Lần đầu tiên đem quân thủy đi tiên phong vào cửa Ðại Anh để lên sông Vị Hà, Hữ quân Ðô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh cũng muốn ra tay anh dũng cho Tiết chế Nguyễn Huệ phục tài mình. Phải, vì Huệ như có lòng nghi kỵ đối với chỉnh, phần ghét Chỉnh là người gian trá, xảo quyệt, phần sợ Chỉnh không thật lòng giúp cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Bởi thế, muốn tỏ lòng tận tụy, trung thành, Chỉnh cần phải đánh dẹp một phen cho lẫy lừng để mua chuộc lòng Huệ.
Lẫy lừng từ thuở còn học trò, Chỉnh đã là một nhân vật phi thường, xuất chúng. Mười sáu tuổi đổ hương cống. Chỉnh làm cho tất cả nhà nho huyện Châu Lộc, tỉnh Nghệ An (quê hương của Chỉnh) phục Chỉnh như một vị thần đồng, nhất là vì phú Quách Lịnh Công của Chỉnh lại là một tác phẩm rất tài tình, tuyệt diệu.
Chỉnh bình sinh vốn tính hào hoa, phong nhã, đã lắm cơ trí lại nhiều can đảm, mà giỏi khoa biện bác vô cùng. Không những chỉ nức tiếng là một văn tài siêu việt, chàng còn tỏ mình sau này, là một võ tướng vô song.
Tục truyền khi Chỉnữ hiệpmới lọt lòng mẹ cứ nằm ngửa khóc luôn sáu tháng không dứt; sau có một người thần nữ đến ru võng hát rằng:
Rau răm một cụm ba đồng,
Anh đi xứ Quảng xứ Ðông chưa về.
Bao giờ rau mọc xanh rì,
Anh ra đất Bắc gởi yếm đào về cho em.
Nghe Thần nữ hát, từ đó, Chỉ không khóc nữa. Bốn câu ấy sau đúng với sự Chỉnh theo Hoàng Ngũ Phúc đánh giặc ở Xứ Ðông và xứ Quảng, mãi tới khi được vời ra phò vua Lê ở Bắc Hà mới lừng lẫy thanh danh.
Năm Chỉnh lên chín, ngày tết, đến mừng thầy học, đốt một tràng pháo. Thấy lấy pháo làm đầu đề, bảo Chỉnh vịnh một bài thơ, Chỉnh ứng khẩu đọc rằng:
Xác không vốn những cậy tay người,
Khôn khéo làm sao cũng một đời;
Kêu lắm lại càng tan xác lắm
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
Thầy khen khay, đoán biết Chỉnh tất sẽ làm quan to nhưng bạc hạnh, không ra gì.
Về sau, khi Chỉnh bị mất chủ là Huy Quận Công, long đong trôi giạt vào Quảng. Chỉnh buồn rầu làm mấy bài thơ tự thán, có một bài rằng:
Tóc chen hai thứ, chứ dành chi!
Thân hỡi là thân, thi hỡi thi!
Chửa trả, chửa đền, ân đệ tự,
Thêm ngừng, thêm tủi chí nam nhi;
Kẻ yêu, nên ít bề cao hạ,
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi;
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
Giãi lòng ngay thảo cậy thiên tri.
Xem khẩu khí, ai cũng biết Chỉnh có nhiều dục vọng.
Buổi thiếu thời, theo tướng nhà Trịnh là Hoàng Ngũ PHúc đi đánh giặc bể và Quận He, Chỉnh đã được thiên hạ khen là một Thủy su đại tướng. Giặc bể sợ oai Chỉnh thường gọi chàng là “con chim dữ”. Không đứa nào dám mon men vào thủy trại, mỗi khi nghe có Chỉnh ở trong.
Mãi tới khi Hoàng Ngũ Phúc lâm chung, Chỉnh phiêu giạt ít lâu rồi đi theo Huy Quận Công Hoàng Ðình Bảo. Tháng chín năm Nhâm Dần (1782), Tĩnh đô vương Trịnh Sâm tạ thế có để di mệnh lập con thú là Trịnh Cán làm chúa và Quận Huy làm phụ chính đại thần. Nguyên sinh thời, Tĩnh đông vương say đắm nàng Ðặng Thị Huệ, nên vì nàng bỏ con trưởng là Khải để lập con Ðặng Thị làm Thế tử. Trong phủ Liêu từ đó chia ra làm ahi bè đảng, một đảng phò Trịnh Cán, một đảng phò Trịnh Khải. Kịp đến khi Cán lên ngôi, thiên hạ không mấy người chịu phục, thành ra biến loạn, bởi lẽ Cán đã ít tuổi còn lắm bệnh tật, không giữ được uy tín và quyền hành.
