Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đổ Rồi Góp Lại Còn Chi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 584 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đổ Rồi Góp Lại Còn Chi
Ấu Tím

Khi tất cả đã trở về yên ắng, những tờ hóa đơn từ văn phòng luật sư không còn gởi về nữa, những giằng xé chia chác đã xong, căn nhà còn lại không gian trống rỗng, là lúc nghĩ lại, là lúc hiểu chả ra sao cả, chẳng là gì cả. Ý nghĩa về sự chia tay cũng không có, cạn tàu ráo máng cũng chẳng phải, chỉ là cho bõ ghét, cho biết tay.
Để chẳng còn gì, chẳng còn gì.

Chiều đang xuống, bóng hoàng hôn ngả dần, màu của mây hồng phơn phớt pha vài dải trắng đục, xanh, đen, trộn tất cả lại thành màu tím thẫm, màu cẩm, màu thênh thênh buồn, cái buồn lạnh lẽo tẻ nhạt. Cánh cổng im ỉm đóng, thớ gỗ cũ đậm màu xỉn mốc, không có lớp sơn nào bao bọc, để chống chọi với thời gian. Chiếc chuông đồng không còn óng ánh mượt mà, chả còn ai nghĩ đến chuyện đánh bóng cái chuông đó nữa, nó chỉ làm một việc bật lên tiếng leng keng khi có ai bên ngoài, nắm vào cái khuyên, cũng được làm bằng đồng mà kéo. Cái khuyên vừa đủ cho một bàn tay nắm, để giật sợi dây, nối với chiếc chuông nằm giấu bên trong cánh cổng.

Người đàn bà ngồi dõi mắt nhìn đám mây thênh thênh buồn ấy. Nếu không có những sự việc chồng chéo đã xảy ra, giờ này bà không ngồi nhìn mông lung như thế, cái bếp đang lao xao lửa, nồi cơm điện đã chín, bữa cơm đã xong. Món xào, món mặn, món canh, ba món bắt buộc không thể thiếu trên bàn ăn, dù nhiều hôm chỉ là một tô mì gói, đổ đẫm nước sôi, trang điểm thêm vài nhánh rau xanh làm dáng.
Câu chuyện không đầu đuôi theo buổi chiều đang tan, lúng liếng nhảy múa trong cái bóng của chiếc phong linh làm bằng kim loại, rọi lên bức tường trước mặt. Căn nhà nhỏ khuất trong góc một khu cư xá xinh xắn, chiếc cổng kề với bức tường xây, ngăn tiếng động xe cộ ồn ào giờ đi làm và giờ tan sở, còn lại là sự im ắng vô tình.

Tình đầu hay tình cuối bây giờ chẳng còn gì để phải thắc mắc, một thuở tóc thả thề hứa đã tan, bây giờ tóc phai lời hứa thề cũng mãn. Chẳng còn thần thánh nào níu kéo lại được linh hồn héo rữa, chẳng còn thiên đàng địa ngục nào, khiến phải thèm muốn hay sợ hãi để lánh xa. Địa ngục đã ngay trước mặt, trong cõi cô đơn bóng tối không cùng.
 
Ngạc đã ra đi, căn phòng màu vàng nhạt, úa rũ mùi ẩm mốc lạnh tanh. Chiếc bàn viết bằng gỗ bồ đào màu đỏ có vân đen bóng, chiếc ghế dựa thờ ơ quay mặt ra cửa sổ,  khung cửa là một tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, những thanh sắt mỏng được uốn thành hình vầng trăng khuyết, lơ lửng treo trên nhánh lá trúc, cũng được làm bằng sắt. Khung cửa sơn đen, chiếc màn voan mỏng tanh màu khói hương bay nhẹ khi gió lùa vào. Ngạc yêu nghệ thuật, yêu những chi tiết chi ly hài hòa, cũng như Ngạc yêu đàn bà, những mùi phấn hương khác biệt luôn kích thích nơi anh sự tìm kiếm.
 
