Không biết ông Bồi Bái Tồn vì yếu chí nên xuôi theo ý vợ nhỏ, hay là tại ông có ý kiến riêng, song ông không muốn nói ra ngay, mà hôm trước có dịp ngồi một mình với Quí, ông nói với con một cách rất cương quyết rằng, ông không thể cho con lên Sài Gòn mà học được.
Quí thấy phía đó bịt đường, mới day qua phía khác. Nó năn nỉ với thầy nó, làm ơn chỉ dùm cách gửi đơn xin dự thi “ buộc “ vào trường trung học Cần Thơ, trò mà ham học tự nhiên thầy vui lòng, bởi vậy thầy Nhứt Vĩnh ra công lo giấy tờ dùm cho Quí đi thi học bổng.
Hôm tuần trước, Qui đã đi qua Cần Thơ mà thi. Số
cử tử [7] trên 200, tranh nhau mà hưởng 30 học bổng. Quí đậu số 3, vinh hạnh viên mãn, nên về mấy bữa rày trong lòng vui vẻ như dẫy đầy ánh sáng ban mai.
Mà người tự đắc ý, tự hào nhứt, là thầy Vĩnh. Thầy đi cùng xóm, cùng làng, mà khoe trí, khoe hạnh của trò Quí, một trò kiểu mẫu của thầy nắn đút mấy năm nay, mà chắc chắn cũng nên có một nhân vật đứng đắng, cao quý của làng Mỹ Huê, không biết chừng của quận Càng long, của tỉnh Trà Vinh, hay của miền Nam nước Việt nữa.
Quí sửa soạn áo quần sách vở, đặng đến ngày nhập trường để qua Cần Thơ mà học, học 4 năm để lấy bằng Thành chung thiệt chớ không phải “thành quỷ” hay “ thành yêu”; mà không biết chừng hễ có bằng Thành chung rồi, học luôn đặng thi tú tài, có bằng tú tài rồi ra Hà Nội học thêm nữa, học trường cao đẳng sư phạm hoặc trường y khoa, để đến đó rồi liệu định.
Một buổi sớm mai, thanh bạch tốt tươi, khoẻ khoắn yên tĩnh, Quí dắt Sen ra trước sân kiếm ổi chín hái ăn. Con kỳ nhông đầu đỏ, mình xanh ở trên cây ổi nhảy xuống đất làm cho Sen giật mình, sợ sệt, ôm chặt Quí mà la. Ông bà Bồi nghe Sen la bài hãi, không biết có việc gì, nên lật đật chạy ra cửa kêu Quí mà hỏi. Chừng nghe Sen sợ kỳ nhông thì ông bà tức cười rồi đứng đó chơi.
Tên trạm làng ở ngoài lộ xâm xâm đi vô, chấp tay xá vợ chồng ông, và đưa một phong thơ. Ông Bồi cầm thơ và trở vô nhà mang cặp kiếng đàng hoàng đặng mở thơ ra coi. Thị Mùi muốn biết coi thơ của ai, nên liền theo vô nhà mà hỏi.
Thơ bằng chữ Pháp, tuy đánh máy tỏ rõ, song ông Bồi đọc không được, nên kêu Quí vô mà đưa cho Quí coi. Quí đọc thơ rồi tay run, mặt tái mà nói với cha:
- Thưa cha, thơ của sở học chánh cho hay rằng tuy con thi đậu số 3, nhưng mà học bổng lập ra cốt giúp cho con nhà nghèo. Con là con một vị chủ điền đứng bộ trên 50 mẫu ruộng hạng nhứt, nên con không được hưởng phép học bổng. Vậy con chỉ được vào học theo đóng tiền kêu là “payant” và ngày vào học phải đóng 3 tháng tiền ăn và tiền sách vở!
Ông Bồi bỏ đi lại ván ngồi vấn thuốc hút, sắc mặt nghiêm nghị. Thị Mùi hỏi Quí:
- Đóng tiền một lần nầy mà thôi, hay là phải đóng hoài?