Trưởng tử là Trịnh Khải, lúc bấy giờ nhân dịp rối loạn, bèn mưu với bọn kiêu binh, xưa nay vẫn đắc thế, để tranh ngôi Chúa. Có tên biện lại thuộc đội Tiệp Bảo là Nguyễn trang, người Nghệ, đứng lên thủ xướng việc phế lập, vào phủ Liêu đánh ba hồi trống hiệu, rồi kiêu binh tứ phía kéo đến vây phủ Chúa, giết chết Trịnh Cán, Ðặng thị Huệ và nhân tình thì là Huy Quận Công Hoàng Ðình Bảo.
Trịnh Khải nhờ đó, được lên ngôi chúa, tước phong làm Ðoan Nam Vương.
Hoàng Ðình Bảo chết rồi, Nguyễn Hữu Chỉnh hoá ra bơ vơ vất vưởng, không chổ nương tựa. Chỉnh bè về quê, vào thăm quan trấn thủ Nghệ An là Võ Tá Giao, xui Giao đứng lên tự lập ở đất Thuận Hoá. Giao rút rát không dám. Hữu Chỉnh chán ngán bỏ Giao vào với vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc.
Nguyênn xưa kia theo Hoàng Ngũ Phúc, vào Quảng Nam đánh giặc, Chỉnh vốn đi lại quen thân với Nhạc, hoá nên vì thế, vua Tây Sơn đãi Chỉnh vào bực thượng tân.
Vương đệ là Nguyễn Huệ thấy Chỉnh được trọng đãi, lại xem cách cử chỉ của Chỉnh, rõ là xảo quyệt, trí trá, nên, ngay tự lúc đầu đã có ý ghen ghét. Nhân Hữu Chỉnh đi đánh quân Chiêm Thành và quân Bồ Man lại được đại thắng trở về. Huệ đối với Chỉnh càng thêm hằn học khủng khỉnh như có vẻ e gại tài chiến thắng và mưu lược của Chỉnh sẽ có ngày làm lu mờ danh thướng tướng của mình.
Trong một tiệc rượu, một hôm, Chỉnh hiến mưu tâu vua Tây Sơn cho đem quân ra đất Thuận Hoá rồi đi thẳng ra Bắc Hà. Vua Tây Sơn biết đất Thuận Hoá không có quân phòng bị mà quan trấn thủ đất ấy là Phạm Ngô Cầu vốn là người nhu nhược, đã biển lận lại vô mưu, nên giáng chỉ sai em là Huệ làm Tiết chế cùng rể là Võ Văn Nhậm và Chỉnh làm tả hữu quân đô đốc, đem bộ quân, thủy quân ra đánh Bắc Hà.
Quân Tây Sơn đi đến đâu, sức mạnh như thác chảy, nhuệ khí và thanh thế lừng lẫy đến đấy. Vừa đến Thuận Hoá, thượng tướng Nguyễn Huệ đã bắt sống được quan trấn thủ Phạm Ngô Cầu cho giải về Qui Nhơn xử tử. Thấy khí thế ba quân đuơng độ hăng hái cường thịnh, Hữu đô đốc Chỉnh bèn khuyên Tiết chế Huệ xông thẳng ra Bắc Hà. Trong một buổi họp cả dưới trướng hổ để nghe thượng tướng truyền lệnh sửa sang đồn Ðồng Hới và định giữ địa thế cũ ở bờ sông La Hà, Chỉnh hùng hồn đứng dậy:
- Bẩm quan Tiết chế, cứ như ngu ý thì bây giờ đang lúc thắng, ta chớ nên nề hà gì nữa, cứ kéo tuột quân ra đến Thăng Long. Phàm ở đời, nhứt là trong phép dùng binh thì một làthời , hai làthế , ba làcơ . Có ba điều ấy đánh đâu được đó. Hiện tình, ở xứ Bắc, tướng thì lười, quân thì kiêu, triều đình không cương luật. Nếu Thượng công nhân uy thanh của mình mà đem binh ra đánh, thì quyết là không phải trở về không. Sao Thượng công bỏ cáithời cáithế và cáicơ hội ấy?
