Người Dưng Làm Má
Nguyễn Ngọc Tư
C hị Diệu về quê khi đoàn cải lương Mưa Bình Minh đang giữa mùa lưu diễn . Tàu ghé đập Bàu Mốp , chị lội một đỗi , gặp má chị đi đám giỗ về , má chị kêu : " Trời đất , con Diệu , sao đi về vào lúc này ? " . Chị nghe muốn khóc .
Chị, con gái của má , rời nhà từ năm mười bảy tuổi , bây giờ đã bốn mươi . Chưa khi nào gió chướng mang cái ngọn ráo khô bay qua rạch Bàu Mốp mà chị về nhà , kêu má ra cửa sau , chỗ thơm lựng hương cau , nhổ tóc sâu , bảo sẽ ở lại nhà lâu , lâu lắm . Nên má cứ nhìn hồ nghi , có chuyện gì sao con . Chị cười cười không nói gì , hỏi con San đâu . Má chị bảo nó đi đón ghe khóm từ rẫy Thới Bình qua , mua về rồi chèo xuồng dài dài xóm bán lại . Chị nuốt ực nỗi cay đắng vào lòng , " Sao má để nó đi , con nuôi hai người nổi mà ! " . Bà già bảy mươi ba tuổi nhìn đứa con gái đầu bạc của mình , xót xa : " Bà cháu tao có cần tiền của bây đâu . Tao cũng cản hoài mà nó có nghe đâu . Tánh nó cũng cứng đầu cứng cổ hệt bây , bây biết " .
Chị biết , bởi có lần về , con San mang trả những gói tiền chị đã gởi . Những gói tiền còn nguyên vẹn như còn dính mồ hôi tay chị , nó bảo : " Em cảm ơn , em với ngoại nuôi nhau được , chế đừng lo , chế có tuổi rồi , để tiền hờ khi bệnh hoạn nghe khách sáo như người dưng nói chuyện với người dưng .
Chị sinh con San cũng ngay mùa này , gió này . Gọi là San , là vì khi Hoàng Bảo từ thành phố tăng cường xuống " Mưa Bình Minh " , chị Diệu với anh hát chung tuồng San Hậu . Chị yêu anh lắm , không ai còn có thể nghệ sĩ hơn thế , tất cả con người anh toát lên cái gì đó phong trần , phiêu lãng , thương không chịu được . Chị đặt tên cho đứa con đầu lòng là San vì tin rằng sẽ đẻ cho anh thêm thằng Hậu , nhưng thằng Hậu mãi mãi không bao giờ có . San vừa tròn bảy tháng để nó lại cho má , chị đi . Hôm đó nó đã bú cho thật no rồi , chị ép cho no nữa . Nó ngậm vú chị ngủ ngon lành . Đặt con xuống giường , chị còn thấy cái miệng nhỏ xíu của nó mút mút . Rồi từ đó chị không dám nhìn thêm lần nào nữa , sợ mãi mãi mình không thể nhấc chân đi . Mà chị thì không thể từ bỏ ước mơ của mình , trở thành cô đào hát nổi tiếng . Làm sao từ chối vai diễn đã từng chờ đợi , nàng Trưng Trắc oai hùng trong " Tiếng Trống Mê Linh " ?
Chị yêu vai Trưng Trắc này biết bao nhiêu , người phụ nữ cũng có lúc dao động , mềm lòng khi chồng của mình đang nằm trong tay giặc . Nhưng rồi Trưng Trắc vẫn mạnh mẽ đánh trống xuất quân , nước mắt bi hùng nhỏ xuống mặt trống vang lời ly biệt . Mấy hôm đầu , có lúc sữa xuống nặng , chị Diệu nhớ con quay quắt , chị muốn bỏ hết , về nhà vùi mặt mình vào làn da thơm tho của nó , nhưng nghĩ đến vai diễn của mình , chị ghì lòng lại . Đâu nè , Trưng Trắc đâu có nữ nhi thường tình vậy .
