Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SA HUỲNH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18125 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SA HUỲNH
Chu Sa Lan

Chương 12

Tất cả sĩ quan của bộ chỉ huy tiểu đoàn và bốn đại đội trưởng đều ngơ ngác khi nghe vị tiểu đoàn trưởng của họ ra lệnh rút lui một cách đột ngột.
- Mình rút về đâu thưa tiểu đoàn trưởng?
Hoàng ngập ngừng hỏi. Vị tiểu đoàn trưởng cũng ngập ngừng có lẽ vì không biết đích xác.
- Rút ra quốc lộ 1 để về Chu Lai sau đó tàu hải quân sẽ đón mình về Sài Gòn...
Biết câu nói của mình không trả lời được điều mà Hoàng muốn hỏi thiếu tá G. cười gượng.
- Thật ra thời tôi cũng không biết đích xác mình phải rút về đâu. Tôi chỉ nhận lệnh rút lui từ liên đoàn. Toàn bộ lực lượng quân khu 1 sẽ triệt thoái... Thôi mấy ông về chuẩn bị. Nhớ đừng cho lính biết để họ hoang mang...
Trên đường từ bộ chỉ huy tiểu đoàn về đại đội Hoàng suy nghĩ miên man. Toàn bộ lực lượng của quân khu 1 sẽ triệt thoái như vậy là năm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải sẽ lọt vào sự kiểm soát của cộng sản. Anh sẽ mất Sa Huỳnh. Anh không bao giờ gặp lại người ni cô nữa. Sa Huỳnh làm sao sống được với cộng sản, những người từng xem tôn giáo là kẻ thù của họ. Sa Huỳnh của anh sẽ bị cấm đọc kinh, thờ Phật, bị tẩy não, bị bắt phải thờ phượng, tôn kính một kẻ đại gian ác. Không thể được. Sa Huỳnh sẽ chết dần mòn trong thứ không khí bị nhiễm độc. Anh phải cứu Sa Huỳnh. Anh phải đem người ni cô mà anh yêu thương ra khỏi vùng bị giải phóng. Anh có bổn phận đưa nàng về Sài Gòn.
Về tới đại đội Hoàng ra lệnh cho bốn trung đội chuẩn bị. Lính hỏi thời anh nói hoán chuyển đơn vị. Tuy nhiên chỉ cần nhìn ánh mắt của những người lính anh biết họ không tin vào lời nói của mình. Tin Ban Mê Thuột bị cộng quân chiếm rồi quân khu 2 tháo chạy về Nha Trang lan ra rất nhanh ai cũng biết. Những người lính có gia đình hay họ hàng ở Ban Mê Thuột, Pleiku và Kontum lộ vẻ lo âu và xôn xao bàn tán. Đang đóng ở Vĩnh Tuy thuộc quận Sơn Tịnh đại đội được lệnh di chuyển. Đường ra tới biển xa thăm thẳm và đầy nguy nan. Dường như biết trước nên địch bám theo tấn công ráo riết. Tiểu đoàn bị chia cắt thành nhiều toán quân rời rạc không liên lạc cũng như bảo vệ và tiếp cứu cho nhau được. Hoàng cố gắng chỉ huy đại đội chạy về Sơn Tịnh rồi lần mò ra tới quốc lộ 1. Thấy được con đường lính vui mừng vì nghĩ họ sẽ sống sót. Hoàng cho lệnh dừng quân để lính nấu cơm. Ăn chưa hết bịch gạo sấy pháo địch dập xuống như mưa. Cả đại đội hổn loạn. Người chết, bị thương nằm la liệt. Hoàng cùng với bốn trung đội trưởng điều động lính mang theo thương binh rút chạy suốt đêm. Tờ mờ sáng khi vào được huyện lỵ Sơn Tịnh họ mới biết mình còn sống. Trong lúc ăn cơm Hoàng nói cho đại đội phó và bốn trung đội trưởng về tin di tản khỏi vùng 1.
- Mình đã mất liên lạc với tiểu đoàn. Bây giờ là lúc mình phải tự lo thân của mình. Chúng ta phải tìm cách đưa đại đội ra biển rồi tàu hải quân sẽ đón mình về Sài Gòn...
Quốc chợt lên tiếng.
- Thằng Ảnh, tiểu đội trưởng của tôi là dân Quảng Ngải. Nó biết đường rành lắm. Để tôi bảo nó dẫn lính đi dò đường trước. Tôi sợ Việt Cộng đã đóng chận các ngõ đường ra biển...