- Thưa, mỗi tháng đóng một kỳ.
- Ðóng hết bao nhiêu?
- Thưa, theo thơ đây thì mỗi tháng đóng 66 đồng chia ra tiền ăn ở 54 đồng, còn tiền học 12 đồng.
- Giống gì mà dữ vậy! Nghe nói phải học tới 4 năm, chớ phải học một ngày một bữa sao. Vậy thì học phải tốn hao bạc ngàn, chịu sao nổi. Bữa nào khai trường?
- Thưa, Thầy con dặn sớm mai 15 hãy đi, vì chiều 15 phải có mặt tại Cần Thơ đặng vô trường.
Ông bồi thở ra một cái rất dài, rồi chậm rãi nói:
- Thôi con, học tốn nhiều quá, mà phải tốn tới 4 năm, cha sợ cha không chịu nổi.
Ông còn muốn nói nữa, nhưng ông ngó con rồi cảm xúc quá, nói không được, ông đứng dậy đi ra ngoài hàng ba, đôi dòng luỵ lăn dần xuống hai gò má.
Quí thất vọng cực điểm, nên đứng trân trân. Nó ngó qua khung cửa xuống nhà dưới, thấy Mỹ đương đứng nhìn nó với sắc mặt buồn hiu, thì nó rơi luỵ, rồi xây lưng đi lại phía trên, đi lơ lửng như xác không hồn, mắt lờ mờ, ngực đập thịch thịch. Quí đi tuốt vô trong phòng, đặt lưng trên giường rồi kéo mền đậy mặt mà khóc. Cha đã nhứt định vậy rồi. Đời học sinh của mình chỉ tới bực sơ học là cùng! Thành chung cũng không được, đừng mong tu tài và Cao Đẳng!
Cách một hồi Quí nghe mẹ ghẻ ở ngoài hỏi:
- Đi đâu mà đẩy xe máy ra đó? Cơm đã gần chín rồi, sao không ăn cơm rồi sẽ đi?
Rồi nó lại nghe cha trả lời:
- Đi bậy vô dồng chơi. Ở nhà ăn cơm đi.
Cha đã đi rồi, thế là sự học của mình đã bỏ dẹp; cha không muốn nói tới nữa, thì mình còn chỗ nào mà trong mong. Quí nghĩ như vậy thì tức tủi, nên nằm khóc nữa.
Tại sao cha mình không chịu tốn cho mình học nữa? Có phải tía mới khởi đầu thì mẹ ghẻ mình sợ hao tốn rồi tỏ ý không muốn, bởi vậy cha mình không dám trái ý ấy, nên bịt đường tấn thủ của mình?
Hay là tại cha mình tuy có ruộng, song bị ăn xài lớn, nên không có tiền mà lo cho mình học đến cùng? Quí hỏi trong trí như vậy, mà không dám trả lời, bởi vì trả lời tự nhiên mình trách cha, mà con trách cha là trái đạo nghĩa.
Thằng Sen vô phòng kêu Quí mà biểu ra ăn cơm. Quí lắc đầu nói:
- Em ra ăn với dì đi.
- Cơm dọn rồi, chị Hai biểu kêu anh.
- Qua không đói, em nói với chị Hai như vậy.
Sen chạy ra, rồi đi xuống nhà dưới ăn với mẹ, ở nhà trên bây giờ vắng vẻ im lìm. Quí mở bức thơ ra đọc lại, đọc mỗi câu nước mắt chảy mấy lần, càng đọc càng thêm đau lòng buồn tủi.
Thị Mùi ăn cơm rồi dắt Sen đi như mọi buổi. Mỹ ngồi ghé phía chân giường, thấy em sầu não, cô cũng rưng rưng nước mắt mà nghẹn ngào nói:
- Chớ chi có ai chịu mướn chị, thi chị ở đợ lấy tiền cho em đi học.
