Trước những lời nói ấy, tôi không hề nghĩ cãi lại rằng suốt một đời tôi không ngừng đấu tranh và hi sinh. Nhưng tôi bụng bảo dạ: “Cái đó có trong lá số của mình là một chuyện; phải làm sao biểu thị nó lại là chuyện khác”.
Có điều hình như hắn quên hẳn là bạn bè tôi thường giúp đỡ hắn không ít. Hắn không hề để ý rằng ai ai cũng lo lắng cho đời sống hắn rất nhiều. Hắn làm như thể là chuyện dĩ nhiên, và giờ đây hắn sống trên một xứ sung túc. Người Mỹ là thế đó, bản chất hiếu hòa rộng rãi, anh không biết sao. Họ không có những vẫn đề trầm trọng phải lo. Họ sung sướng từ thuở lọt lòng, đã có các thần nhân lo cho họ. Mỗi lần nói đến lòng tốt của người Mỹ, giọng hắn vẫn lẫn chút khinh. Hắn hờn mát tại sao chúng tôi lại có những bắp su-lơ, những củ cà-rốt, những quả bầu to tổ bố, lại sản xuất hằng hà sa số những thứ rau, thứ quả trông đến khiếp.
Khi mời hắn sang ở với chúng tôi cho đến ngày xuống lỗ, tôi chỉ nhờ hắn có một điều, là nếu có thể, dạy con bé tôi học tiếng Pháp. Sở dĩ, tôi nhờ hắn là để hắn đỡ thắc mắc về ơn với huệ hơn là lo cho con mình học được tiếng Pháp. Suốt thời gian hắn ở với chúng tôi, con bé chả biết gì hơn là
Oui với
Non, với
Bonjour, Monsieur Moricand! Hắn hình như vô dụng đối với con trẻ; hắn không ưa trẻ, trừ đứa nào rất ngoan. Với phần lớn những người nhấn mạnh đến ngoan, thì ngoan có nghĩa là đi cho khuất mắt và đừng làm rộn. Hắn quả tình không sao hiểu nổi tại sao tôi lại quá lo cho con, nào hằng ngày cha con đi dạo, nào tôi lo chơi đùa với nó, dạy dỗ nó, kiên nhẫn nghe nó hỏi những cái ngớ ngẩn và chiều nó những cái quá đáng. Dĩ nhiên hắn đâu ý thức được niềm vui con bé đưa lại cho tôi. Niềm vui ấy hiển nhiên, nhưng có lẽ hắn không muốn công nhận con bé là niềm vui duy nhất của tôi. Khi nào cũng Val trước đã. Điều này làm mọi người bực, chả cứ gì Moricand. Và nhất là vợ tôi. Chung quanh thiên hạ xầm xì bảo tôi là lão già lẩm cẩm làm hư đứa con một. Thật vậy, bề ngoài là hình như thế. Sự thật bề trong của tình trạng, hay của mối liên hệ, tôi e ngại không muốn nói ngay cả với bạn bè thâm giao nhất. Thật là mỉa mai chính những người chỉ trích tôi lại cũng làm việc vớ vẩn như tôi, cũng bộc lộ một sự trìu mến quá đáng đối với những con vật cưng của họ. Còn như Val nó là máu huyết của tôi, là con cưng của tôi; tôi chỉ ân hận còn điều tôi không có thì giờ săn sóc nó hơn nữa.
Chính vào dạo này các bà mẹ trẻ đua nhau học nhảy, có người còn học hát nữa. Hay lắm. Đáng khen lắm, như ta thường nói. Nhưng còn trẻ con? Chúng có được học hát học nhảy không? Đâu có. Sau này hẵng hay, khi nào chúng lớn lên đến cái tuổi đi học ba-lê hay cái gì mà các bà mẹ trẻ cao hứng cho rằng con mình cần phải học để nâng cao văn hóa. Còn lúc này các bà còn mải lo rèn luyện cái tài năng tiềm tàng của mình.
Đến cái ngày tôi bắt đầu dạy Val hát. Chúng tôi từ rừng đi về nhà. Tôi kiệu con lên vai để đỡ nhọc đôi cẳng bé. Bỗng nhiên nó bảo tôi hát. Tôi hỏi: “Con thích nghe bài nào?” Đoạn kể nó nghe câu chuyện Abraham Lincoln chỉ biết độc có hai bài, một là bài Yankee Doodle, hai là không phải bài này. Nó nèo: “Thì bố hát đi!”
Tôi hát, sung sướng hát. Nó hát theo. Về đến nhà là nó vừa thuộc lòng bài hát. Tôi khoái chá hết sức. Dĩ nhiên là hai bố con cứ hát đi hát lại không biết chán. Lúc nào cũng
Yankee Doodle this and Yankee Doodle that. Yankee Doodle dandy and the Devil takes the hindmost! Moricand không hề quan tâm đến cái trò này. Chắc hắn tự nhủ: “Rõ chán cho cái thằng Miler”, ý bảo rằng tôi chỉ khéo làm trò hề cho thiên hạ cười.
Tội con bé Val! Tôi đứt ruột mỗi khi con bé nói gì với hắn, hắn xua con bé với câu: “Tao không nói tiếng Anh”.
Ngồi ăn, con bé nói huyên thuyên, tôi thì thích nghe, hắn thì bực bội, bực bội cả khi con bé làm đổ rơi đổ vãi.