Ăn cơm xong chờ tới tối Hoàng cho lính bí mật rút ra khỏi huyện lỵ Sơn Tịnh nằm chờ tiểu đội 1 của Ảnh trở về báo cáo. Nửa đêm Ảnh trở về. Anh vừa thở vừa nói với cấp chỉ huy.
- Mình ra biển không được đâu đại úy ơi. Tụi nó đóng khắp nơi. Tôi nghe có tiếng máy xe tăng nổ...
Hoàng nhìn Chinh.
- Tụi nó chuẩn bị đánh Quảng Ngải?
Hơi gật đầu Chinh thì thầm.
- Tôi nghĩ mình nên cấp tốc băng qua sông Trà Khúc. Chậm tụi nó đóng chốt hai bên đầu cầu là mình kẹt lắm...
Hiểu ý của Chinh Hoàng ra lệnh cho đại đội lội suốt đêm. Tờ mờ sáng lính thở phào khi thấy cây cầu bắt qua sông Trà Khúc. Vừa tới đầu cầu bên này Hoàng được lính báo tin là thị xã Quảng Ngải đang ở trong tình trạng chuẩn bị giao tranh. Tam Kỳ đã bị địch chiếm ngày hôm qua. Địch bắt đầu pháo kích lai rai vào các vị trí đóng quân của tiểu khu, vào phi trường và một vài khu vực trong vòng đai phòng thủ của thị xã. Hoàng dẫn đại đội tới trình diện tiểu khu. Sau khi nghe Hoàng báo bị thất lạc đơn vị một sĩ quan cấp tá yêu cầu Hoàng chỉ huy đại đội phụ với một tiểu đoàn địa phương quân làm nút chặn ở hướng nam của thị xã. Tới gặp vị tiểu đoàn trưởng địa phương quân Hoàng được ông ta chỉ định tới đóng ở một vị trí ngoài cùng của vòng đai phòng thủ bên này con rạch nhỏ. Vừa tới nơi đứng quan sát địa điểm xong Hoàng ra lệnh cho đại đội băng qua cầu đóng bên kia con rạch thay vì bên này. Chinh thắc mắc.
- Tại sao mình không đóng bên kia rạch đại úy? Ta nên lấy con rạch làm hàng rào phòng thủ thiên nhiên...
Nhìn Chinh và bốn trung đội trưởng Hoàng cười.
- Tụi nó tiến quân theo hướng nào?
Vũ trả lời trước nhất.
- Tôi nghĩ là từ nam lên bắc và từ tây sang đông. Tụi nó đoán thế nào mình cũng phải rút chạy về Chu Lai...
Đốt điếu thuốc Hoàng gật gù.
- Vũ nói đúng. Nếu địch tiến quân từ nam lên bắc thời ta phải chạy từ bắc xuống nam. Rút về nam là ta chọn con đường rút lui ngắn nhất và nhanh nhất để thoát khỏi sự truy kích của địch. Nếu đóng bên kia cầu, khi địch tấn công ta không thể vượt qua bên này con rạch để chạy về hướng nam...
Chinh mỉm cười.
- Như vậy là đại úy định rút về nam?
Hoàng thong thả gật đầu thay cho câu trả lời. Hít hơi thuốc nhả khói ra từ từ vị đại đội trưởng biệt động quân nhìn năm sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình.
- Rút về hướng nam tức là ta thoát ra khỏi vòng vây đang từ từ xiết chặt của địch. Đêm nay chắc chắn địch sẽ tấn công tiểu khu Quảng Ngải. Lực lượng của ta không cản nổi địch nên tôi sẽ không cho lính nổ súng. Tôi để cho địch vượt qua mặt và đánh Quảng Ngải. Nếu quân bạn giữ vững vị trí thời đại đội của ta sẽ đánh vào sau lưng địch. Còn nếu như tiểu khu Quảng Ngải bị địch tràn ngập và phải rút lui thời lúc đó ta sẽ chạy nhưng chạy về hướng nam tới Mộ Đức hay Đức Phổ...
Chinh và bốn đại đội trưởng làm thinh. Họ không lên tiếng cải vì đó là lệnh của thượng cấp. Dù đúng hay sai họ phải thi hành trước rồi khiếu nại sau. Ngoài ra họ còn kính phục Hoàng về những quyết định khôn ngoan và sáng suốt cho nên họ tin vào sự suy tính của cấp chỉ huy. Hít hơi thuốc dài Hoàng nhìn năm sĩ quan của mình.