Hai mươi tám năm, sau ngày ký hôn thú trong tòa án quận hạt, tờ giấy xác nhận hai người đã trưởng thành tự nguyện sống chung với nhau, chia thịnh vượng cùng gian nan không điều kiện, cũng đã được hủy bỏ tại tòa án quận hạt.
Hai mươi tám năm trước, Ngạc lúng túng trả lời “I do” trước mặt ông tòa người ngoại quốc to lớn vạm vỡ, bộ râu quai nón che bờ môi mỏng, lúng túng lồng chiếc nhẫn vào ngón tay Ý. Lần này văn phòng luật sư hoàn tất thủ tục ly hôn, đương đơn và bị đơn chẳng cần làm gì cả, giấy tờ có đóng dấu ký tên. Xong.
Xong một đoạn đời.

- Ý ạ, không có em anh sẽ không sống được, trời mây có nhau, cỏ cây có nhau anh phải có em.
- Tại sao là em?
- Em hiểu anh.
- Hiểu điều gì?
- Hiểu điều anh muốn em hiểu.
- Thí dụ!
- Anh cần em.

Và rồi, ‘anh chẳng cần em’ những đi về bất chợt, những mùi thơm dị thường, sợi tóc lạ vương vất, màu son môi bất kỳ. Chỉ một điều không thay đổi là sự ngọt ngào âu yếm, tay choàng vai gối khi ngả lưng nhắm mắt, mùi mồ hôi hăng hăng, lẫn mùi dầu điệu đàng sau khi tắm, mùi của thông.
Tình yêu xác thịt hay tình yêu của trái tim, Ý không là người của nghiên cứu, cũng không thích phân tích tâm lý, chẳng là thượng đế để biết xác thịt trước hay trái tim trước, hai điều lẳng nhẳng lằng nhằng, ghen tương bóng bẩy, rồi lại hai nên một sau vài câu cãi cọ nhẹ nhàng.
-  Mùi chanel. 5 không phải của em. Ai?
- Chẳng ai cả, con bé bưng cà phê tẩm nước hoa, hương của em hữu xạ.
Anh nhẹ nhàng ôm Ý vào lòng, cụng nhẹ vào trán, hai đầu mũi xoa nhẹ nhau, nói tiếp:
-  Anh yêu em từ mùi hương của sả, hương của cỏ, hương của lá rau mùi, thèm hương em cuối ngọn gió, mê hương em đêm thần thánh thâm sâu.
Lời nói không mất tiền mua, để con tim thua thân xác, để người đàn bà thành con giun dại dột dưới sáu tấc đất đào bới hang hốc tình yêu chia năm xẻ bẩy, xem cái hốc nào là phần của mình.
 
Người đàn bà tên Ý là thế, tôn trọng nghĩa vợ tình chồng, ‘đàn ông thê thiếp bảy ba, đàn bà gom cả thế gian thờ chồng’  giống mẹ, người vợ lẽ thứ ba của ông thầu khoán có sáu bà vợ.  Vợ cả mang trầu cau xin cưới vợ lẽ cho chồng, các bà sống cạnh nhau trong khu phố riêng biệt, có tường cao, cổng kín, gồm tám căn nhà hai tầng do ông xây dựng, những căn nhà không có bếp. Căn bếp chung thật to có lối đi lát gạch tàu ngang gần hai thước, dài hơn năm thước, băng ngang qua chiếc sân rộng, có lợp mái che tạo thành hình chữ U nối vào căn nhà cuối dẫy hướng tây, được ông cụ dùng làm phòng ăn cho cả gia đình, khi có ông hiện diện. Không có ông, các con ăn cơm với mẹ ruột trong gian nhà riêng của mình. Cái bể gạch chứa nước mưa cao ba mét, bề rộng hai mét, bề ngang nhỉnh hơn bề cao cả thước, sừng sững một góc sân hướng đông, khuất sau nó là chiếc sàn nước to, tráng xi-măng là nơi giặt giũ phơi phóng. Thuở vừa lớn, hình ảnh những chiếc tã vải màu trắng, hình tam giác bay phất phới, bên những chiếc chiếu hoa cạp điều đập vào trí óc non nớt của Ý hình ảnh sự sinh sản của cỏ gà, nơi nào chúng cũng mọc lên được, cái đầu mạnh mẽ của cỏ là đồ chơi thú vị cho Ý và các anh trai, sau này nó truyền xuống các em. Chiếc sân chơi đầy cỏ gà len lỏi vào các luống rau, chậu hoa, Ý hái cả nắm rồi chia phe, quất ngọn cỏ gà qua lại, cho đến khi cái đầu gà bị rụng.  Phe bị thua uất ức khóc, chạy đi mách mẹ, lúc ấy cái sàn nước thành nơi xử phạt, các bà mẹ bênh con sẽ nói chuyện với nhau. Lũ trẻ khóc xong lại hòa, cái sân rộng lại vang vang tiếng đùa vui thân thiết giữa những đứa trẻ cùng cha khác mẹ.
 
