11. Cô “Múa Đẹp” của Kôngpông Thom Lúc ấy tàn quân Pôl Pốt đã bắt đầu rút vào rừng. Mặt trận biên giới Tây Nam khá yên tĩnh.
Tiếng súng chỉ còn rải rác trên đường đi và trong các phom. Chúng tôi đến bến phà Kôngpông Chàm thì bị tắc đường. Xe nhà binh nối thành hàng dài trên con đường đất vàng cháy. Dòng sông ở tận dưới sâu và đang rất thản nhiên trước cảnh ồn ào trên bờ. Chiếc phà nhỏ cũng thản nhiên đậu dưới bến, không quan tâm gì đến lượng xe cơ giới trên bờ.
Rồi đột nhiên nó tà tà, xình xịch rời bến.
Một chiếc Jeep từ đàng sau chợt vọt tới, nối theo là chiếc xe du lịch màu trắng. Những người lính Campuchia đứng trên chiếc Jeep la lối gọi phà dừng lại nhưng chiếc phà vẫn tà tà xa bờ.
Một chàng lính K nóng máu phóng luôn một quả M79 xuống sông, cột nước bùng lên chỉ cách chiếc phà có vài mét. Nó sợ quá. Dừng lại. Rồi quay vào bờ.
Đó là một cách “gọi đò” của quân đội bạn.
Chiếc Jeep hộ tống chiếc xe du lịch màu trắng xuống phà. Còn chúng tôi, mãi đến xế chiều mới qua được phía bên kia bờ. Nhưng mới đi được chừng vài cây số thì lại gặp một chiếc xe con chở một ông lớn Campuchia nào đó từ một ngã rẽ phóng ra. Nó vượt qua mặt những xe bộ đội Việt Nam, tung bụi mù mịt. Nhưng chỉ chạy được có một đoạn thì gặp một trạm gác do bộ đội Việt Nam kiểm soát. Cái cổng làm bằng một cây tre thô sơ chưa kịp giơ lên thì đã bị chiếc xe con lao thẳng vào, phá tan nát.
Mấy anh bộ đội gác cổng giận quá lên cò súng, chặn đầu xe lại. Bộ đội trên xe của tôi cũng nhào xuống đất, chạy đến tiếp ứng. Rất may là có một sĩ quan cấp tá của Việt Nam đến kịp. Mọi người rút về vị trí nhưng chiếc xe con vẫn chưa chịu đi. Nó nấn ná một lúc rồi mới từ từ lăn bánh.
Nhiều người nói:
"Mình tới đánh Pôl Pốt giúp cho nó mà nó cứ tìm cách gây sự."
Người sĩ quan khoát tay cho đoàn xe lên đường.
Điểm đến của chúng tôi là Mặt trận 479 ở Siem Reap nhưng chiều đó chúng tôi dừng lại ở Kôngpông Thom, một tỉnh vừa được giải phóng. Sáng hôm sau xe vẫn chưa đi, tôi tranh thủ làm việc với các cán bộ thanh niên của bạn. Tuy tôi không biết tiếng Campuchia nhưng những cán bộ trẻ của chính quyền bạn ai cũng biết tiếng Pháp nên chúng tôi giao tiếp với nhau không khó khăn mấy.
Sau buổi gặp ngắn ngủi ấy, có một cô gái đến gặp tôi và nói:
"Chào anh nhà báo. Anh có sẵn lòng gặp sếp của tôi không?"
Ngoại hình đẹp, cao, thon thả, thanh lịch. Tôi không thể nào từ chối một người như vậy.
"Sếp của cô là ai?"
"Trưởng Ty Thông tin tỉnh Kôngpông Thom."
"Còn cô là hoa hậu ở đây phải không?"
"Không. Tôi là phó Ty, tên tôi là Cheng Huor nhưng mọi người thường gọi tôi là “cô Múa Đẹp”
"Múa Apsara?"
Cheng Huor đưa hai tay ra phía trước, những ngón tay uốn cong. Và cười.
Ty Thông tin là một căn nhà mặt tiền gồm một trệt một lầu và một cái sân thượng. Trưởng Ty là ông Cheng Phon, tiếp tôi trên cái sân thượng đầy nắng, có che một mái hiên bằng tre. Có lẽ lúc ấy ông khoảng 50 tuổi, đầu hói, ăn mặc như một người nông dân Nam Bộ, cổ quấn khăn rằn. Trước thời Pôl Pốt ông là giáo sư của Viện Kịch nghệ Hoàng gia Campuchia. Bọn Pôl Pốt đã giết vợ con ông và ném ông về nông thôn cày ruộng. Gặp tôi ông rất mừng và rất thân tình. Ông nói:
"Nếu không có bộ đội Việt Nam thì tôi đã chết rồi. Cho nên bây giờ đây (ông bóp bóp cánh tay sạm đen của mình) cả máu và thịt này đây cũng là Việt Nam."
Chừng hơn một năm sau, cô Cheng Huor có sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp và có ghé nhà tôi chơi. Cô khoe với tôi là ông Cheng Phon đã lên làm Bộ trưởng Thông tin, còn cô lên trưởng Ty.
Tôi không hiểu việc quân như thế nào mà chúng tôi phải ở lại Kôngpông Thom thêm mấy ngày nữa. Xế chiều Cheng Huor rủ tôi về nhà chơi. Từ chỗ đóng quân của tôi phải đi bộ hơn bốn cây số mới đến nhà cô Múa Đẹp. Một căn nhà nhỏ, khá xinh xắn. Có vẻ trước đây là một gia đình khá giả.
"Chồng tôi là một kiến trúc sư tốt nghiệp bên Pháp. Anh bị Pôl Pốt giết khi chúng tôi mới lấy nhau hơn một năm."
Phòng khách đơn sơ, nhưng cái bếp thì thật rộng. Bộ bàn ăn đẹp, bày muổng nĩa như kiểu Tây. Nhưng Cheng Huor lại đãi tôi món cá xông khói kiểu Khmer.
Cheng Huor có nước da ngăm ngăm nhưng khuôn mặt tươi tắn và duyên dáng, quý phái. Nhất là khi cô múa quanh cái bàn ăn. Rất tiếc là không có nhạc. Vì cơn bão man rợ của Pôl Pốt đã cuốn đi tất cả những gì là văn minh của con người. Không một nhạc cụ, không một máy nghe nhạc, không một cuốn sách. Chỉ còn lại những ngón tay. Đôi chân thon thả và một thân hình uyển chuyển như con báo đen. Vũ điệu chợt làm dấy lên tiếng nhạc từ trong vô thức. Tôi tràn ngập hạnh phúc khi được thưởng thức một trong những vũ điệu đẹp nhất của nhân loại, một di sản văn hóa phi vật thể mà mãi đến năm 2006 mới được UNESCO công nhận và xếp loại.
Đó là Cheng Huor, nói tiếng Pháp như nước chảy mây trôi, múa đẹp như trong thần thoại.
Buổi tối Cheng Huor đòi tiễn tôi về nơi đóng quân. Tôi nói:
"Xa lắm. Không được đâu."
"Được mà. Vì trước đây sống trong trại tập trung của Pôl Pốt ở trong rừng, tôi rất thường đi trong đêm tối."
"Nhưng tôi không muốn lát nữa cô phải quay về một mình."
*
Cheng Huor và Đền Angkor, đền Ta Prohm là biểu tượng cho một nước Campuchia tài hoa, trầm mặc và vĩ đại.
Nhưng chiến tranh đã để lại trên xứ sở huyền thoại này những em bé bụng ỏng, trần truồng, đen đủi, ngụp lặn trong ruộng nước để tìm những con cá nhỏ, con nhái bén, con còng còm cõi.
Tôi đã đi dọc những cánh đồng mênh mông ngự trị bởi những hoang tàn, nắng cháy và hiu quạnh. Những đứa trẻ lạc lõng kia như từ đất chui lên, cặm cụi tìm kiếm, rồi mất hút trong bùn lầy.
Những khu chợ xổm rách nát, xiêu đổ, may mắn sống sót cạnh một ngôi làng lạnh lẽo. Buổi sáng tôi và mấy anh bộ đội đi tìm một cái gì đó để ăn.
Chỉ gặp ruồi nhặng. Và ruồi nhặng.
Ruồi bu quanh những cái miệng nhỏ. Ruồi xếp hàng dày đặc trên những ống tre đen đủi đựng nước thốt nốt, bày trên sạp tre.
Tôi bước vào cái chợ xổm rách rưới ấy. Ruồi bay quanh, tiếng đập cánh vù vù, tiếng kêu ong óng. Và những con người đen đủi gầy gò vẫn ngồi bình thản giữa ruồi nhặng. Đó là những cô gái trẻ mười tám, hai mươi tuổi, không buồn không vui. Họ bán những cái gì đó lụn vụn, cong queo, khô đét trên những cái mẹt tre, trên những lá thốt nốt to bản.
Và phở bò. Những cái tô lớn bị che khuất bởi ruồi. Và khi cô gái xua tay thì đám sinh linh đói khát ấy bùng nổ. Lộ ra hình hài một tô phở.
Tôi không thể ăn được một tô phở như vậy nên tôi chọn một ống tre đựng nước thốt nốt. Nhưng đột nhiên cô bán hàng nhỏ bé kéo từ dưới bàn chân đen đủi của mình ra một cuốn sách nhàu nát, bìa rách mất một góc nhưng tôi cũng nhận ra đó là cuốn Spartacus của nhà văn Howard Fast đã được dịch sang tiếng Pháp. Tôi hỏi:
"Em đọc được cuốn này sao?"
"Em không có gì khác để đọc."
*
Và tôi đã gặp một Campuchia khác ở Siem Reap. Đó là Đền Angkor.
Sáu trăm năm bị bỏ quên trong rừng sâu. Hoàng cung trở thành những hang hốc dành cho voi, hổ báo, khỉ và rắn. Tại sao người ta lại có thể bỏ quên một kỳ quan vĩ đại như thế trong suốt hơn sáu thế kỷ? Dân tộc Campuchia không hề biết rằng mình đã từng có một quần thể tác phẩm kiến trúc và điêu khắc hùng vĩ, lộng lẫy và uy nghi như thế cho đến khi một chủ đồn điền cao su người Anh lái chiếc máy bay thể thao ngang qua khu rừng đó và…
Đền đài hiện ra, như một tác phẩm của trời, không phải của người. Vì nó sừng sững, cao ngạo, thách thức trong câm lặng. Trong nắng hoàng hôn, những tảng đá đang còn mơ giấc mơ cung đình trong giấc ngủ dài từ thế kỷ thứ 12.