- Tình thế của vùng 1 đã vỡ nát tới độ vô phương cứu chữa. Bây giờ nhiệm vụ chính của tôi là đưa đại đội ra khỏi vùng nguy hiểm. Tôi thương lính do đó tôi tìm đủ mọi cách để không một anh em nào bị chết oan hay phải hy sinh một cách vô ích trừ trường hợp bị bắt buộc...
Hiểu được ý định của cấp chỉ huy Chinh thúc hối bốn trung đội trưởng bố trí lính nằm im chờ đợi đồng thời không được nổ súng nếu không có lệnh. Ngồi tựa lưng vào gốc cây Hoàng thở dài. Anh không nói cho bất cứ ai biết ý định thầm kín của mình là dẫn đại đội  về Sa Huỳnh. Anh phải về ngôi làng đó để đem Sa Huỳnh ra khỏi vùng mà anh biết sớm muộn gì cũng sẽ lọt vào tay cộng sản. Sa Huỳnh của anh phải được sống trong vùng tự do để được yêu thương và tu hành. Ngoài ra còn có một điều nữa là nếu về được Sa Huỳnh anh hy vọng sẽ dùng đường biển chạy thoát về Qui Nhơn, Tuy Hòa hay Nha Trang. Đi bằng đường biển sẽ không có nhiều chết chóc bằng đường bộ.
Trời cuối tháng ba gai gai lạnh. Lính ăn gạo sấy với thịt ba lát vì không được phép nổi lửa để nấu cơm. Ăn xong họ được lệnh tìm chỗ nấp và ngụy trang thật kỹ lưỡng. Xụp tối là mọi người nghe tiếng pháo hú qua đầu. Thị xã Quảng Ngải chìm trong tiếng nổ, tiếng xe tăng gầm rú và tiếng reo hò của địch. Bộ đội Bắc Việt đi ngờ ngờ trên đường. Nhiều tên vừa đi vừa nói chuyện ồn ào và cười đùa om xòm. Lính biệt động quân giận run vì phải mọp đầu nhắm mắt làm ngơ cho địch vượt qua mặt của mình. Họ không làm ngơ cũng không được. Đại đội bị bể, bị mẻ từ mấy ngày rồi. Đạn chỉ còn trăm viên. Cả đại đội chỉ còn có một khẩu M72. Lựu đạn một hai trái. Trong lúc đó địch đi đông cả trung đoàn với tăng và xe kéo pháo chạy ầm ầm. Lạng quạng là T54 cán nát xương. Suốt đêm họ chong mắt nghe tiếng súng nổ và lửa cháy khắp nơi trong tỉnh lỵ Quảng Ngải. Xuyên qua máy truyền tin Hoàng biết tỉnh lỵ đã bị địch chiếm đóng còn lực lượng phòng thủ đã rút lui về Chu Lai. Bốn giờ sáng Hoàng ra lệnh rút quân về hướng nam. Ảnh dẫn trung đội 1 đi trước rà đường. Xế chiều Hoàng ra lệnh dừng lại nghỉ ngơi xong họp với bộ chỉ huy đại đội.
- Mình phải đi tới Qui Nhơn. Ở đó có căn cứ không quân và hải quân. Từ đây về Qui Nhơn xa khoảng hai trăm cây số. Các ông nghĩ mình đi tới không?
Chinh bập bập điếu thuốc chỉ còn phân nửa còn Dinh ngần ngừ rồi nói nhỏ.
- Tới thời cũng tới nhưng...
Hoàng nói với giọng tin tưởng.
- Tôi nghĩ mình sẽ tới Qui Nhơn được. Các ông dặn lính nên đi chung với nhau...
Hân rụt rè lên tiếng.
- Đại úy... Tôi đề nghị đại úy nên nói cho lính biết. Mình hứa là sẽ dẫn họ về Sài Gòn thời họ an tâm theo mình hơn...
Ngẫm nghĩ giây lát Hoàng bằng lòng. Ra lệnh cho Chinh họp lính thành vòng tròn Hoàng nói.
- Tôi xin báo cho các anh em biết tin buồn là mình hoàn toàn mất liên lạc với tiểu đoàn...
Có tiếng xì xầm nho nhỏ. Khẽ thở dài Hoàng nghiêm giọng.
- Tôi cũng báo cho anh em biết là quân lực của mình sẽ rút bỏ khỏi vùng 1. Năm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngải sẽ bị tụi cộng sản chiếm đóng vĩnh viễn...
