Đừng sợ, sợ hoảng là chết…!
Tôi nói lớn lên câu tự nhủ thầm ấy trong lúc đứng nhìn theo chiếc xe hơi đưa Trần Tiến Vinh và tên đàn em đi khuất ngoài cổng vila. Chỉ còn mình tôi ở đấy, căn phòng tự nhiên trở nên trống vắng lạ lùng.
Trần Tiến Vinh có vẻ tin câu chuyện gã nhân tình có ria mép của Hồng Loan do tôi bày đặt ra trong lúc bối rối, nhưng tôi không tin ở bề ngoài của con người nguy hiểm ấy. Vinh quá nguy hiểm với tôi cũng như với tất cả những ai dại dột đụng chạm xa gần làm thiệt hại nhiều hoặc ít tới các két bạc của công ty bảo hiểm mướn y làm nhân viên điều tra. Y có thể giả vờ tin để đánh lừa tôi. Y không có quyền bắt tôi. Y chỉ có thể trình bày bằng cớ với cảnh sát, tức là với Cò Huy hay Cò Xính, để yêu cầu bắt giam tôi. Biết đâu khi ra khỏi đây, y lại chẳng đi thẳng tới tổng nha cảnh sát để yêu cầu Cò Xính bắt tôi ngay lập tức.
Tôi biết tôi không có nhiều thì giờ. Nếu bọn Cò Huy nghi ngờ tôi, họ có thể trở lại đây bất cứ giờ nào để tìm kiếm khắp nhà. Để họ tìm được đôi bao tay và nhất là bộ quần áo có dính máu tôi còn cất trên phòng thì thật là hết đường chối cãi.
Tôi chạy vội vào bếp lấy cái khăn lau đêm qua tôi đã chùi máu của Văn trong tủ lạnh. Khăn hãy còn ướt nước vì đêm qua tôi đã giặt nó. Tôi mang khăn lên phòng tôi trên lầu. Tìm được cái sắc hàng không màu xanh trong phòng Hồng Loan, tôi bỏ bộ quần áo vấy máu đêm qua, cái khăn và đôi găng tay vào đó.
Vila còn Dậu, người cảnh sát đàn em của Cò Huy ở lại gác. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy hắn đi đi lại lại trên lối sỏi trong vườn. Nếu tôi xách vali đi ra bằng lối cửa chính hắn trông thấy ngay. Nhưng việc đem vali đựng tang vật ra khỏi vila không phải là việc khó khăn gì lắm. Vila có lối thoát khác. Đằng sau vila chỉ là một đoạn tường thấp. Trèo qua bức tường đó, tôi chỉ còn phải bước nhanh qua bãi cỏ là ra tới con đường vắng sau vila.
Xách cái túi hàng không, tôi bước nhanh ra vườn sau. Rất may, Thuý còn nằm trong giường nên nàng không thể nhìn thấy tôi len lén ra khỏi vi la. Con đường nhỏ đằng sau vi la vắng tanh. Tôi trèo ra khỏi tường không bị ai nhìn thấy.
Đi chừng hai trăm thước, tôi rẽ sang con phố bên cạnh. Gặp tắc xi tôi vẫy lại bảo chở tôi đến bến xe lộ đi các tỉnh miền đông. Tới đây, tôi vào quán gọi li café, uống qua rồi trả tiền đi luôn. Tôi bỏ cái túi hàng không lại dưới gầm bàn. Không ai gọi tôi lại để chỉ cho tôi biết cái túi. Bỏ nó lại đó, tôi biết chỉ năm phút sau khi tôi rời khỏi quán là có người cầm giùm và mang nó đi tận chân trời góc bể.
Từ bến xe lô, tôi đi tới một hàng ăn lớn. Tại đây, tôi gọi nhờ điện thoại về văn phòng của Phi Đen. Tôi muốn nhờ Phi Đen giúp đỡ để nếu cần, tôi trốn đi.
Người con gái làm nữ thư kí không công cho Phi Đen, người thỉnh thoảng còn bị ông chủ lưu manh lợi dụng thoả mãn sinh lí vặt và mồi chài bọn khách ba Tàu, trả lời địên thoại tôi:
- Quang đây, cưng. Phi Đen có đấy không?
Tôi có thời làm công cho Phi Đen cùng với nàng nên nàng biết tôi, nàng run giọng hỏi lại:
- Anh Quang đó à?