Nguyễn Huệ sẽ cau đôi lông mày dài và rậm, đăm đăm nhìn vào mặt Chỉnh, nửa ra vẻ nghiêm nghị, nửa ra chiều giễu cợt:
- Ở Bắc Hà lắm anh hùng tuấn kiệt, ông chớ nên coi thườn!
- Ồ! Thượng công nói đùa sao vậy? Nhân tài đất Bắc, chỉ riêng có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đã bỏ đi, theo hầu dưới trướng Thượng Công, thì còn ai đâu nữa! Xin Thượng công đừng ngại.
Nói xong câu ấy, Hữu Chỉnh đắc ý cười ha hả, trong khi Nguyễn Huệ sẽ nghiêng đầu, nhếch mép, khoan thai vuốt râu mép, gật gù:
- Ấy! Chính người khách thì không ai đáng sợ; chỉ đáng ngại duy có một mình ông đó thôi!
Nguyễn Hữu Chỉnh đang vui cười tự đắc, bỗng xám xanh mặt lại, ngảnh nhìn Nguyễn Huệ bằng một đôi mắt hối hận, buồn rầu. Huệ trông vẻ kinh khủng của Chỉnh cũng thương tình, bèn chữa lời, dịu giọng:
- Tôi nói đùa ông đó mà! Không phải sợ đất Bắc lắm người giỏi mà không dám đánh, chỉ tại nhà Lê làm vua đã lâu rồi, lòng dân đã chiếm được; nay nhất đán mình diệt đi thì ai phục mình?
Hữu Chỉ bấy giờ mới hơi yên dạ:
- Nhà Lê làm vua mà bị hiếp dưới quyền chúa Trịnh, đó là một sự cổ kim đại biến cả nước không ai phục. Nay Thượng công lấy đại nghĩa, phò Lê diệt Trịnh, thì trong gầm trời này, ai không cảm phục Thượng công?
- Ðành vậy, nhưng tôi chỉ phụng mệnh Hoàng huynh đi đến đất Thuận Hoá mà thôi, ra đến Bắc Hà, can phạm tội kiểu mệnh thì làm thế nào?
- Thượng công rõ câu nệ quá! Phàm giả anh hùng ở đời, hễ không bỏ được tiểu tiết thì toàn hỏng mất đại sự! Kiểu chiếu là tội nhỏ, đánh Trịnh là công to. Vả chăng làm tướng ở ngoài, có điều không cần phải theo mệnh vua, Thượng công nhẽ nào không biết?
Nghe Hữu quân Ðô đốc nói có lý, Tiết chế Nguyễn Huệ cũng đành trái mệnh vua, đem quân thẳng tới Bắc Hà. Ông bèn sai Hữu Chỉnh đem thủy binh đi tiên phong vào cửa Ðại An đánh lấy kho lương ở bên sông Vị Hoàng, còn mình cùng Tả quân Võ Văn Nhậm và đại binh thì kéo đến sau, hẹn với Hữu quân đến sông Vị sẽ đốt lửa lên làm hiệu.
Vì thế, ngày mùng sáu tháng sáu năm Bính Ngọ, từ cửa Luộc suốt một vùng trở lên, theo ven sông Vị Hoàng, một trận huyết chiến đã xẩy ra giữa hai đại đội quân sĩ Tây Sơn và quân sĩ Trịnh.
*
* *
Hữu quân Ðô đốc Chỉnh đem binh tiên phong qua hai miền Nghệ An, Thanh Hoá, không bị ai ngăn trở cả. Quan trấn thủ hai tỉnh đó là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy không ông nào dám ra cự địch, đều mở cửa thành cho quân Chỉnh kéo qua. Khi ra tới sông Vị Hoàng quan coi đồn ở đấy sợ thế quân Tây Sơn mà thất đởm, vội vàng trốn chạy, bỏ cả lương thảo và kho tàng ở lại. Hữu Chỉnh thúc quân vào cướp phá, chiếm được hơn trăm vạn hộc lương, còn bao nhiêu các quí vật cùng vàng bạc châu báu thì sai đống ;hòm giấu kín đi một chỗ. Xong đâu đấy mới đốt lửa làm hiệu, cho đại quân của Nguyễn Huệ biết chỗ kéo đến hạ trại.