Hoàng dừng lại như để thăm dò phản ứng của lính nhưng thấy họ im lặng anh chầm chậm tiếp.
- Tôi sẽ đưa anh em về Sài Gòn. Tôi hứa như vậy. Muốn về tới Sài Gòn chúng ta phải đồng tâm hiệp lực với nhau, che chở và giúp đỡ lẫn nhau. Anh em và tôi phải sát cánh với nhau để tìm cách về tới Qui Nhơn rồi sau đó đón tàu hải quân hoặc máy bay của không quân về Sài Gòn. Anh em nào không muốn theo tôi vì có gia đình ở vùng 1 cứ việc tìm cách trở về với gia đình...
Sáu mươi ba người lính im lặng. Lát sau hạ sĩ nhất Bính, tiểu đội trưởng mới lên tiếng.
- Em có gia đình ở Đà Nẳng nhưng em sẽ theo đại úy về Sài Gòn...
Binh nhất Kim mếu máo.
- Đại úy đừng bỏ tụi em nghe đại úy... Tụi em sẽ đi với đại úy về Sài Gòn...
Hoàng gật đầu quả quyết.
- Tôi hứa với các anh em là mình sẽ về tới Sài Gòn...
Nói chuyện với lính xong Hoàng bàn với Chinh và bốn trung đội trưởng.
- Mình cần xe... Mình phải tới Sa Huỳnh nội trong ngày hôm nay. Chậm trễ tụi nó chiếm Mộ Đức hoặc Đức Phổ, Tam Quan là mình kẹt cứng... Lên Chu Lai cũng không được mà về Qui Nhơn cũng không được...
Hiểu ý bốn trung đội trưởng cho lính xục tìm. Gần năm giờ sáng Hoàng được Hân báo là đã tìm được chiếc xe đò. Tờ mờ sáng chiếc xe đò lặng lẻ rời Quảng Ngải. Tám giờ sáng xe chạy qua thị trấn Sông Vệ nằm bên cạnh bờ sông.
- Anh tính sao?
Chinh hỏi nhỏ Hoàng trong lúc xe chạy trên đường số 1. Đốt điếu thuốc Bastos quân tiếp vụ Hoàng trầm ngâm.
- Mười giờ mình tới Mộ Đức. Từ Mộ Đức vào tới Đức Phổ phải mất ba tiếng đồng hồ nếu không có gì trục trặc...
Quẹt diêm đốt điếu thuốc xong Hoàng  mời Chinh điếu thuốc bastos xanh. Bập bập mấy hơi Chinh liếc nhanh cấp chỉ huy. Khuôn mặt xạm nắng của người đại đội trưởng đầy ưu tư và lo nghĩ.
- Từ Đức Phổ vào tới Sa Huỳnh mới là đoạn đường gay go nhất. Tới Sa Huỳnh là mình có thể thở được rồi...
Chinh nhìn cấp chỉ huy dò hỏi. Nhả khói từ từ Hoàng cười nhẹ.
- Chinh nhớ lúc mình còn ở Sa Huỳnh không?
Chinh gật đầu im lặng. Quay sang nhìn Chinh Hoàng nghiêm giọng.
- Đại đội của mình khó vượt qua đèo Bình Đê lắm. Thế nào địch cũng đóng chốt...
Chinh hiểu. Biết tin lính quốc gia tháo chạy địch sẽ chiếm đèo Bình Đê để chặn đường rút lui. Dẫn đại đội chỉ có mấy chục người để vượt qua đèo là đâm đầu vào chỗ chết. Vả lại chuyện quan trọng nhất là đưa đại đội về Sài Gòn chứ không phải đánh nhau với địch. Anh không còn lý do gì để chết nơi cái đèo vô danh đó.
- Bởi vậy tôi mới tính ghé lại Sa Huỳnh nghỉ một đêm rồi nhờ dân làng lấy ghe đánh cá đưa mình về Qui Nhơn...
Ngừng lại liếc nhanh người đại đội phó tín cẩn của mình xong hít hơi thuốc lá Hoàng cười nói với giọng vui vẻ.
- Anh có quen với ông tiểu đoàn trưởng địa phương quân ở Sa Huỳnh...
- Phải ông đại úy Sang nhậu với anh hoài?
- Ừ... Ghé Sa Huỳnh mình sẽ nhờ ổng nói với dân làng lái ghe đưa mình về Qui Nhơn vừa nhanh, khỏe và ít nguy hiểm hơn...