Trong cơ ngơi bề thế ấy, khi có mặt  của chồng, của bố, nhà bếp là nơi xôn xao nhất. Lên mười tuổi, Ý đã được các bà mẹ cho phép dọn cơm. Cảm giác vừa lo lắng, vừa thích thú vì mình quan trọng hẳn lên với tô thức ăn còn bốc khói trên tay, đi  từ tốn ngang qua bức tường hoa thiên lý mẹ nàng trồng, phân chia sân chơi và lối đi, trong khi các em phải ngồi im thẳng thắn hai bên chiếc bàn hình chữ nhật với bố. Lần đầu dọn bàn ăn, bố khen: “Con gái có khác.” Con trai không ai đươc bén mảng vào bếp, ngoại trừ chạy vào xin thêm thức ăn mình thích, ngay cả bố cũng thế.
Buổi chiều sau bữa ăn, ông bố thường ra ngồi trước hiên hóng gió, mẹ Cả ngồi bên cạnh, Mẹ của Ý ngồi kề bên, Mợ Hai ít chuyện thường ở trong nhà đan lát, Mợ Tư lăng xăng nấu chè, làm bánh, cho chồng uống trà, cho lũ trẻ ăn vặt, nên thường trụ trong bếp nói vọng ra. Vắng mặt Mợ nào thì lý do ở cữ là thường nhất.
Ngôi nhà riêng của ông bố, căn thứ ba từ hướng mặt trời mọc đếm qua, là nơi Ý hay mon men lẻn vào, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây tròn hàng giờ để đọc sách. Ông cụ thích sách, những quyển sách tiếng Tây, đến sách tiếng Nôm đóng gáy da chữ mạ vàng chất trong chiếc kệ cao gần đụng trần nhà, cả bộ truyện cuả nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” Khái Hưng - Nhất Linh - Thạch Lam không thiếu. Sách hình, màu sắc tuyệt đẹp ông xếp dưới tầng thấp nhất cho các con vào đọc. Dáng ông cao to, giọng nói sang sảng. Ông chẳng hề thắc mắc chuyện sáu bà vợ có ghen tương, có thù vặt nhau chăng, mọi việc đã có Mẹ Cả lo, từ tiền hàng tháng, đến chuyện nấu nướng chợ búa. Mẹ Cả hiền lành không bao giờ to tiếng, mà năm bà sau răm rắp nghe lời. Ý nhớ Mẹ Cả nói đã lâu lắm, ngày Ý vừa lớn, khi mợ Năm, mợ Sáu gấu ó nhau:
- Hai em ạ, ganh tị nhau được ích gì, đàn ông như cây gậy ăn mày, đụng đâu xâm đấy.  Đàn bà mình nương nhau mà sống, đã chấp nhận ông ấy, thì phải chấp nhận cái gậy quơ quào đủ nơi, chị thương các em, mang các em cùng về hưởng cái lộc ông ấy có, cho các con nó biết gốc rễ từ đâu, khỏe như ông ấy con vãi muôn nơi, không gom lại sợ mai hậu anh em cùng máu mủ lấy nhau không biết.
Thầu khoán thuở ấy giầu có muôn vạn, tiền bạc đếm không hết. Mợ Sáu trẻ hơn Ý vài tuổi, người miền Nam, ông cụ thầu công trình xây dựng  trường tiểu học, gặp cô giáo trẻ, không biết ông có ma lực gì mà cô dâng cho ông đời con gái không tiếc. Mẹ Cả nghe cô có thai, cùng mẹ của Ý xuống tận nơi xin cưới.  Trước ngày đón mợ Sáu về, Mẹ Cả dọn sang căn nhà đầu khu phố phía đông, nơi có bàn thờ tổ tiên ở tầng trên, không ở sát vách nhà với ông cụ nữa, Mẹ Cả lấy lý do mợ Sáu còn trẻ chăm sóc ông cụ dễ hơn bà.