Tin Nghệ, Thanh thất thủ do ngựa lưu tinh liên tiếp đưa về Liêu PHủ làm cho náo động Bắc thành. Trước kia khi thành Phú Xuân đã vỡ rồi, báo tin về đến Thăng Long thì các quan đều bàn tán, cho rằng xứ ấy vốn không phải đất nhà vua, có mất cũng không đáng ngại. Vì thế, Triều đình chỉ sai Thái đình hầu Trịnh Tự Quyền đem hai mươi bảy cơ binh giữ đất Nghệ An, rồi không ai thèm nghĩ đến sự phòng bị nữa. Quyền đủng đỉnh thu xếp hơn một tuần (10 ngày) mà vẫn chưa xong công việc; lúc bắt đầu ra đi, vừa tiến quân được non 30 dặm đã nghe đồn quâbn Tây Sơn ra đóng ở Vị Hoàng rồi. Quyền bèn đem quân xuống giữ mặt Kim Ðộng. Quan trấn thủ Sơn Nam là Bùi Thế Dận thì đem quân phòng ngữ mặt bộ, đóng ở xã Phù Xa, huyện Ðông An. Còn tất cả bao nhiêu quân thủy thì do Liễn trung hầu Ðinh Tích Nhưỡng cai quản, đóng ở cửa Luộc để ngăn ngừa mặt thủy.
Kể ra, binh xứ Bắc cũng nhiều, mà suốt một vùng dọc sông Vị đồn trại liên tiếp nhau đến mấy dặm đường, thanh thế cũng khá to; song le quân Trịnh toàn là một đám hỗn độn. ô hợp, rát như cày, lười biếng và phản trắc, không thể dùng được. Bởi thế, mặc dầu tài chinh chiến của lũ Liễn trung Hầu Ðinh Tích Nhưỡng và Bùi Thế Dận, mấy toà đồn trại men bờ sông Vị, sau này, chỉ là một đống tro tàn.
Chỉ một trận, Bình bắc Thượng tướng quân Nguyễn Huệ đã làm cho quân tướng Bắc Hà phải kiếp đảm; chỉ một trận, em vua Tây Sơn đã hạ Sơn Nam như trở bàn tay.
Tối hôm mùng sáu tháng sáu năm Bính Ngọ ấy, trong khi Liễn trung hầu đương thong dong ngồi uống rượu trong trướng, trên một chiếc chiến thuyền to nhứt dàn ở mé trung ương thủy trại quân Trịnh bỗng nghe tiếng mả la ầm ĩ, tiếng trống giục ầm ầm, chen với tiếng reo vang trời rậy đất.
Nhìn ra ngoài trại, giữa vùng tăm tối và sóng nước, một dẫy chiến thuyền của bên địch đang thuận gió kéo tràng sang vun vút, trên thuyền muôn ngàn quân mặc áo đỏ chói, cầm giáo mác sáng lòe, đốt đèn đuốc rực rỡ, trông uy nghi, mãnh liệt vô cùng. Bấy giờ gió đông nam thổi mạnh, mặt nước cuồn cuộn nhô lên hạ xuống làm cho lũ chiến thuyền Tây Sơn khi ẩn khi hiện, khi sáng khi tối, lập lòe như ma chơi.
Trong thủy trại quân Trịnh, một hồi trống hiệu từ hành doanh vẳng ra, làm kinh động cả một vùng cửa Luộc. Các chiến tướng vội vàng lo về hàng ngũ, nhưng xưa nay từng quan hỗn độn, hoá nên chậm mất đến nửa giờ mới tạm gọi là tề chỉnh để nghinh chiến quân Tây Sơn.
Theo lịnh Liễn trung hầu, bao nhiêu thuyền trong trại đều kéo ồ ra, dàn thành hàng chữ nhất. Bao nhiêu đèn đuốc thắp lên sáng rực mà nhìn ra mé xa, cũng không được rõ ràng. Bóng tối trùng trùng điệp điệp đen dầy như mực. Chỉ xa xa thấy tiến lại phía quân Trịnh một đội 20, 30 chiến thuyền đầy lính tráng, tinh kỳ và khí giới, chỉ nghe thấy chiêng trống hò reo, huyên náo, mà không biết địch quân nhiều ít dường nào.