Chinh gật gù.
- Anh tính cách đó hay nhất. Gì chứ tránh được chuyện vượt qua đèo Bình Đê và nhất là qua An Lão. Giờ này đoạn đường từ Tam Quan về tới Qui Nhơn tụi nó đóng chốt chờ mình...
Hoàng cùng lính thở phào nhẹ nhỏm khi xe chạy vào quận lỵ Đức Phổ. Thấy sinh hoạt của dân chúng vẫn bình thường Hoàng ra lệnh cho xe dừng lại nghỉ ngơi một lát xong tiếp tục lên đường. Đang chay ngon lành chiếc xe bỗng nhiên khựng khựng lại rồi tắt máy. Ảnh nhảy xuống đường mở nắp đậy máy xe coi nước và nhớt rồi ra đằng sau mở nắp bình xăng xong chửi thề.
- Mẹ... Hết xăng rồi...
Lính nhảy xuống xe. Hoàng nói với Chinh.
- Mình còn cách Sa Huỳnh không xa lắm.  Thôi ráng lội tới Sa Huỳnh ...
Hân thúc trung đội 1 đi trước dò đường. Trung đội 2 và 3 đi hai bên phải trái còn trung đội 4 đi sau.
- Ông thầy uống cà phê ông thầy...
Trung sĩ nhất Nhân đưa ly cà phê nóng mời cấp chỉ huy của mình. Từ khi thượng sĩ Minh chết Hoàng cho Nhân nắm chức thường vụ đại đội. Nhấp ngụm cà phê hút hơi thuốc Hoàng tặc lưỡi.
- Ở đâu mà ông có cà phê ngon vậy?
- Tụi này mua ở Quảng Ngải...
Cười cười Nhân tiếp.
- Tôi dẫn lính vào chợ kiếm đồ ăn. Ông thầy biết không dân tản cư đi hết trơn bỏ đồ ăn nhiều lắm. Tôi bảo lính lấy gạo, thịt hộp và cà phê...
Hoàng cười im lặng thầm cám ơn sự lo lắng chu đáo của người hạ sĩ quan nhiều kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chiến trường. Sáu giờ tối đại đội được lệnh dừng lại. Đường cái vắng tanh. Dân chúng tản cư gần hết chỉ còn lại mấy ngôi nhà xa xa thắp đèn le lói. Chinh bàn với Hoàng.
- Mình còn cách Sa Huỳnh chừng hai cây số. Cho lính ngủ tới sáng rồi mình đi về Sa Huỳnh...
Hoàng đồng ý vì anh cũng cảm thấy mệt và buồn ngủ. Ăn hết bịch gạo sấy, uống nước lạnh, đốt điếu thuốc anh tựa lưng vào gốc cây nhìn về hướng Sa Huỳnh. Một ngày nữa thôi là anh sẽ gặp lại người mình yêu. Liên tưởng tới ánh mắt ngạc nhiên và vui mừng của Sa Huỳnh anh cảm thấy lòng mình rộn rã. Tuy nhiên anh lại lo âu vì biết quãng đường còn lại sẽ vô cùng gian nan và hiểm nghèo. Làm thế nào để đưa Sa Huỳnh và mấy chục người lính về tới Sài Gòn một cách an toàn. Mệt nhọc khiến cho Hoàng chìm vào giấc ngủ dễ dàng.
- Đại úy... Đại úy...
Hoàng mở mắt vì tiếng gọi của Đăng.
- Quảng Trị muốn nói chuyện với đại úy...
Hoàng áp tai mình vào ống liên hợp.
- Quảng Trị đây Sa Huỳnh...
Giọng nói của Quốc, chỉ huy trung đội 2 vang lên như tắt nghẹn.
- Trình Sa Huỳnh... VC đông lắm... Nó đi đầy cả đường...
Nhíu mày Hoàng nói nhanh.
- Tôi sẽ gặp anh... nghe rõ trả lời...
- Tôi nghe Sa Huỳnh 5/5...
Chinh đã thức dậy và nghe được câu chuyện.
- Mình tới gặp Quảng Trị...
Hoàng nói với Chinh. Hai đại đội trưởng và đại đội phó bò lên chỗ trung đội 2. Nấp sau một mô đất Hoàng thấy bộ đội đi lềnh khênh trên đường. Bọn chúng vừa đi vừa nói chuyện, cười giỡn như không sợ bị phát giác. Nhìn theo hướng địch đi Hoàng thì thầm với Chinh.