- Phải, Quang đây. Phi Đen có đấy không? Cho tôi nói chuyện với hắn mau đi.
- Ông Phi đi tới cảnh sát rồi…
Tôi choáng người:
- Cảnh sát? Nó tới cảnh sát làm gì?
- Ổng bị cảnh sát tới mòi đi. Vì chuyện gì liên quan đến anh đó. Ổng không nói gì với tôi cả nhưng khi cảnh sát tới, tôi nghe lén thấy họ hỏi ông Phi có quen biết gì anh và bà Hồng Loan không…
Mồ hôi toát ra làm tôi lạnh người:
- Cảnh sát hỏi chuyện gì về tôi? Cưng có nghe họ hỏi Phi Đen về tôi không?
- Tôi không nghe được rõ lắm, chỉ loáng thoáng… Họ hỏi ông Phi là có phải anh… và bà Hồng Loan…… có tình ý gì với nhau không? Hai người có âm mưu đưa nhau đi đâu không? Hai người, nghĩa là anh và bà Hồng Loan, có định đi đâu xa không? Hai người có hay đi chơi với nhau không?
- Phi Đen trả lời ra sao?
- Ông Phi nói rằng ổng chỉ biết anh chớ không biết gì về bà Hồng Loan. Cảnh sát họ doạ ông Phi gì đó… rồi sau cùng họ mời ổng về sở cảnh sát để khai về anh…
- Hắn đi lâu chưa?
- Mới đi chừng nửa tiếng. Tôi lo quá đi… Anh Quang, có chuyện gì vậy anh? Anh ở đâu gọi tới vậy?
Chị thư kí này lắm chuyện quá. Việc tôi gọi địên thoại tới đây thể nào cũng bị cô ả báo ngay cho cảnh sát biết. Tôi doạ:
- Tôi chẳng làm gì hết. Đấy chỉ là một sự hiểu lầm. Phi Đen không liên quan gì đến việc này. Cô phải giữ kín việc tôi gọi địên thoạ tới đây hôm nay. Nếu cô nói cho cảnh sát biết, Phi Đen càng thêm liên luỵ và… tôi sẽ buồn cô lắm…
Cô ả hỏi với:
- Bà Hồng Loan nào đó chết rồi, phải không anh? Tôi đọc báo thấy có đăng vụ đó… có cả tên anh nữa…
- Ờ… bà Hồng Loan chết rồi, cả ông chồng của bà ta cũng chết nữa. Cô không muốn đi theo họ thì giữ mồm, giữ miệng, nghe không?
Tôi cúp địên thoại sau câu đe doạ cuối cùng đó.
Cảnh sát đã tìm tới Phi Đen nhanh hơn tôi tưởng. Như vậy họ đã nghe tôi là tình nhân của Hồng Loan. Tôi dư biết tật Phi Đen. Hắn chỉ bạo mồm nói phét nhưng khi có cảnh sát hỏi tới, hắn sợ rúm đít lại. Biết gì về tôi và Hồng Loan, chắc chắn hắn khai ra bằng hết. Qua lời khai của Phi Đen và đời từ của Hồng Loan. Hỏi dò để làm gì? Nếu không phải là để tống tiền? Cò Huy sẽ có lí do buộc tội tôi tống tiền và giết Hồng Loan.
Nguy quá mất thôi. Màng lưới thâu hẹp dần lại và dồn tôi vào giữa. Tuy đã biết là sợ hãi, hoảng loạn lúc này là chết, tôi cũng không sao bình tĩnh được. Ra khỏi hàng ăn, tôi đi lang thang trên đường như thằng mất hồn, đi mà không biết mình đi đâu, mình đang làm gì…?
Chợt tôi nhớ đến Thuý
Tôi cần nói cho nàng biết là tôi bị cảnh sát nghi ngờ tội giết bà Văn và tôi cần trốn đi nếu nàng chịu giúp tôi trốn đi, tôi có thể đi thoát. Nàng sẽ khai với cảnh sát một vài chuyện gì đó để đánh lạc hướng truy nã tôi. Nghĩ ra được chuyện ấy, tôi vào ngay một hàng ăn khác, gọi điện thoại về vi la.
Chuông reo, một giọng đàn ông khàn khàn trả lời tôi:
- Ai gọi Thuý đó? Làm ơn cho biết quí danh?
