Bến cảng Le Havre - Pháp - đêm mùng 8 tháng Mười một năm 1992 tối đen như mực. Một bóng người cũng đen như mực cắm đầu chạy thục mạng suốt chiều dọc tuởng như bất tận của bến cảng. Đó là Cudjoe 22 tuổi, người Ghana, tuy đã gần lả vì đói, vì khát và trên tất cả là vì khiếp sợ, vẫn cố chạy hòng thoát khỏi thần chết đang rượt đuổi anh ta. Vừa chạy vừa la thất thanh "Cảnh sát! Cứu tôi, cảnh sát!" Mãi mới gặp được một người giúp đưa tới đồn cảnh sát gần đó.
Cudjoe có ý định di tản khỏi nơi anh phải oằn lưng cõng những bao ca cao nặng trĩu suốt mười tiếng đồng hồ mới kiếm nổi 20 frans, mong tới những nước giàu kiếm tiền gửi về nuôi vợ đang sắp sinh đứa con đầu lòng. Ngày 24 tháng Mười, đứng trước con tàu đồ sộ đang ăn hàng ca cao với giá rẻ mạt của quê hương anh để chở đi châu Âu, ý định của Cudjoe càng cháy bỏng. Tàu treo cờ một công ty Cameroun khiến anh ta đỡ nghi ngại về cái tên Ăng-lê của nó, cờ hiệu là của Bahamas nổi tiếng giàu sang, thủy thủ đoàn nói thứ tiếng lõm bõm như tiếng Nga, càng khiến anh yên tâm... Đang cõng bao ca cao thứ mấy mươi bước xuống hầm tàu, bỗng Cudjoe đụng phải một anh chàng cũng đen đúa xác xơ y hệt mình, nhưng là nguời Cameroun. Một chàng lậu vé. Hai người trao đổi ngắn gọn:
- Cậu làm gì dưới này vậy?
- Không... không...
Gã kia bỏ chạy, hồn vía lên mây. Nhưng bị Cudjoe đuổi kịp:
- Xuống tàu từ hồi nào?
- Từ cảng Douala.
- Ngày mấy?
- 16 tháng Mười.
- Tàu này đi đâu?
- Hambourg, nước Đức.
- Thế cậu đi đâu?
- Paris, có thằng con ở đó.
- Cậu làm cách nào khéo vậy?
Chàng Andues giải thích: thu vén hết tài sản được 300 mác, thủ ít bánh mỳ, ít nước uống chờ đến tối tót lên nóc chiếc contener và nằm thu lu trên đó. Từ sáu ngày nay đã vượt đại dương trong bóng đêm hầm tàu, ăn uống cầm hơi bằng số lương thực ít ỏi mang theo, đi vệ sinh vào vỏ đồ hộp, không cụ cựa, không gây một tiếng động nhỏ. Chờ tới đích sẽ thừa cơ nhảy xuống bến cảng, trà trộn vào giữa đám người di tản bất hợp pháp. Andues biết nhiều người đã làm thế, để có tiền gửi về giúp vợ con ở quê nhà.
Sau bữa đó, Cudjoe về bàn với em tai Albert mười chín tuổi. Hai anh em giấu mẹ, lặng lẽ gom nhặt mọi khoản được 2.600 đô tiền công bốc xếp ăn nhịn để dành bấy lâu. Cudjoe rỉ tai vợ, anh sẽ ở lại Châu Âu chừng một hai năm, sẽ gửi tiền về, sẽ trở lại quê nhà sau khi giàu có hơn, chí ít cũng đỡ nghèo hơn. Nhất thiết phải tạm xa rời vùng bờ biển vàng này, nơi chỉ tặng vàng cho những ai ai, đâu có tặng cho mình!
