Thịnh ơi! Có Hiền đến này.
Tiếng anh Thái. Thịnh rửa vội đôi tay đầy bọt xà phòng rồi chạy lên. Hiền mang một bao xoài thật lớn. Thịnh kêu:
- Mày lại mang gì cho tao rồi?
Hiền cười nhẹ:
- Xoài của bà dì mang dưới tỉnh lên. Bà cho nhiều quá, tao mang chia bớt cho mày.
Thịnh nghĩ đến tâm hồn bạn… thấy anh Thái vẫn còn đứng đó, Thịnh cầm một quả xoài lên:
- Hiền nó cho em… nhưng chắc nó cũng biếu cả anh nữa đấy.
Hiền đỏ mặt, Thịnh nhìn rõ nét e lệ của bạn:
- Sợ anh Thái chê của chua là của con gái.
Anh Thái dễ dãi:
- Anh hả? Ai cho gì ăn đó.
Khuôn mặt Hiền mang một niềm vui mới. Thịnh kéo Hiền ra nhà sau:
- Tao đang giặt đồ, ra chơi.
Hiền để giỏ xoài lên bàn rồi theo bạn. Thịnh vừa vò vò chiếc áo anh Thái vừa than:
- Anh Thái mặc đồ dơ nhất nhà mày ơi, mồ hôi của anh bắt bụi quá hà. Tao giặt đồ anh đau cả tay.
- Sao mày không đánh bàn chải.
Thịnh lắc đầu:
- Đánh bàn chảy nó sờn vải, mau rách thấy mồ.
Thịnh ngậm ngùi cho câu nói của mình, Ừ, rách thì đào đâu ra tiền mà may, bây giờ phải tiết kiệm tối đa, đâu phải như trước nữa… ngày trước… đã qua mất rồi. Đời sống bắt mình làm quen dần dần với những tập quán mới. Chỉ có chị Thanh hầu như là người duy nhất, còn luyến tiếc ngày cũ… chị vẫn hận không sống được như trước… Chị không muốn thích ứng với hoàn cảnh, một hoàn cảnh bất đắc dĩ…
Dạo này, Nghiêm đến chơi thường lắm. Thịnh đã tập cho mình một thói quen bình tĩnh, không xao động mỗi khi nghe tiếng xe Nghiêm ngừng trước hiên nhà.
Chỉ có chị Thanh, hình như càng ngày chị càng bất mãn với anh Nghiêm. Có lẽ sự chờ đợi lâu ngày của chị làm chị khó chịu. Thịnh đã thấy chị Thanh nói với anh Nghiêm về những người bạn trai giàu có, sang trọng của chị, rằng họ tán tỉnh chị, theo đuổi chị… nhưng hầu như Nghiêm vẫn không tỏ một thái độ gì.
Thịnh không thể hiểu được Nghiêm. Nghiêm muốn gì, nghĩ gì về gia đình này! Nhưng Nghiêm kín đáo quá, Nghiêm vẫn đến, thường là buổi tối trò chuyện với cả nhà hay đánh cờ với anh Thái… Thịnh không biết Nghiêm từ đâu, tìm Nghiêm nơi nào. Chỉ biết, nghe tiếng xe là có Nghiêm lại, là nhìn thấy Nghiêm, thế thôi. Nghiêm như một cơn gió thổi qua mà không cho biết xuất xứ…
Hiền đập tay vào vai bạn:
- Sao mày hay ngẩn ngơ như người mất hồn vậy?
Thịnh gượng cười:
- Đâu có.
Hiền chúm chím:
- Dạo này chắc mày tương tư ai quá hà.
Tao thấy mày kỳ thế nào ấy?
Thịnh chống chế:
- Tại tao yếu trong người.
Hiền lắc đầu:
- Yếu trong người thì cũng có mà,,,ngẩn ngơ thì cũng có. Bộ tao ngu sao.
Thịnh định nói “mày cũng như tao”, nhưng sợ bạn buồn nên thôi. Anh Thái chợt đi xuống. Anh kêu lên:
- Khách đến nhà mà Thịnh dắt luôn xuống bếp giặt đồ như thế này thì thật không khá được.
Thịnh cười:
- Khách này lại cứ đòi xuống bếp mới chịu. Tề gia mà anh.
Hiền có vẻ hơi luống cuống. Cứ có mặt anh Thái là Hiền mất tự nhiên, mất hẳn vẻ nghịch ngợm thường xuyên.
Thịnh đỡ cho bạn:
- Xoài ngọt không anh Thái?
Anh Thái gật đầu:
- Ngọt lắm Thịnh ạ. Cám ơn Hiền nghe. Lần sau nhớ… cho nhiều hơn chút xíu.