Tôi nhận ra đó là tiếng nói của Dậu, viên cảnh sát có nhiệm vụ gác cổng vi la. Làm sao tôi có thể nói chuyện bằng điện thoại với Thuý mà không bị viên cảnh sát đó nghe từ đầu đến cuối? Tôi thật ngu đần tận mạng.
Không nói thêm nửa tiếng, tôi đặt ống nói xuống máy và bước vội ra đường.
Tôi đã thua rồi. Thua và đang bị săn đuổi. Chỉ còn chút xíu nữa tôi đã bỏ cuộc ngay lúc đó. Tôi đã mệt mỏi quá rồi, mệt và hết hi vọng, hết can đảm. Nếu tôi còn một chút can đảm nhỏ xíu, tôi đã đi thẳng tới gặp Cò Huy để thú nhận tất cả, để kể hết những chuyện gì xảy ra, những gì tôi đã làm, để rồi được nghỉ ngơi, dù là nằm nghỉ trong nhà tù. Nghỉ ngơi trong nhà tù với tôi lúc này cũng là một nỗi sung sướng. Nhưng như tôi vừa nói, tôi đã hết can đảm, dù là can đảm tự thú để buông hai tay chịu thua.
Bây giờ tôi lại nghĩ rằng tôi có thể trốn đi. Trốn được ngày nào hay ngày đó. Vì nếu tôi bị bắt, người ta sẽ gán cho tôi cả hai cái chết của vợ chồng Vũ Minh Văn, tôi sẽ bị xử tử chứ không phải bị tù hai mươi năm…
Tôi đi trở lại bến xe lô. Tôi quyết định ra Vũng Tàu. Ở đó tôi có vài tên bạn quen đang làm trong một công trường của Hoa Kì, chúng có thể giúp tôi đi sang Nam Vang.
Tôi vừa cầm lấy vé xe thì một bàn tay thô bạo nắm lấy tay tôi. Không cần nhìn mặt hắn tôi cũng biết hắn là một nhân viên truy tầm của cảnh sát, loại nhân viên mà thời Pháp – và cho tới bây giờ nữa - người ta vẫn quen gọi là ‘rờ sẹt”.
- Phải anh là Quang không, cho coi giấy tờ…?
Tôi đứng ngây ra như người chết đứng.
Một gã đàn ông nữa bước tới. Tôi nhận thấy gã thứ hai này có vẻ quen quen, dường như gã có tới vi la nhưng vì đông cảnh sát quá nên tôi không chú ý đặc biệt tới gã. Gã cười, nhe ra hàm răng vàng:
- Thôi, còn phải hỏi giấy tờ gì nữa cho mất công? Bọn này chờ bồ ở đây khá lâu rồi… Ông Cò Huy đang chờ bồ… Thôi, đi về cho sớm…
Căn phòng hẹp, tường vôi màu vàng bẩn lâu ngày đã loang lổ. Phòng kín mít không có cửa sổ nên sặc sụa mùi hơi người, mùi khói thuốc lá và chen lẫn cả mùi nước tiểu, đồ đạc trong phòng chỉ có cái bàn ghế nhỏ và hai cái ghế gỗ. Cái ghế sau bàn để cho thẩm viên ngồi có lưng dựa. Kẻ bị thẩm vấn ngồi ghế dựa.
Một viên cảnh sát ngồi trên cái ghế đẩu khác bên cửa ra vào, lưng y dựa vào tường. Y lơ đãng nhìn những con ruồi đuổi nhau trên trần phòng dơ đen. Tôi ngồi trước bàn chờ đợi. Họ đã tháo còng cho tôi khi họ đưa tôi vào đây.
Tôi quyết định nói sự thật. Nghĩa là tôi sẽ nói hết cho họ hay âm mưu của tôi và Hồng Loan, tôi nhận tôi đã làm chết Hồng Loan nhưng đó chỉ vì tai nạn. Tôi không có ý địnhg giết nàng. Còn Vũ Minh Văn đúng là tự tử. Tôi và Hồng Loan không giết Vũ Minh Văn.
Tôi nói thật hết nhưng họ có tin tôi hay không đó lại là chuyện khác.