Hắn thường nói, “Phải dạy nó mới được. Trẻ mà chiều quá đâu có hay”.
Vợ tôi cũng đồng ý nói theo như máy. Nàng phàn nàn rằng nàng cố gắng dạy con bao nhiêu thì tôi phá bấy nhiêu, hầu như tôi lấy làm khoái chá thấy con mình hư thân mất nết. Dĩ nhiên nàng không chịu nhận rằng chính tinh thần nàng là sắt chỉ biết có phương tiện duy nhất là kỷ luật.
Nàng hay nói, “Anh ấy chủ trương tự do mà’, làm cho quan niệm tự do nghe có vẻ lố bịch hết sức.
Thế là Moricand phụ họa: “Đúng , nên đứa trẻ Mỹ là một đứa trẻ man rợ. Ở Âu châu đứa trẻ biết vị trí của nó. Ở đây đứa trẻ là chủ”.
Hỡi ôi! Thật là quả đúng. Tuy nhiên... Điều hắn quên nói thêm là điều mà bất cứ người Âu nào có đầu óc cũng thừa biết, điều mà chính hắn cũng thừa biết và từng nhiều lần công nhận, là ở Âu châu, nhất lại là ở cái Âu châu của hắn, đứa bé là ông cụ non, đứa bé bị khép vào kỷ luật cho đến chết, đứa bé bị dạy dỗ theo một lề lối không những “dã man” mà còn ác độc, ngu xuẩn, trì hoại, đành rằng các biện pháp kỷ luật có thể tạo nên những đứa bé ngoan ngoãn nhưng khó mà tạo nên những con người phóng khoáng. Hơn nữa, hắn quên không nói thiếu thời của hắn ra sao, quên không giải thích kỷ luật, phép tắc, lịch sự, giáo dục đã giúp hắn được những gì.
Để tự bào chữa trước con mắt tôi hắn dài dòng giải thích cho vợ tôi biết rằng tôi là một kẻ bẩm sinh nhiễu loạn, rằng bản chất tự do của tôi chỉ là một ý thức đặc biệt cá nhân, rằng bản chất tôi thù ghét cái ý niệm kỷ luật chân chính. Có thể bảo tôi là một kẻ phiến loạn, một tên phi pháp, một đầu óc ngang tàng. Tôi sinh ra là để quấy rối. Và bỏ nhỏ rằng cũng cần phải có những thằng như tôi. Rồi như đã có hứng, hắn bắt đầu sửa lại bức họa. Hắn phải thừa nhận rằng thật thì tôi quá tốt, quá lành, quá hiền, quá nhẫn nại, quá dễ dãi, quá khoan dung, quá đại độ. Như thể những cái này làm quân bình được cái bản tính mạnh bạo, cộc cằn, ngang tàng, xảo trá của tôi. Đến nay, hắn còn nói rằng tôi thừa sức hiểu thế nào là kỷ luật, vì, như hắn nói, sở dĩ tôi viết văn được cũng là nhờ đã biết triệt để khắc kỷ.
Hắn kết luận: “Thật là một con người hết sức phức tạp. Cũng may mà tôi hiểu hắn. Tôi đi guốc trong bụng hắn”. Nói đoạn hắn di ngón tay cái lên mép bàn như thể giết chấy. Nghĩa là hắn di lên tôi, cái quái thai mà hắn vừa nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ, và có thể giải thích khi cần đến.
Thường có tối bắt đầu vui vẻ nhưng rốt cuộc lại đưa đến một cuộc thảo luận về những vấn đề trong nhà cửa, điều mà tôi rất ghét, nhưng các bà vợ hầu như lại thích, nhất khi có kẻ chịu khó ngồi nghe. Vốn dĩ từ lâu tôi đã cho rằng có thảo luận với vợ tôi để đi đến chỗ thông cảm cũng vô ích - có khác gì vạch đầu gối ra mà nói - nên tôi chỉ lên tiếng cải chính khi có điều gì nói sai hay bóp méo sự thật mà thôi. Còn thì tôi nhất định không mở miệng. Thừa biết rằng cái gì cũng có hai mặt, nên tôi cho Moricand ra sức chuyển cuộc thảo luận vào những điểm căn bản hơn.
Hắn thường bảo vợ tôi: “Với một kẻ như Miller có nói cũng chả đi đến đâu. Hắn không nghĩ như chị và tôi nghĩ. Hắn nghĩ theo lối vòng tròn. Hắn đâu cần biết gì là hợp lý, là vừa phải, hắn bất chấp lý lẽ phải trái”.
Đoạn hắn quay ra giải thích cho nàng biết những cái hay cái dở của nàng, để chứng minh tại sao tôi và nàng lại không thể tương hợp. “Nhưng tôi hiểu cả hai. Tôi có thể đóng vai trọng tài. Tôi biết cách dàn xếp sự rối rắm”.