Nụ cười thiền của đá cứ phảng phất trên bốn mặt Bayon cao ngất. Đá xếp như rừng, ngút ngàn, sâu thẳm, ẩn giấu. Đá len lỏi theo những lối đi hẹp, những hành lang thênh thang chạm khắc vũ nữ. Nàng Cheng Huor của tôi đang múa trên một nền matière thô ráp của cổ thạch. Linga cao ngất ngưởng, phô trương sức mạnh truyền giống của mình, thách thức thời gian.
Nhưng Angkor lúc ấy vừa qua một cuộc chiến thảm khốc nên hoang vắng, lạnh lẽo, cô tịch. Chỉ có tôi, ba anh bộ đội của Mặt trận 479 và một anh thanh niên Campuchia dẫn đường tên là Ruck Komnik (có thể tôi viết sai chính tả). Không có du khách. Nhưng những cặp vú của các vũ nữ Apsara dọc theo hành lang thì tự lúc nào đã láng bóng do bàn tay người.
Có một lúc tôi định bước vào bên trong một tượng Bayon thì chạm mặt một xác chết. Người dẫn đường nói:
"Hôm trước ở Ta Prohm chúng tôi cũng mới chôn một cái xác."
Lần đó tôi không vào được Ta Prohm vì nghe nói vẫn còn tàn quân Pôl Pốt lẩn trốn ở đó. Phải đợi đến 24 năm sau, trở lại Siem Reap lần thứ hai tôi mới biết đến cái nơi mà nữ diễn viên Angelina Jolie đã đóng phim Tomb Raider (Bọn cướp lăng mộ).
Ta Prohm thâm u mà rực rỡ trong thứ ánh sáng kỳ ảo của rừng già, hốc đá. Ngay cả những phế tích cũng bừng lên vẻ đẹp huy hoàng của nó. Sức sống vĩnh cửu của các đường nét kiến trúc vẫn rạng rỡ trong những đổ nát. Và sự u ẩn, bí nhiệm của các mật thất cũng mang đầy nét hiện đại.
Tại sao một dân tộc có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật lớn như vậy mà phải sống trong nghèo nàn lạc hậu? Tại sao con cháu của các nghệ sĩ vĩ đại như thế lại sinh ra những con quái vật như Pôl Pốt, Iêng Sary giết hàng triệu người bằng cách đập đầu bằng cán cuốc?
Tại sao có Đền Angkor mà lại còn có nhà tù Tung-Sleng?
Những câu hỏi này cũng có thể đặt ra cho nước Đức, nước Trung Hoa. Tại sao có Beethoven, Einstein, Goethe… mà còn có Hitler? Tại sao một dân tộc lãng mạn tài hoa như dân tộc Đức lại đẻ ra một tên Hitler đẩy hàng triệu người vào những lò thiêu xác? Tại sao một dân tộc vĩ đại như Trung Hoa đã sinh ra Lão Tử, Trang Tử, Khổng Khâu, La Quán Trung, Tào Tuyết Cần, Tư Mã Thiên… lại còn sinh ra Bạch Khởi, Mao Trạch Đông, Tần Thuỷ Hoàng?
Vậy thì dân tộc Trung Hoa, dân tộc Khmer, dân tộc Đức… văn minh hay man rợ?
Hóa ra thiện hay ác, văn minh hay man rợ không phải do dân tộc. Mà do chính quyền. Chính quyền man rợ sẽ đẩy dân tộc mình vào sự man rợ.
Các nhà khoa học, những nghệ sĩ thiên tài như Beethoven, Goethe, Einstein, Trang Tử… luôn là những người sáng tạo ra trí tuệ và vẻ đẹp cho dân tộc mình và cho cả loài người. Cho nên nếu có giết tôi, tôi vẫn nói rằng những nhà khoa học, những nghệ sĩ bao giờ cũng cao quý hơn những nhà chính trị.
Những nhà chính trị họ giành chính quyền, họ giành độc lập nhưng rồi họ coi những thứ đó như chiến lợi phẩm. Và họ chia nhau. Dù núp dưới những chiêu bài tốt đẹp nào thì bản chất của sự việc, tự ngàn xưa, vẫn như vậy. Và lịch sử Đông, Tây, Kim, Cổ đã chứng minh điều đó. Ai không tin hãy đọc lại lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, kể cả Hoa Kỳ!
*
Sau chuyến đi Campuchia tôi trở về và phụ trách trang Văn - Xã của báo Tuổi Trẻ. Có thể nói đây là mảnh đất đã ươm mầm và nuôi dưỡng phần lớn những cây bút trẻ thời ấy.
Còn tôi, mặc dù có viết lai rai trước giải phóng nhưng chỉ thực sự bước vào nghề văn từ khi nhận giải thưởng văn học dành cho tiểu thuyết Giữa cơn lốc năm 1976.
Năm 1993, khi cuốn Nổi loạn của tôi ra đời, ba bốn tờ báo xúm lại “đánh” cả tháng chưa mỏi tay, chửi mấy tuần liền chưa mỏi miệng. Nào là đồi truỵ, nào là phản động.
Thực tình tôi không muốn nhắc đến cuốn sách đó vì nó đã gây đau buồn cho nhiều người, nhưng vì người ta đã xúm nhau đánh nó nên tôi buộc lòng phải chống đỡ để tự vệ.
Tôi chỉ xuất có một chiêu, nhưng vì chiêu đó do Lệnh Hồ Xung dạy tôi, nên đã hóa giải được tất cả.
Người tạo điều kiện cho tôi xuất chiêu là Đoàn Giao Thuỷ. Anh đã bay từ Paris sang gặp tôi để thực hiện một bài phỏng vấn dài 2500 chữ đăng trên báo Diễn Đàn Paris số 28 phát hành tháng 3/1994 tại Pháp.
Bài báo đó đã cứu tôi thoát khỏi cảnh tù tội bởi vì nó đã đánh động dư luận nước ngoài.
Sau đây là nguyên văn bài trả lời phỏng vấn ấy:
Chung quanh tác phẩm Nổi loạn
Trong sáu tháng cuối năm 1993, cuốn tiểu thuyết NỔI LOẠN của Ðào Hiếu đã nổi lên như một sự kiện văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong chừng mực nào đó: có thể gọi “vụ án NỔI LOẠN”, bởi vì đã có lời buộc tội đăng trên báo chí, cuốn sách đã bị tịch thâu và tác giả đã bị bắt giam và truy tố. So với các vụ án văn nghệ trước kia, đây chỉ là một vụ án nhỏ, song nhìn chung không có gì thay đổi về phương pháp của nhà cầm quyền dùng để triệt hạ một tác phẩm: tác phẩm bị kết án, tác giả bị đi tù, song tác giả không được quyền giải thích công khai về tác phẩm của mình. Chỉ có một điều là ở cuối thể kỷ thứ hai mươi này việc bỏ tù một nhà văn vì tác phẩm của họ không còn dễ dàng như xưa nữa!
Trong lần về thăm Việt Nam vừa qua tôi có dịp nói chuyện với nhà văn Ðào Hiếu cũng như nhiều người có thẩm quyền trong giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn về cuốn sách và các sự kiện chung quanh nó. Khi đó khả năng anh bị bắt giam đã được nêu ra. Trở lại Âu châu được tin anh bị bắt thật, tôi tự thấy có trách nhiệm giới thiệu những lời trao đổi với anh mà tôi ghi được. Như một chứng từ! Như quyền trả lời của một người bị buộc tội. Phải nói ngay rằng đây không phải là một phân tích về nội dung cuốn sách: xin dành phần đó cho bạn đọc hay các nhà chuyên phê bình văn học. Trước khi đi vào phần trao đổi, có lẽ cần nói đôi điều về tác giả cũng như bối cảnh của vụ án.
I. Tác giả: Ðào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh, tốt nghiệp Ðại học Văn khoa Sài Gòn năm 1972. Trước 1975 tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, viết văn với bút hiệu Biên Hồ, cộng tác với Bách Khoa, Ðiện Tín, Tin Văn. Hiện nay là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. NỔI LOẠN là cuốn sách thứ 14 của anh từ sau 1975. Tiểu sử Ðào Hiếu được ghi trong tuyển tập TIẾNG HÁT NHỮNG NGƯỜI ÐI TỚI.
II.Trao đổi với nhà văn: Ðoàn Giao Thuỷ (ÐGT): Trong hoàn cảnh nào anh đã thai nghén cuốn NỔI LOẠN?
Ðào Hiếu (ÐH): Trước nay tôi thuộc loại tác giả có sách bán ế nhất nước, có lẽ do tôi đã chọn những đề tài khô khan (Giữa cơn lốc, Người tình cũ, viết về phong trào sinh viên), hoặc vì tôi thích xây dựng nhân vật khác thường (Vua Mèo, Hoa dại lang thang, Kẻ tử đạo cuối cùng), hoặc xây dựng những truyện tình khác đời (Vượt biển, Trong vòng tay người khác, Nổi loạn), do đó truyện của tôi không gần gũi với độc giả bình thường nên sách bán chậm. Bây giờ thì người ta đổ xô nhau đi tìm...
NỔI LOẠN viết về một bi kịch của tình yêu và hôn nhân, một đề tài cũ. Cái mới nằm trong sự phát triển tính cách nhân vật trong bối cảnh lịch sử nơi xảy ra bi kịch này. Không có cuộc hôn nhân nào quái đản như cuộc hôn nhân mà nhân vật Ngọc trải qua. Ngọc đã bị bưng bít, cấm đoán và đàn áp. Thế là Ngọc nổi loạn: trong tình yêu, hôn nhân, trong gia đình và tình dục. Tại sao không? Hai mươi năm bị bưng bít thì nổi loạn trong tình dục là một phát triển tất yếu khi Ngọc có được một mối tình. Vài ba đoạn ngắn rải rác tả về quan hệ nam nữ là những đoạn tôi viết mượt mà và thơ mộng nhất. Tôi rất thích những đoạn này bởi vì chúng đầy ngẫu hứng, trong đó phải tinh tế mới thấy được tính nhân đạo của một sự hiến dâng trọn vẹn trong tình yêu.