Tôi ngồi chờ đó khoảng nửa tiếng thì hai người đàn ông bận thường phục bước vào. Một người bưng theo cái máy đánh chữ đã cũ. Họ bắt đầu hỏi cung tôi. Tôi khai… Tiếng máy chữ đập rào rào bên tai làm tôi thấy buồn ngủ kinh khủng. Hai mắt tôi cứ ríp lại. Người phòng vấn biết tôi buồn ngủ nên bảo người cảnh sát gác cửa đi lấy cho tôi li café đen..
Tôi khai xong, hai người đó ra khỏi phòng, cái máy chữ cũng được đem đi. Tôi lại ngồi chờ và người cảnh sát gác cửa lại lơ đãng nhìn mấy con thạch sùng đuổi nhau trên trần phòng loang lổ vôi.
Lại một nửa tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Một người nữa tới bảo tôi:
- Đi…
Tôi đứng dậy đi theo y qua một căn phòng khác. Căn phòng này rộng hơn và bày biện khác hơn căn phòng tôi vừa bị thẩm vấn và cung khai. Lê Huy và Đặng Xính chờ tôi ở đấy cùng với Trần Tiến Vinh.
Cò Xính có vẻ thương hại tôi. Khi tôi vào phòng, chỉ có mình lão là đứng dậy. Hai người kia vẫn ngồi điềm nhiên. Cò Xính chỉ cho cái ghế:
- Ngồi đây, anh Quang…
Yên lặng rơi xuống, nặng và khó thở. Tuy là nghề nghiệp của họ và họ đã quen nhìn, quen nói chuyện với những tên tử tội, ba người này cũng dường như cảm thấy khó chịu vì tôi. Họ như nhường nhau nói chuỵên với tôi. Sau cùng, Cò Huy xếp lại tập giấy đánh máy trên bàn. Tôi biết đó là bản tự cung của tôi. Y hắng giọng hai ba lần mới nói:
- Chúng tôi đã đọc lời khai của anh…
Trần Tiến Vinh tiếp lời:
- Thật ra chúng tôi không cần lời khai của anh mới có bằng cớ để kết tội anh. Chúng tôi đã có đủ bằng cớ để kết anh vào tội tử hình… hai lần. Nhưng vì anh chỉ có một đời sống, xử tử anh một lần là đã đủ.
Y ngừng lại châm một điếu thuốc:
- Anh Quang – y nói nhưng không nhìn vào mắt tôi – Chúng tôi cũng phải công nhận là… anh là người giàu sáng kiến. Anh đã nghĩ ra một kế hoạch giết người lấy tiền bồi thường bảo hiểm gần như hoàn hảo. Nghĩ ra một kế hoạch như vậy, thật anh đã hao tổn nhiều tâm trí. Thú thật với anh là trước khi nói chuyện riêng với cô Thuý, chúng tôi vẫn hoàn toàn chưa biết được anh giấu xác ông Vũ Minh Văn ở đâu. Nhưng khi cô Thuý nói chuyện cái tủ lạnh và việc anh cố ý cho hơi điện chạy vào tủ dù răng trong tủ không đựng gì hết, ánh sáng chợt đến với chúng tôi. Đến lúc đó, chúng tôi mới hiểu, đem xác ông Văn dấu vào tủ lạnh, anh đã có một sáng kiến tuyệt vời. Những sáng kiến tuyệt diệu chính là những gì không ai ngờ nhất. Song, việc giữ xác chết lâu như thế có nhược điểm là xác chết có ít máu chảy quá. Hai là không có dấu tay. Hai sự kiện đó cho chúng tôi biết là có sự dàn xếp quanh xác chết của ông Văn nhưng không ai trong chúng tôi lại nghĩ ra rằng anh lại giấu xác của ông Văn trong tủ lạnh. Trong bao ngày cảnh sát ra công đi tìm ông Văn thì ông ta vẫn nằm chình ình ngay trước mũi họ.
Tôi run giọng:
- Tôi không giết ông Văn. Ông ấy tự tử. Đó là sự thật. Các ông không thể chứng minh là tôi đã giết ông Văn. Ông ấy có để lại bức thư tuyệt mệnh. Không phải bức thư đánh máy mà các ông đã tìm thấy. Thư này do ông Văn viết bằng tay gửi cho luật sư Thanh. Tôi hãy còn giữ bức thư…
Với giọng nói rất thản nhiên. Dường như là còn hiền từ và thương hại nữa. Vinh ngắt lời tôi:
- Không, anh đã giết ông Văn. Để tôi nói thay anh tại sao anh lại giết ông Văn và anh đã giết Văn bằng cách nào…
…
- Ông Văn đã cho anh một chân thư kí riêng, lại cho anh ở ngay trong nhà. Rồi anh và bà Văn, tức cô Hồng Loan, hai người yêu nhau. Nàng biết ông chồng có bảo hiểm nhân mạng với hợp đồng lên tới số bạc triệu, dưới 15 triệu đồng trả cho ông Vũ Minh Văn khi ông ta chết. Nàng muốn chiếm hữu số bạc lớn đó. Nàng múôn “bổn cũ soạn lại” tấn kịch nàng đã làm với người chồng trước của nàng.