Nhiều bạn bè công nhân bốc xếp cũng bùi tai nhập bọn, Emmanuel 25, John 23, Charles 25, Ebenezer 25, Bob cũng 25 và Ebow mới 17. Tất cả đều là những thanh niên trẻ khỏe, đứng đắn, không đòi hỏi gì hơn là có công ăn việc làm tử tế, được trả công đủ nuôi sống bản thân và gia đình... Vậy là tất cả có chín chàng trai: Cudjoe và chú em Albert, sáu bạn trong đó có Quaicoa lận lưng mang theo được 100 đô và Alduse lẻn xuống tàu đầu tiên với 300 mác trong túi.
Chiều 24 tháng Mười họ xuống tàu. Tàu ăn hàng xong nhổ neo. Vượt đại dương theo kiểu này, thứ hành trang thiết yếu nhất là nước ngọt. Nhịn ăn dăm bảy ngày không chết nhưng nhịn uống vài ba ngày đã chịu không thấu. Vậy mà chia theo đầu người, cả bọn chỉ có mỗi người một lít dùng cho mười ba ngày nằm trên nóc container dưới tấm bạt phủ kín. Được đến ngày thứ sáu, nước dự trữ đã cạn. Phải lợi dụng đêm tối mò xuống lấy trộm nước đổ vào can. Sai lầm chết người từ đó mà ra. Đáng lẽ sau khi kiếm được nước phải lập tức trèo lên container núp dưới bạt, họ lại tranh thủ hít thở không khí thoáng đãng và dạo chơi vài bước cho đỡ cuồng cẳng. Bất chợt Cudjoe nhận ra sáu thủy thủ đang lặng lẽ bước tới. Chắc họ đã theo dõi từ khi bọn anh đang múc nước trộm. Hết đường trốn chạy!
Cuộc thẩm vẫn diễn ra bằng tiếng Anh. Câu hỏi đầu tiên: Từ đâu tới? Câu thứ hai: có tiền không? Cudjoe hiểu rằng họ sẽ trấn lột tiền của bọn anh coi như tiền phạt đi lậu vé rồi sẽ đuổi xuống cảng sắp ghé. Chuyến đi vượt biên nửa chừng đứt gánh. Dù sao, cũng không đến nỗi nào, sẽ tính đường xoay sở tiếp... Tốp thủy thủ ra lệnh gom hết tiền bạc mang theo, chờ sáng sẽ nộp cho sếp.
Sáng, rồi chiều, rồi đêm vẫn không thấy ai hỏi han gì. Như tuồng không có chín người này trên con tàu đang lặc lè chở ba ngàn tấn ca cao giữa biển khơi cách xa bờ biển Tây Ban Nha mấy chục hải lý.
Mãi tới 2 giờ sáng hôm sau nữa, sáu thủy thủ do sếp họ dẫn đầu mới tới thu tiền. Sếp nói tiếng Anh, lần lượt đút túi 2.700 đô của anh em Cudjoe và Albert cùng với 300 mác của Anduse. Rồi ra dấu cho chín người đi theo dưới mũi súng ngắn dữ tợn, tới chiếc thùng sắt to đùng, bắt cả bọn chui vào. Nắp thùng nặng nề sập xuống. Không lương ăn, không nước uống. Ba ngày trôi qua. Chín người vẫn co quắp trong thùng kín như bưng, tuy không được ăn được uống nhưng vẫn có chất thải ra bê bết lên người nhau. Không hiểu sao, sau ngày thứ ba, tức mùng 3 tháng Mười một, bỗng có ai ném xuống ba chai nước. Hy vọng dâng lên trong đầu chín chàng khốn khổ. Họ cho nước, dù chỉ nhỏ giọt thôi, cũng ngụ ý không định giết chết chúng mình... Một ngày đêm nữa trôi qua. Chín người vẫn hy vọng... Nhưng họ đã lầm. Bọn thủy thủ chờ họ kiệt sức hẳn mới ra tay cho chắc ăn hơn. Sáu tên da trắng lực lưỡng thịt cá bia rượu đầy bụng đối đầu chín gã da đen khát mềm người, tinh thần hoảng loạn, nhưng biết đâu đấy!