Ba anh em cùng cười. Hiền bỗng hỏi Thịnh khi anh Thái đã trở lên nhà:
- Chị Thanh đâu mày?
- Tao không rõ. Chỉ đi chơi đâu đó mà.
Hiền chắt lưỡi:
- Tao nói mày đừng buồn. Nhà mày gặp lúc túng hụt như thế này mà bà Thanh bả đi ra đường, diện quá trời quá đất.
Thịnh dịu giọng:
- Quần áo cũ của chỉ chứ lâu nay đâu có may.
Hiền gật đầu:
- Thì tao đồng ý, nhưng thử hỏi mày, tùy lúc mà ăn mặc chứ! Chị Thanh mày, đi ra đường như bà hoàng, coi không được. Đáng lẽ chỉ phải sao cho hợp với gia đình.
- Thôi kệ chỉ mày ơi!
- Tao nói cho mày nghe cho vui vậy thôi! Tại tao gặp chỉ đi chơi dài dài.
- Chỉ không có đi làm.
- Còn mày, công việc dồn đống cho mày như vậy đó hả. Thiệt tình tao không hiểu nỗi chị mày.
Thịnh cười một mình. Làm sao Hiền hiểu được chị Thanh. Ngay như Thịnh mà còn không hiểu nổi chị nữa là.
* * *
Chị Thanh gác một chân qua đùi Thịnh, tư thế nằm đó có lẽ giúp chị thoải mái hơn. Chị nói:
- Tao mới quen một tên khá lắm mày.
- Ai vậy chị?
- Tuấn, sinh viên Y khoa, được không?
Thịnh muốn bật cười vì lối nói của chị Thanh. Giọng chị mơ màng:
- Con nhà giàu, mà lại học giỏi… tuy hắn không đẹp trai lắm nhưng tao cũng thấy có cảm tình với hắn.
Thịnh hỏi:
- Chị không mời ảnh về nhà chơi.
Chị Thanh đắn đo:
- Tao cũng đang do dự đây. Tao muốn mời hắn về nhà chơi. Mà tao còn ngại… nhà mình nghèo quá mày thấy không? Tao thì lần nào đi chơi với hắn cũng diện áo quần sang hết trơn… tao ớn hắn nhìn thấy gia đình mình hắn dội luôn.
Thịnh bất mãn:
- Chị nói vậy lỡ ba nghe được ba lại buồn. Chị thấy, như anh Nghiêm đó, ảnh thấy gia đình mình nghèo rồi ảnh có thái độ gì đâu, trái lại ảnh còn quý hơn lúc trước.
Chị Thanh bĩu môi:
- Thôi mày, đừng nhắc đến thằng cha cù lần đó. Người gì đâu…
Chị bỏ lửng câu nói… im lặng, rồi chị Thanh tiếp:
- Thế nào tao cũng dẫn Tuấn về nhà một lần, gặp Nghiêm cho biết tay. Hắn cứ tưởng đâu ngon lắm, mặt kênh kênh.
Thịnh hơi tức, cô bé cãi:
- Chị nói vậy chứ em thấy anh Nghiêm ảnh có gì đâu. Ảnh đối với gia đình mình vẫn như xưa, nếu không muốn nói là thân thiện hơn.
Chị Thanh xoi mói nhìn Thịnh:
- Mày binh hắn hả? Hay mày cảm hắn rồi.
Thịnh đỏ mặt:
- Đâu có, chị đừng nói bậy. Em chỉ nêu những nhận xét khách quan của em thôi.
- Khách quan cái mốc xì! Mày binh chằm chặp còn nói. Ờ mà tao thấy hắn cũng có vẻ cảm tình với mày đấy…
Nụ cười mỉa mai trên môi chị Thanh làm Thịnh muốn bật khóc nhưng cô bé dằn lại được. Phải rồi, mình xấu xí, mình không đáng cho một ai cảm tình hết cho nên chị Thanh mới mỉa mai mình!
Chị Thanh vẫn không tha:
- Tên đó cũng được, phải cái tội nghèo, vô gia cư nghề nghiệp. Mày với hắn coi bộ được.
Trong giọng nói chị Thanh có chút gì là lạ. Thịnh nức nở không dằn được:
- Chị đừng chế giễu em. Em không biết gì hết.
Chị Thanh bĩu môi quay đi.
- Thôi nín đi bà nội. Nói đùa vậy thôi chứ hạng tên đó tao búng tay một cái là văng. Tuấn hơn hắn gấp ngàn lần.