Nhưng anh khôn ngoan hơn nàng. Anh biết, nếu ông Văn bị ám sát, người ta sẽ nghi ngay cho anh và nàng giết. Anh lại biết rằng ông Văn đã tự ý ghi thêm vào hợp đồng bảo hiểm điều khoản công ty bảo hiểm không phải trả tiền bồi thường trong trường hợp ông ta tự tử. Anh còn biết rằng ông Văn đã đóng cho công ty bảo hiểm số tiền là 1 triệu 700 ngàn đồng, và khi công ty bảo hiểm không trả tiền bồi thường gấp bội một thân chủ, công ty có lệ trả đủ số tiền thân chủ đó đã đóng cho công ty. Anh biết rằng, việc lấy 15 triệu thì khó nhưng việc lấy 1 triệu rưỡi thì dễ. Và anh dụng tâm lấy số tiền 1 triệu 700 ngàn đồng đó cùng sang đoạt hết tài sản ông Văn để lại. Anh và Hồng Loan toa rập giết ông Văn. Nhưng rồi anh lại nghĩ rằng, tại sao anh lại phải chia đôi số tiền đó với Hồng Loan? Anh đã điều tra về cuộc đời cũ của nàng – anh đã nhờ một người bạn anh tên là Phi, thường gọi là Phi Đen cung cấp cho anh tài liệu về đời tư của Hồng Loan - nhờ đó anh biết Hồng Loan đã một lần dính líu vào án mạng. Dù rằng ông Văn chán đời nhưng ông ta vẫn còn yêu mê Hồng Loan. Anh đã dùng chuyện riêng của Hồng Loan để tống tiền ông Văn. Anh doạ ông ta, nếu không đưa tiền cho anh, anh sẽ tố cáo Hồng Loan giết chồng cũ. Vì vậy ông Văn đã phải kí cho anh một ngân phiếu 40 ngàn đồng. Trương mục của ông Văn lúc đó chỉ còn hơn 40 ngàn đồng và trả cho anh số tiền đó, tức là ông ta đã huỷ luôn trương mục đó. Chúng tôi có thể đưa ra bằng cớ. Hiện chúng tôi có trong tay tấm ngân phiếu.
Tôi đứng bật dậy:
- Không có chuyện tống tiền – tôi hét lớn – Ông Văn tự ý kí cho tôi ngân phiếu ấy. Ông ấy trả lương trước cho tôi bốn tháng….
Vinh nhún vai:
- Anh tưởng có người tin anh sao? Ông Văn hết tiền, nếu không bị bắt buộc, đời nào ông ta lại chi tiền cho anh quá lố đến thế? Nhưng không sao, anh muốn nói gì thì nói. Quan toà sẽ tin anh hay không, đó là chuỵên sau này. Tôi chỉ kể lại những gì đã xảy ra để anh thấy rằng chúng tôi biết hết, vậy thôi. Những tên tống tiền thường tham lam, không bao giờ chúng chịu hài lòng với số bạc 40 ngàn đồng ông Văn phải nộp cho anh. Anh đòi thêm nữa. Anh bắt thêm nữa. Anh bắt ông Văn phải viết chúc thư để lại cho anh tất cả gia sản. Chúng tôi đã tìm được chúc thư ấy. Chỉ một chứng cớ đó đã đủ kết tội anh rồi…
Và… anh, với sự trợ lực của Hồng Loan đã giết ông Văn. Anh bỏ xác ông ta vào tủ lạnh. Nếu thực sự ông Văn tự tử, tại sao anh lại đem xác ông ta giấu đi mà không chịu báo cho cảnh sát tới ngay…? Tôi sẽ nói tại sao… Anh để cho Hồng Loan hiểu rằng anh nắm số bạc hơn 15 triệu đồng, chỉ cần bây giờ bày ra một vụ bắt cóc để đổ cho bọn bắt cóc giết chết ông Văn là nàng có thể hi vọng lãnh được trọn số bạc bồi thường lớn đó. Hồng Loan tưởng thật nên làm theo kế hoạch của anh. Nàng nói dối cô Thuý là ông Văn bị đau nằm liệt giường. nàng cần có cô Thuý làm chứng trông thấy nàng đưa ông chồng ra khỏi nhà để vào xe đi Đà Lạt. Khỏi cần nói, người đóng giả ông Văn tối đó chính là anh…