- Nó không đánh mình... Nó đánh...
Chinh hấp tấp lên tiếng.
- Nó đánh Sa Huỳnh...
Quay sang Quốc Hoàng ra lệnh.
- Ông dẫn vài khinh binh bám theo tụi nó rồi báo cáo cho tôi biết...
Trở về bộ chỉ huy đại đội Hoàng ngồi dựa lưng vào gốc cây im lìm suy nghĩ. Nó không đánh mình có thể vì hai lý do. Lý do thứ nhất là nó không biết mình ở đây. Lý do thứ nhì có thể là nó biết dù không đánh mình cũng chạy. Chiếm đóng Sa Huỳnh còn quan trọng hơn là tấn công một toán lính biệt động đã tan rã đang tìm đường tháo chạy. Sa Huỳnh được trấn đóng bởi một tiểu đoàn địa phương quân. Muốn đánh địch phải huy động một lực lượng đông đảo kèm theo tăng và pháo. Thực tình anh không muốn đụng với địch. Tuy nhiên nếu để cho địch chiếm Sa Huỳnh là anh không còn đường về. Nghĩ tới chuyện kéo một đại đội vượt qua đèo Bình Đê, qua Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát để về Qui Nhơn anh lắc đầu. Chỉ có phép lạ anh mới làm được chuyện đó.
- Đại úy...
Đăng đưa ống liên hợp cho ông thầy.
- Sa Huỳnh nghe Quảng Trị...
- Trình Sa Huỳnh... Tụi nó kéo về hướng Sa Huỳnh... Đông lắm... Tôi đoán có cả hai ba đại đội...
- Tụi nó có tăng không?
- Trình Sa Huỳnh... Tôi không thấy tăng...
Hoàng nhẹ người khi được báo cáo không có tăng. Đại đội chỉ còn có một khẩu M72 thôi.
- Sa Huỳnh tôi nghe anh. Anh và con cái nằm im tại chỗ... Tôi sẽ gặp anh...
- Quảng Trị tôi nghe Sa Huỳnh...
Hoàng giơ tay lên xem đồng hồ. Một giờ sáng. Ra lệnh cho Chinh kéo đại đội tới gặp Quốc xong anh dặn lính nằm im chờ đợi. Anh hy vọng địch đánh đồn địa phương quân đêm nay. Chúng có thể làm điều này vì quân số đông hơn và  nghĩ có thể đè bẹp ngôi đồn bé nhỏ một cách mau chóng.
Bum... Bum... Bum... Tiền pháo hậu xung. Trước khi bộ binh tấn công địch dập bằng pháo trước. Nằm trên mặt đất ẩm hơi nước Hoàng mỉm cười khi thấy ánh lửa nháng lên nơi hướng đồn địa phương quân. Mười lăm phút sau tiếng kèn xung phong vang lên cùng với tiếng la vang lừng.
- Hàng sống chống chết...
Một ý nghĩ nãy ra trong trí của người sĩ quan biệt động. Hoàng bốc máy nói với bốn trung đội trưởng của mình. Im lặng và thận trọng lính áo rằn bò tới gần trận địa. Tiếng AK47, đại liên, thượng liên của địch nổ rền át tiếng súng M16 và M60 của lính trong đồn. Chỉ cần mười lăm phút địch đã vào tới hàng rào kẽm gai. Quan sát Hoàng biết tới lúc mình phải can thiệp.
- Biệt động quân xung phong...
- Biệt động quân sát...
M16, đại liên M60, lựu đạn nổ ầm ầm nhưng cũng không át được tiếng la vang lừng của lính biệt động. Đang tấn công dữ dội bộ đội cộng sản Bắc Việt hốt hoảng khi nghe tiếng la rầm trời rồi thấp thoáng bóng lính áo rằn xuất hiện. Biết mình bị lọt vào ổ phục kích bộ đội vội vàng tháo chạy vì chưa kịp đào hầm hố để cố thủ. Trên đường rút lui chúng càng thêm hoảng hốt khi nghe tiếng súng nổ vang trời cùng với tiếng la " Biệt động quân sát... Biệt động quân xung phong...".
Vầng thái dương đỏ ối từ từ lên trên mặt biển xanh. Hoàng bắt tay đại úy Sang, tiểu đoàn trưởng địa phương quân.
- Cám ơn anh... Anh tới thật đúng lúc...
Sang mời Hoàng điếu thuốc. Hít hơi dài Hoàng đùa.