Càng lớn Ý càng hiểu ra con người có nhiều sự chọn lựa,  trong các mức độ khác nhau, kẻ ham danh vọng, người thèm ăn uống, kẻ mê man sắc, người khao khát tiền, sự trao đổi qua lại giữa những ham muốn này mà thành ‘khu phố tám gian’ tên người ta đặt cho khu nhà của gia đình Ý.
Ý không đọc được gì sau năm khuôn mặt phụ nữ nàng phải đối xử như đối xử với Mẹ ruột của nàng. Nhưng nàng đọc được từ Mẹ người mang nặng đẻ đau ra mình, một đời nhẫn nhịn, một đời câm nín, một dạ thèm thuồng chiếm đoạt cho riêng mình người đàn ông của chung. Nàng nghe tiếng thở dài, nghe câu thở than đau bụng ngày có tháng, cảm nhận hơi nóng cánh tay của mẹ choàng ôm ngang bụng đêm mưa lạnh, sau ngày đón mợ Sáu về, ắt hẳn bà đang đọc thầm tứ thơ  “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.” (1) Trước đó, mẹ chẳng thể nào giấu nàng ánh mắt như cười của bà, khi nàng từ trên gác bước xuống, bắt gặp cha mẹ cùng ngồi ăn sáng.
 
Ý đã từng ước ao vượt qua khỏi ‘bức tường tám gian’ khi nàng thành niên, đi thật xa để tránh người cha to lớn, to lớn đến nỗi thành sự sợ hãi, ngăn các con đến gần. Nàng không biết ông có nhớ hết tên các con ông đã đặt hay không, dù ông cố tình sắp xếp bằng một bài thơ cổ:

Lương Phong Khởi Thiên mạt,
Quân tử Ý Như Hà.
Hồng nhan Kỷ Thời đáo,
Giang hồ Thu Thủy đa.
Văn Chương tăng mệnh Đạt,
lị Vị hỉ Nhân qua.
Ưng cộng oan hồn Ngữ,
đầu Thi tặng Mịch La. (2)
 
Năm anh trai lớn cuả nàng Lương – Phong – Khởi – Thiên – Quân sàn sàn tuổi nhau, mẹ cuả Ý bảo: “Ông ấy không kiêng khem cho ai được cả!”  Kiêng khem là một trăm ngày sau khi sanh nở, người đàn ông thương vợ không được phép đụng vào sản phụ. Thuở ấy người ta sợ băng huyết, sợ hư tử cung, không tốt cho lần sinh nở kế tiếp, đây là lý do chính khiến Mẹ Cả phải cưới thêm các Mợ cho ông.
Ý là con gái đầu trong gia đình, nên được bố cưng, nhất là sau khi thi đậu tú tài một, ông bắt đầu nói chuyện với nàng nhiều hơn, đọc cho nàng nghe những bài thơ tình phóng khoáng ông dịch từ thơ Pháp, cùng luận bàn về những bài cổ thi. Trong tim ông có lẽ tình yêu không thể định nghĩa được, nó bắt nguồn không từ đâu, chỉ lúc châu thân rạo rực là khi tim ông cất lên tiếng đập nhiệt cuồng của nó. Ý không dám hỏi bố, tại sao trong tim ông cụ, có thể chất chứa nhiều đàn bà cùng một lúc như thế? Có khi nào ông nghĩ đến những người con gái của ông Ý – Như – Hà – Hồng – Thu - Thủy  cuả mình, phải chia sẻ một người đàn ông với những người đàn bà khác hay không?
 