Thật ra, hắn nói đúng. Hắn tỏ ra là một trọng tài rất khéo. Có hắn, những gì có vẻ muốn bùng nổ chỉ kết thúc bằng nước mắt hay cau mày ngồi câm. Thường khi tôi mong hắn nói mệt rồi đi ngủ đi thì tôi lại thấy vợ tôi làm trái hẳn. Dịp độc nhất của nàng để nói chuyện với tôi hay chỉ trích tôi là khi có hắn. Riêng có hai vợ chồng không sừng sộ nhau thì cũng câm như hến. Moricand thường chuyển được các cuộc cãi vã kịch liệt và dằng dai đã thành cơm bữa ấy sang một bình diện khác; hắn giúp được chúng tôi, ít ra cũng lúc ấy, ngồi riêng suy nghĩ, kiểm thảo lại lập trường của mình một cách vô tư, nhận xét lại từng khía cạnh, và cởi bỏ cái tính chất ám ảnh của nó. Chính những lúc ấy hắn đã khéo sử dụng khoa Chiêm tinh uyên thâm của hắn, vì không gì lại bình thản hơn, khách quan hơn, lại xoa dịu và làm vững tâm kẻ đang xúc động là lập luận tử vi về cảnh ngộ của họ.
Hẳn nhiên không phải tối nào cũng cãi vã với thảo luận. Thú vị nhất là những tối để hắn nói thả dàn. Dù sao, độc thoại vẫn là sở trường của hắn. Nếu tình cờ chúng tôi lại bàn đến hội họa - chả buổi đầu hắn cũng là một họa sĩ - chúng tôi chắc chắn được cái thú nghe hắn kể đến lắm cái hay. Trong số các danh nhân của giới nghệ thuật Pháp, có nhiều hắn quen thân. Có người hắn quen từ ngày còn vàng son. Những giai thoại của hắn về thời kỳ mà tôi gọi là hoàng kim - vài ba chục năm trước ngày
Les Fauves (Các Mãnh thú) xuất hiện - nghe thú vị như một bữa ăn đầy cao lương mĩ vị. Lại còn gia giảm bằng những lời phê phán độc đáo kỳ dị không kém phần quái đản hấp dẫn. Đối với tôi, thời kỳ này đưa lại rất nhiều hứng thú. Xưa nay tôi vẫn cảm thấy mình ra đời muộn mất vài ba chục năm, vẫn ân hận rằng khi còn ít tuổi mình đã không viếng Âu châu trước đã (và ở đó luôn). Ý tôi muốn nói là viếng
trước Thế chiến thứ Nhất. Còn gì quí bằng được làm đồng chí hay làm bạn tri âm với những nhân vật như Apollinaire, Douanier Rousseau, George Moore, Max Jacob, Vlamick, Utrillo, Derain, Cendrars, Gauguin, Modigliani, Cingria, Picabia, Maurice Magre, Léon Daudet, và này khác. Đạp xe dọc theo sông Seine, băng qua băng lại các con cầu vắt qua sông, chạy ngang những thị trấn như Bougival, Chatou, Argenteuil, Marly-le-roi, Puteaux, Rambouillet, Issy-le-Moulineaux, và những vùng đại loại như thế vào năm 1910 hẳn thú vị hơn là vào các năm 1932 hay 1933 rất nhiều! Được thấy Ba-Lê từ trên nóc một chiếc xe buýt ngựa kéo vào cái tuổi hăm mốt hẳn khác nhiều! Hoặc đi
phất phơ trên các
đại lộ có cây to bóng mát vào cái thời kỳ nổi danh của phái ấn tượng!
Moricand có thể tóm lược tất cả cái huy hoàng và cơ cực của thời đại này theo ý hắn. Hắn có thể làm sống lại cái
“buồn nhớ Ba-Lê” kia mà Carco từng gợi lại rất thần tình, mà Aragon, Léon-Paul Fargue, Daudet, Duhamel và rất nhiều văn gia Pháp từng nhắc đi nhắc lại khôn nguôi. Chỉ cần nhắc đến tên một con đường, một đền đài vớ vẩn, một quán ăn hay một quán rượu ngày nay không còn nữa, cũng đủ cho câu chuyện kéo dài vô tận. Những hoài niệm của hắn còn làm tôi kích thích thêm vì hắn nhìn mọi sự bằng đôi mắt của kẻ chuộng thời. Dù hắn có tham gia đến mức độ nào chăng nữa, hắn vẫn không bao giờ đau khổ như những người mà hắn nói đến. Hắn chỉ đau khổ từ cái ngày mà những người không bị giết trong thời chiến hay không tự sát hoặc phát điên trở thành trứ danh. Tôi tự hỏi liệu trong những ngày vàng son của hắn, hắn có bao giờ lại tưởng tượng được rằng có ngày hắn phải đến tìm anh bạn nghèo xác nghèo xơ là Max Jacob để xin vài xu - Max, người đã từ bỏ cuộc đời và sống như một nhà khổ hạnh? Thật là cả một tai họa giáng xuống trần gian khi các bạn cũ của mình lại vươn lên như sao sáng ở chân trời, khi chính cái trần gian này, trước kia chỉ là một sân chơi đùa nhảy nhót, nay trơ thành một hội giả trang nghèo nàn, một bãi tha ma cho mộng mơ và ảo tưởng.
