Những vai diễn thật lòng
Trang Hạ
Bạn sẽ nghĩ gì nếu một sớm mai thức dậy trong căn phòng trọ xa lạ, quần áo bệ rạc, bên mình không còn ai, chẳng còn một ai cả?
Những cánh hoa phượng dập nát trong mưa trôi dọc rãnh nước bên hè phố. Gã đội mưa đến nhà hát tỉnh. Sáng nay là buổi tập cuối cùng của vở kịch mới do gã viết kịch bản. Ông đạo diễn chưa đến. Anh diễn viên chính giơ cái bánh mì ăn dở lên vẫy khi gã đi qua. Gã bước vào nhà hát tỉnh, đi qua dãy hành lang ướt vào phía sau sân khấu. Ánh đèn bảo vệ vàng vàng hắt ra sau cánh gà, những dãy ghế chìm trong bóng tối lờ mờ im lìm. Gã bước tới giữa sân khấu và đứng lặng. Chỉ một chút nữa thôi, nhân vật chính do một diễn viên trẻ không râu đóng sẽ bóp cổ người vợ trong cơn ghen điên dại. Lúc phân vai, ông đạo diễn đã bỏ qua anh diễn viên trẻ, nói làm sao một người bé nhỏ có thể làm được việc đó? “Nhưng đây là đôi tay đầy thù hận của một người đàn ông bị phản bội!”. Gã cố giành vai chính cho anh diễn viên trẻ mới vào nghề, đang mang trên vai gánh nặng của cả một gia đình. Gã đã không nhầm. Những người dự buổi thử vai lặng người đi khi anh diễn viên trẻ nhập vai, bóp cổ người vợ với tất cả nỗi đau câm lặng và quằn quại trong chính tâm hồn mình. Anh diễn bằng hình thể và tất cả tâm hồn. Hôm đó gã đã bỏ ra ngoài, trong buổi tối mùa hè, điếu thuốc vẽ lên những vòng cung lập loè.
Trong đời thực, gã đã không bóp cổ mà để cho nàng đi, son môi cháy suốt nỗi nhớ nhiều năm về sau. Bàn tay này chỉ biết cầm bút và cầm tay người yêu, gã không thể cầm dao chặt thịt sầm sập giữa chợ để ních thêm vào túi những đồng tiền dính mỡ. Vậy thì trách chi một người đàn bà? Sau ba năm chung sống, nàng chỉ mang theo những son phấn đắt tiền của mình, thản nhiên bước lên làm bà chủ khách sạn tư sau một lần gã đưa nàng tới đó dự tiệc cưới một người bạn. Gã đã để cho nàng đi, không thù hận, không bóp cổ. Dù nàng không đẹp như Ophêlia và cũng không biết cầu xin như Ophêlia: “Nếu không yêu em nữa, hãy để em đi. Đừng giết em tội nghiệp!”
Tình yêu là cảm giác của những chuyến đi dài cô đơn. Có một chiều tối nào giữa Sapa ngập sương mù, giữa những tiếng chuông đồng hồ gõ thong thả khắp thị trấn, gã sững sờ bắt gặp một ô cửa khách sạn bên đường. Người bồi thong thả mang chiếc đèn dây thắp trong một buổi tối mất điện, đặt lên bậu cửa trông ra đường. Qua lớp cửa kính, ánh đèn hắt sáng lên màu vàng trầm mặc, bí ẩn trong lớp sương mù đặc quánh. Vụt trở về trong lòng người đàn ông cái ánh nến nàng thắp trên bàn trong suốt những đêm dài ái ân say đắm. Nến tắt lâu rồi nhưng ánh sáng còn thắp trong một góc trái tim người đàn ông lẻ loi. Đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua đèo Bảo Lộc có hình bức tượng Đức Mẹ tô trắng toát, xe cộ chạy qua tấp bụi mù mịt. Có lần qua đó ngoảnh lại gã ứa nước mắt, nghĩ về cái vòng tròn quẩn quanh vô nghĩa trong đời. Gã đã đi mà không đến, đã gõ mà cửa không mở. Phải vì thế không, trong kịch bản gã đều để vai nữ chính chết vào phút cuối. Như một lối thoát khỏi trò vòng quanh tìm kiếm. Là Juliette chết vì đua xe và buôn ma tuý. Là Mỵ Châu chết trong cuộc tranh bá đồ vương. Là người mẹ trẻ chết trong cơn đau sinh nở. Chết giữa lúc còn được yêu.