ÐGT: Bới thế anh đã bị kết án là bôi lọ miền Bắc, xuyên tạc sự thật...
ÐH: Sự nghèo nàn lạc hậu và sự bưng bít của xã hội miền Bắc trong những năm 60-70 là một thực tế. Nhiều bạn bè miền Bắc đều cho rằng tôi đã viết rất thật. Xin nhấn mạnh: những người biên tập và duyệt in NỔI LOẠN là những nhà văn có tiếng ở miền Bắc.
ÐGT: Nhiều người cho rằng NỔI LOẠN là một “tác phẩm dịch vụ” chủ yếu để kiếm thêm chút tiền cho nhà xuất bản. Hình như tác giả không những bỏ tiền in mà còn phải trả tiền cho nhà xuất bản?
ÐH: Ai am hiểu về thị trường sách văn học ở Việt Nam đều biết rằng in tiểu thuyết trong lúc này là vì yêu thích văn học chứ không phải để kiếm lời. Rất nhiều nhà văn in sách để tặng bạn bè. Tôi vẫn coi văn học là một sản phẩm cao cấp. Sách của tôi đều bán rất chậm vì tôi không viết theo thị hiếu và phần lớn đều in ở những nhà xuất bản lớn có uy tín như Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Văn nghệ...
ÐGT: Trong NỔI LOẠN các nhân vật đều bế tắc ở đường đời, song nhân vật “thiện” là một sĩ quan cải tạo còn các nhân vật “ác” là các cán bộ đảng viên. Anh có ý thức đó là một sự khiêu khích với nhà cầm quyền?
ÐH: Thông thường nhà văn lấy một mẫu nào đó trong đời để tạo ra nhân vật. Nhân vật này hay nhân vật kia chẳng qua cũng bắt nguồn từ những cái mẫu ngoài đời mà thôi. Tôi không có ý khiêu khích ai cả.
ÐGT: Dường như Hội Nhà văn, bạn bè anh và giới văn nghệ không có phản ứng nào trước chiến dịch phê bình NỔI LOẠN?
ÐH: Bạn bè tôi thì nhiều; người yếu bóng vía thì hỏi tôi có ăn ngủ được không, bao giờ thì đi tù; họ xúi tôi trốn. Có người cho rằng tôi sẽ bị treo bút, bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn. Một số bạn bè miền Bắc thì không hiểu báo chí TPHCM làm dữ như vậy với mục đích gì, có ai đứng đằng sau muốn triệt hạ nhà xuất bản Hội Nhà văn chăng? Còn tôi, tôi đóng vai khán giả. Tôi ngồi hàng ghế dưới, hút thuốc lá và thỉnh thoảng vỗ tay!
ÐGT: Cách đây mấy năm ông Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sĩ hãy “tự cứu mình...”. Song có lẽ ai cũng vẫn còn sợ, thấy cô đơn và chỉ biết chờ đợi. Liệu anh có thể tiếp tục viết lách khi bị kỷ luật hay đi tù?
ÐH: Khi ông Linh kêu gọi văn nghệ sĩ “hãy tự cứu mình” hay “đừng uốn cong ngòi bút” thì đó là cách nói hoa mỹ để bảo văn nghệ sĩ hãy tuyên truyền tốt hơn cho chính sách đổi mới của Đảng... Trường hợp các báo Văn Nghệ, Sông Hương, Cửa Việt... thì chẳng qua các anh em ấy tưởng lầm là ông Linh nói thật, thế thôi. Tôi chưa hề viết một bài chống tiêu cực nào vì đó là trò trẻ con. Thật ngây ngô khi nghĩ rằng mình không uốn cong ngòi bút khi viết loại văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Thời đó tôi đã cho ra đời những nhân vật mang nhiều tính cách viễn mơ, chế giễu và quay mặt với cuộc sống quanh mình (Vua Mèo) hoặc cuồng tín một cách dễ thương, chết ngu ngốc và thánh thiện (Kẻ tử đạo cuối cùng), hay số phận đìu hiu của một trí thức đi theo cách mạng (Người tình cũ, Hoa dại lang thang). Tiếc thay, dạo đó người ta đổ xô tìm đọc văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Ðó là sự giải toả ẩn ức. Quần chúng luôn là đám đông tội nghiệp; họ nhẹ dạ và bị lừa liên tục. Nhà văn phải nói cho đám đông biết điều đó. Ðương nhiên là dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải viết. Tôi ghét chính trị và nghi ngờ cuộc sống nên các nhân vật của tôi cũng vậy.
ÐGT: Gần đây nhiều tác giả đã gửi các tác phẩm của mình ra nước ngoài để in vì không có nhà xuất bản trong nước nào nhận in. Anh có nghĩ rằng đây là điều cần làm?
ÐH: Ðó là một lối thoát cho những tác phẩm có giá trị. Luật xuất bản vừa được ban hành có quá nhiều điều cấm kỵ cho người cầm bút.
ÐGT: Có người cho rằng xã hội Việt Nam như một trại khổng lồ của những người bị bệnh tâm thần, luôn phải sống với sự nhân đôi nhân cách. Có cơ sở gì để hy vọng rằng xã hội Việt Nam sẽ tiến đến chỗ bình thường hơn, sống thật hơn với suy nghĩ và tình cảm của con người?
ÐH: Sống giả là hậu quả tất nhiên của một xã hội không có tự do tư tưởng. Con người sẽ sống thật hơn khi được tự do tư tưởng và khi nhiều mặc cảm tự ti được xóa bỏ. Nghĩ cho cùng, những người lên án NỔI LOẠN, ngoài động cơ chính trị và cơ hội, còn bị sự chi phối âm thầm của một mặc cảm nào đó về tình dục. Một người yếu về tình dục cũng như một nhà nước yếu về dân chủ và nhân quyền, thường chột dạ khi người khác nói về các điều này. Cần phải bồi dưỡng cho họ, dạy cho họ tập thể dục để họ mạnh mẽ, bớt mặc cảm, bớt chột dạ. Xã hội sẽ tự do hơn, dễ chịu hơn, thật hơn.
ÐGT: Anh đã tham gia nhiều năm trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Hơn hai mươi năm sau, bạn bè anh đang sống như thế nào?
ÐH: Năm 1988 tôi viết cuốn Người tình cũ. Nhân vật chính là một trí thức tham gia các phong trào cách mạng tại đô thị miền Nam trước đây. Ðó là một cuộc dấn thân lãng mạn, thi vị và đầy huyền thoại. Cuối cùng anh trở thành một người dân chài. Suốt đời anh đi tìm một lý tưởng và anh đã gặp sự cô độc ở chặng cuối cùng. Dĩ nhiên là có nhiều người trong phong trào sinh viên trước đây, hiện nay làm quan lớn. Ða số đều ăn cắp của công và đã tự đánh mất mình.
ÐGT: Nhiều người cho rằng Việt Nam đang thay đổi. Anh cảm nhận sự thay đổi này như thế nào?
ÐH: Sự đổi mới hiện nay ở Việt Nam là một sự đổi mới về kinh tế chứ không phải chính trị, tư tưởng. Nếu có “thoáng” hơn trong xuất bản và báo chí (so với thời kỳ bao cấp) thì cũng chỉ thoáng về cách kinh doanh (báo chí có quảng cáo, có chống tiêu cực, xuất bản có cho tư nhân bỏ vốn...) chứ hoàn toàn không thoáng trong tư tưởng. Tóm lại vẫn phải viết một chiều và trong phạm vi Đảng cho phép.
ÐGT: Thường trong những biến động lịch sử của một dân tộc hay trong giai đoạn xây dựng hoà bình, tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, anh Phan Ðình Diệu có viết rằng “ở Việt Nam hiện nay chưa có một giai cấp trí thức”. Là một nhà văn, anh nghĩ sao?
ÐH: Tôi nghĩ nhận định này hoàn toàn đúng. Tôi muốn thêm rằng, văn nghệ sĩ – trí thức Việt Nam đa số là hèn. Song song với sự “trung dũng kiên cường trong chiến đấu” thì sự hèn hạ và khiếp nhược cũng được rèn luyện trong quá trình tham gia cách mạng. Phần lớn trí thức được thuần hóa. Miếng cơm manh áo và sự an phận đã thắng tất cả. Nó vô hiệu hóa trí thức và biến trí thức thành những người tầm thường. Ðó là điều tệ hại hơn cả.
ÐGT: Chúc anh được nhiều sức khoẻ và nghị lực để chống chọi với bão táp đang tới.
Sài Gòn 9.1993 - Belgique 12.1993
Đoàn Giao Thuỷ
Cũng xin trích thêm một bài khác của tác giả Nguyễn Tư đăng trên Tuần San TV:
Đào Hiếu và một ngôi trường
(trích)
… Khi đọc báo thấy loan tin về một cuốn sách như thế với một cái tên rất quen thuộc: “Ðào Hiếu”, hốt nhiên tôi đã nghĩ đến hai điều:
1. Cuốn sách phải do một tác giả ở miền Nam viết, bởi vì chỉ có người miền Nam đã từng sống tại đó mới có khả năng xây dựng nổi nhân vật “sĩ quan cải tạo ÐÁNG YÊU” (chữ của Vũ Hạnh) đó! Người miền Bắc không thể làm được việc này, nếu làm thì sẽ sai, dù có ít nhiều thiện chí đi nữa!
2. Cái tên “Ðào Hiếu”, làm tôi nhớ đến một người bạn vừa cùng học ÐHSP Sài Gòn, vừa cùng ở chung tại Ðại học xá Minh Mạng, và đồng sở thích, vì cả hai đều có viết lách lai" rai, yêu văn nghệ!
Tôi nghi ngờ Ðào Hiếu tác giả Nổi loạn, chính là hắn, bởi vì biết chắc tác giả phải thuộc người bên này vĩ tuyến như đã nói ở trên, tiếp đến: cái tên không khác mấy, chỉ thiếu chữ lót! Thứ ba: hắn đã từng làm nghề viết lách trước đây, ký bút hiệu Biên Hồ nơi truyện dài đăng nhiều kỳ Ðốt lửa trong đêm đăng trên tờ Bách Khoa của ông Võ Phiến ngày xưa.