Hắn thù ghét chế độ Cộng hòa, thù ghét tất cả những gì tiều biểu cho chế độ, ghét cay ghét đắng. Mỗi lần nói đến cách mạng Pháp là mỗi lần hắn tưởng chừng như đối diện với yêu ma. Như Nostradamus, hắn lấy cái ngày mà
dân chúng - đồ chó má như hắn gọi, lên cầm quyền, làm ngày suy đồi, ngày mạt vận, ngày sụp đổ. Giờ đây chợt nghĩ đến, tôi lấy làm lạ là hắn không bao giờ nhắc đến Gilles de Rais. Và cũng chẳng nói gì đến Ramakrishna, Milarepa, hay Saint Francis. Napoléon, có. Bismarck, có. Voltaire, có. Villon, có. Và Pythagoras, hẳn nhiên rồi. Toàn thế giới Alexandrian, hắn thuộc như cháo và đối với hắn sống động như thể hắn từng quen biết họ ở kiếp trước rồi vậy. Phái tư tưởng Manichean đối với hắn cũng chẳng xa lạ gì. Về giáo lý của Zoroastra, hắn hay bàn đến cái quan niệm chủ trương “thực tính của ác”. Hắn cũng cho rằng có thể rồi đây Ormuzd sẽ thắng thế Arhiman, nhưng bảo rằng giờ đây chứ cũng phải còn lâu lắm, lâu đến mức có bàn tán đến vấn đề hay chỉ hi vọng vào vấn đề cũng chỉ phí hơi vô ích. Không, thực tính của ác chắc chắn là điều mà hắn tin tưởng nhất. Thật vậy, hắn biết quá về điều này, biết đến nỗi hắn không sao thưởng thức được gì đến tận cùng; chủ động hay thụ động khi nào hắn cũng lo xua đuổi các tà ma lẩn khuất ở mọi giai đoạn, mọi nấc thang, mọi địa hạt của đời sống.
Một hôm nhân khi nói đến những gì là sở trường của hắn, hắn đột ngột hỏi tôi phải chăng tôi không còn quan tâm đến chiêm tinh. Hắn bảo: “Đã lâu không nghe anh nói đến”.
Tôi đáp, “Đúng. Tôi thấy có nghiên cứu thêm cũng chẳng ích lợi gì cho tôi. Tôi quan tâm đến chiêm tinh không phải như anh. Đối với tôi, nghiên cứu chiêm tinh chỉ là học một thứ ngôn ngữ khác, vận dụng một bàn máy khác. Thực sự làm gì tôi cũng chỉ quan tâm đến phương diện thi vị của nó. Xét cho cùng thì chỉ có một ngôn ngữ mà thôi - ngôn ngữ của chân lý. Còn làm cách nào để đạt đến ngôn ngữ ấy không đáng kể”.
Tôi không nhớ đúng lời hắn đáp lại ra sao, chỉ biết rằng lời đáp ngụ ý trách móc tôi là theo đuổi nghiên cứu tư tưởng Đông phương. Ý hắn nói tôi quá say mê với những lý luận trừu tượng. Có thể là quá Đức. Tôi nghiên cứu chiêm tinh vì cần dùng nó làm phương tiện hiệu chính. Nó giúp phân tích, định hướng và tổ chức ở tôi những gì là mơ hồ và hỗn độn. Với những thằng như tôi, thường có cái nguy hiểm hoặc là một ông thánh hoặc là một thằng cuồng.
“Không điên chứ?”
“Không bao giờ!”
“Nhưng tàng tàng! Phải không?”
Câu đáp của hắn là - Phải và Không. Tôi vốn đạo gốc, lại có khiếu siêu hình. Ở tôi, có một cái gì còn hơn là một Thập tự quân. Tôi vừa kính nhường vừa xấc xược, vừa là kẻ sám hối, vừa là Pháp quan Tôn giáo. Và thế thế.
“Và theo anh đi sâu vào chiêm tinh có thể thắng được các xu hướng ấy sao”.
Hắn nói, “Tôi không dám quả quyết là thế. Tôi chỉ bảo rằng nó giúp anh thấy rõ hơn... thấy được cái bản chất của các điều anh thắc mắc rõ hơn”.
Tôi đáp: “Nhưng tôi có điều gì thắc mắc đâu. Trừ phi là những điều thuộc vũ trụ. Tôi sống thanh thản với tôi, với thiên hạ. Thật thì tôi với vợ tôi không được thuận hòa. Nhưng chuyện vợ chồng thì đến Socrate cũng chẳng thuận hòa nữa là. Vả lại...”
Hắn ngắt lời.
Tôi nói, “Được rồi, thế tôi hỏi anh chứ chiêm tinh đã giúp anh được gì. Đã giúp anh sửa chữa được các khuyết điểm của anh chưa? Đã giúp anh hòa mình với thiên hạ chưa? Đã giúp anh tìm được thanh thản và niềm vui chưa? Tại sao anh lại gãi sồn sột như mắc chứng kinh phong thế kia”.
Cứ xem hắn nhìn tôi ra sao cũng đủ hiểu là tôi đã đánh trúng tim đen của cu cậu.
Tôi nói: “Xin lỗi anh, nhưng anh biết đấy, tôi có tính hay nói trắng, nói thẳng khi cần nên nói. Tôi không có ý miệt thị anh hay giễu cợt anh. Nhưng đây chính là điều tôi muốn biết. Anh hãy trả lời thẳng thắn! Cái gì quan trọng nhất - thanh thản nhất là vui tươi hay minh triết? Nếu biết ít mà sướng hơn thì anh chọn đường nào?”
Lẽ ra tôi phải biết câu trả lời của hắn. Là về vấn đề này ta không phải muốn là được.
