Chiếc Cột Đèn
Linh Bảo
Đêm đã khuya lắm rồi mà cô bé vẫn chưa chịu ra về. Cô đi thơ thẩn dưới chiếc cột đèn, chốc chốc xem đồng hồ. Đi mỏi, cô ngồi dưới chân cột. Mỗi khi có người qua lại, cô cầm chiếc nón bài thơ che lên mặt.
Gió từ bờ sông Hương thổi lên mát rời rợi, nhưng lòng cô bé thì xốn xang nóng nảy vô cùng. Cô đã đợi ở đây từ chín giờ tối, bây giờ đã gần mười một giờ mà “ anh ấy” vẫn chưa đến. Cô đã xin phép mẹ về thăm bà ngoại ở Kim Luông để có thể hẹn với “anh ấy”, thế mà anh ấy không đến thì có chết không! Mai đây, nếu vỡ lở câu chuyện, cô chưa biết phải chịu tội ra sao. Anh ấy “ tệ đến thế thì thôi!
Cô bé ngả đầu dựa vào cột đèn, hai dòng nước mắt từ từ chảy xuống má, rồi rơi xuống chân cột.
Trăng đã lên cao, chiếu trên dòng sông Hương một vầng trăng khác, cũng sáng, trong và đẹp như trăng trên trời. Trong nhà Thủy Tạ, vài đôi bạn tình đang chia nhau hai vầng trăng ấy. Chắc họ không giành nhau nhưng nhận là của chung, và chỉ của hai ta mà thôi!
Cô bé bực mình, đập mạnh đầu vào cột đèn, như muốn trút bớt tức tối giận hờn trong lòng. Bỗng nhiên nghe tiếng thở dài khe khẽ, cô bé nhìn quanh gần mình không thấy một ai. Những đôi tình nhân ngồi xa xa, nhất định không có tâm tư như thế. Tiếng thở dài rất nhẹ nhưng rất âm thầm chua xót. Nó phải là tiếng thở dài của một tâm hồn trải qua nhiều gian lao, nhìn qua bao nhiêu thế sự thăng trầm. Tiếng thở dài tỏ ra không chán đời, nhưng hiểu đời.
Tiếng thở dài lại nổi lên. Cô bé sợ hãi đứng dậy định chạy đi nơi khác, nhưng chân cô ríu lại , người nổi gai và cô không nhấc chân lên được nữa.
Một giọng nói thì thầm rất êm dịu :
• Cô em đừng sợ. Tôi có làm gì cô em đâu!
Cô bé nhìn quanh quất, vẫn không thấy một bóng người. Đêm đã khuya rồi. Bây giờ chỉ còn cô bé và chiếc cột đèn, bóng đứng lại, vì trăng lên cao ngay chính giữa đỉnh đầu.
Cô bé bâng khuâng, nửa muốn chờ, nửa muốn ra về. Trong lúc dùng dằng chưa quyết, một giọng hò từ dưới sông vang lại, khiến cô bé hình như cảm thấy bớt cô đơn:
Trước bến Vân Lâu . Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm. Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông . Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non . . .
Chiếc đò xa dần, mang theo giọng hò. Cô bé hơi thất vọng, nhưng lại có một con đò và giọng hò khác tiếp theo:
Một dòng nước trong. Năm bảy dòng nước đục
Một trăm người tục. Một chục người thanh
Biết ai gan ruột gởi mình. Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân . . .
Giọng hò xa dần rồi mất hẳn, nhưng cô bé không thấy sợ nữa, cô nhất định ở lại chờ “ anh ấy”.
Giọng nói hồi nãy lại nổi lên:
• Cô em chờ có buồn không?
Cô bé giật mình hỏi:
• Ông là ai? Ông ở đâu? Người hay ma đấy?
Giọng nói có vẻ chế riễu:
• Tôi ở đây, ngay bên cạnh cô em, không phải người mà cũng không phải ma.