Ðinh Tích Nhưỡng bèn sai lấy súng bắn ra một lượt. Mấy loạt thần công tiêp tiếp nhau xé không trung im lặng, đoành đoành bắn vào cõi tối mịt mùng. Trời nước bao la náo loạn, sóng cồn dào giạt tứ tung.
Thế mà đội chiến thuyền Tây Sơn vẫn vùn vụt theo nước trôi tiến mãi. Tiến mãi giữa làn tên đạn bời bời.
- Ồ! Một cái cháy! Ồ! Hai cái cháy rồi!
- Ố! Cả đoàn thuyền bên địch cùng phát hoả rồi!
- Thế mà sao chúng nó vẫn oai hùng tiến đến? Dũng cảm thật! Cả gan thật!
Sóng to nước lớn, lớp chiến thuyền vùn vụt như bay. Cái nào cũng cháy bừng đỏ rực. Cách quãng lại nghe thấy thuốc súng nổ toả ra một làn khói lửa mù mịt lấp lóe như tia chớp loáng.
Một dịp thần công bên thuyền Trịnh lại thị oai lần nữa. Nhưng, ôi thôi! Còn lần này thì thuốc đạn hết rồi! Mà sao thuyền Tây Sơn nó vẫn tiến mau gấp lại? Trời ơi! Chúng nó đến nơi rồi!
Bao nhiêu quân Trịnh, bị đội hỏa thuyền đụng vào, áo quần đầu râu đều xém cháy cả. Các chiến thuyền Trịnh cái nào không bi lửa đốt cháy, thì mau chạy trốn, trốn vào quãng tối, giữa vùng gió cuốn nước gào. Cả thủy trại của Liễn trung hầu, phút chốc, bị đánh ta như đàn quạ bị cơn bão táp. Bao nhiêu quân sĩ đều bỏ thuyền bè, lẩn lên bờ ẩn núp, trốn cho xa, không còn dám quay đầu.
Vì, trong quãng tối mịt vùng, giữa lớp sóng cồn dào giạt, lần này mới thực đại đội quân thuyền Tây Sơn kéo đến, vây các thuyền Liễn trung hầu như vây cá vào lưới, rồi súng thần công mới nổ tung ra tàn phá thuyền Trịnh cho tan tành.
Ðoàn chiến thuyền trước kia chịu súng đạn của Liễn trung hầu chỉ toàn là một đoàn hoả thuyền chứa thuốc súng và người gỗ cầm khí giới và đuốc để thị lập cho uy nghi.
Ðinh Tích Nhưỡng mới nhận ra rằng mình đã mắc mưu, mà trận cửa Luộc ngày nay, thực chẳng khác gì trận Xích Bích ngày xưa, khi Tào Tháo bị thất bại về tay Chu Công Cẩn.
Nguyên nhân hai vụ bại trận, kim và cổ, có chăng, chỉ tại gió đông nam?
Một trận hoả công ấy đã khiến Liễn trung hầu phải bỏ thuyền mà chạy, trong khi các thủy quân thủy tướng bị đánh thất điên bát đảo, trôi giạt mỗi người một xó, hoặc bị chìm đám hàng đàn hàng lũ xuống đáy trường giang...
Ðinh Tích Nhưỡng cố sống cố chết tháo lấy một đường huyết lộ để lánh nạn, mong ở thế ỷ giốc của đám quân mặt bộ đến cứu mình trong lúc nguy nan. Nhưng, hỡi ôi! Vừa đổ bộ, Nhưỡng đã thấy quân Thái đình hầu Trịnh Tự Quyền và quân Sơn Nam trấn thủ Bùi Thế Dận bị phá tan tành, rời rạc, ôm đầu lủi thủi trốn đi. Cho đến Quyền và Dận, cũng người thúc ngựa, kẻ cưỡi voi, đương tìm đường thoát nạn.
Thì ra toán quân Phù Xa và Kim Ðỗng cũng bị quân Tây Sơn đánh úp tự bao giờ!