- Tôi đã nói rồi... Khi nào tụi nó đánh là tôi sẽ trở lại gặp anh...
Nhìn lính áo rằn đang vui vẻ tán dóc với lính của mình Sang hỏi với giọng ngạc nhiên.
- Anh có bao nhiêu lính?
- Hơn bảy chục...
- Trời đất... Chỉ có bảy chục mà anh làm cách nào khiến cho một tiểu đoàn của tụi nó phải  chạy vắt giò lên cổ...
Hoàng cười cười hít hơi thuốc. Quốc vọt miệng nói.
- Tụi này đánh đòn hù. Đại úy của tôi bảo lính vừa bắn vừa la làng...
Sang cười ngất.
- Hèn chi nghe " Biệt động quân xung phong... Biệt động quân sát..." rền trời đất tôi tưởng mấy anh có cả tiểu đoàn đâu ngờ vài chục người...
Hoàng kéo Sang ra một góc. Không biết hai người nói gì mà nét mặt của vị tiểu đoàn trưởng địa phương quân đầy nét lo âu và suy nghĩ. Lát sau Sang chậm chạp lên tiếng.
- Tôi sinh ra và lớn lên ở đây cho nên tôi sẽ chết ở đây. Anh cần về Sài Gòn thời tôi sẽ kiếm ghe cho anh về Sài Gòn...
Ném tàn thuốc ra xa Hoàng nói nhanh.
- Sáng mai tôi phải đi... Chậm tụi nó trở lại là kẹt lắm...
Sang gật đầu.
- Tôi hiểu ý của anh...
Nói xong Sang bỏ đi. Khều Chinh ra xa xa  Hoàng thì thầm.
- Chinh bảo lính lột hết quân phục, lấy hết đồ đạc, súng ống và đạn được của địch bỏ lại. Lấy hết không bỏ một thứ nào...
Thấy Chinh trợn mắt vì ngạc nhiên Hoàng từ từ giải thích.
- Nếu muốn ngụy trang mình sẽ cần tới nó...
Dù vẫn còn thắc mắc nhưng Chinh im lặng thi hành lệnh của cấp chỉ huy. Ra lệnh cho lính bố trí xong Hoàng thong thả leo lên chùa. Anh thấy hồi hộp và vui mừng khi nghĩ tới phút giây trùng phùng với Sa Huỳnh. Anh thèm nghe hai tiếng " Ông Hoàng " thốt ra từ đôi môi xinh xinh của người ni cô. Anh nhớ tới khuôn mặt thuần hậu. Nụ cười hiền hòa. Ánh mắt long lanh. Bàn tay ân cần chăm sóc. Từng bước chân xôn xao. Từng bước chân gấp gáp. Mái lá rêu mốc hiện ra. Chiếc cổng xiêu vẹo. Cỏ dại nở hoa vàng. Cỏ đuôi chồn phất phơ. Không khí tịch mịch, quạnh hiu và vắng vẻ dường như không có người. Hoàng dừng bên cửa hông mở hờ. Không có tiếng ông Hoàng mừng rỡ. Không có bóng dáng mảnh mai của người ni cô.
- Sa Huỳnh...
Tiếng gọi lạc lõng, bơ vơ. Khói nhang lạnh lùng. Tượng Phật im lìm. Kinh Pháp Hoa mở nửa chừng. Gió lất lây lùa qua khung cửa sổ mở rộng. Ngôi chùa vắng không bóng người.
- Sa Huỳnh...
Tiếng gọi của người lính biệt động quân si tình vang nghẹn ngào. Sa Huỳnh không còn nữa. Nàng trôi dạt nơi đâu. Đứng bên giếng nước trong Hoàng nghe lòng mình bật khóc. Vài giọt nước rơi xuống lòng giếng âm u.
Sang lên tiếng hỏi khi thấy Hoàng.
- Nghe lính nói anh cần gặp tôi...?
Mời Sang điếu thuốc Hoàng gật đầu.
- Hồi nãy tôi có lên thăm chùa Sa Huỳnh nhưng không gặp sư cụ và người ni cô...
Vị tiểu đoàn trưởng địa phương quân cười nhẹ hít hơi thuốc.
- Tôi nghe nói anh có quen thân với sư cụ...
Hoàng gượng cười khi bắt gặp cái nhìn dò xét của Sang.
- Tôi có quen...
Sang vỗ vai bạn.