Tên chỉ huy ra lệnh: Từng đôi, từng đôi một ra khỏi chiếc chảo sắt qua cầu thang gắn bên sườn chảo. Mong sớm được hít thở không khí tự do, ba người vội vã theo chân nhau trèo lên boong. Mười phút sau, hai người nữa ra khỏi chảo, rồi hai người tiếp theo. Cuối cùng chỉ còn lại hai anh em Cudjoe và Albert. Cudjoe trèo lên thang sắt, ngửa cổ nhìn và thấy tên thủy thủ đang chờ mình trên boong mặc chiếc áo sơ mi loang lổ máu đỏ lòm. Anh cúi xuống bảo em bằng tiếng mẹ đẻ:
- Cẩn thận, có thể chúng giết chết mấy cậu kia rồi. Lên tới boong, đưa mắt nhìn quanh cả hai đều không thấy các bạn đồng hành đâu. Và bị đẩy ra mũi tàu. Bất thình lình Cudjoe bị một đòn sau ót. Anh gục xuống, đầu tuôn máu xối xả, rồi cố gượng dậy chạy bừa trên boong. Nghe sau lưng tiếng em mình rú lên:
- Nó giết em, Cudjoe!
Cudjoe quay lại, thấy rõ hai tên da trắng nâng bổng Albert qua lan can tàu rồi ném thẳng xuống biển. Anh tiếp tục chạy bán sống bán chết, nghe hai phát súng bắn đuổi theo càng chạy thục mạng, chui được xuống hầm tàu tối đen, trèo đại lên một container dưới tấm bạt phủ hàng, co mình nằm im. Trước mắt vẫn nguyên vẹn cảnh tượng chú em Albert mười chín tuổi bị ném xuống biển như một giỏ rác. Trong tốp chín người đi tìm miền đất hứa, chỉ còn lại một mình Cudjoe nằm với nỗi kinh hoàng thót tim giữa những luồng gió lùa giá buốt, giỏng tai nghe mọi tiếng động quanh mình. Bọn sáu tên đang lùng sục, luôn mồn la hét những tiếng Cudjoe không hiểu. Đôi lúc ánh đèn pin quét qua quét lại trên dãy container anh đang nấp. Anh càng bám thật chắc vào tầm bạt, nằm thật im. Không động đậy, không thở. Không tồn tại. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, lũ hung thần cố công sục sạo trên tàu, thay phiên nhau tuần tra trên boong. Nhưng Cudjoe vẫn nằm im tại chỗ, dán chặt vào chiếc container. Không ăn uống ba ngày liền, gần bốn ngày cũng nên. Chỉ làm một việc duy nhất: cầu nguyện. Cudjoe là người ngoan đạo, tin Chúa đã cứu mình thoát chết hẳn sẽ bảo toàn tính mạng cho anh. Vả lại, cầu nguyện thì đỡ sợ, dễ nhịn hơn khỏi nhảy mũi và tăng niềm tin. Anh biết: Nếu bị chúng tóm được, cái chết của anh còn muôn phần thê thảm, muôn phần ghê rợn hơn cái chết của tám người kia. Vì anh là kẻ duy nhất sống sót, là nhân chứng duy nhất có thể tố cáo chúng trước công lý.
Sang ngày thứ Tư, từ chỗ núp Cudjoe nghe tiếng máy tàu giảm tốc. Rồi tắt hẳn. Lúc này đã gần nửa đêm, cuộc hành trình của con tàu có lẽ đã tới đích. Mà cũng có thể bọn hung thủ dừng tàu ngoài khơi một bến cảng nào đó để lùng sục càn quét khắp tàu một lần cuối thật kỹ hòng tóm kẻ sống sót trước khi vào bến. Lại cũng có thể cho rằng chúng dò chừng Cudjoe quá hoảng hốt đã liều mạng nhảy xuống biển vào một lúc nào đó rồi nên chúng yên chí đưa tàu cập bến...