Nàng không biết những vai diễn đã chết thay mình bao lần trên sân khấu.
Người bảo vệ bước vào từ phía sau cánh gà, tóc ướt đẫm nước mưa. Ông chùi hai tay lên đùi rồi bảo:
- Chú còn thuốc lá không? Cho tôi xin một điếu!
Hoài là người bạn thân từ thời hai đứa còn mắc võng bên nhau ở chiến trường K., chuyền tay nhau tấm ảnh cô sinh viên Đà Nẵng tên Diệu gửi hai chàng lính trẻ mới quen. Ở K., Hoài đã cõng gã - mặt đầy máu – vượt qua cuộc phục kích bên bờ suối lần về đơn vị. Hoài ra quân, về lại tỉnh H. một thời gian làm huấn luyện viên thể thao rồi chuyển sang làm báo tỉnh. Lần gặp lại nhau giữa nhà hàng Hương Biển nổi tiếng nhất thị xã, hai chàng lính ngồi ôn lại chuyện cũ, Hoài móc trong ví ra tấm ảnh Diệu nhỏ xíu bằng hai ngón tay, đội nón vải cười tơi tắn giữa thành phố Đà Nẵng mới giải phóng hồi ấy, ngậm ngùi:
- Nếu không vì Diệu, có lẽ hồi ấy tao ở phứt lại bên đó lấy vợ cho rồi!
Hai người bạn cũ cùng nhớ lại gương mặt những cô giáo trẻ người Cam-pu-chia đứng giữa đám học trò chân đất trong buổi đưa tiễn, giữa đám bụi đỏ vẩn lên trong mùa khô, sau những bánh ô tô ra đi. Diệu đã vào Sài Gòn, trở thành bà chủ tiệm thuốc tây mở nhờ tên người khác. Nàng tám mươi mấy ký, và vẫn hằng đêm chong đèn chờ người chồng về từ chiếu bạc thâu đêm. Nàng đâu biết tấm ảnh nhỏ bằng hai ngón tay ngày ấy đã làm hai người đàn ông hôm nay nặng lòng đến thế nào.
Hoài chạy tin bài như ngựa, như ai thúc phía sau. Thảng hoặc gặp nhau là giữa những chầu nhậu bét nhè hè phố. Ba tháng ở H. viết kịch bản, gã đi về một mình, không ai đoái hoài. Song đến buổi tổng duyệt cuối cùng, Hoài đến vào lúc vai nam chính đang hôn vợ mùi mẫn, trong khi tay dắt cương ngựa tay nắm chặt đốc kiếm. Một nụ hôn diễn ra trò. Hoài cười tủm tỉm, sau lưng là một mái tóc búp bê thả xuống vai nhẹ nhõm, đẹp dễ chịu:
- Đây là Thuỷ, phóng viên mảng văn hoá. Ông chăm sóc người đẹp chu đáo, cho đến lúc nào có bài khen trên báo tỉnh!
Hoài quay sang Thuỷ, thản nhiên:
- Vết thương đó anh ấy lãnh đạn thay cho tôi. Nếu không sẽ là một khuôn mặt rất đẹp, đúng không?
Mưa ngớt vào trước đêm diễn đầu. Thị trấn lạnh tanh trong hơi mưa, hoa điệp vàng rũ rượi vỉa hè. Đèn xe loang loáng đường quanh bờ hồ trung tâm, quét những lằn sáng gắt gỏng lên tán phượng ướt sũng.