Vở được đoàn đem đi dự hội diễn toàn quốc , năm đó chị nhận huy chương vàng , bắt đầu có một chút danh tiếng . Chị nguôi dần nỗi nhớ nhà nhớ con . Chị bận lu bù với hàng chục , hàng trăm vở mới . Hồi đầu chỉ mùa mưa chị mới ờ nhà lâu , giữ con cho má đươn thúng, tưới trầu . Sau này trời mưa chị cũng phải đi học bồi dưỡng nghiệp vụ , chánh trị. Chỉ về khi trên đường đi lưu diễn , tiện đường ghé lại , nhiều khi con Phèn còn chạy te te ra sủa . Có lúc thấy cái áo phơi ngoài sào , chị hỏi áo ai , má bảo , áo của con San chớ ai , chị cười , trời đất , nó lớn dữ vậy hả ? Mà không biết mình đang hồn nhiên đứng bên đời , nhìn nó lớn ...
San chưa bao giờ kêu chị Diệu một tiếng má . Khi nó biết nói nó bắt chước mấy dì , gọi chị bằng chế , xưng em . Dạy nó , nó lắc đầu nguầy nguậy , " Hổng phải , chế Diệu hông phải má . Con Thắm mới là má " . Nghe lạ , hỏi lại , thì ra chơi nhà chòi , con Thắm đóng vai má con San . Tưởng lớn lên nó sẽ đổi nhưng có những tết gần giao thừa , chị gọi nó lại , biểu kêu má đi . Con San nhìn chị trân trân , tay vò vò vạt áo , nín thinh . Chị rút tiền ra biểu kêu má đi rồi cho tiền . Nó vẫn lặng lẽ đứng nhìn , hồi lâu , nó bảo , " em không biết xài tiền " rồi bỏ ra ngoài trước coi người ta đốt pháo .
Năm đó , nó tám tuổi . Giao thừa đang rộn rã ngoài kia , chị Diệu vô buồng ôm lưng má khóc . Má chị biểu " thôi nín đi , rồi từ từ má dạy . Mà , cũng tại mầy ..." . Nghe người ta hát câu " Con chim se sẻ nó đẻ cột đình . Bà ngoại đẻ má , má đẻ tụi mình ..." tim chị quặn thắt . Dường như con San đang đòi món nợ tình thương mà ngày trước chị nợ má .
Chị Diệu bỏ nhà theo đoàn hát từ năm mười bảy tuổi , không cách chi mà giữ lại được , không cách chi chị quên giấc mơ xướng ca xiêm áo . Má bắt chị thề " Không thương người cùng giới nghệ sĩ . Không lấy chồng khi qua tuổi hai mươi lăm " . Nhưng năm hai mươi , chị về nhà dập đầu lạy má , thưa rằng vì yêu , vì muốn giữ bên mình người chị yêu , chị đã mang đứa con trong mình.
Má giận quá , nói " hồi đó phải tao sanh ra hột gà hột vịt còn có nghĩa hơn sanh ra con gái như mầy " . Giận vậy , nhưng thấy con mình khổ không cầm lòng được biểu " Thôi con , đừng thèm khóc , người ta hay hát , " Ví dầu tình có dở dang . Tự ên thiếp chống đò ngang thiếp về " , con người ta nhấc lên được thì bỏ xuống được" . Rồi lụm cụm đi trồng thật nhiều sả , chăm chút những cây chanh , cây bưởi quanh nhà cho tốt lá , lột vỏ tỏi để dành xông cho chị sau khi sinh . Lòng má đau con mình dại dột , nó làm vậy là đẩy người ta có cái cớ ra đi chớ có níu được , ràng buộc được người ta đâu .
Nhưng con San đâu có già được như má , đâu có trải lòng ra để tha thứ như má . Chừng mười , mười hai tuổi , nó nói với má chị : " Má ơi , con không đổi chế Diệu để lấy tiền . Chế Diệu có cho má đừng lấy " . Mà chị chỉ biết ôm nó vào lòng , thở dài rồi rầy , " ngoại già rồi , con kêu ngoại bằng má hoài người ta cười bà già khú đế mà còn có con muộn" . San thôi kêu ngoại bằng má nhưng tiếng má nó cất mãi trong lòng.