Tôi kịch liệt phản đối. Tôi nói: “ Có lẽ tôi vẫn còn Mỹ quá. Nghĩa là còn ngây thơ, lạc quan, dễ tin. Có lẽ tất cả những gì tôi đã thu thập được trong những năm súc tích ở Pháp là phần nội tâm của mình vững mạnh và sâu sắc hơn. Trước mắt của một người Âu, tôi là gì, chẳng qua chỉ là một anh chàng Mỹ chính hiệu con nai, một anh chàng Mỹ phô trương cái Mỹ tính của mình như một cái mụn lở. Thích hay không thích, tôi vẫn là một sản phẩm của mảnh đất sung mãn này, một kẻ tin ở dồi dào thừa thãi, tin ở phép màu. Nếu phải thiếu thốn cũng lỗi tại mình. Nếu phải buồn phải khổ, nếu thua kém, nếu phạm tội, tôi không trách được ai mà tôi trách tôi. Những gì anh tưởng có lẽ tôi học được ở nghiên cứu chiêm tinh đều là những gì tôi đã học được ở đời. Tôi đã từng phạm những sai lầm mà một con người có thể sai lầm và tôi đã phải trả. Do đó tôi phong phú hơn nhiều, khôn ngoan hơn nhiều, sung sướng hơn nhiều, tôi dám nói thế, hơn là đi tìm tòi nghiên cứu hay thụ giáo môn phái nào để biết phải làm sao tránh được các cạm bẫy trên đường mình đi... Chiêm tinh nghiên cứu các tiềm lực, phải không? Tôi không quan tâm đến con người tiềm tàng. Tôi quan tâm đến con người đã thể hiện, đã thực hiện được những gì của tiềm thể của mình. Vả lại con người tiềm tàng là gì? Nếu không phải là tổng số của tất cả những gì là người? Nói theo cách khác là
thần linh? Chắc anh nghĩ tôi đang đi tìm Thượng đế? Không, Thượng đế sẵn có. Thế giới sẵn có. Con người sẵn có. Chúng ta sẵn có. Thực tại đầy đủ, đó là Thượng đế - và người, và thế giới, và tất cả những gì sẵn có, kể cả những gì không thể gọi tên. Tôi chủ trương thực tại. Thực tại hơn, hơn nữa. Tôi là kẻ cuồng tín thực tại, nếu anh muốn nói thế. Còn chiêm tinh là gì? Nó liên can gì đến thực tại? Hẳn nhiên là có. Cũng như thiên văn, cũng như sinh học, cũng như toán học, cũng như âm nhạc, cũng như văn chương; cũng như các con bò ngoài đồng, các cây hoa, các cỏ dại, và đống phân giúp chúng hồi sinh. Trong trạng thái nào thì cái nào đó quan trọng hơn các cái kia. Ta bảo cái này có giá trị, cái kia không.
Bất cứ cái gì cũng quan trọng, cũng có giá trị. Nếu quan niệm thế thì tôi sẵn lòng chấp nhận khoa chiêm tinh của anh...”
Hắn nhún vai nói: “Anh lại giở chứng rồi”.
Tôi đáp: “Tôi biết. Hãy chịu khó nghe tôi nói. Rồi sẽ đến lượt anh... Thường lâu lâu tôi lại nổi loạn, ngay với cả những gì tôi tin tưởng hết lòng. Tôi cần phải đả kích mọi cái, kể cả bản thân tôi. Tại sao? Tôi xin vắn tắt. Chúng ta biết quá nhiều - và quá ít. Chính cái trí năng đã làm chúng ta rắc rối. Không phải cái trí tuệ của chúng ta.
Trí tuệ, chúng ta có mấy cho vừa. Nhưng tôi đã chán nghe các nhà chuyên môn, chán nghe con người chỉ biết có một đường. Tôi không phủ nhận hiệu tính của chiêm tinh. Điều tôi phản đối là trở thành nô lệ cho bất cứ một quan điểm duy nhất nào. Dĩ nhiên có tương hợp, tương giao, tương chiếu, có tiết điệu thiên cơ, có tiết điệu địa hòa...
như trên kia, như dưới đây. Nếu không thế thì trời đất đảo điên còn gì. Nhưng biết thế rồi, nhận thế rồi, tại sao không quên đi? Ý tôi muốn nói hãy cho đó là một phần thành sống động của đời mình, một cái gì đã nuốt, đã tiêu, đã phân phối đi từng lỗ chân lông một trong người mình, và vì thế đã quên, đã đổi, đã sử dụng trong tinh thần và phục vụ cho đời sống. Tôi ghét những người bất cứ gì cũng chỉ biết lọc qua cái ngôn ngữ duy nhất mà mình biết, dù ngôn ngữ đó là chiêm tinh, tôn giáo, yoga, chính trị, kinh tế, hay gì khác. Cái vũ trụ này của chúng ta có mỗi một điều làm tôi băn khoăn, làm tôi nhận thấy rằng nó là linh diệu và vượt ra ngoài mọi tầm kiến thức, điều đó là người ta muốn giải thích nó cách nào cũng được và mọi cách đều được. Mọi điều ta nói về nó đều vừa đúng vừa sai. Nó bao gồm cả các chân lý lẫn các lầm lẫn của chúng ta. Và, dù cho ta nghĩ gì về vũ trụ cũng chẳng thay đổi gì được nó...