Lời nói ấy càng làm cho Quí thêm buồn tủi, nên Quí tốc mền, ngồi dậy và ngó ngây chị mà hỏi:
- Chị cũng muốn cho em học nữa phải không?
Mỹ lấy vạt áo lao nước mắt mà đáp:
- Phải học cho nhiều, mới cao, mới quý. Bây giờ em thôi học, rồi ở nhà làm giống gì? Mỗi ngày xả đi chơi. Qua mùa gà thì gom gà đi theo cha. Chừng lớn lên làm ruộng, nuôi gà vịt, đánh tứ sắc. Chị đâu có muốn sống cảnh vô vị như vậy đâu.
Quí vụt nhảy xuống đất gọn gàng, và đứng nói một cách rất cương quyết:
- Em sẽ tuân theo ý chị. Em quyết thoát khỏi cái đời thấp hèn, yếu ớt, vô vị, lu mờ, như chị mới nói đó.
Mỹ ngó em trân trân mà hỏi.
- Em làm cách nào? Không đi học được thì khó mà lập thân lắm.
- Em chưa biết em phải làm thế nào. Để thủng thẳng rồi em sẽ tính.
- Chị vái vong hồn má phù hộ thân em.
- Và phù hộ chị luôn nữa chớ. . . Em quyết em sẽ làm nên, làm nên cho thiên hạ biết mặt. Làm nên đặng chị em mình hưởng thú cao sang.
- Lo cho em, chớ thân chị mà kể gì, phận chị thế nào cũng được hết, chị không cần lo.
Quí suy nghĩ một chút, rồi vói lấy bức thơ trên giường xếp bỏ vào túi vừa đi vừa nói: “
- Để em đem ra cho thầy em coi.
Mỹ đi theo nói:
- Để chị dọn cơm em ăn rồi sẽ đi. Bề gì cũng phải ăn cơm, không nên để bụng đói.
Quí dụ dự, rồi gật đầu, và đi xuống nhà dưới. Mỹ dọn cơm rồi, ngồi chơi với em cho nó vui. Té ra, Quí ăn có một chén cơm rồi bỏ đũa, đi uống nước, nét mặt không buồn thảm nữa, song nghiêm nghị hầm hừ.
Quí nói chị hay rồi ra lộ mà đi chợ.
Thầy Vĩnh ăn cơm sớm, mới rồi đương nằm trên ghế bố mà coi sách. Thấy Quí bước vô, thầy buông sách ngồi dậy và vui vẻ hỏi:
- Có giấy kêu đi học hay chưa?
Quí rút bức thư trong túi ra, và cầm hai tay đưa cho thầy mà đáp:
- Bẩm thầy, có giấy đây, song em không được học "buộc".
- Sao vậy?
- Bẩm thầy coi đó sẽ rõ.
Thầy Nhứt cầm thơ mà đọc, rồi gật đầu mà nói:
- Phải rồi. Ông Bồi đứng bộ ruộng nhiều quá, tự nhiên em không được hưởng học bổng. Thầy cũng nghi chỗ đó, nhưng thầy xúi em thi liều, là vì thầy nghĩ phải thi đậu người ta mới cho đóng tiền mà học, tự dưng ông Bồi sẽ vui lòng mà đóng tiền. Em đã có ông Bồi hay rồi chưa?
- Bẩm, rồi.
- Chắc ông Bồi vui lắm hả?
- Bẩm thầy, cha em nói không đủ sức đóng tiền cho con học, nên biểu em ở nhà.
- Hứ! Giống gì mà không đủ sức. Tốn hao mỗi năm chừng ít trăm đồng bạc chớ bao nhiêu.
- Bẩm, cha em nói học tốn hao nhiều lắm, tại phải học tới 4 năm, thì không thể chịu nổi.