Cuối cùng hắn là một thành viên trong nhóm sinh viên khuynh tả tại ngôi trường khét tiếng nhờ hai đặc tính: thi vào rất khó, và theo bên kia khá nhiều - ÐHSP Sài Gòn! Nên trong thâm tâm tôi vẫn muốn nhờ bạn bè còn bên Việt Nam “check” lại những điều tôi cần biết. Thế nhưng, bất ngờ ngày hôm qua nhìn thấy tấm hình ông "bạn vàng" ngày xưa, trích in từ bìa sau của cuốn sách đăng trên tờ TVTS do đó tôi nảy ý viết bài này, ghi vài kỷ niệm cũ về tác giả để bạn đọc dễ hiểu tác phẩm hơn. Tấm hình có hơi khác ngày cách đây hơn 25 năm, nhưng những nét chính vẫn là Hiếu của thuở nào.
Mặc dù học chung trường nhưng lúc đó Hiếu mới đậu vào năm thứ nhất ban Pháp văn, như vậy Hiếu phải là dân trường Tây mới đậu nổi vào option này.
Hồi đó tại hai trường Ðại học Văn khoa và Ðại học Sư phạm Sài Gòn đám sinh viên trẻ khuynh tả rất nhiều, đại khái như các năm trên tôi có Huỳnh Hữu Nhật (sau này là Thứ trưởng Giáo dục của MTGPMN) hắn ta học ban vật lý có lần nắm chức Ðại diện sinh viên Ðại học Sư phạm. Rồi Trần Triệu Luật (ban Việt Hán) vào bưng bị B-52 chết. Rồi Cao Lợi (ban Sử Địa)...
Hiếu hồi đó ốm nhách, người Bình Ðịnh, hay mặc áo quân sự học đường như mọi sinh viên khác vì thiếu đồ ngủ! Hiếu trông hiền lành, xanh gầy kiểu như Hàn Mặc Tử, hắn gặp tôi là xuýt xoa gọi tôi là thi sĩ với vẻ chân thành đến độ làm tôi phì cười: "Thôi bỏ đi cha! Ra ngã sáu kiếm cà phê tán dóc".
Hiếu và Khiêm gặp tôi thường chỉ nói chuyện văn chương (cả ba đều là dân Trung kỳ và có máu văn nghệ, cũng dễ có máu cộng sản lắm, nếu chưa biết nó) chứ không bao giờ nói chuyện chính trị. Chẳng khi nào họ dụ tôi hoạt động bên kia có lẽ vì biết tôi không thích, tôi xuất thân là con địa chủ và từ quân đội trở về học lại chăng? Tôi chẳng đả động gì về việc họ làm khi mình không có bằng chứng. Văn nghệ: đó là lý do chúng tôi thân nhau.
Sau đó tôi không gặp Hiếu nữa và dường như Hiếu bỏ học giữa chừng, có lẽ anh chàng đi hoạt động cho phía bên kia như Trần Minh Ðức. Khiêm thì tốt nghiệp và đi dạy đàng hoàng dù sau đó bị đuổi!
Giờ thì Hiếu sắp gặp cơn đại nạn rồi, trước sau gì cũng bị đi tù. Một người như Hiếu (hay Khiêm, kể cả Trịnh Công Sơn nữa, những kẻ chỉ biết yêu con người và yêu văn nghệ thì chỉ bị cộng sản lợi dụng khả năng của mình mà thôi chứ khó hội nhập vào cộng sản lắm).
Bởi đó tôi không lạ gì khi nghe Hiếu viết cuốn Nổi loạn. Dù sao như vậy bạn cũng đã làm được một việc đúng lương tâm của người cầm bút, một người làm văn nghệ chân chính, nghĩa là người: "không chịu nói yêu thành ghét và nói ghét thành yêu."
Hy vọng một ngày nào đó tôi, bạn và Khiêm sẽ gặp nhau trong câu chuyện đời chẳng ai ngờ được, khi mỗi người đã chọn cho mình một hướng đi, mà hướng đi nào rồi cũng sẽ trở về La Mã. La Mã ở đây chính là CON NGƯỜI.
Còn rất nhiều bài báo khác ở hải ngoại, chủ yếu là ở Mỹ. Tôi không kể ra đây vì họ đã lợi dụng tác phẩm của tôi để tuyên truyền chống cộng một cách rẻ tiền. Một số khác thì “vô tư” in lại tác phẩm của tôi để kiếm lời mà không hề hỏi đến tôi lấy một tiếng.
Và thế là những tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất như Vua Mèo, Vượt niển, Hoa dại lang thang, Kẻ tử đạo cuối cùng… đã bị sự ồn ào của cuốn Nổi loạn át đi mất.
Tôi bị cụt hứng một thời gian dài.
Tuy nhiên cũng nhờ cuốn Nổi loạn mà Đoàn Giao Thuỷ, với tư cách là giáo sư Đại học Louvain, đã mời tôi sang Bỉ chơi. Tôi xin visa và lên đường đi Bruxelles cuối năm 1997.
12. Tiếng leng keng của tàu điện Đoàn Giao Thuỷ tên thật là Nguyễn Minh Thọ, người Quảng Nam. Anh đi du học bên Bỉ từ cái đời nào tôi không rõ nhưng anh có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, giáo sư Đại học Louvain. Anh cũng được thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới.
Đó là một gã cận thị nặng. Và khá chân tình.
Anh ra đón tôi ở phi trường Bruxelles lúc xế chiều và chở thẳng về nhà.
Buổi tối trời rất lạnh. Thọ đốt lò sưởi bằng củi và kể cho tôi nghe vụ anh bị bắt giữ tại Hà Nội vì đã lui tới với một số trí thức lớn như Văn Cao, Phan Đình Diệu… anh nói có một sĩ quan công an hỏi anh có biết “tội phản quốc có thể bị tử hình không?”
Thọ cười. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ mà Bùi Minh Quốc đã viết về Vũ Hạnh nhưng lại gởi tặng tôi nhân vụ Nổi loạn như là một sự chia lửa với bạn bè.
“Bút Máu” đen máu mình rồi
Bút quay ngọn thọc máu người kiếm ăn
Văn chương đao búa vện vằn
Vẽ mặt cao quý để săn đồng bào Bùi Minh Quốc xuất thân là một anh bộ đội cụ Hồ. Cuộc đời của anh đã từng gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời ấy, anh đã cùng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý vào Nam chiến đấu và vợ anh đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Còn bây giờ thì anh bị quản thúc tại Đà Lạt vì bất đồng chính kiến với chế độ.
Thọ ném thêm củi vào lò sưởi. Có tiếng khua động nào đó bên ngoài cửa sổ. Tôi nhìn ra ngoài đêm, ngóng chờ một bông tuyết đầu mùa.
Nhưng sáng ra, trời vẫn tạnh ráo. Chiếc xe điện mảnh khảnh ốm yếu. Nó đón khách bằng những tiếng chuông leng keng như chuông của người bán kem. Đó là tiếng reo vui của buổi sáng tĩnh lặng, lạnh buốt và đầy nắng.
Tôi đứng một mình trong nhà đợi xe, hút thuốc lá. Tôi không mong chiếc xe đến sớm vì tôi cần hút hết điếu thuốc và thực tình tôi không muốn từ giã cái vỉa hè đầy cỏ mọc hoang sơ này.
Rồi tiếng leng keng lại đến. Rồi chiếc xe dừng lại. Tôi ném điếu thuốc và bước lên, bỏ đồng xu vào cái khe nhỏ cạnh tài xế.
Vương quốc Bỉ chỉ rộng bằng một tỉnh của Việt Nam nên cái gì của nó cũng xinh xắn. Những ngọn gió đông buốt lạnh đã thổi sạch lá trên cành cây, nhưng trời không buồn vì hôm nay nắng rất đẹp. Đường phố lộng lẫy. Những cô gái tuổi teen mặc toàn đen, tóc bồng bềnh, đẹp như trong cổ tích. Họ tản bộ trên đường phố, họ trượt băng trên một sân trượt rộng trong quãng trường, họ ngồi uống cà phê trên một vỉa hè sang trọng. Tất cả đều tươm tất, giàu có, từ một cửa hiệu, một khuôn mặt đến một viên đá lát đường.
Bruxelles có tượng đài tạc hình một người thợ làm bánh mì. Nếu tôi làm đô trưởng của Bruxelles chắc tôi sẽ cho tạc thêm tượng một người quét rác. Với tôi, người quét rác cũng cao quý ngang với nhà khoa học và nghệ sĩ. Trước đây có một người bạn đi Pháp về kể rằng anh ta đã nhìn thấy trong một nhà vệ sinh công cộng ở Paris một câu viết nguệch ngoạc trên tường như vầy: “Người xây dựng nhà vệ sinh này còn vĩ đại hơn De Gaulle.”
Mười năm đã qua rồi nhưng tiếng leng keng của chiếc xe điện cổ kính vẫn thủ thỉ trong tôi, thân ái như tâm tình của một người bạn. Tiếng chuông ấy ngộ nghĩnh và hồn nhiên, lan toả trong buổi sáng lạnh lẽo. Chiếc xe điện chạy qua, rải những tiếng leng keng ấy dọc theo lối cỏ ướt, rải tiếng reo mừng của bình minh trong nắng mới tinh khiết và xao động. Và rải tâm hồn tôi trên lưng những ngọn gió mềm mại mà giá lạnh.
Buổi sáng ấy tôi đã muốn đứng hoài nơi trạm xe điện chỉ để nghe tiếng chuông cổ tích, tiếng chuông hoài niệm của người bán kem, của cỗ xe ngựa lọc cọc quanh hồ Xuân Hương Đà Lạt…
13. Chút quà tặng của mùa Đông Ngày hôm sau tôi đi Paris và đến nơi lúc giữa trưa. Trời mưa tầm tã. Tôi chờ đợi trong ẩm ướt và giá lạnh. Đứa bé gái trạc mười hai tuổi mỏng manh như một chiếc lá, đứng kéo vĩ cầm trong sân ga Paris Nord. Chiếc mũ để ngửa chỉ có mấy đồng xu nhỏ.
Cảnh sát cơ động mặc toàn đen, cao to, lạnh lùng với khẩu M16 trên tay, đi đi lại lại.
Đứa cháu từ Mante La Jolie phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới được nhà ga đón tôi.
Vòng đai périphérique tung bụi nước trắng như sương mù. Xe nối nhau như trong một cuộc thi trượt nước. Ra khỏi Paris tôi gặp tuyết, nhưng nó không ở trước mặt, không ở sau lưng, không ở chung quanh. Tuyết phủ trắng xóa khu rừng bên kia con đường siêu tốc. Tôi mừng vì tuyết đã đến nước Pháp. Tôi nghĩ, mình về tới nhà thì đã chiều tối, sáng hôm sau sẽ đi coi tuyết.