Cô bé nhớn nhác nhìn quanh, lại định chạy.
• Cô em đừng sợ. Tôi là bạn của tất cả mọi người. Tôi soi ánh sáng cho đêm tối hết âm thầm và làm cho người bộ hành bớt cô đơn, đêm tối không còn quạnh quẽ . . .
Cô bé lấy hết can đảm hỏi lại:
• Nhưng mà . . . ông là ai mới được chứ?
• Cô em vẫn chưa hiểu sao? Tôi là . . tôi là chiếc cột đèn cô em đang dựa lưng vào đây mà!
Cô bé ngần ngại xích ra xa một chút.
• Nếu cô em chán thì hãy về đi. Tôi thấy cô em buồn nên muốn trò chuyện một lúc cho em khuây khỏa. Cô em sợ thì thôi vậy!
Cô bé hơi yên lòng, vuốt mấy sợi tóc gió bay tỏa xuống trán, nhìn chăm chú vào cột đèn. Hình như cô muốn tìm xem tiếng nói bí ẩn kia phát ra từ đâu. Cô bé cảm thấy hình như từ cột đèn thực, mà cũng có khi giống như phát ra từ một chốn xa xăm nào, có thể là từ khoảng không gian vô tận, mà cũng có thể là từ trong lòng cô, trong tâm tư cô, làm cô hoang mang. ..
Tóc cô bé còn bỏ lơi. Mái tóc thề buông mới đến ngang vai. Trăng vàng chiếu trên mái tóc lấp lánh sáng. Cô bé không nói gì, hai tay cứ xoắn chặt tóc mình.
• Chàng không đến phải không?
Tiếng nói nghe thoảng qua nhẹ như một hơi thở. Cô bé đỏ ửng đôi má, buông tay thả mái tóc, đổi ra vân vê tà áo.
• Cô em đừng thẹn. Chuyện đời, tôi hiểu nhiều lắm, tôi đâu dám cười ai . Tôi già rồi, tôi đã trông thấy bao nhiêu cảnh thế sự thăng trầm. Ngay chính tôi cũng đã phải chịu chung trăm nghìn tai ương của quốc nạn, Cô em cố gắng trân quí nguồn sống, đừng bao giờ để bất cứ ai, hay bất điều gì làm bận tâm nghe không?. . . Cô em muốn nghe chuyện của tôi chứ?
Cô bé se sẽ gật đầu.
• Ngày xưa, tôi không giống như thế này đâu. Tôi chỉ là một cột gỗ thô sơ, cây đèn trên đầu tôi thắp bằng dầu lạc. Mỗi tối lính tuần có phận sự đi thắp đèn và đến sáng lại phải đi tắt. Đêm khuya, những người đánh mõ cầm canh thường dừng bên cạnh tôi để hút điếu thuốc, nghỉ chân một lúc, và đôi khi kể cho nhau nghe những gì quan trọng vừa xẩy ra tại Đế Kinh.
Tôi đã nhìn thấy bao nhiêu cảnh phế lập, mở đầu một triều đại bắt đầu suy vong. Sau ngày vua Tự Đức băng hà, nhiều vị Hoàng Tử lần lượt bị ra làm vua. Từ Vua Dục Đức đến Vua Duy Tân, 7 đời nối tiếp nhau làm vua từ vài ngày,vài tháng hay vài năm rồi kẻ bị truất phế, người bị giết, bị đày, trong khoảng thời gian trên dưới 20 năm. Tôi đã phải run rẩy trong tiếng súng uy hiếp của thực dân. Tôi đã trông thấy Vua và các Mệnh phụ, Vương tôn, Tam cung Lục viện lếch thếch khăn gói kéo nhau xuất thành sau vụ đánh úp quân Pháp bị thất bại.