Nó lớn lên giống Hoàng Bảo như đúc , cũng gương mặt xương xương , cái mũi cao , đôi mắt to , hơi xếch , đôi môi mỏng , đỏ thắm . Nhìn nó , lúc chị Diệu nửa thèm ôm chầm vào lòng , nửa muốn xô ra . Nghĩ thương nghĩ giận người cũ , chị chỉ dám ngồi nhìn nó xa xa . Nên chị không hay nó lạ lùng hơn hết thảy con cái người ta . Nó ít nói , nhưng nói câu nào đáng câu đó . Có lần coi chị Diệu diễn Lương Sơn Bá , Chúc Anh Đài trên tivi , nó ngồi nghễu nghện trên mấy bao lúa chất giữa nhà , nghe mấy đứa bạn reo lên , má con San kìa . Nó nhếch mép cười . Tới đoạn Sơn Bá gặp Anh Đài ở nhà Chúc viên ngoại , biết rõ thân phận nhau , hai người âu yếm ôm nhau đính ước . Con San nói tỉnh bơ : " Ừ , ôm đi , ngoại à , vài bữa nữa người ta đem một đứa nữa về cho ngoại nuôi cho mà coi " . Rồi tuột xuống cái độp đi te te vô buồng , biểu : " Con đi ngủ " . Nhưng ngoại san biết nó vô đó nằm khóc , vòng tay trìu mến đó , có bao giờ chị Diệu dành cho nó ?
Câu chuyện làm chị Diệu đau lòng . Chị Diệu sợ con mình cũng như người đời , đánh đồng vai diễn với diễn viên , hễ ai đóng vai ác thì ngoài đời cũng ác , tình tứ với bạn diễn nghĩ ngoaì đời chắc họ cũng yêu nhau . Chị chọn những vai đào võ , rồi nổi tiếng với những nhân vật nữ tướng , tinh tế trong cái nhìn khinh bạt , ngạo nghễ trước kẻ thù và cái chết , oai vũ trong từng động tác đá giáo , lăn tròn theo nhịp roi , đi gối ...Ai cũng nói nếu con người ta có số sẵn (như giày dép vậy ) thì số chị Diệu sinh ra là để sắm những vai nữ tướng .
Riết rồi những vai đào thương , chị Diệu không diễn được . Có những lần giỗ Tổ , đoàn giao cho chị đóng vai Tô Ánh Nguyệt trong trích đoạn gặp lại thằng Tâm , lúc con trai mình mắng mỏ một hồi rồi bỏ đi , Nguyệt kêu , " Tâm , con đuổi má sao con ? " , Lệ Thủy diễn xé lòng xé dạ người ta là vậy , nhưng với chị , chỉ câu nói đó thôi sao mà khó khăn quá chừng , tiếng má , nửa đời người chị chưa được con gái mình kêu .
Nên trả lời phỏng vấn báo chí , chị hay tự trào mình là nghệ sĩ nửa mùa . Khi đi qua mùa nhan sắc của một cô đào hát , chị xin đoàn cho mình đóng vai hề mụ , chị bảo , " tôi hát nhiều năm , khóc hết nước mắt rồi , bây giờ chỉ đóng được vai hài " . Và chỉ như thế chị mới không phải sắm vai những bà mẹ , không phải nghe bạn diễn với mình gọi là má à má ơi mà lòng như cắt như đau .