Ăn cơm tối xong trời vẫn còn mưa lớn và tối mịt. Tôi trò chuyện với mấy đứa cháu một lúc thì Pauline về. Nó mặc manteau đen, cao lớn, trẻ trung. Nó chào tôi. Cái nhìn tò mò. Cái nhìn như một dấu hỏi.
Quả nhiên, khi tôi định đi ngủ thì nó bước vào phòng.
"Hãy cho con biết về cha của con."
Tôi nói tôi chưa sẵn sàng và hẹn nó sáng mai. Thực ra đó là một chuyện tế nhị và tôi cần hỏi ý kiến mẹ nó. Nó là sản phẩm của cuộc chiến hai mươi năm do người Mỹ gây ra ở Việt Nam. Có lẽ ngày mai tôi sẽ nói với nó rằng hãy quên quá khứ đi vì điều quan trọng là mẹ đã đưa được con sang Pháp, con đã được đi học và đã có việc làm tử tế.
Nhưng sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì Pauline đã đi làm. Chợt nhớ đến tuyết, tôi chạy đến mở tung cánh cửa sổ.
Tuyết hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất!
Chỉ còn lại những con đường làng, mặt hồ và những thảm cỏ xanh nơi công viên. Trận mưa lớn đêm qua đã xóa sạch mọi dấu vết của tuyết. Hoàn toàn thất vọng, tôi cúi nhìn xuống mặt đất. Một chút tuyết còn đọng lại nơi khung cửa sổ, trắng muốt như chùm hoa nguyệt quế. Tôi đặt nó giữa lòng bàn tay, nó mát lạnh, long lanh như có ngàn đôi mắt.
*
Có lẽ xe lửa là phương tiện tuyệt vời nhất để đi lại giữa các nước châu Âu. Mười giờ đêm lên tàu ở Paris, ngủ một giấc sáng ra tới ga Berlin Zoo của nước Đức. Toa xe rộng, couchette dài hai mét nằm thoải mái như ở nhà. Phục vụ tàu là một người đàn ông trung niên. Ông đem đến cho tôi một chiếc ra trắng và một cái mền len dày còn hơi nóng của máy sấy. Tôi gọi một ly cà phê sữa nóng và “bo” cho ông 6 đô la Mỹ, ông nói cám ơn và mỉm cười.
Sự tiện nghi của toa tàu làm tôi dễ ngủ và vì thế cuộc hành trình qua rất nhanh. Khoảng ba giờ sáng tôi thức dậy trong tiếng máy xình xịch đều đặn, vẫn cố lắng nghe xem có tiếng tuyết rơi bên ngoài nhưng dường như khắp nơi đều tạnh ráo.
Buổi sáng đầu tiên ở Berlin thật ảm đạm. Trời không mưa nhưng âm u. Thuý và chồng ra đón tôi ở sân ga. Trước đây ga này thuộc lãnh thổ của Đông Bá Linh nên mọi thứ dường như hãy còn trầm lặng. Chúng tôi ăn sáng ở một quán nhỏ cạnh sân ga. Trong lúc hai vợ chồng đang xếp hành lý của tôi vào góc thì một gã say rượu ngồi bàn kế bên đứng lên, tiến lại phía tôi lè nhè nói bằng tiếng Đức. Tôi không hiểu gã muốn xin tiền hay muốn gây sự. Tôi hỏi hắn:
"Biết tiếng Anh không?"
Nhưng hắn cứ lè nhè bằng thứ ngôn ngữ quái gỡ của hắn. Lúc ấy Thuý vừa đến, Christian, chồng Thuý là một người Đức, anh ta nói gì đó với gã say rượu và gã bỏ đi.
"Hắn muốn gì vậy?" Tôi hỏi.
"Thuốc lá."
*
Nước Đức là một điểm đến tình cờ nhưng với tôi lại nhiều kỷ niệm. Có lẽ vì lúc ấy tôi không vội vàng. Lặng lẽ đến, thong thả nhìn ngắm, chậm rãi với phố xá, và một mình với đàn chim sẻ trong công viên vắng tanh.
Thành phố Dresden trầm lặng. Trời âm u suốt ngày. Không có ý niệm về thời gian, cho đến khi chợt nhận ra một mình trên phố vắng người, coi đồng hồ thì đã bốn giờ chiều.
Những cơn gió từ dưới sông Elbe thốc ngược lên lạnh buốt.
Tôi ngồi bên một gốc cây khô nhìn ông già và con chó nhỏ. Nắng khô héo. Hàng quán đóng cửa gần hết. Đường phố không còn ai. Người ta đã bỏ quên ông già, con chó và tôi. Hình như trong buổi chiều cuối năm này chỉ có ba chúng tôi là những người không có mái ấm để trở về. Ông già đang nằm ngửa trên bãi cỏ. Dường như ông đã ngủ quên.
Tôi leo lên dốc để ra phía bờ sông Elbe. Nhà hàng nổi ở đó vẫn còn mở cửa.
Dòng sông nhỏ bé in bóng những lâu đài vàng đục nắng xế. Mặt sông gợn một chút sóng nhưng vẫn phẳng lặng. Những con hải âu thả mình cho dòng nước cuốn đi, và khi trôi gần đến cây cầu thì chúng lại vỗ cánh bay ngược lên chỗ nhà hàng nổi, và đáp xuống nước, xuôi dòng. Đó là trò chơi của chúng, như trẻ con chơi cầu tuột.
Người bồi bàn đem đến cho tôi một chai Glühwein.
Đó là rượu vang lửa. Trước khi uống người ta hâm nóng lên. Hớp một ngụm, hơi nóng lan toả trong cổ họng, chậm rãi, thấm đậm, ấm áp.
Tôi ngồi ngắm hoàng hôn phai dần trên những lâu đài cổ kính bên kia bờ sông. Dòng nước trong xanh từ hướng Tiệp Khắc chảy về, lạnh lẽo, phi thời gian. Dường như dòng sông không biết đến con người, không biết đến phố xá. Nó đang nô đùa với đàn chim hải âu trắng. Nó làm thuyền chở những con chim tinh nghịch trên lưng, bồng bềnh, lắc lư, sóng sánh một chút nắng tàn héo.
Sông không đến từ nguồn mà dường như nó đang đến từ cổ tích, bởi nó rất thầm lặng dù nó vẫn chảy, vẫn cuốn những con chim trôi đi rất nhanh. Sự im lặng lan toả khắp mặt sông, thấm đẫm trong không khí lạnh tê tái, làm cho nắng cũng lạnh và làm cho màu vàng đục của chiều tà trở thành hoang đường, trở thành cổ tích, trở thành một cái rùng mình sợ hãi.
Tự ta danh lợi khách
Diễu diễu tại nhân gian
Hà sự trường Hoài thuỷ
Đông du diệc bất nhàn? Ngày xưa Bạch Cư Dị cũng tự than mình trót làm người khách lạ trong vòng danh lợi, bị đời cuốn đi như dòng sông kia, không biết có chuyện gì mà cứ chảy mãi chảy hoài không bao giờ được ngưng nghỉ.
Tôi uống cạn chai Glühwein mà vẫn lạnh buốt, Hoàng hôn như dừng lại và những cánh chim vừa bốc lên khỏi mặt sông cũng dừng lại. Dresden bí ẩn và ma quái. Và tôi, người khách duy nhất còn lại trong nhà hàng nổi này thì dường như sắp hóa đá.
Tôi bỏ đi. Lên một cái dốc để trở về nhà một người bạn. Phố xá vắng tanh. Chỉ còn lại những cơn gió. Tôi băng qua một trạm xe buýt và chợt nghe tiếng vĩ cầm bừng sáng trên một nền saxophone và accordeon mờ đục.
Đó là bản Carmen của Georges Bizet đang được trình tấu trên vỉa hè bởi những người Digan.
Những nghệ sĩ du mục này đang chơi nhạc cho những cơn gió, cho những đám mây. Và cho tôi. Vì trạm xe buýt đã không còn một bóng người. Dòng sông bên dưới kia cũng đã đầy bóng tối. Những lâu đài cũng chìm khuất.
Tôi mang những âm thanh của đoàn hát rong trở về căn hộ của mình. Những người bạn bày biện thức ăn trên sàn nhà. Đốt nến và mở bia. Tôi vẫn ngồi cạnh lò sưởi. Bia chất cao như bức tường. Mọi người lấy bia như gỡ những viên gạch từ bức tường thuỷ tinh ấy. Người bạn xé giấy thùng bia ném vào lò sưởi thay cho củi.
Trời vẫn lạnh nhưng tạnh ráo. Đường phố sâu hút bên dưới và lốm đốm ánh đèn vàng.
Giao thừa đến trong im lặng. Rồi pháo nổ lác đác. Xe chữa lửa chạy vòng vòng. Bên kia đường là restaurant của người Hy Lạp, họ bắt chước ai mà đốt dây pháo dài bốn năm thước. Thanh niên đốt pháo xòe, pháo hú, pháo thăng thiên. Pháo thăng thiên của người Đức sản xuất, thấy bán ở siêu thị, còn pháo đùng nghe nói nhập lậu từ Trung Quốc, từ Bình Đà. Mấy cô đầm nhon nhon bịt tai và cười, họ hôn nhau ngoài đường phố, pháo xẹt và gầm rú như ma quỷ. Xe cứu hoả lại đến. Bà cụ già mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài chửi một tràng tiếng Đức.
Tất cả chỉ kéo dài chừng một tiếng đồng hồ. Rồi thôi. Im lặng và lạnh. Chúng tôi lên nhà xem chương trình tivi đêm giao thừa. Mấy người bạn uống rượu mạnh. Đa số họ là người miền Bắc vượt biên sang đây sau một hành trình cực kỳ gian nan từ Hà Nội đi Kiev sang Rumany, Hungary, Tiệp Khắc trước khi xé rào qua Đông Đức. Tôi nằm lắng nghe, nhâm nhi chai Glühwein không có mồi.