- Chừng tháng trước đây sư cụ bị bịnh nặng nên tôi phải đưa người ra Qui Nhơn điều trị... Nếu muốn gặp người anh phải đi Qui Nhơn...
Mờ mờ sáng. Tiếng máy ghe nổ xình xịch. Hai chiếc ghe đánh cá chở đầy lính từ từ tách bến. Đứng nơi mũi ghe Hoàng ngậm ngùi nhìn ngắm nơi chốn mà anh biết mình sẽ không bao giờ trở lại. Ngôi làng nhỏ bé đó đã để lại trong lòng anh những kỷ niệm êm đềm. Ứa nước mắt khi mái lá rêu mốc của ngôi chùa thân yêu mờ dần Hoàng gọi nhỏ hai chữ Sa Huỳnh. Âm vang của hai tiếng đó bay mất theo cơn gió tan loãng vào khoảng không gian mịt mùng.         
Qui Nhơn. Dân trộn với lính. Lính pha với dân. Đủ mọi thành phần dân chúng. Đủ mọi sắc lính lạc đơn vị, mất cấp chỉ huy, lang thang và lạc lỏng. Tất cả bằng mọi phương tiện kiếm cách rời khỏi thành phố sắp sửa lọt vào tay  cộng sản. Dặn dò Chinh coi đại đội, dẫn Đăng và ba người lính, xách khẩu M16 phòng thân Hoàng hỏi đường tới bệnh viện. Khi tới nơi anh thất vọng vì bệnh viện trống trơn. Suy nghĩ giây lát anh theo làn sóng người tản cư đi dần về hướng có căn cứ hải quân. Bãi biển chật người. Nắng cháy da. Người người ngồi, đứng, nằm và chờ đợi. Tiếng la hét, chửi thề, văng tục vang khắp nơi. Tất cả đều mang chung một hy vọng mỏng manh là tàu hải quân sẽ vào đón họ về Sài Gòn. Đó là phương tiện chuyên chở duy nhất mà những người lính với dân bị bỏ rơi may ra có được trong lúc hổn loạn này.
- Ông Hoàng...
Tiếng gọi thật nhỏ, tan trong gió, trong tiếng ồn ào nhưng Hoàng nghe được. Tâm tư anh chờ nghe tiếng gọi này từng sát na. Trong bộ nâu sòng nhầu nát, bẩn thỉu, khuôn mặt gầy gò, hai gò má xạm nắng, Sa Huỳnh đứng bơ vơ giữa trời trưa nắng gắt. Ánh mắt thăm thẳm nhìn Hoàng. Tia nhìn của người ni cô chiếu rọi một điều giá trị hơn ngọc ngà châu báu. Tôi yêu ông… Tôi chờ ông… Tôi đợi ông… Tôi tìm ông… Tôi mong ông… Tôi mừng vui khi gặp lại ông…        
- Sa Huỳnh...
Người ni cô mỉm cười. Hoàng cảm thấy bao nhiêu khổ sở, phiền muộn đằng đẵng cưu mang chợt tan biến vào nụ cười mênh mông tình cảm không thể diễn tả, không thể nói bằng ngôn từ trần thế.
- Sa Huỳnh mạnh không?
Không màng tới bốn người lính đang chăm chú nhìn, Hoàng nắm lấy bàn tay của người ni cô. Sa Huỳnh thì thầm bên tai người lính chiến.
- Không... Tôi bị bịnh nặng lắm...
- Bịnh gì vậy?
Hoàng lo lắng hỏi.
- Bịnh của tôi khó chữa lắm...
- Sa Huỳnh bị bịnh gì...?
Hoàng hỏi lần nữa với giọng thật lo âu. Hơi thở nóng của Sa Huỳnh phà vào tai anh cùng với tiếng thì thầm êm ái.      
- Tương tư...
Bật cười sung sướng Hoàng nhìn vào mắt Sa Huỳnh.
- Tôi cũng gần chết vì bịnh này...
Cúi nhìn xuống sư cụ đang nằm thiêm thiếp trên cát Sa Huỳnh nói nhỏ.
- Sư cụ yếu lắm. Tuần lễ nay không có thuốc thang hay ăn uống gì hết...
Khom người nâng sư cụ lên Hoàng nói nhanh.
- Sa Huỳnh đi với tôi về chỗ đóng quân rồi mình sẽ về Sài Gòn...
Ánh mắt của Sa Huỳnh chợt long lanh cùng với nụ cười tươi vui khi nghe Hoàng nói " mình sẽ về Sài Gòn ". 

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 716

Return to top