Cudjoe nán đợi xem sao. Xung quanh vắng lặng hẳn, nguy cơ bị lộ nếu gây tiếng động càng tăng. Ba giờ sau anh mới thò đầu ra đảo mắt nhìn quanh. Không một bóng người. Anh rón rén tụt xuống chân container. Chắc hẳn tàu đã neo đậu tại bến, vì không thấy nó lắc nữa. Nhưng đây là bến nào? Anh không rõ. Có thể là Hambourg, như anh bạn Anduse hồi trước đã nói. Làm sao ra khỏi hầm tàu bây giờ? Trong hầm bịt bùng kín mít, có một lối ra duy nhất thì lại ở tít trên cao. Suy tính một lát, Cudjoe chui vào trong một chiếc cần cẩu, rồi cứ theo đó leo lên, leo lên nữa, cuối cùng thấy mình ngồi chót vót trên cao, cách mặt boong chừng hai tầng lầu. Chẳng còn cách nào khác phải nhảy thôi. Anh nhắm mắt nhảy đại. Các khớp chân hầu như bị trật hết khi anh rớt xuống. Sau đó, anh bò, bò, kiếm chỗ núp kín. Lát sau, khi đã đỡ đau, Cudjoe lại bò ra lan can thành tàu. Nhìn xuống cầu cảng sâu sâu phía dưới, lại nhắm mắt nhảy lần nữa. Rồi chạy... chạy thục mạng... Chạy nhưng không biết đây là cảng Le Havre bên Pháp. Cứ cắm đầu chạy trong đêm tối, dọc theo những con tàu hình thù ma quái, dữ tợn, tưởng chừng như sắp vồ lấy anh. Chạy như vậy suốt năm kilômét mới thấy loáng thoáng có bóng người phía trước. Gần như đứt hơi, nhưng Cudjoe thu hết sức mình la to, kêu cứu, gọi cảnh sát...
Ác mộng chấm dứt. Bọn hung thủ không đuổi kịp người sống sót của cuộc thảm sát giữa đại dương. Lần đầu tiên cảnh sát Pháp có được nhân chứng để ra tay. Từ lâu nay, họ thu lượm đã khá nhiều lời đồn đại về bọn cướp biển vẫn tống tiền, trấn lột những người di cư bất hợp pháp rồi ném xuống biển. Nhưng chưa bao giờ nắm được bằng chứng trong tay. Tất nhiên, vì mọi bằn chứng đều nằm sâu dưới đáy đại dương. Câu chuyện của Cudjoe tường thuật tuy làm các cảnh sát viên kinh hoàng nhưng họ buộc phải tin là có thật, không phải chuyện bịa của một gã mất trí: trên đầu nạn nhân có vết thương. thể trạng hoàn toàn suy kiệt, những chi tiết rất cụ thể rõ ràng. Và anh ta cam đoan sẽ nhận diện đúng sáu hung thủ đã sát hại các bạn. Anh đã đối mặt với chúng khi chúng nhăn nhó mỉa mai “lũ mọi nhảy tàu", xét túi anh lấy tiền. Đã giỏng tai nghe chúng thúc giục nhau, gắt gỏng khi sục sạo trong hầm tàu. Và đến chết vẫn không quên bộ mặt ghê tởm của thằng bận chiếc sơ mi loang lổ máu đứng trên cửa hầm tàu nghiêng ngó cái đầu chó đẻ kêu bọn anh lên từng đôi một để ném xuống làm mồi cho cá mập. Cánh sát đường biển kiểm tra lời khai của Cudjoe. Thủy thủ đoàn trên thương thuyền gồm hai mươi bốn người dưới quyền thuyền trưởng Vladimir 57 tuổi. Thuyền phó Valery 31 tuổi chính là sếp của nhóm năm thằng giết người. Khám xét chiếc tàu là chuyện không dễ dàng. Nó treo cờ hiệu của Bahamas, chủ nhân là người đảo Sip, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn là người Ucraina, chở hàng thuê cho Camoroun và Gana đang đậu trong cảng của Pháp. Phải vận dụng bộ luật về chống cướp biển mới nhất của Pháp được ban hành ngày 10 tháng Tư năm 1825. Và phải xin lệnh của một loạt nước liên đới.