Ngày mồng một Tết đến một cách e dè. Trời xám. Những chuyến xe điện vẫn chạy qua phố, kiosque phở của một người đàn bà Việt Nam vẫn mở cửa. Một chút nắng vàng hanh trên đầu ngọn cây. Ông già người Đức ngồi ăn phở bên cái bàn nhỏ kê trên bãi cỏ. Ông ta nói được chút ít tiếng Anh và hỏi tôi có còn bán thuốc lá không. Tôi không đính chính, chỉ cười. Ông già mời một điếu Marlboro. Ông ta khoe mình là đại tá phi công. Tôi hỏi:
"Bác là đại tá của ông Helmut Kohl hay ông Honecker?"
"Ông Honecker."
"Thế khi nước Đức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo không?"
"Tại sao? Thống nhất thì mọi người phải vui vẻ chứ. Ông Helmut Kohl vẫn cho tôi lãnh lương hưu."
*
Nhưng người dân Đông Bá Linh và những miền phụ cận như Potsdam vẫn bỏ đi.
"Tại sao vậy, Christian? Nước Đức thống nhất, sao lại bỏ đi?"
Anh bạn trẻ người Đức nói:
"Chính mẹ tôi cũng bỏ sang Mỹ. Nhiều người khác sang Tây Đức."
"Nhưng Đông Đức bây giờ cũng là tư bản, có khác gì Mỹ và Tây Đức?"
"Khác chứ. Vì cũng còn lâu lắm mới đuổi kịp mức sống của Tây Đức mà cuộc đời thì ngắn ngủi, người ta cần hưởng thụ. Anh cứ nhìn hai bên phố mà xem."
Đây là con đường rất đẹp của Potsdam. Hai bên toàn biệt thự nhưng bị bỏ hoang nhiều quá. Những ngôi biệt thự như thế ở Sài Gòn giá có thể lên tới vài ba ngàn lượng vàng nhưng ở đây người ta bỏ hoang, cửa kính vỡ nát, bên trong tối om, lạnh lẽo.
Potsdam, thành phố chỉ cách thủ đô Bá Linh có một cây cầu, thành phố với nhiều lâu đài, thành quách và viện bảo tàng nổi tiếng, thành phố đã từng chứng kiến cuộc hội đàm lịch sử giữa Stalin, Truman và Churchill tháng 7 năm 1945 bàn về sự đầu hàng của Đức Quốc xã. Tại sao người ta lại bỏ một thành phố xinh đẹp và nổi tiếng như thế để ra đi?
Christian bảo tôi khoác thêm một chiếc áo khoác bằng da. Hắn nói:
"Thôi, đừng bận tâm đến những chuyện ấy nữa. Sắp đến nơi rồi, gió lạnh lắm đấy."
Ra khỏi rừng là hồ. Liên tiếp nhau. Xe ngừng lại. Mặt hồ rộng mênh mông, phẳng lặng, bát ngát.
"Cá nhiều lắm." Christian nói.
Tôi đã thấy những con cá chép tại khu "Cộng" (khu người Việt) ở Bá Linh. Những con cá chép giống hệt cá chép trắng của xứ mình nhưng không có vảy.
Christian mở cốp xe và đưa cho tôi chiếc cần câu.
*
Rồi có một ngày, ngọn đồi thấp dẫn dụ tôi đi theo con giốc hẹp quanh co giữa cỏ dại và những cây lá vô danh chập chùng. Những quả đồi xinh xắn, xanh xám lẫn lộn nhiều tầng. Và mây thì thấp, nhẹ tênh.
Đó là buổi sáng tĩnh vật. Táo chín rụng hồn nhiên trong hư vô. Thời gian dừng lại nên gió cũng không thổi. Trái táo lửng lơ giữa lưng chừng đồi.
Chỉ có tôi bước đi trong không gian tĩnh vật ấy. Hình như thiên nhiên đang sững sờ bất động trước người khách lạ từ trần gian vừa đến. Tôi nghe bước chân mình khua động giữa im lặng. Khe nước nhỏ không lời. Trời không cao và dường như có thể với tới những đám mây.
Trang trại nhỏ ở dưới thung lũng, xinh xắn như một món đồ chơi. Tôi đi giữa những gốc táo già và nhặt những trái táo rụng nằm lẫn trong cỏ. Những trái táo như chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu dẫn tôi đến cổng trang trại.
Con ngỗng kêu ngây ngô. Người đàn bà mở cánh cổng gỗ, chào anh bạn tôi. Họ đã quen nhau từ lâu rồi. Con chó Berger cao lớn nhảy lên mừng, những con ngựa đứng im trong chuồng. Bò cái vú lớn như trái bí. Trời lạnh quá. Tôi không biết nói tiếng Đức, chỉ cười. Và ngồi ăn hạt dẻ trong cái dĩa lớn.
Tôi sung sướng vì đã quên hết mọi thứ. Quên cả tiếng người, quên cả mình đang ở đâu, đang làm gì, sẽ làm gì. Hốt nhiên mà nhập vào cảnh giới ngộ thiền. Tâm đang về trú với thân. Tâm đang nằm trong lòng bàn tay, trong vỏ hạt dẻ. Và thấy mình là đám mây thấp trên đồi nương.
Tiếng trò chuyện chung quanh chỉ như những xao động, tiếng ngỗng kêu trong suốt, rơi vào tâm hồn đang rỗng không của tôi.
Và bỗng nhiên trong tay tôi có một con ngỗng. Tôi ôm nó trước ngực. Lông ngỗng ấm áp như người tình. Người đàn bà cười. Tôi ôm con ngỗng đi vòng vòng quanh trang trại. Rồi tôi ôm nó trở lại lối mòn quanh co giữa hai hàng táo già. Con ngỗng ngủ. Sẽ ru nó bằng ngôn ngữ im lặng. Sẽ ru nó bằng những vuốt ve.
Rồi cứ đi.
Lạc trong cây cỏ và chập chùng đồi.
14. Chú mọi nhỏ của Dã Nhân Không biết ở đâu mà Dã Nhân xin được một chú mọi nhỏ đen thui về làm đệ tử. Theo lẽ nó phải gọi tôi bằng sư huynh nhưng vì nó không biết tiếng Việt nên suốt ngày chỉ cười. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tay và mắt.
Hôm trước hai thầy trò còn ở Sài Gòn, sáng ra đã biến mất, để lại một tờ thư, đại khái ông nói muốn lên ở trên núi Thị Vãi một thời gian để giảng kinh và bảo khi nào tôi lên thì đem cho ông một can mười lít rượu Bàu Đá.
Đường dốc hiểm trở, len lỏi qua nhiều hang đá mới tới được cái am của tiên sinh. Chú mọi nhỏ dẫn tôi ra sau am và đưa cho tôi mấy trái chuối bảo đặt dưới các gốc cây rừng cho sóc ăn. Lũ sóc ở trên cây bò xuống, leo cả trên vai của chú bé.
Giây lát tiên sinh bước ra, tóc búi củ tỏi sau gáy, râu dài, phong thái đĩnh đạc, trầm mặc.
Ông đến ngồi cạnh tôi:
"Chú mọi nhỏ này là người Congo, cha mẹ đều chết vì bệnh AIDS, những anh chị của nó thì chết đói trong rừng. Một thuỷ thủ da đen nhận nó làm con nuôi. Và cuối cùng trao cho ta, làm đệ tử của ta. Nhưng lai lịch của nó, số phận của nó không chỉ đơn giản như vậy. Nó không chỉ là một đứa bé. Nó là lịch sử. Nó là một nhân loại đang sống sót. Nó là một nhân loại kỳ diệu vì đã tồn tại sau khi bị giày xéo, chà đạp dưới gót giày, bị đốt trong lửa, bị nổ tung trong bom mìn và bị mục nát trong bệnh AIDS. Nó là đức Thế Tôn, là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngươi có thấy nó đang chơi với những con sóc không?
Nhiều thế hệ tổ tiên của nó đã chết trong ngục tù, nhiều thế hệ cha ông của nó đã tàn héo trong nô dịch, nhiều thế hệ anh chị của nó đã tan xác trong bom đạn. Vậy thì tại sao những David Beckham, những Brad Pitt, những Céline Dion, những Tony Blair, những George Bush, những Marilyn Monroe… không đến đây mà quỳ trước mặt nó để xin được tha thứ và cứu rỗi?"
"Ý thầy muốn nói sự thịnh vượng của châu Âu là do bóc lột tài nguyên, mồ hôi nước mắt và máu của lục địa đen?"
"Đó là một sự thật."
"Nhưng xã hội da trắng thịnh vượng là nhờ họ thông minh và có những thiên tài. Liệu họ có được thịnh vượng nếu họ không chế tạo ra máy hơi nước, điện khí hóa, nếu không có cuộc hiện đại hóa của cách mạng tư sản?"
"Đó cũng là một sự thật."
"Như vậy có nhiều sự thật sao?
"Không sai. Chúng ta có rất nhiều sự thật. Cũng như chúng ta có rất nhiều sự giả. Sự thật có thể có nhiều mảnh. Một nửa cái bánh mì là bánh mì. Và một nửa sự thật cũng là sự thật. Thậm chí một phần mười sự thật cũng là sự thật. Người ta có thề lấy một tế bào để nhân giống vô tính thành một con cừu, thế thì một phần tỷ của con cừu cũng là một con cừu. Sao một phần tỷ sự thật lại không là sự thật?"
Dã Nhân bật cười ha hả, sảng khoái, đắc ý và hài hước.
"Nhưng đó là ta đùa giỡn với lý luận. Thực ra chẳng hề có sự thật mà cũng chẳng hề có sự giả. Giả hay thật, phải hay trái, đúng hay sai, thiện hay ác… đều tuỳ thuộc vào góc nhìn, tuỳ thuộc vào đồng tiền dán trên cái nhìn ấy. Trời ơi, ta lại nói những điều rất khó hiểu. Liệu cái đầu ‘thông minh trung bình’ của ngươi có hiểu không?"
"Thưa thầy, tôi hiểu."
"Nhưng ta biết có tỷ người không hiểu. Ôi, ta muốn phát khùng lên vì những thứ mà ai cũng ca ngợi. Nào là anh hùng dân tộc, thiên tài, hoa hậu hoàn vũ, siêu sao bóng đá. Nào là độc lập dân tộc, nhân quyền, tự do, dân chủ. Nào là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nào là tín ngưỡng, tôn giáo, nào là nhân nghĩa lễ trí tín. Trời ơi! Tại sao chúng nó không biết ngượng khi nói những thứ giẻ rách ấy nhỉ? Tại sao làm người mà lại có thể muối mặt nói ra những thứ nhảm nhí ấy nhỉ? Sao không sủa lên như chó, sao không rống lên như bò. Sao không gào lên như lũ mèo động đực? Như thế có phải chân thành hơn không?"