Vua và Tam Cung rời Cung Điện lánh nạn, rồi đến dân chúng cũng trẻ cõng già, mẹ bồng con, dắt díu nhau chạy trốn, để tránh sự tàn phá báo thù của quân Pháp. Bao nhiêu kẻ đã mệt mỏi, trúng đạn hay dày xéo lên nhau mà ngã gục dưới chân tôi. Bao nhiêu dòng nước mắt nóng hổi với muôn ngàn nỗi niềm đau đớn khác nhau, đã rưới lên thân hình tôi. Có người khóc nước mất nhà tan. Có người khóc đại sự bất thành. Có người khóc cho kẻ hữu tài đành mai một. Kẻ khóc trên đời không tri kỷ. Người khóc vì thua một canh bạc bị đánh lận giữa đời, mà trong số đó, những cô bé ngây thơ như cô em chỉ biết khóc cho tình yêu. . .
Dần dần, cảnh thanh bình của một miền bị trị hiện ra. Thành phố được tô điểm bề ngoài cho thêm vẻ mỹ quan. Tôi cũng được xây lại bằng xi măng, và đổi ngọn đèn dầu lạc thành ra đèn điện để rọi ánh sáng văn minh cho khách bộ hành lúc đêm khuya khỏi lạc lối. Vườn hoa được vun trồng chăm sóc, làm cho du khách thêm quyến luyến đất Thần Kinh. Cầu Trường Tiền chỉnh trang trông thật đẹp đẽ. Nhưng thật ra, những thay đổi ấy chỉ là bề ngoài, cái tâm tư não nề bên trong không những không hề thay đổi, mà còn dồn dập chất chồng thêm những khổ tâm mới. Nhà vua bị trói tay, bây giờ chỉ có độc một cái quyền phát bằng Cửu Phẩm cho công dân nào đó nói rằng có công lao với xứ sở. Nhưng cái công ấy, thường thường chỉ là công phục vụ một vị quan lớn, được ông ta xin cho.
Trên bước thang danh vọng, người ta hoang mang vì thấy tài năng không có chỗ dùng . Người được trọng dụng chỉ là những người được tin cậy. Người dân không biết muốn quốc gia hùng cường phải làm thế nào. Muốn phục vụ quê hương đất nước phải đi từ đâu. Và nếu ai thở than hay bàn đến phương pháp làm sao cho văn minh tiến hóa, nước mạnh dân giàu là người ấy bước ngay vào tử địa
Đứng đây, tôi nhìn thấy khắp nơi. Kia là cầu Trường Tiền. Kia là cột cờ, kia là sông Hương. Đây là vườn hoa, nơi hò hẹn của giai nhân tài tử. Có nhiều người ghét tôi, vì tôi đã đem ánh sáng xoi mói việc làm của họ, những việc cần được bóng tối tùng đảng che giấu dùm. Có những ca nữ, đêm đêm bán thanh bán sắc trên dòng sông, nhưng ban ngày là những cô nương sa sút, họ phải nuốt dòng nước mắt chảy ngược trở lại vào lòng, gượng cười làm vui cho những ai ai . . . .
Tôi đã trông thấy từng đôi, từng đôi bạn tình ngồi dưới chân tôi. Có đôi mới hẹn nhau lần đầu tiên, họ còn ngỡ ngàng, hồi hộp e lệ, nhưng trong lòng đang thầm xây dựng tương lai. Có đôi, hẹn nhau lần cuối cùng để rồi kẻ Nam người Bắc. Họ đau đớn, bâng khuâng và bi quan, vì đó là buổi hẹn cuối cùng. Có đôi đi với nhau mà tâm hồn mỗi người nghĩ mỗi nơi, họ đi cạnh nhau vì không “ thoát” được tay nhau. Và cùng một con trăng năm xưa của riêng họ, bây giờ cũng con trăng ấy, mỗi người có một vầng trăng trong lòng.
