa còn cả gan vuốt râu nhà thơ bởi ông nuôi một bộ râu lốm đốm bạc và dài như râu Quan Công. Đó là một nhà thơ cao niên, khá nổi tiếng nhờ tài năng và những lận đận do “tai nạn nghề nghiệp”.
Ông từng bị ghép vào nhóm Nhân Văn, phải đi cải tạo lao động ở các công, nông trường, phải in thơ bằng nhiều bút danh khác nhau để sống... Đến thời đổi mới, ông được chiêu tuyết, được trả lại mọi giá trị nhưng nhiều người vẫn nheo mắt cảnh giác nhìn ông. Thế nên việc ông đi đây đó nói chuyện, đọc thơ đã thành ra “vấn đề”; và những ai gần gũi, chơi bời hoặc đưa đón, giới thiệu ông trước đám đông đều bị “có ý kiến”!
Sau khi nhà thơ V. rời khỏi địa phương, anh bị cấp trên gọi lên làm bản tự kiểm. Hai ngày ngồi trước trang giấy trắng, đốt hết bốn gói thuốc, anh chẳng biết viết gì. Một đời ta chẳng lừa ai, làm sao giờ đây lại phải tự dối mình? Anh gãi đầu gãi mũi ngồi nhìn khói thuốc bay vằn vèo. Thế là khuyết điểm càng nặng bởi chẳng những đã làm chuyện sai trái, lại không chịu thành khẩn nhận lỗi.
Để tỏ sự nghiêm minh, người ta giáng cho anh một cái quyết định tóe lửa: hạ một bậc lương, đình chỉ giảng dạy, chuyển việc khác! Trường chuyển anh xuống bộ phận thư viện; theo phân công của bà thủ thư, từ đó ngày ngày anh chui vào kho sách cũ sắp xếp lại “nền văn hóa nhân loại” bị bỏ quên, đầy bụi. Nhiều khi anh ngồi hàng giờ trong xó, một mình đọc lại vài trang sách cũ, lòng chạnh thương bao số phận bị dập vùi...
Được nửa năm, nhân có chủ trương tinh giản biên chế thế là anh xin nghỉ theo chế độ “về một cục”. Ai cũng khuyên chịu khó đợi ngày trở lại bục giảng, nhưng anh không nghe. Con người quen khinh bạc mọi nhỏ nhen, thấp hèn ấy làm sao chịu theo lề thói? Anh gọi chúng tôi tới nhà, ôm ra cả chồng to giáo án, những sáng kiến kinh nghiệm, những tham luận tại các hội nghị chuyên môn từ bộ tới sở, bảo “các em mang về mà dùng kẻo phí”. Từ đó, anh chia tay luôn với thú làm thơ, vẽ tranh, ngày ngày chở hàng ra chợ giúp vợ.
Nhiều hôm tôi thấy anh ngồi rất lâu ở một góc khuất trong quán cà phê đầu phố nhìn thiên hạ tất tả ngược xuôi. Bấy giờ quê tôi rộn ràng không khí xây nhà máy ximăng, nhà máy đường, phố huyện đông nghẹt người qua lại, xe cộ chạy mù trời, chợ huyện phải mở ra tận bờ sông. Nhiều người bung ra làm ăn táo bạo. Thế là vợ chồng anh cũng làm một cuộc đổi thay, chúng tôi trông mà hoảng.
Quầy vải của chị Nga chiếm cả một vùng trung tâm chợ huyện; ấy mà họ đùng đùng gọi người tới sang tên, thu nợ nần, dồn vốn liếng mở một cửa hàng thịt dê sát bờ sông, trước mặt là ngã tư, sau lưng là lối vào cổng chính của chợ. Anh là người nảy ra ý tưởng, nhưng phải nhận chị là con người vô cùng chịu khó, giàu bản lĩnh. Chị đi khắp nơi học hỏi, tìm hiểu, giải quyết mọi thủ tục khá nhiêu khê, eo sèo rồi thuê thầy thợ, mướn người làm. Hôm anh chị khai trương nhà hàng, chúng tôi có được mời nhưng không dám tới, chỉ gửi hoa chúc mừng.
Nghe đồn hàng đông khách. Vậy là ông giáo dạy văn nổi tiếng tài hoa thành gã đồ tể rồi chăng? Bàn tay cầm tiền sạch xưa nay giờ nhuốm mùi cái cổ áo lâu ngày không giặt rồi chăng?
Do hoàn cảnh, tôi theo gia đình vào Nam dạy học. Chẳng dính líu gì vụ nhà thơ V., nhưng từ hồi anh vấp ngã, tôi cũng đâm chán, và cuộc ra đi đã nhẹ nhàng để lại không ít vướng bận với cố hương biết bao gắn bó.