Rõ ràng là trong hơi thở của ông có mùi rượu Bàu Đá. Chắc chắn trong lúc tôi chơi với chú mọi nhỏ thì Dã Nhân đã nhìn thấy can rượu trên bàn.
Bây giờ thì ông như ngọn cờ gặp gió. Sống động. Linh hoạt. Sôi nổi.
"Chúng nó bài tiết ra những lời hoa mỹ ấy để trững giỡn với nhau, tung hứng cùng nhau, ca ngợi lẫn nhau và chửi rủa lẫn nhau bằng cả văn chương nghệ thuật, bằng triết học, bằng các học thuyết chính trị. Chúng nó bảo nhau rằng Tần Thuỷ Hoàng có công thống nhất đất nước, thống nhất chữ viết, thống nhất đo lường… nhưng chúng quên rằng triều đại của hắn chỉ kéo dài có mười năm và khi hắn chết thì xã hội Trung Quốc lại loạn lạc, lại chia năm xẻ bảy như cũ. Chúng nó bảo nhau rằng Napoléon Bonapartre là thiên tài, rằng Césare, Thành Cát Tư Hãn, Mao Trạch Đông… là những anh hùng kiệt xuất nhưng những tên khốn nạn ấy đã giết bao nhiêu triệu người? Đã ly tán bao nhiêu triệu gia đình, đã phơi xác đồng loại mình cao như núi và máu thì chảy thành sông… Ngươi có biết những tên bồi bút đê tiện nhất là ai không? Đó chính là những nhà sử học. Chúng luôn luôn đứng về phía những kẻ cầm quyền, luôn luôn ca ngợi các triều đại thịnh trị."
Nhưng ai thịnh trị?
Chỉ có bọn cầm quyền là thịnh trị.
Vì chúng ngồi mát ăn bát vàng, chúng có một ngàn bà vợ, có hàng tỷ đô la, hàng trăm biệt thự, hàng ngàn gia nhân… Vì chúng chiếm hữu và chia nhau tài sản quốc gia như bọn thợ săn chia chác con mồi.
Còn nhân dân muôn đời vẫn là những viên gạch lót đường cho chúng. Nhân dân luôn luôn là những kẻ tôi tớ, là người ở đợ. Cho nên đừng bao giờ nói với ta về “dân chủ” về “nhân quyền”về “công bằng xã hội”... Làm gì có trên cõi đời này. Chỉ có những thằng ngu và những thằng “thông minh trung bình” mới tin vào những thứ ba xạo ấy.
"Nhưng các nước có trình độ dân trí cao như Âu, Mỹ thì sao?"
"Dân trí càng cao thì sự ba xạo của chính quyền càng tinh vi. Ngươi chưa đủ trình độ để hiểu chuyện đó đâu. Ta sẽ có một bài giảng riêng về đề tài này."
"Thế còn châu Phi?" Tôi hỏi.
Dã Nhân chỉ tay về phía chú mọi nhỏ.
"Châu Phi đang ngồi đó. Cách đây 200 năm, bọn thực dân da trắng đến châu Phi để vơ vét tài nguyên, bắt người da đen làm nô lệ, buôn bán họ như súc vật… để xây dựng một châu Âu hùng cường. Còn bây giờ thì châu Phi trở thành một nơi chứa các chất thải công nghiệp.
Không chỉ tại Côte d’Ivoire, một số quốc gia khác như Somalie cũng đang đứng trước thảm hoạ từ rác thải công nghiệp. Từ nhiều năm qua, tàu chở chất thải đến từ Italia thường xuyên đổ các chất thải độc hại xuống Somalie và việc vận chuyển trái phép này hầu như nằm ngoài mọi sự kiểm soát của chính quyền."
"Nhưng tôi nghĩ người châu Phi cũng phải chịu trách nhiệm về sự nghèo đói và những tai hoạ của họ."
"Người châu Phi thích đánh nhau vì sắc tộc hơn là đánh nhau với những kẻ bóc lột họ. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Người châu Phi chú trọng về tình dục hơn là công bằng xã hội nên sinh sản nhiều mà chết đói cũng nhiều. Ngươi có nhớ một công ty Australia từng gởi thức ăn của chó để cứu đói cho châu Phi không?
Nhưng bọn cầm quyền ở châu Phi thì cực kỳ giàu có.
Chủ tịch của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Peter Eigen, nhận xét: "Tham nhũng là nguyên nhân chính của đói nghèo, khóa chặt người dân trong thảm hoạ. Đứng hàng đầu trong danh sách tham nhũng là những ‘tên tuổi lớn’ như: Tổng thống Mobutu Sese Seko của Cộng hoà Dân chủ Congo, biển thủ 80 tỷ đô la; cựu Tổng thống Suharto của Indonesia, tài sản gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia; cựu Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines biển thủ 100 tỷ đô la, và cựu Tổng thống Alberto Fujimori của Peru, biển thủ hàng trăm triệu đô. Hãy nghĩ mà xem, những tên đầu trộm đuôi cướp như vậy mà vẫn được ghi tên vào lịch sử như những nhà lãnh đạo quốc gia thì rõ ràng bọn sử gia là bọn bồi bút hạng bét. Nhưng ngươi có biết ‘những nhà lãnh đạo’ ấy đã lấy tiền bằng cách nào không?" "Trên khắp thế giới, bọn cầm quyền đều có chung một ngón nghề làm giàu như nhau. Đó là ăn chặn tiền đầu tư của nước ngoài, tiền ‘lại quả’ từ việc mua bán tài nguyên quốc gia, như dầu mỏ, hải sản, lâm sản… tiền rút ruột các công trình như kiểu mà phe nhóm của Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến trong vụ PMU18, hoặc Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn trong vụ Đề án 112 và các đồng bọn của chúng đang làm ở Việt Nam. Sau đó, để trả nợ cho nước ngoài, chúng thường lấy tài nguyên quốc gia, lấy tiền thuế của nhân dân ra mà trả. Trả không hết thì các thế hệ con cháu của chúng ta phải trả!" Dã Nhân vỗ đầu tôi như đứa con nít:
"Cái tay Thaksin của Thái Lan trở thảnh tỷ phú đô la cũng nhờ cách ấy. Những vị ‘anh hùng dân tộc’ như Marcos, như Shuharto cũng áp dụng ngón nghề ấy thôi. Đó là tai hoạ của các nước nghèo và các nước đang phát triển. Còn những nước giàu như Anh, Mỹ… thì có ngón nghề khác. Nhất là Mỹ, nó vừa là thiên đường vừa là địa ngục, vừa là thánh nhân vừa là ác quỷ. Bây giờ ta nói thì ngươi không tin. Rồi ta sẽ cho ngươi xem một bộ phim tài liệu do một đạo diễn thiên tài người Mỹ là Michael Moore làm. Nhưng sẽ vào một dịp khác. Xem kìa! Chú mọi nhỏ của ta đang làm gì dưới gốc cây bồ đề vậy?"
Chú mọi nhỏ đang vạch con cu nhỏ xíu của nó ra đái. Dã Nhân nhẹ bước đến, ngồi xuống một bên và ngửa bàn tay ra hứng dưới vòi nước tiểu.
15. Thế giới đang bốc mùi Hồi còn trẻ tôi thường nghĩ: làm người thì phải có lý tưởng, phải tin vào một cái gì đó và phải biết ước mơ….
Hàng triệu thanh niên cũng nghĩ như tôi vậy.
Nhưng thật tội nghiệp cho thế hệ thanh niên ngày nay khi những điều tốt đẹp đã tàn héo, khi lịch sử tự chứng minh rằng lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách. Lịch sử tự vạch mặt chỉ tên mình là bọn đầu trộm đuôi cướp, tự vạch áo cho người xem cái lưng ghẻ lở bốc mùi của mình. Và hiện nay cái mùi ấy là mùi đặc trưng của thế giới. Từ Hoa Kỳ đến Iraq, Palestine, Israel, từ Anh đến Pakistan, Myanma, Thái Lan, Philippines… Chưa bao giờ nhân loại hỗn loạn, phức tạp, điên đảo và nhảm nhí như thời đại này.
Nhưng có lẽ chỉ có chừng một phần ba nhân loại ngửi thấy cái mùi khăm khẳm ấy, chính vì thế mà những người hành nghề chính trị trên khắp thế giới mới phát tài phát lộc. Mặt hàng kinh doanh của họ là sự dối trá, lừa bịp. Và khách hàng của họ là hàng tỷ người hiền lành, tốt bụng nhưng nhẹ dạ cả tin trên khắp mặt đất, từ Somalie cho tới Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ.
Tôi muốn gào khóc, quỳ lạy van xin cái khối nhân loại đồ sộ và tội nghiệp này rằng hãy dừng lại. Đừng tin ai, đừng trung thành với ai, đừng hy sinh vì cái gì cả. Rằng cả lũ chúng ta đang bị lừa.
Mọi người phải ý thức rằng mình chỉ là một cá nhân rất nhỏ bé, vô cùng yếu đuối vô cùng mong manh trước các thế lực khủng khiếp đang ngự trị trên hành tinh này. Rằng mình không làm gì được chúng đâu. Rằng mình phải cam chịu. Phải sống chung với chúng. Phải làm tôi tớ cho chúng cũng giống như hàng ngàn năm qua, tổ tiên chúng ta cũng đã làm tôi tớ cho chúng.
Đó là số phận đã được an bài. Không có cuộc cách mạng nào thay đổi được số phận đó. Và hơn thế nữa, đó không chỉ là số phận mà còn là QUY LUẬT TẤT YẾU, VÌNH CỬU VÀ BẤT BIẾN của xã hội loài người.
Khi nghe tôi trình bày những tư tưởng này Dã Nhân nheo mắt nhìn tôi một cách chế giiễu. Ông ta nói:
"Ngươi đã biết rằng đó là quy luật, là tình thế không thể đảo ngược được sao còn than thở? Như thế có khác nào ngươi than thở tại sao hết mùa Xuân lại tới mùa Hạ, hết mùa Thu lại tới mùa Đông? Ngươi hãy nhìn ngoài phố kia. Người ta vẫn đi lại, vẫn nói cười. Người ta vẫn sống, vẫn yêu nhau, vẫn ghét nhau, vẫn nhớ nhung nhau… Và trên khắp thế giới mọi người đều như thế. Dù họ biết hay không biết rằng mình đang bị móc túi đang bị lừa đảo thì họ vẫn sống, thậm chí có người vẫn rất hạnh phúc."