“Cho phép tôi trở lại những gì tôi nói lúc đầu. Chúng ta sống mỗi người một nếp sống. Chúng ta ai cũng muốn làm sao sống cho được êm ả hòa dịu chừng nào hay chừng nấy. Chúng ta ai cũng muốn làm sao tận hưởng được đời sống. Liệu ta phải tìm đến sách, tìm đến thầy, đến khoa học, đến tôn giáo, đến triết học, liệu ta phải biết nhiều đến thế sao - tuy có là bao! - rồi mới dám sống sao? Liệu ta cứ phải hành hạ thân mình đủ tình đủ tội rồi mới hoàn toàn tỉnh ngộ và hiểu biết hay sao?”.
Hắn nói, “Đời sống chỉ là Khổ ải. Dù có biết chiêm tinh cũng không thay đổi được cái sự thật phũ phàng này”.
“Thế không có ngoại lệ? Hẳn nhiên...”
Hắn đáp: “Không có ngoại lệ. Tất cả mọi người, cho đến cả những người sáng suốt nhất, đều có những ưu tư, những khổ não riêng. Sống là tranh đấu không ngừng, và tranh đấu đưa đến phiền não khổ đau. Và có đau khổ mới có sức mạnh và chí khí”.
“Để làm gì? Để đi đến đâu?”
“Để dễ bề chịu đựng gian khổ ở đời”.
“Thật là một hình ảnh đen tối! Có khác gì luyện võ để tranh tài mà lại biết mình tất thua”.
Hắn nói, “Còn có cái như thoát tục chẳng hạn”.
“Nhưng phải chăng đó là một giải pháp?”
“Có người thì lấy đó làm một giải pháp, có người không. Đôi khi ta đâu chọn được”.
“Thẳng thắn mà nói, chúng ta thật ra có cái gì gọi là chọn không?”
Hắn suy nghĩ một lúc trước khi trả lời.
“Có, tôi tin rằng chúng ta được chọn một phần nào, nhưng ít hơn như người ta tưởng. Trong giới hạn số mệnh của ta, ta được tự do chọn. Chính ở đây chiêm tinh mới rất ư quan trọng: khi đã ý thức được ta sinh ra trong cảnh ngộ nào, điều mà chiêm tinh phơi bày rất rõ, ta không chọn cái không thể chọn”.
Tôi nói, “Đời sống các bậc vĩ nhân hầu như nói ngược lại”.
“Thì như anh nói,
hầu như thế. Nhưng có nghiên cứu lá số họ ta phải công nhận điều rằng họ chỉ có thể chọn như họ đã chọn. Những gì ta chọn hay muốn khi nào cũng phù hợp với tâm tình ta. Đứng trước cùng một thắc mắc, Napoléon hành động một đàng, và Saint Paul hành động đàng khác”.
Tôi ngắt lời: “Phải, phải, tôi biết. Và tôi cũng biết, cũng tin rằng Saint Francis vẫn là Saint Francis, Saint Paul là Saint Paul, và Napoléon là Napoléon, dù họ rất uyên thâm về chiêm tinh. Để hiểu các vấn đề của ta, để có thể đi sâu vào chúng, để loại bỏ những vấn đề không cần thiết, tất cả những cái kia thực sự tôi không còn quan tâm. Sống là một gánh nặng, sống là một chiến trường, sống là một vấn đề - nói thế là chỉ nhìn đời theo một khía cạnh nào đó thôi. Hai câu thơ thường khi nói ta biết nhiều, cho ta được nhiều hơn là cả một tập sách dày cộm của một nhà học giả. Muốn làm cái gì thật sự có ý nghĩa, người ta cần thi hóa nó. Cái duy nhất tôi tìm ở chiêm tinh, hay ở bất cứ cái gì khác, gọi là đáng tìm, cái đó là coi nó như thơ, như nhạc. Nếu chiêm tinh mà lại tìm ra được những nốt mới, những hòa âm mới, những rung động mới, thì chiêm tinh mới thực sự đắc lực cho tôi. Kiến thức làm người ta khòm lưng; minh triết làm người ta buồn rượi. Tình yêu sự thực không liên quan gì đến kiến thức hay minh triết cả: nó nằm ngoài địa hạt chúng. Bất cứ điều gì ta tin chắc đều nằm ngoài phạm vi của bằng chứng.
“Phương ngôn có nói, “phải đủ mọi loại mới làm thành một thế giới”. Đúng. Điều này không thể áp dụng cho các quan điểm hay tư tưởng. Xếp mọi hình ảnh lại với nhau, mọi quan điểm, mọi triết lý, ta vẫn không có được một toàn thể. Tổng số của các góc cạnh và ảo ảnh này không làm và không bao giờ làm thành sự thực. Tổng số của mọi kiến thức là rắc rối thêm. Trí năng bỏ trốn với chính nó. Tâm trí không phải là trí năng. Trí năng là sản phẩm của ngã, và ngã không bao giờ hết băn khoăn, không bao giờ thỏa mãn. Khi nào ta bắt đầu biết là ta biết? Khi ta thôi không tin rằng ta lại có thể biết. Hàng đi là sự thực đến. Và nó vô ngôn. Óc không phải là tâm trí; nó là kẻ bạo tàn tìm cách thống trị tâm trí.