*
* *

Tôi ít về quê, có về cũng không ở lại lâu, nên trên chục năm rồi chưa gặp anh. Dẫu vậy mọi tin tức nơi anh tôi vẫn biết. Anh đã xây được nhà lầu, con gái đầu lòng đang du học bằng tiền túi ở Úc... Con người ấy đã đổi thay hoàn toàn, tháng ngày chí thú làm ăn, ví tiền dày cộp nhét căng túi quần. Mừng cho anh, tuy trong thâm tâm tôi vẫn thấy có gì như mất mát. Thật tiếc, giá không có cái “vụ” không đâu kia... Mà thôi, đổi thay là lẽ thường, thậm chí anh còn có quyền sung sướng bởi đã ngoi lên từ trong bèo dạt mây trôi, trong họa đã tìm thấy phúc.
Lần về quê này tôi đến thăm anh. Tôi rủ mấy người bạn cũ đi cùng. Anh béo hẳn ra, tóc muối tiêu, một hàng ria đậm trên môi. Bàn tay anh xưa gầy guộc, trắng trẻo, nay tròn trịa. Uống cạn chén nước, anh đưa chúng tôi ra nhà hàng, gọi là để cho biết. Chúng tôi chen bước theo anh vào nhà hàng càng về chiều càng đông; lúc lúc anh lại phải dừng chân bắt tay, cười nói với khách quen; xưa giọng anh nhỏ nhẹ, giờ bể ra, lại khá thành thạo tiếng lóng của dân ăn nhậu.
Bao quanh là một không gian nhuốm màu đời thường bụi bặm với mái lá, cột kèo ám khói, những bộ bàn ghế xỉn đen, mùi xào nấu bốc lên từ gian bếp lửa cháy rừng rực và bầy em gái bưng bê vào ra khó tránh khỏi những cú véo má, quệt mông của đám thực khách mồm láng mỡ. Anh dẫn chúng tôi vào biệt phòng dành cho người ưa yên tĩnh. Chỉ một loáng, trên bàn đã đầy ụ các món dê tái, nướng, lẩu, nhúng, bánh đa, rau mùi, ớt quả, tỏi nhánh, gừng, sả, nước chấm, mắm tôm, rượu tiết dê màu hồng ngọc...
Anh thong thả kể chuyện làm ăn. Sở dĩ hàng anh ăn đứt thiên hạ chỉ nhờ một món là món nước chấm. Hai năm đầu làm ăn xập xệ, tưởng phải dẹp tiệm. Thế rồi vợ chồng làm một chuyến ra Bắc, vô Nam học hỏi, đi sâu vào “chuyên ngành” nước chấm, từ đó chế ra sản phẩm riêng của mình, không ai biết bí mật tay nghề, không thể cạnh tranh nổi.
Theo anh, chị Nga là một tài năng làm ăn, một nhà ngoại giao và là người vợ đảm đang... Còn nhớ hồi anh mới tìm hiểu chị, trong trường nhiều người thấy lạ, bởi hai bên như sống dưới hai trời. Anh biết xung quanh nghĩ gì và thời gian đã trả lời giùm anh. Riêng tôi có lẽ do ở xa, giờ anh mới có dịp hé mở để tôi hiểu rõ ngọn ngành.
- Cậu chưa biết mình lập gia đình trong hoàn cảnh nào nhỉ? - anh hỏi tôi, rồi trả lời luôn theo thói quen - Đúng là đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới. Một hôm ra chợ, tình cờ nom thấy một cô nàng ngồi trong quầy vải với mái tóc dày trùm kín đôi vai, tràn xuống ngực khiến mình chợt nhớ tới một người đàn bà trong tranh của nhà danh họa Leonard de Vinci, nàng La Joconde, người đẹp mình hằng tôn thờ. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Từ gian bếp chị Nga xuất hiện sau câu nói của anh như trong một kịch bản. Đó là một phụ nữ khỏe mạnh, uyển chuyển, đầy nữ tính; đặc biệt mái tóc dày như mây, hẳn khéo chiều chồng nên lúc nào cũng rẽ đôi từ một đường ngôi thẳng tắp, thả rơi đầy vai tràn xuống khuôn ngực rám nắng, sung mãn. Chị tươi cười bước tới, kéo ghế ngồi vào, chọn gắp thức ăn lên bát cho mọi người, hỏi han tỉ mỉ chúng tôi. Chúng tôi khen món ăn ngon, khách ăn đông; thế là chị chuyển mọi chiến công sang cho anh. Quả thực, tôi chưa thấy đôi vợ chồng nào hồn nhiên đến vậy. Họ nói về nhau thật lòng, vô tư, không khoác lác, cũng chẳng cần khiêm tốn vờ vịt.