Cuối cùng mọi thủ tục cũng thu xếp xong. Khám tàu, cảnh sát thu giữ 2.700 đô và 300 mác của các nạn nhân bị trấn lột. Ngoài ra còn có một số quần áo và dưới khoang hầm mà Cudjoe tưởng là cái chảo sắt khổng lồ có nắp kín, cảnh sát tìm thấy nhiều dấu viết của cực hình mà Cudjoe và các bạn đã chịu đựng. Trên boong tàu, từng quãng lại có những sợi dây thép căng là là mặt sàn nhằm đánh bẫy kẻ sống sót nếu anh ta mò ra khỏi nơi ẩn nấp. Nhưng lũ hung thủ một mực chối. Chúng khai: cả tám hành khách lậu vé có lẽ vì sợ hãi, vì thất vọng hoặc vì mất trí sao đó nên đã tự ý nhảy xuống biển. Cả thuyền phó và năm tên thủy thủ đều cam đoan đã ném những tấm ván để mong cứu vớt họ... quanh co mãi, sau hai mươi bốn giờ thẩm vần riêng từng tên, chúng mới thú nhận đã bắn chết hoặc dủng gậy sắt đập cho ngất xỉu rồi ném xuống biển tám người. Riêng Albert xấu số hơn khi bị lăng qua thành tàu anh vẫn còn sống.
Trả lời câu hỏi chất vấn tại sao không tôn trọng luật đi biển là phải tiếp nhận và đảm bảo an toàn cho hành khách đi trên tàu dù là hành khách lậu vé, chúng đáp: “Quen làm như vậy rồi". Thì ra bọn thủy thủ - hung thủ này đã quen làm như vây: phát hiện ra có người đi tàu "chui" là chúng ném xuống biển. Và không quên lột trụi món tiền còm của những kẻ lữ thứ khốn cùng. Lý lẽ chúng đưa ra để tự bào chữa: không thanh toán họ theo cách đó, chúng sẽ bị phạt tiền. Vì chủ tàu sẽ bị truy tố nếu chứa chấp hành khách bất hợp pháp, sẽ phải nộp phạt, và chủ tàu sẽ bổ khoản phạt vạ ấy xuống đầu thủy thủ. Chúng khai: chuyện này đã từng xảy ra, chủ tàu đã trừ lương thủy thủ đề chi cho khoản phí hồi hương những kẻ đi chui, di cư phi pháp. Động cơ phạm tội là như vậy. Nghe chúng khai cung, ai mà không rùng mình lạnh xương sống? Thế luật rừng này đã ném bao nhiêu sinh mạng xuống đại dương? Năm tên thủy thủ và tên thuyền phó bị tam giam chờ ngày ra tòa vì tội "cố ý giết người".
Thuyền trưởng cũng phải theo vào vì tội tòng phạm với bọn sát nhân. Tuy không trực tiếp nhúng tay, không ra lệnh giết nhưng biết trên tàu có chín người đi chui, và khi được thuyền phó báo cáo, thuyền trưởng đã bảo hắn: "Giải quyết đi”. Bước dự thẩm gặp nhiều trở ngại phức tạp vì hầu hết các quốc gia liên can kể cả Ucraina đều chưa ký kết với Pháp thỏa hiệp về xử lý nạn cướp bóc và giết người trên biển cả. Thành thử Cudjoe tuy thoát khỏi cơn ác mộng khủng khiếp trên con tàu vượt biển. lại chìm trong mớ bòng bong những thủ tục pháp lý quốc tế rối rắm, trong tay không một xu nhỏ, không giấy tờ tùy thân, không việc làm... Một cơn ác mộng mới, không biết bao giờ kết thúc.