“Tất cả những điều này có ăn thua gì đến chiêm tinh? Có lẽ không, ấy thế mà có. Đối với anh, tôi là hình ảnh của một loại tuổi Mùi nào đó; đối với một nhà phân tích tôi là cái gì khác; đối với một môn đồ Mác-xít lại là một thứ khác, và cứ thế. Tất cả những cái này có nghĩa gì đối với tôi? Máy chụp của anh ghi ra sao có liên quan gì đến tôi? Muốn thấy một người toàn bộ và thấy họ là gì, người ta phải dùng một loại máy ảnh khác; người ta phải có một con mắt khách quan hơn là ống kính. Rồi người ta phải nhìn qua nhiều mặt kính mà các tia phản chiếu sáng chói làm ta lóa mắt không còn thấy được cái thực chất của một cá nhân. Ta càng học, càng biết ít; càng lắm trang cụ, càng không thấy rõ. Chỉ khi nào ta ngưng không cố thấy nữa, ngưng không cố biết nữa, ta mới thực sự thấy và biết. Cái gì thấy và biết không cần đến kính và lí thuyết. Tất cả sự cố gắng và tranh đấu của chúng ta đều có tính chất tự thú. Đó là một cách nhắc nhở chúng ta biết rằng chúng ta yếu, dốt, mù, vô dụng.
Nghĩa là chúng ta không có. Chúng ta nhỏ bé hay bằng nào cũng do chúng ta tự cho phép mình nghĩ mình bằng ấy.
“Đôi khi tôi nghĩ rằng chiêm tinh chắc hẳn đã phát sinh vào một lúc nào đó trong quá trình biến chuyển của con người, lúc mà con người mất tin tưởng ở chính mình. Hay nói theo một cách khác, khi con người mất toàn bộ tính của mình. Khi con người muốn biết thay vì là muốn có mình. Chứng tảo điên có từ lâu, chẳng phải hôm qua hay hôm kia. Và khi con người tách ra, nó tách thành muôn ức mảnh. Nhưng ngay cả hiện nay, dù rằng tan nát, con người vẫn hàn gắn lại thành nguyên vẹn được. Giữa con người nguyên thủy và con người ngày nay, điểm khác biệt duy nhất là một đàng sinh ra ở Thiên đàng và một đàng phải tạo ra Thiên đàng. Và điều này đưa tôi trở lại vấn đề lựa chọn. Con người chỉ có thể chứng tỏ mình là tự do bằng cách chọn lấy tự do. Và nó chỉ có thể làm thế khi nó ý thức được rằng chính nó đã làm chính nó không tự do. Và theo tôi điều này có nghĩa là nó phải giật lấy ở Thượng đế các quyền lực mà nó đã trao cho Thượng đế. Càng nhận thấy Thượng đế ở chính nó nó càng tự do hơn. Và càng tự do nó càng đỡ phải quyết định, càng đỡ phải lựa chọn. Tự do chỉ là một ngụy danh. Tin chắc có phần đúng hơn. Không nhầm lẫn vì thành thực mà nói, trong bất cứ trường hợp nào cũng chỉ có một lối hành động duy nhất, không phải hai, chẳng phải ba. Tự do ngụ ý lựa chọn, và lựa chọn chỉ có trong cái mức mà ta nhận thức rằng ta bất lực. Có thể nói, người tài giỏi không suy nghĩ. Họ là một với tư tưởng, là một với đường lối.
“Nghe có vẻ như tôi đang đi lạc đề. Thật ra không. Tôi chỉ đang nói một thứ ngôn ngữ khác. Tôi muốn nói rằng thanh thản và niềm vui nằm trong vòng tay mọi người. Tôi muốn nói rằng bản thể tinh túy của chúng ta như Thượng đế. Tôi muốn nói rằng không có giới hạn nào cho tư tưởng hay hành động cả. Tôi muốn nói rằng chúng ta là một, không phải nhiều. Tôi muốn nói rằng chúng ta sinh ra đấy, rằng chúng ta không thể ở nơi nào khác ngoại trừ qua cửa diệt. Tôi muốn nói rằng nhìn thấy dị biệt tức là tạo ra dị biệt. Một tuổi Mùi là một tuổi Mùi chỉ đối với một chiêm tinh gia khác. Chiêm tinh sử dụng một số hành tinh, thái dương và thái âm, nhưng còn hàng triệu triệu hành tinh khác thì sao, hàng triệu vũ trụ khác, tinh tú, sao chổi, vân thạch, tiểu tinh hằng hà sa số thì sao? Liệu xa gần đáng kể, hay to nhỏ, hay sáng tối? Chứ không phải một cái gì là một, là liên động, là liên nhập hay sao? Ai dám bảo các ảnh hưởng bắt đầu nơi đâu và chấm dứt nơi đâu? Ai dám bảo cái gì là quan trọng cái gì là không? Ai sở hữu cái vũ trụ này? Ai điều hành nó? Tinh thần ai chỉ giáo nó? Nếu cần giúp đỡ, dìu dắt, chỉ bảo, tại sao ta không tìm ngay đến nguồn? Và ta cần giúp đỡ, dìu dắt, chỉ bảo để làm gì? Phải chăng để mọi sự được dễ chịu cho ta, để ta đạt được các cứu cánh của ta nhạy hơn, hay hơn? Tại sao mọi sự lại rắc rối, khó khăn, mập mờ, bực bội đến thế? Bởi vì chúng ta đã lầm chúng ta là trung tâm của vũ trụ, bởi vì chúng ta muốn mọi sự phải tác động như ý chúng ta muốn. Điều mà chúng ta cần khám phá là nó muốn gì, gọi nó là đời sống, tâm trí, Thượng đế, hay gì gì tùy ý. Nếu chủ đích của chiêm tinh là thế, thì tôi tán thành chiêm tinh.