Thượng tướng quân Nguyễn Huệ, nhờ sức mãnh liệt của tướng sĩ, hạ ngay được thành Sơn Nam như trở bàn tay. Ðoàn Tây Sơn thắng trận, vui vẻ tiến vào thành, nhưng đã được lệnh của bề trên, không ai cướp bóc và phiền nhiễu dân gian cả.
Ði tiên phong vào trước Hữu quân Ðô đốc Chỉnh vội cho lục lọi các khi tàng. Bao nhiêu châu báu bạc vàng, Chỉnh sai con trai là công tử Anh Tề thu nhận lấ, bỏ vào hòm kín, tải đi. Lúc đại quân vào được trong thành, thì đã thấy kho tàng trống rỗng mất hơn một nửa, mà các quí vật chẳng còn sót lại tí gì. Nguyễn Hữu Chỉnh cho phao lên rằng quan trấn thủ Sơn Nam đã đem vận tải vàng bạc tự lâu rồi, hoá nên kho tàng vì thế không còn sót lại một bảo vật nào đáng giá cả. Quân Tây Sơn, không rõ biết mưu gian của Chỉnh vẫn tin rằng lời nói phao kia đúng với sự thực, hoá không nghi ngờ gì cả.
Hạ được thành Sơn Nam rồi, Tiết chế Nguyễn Huệ một mặt truyền hịch đi các nơi, nói cho thiên hạ biết rõ nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, một mặt thúc quân đi lấy thành Thăng Long.
Trong thành Thăng Long, Ðoàn nam Vương Trịnh Khải ngày đêm lo lắng. Bởi, trong kinh thành, lúc bấy giờ, kiêu binh thì không dùng được mà nhạn tài có thể ra giúp nước thì không còn có người nào. Khải bèn cho lên Sơn Tây gọi lão tướng Thạc quận công Hoàng Phùng Cơ về giúp sức. Quận Thạc đem tám người con trai về đóng bộ quân ở hồ Vạn Xuân còn thủy binh thì lên giữ mặt Tây Long để phòng quân địch.
Nhưng, đã đắc thế, nhuệ khí của Tây Sơn mạnh lắm, quân Nguyễn Huệ tiến lên phá tan tành thủy quân của Trịnh, Hoàng PHùng Cơ phải thúc voi bỏ chạy, sau khi sáu người con của lão tướng vong thân giữa chốn chiến trường.
Chúa Trịnh, lâm bước nguy, cũng mặc nhung phục lên mình voi tiến vào đánh quân địch. Song le, sức cô thế kém, đánh không thấy giặc núng chút nào, chúa Trịnh phải chạy lên Sơn Tây lánh nạn.
Lòng Trời như không tựa nhà Trịnh nữa. Bởi lòng dân oán rủa họ Trịnh tự lâu rồi. Chạy đến làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, Trịnh Khải bị tên Nguyễn Trang đánh lừa đem nộp cho Tây Sơn. Tủi thân mình là một bực Vương giả, một sớm thất thế phải hoá ra cực khổ, lưu ly, chúa Trịnh, khi bị giãi về đến giữa đình làng Nhật Chiêu, bỗng nhânlúc quân canh nhãng ý, cầm gươm cắt họng từ trần.
Ðến đấy kết liểu cuộc đời Trịnh Khải cũng như kết liễu, sau hai trăm mười sáu năm oanh liệt, cơ đồ họ Trịnh đã gây nên.
Thượng tướng Nguyễn Huệ, thương tình, cho dùng vương lễ để tống táng thi hài chúa Trịnh. Nhân dân Bắc Hà, ai cũng cảm phục đại lượng và công đức của vị anh hùng.
Dẹp xong mầm biến loạn từ mấy trăm năm nay làm náo động Lê triều, quan Tiết chế bèn cho dựng bản chiêu an, và ngày mùng 2 tháng bảy nắm Bính Ngọ, kéo quân toàn thắn gvui vẻ vào thành Thăng Long để lên đền VẠn Thọ làm lễ yến kiến Lê Cảnh Hưng Hoàng đế.
Bởi thế, trong cảnh lặng lẽ đìu hiu của chốn đế đô nghiêm cấm, người ta mới được ngắm vẻ uy nghi lộng lẫy của cuộc diễn quân ngày hôm đó, cuộc hành trình của 58 cơ binh sĩ Tây Sơn, chỉnh tề đưa Chủ súy vào thành.