Tôi rất ghét cái kiểu nheo mắt chế giễu của Dã Nhân nên cãi lại quyết liệt:
"Nhưng ở những nước chậm tiến, số người bất hạnh nhiều hơn bội phần. Hàng tỷ người sống dưới mức nghèo khổ. Hàng tỷ người sống như súc vật. Đó là vì họ không biết mình đang bị móc túi, đang bị lừa đảo. Và không một ai giúp họ biết được điều đó cả. Những người chết đói ở Congo không hề biết rằng ông Tổng thống Mobutu đã ăn cướp của họ 80 tỷ đô la. Những đám dân đen cùng khổ trong những khu ổ chuột ở Jakarta, những người nông phu chân lấm tay bùn ở Philippines không hề biết rằng những vĩ nhân của họ là Suharto, Ferdinand Marcos đã phỗng tay trên của họ hàng trăm tỷ đô la. Đó là chưa kể Campuchia, Myanma, Việt Nam… Những đám dân cùng khổ ấy họ vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, thậm chí vẫn yêu nhau, vẫn sinh con đẻ cái… nhưng thầy có thể dửng dưng trước những bất công như vậy không?"
"Dửng dưng hay không dửng dưng thì cũng chẳng làm được gì. Giả dụ như ngươi là một siêu nhân có thể trong một đêm lật đổ được chính quyền và đứng ra cầm quyền, lập một chính phủ mới, một nhà nước mới. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Lại vẫn lừa đảo, tham nhũng, ăn cắp, nói dối… Vì sao? Vì đó là bản chất của mọi nhà nước. Kể cả nước Mỹ. Ngươi không tin sao? Vậy thì hãy cùng ta xem bộ phim này.
Tên phim: FAHRENHEIT 9/11
Thể loại: Phim tài liệu.
Đạo diễn: Michael Moore.
Giải thưởng: Cành Cọ Vàng tại Liên hoan Phim Cannes (Pháp) năm 2004
Diễn tiến các trường đoạn chính của phim như sau:
"Đài truyền hình Mỹ tuyên bố Gore đã vượt qua Bush về số phiếu bầu. Chỉ còn lại bang Florida là chưa kiểm phiếu nhưng chính Florida là bang ủng hộ Gore nên chắc chắn là Gore sẽ đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ."
"Nhưng sau đó thì người ta tuyên bố Bush thắng cử. Điều này chứng tỏ rằng bầu cử ở Mỹ chỉ là chuyện hình thức, thực ra các Tổng thống đều đã được các tập đoàn tư bản quyết định sẵn từ trước rồi."
Dã Nhân bình luận thêm trong lúc xem phim: “Trên thực tế, những tập đoàn tư bản Mỹ không chỉ quyết định ai sẽ là Tổng thống mà còn có quyền giết bất cứ Tổng thống nào không vâng lời họ. Đó là trường hợp Tổng thống Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963 tại Dalas, sau đó, vào ngày 6/6/1968 em trai ông là Robert Kennedy khi đang vận động tranh cử Tổng thống cũng bị bắn chết tại Los Angeles vì ‘người ta’ thấy rõ rằng ông này rất có khả năng đắc cử.”
xem phim tiếp:
"Trước khi làm Tổng thống, Bush từng là sĩ quan cận vệ. Lúc ấy ông ta có một người bạn thân là James Bath là sĩ quan cùng đơn vị. Về sau này, gia đình Bin Laden thuê James Bath làm quản lý tài chánh cho các công ty của họ tại Hoa Kỳ. James Bath đã bí mật giúp đỡ tài chính cho Bush trong suốt quá trình hoạt động chính trị và tranh cử. Chính vì thế mà sau khi đắc cử Tổng thống, Bush cho người dùng bút đen xóa những chứng cứ về mối quan hệ giữa ông với James Bath. (Những chỗ tẩy xóa này được chiếu trên màn ảnh)."
"Khi Bin Laden cho máy bay đâm vào hai toà nhà WTC tại New York thì Tổng thống Bush đang viếng thăm một trường mẫu giáo và đang ngồi nghe một học sinh kể chuyện cổ tích. Lát sau cận vệ vào báo chiếc máy bay thứ hai đâm vào toà nhà thứ hai. Bush chỉ nhíu mày và lại tiếp tục nghe, như thể là ông ta đã biết trước những việc đó.
Ngày 13/9 tức là hai ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Bush đến toà đại sứ Ảrập Saudi (quê hương của Bin Laden) ăn cơm trưa với ông đại sứ. Lời bình luận trong phim nói rằng: “Bush đến để trấn an ông đại sứ rằng chúng tôi đã thu xếp mọi thứ, ông đại sứ cứ yên tâm” "
"Ngay hôm sau vụ tấn công, tất cả các phi trường tại Mỹ đều bị đóng cửa và các máy bay đều bị cấm cất cánh. Nhưng vẫn có 12 chiếc máy bay chở toàn bộ gia đình Bin Laden rời khỏi nước Mỹ. Lời bình luận trong phim: “Cuộc di tản này nhằm tránh cho gia đình Bin Laden khỏi bị FBI thẩm vấn. Cùng lúc, tại Ảrập Saudi, gia đình những kẻ khủng bố trong vụ 11 tháng 9 cũng được chính quyền bảo vệ, không cho tiếp xúc với báo chí.”"
"Gia đình Bin Laden đã đầu tư 860 tỷ USD vào công nghệ chế tạo vũ khí tại Mỹ, bằng 7% nền kinh tế Mỹ."
"Bush ngăn cản quốc hội điều tra về vụ 11/9 và lập một uỷ ban điều tra riêng."
"Gia đình Bush ngoài dầu hoả còn đầu tư vào công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại với công ty mang tên Carlyde."
"Một bà mẹ có con trai chết tại Iraq nói: Hàng ngày chúng ta phải đối mặt với sự ngu dốt."
"Một đoạn phim dài chừng một phút chiếu cảnh ca sĩ Britney Spears ủng hộ Tổng thống Bush. Việc này chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người không biết rằng thế giới đang bốc mùi."
"Phần lớn những lính Mỹ bị đưa sang chiến trường Iraq và Afghanistan đều là con em nhà lao động nghèo, thất nghiệp, nhất là người da màu. Một đoạn phim ghi lại hình ảnh và lời nói của các thanh niên Mỹ khi tiếp xúc với những người đi tuyển mộ lính. Họ là những người thất nghiệp và không còn sự chọn lựa nào khác ngoài chiến trường Iraq và Afghanistan."
"Đạo diễn Michael Moore đích thân đến trước cửa Thượng viện Hoa Kỳ để phỏng vấn các thượng nghị sĩ. Tất cả các vị này không ai có con em đi chiến đấu tại Iraq. Một số thượng nghị sĩ chạy trốn khỏi cuộc phỏng vấn."
Dã Nhân bình luận trong lúc xem phim:
"Sản xuất vũ khí và dầu mỏ là hai nền công nghiệp hàng đầu của Mỹ. Giới tài phiệt Mỹ trở nên giàu có nhờ vào hai nền công nghiệp khổng lồ này. Vì thế họ phải mở các cuộc chiến tranh để chiếm lấy các mỏ dầu và bán vũ khí".
"Vũ khí được bán cho chính phủ Mỹ."
"Chính phủ Mỹ dùng tiền của ngân sách, tức là tiền thuế của nhân dân để mua vũ khí."
"Vậy thì ai hưởng lợi? Trả lời: Các công ty chế tạo vũ khí hưởng lợi, các quan chức chính phủ hưởng lợi từ ‘huê hồng’ khi ký các hợp đồng mua bán vũ khí hàng trăm tỷ đô la."
"Ai bị thiệt hại? Trả lời: Nhân dân Mỹ bị thiệt hại vì tiền đóng thuế của họ bị chảy vào túi một nhóm người. Vì con em của họ phải chết cho các hợp đồng mua bán vũ khí ấy."
"Có ai bị thiệt hại nữa không? Trả lời: Có. Đó là nhân dân Việt Nam, nhân dân Iraq, nhân dân Afghanistan. Họ đã phải chịu cảnh tan thương chết chóc vì chiến tranh.
Và còn một sự thật hết sức quan trọng nữa là: Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào mà chính phủ Mỹ tiến hành, nước Mỹ có thể thắng hoặc thua nhưng các công ty chế tạo vũ khí của Mỹ và các quan chức chính phủ có liên quan thì LUÔN LUÔN THẮNG vì mục tiêu của họ là BÁN ĐƯỢC HÀNG còn chiến cuộc kết thúc thế nào không quan trọng. Đôi khi họ còn muốn kéo dài chiến tranh để tiêu thụ được nhiều vũ khí hơn."
Tôi thấy Dã Nhân đang trổ tài hùng biện nên muốn chọc tức ông ta một chút. Tôi nói:
"Một bộ phim vạch trần những sự thật ghê gớm như vậy mà chính phủ Mỹ vẫn cho ra đời chứng tỏ nước Mỹ cũng rất tôn trọng dân chủ chứ?
Dã Nhân quay nhìn tôi như nhìn một con quái vật:
"Ái chà chà! Ngươi làm ta ngạc nhiên đấy. Thế mà lâu nay ta vẫn tưởng ngươi là một thằng thông minh. Ngươi không thấy là toàn bộ nội dung phim nhằm chứng minh rằng nhân dân Mỹ đã bị lừa à? Bầu cử cũng lừa mà chiến tranh cũng lừa.
Vậy thì tại sao nó cho công bố phim này? Vì nó quá mạnh. Nó đếch sợ dư luận. Nó ngồi xổm trên dư luận mà ỉa. Tổng thống của nó mà nó còn giết cả ba bốn ông đủ thấy nó mạnh cỡ nào, nó coi thường dư luận cỡ nào. Và sau khi phim này được công bố và nhận giải thưởng Cannes thì Tổng thống Bush vẫn tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Vì sao? Vì kết quả bầu cử đã được quyết định sẵn rồi. Bây giờ thì ngươi đã hiểu chưa?"
"Bạch thầy, con hiểu."