“Còn điều nữa tôi muốn nói, nói một lần cho cạn vấn đề, rồi thôi. Đó là các vấn đề hằng ngày của chúng ta, nhất là vấn đề xử sự với nhau sao cho êm đẹp, vấn đề hầu như là vấn đề chính yếu. Điều tôi muốn nói là, nếu ta đi tìm nhau với cái quan điểm hay cái ý thức rằng chúng ta dị biệt nhau, bất đồng nhau thì không bao giờ chúng ta có đủ kiến thức để đối xử với nhau một cách trơn tru và mỹ mãn. Muốn thông cảm được với một cá nhân khác, ta phải đi sâu vào tận đáy lòng con người, vào tận cái lớp thầm kín chung cho mọi con người và có sẵn ở mọi người chúng ta. Muốn thế không phải khó và chắc chắn không đòi hỏi người ta phải là một nhà tâm lý hay một người có tha tâm thông. Người ta cũng chẳng cần phải biết gì về các mẫu người theo lý số, về tính chất phức tạp của các phản ứng của họ trước cái này hay cái kia. Có một đường lối giản dị trực tiếp để đối xử với mọi loại người, và đó là thành thật và thẳng thắn. Suốt đời chúng ta chỉ lo tránh né sợ bị hàng xóm láng giềng làm tổn thương hay làm nhục. Thật là phí thời giờ. Nếu ta đừng sợ đừng có thành kiến, ta có thể đối diện với một kẻ sát nhân cũng dễ như với một ông thánh. Tôi chán ngấy cái giọng lưỡi chiêm tinh mỗi khi thấy người ta nghiên cứu lá số của mình để tìm một lối thoát sao cho hết đau, hết nghèo, hết làm bậy, hết đủ thứ. Theo tôi như thế có khác gì tìm cách khai thác các sao một cách đáng buồn. Ta nói đến số mạng như thể một cái gì ta phải gánh chịu; ta quên rằng mỗi ngày ta sống là mỗi ngày ta tạo ra cái số mệnh của ta. Và nói đến số mệnh ý tôi muốn nói những gì đau khổ xảy đến cho ta, những gì chẳng qua chỉ là những kết quả của những nguyên nhân không đến nỗi bí ẩn như ta tưởng. Phần lớn những cái họa ta phải chịu đều do chính hành vi của ta trực tiếp gây ra. Con người không đau khổ vì những tai họa do động đất, núi lửa, giông tố hay sóng thần gây ra; con người đau khổ vì những hành động xấu xa của chính mình, sự ngu xuẩn của chính mình, sự dốt nát của chính mình và sự bất chấp các định luật thiên nhiên. Con người có thể loại trừ chiến tranh, có thể loại trừ bệnh tật, có thể loại trừ già yếu và không chừng cả tử thần nữa. Con người chả cần phải sống trong bần hàn, tội lỗi, dốt nát, chả cần đua tranh giành giật. Tất cả những điều kiện này đều nằm trong tay con người, đều ở trong vòng khả nằng cải tổ của con người. Nhưng ngày nào nó chỉ có biết lo đến số mệnh cá nhân của riêng nó, ngày đó nó còn chưa thể cải tổ. Hãy thử tưởng tượng một lương y mà lại không chịu chữa vì sợ lây bệnh thì thấy! Như Kinh thánh nói, chúng ta đều là chân tay của một thân thể. Thế mà chúng ta lại đánh đấm lẫn nhau. Chính cái thể xác của chúng ta có một sự khôn ngoan mà chúng ta là người cư ngụ cái thể xác ấy lại không có. Ta ra cho nó những cái lệnh vô lí. Bệnh tật, tội lỗi, chiến tranh, hay hàng ngàn lẻ một những gì khác làm chúng ta điêu đứng đều chả có gì bí mật. Hãy sống giản dị, sống khôn ngoan. Hãy quên, hãy tha thứ, hãy từ bỏ, hãy thoái vị. Tôi cần phải nghiên cứu lá số tôi mới hiểu được sống giản dị, như thế là khôn ngoan sao? Cần phải sống với hôm qua mới biết hưởng ngày mai sao? Sao tôi lại không thể cạo bỏ ngay dĩ vãng, ngay tức khắc bắt đầu sống cho ra sống - nếu thực tình tôi muốn?
Thanh thản và vui tươi... theo tôi chỉ cần muốn là được. Ngày nào biết ngày nấy, đối với tôi thế cũng đủ lắm rồi. Thật ra, cũng không cần thế. Hãy cứ
ngày hôm nay đây! Cái ngày hôm nay tươi đẹp đây! Phải chăng đó là nhan đề của một cuốn sách Cendrars? Hãy thử cho tôi một cái nhan đề nào hay hơn xem...”
Dĩ nhiên, tôi đâu có nói một dây một tràng như thế, nói đúng những lời như thế. Có lẽ nhiều câu tôi tưởng chừng như tôi có nói. Không sao. Bây giờ tôi nói thì cũng thế. Toàn những cái nằm trong đầu tôi đây, không phải chỉ có một lần, mà còn nói đi nói lại. Phải thì nghe, không thì thôi.