Chị Thanh tìm đôi dép đứng lên ra sau bếp. Lát sau, Thịnh nghe tiếng chị dội nước ào ào. Thịnh cũng ngủ không được, đầu óc nặng lầng quầng những câu nói của chị Thịnh. Tại sao chị Thanh nhạo báng Thịnh? Hay… Nghiêm thật sự có cảm tình với Thịnh? Không, Thịnh không nên nghĩ như thế. Chị Thanh chỉ bông đùa với Thịnh cho vui thôi. Chị đâu có nghĩ gì, bởi vì tất cả vẫn đâu có gì cho chị nghĩ. Nghiêm có lẽ chỉ coi Thịnh như một đứa em. Một đứa em đáng thương, thế thôi.
Thịnh rời phòng, định ra học bài để quên đi những dằn vặt nhức đầu. Anh Thái đang ngồi trước chồng sách vở của Thịnh. Thấy Thịnh, anh định đứng lên nhường chỗ nhưng rồi lại thôi. Thịnh thấy tay anh cầm một mảnh giấy trắng. Anh Thái vừa nhìn vào tờ giấy vừa hỏi Thịnh:
- Bài thơ dễ thương quá, Thịnh làm phải không?
Thịnh nhìn mảnh giấy mình đã chép bài thơ lắc đầu:
- Dạ không, em chép trên báo đó.
Anh Thái cười cười:
- Không ngờ Thịnh cũng mơ mộng ghê.
Thịnh hơi ngượng:
- Đâu có anh Thái. Tại tụi bạn đứa nào cũng khen bài thơ hay và thích chép nên em cũng chép theo.
Anh Thái nheo mắt:
- Thơ văn hay, mình thấy hai là vì nó hợp với tâm trạng mình. Thế Thịnh thấy bài thơ này có điểm nào tương đồng với tình cảm Thịnh không?
Thịnh bỗng thấy bạo dạn hẳn lên trong câu chuyện với anh Thái. Từ lâu nay, Thịnh ít trò chuyện với anh. Thịnh buồn giọng:
- Em không may mắn như tác giả bài thơ, dù ngay trong bài thơ cũng đã tỏ lộ nỗi bất hạnh. Điều đó có nghĩa là em bất hạnh gấp đôi.
Anh Thái hơi nhíu mày, giọng anh dịu dàng:
- Sao Thịnh không bao giờ nói gì với anh?
Thịnh lắc đầu:
- Em quan niệm một khi mình chịu đựng được nỗi khổ của mình một cách âm thầm thì viêc tậm sự với người khác là điều vô ích. Em sẽ chỉ tâm sự khi nào em bất lực không kềm chế được nỗi buồn.
Anh Thái hạ giọng:
- Thịnh cam đảm lắm. Nhưng Thịnh quên rằng một nỗi buồn được giải tỏa bao giờ cũng đỡ làm mình khổ tâm hơn một nỗi buồn bị cô đọng.
Thịnh cúi mặt:
- Với em, chưa hẳn như vậy. Em sợ.
Anh Thái nhìn thẳng vào mắt Thịnh:
- Thịnh này, Thịnh có tin rằng thỉnh thoảng anh hiểu Thịnh không?
- Em chả có gì khó hiểu cả. Đời sống em phơi bày.
- Anh muốn nói ở một khía cạnh khác hơn đời sống phơi bày Thịnh nhắc nhở.
Thịnh vịn tay vào mép bàn. Nãy giờ cô bé vẫn đứng yên. Tại sao hôm nay anh Thái lại nói như vậy? Hay anh Thái đã nhìn thấy từ những cử chỉ cố gắng tìm quên của mình một cái gì tố cáo tất cả tâm trạng? Như thế có phải mình có tội với gia đình không? Có tội ngay với bản thân mình nữa? Thịnh chịu không trả lời được cho mình những câu hỏi xoáy lốc. Anh Thái:
- Anh không muốn làm Thịnh buồn, anh cũng không muốn tò mò, đi sâu vào đời tư của Thịnh. Mỗi người có một đời sống riêng. Thịnh có quyền suy tưởng và mơ mộng theo chiều hướng của Thịnh. Anh chỉ muốn nhắc nhở với Thịnh, anh có thể là một người bạn để Thịnh nói những điều mà Thịnh thấy không thể nói với ai khác.
Thịnh ngước nhìn anh. Ánh mắt hai anh em gặp nhau, thẳng thắn, tin tưởng. Thịnh bỗng nói:
- Em cảm ơn anh. Có lẽ anh đã hiểu em.
Anh Thái mỉm cười:
- Thôi anh vào, Thịnh học bài đi.
Anh Thái đi rồi, Thịnh ngồi vào bàn học nhưng đầu óc Thịnh không đậu được trên sách vở. Anh Thái biết gì và nghĩ gì mà nói với Thịnh những câu như vậy? Hay là Nghiêm đã nói gì với anh Thái? Hay là… anh Thái tự tìm biết. Thịnh chịu. Nhưng ít ra, như vậy, Thịnh cũng thấy dễ chịu phần nào.