Thầy Nhứt ngồi chau mày suy nghĩ một chút, rồi chậm rãi nói:
- Có con ham học như em, mà bắt ở nhà không cho học nữa, thì chắc trong nhà khuẩn lắm, chớ không phải hà tiện. Vậy em chẳng nên phiền cha mẹ. Em thôi học thầy tiếc em lắm. Nếu em có tiền cứ học tới hoài, thì em sẽ đi tới đâu lận, chớ không phải chỉ tới bằng Thành chung đâu. Ở đời mỗi người đều có mạng. Có lẽ mạng em không được cao sang, nên đường học vấn mới bị lấp bít như vậy. Thầy tiếc quá, nếu nhà thầy dư dả, thầy sẽ ra tiền cho em mượn mà ăn học. Thầy chắc tiền ấy không mất. Ngặt thầy nghèo, lương mỗi tháng vừa đủ ăn và nuôi con chớ không dư, làm sao mà giúp em.
Thầy Nhứt nói giọng thành thật. Làm cho Qúi cảm động nên chảy nước mắt.
Thầy Nhứt vụt đứng dậy, quăng quyển sách trên bàn viết mà nói lớn:
- Nhà có tiền, họ không biết làm việc nghĩa như vầy thiệt tức quá. Số tiền họ thua gà, thua bài mỗi năm, nếu mà họ để nuôi học trò nghèo ăn học, thì công ơn lớn biết chừng nào.
Quí rón rén nói:
- Bẩm thầy, mấy năm em nhờ thầy dạy dỗ, em mang ơn thầy nhiều lắm. Hồi nãy thầy nói mỗi người đều có mạng riêng. Em tin có như vậy. Chắc là tại mạng em không ra gì, nên em không thể học nhiều được. Mà thân em sau nầy, sướng hay cực, cao hay thấp, dầu thế nào đi nữa, em cũng không quên ơn thầy.
Thầy Nhứt đi qua đi lại trong nhà một hồi rồi đứng lại hỏi Quí.
- Em không được đi học nữa, rồi bây giờ em ở nhà làm việc gì?
- Bẩm em không biết… Có lẽ em sẽ lên Sài Gòn.
- Lên Sài Gòn làm chi?
- Bẩm em cũng chưa biết.
- Sài-Gòn là chỗ để người ta lập thân danh hơn hết. Hễ có tài thì tự dưng nên danh. Mà dầu không có tài đi nữa, miễn lanh lợi, khôn ngoan và xảo trá nhứt là xảo trá - thì làm giàu mau lẹ, mà lại rồi còn có danh lớn nữa. Tuy vậy mà thầy không muốn em lên Sài-Gòn. Em ở dưới tỉnh tốt hơn.
- Bẩm thầy, em định lên Sài Gòn đăng kiếm thế học thêm.
- Học cái gì? Phải vào trường mới tìm được cái thiệt học, chớ học lóm đăng cho có cái vỏ học thức, còn trong óc trống trơn, học như vậy dầu có ích riêng cho mình, song có hại chung cho xã hội nhiều lắm.
- Em cảm ơn thầy.
- Em phải suy nghĩ lại. Thà làm một nông phu biết đạo nghĩa, có liêm sĩ, hơn là một danh nhơn mà lòng ô trược, óc hư mục, em hiểu không?
- Bẩm, hiểu.
- Ừ, ở đời cần phải giữ tâm trí cho thanh cao, giữ tánh tình cho ngay thẳng, dầu làm tên dân Quí, chẳng luận là làm ông gì. Theo đạo quân tử thì hay dở ở chỗ đó, ở tâm chí, ở tánh tình, chớ không phải ở địa vị. Em phải nhớ lời thầy dạy.
- Dạ em sẽ nhớ luôn luôn.
- Ừ, thôi em về nghỉ. Dầu em thôi học, mà hễ có việc chi bối rối, thì em cứ ra đây hỏi thầy, thầy sẵn lòng chỉ bảo cho.
- Cảm ơn thầy.
Quí xá thầy Nhứt và lấy bức thơ đi về, tính giữ kỹ bức thơ ấy để làm kỷ niệm cái mức chót của đời học sinh mình.
Chú thích : 7. người dự thi