Không khí cuộc vui xui tôi hỏi chị một câu không phải không đúng lúc:
- Xa anh chị mười mấy năm rồi, chẳng bao lâu nữa chị cũng sẽ lên chức bà rồi, vậy cho em hỏi câu này: thuở ấy anh chỉ là một nhà giáo, giỏi giang đấy nhưng rất nghèo; vậy chị chấp nhận anh bởi mến tài anh chăng?
Chị Nga lại cười, rồi trả lời, giọng tỉnh rụi:
- Tôi nghe thiên hạ đồn đó là một ông thầy kỵ mùi tiền là thứ mà tôi thấy rất thơm. Thế là tôi quyết định phải cải tạo cái mũi giúp ông ấy, bởi nếu để lâu nhất định ông thầy của các chú sẽ tịt mất lỗ thở!
Chúng tôi lăn ra cười trong khi chị dốc cạn chén rượu, giơ cao cái chén không lên trời lắc lắc rất sành điệu, rồi đứng dậy:
- Anh em cứ uống thoải mái. Tôi bận hai bốn trên hai bốn. Cho tôi xin phép.
Câu đùa của chị đã vô tình khơi ra điều không ai muốn đụng tới lúc này. Chúng tôi đâu dám nhẫn tâm nhắc chuyện xưa như chạm vào vết thương lòng của anh khi anh đã bỏ lại đằng sau tất cả, đã tự nguyện chung sống với đồng tiền và hẳn mùi tiền cũng không còn làm anh khó chịu nữa! Chẳng biết anh có hiểu cho chúng tôi không, bởi việc gì phải ngạc nhiên trước mọi biến cố. Chính thời gian cũng đã giúp tôi bao bài học đích đáng nếu không muốn bị gạt sang bên lề đời. Sống giữa đất Sài Gòn, tại sao tôi không chịu hiểu tiền là gì?
Bốn thầy trò ngồi lặng giữa náo động ồn ào cùng mùi khói, mùi thịt, mùi người khi đã no nê đến ợ ra. Cục yết hầu khá to nơi cổ anh lượn xuống lượn lên trong khi anh dùng ngón tay chấm vào ly nước vẽ lung tung lên mặt bàn. Tôi chợt nghĩ, tận trong thẳm sâu, hình như anh vẫn lạc lõng với cái thế giới này! Lúc sau, anh ngẩng lên nhìn ra ngoài trời, giọng xa xăm:
- Ôi! Cái thời vô tư lự! Ta khinh bạc hết thảy, trừ cái đẹp. Ta sợ mùi tiền như sợ mùi xác chết. Nhưng mà... thật oan cho tờ bạc rách! Sạch hay bẩn đâu phải ở tiền, mà ở cách kiếm tiền và cách sử dụng tiền mà thôi! - anh mỉm cười, lắc đầu - Tivi vừa đưa tin vị quan tham nọ bị khám nhà, tủ nhà ông có một khối tiền giấy polime mới tinh, nhưng xin lỗi, nó rất nặng mùi. Còn chẳng giấu gì mấy em, anh chị cũng có tiền nhưng không mua bất động sản, chỉ dành cho các cháu học hành...
Anh khoát tay một vòng quanh đám thực khách vào ra, nói tiếp:
- Anh chị phải lăn lộn ngày đêm để kiếm tiền, nhưng bảo đảm chỉ “chơi tiền sạch”, kiểu “sạch” như đã nói. Bà ấy bảo “mùi tiền thơm” là nói theo nghĩa lành mạnh hoàn toàn. Đó chính là cái giúp anh chị thương nhau lâu bền, con cái và hàng xóm mến phục. Nhưng ở đời cái gì lại không có giá; giữ được mình trong môi trường khói bụi thật chẳng khác gì đi xiếc trên dây... Nào, uống đi các em!
Chúng tôi ngồi tàn chiều nghe anh nhắc lại bao kỷ niệm, từ những ngày đánh Mỹ gian nan tới thời hòa bình vui tươi nhưng bữa ăn vẫn khoai sắn cõng cơm. Anh chưa quên thời trai huy hoàng chỉ tiếc là rơi vào cực đoan. Nhưng... chớ đòi hỏi nhiều ở con người!
Trước lúc chia tay, tôi nói với anh là nhà thơ V. đã mất hồi đầu năm.
- Vậy à? - Anh nói với giọng tiếc thương rồi bất chợt gõ bát ngâm nga: “Kiều rằng những đấng tài... hoa... ư... hừ... thác là thể phách... ư... còn là tinh... ư... anh... ư... hư... hừ... ư... ừ!...”.n



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 188

Return to top