Không hỏi, chẳng có câu trả lời, cho đến ngày người đàn bà tên Ý phải trông ngóng vòi või một mình trong bóng đêm tĩnh mịch, cách “khu phố tám gian” nửa vòng trái đất. Nghe tiếng chuông leng keng, bật mình chạy vội ra mừng đón, mùi đêm ẩm ướt mây vờn mãi trên cao. Chỉ là con mèo khát tình, chân bị vướng toòng teeng trên chiếc khuyên đồng. Những đêm ấy, chẳng cần lục lọi, mà những tờ giấy thảo trên chiếc bàn gỗ bồ đào của Ngạc lên tiếng trêu chọc:

Ôm như mây lạ ôm đồi
Khi trăng ngủ muộn ôm vùi bờ cau
Tựa vai ôm gối thêu nhàu
Ôm ngầy ngật giấc chiêm bao biếng lười
Trùm cơn ngủ lại, ôm môi
Nửa đêm vằng vặc, ôm cười rỉnh rang
Nắng trưa ôm trắng chiều vàng
Ôm mềm mại giấc bình an tháng ngày
Nằm ôm tóc nhớ đời dài
Ôm tay lo sợ nhỡ mai chẳng còn
Vội vàng ôm nụ hôn thơm
Rồi sau đi, ở? Ôm buồn vậy thôi.(3)
 
Hương như da thơm trong đêm vắng
Huyền như tóc rối dưới nắng mai
Em như đất trời muôn trùng gợi
Ta như ngày tháng cuống quýt trôi

Nằm ôm miệt mài sao vẫn nhớ
Ngồi hôn chất ngất cũng còn xa
Em biếc những tình ca lồng lộng
Từ xưa bát ngát một đời ta. (4)
 
Những bài thơ đề tặng tên tuổi một người đàn bà nào đó không phải là Ý, và Ý cũng chẳng hề quen biết. Thưở chưa cưới Ý đã được tặng những bài thơ ngồn ngộn đam mê ấy, bây giờ vần đắm đuối điệu si mê, đang lòn lách ra khỏi kẽ vợ, khe chồng sang cho người khác.
 Lỗi chẳng từ ai, có lẽ từ sự lạnh lùng thân xác bắt buộc theo thời gian phải xẩy đến cho Ý chăng? Nguyệt đã tận, chẳng còn trăng lên trăng xuống, chẳng còn nước đục nước trong, chẳng còn khi tròn khi khuyết, tất cả trở thành đường thẳng im lìm trên biểu đồ da thịt mỏi mòn. Nỗi đau đớn ngày mảnh xuân thì rách toang thế nào, thì nỗi đớn đau ngày xuân mãn, bị rạn nứt khô cằn cũng đau y như thế. Ý bắt đầu né tránh những vồ vập sau chuyến công tác dài trở về của Ngạc, nói cho chồng nghe điều riêng tư đang đến, những đau buốt châu thân, Ngạc chẳng màng lý đến, chỉ áp đặt kết tội tình yêu đã hết, chán chường dâng cao từ Ý. Thịnh vượng chưa kịp chia, gian nan đời người tội lệ gì mà Ngạc phải chịu, câu chuyện nhạt dần Ý chẳng buồn cất tiếng.
Không biết là may mắn hay bất hạnh, bao lần trái không kết, ngại đối diện sự thật cả hai đều né tránh bác sĩ chuyên khoa. Bây giờ nguyệt đã tàn, tình có tận cũng chẳng đáng chau mày.
Chẳng ai nói ra mà trong không gian đã giăng màn chia cắt, Ngạc xa nhà nhiều hơn, Ý khép kín nhiều hơn, chiếc bóng quen dần với mảng tường màu vàng nhạt, chiếc ghế da êm ái như vòng ôm nhiều lần Ý ngả đầu ngủ thiếp, tấm màn voan mỏng loay hoay với làn gió đêm, đôi khi làm Ý suýt chết ngất vì sợ, nỗi sợ cô độc.
Ý đã viết cho Ngạc tờ thơ, kèm trong chiếc phong bì di chúc, ngoài anh ra ai là  người thụ hưởng trực tiếp của Ý nữa đâu!