Anh đưa Hồng Loan tới căn nhà bỏ hoang ở bìa rừng và giết chết nàng, bỏ xác nàng tại đó. Anh dàn cảnh sao để đổ ông Văn tội đã giết Hồng Loan. Mưu mẹo của anh thật tài tình và hiểm độc. Nó tài tình ở chỗ hợp lí; khi đã giết chết vợ, ông Văn trở về nhà và quá thất vọng, ông ta tự tử ở nhà ông ta. Nhưng khi chúng tôi mở cuộc điều tra, chúng tôi vẫn thấy có nhiều khả nghi. Sự kiện lớn nhất là người của tôi rình suốt đêm ngoài vườn vi la không trông thấy ông Văn lỉnh vào nhà. Sự kiện thứ hai là xác chết có quá ít máu chảy ra từ vết thương. Thường thì khi người ta tự bắn vào đầu và gục ngay xuống đó, máu chảy ra không lênh láng thì cũng phải có một vũng lớn. Ít nhất cũng phải có một lít máu tươi chảy ra từ vết thương. Nhưng xác ông Văn chỉ có một chút xíu máu. Cuộc điều tra thu hẹp lại và tất cả chỉ thấy có mình anh vùng vẫy ở giữa lưới.
Sau cùng, anh làm cái việc cuối cùng mà anh có thể làm được: trốn đi. Và chúng tôi đã bắt được anh…
Tôi kêu lên:
- Tôi không giết ông Văn, tôi không giết Hồng Loan… Hồng Loan chết vì tai nạn… Tôi không chủ tâm giết nàng… Còn ông Văn thì tự tử…
Trần Tiến Vinh lắc đầu:
- Ở địa vị anh, tôi sẽ không gào thét loạn như thế. Anh gào thét là vô ich. Việc của anh bây giờ là tìm một trạng sư thật giỏi, tận tâm với anh để hi vọng thoát chết. Anh có luật sư nào chưa? Nếu chưa, tôi có thể giới thiệu cho anh một ông…
- Tôi không tin được người do ông giới thiệu
- Đừng thù hằn vô lí. Tôi không thù hằn gì hay có ác cảm với anh. Trái lại, tôi còn có cảm tình với anh nữa. Tôi thấy anh thông minh, tháo vát và khôn khéo. Song, cũng như nhiều người ở tuổi anh. Anh muốn có nhiều tiền mà không phải làm việc mệt nhọc và không phải khổ công lâu ngày. Anh đi đường tắt tới két bạc. Xã hội và luật pháp không cho phép anh làm như thế. Tôi chỉ là người hết sức bảo vệ quyền lợi của công ty bảo hiểm nuôi sống tôi. Bây giờ công việc của tôi đã xong rồi. Tôi muốn giúp anh. Dù anh đã giết hai mạng người tôi cũng không đành tâm thấy anh phải chết… Anh nên nhận lời tôi… Người bạn luật sư mà tôi giới thiệu có thể giúp anh…
Hắn nói có lí, tôi gật đầu:
- Cám ơn… tôi bằng lòng…
- Vậy là xong rồi, tối sẽ bảo bạn tôi tới gặp anh ngay. Nhưng anh cũng đừng hi vọng có phép lạ. Bạn tôi là người có tài nhưng ông ấy không thể nào cứu giúp anh ra khỏi tù đâu. Nhiều lắm là ông ta có thể giúp anh thoát khỏi án tử hình. Không ai có thể cứu anh thoát được tội…
Y vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi rồi đi ra. Rồi họ đưa tôi vào nhà tù. Khi cánh cửa đen sì đóng lại sau lưng tôi, tôi hiểu rằng định mệnh đã an bài. Cuộc đời tôi từ đây bắt đầu hết.
Hết