Hôm rồi , đoàn về hát vở " Cơn Mê " ở chợ Ông Trang , chị đóng vai bà già bán ve chai . Vai nhỏ , chỉ cần quấn khăn lên đầu tất tả gánh cái gánh đi ra , gặp cảnh một tên đầu gấu bức hiếp một cô gái nhà quê , bất bình bà già ra tay nghĩa hiệp . Đơn giản thôi . Vậy mà lúc diễn , nghe cô đào trẻ Thu Mỹ trong vai cô gái nhà quê núp sau lưng chị thét lên : " Cứu con với , má ơi !" bà ve chai bỗng đứng khựng lại , buông vai , sững sờ , khóc . Thu Mỹ cũng gục đầu , nức nở . Khán giả không hiểu gì hết , đầu gấu thấy vậy cương mấy câu . Màn kéo lại , ông phó đoàn kiêm đạo diễn quát văng nước miếng , " Tôi không sao tin nỗi . Một người lúc nào cũng muốn thành diễn viên nỗi tiếng , một người mấy chục năm trong nghề rồi mà ai cũng diễn như một đứa con nít ba tuổi " . Hai chị em buồn quá , hỏi Thu Mỹ sao cương câu đó kỳ vậy , cô khóc , " hồi còn ở nhà mỗi lần ba em say rượu , ổng nghe lời má sau , đánh em dữ lắm , không ai bênh , em chỉ biết kêu má , riết quen " . Trời ơi , bọn nghệ sĩ mình , gạt bỏ đời đau , sống trọn lòng trên sân khấu , được mấy người ?
Tan hát rồi , chị Diệu với Thu Mỹ ngồi mãi ngoài bến tàu bên bờ sông Ông Trang . Gió lạnh thổi hiu hút . Thu Mỹ thắc mắc : " Mỗi lần bị đòn đau , mỗi lần gặp chuyện gì buồn , em đều nghĩ đến má trước tiên , sao ngộ vậy chị ? " .
Chị ngẫn người ra , con San của chị cũng có khi gặp chuyện gì buồn , thế nào nó cũng nhớ tới chị mà chị thì xa cách nó ngàn phương . Vậy đâu có được . Đáng lẽ mình phải ở nhà , nghe nó thủ thỉ chuyện một cậu con trai nào đó hôm qua còn trêu chọc nó , biểu : " để lòng thương nó " , hôm nay đã sắm cau trầu đi hỏi vợ khác rồi ( con gái mười tám tuổi mà ).
Sáng sau , chị lại xin phép trưởng đoàn , ông vừa đánh cờ vừa ờ , hờ hững . Chị đi từ giã hết thảy mọi người , ai cũng nghĩ rồi chị sẽ trở lại . Chị yêu sân khấu đến thế kia mà .
Chỉ Thu Mỹ biết chị sẽ không bao giờ quay trở lại . Đêm qua , chị ôm cô ngủ , chị nói , chị thương Thu Mỹ lắm , thương từ lúc cô mới vô đoàn , mười sáu tuổi đầu mà khuôn mặt đã già đi , dày dạn như con San của chị . Chị thương Thu Mỹ vì thấy cô giống hệt chị hồi đó , nồng nhiệt , tự tin , với tấm lòng trong trẻo tưởng rằng có thể thâu tóm được đất rộng , trời cao . Lúc nào cũng khao khát vinh quang nhưng không biết rũ bỏ nỗi đau riêng để hết mình trên thánh đường sân khấu . Chị nói chắc chị thôi nghề hát , về nhà làm con của má , làm má của con . Mặc dầu làm má khó hơn nữ vương , nữ tướng nhiều .
Nhất là với con San của chị , mười tám năm rồi mà vẫn dạ sắt lòng đinh . Vừa về tới , dựng cặp chèo ngoaì hàng ba , nó cười , nói cái câu người dưng hay nói với người dưng :
- Ủa , chế mới về hả ? Hồi sáng này em nấu nước , nghe lửa cười , biết thế nào cũng có khách , hỏng dè là chế .
Chị nghe niềm vui như ngọn đèn vửa bị thổi chao ngọn , San ơi , má là khách sao , má là khách à , con ?
Chị chụp đứng dậy , bảo để chị đi nấu cơm chiều . Chị trầy trật nhen lửa , làm cho cả gian bếp ngoi ngóp khói . Bốn mươi tuổi đầu , chị phải tập làm đứa con hiếu thảo , làm một bà má giỏi giang bằng nồi canh chua bông súng , mẻ cá rô tôm tích kho quẹt này đây .