Đêm công diễn đầu tiên vở kịch nói chuyển thể từ kịch hát, khán phòng nhà hát tỉnh chật ních khách mời. Khi người diễn viên nhỏ con giật tung áo bào, tuốt gươm tìm người tình phụ, cả khán phòng lặng ngắt. Câm lặng. Ai chẳng từng đau thắt trước mất mát trong đời? Ai chưa từng bỏ qua hạnh phúc? Người đàn ông vứt gươm. Trong khoảnh khắc tội ác, vai nam chính run lên đau đớn như đang tự siết cổ mình, với một nỗi đau từ sâu thẳm một niềm tin đánh mất, những thớ thịt trên mặt căng lên giần giật đầy khiếp đảm và đầy bất lực. Một sự bất lực đau đớn trong câm lặng. Khi tập vở, tới đoạn này gã đã đề nghị đạo diễn để ánh sáng chiếu thẳng từ trên đỉnh sân khấu. Đạo diễn càu nhàu ông biên kịch duy mỹ, song rồi cũng thu xếp. Luồng sáng chụp thẳng từ trên cao xuống một góc hẹp làm nổi bật những khoảng tối tăm trên gương mặt, nhấn vào những nét cắt hỗn loạn trên khuôn mặt run rẩy. Người đàn ông ấy không phải đang diễn mà là đang tự giết, thấy được cả cảm giác mồ hôi túa ra lạnh ngắt trong đôi tay nhớp nhúa. Không chờ hết cảnh, gã bỏ chỗ ngồi ra hành lang đốt thuốc. Que diêm tắt giữa mấy ngón tay lạnh lóng ngóng.
Vở kịch năm ngoái Lý Chiêu Hoàng một vai gánh nặng giang sơn, vừa thoại vừa nuốt nước mắt trong ngực. Mỗi lời nói một niềm tuyệt vọng. Vì ngôi đế vương hay vì thân phận bạc bẽo một người đàn bà tài sắc? Đào Hương diễn nhập thần, nâng vai kịch lên tầm vóc một hình tượng nhân vật vẹn toàn, rồi nổi lên từ đó. Thỉnh thoảng Đào Hương vẫn gọi điện, có ý nhắc cái ơn nghề song gã tránh gặp mặt. Và cũng đi biệt luôn không về thành phố. Năm nay, vai kịch này có giúp gì cho những người đến quanh đời này?
Thủy ra theo, đứng sau gã ngập ngừng. Gió thổi mấy tấm áp - phích tuột góc bay tơi tả trên tường. Một vài ngôi sao sáng rụt rè. Cô gái nói thì thầm, tay lồng trong mái tóc buông rủ:
- Em nhìn lên sân khấu. Và em đã nhìn thấy anh!
Tiếng ghế đập ầm ầm, tiếng vỗ tay rào rào trong hội trường. Mọi người đã đứng cả dậy để vỗ tay khen nồng nhiệt. Vở kịch ấy đáng lẽ đã được dựng ở thủ đô, nếu gã không gặp lại Hoài.
Những thân phận người như vai diễn giữa đời. Bản thảo cuốn sách mới đã xong, vở kịch vừa công diễn. Nhà xuất bản gọi gã về, đòi bản thảo và gợi ý đang thiếu một chân biên tập sách kế hoạch, làm thuê cho đầu nậu là chính song cũng đủ nuôi sống bộ biên tập bằng những giấy phép bán chác qua đôi ba tay. Gã nghĩ, đi thôi. Đi cho Hoài yên tâm cưới người con gái đẹp và giàu có cảm xúc kia. Vai của gã hình như chẳng bao giờ có đôi.
Trên chuyến xe rời thị xã H., bất ngờ gã nhận tin nhắn của Đào Hương. “Lâu quá chưa gặp anh cũng như chưa xem được vở nào hay. Giờ em đang trên đường đến anh. Tối nay, lúc vở diễn của anh bắt đầu!”.
30/12/2003
Trang Hạ