Bao nhiêu cảnh đẹp và không đẹp diễn ra trước mắt tôi. Cảnh thì vẫn cảnh này từ nghìn xưa, mà tình tiết thì biến đổi vô lường.
Đêm đêm, những cuộc “ trao đổi văn hóa” vốn gọi nhau là “anh,em” hay “ sê ri” biến thành “ a na tà”. Sau khi các “ a na tà” bại trận cuốn gói ra về, những đôi tình lữ lại gọi nhau bằng “ đồng chí”.
Tôi vẫn đứng đây, đau đớn nhìn cái vườn hoa xinh đẹp biến thành vườn cỏ. Đau đớn nhìn cái cột cờ bất lực bơ vơ bị đổi thay tùy theo . . . .” Cờ đến tay ai . . . . . “ và cái vườn cỏ biến thành vườn hoa, thay đi đổi lại hoa cỏ, cỏ hoa. . . . Nhưng bây giờ, những đôi tình lữ bận lo học hỏi. HoÏ không có nhiều thì giờ rảnh và cũng không được phép đêm đêm đến đây thủ thỉ câu chuyện tâm tình như độ nào. Bao nhiêu lần vật đổi sao dời, tôi cũng nhiều phen được tô điểm sửa sang để có cái vẻ văn minh lịch sự như bây giờ, nhưng tâm hồn tôi vẫn cô độc bơ vơ . . .
Cột đèn kể đến đây im lặng. Cô bé hỏi lại:
• Rồi sao nữa?
• Chẳng sao cả. Tôi còn đứng đây mãi để nhìn những cảnh yêu đương, đào thải, phụ bạc, biến chuyển, xê dịch chung quanh tôi. Còn cô em, chuyện của cô em ra sao, kể cho tôi nghe đi.
Cô bé ngần ngại một lúc rồi nói:
• Chuyện của tôi chả có gì cả. Chúng tôi yêu nhau và tôi tin rằng chúng tôi sẽ lập một tiểu gia đình hạnh phúc.
• Thế “ anh ấy” có bao giờ lỗi hẹn như thế này không?
• Có, thỉnh thoảng, nhưng bao giờ cũng có lý do chính đáng.
Có tiếng cười khô khan và mỉa mai:
• Hừ, đã tìm được lý do, thì lý do nào chẳng chính đáng . . .
Cô bé bỗng thấy tim đau nhói . Hai mắt rưng rưng , cô
muốn nói gì nhưng nghẹn ngào không nói được.
• Cô định chờ đến bao giờ?
• Dù sao tôi cũng chờ. Chúng tôi có chuyện rất quan hệ, cần gặp nhau để bàn kỹ.
• Thế “ anh ấy” hứa sẽ đến chứ?
• Anh ấy bảo không chắc lắm, nhưng may ra thì có thể đến được. Anh sẽ cố gắng tìm cách đến gặp tôi một lúc để thảo luận chuyện chúng tôi.
• Trời, toàn là những lời . ..
Cô bé gục đầu vào cột đèn khóc nức nở.
• Có khi tôi biết “anh ấy” nói dối chỉ vì không muốn làm tôi đau lòng, nên tôi chấp nhận và tha thứ.
Cô bé ngồi yên một lúc, rồi đứng dậy lau mắt, thẫn thờ ra về.
Cô bé đi chưa xa, đã có một người khác đến đứng vào chỗ cô ngồi ban nãy. Cô này tóc quăn, mặt phấn son lòe loẹt, mồm phì phèo một điếu thuốc lá. Nghe tiếng giầy cồm cộp trên đường nhựa vắng, cô như người đi săn đánh hơi thấy con mồi, vội mỉm cười, ưỡn ngực bật lên một tiếng:
• Ha lô!
Người đi đến cũng “ Ha lô!” và dừng chân lại. Một lần nữa, chiếc cột đèn lại được chứng kiến thêm một cuộc “ trao đổi văn hóa” giữa hai dân tộc
Linh Bảo (1958)