“Ngạc ạ,
Em chẳng cần gì nơi anh, ngoài một sự chở che ân cần. Anh đã không hề biết gì về gia đình em, “khu phố tám gian” một ông Bố và sáu bà vợ, mẹ em là người thứ ba. Từ thuở biết suy nghĩ về mình, về con người và tình ái, em ước ao mình không phải giống mẹ, tự mình phải đè nén, ngay cả giết hẳn đi cá tính thượng đế đã đặt để cho đàn bà là ghen. Cơn ghen không được phép phô bày giống như những con men làm bánh mì, qua một đêm nổi phồng bật tung cả nắp, giết nó đi những con men ấy biến thành rượu giấm chua.
Theo thời gian, chất cường toan ấy, đốt cháy ăn mòn con người mang nó, tràn qua khoé mắt không là dòng lệ, mà là nỗi nghiệt oan tiền kiếp. Người cha có hơn hai mươi người con, không để lại cho đứa con gái đầu lòng một trái trứng nào, có thể thụ tinh thành nguồn vui thủ thỉ. Người mẹ giết chết cơn ghen, để lại cho con gái đầy chất cường toan ngập ngụa cả lòng. Lý do tại sao miệng em không thể bật lên thanh âm ghen tức, em không thể cương quyết nắm níu giành giật anh, người đàn ông của mình, chỉ nghẹn ngào trong bóng đêm chấp nhận hẩm hiu.
Ngạc ơi! Đi đi anh, thế giới tràn đầy những bông hoa người chờ đón, em đến gần cuối đời mới dám đổ hết chất cường toan trong mình ra, bằng cách chấp nhận mất anh, để chẳng là gì, chẳng ra sao, chỉ cho thỏa cho thoát cái bóng trùm “khu phố tám gian” quá khứ . Sau cánh cổng sắt sơn màu xanh thiên lý, là sáu trái tim cạn máu ghen hờn, cung phụng người đàn ông, em phải cung kính gọi là Cha, người cho em hình hài, nhưng không cho em phần tinh túy bên trong.  Đàn bà không biết ghen không là đàn bà, sự thụ động là nét đẹp không hương. Định mệnh nào khiến em gặp anh, người đàn ông tìm kiếm tình yêu giống cha của em, có thể yêu cùng lúc hơn một người đàn bà!
Chất cường toan “không ghen” ấy, tưởng như dễ đổ đi mà không dễ đâu Ngạc! Nó đã kết thành ung bướu trong em, khối ung lấp kín khoang bụng nơi đáng lẽ được cưu mang mầm sống mới.
Em sẽ chết thôi, vì đã ký giấy không chữa trị chi hết, sau khi ký giấy ly dị. Thuốc giảm đau sẽ ngày một tăng cao liều lượng, xương sẽ mục, máu sẽ cạn, điều này Ngạc chẳng thể chia chác với em, ngay cả những buổi chiều ngồi ngắm bóng chiếc phong linh lúng liếng.
Khi ghen người đàn bà thích làm khổ người đàn ông cuả mình.
Ngạc ơi! Cho dù dửng dưng, anh hãy giả vờ khổ tâm, giả vờ than khóc cho em vui lòng nơi chín suối Ngạc nhé.  Khi viết thư này, em hiểu ra lý do em nằng nặc đòi ly dị anh, người đàn ông em thờ phụng cho bằng được.
Em hả dạ biết bao, cơn ghen cuối cùng đã được tuôn ra, trả uất ức cho cả Mẹ em bằng khuôn mặt đẫm nước mắt của anh, khi biết tin em chết."


 
Ấu Tím
Cuối Hạ 2008

 

Chú thích:
 
 
(1) Hồ Xuân Hương
(2) Dịch nghĩa: Thiên Mạt Hoài Lý Bạch-đỗ phủ - Nhớ Lý Bạch Ở Nơi Cuối Trời Trong lúc gió mát nổi lên ở nơi cuối trời, bạn có ý nghĩ ra sao? Biết bao giờ chim hồng nhạn mới tới đây? Sông hồ có nhiều nước thu. Văn chương thường ghét hạnh vận hanh thông, yêu quái vui mừng khi thấy có người đi qua. Lúc này chắc bạn đang trò chuyện với hồn oan của Khuất Nguyên, và ném thơ xuống tặng ở sông Mịch La.
Ghi chú :
Mịch La: tên con sông nhánh của sông Tương, nơi Khuất Nguyên tự trầm.
Ðỗ Phủ làm bài này trong mùa thu năm 759 , tại Tần Châu , trong khi Lý Bạch đang trên đường bị đi đày đến Dạ lang, qua sông Trường Giang và hồ Ðình Ðộng.
(3) Ôm Thơ Nguyên Nhân
(4) Chất Ngất Thơ Nguyên Nhân



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 462

Return to top