Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lối Cũ Chẳng Sao Quên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 519 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lối Cũ Chẳng Sao Quên
Bích Huyền

Trích tập Lối cũ chẳng sao quên ( The Trail I Never Forget )

Ðường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng...
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay -
Ðoàn Chuẩn-Từ Linh)
 Vĩnh Phú, địa danh tôi muốn quên mà không thể nào quên.  Trong suốt hơn mười năm qua và trong cả cuộc đời . K1, K2, K3, K4...những chữ số ký hiệu kinh hoàng.  Của tôi.  Của những người tù và gia đình họ.  Ở rồi, đến rồi, đi rồi...mấy ai muốn quay trở lại? Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải trở về đây.  Cảnh vật không khác xưa là bao nhiêu dù thời gian trôi qua bốn năm rồi...
Những khẩu hiệu:"Chào mừng thành công Ðại Hội Ðảng 5," "Ðảng Cộng sản Việt Nam , Người lãnh đạo Tài Tình", "Ðảng Cộng sản Việt Nam muôn năm..." lem luốc màu đỏ vì nước mưa, chảy dài xuống như những dòng nước mắt pha máu ngoằn ngoèo trên từng bờ tường loang lổ, cũ kỹ.  Ngay phía dưới lại có hàng chữ mang tính "Pháp lệnh" bằng những lời thô tục "Cấm ỉa đái" . Có cả những nét chữ nguệch ngoạc chửi thề. Hình như không một ai để ý.
Ở cái ga xép èo uôc gần tận cùng của đất nước này, những con người lam lũ, ngác ngơ, còn đang loay hoay với ký trà, bao gạo, rổ rá nhựa, nồi niêu xoong  chảo, xấp vải hoa Chợ Lớn hoa xanh, hoa đỏ...Che che, giấu giấu, tránh con mắt dòm ngó của bọn Công an kinh tế.  Chính sách của Ðảng đổi mới rồi, tự do buôn bán nhưng người dân  lại khổ vì sưu cao thuế nặng.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi không đến trại Tân Lập bằng đường sông nữa.  Ðạp xe trên bờ đê.  Dắt xe đi bộ qua bãi cát lổn nhổn những vỏ sò, vỏ ốc.  Băng ngang qua những thửa ruộng khô cằn của vùng đất miền trung du.  Cái hình ảnh "quê em miền trung du, đồng chiêm lúa xanh rì..."của một thời hoàng kim nào xa lắm, nay ở đâu? Giặc tràn về đốt phá thôn làng.  Gia đình ly tán. "Vườn không nhà trống tàn hoang" còn trong trí óc non nớt của tuổi thơ tôi. Giờ đây, giặc nào đã làm cho miền Bắc điêu tàn?
Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đỉnh cao của trí tuệ loài người! Ôi! mỉa mai thay những khẩu hiệu kêu to như những chiếc thùng rỗng! Ðảng lãnh đạo tài tình làm sao để bao nhiêu năm đời ta có Ðảng, bấy nhiêu năm Ðảng phá nát tan? Ðể những người dân quê hiền hoà cởi mở trở nên ngu ngơ câm lặng đến thế kia sao?
Dân cư ở đây rất thưa thớt.  Họ sống trong những mái nhà lụp xụp, vách đất, mái tranh.  Mảnh vườn. Rào thưa. Khoảng sân đất. Giếng nước. Chiếc gầu..tất cả đều quá nhỏ bé, trơ trụi, xa lạ.  Trẻ con gầy còm, ốm yếu.  Quần đùi vá víu miếng nọ miếng kia.  Cởi trần, ngồi nghịch đất.  Không tiếng nô đùa. Không tiếng hát. Không tiếng nhạc của máy thu thanh.  Không cả tiếng hót.  Như một vùng đất chết.
Ba người anh cùng đi với tôi chuyến này đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết của hơn ba mươi năm về trước.  Thoát ly gia đình, mang tuổi trẻ của mình cống hiến cho đất nước .  Ðể rồi khi biết mình bị lừa thì đã muộn.  Cũng dòng sông Lô nắng vàng lấp lánh nhưng còn đâu tiếng hát rộn ràng? Cũng con đê này của những buổi chiều vai đeo ba lô tùu chiến khu về, rầm rập bước chân.
Trong thời gian, "Hồi chuông ngân nga trong chiều thu ngập gió...Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời." Ba người anh tôi ôn lại một vài kỷ niệm xưa.  Tiếc nuối.  Tôi làm các anh tỉnh giấc mơ:"Phải chi ngày ấy các anh không đi theo phong trào Thanh Niên Cứu Quốc thì nay em đâu phải đi bốc mộ chồng ở một nơi đèo heo hút gió này!" Ba người anh im lặn.  Họ như muốn quên đi những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng.  Yêu tự do.  Yêu tổ quốc.  Ðánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước .  Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày trở về giải phóng thủ đô Hà Nội.  Những người bộ độ với tuổi hai mươi.  Trẻ trung.  Học thức.  Hà Nội đã bừng lên một sức sống mới.
Hà Nội rực rỡ cờ hoa.  Hà Nội tưng bừng tiếng hát. Không bao lâu, những cuộc đấu tố dã man diễn ra khắp nơi.  Ông bác tôi bị đấu tố, dù có năm người con đi kháng chiến.  Nghe tin dữ, các anh về quê xin Ðảng khoan hồng.  Không những không tha, họ còn xúi giục các anh tôi: phải giác ngộ cách mạng, phải đứng vào hàng ngũ nhân dân, cùng vạch tội, chỉ tên địa chủ, cường hào, ác bá.  Ông bác tôi bị tù.  Khổ sai lao động. Thất vọng, đớn đau nhìn bố vác cây, đào đất, khiêng đá, trộn hồ...Những người tù già này làm việc suốt ngày đêm để đạt chỉ tiêu biến khu đất hoang quanh hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, thành một công viên mang tên Thống Nhất.  Ðến thập niên 1980 đổi thành công viên Lê Nin.
Cũng vì sự khổ nhục của người bác thân yêu mà bao lần ra Hà Nội là bấy nhiêu lần tôi không đặt chân vào công viên này.  Cũng như tôi đã không đến vui chơi khu K4 Long Khánh, một địa điểm du lịch mớ lạ của miền Nam.  Vì nơi đây được tạo nên bởi những bàn tay của cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng sản tù đầy, hành hạ.
Các anh tôi, vài năm đầu "Sài Gòn giải phóng" vì đường lối của Ðảng, hay vì muốn các em của mình ở miền Nam sớm "giác ngộ" để hoà nhập ngay với cuộc sống mới, đã có những lần tranh luận.  Bao giờ cũng trở thành lớn tiếng cãi nhau.  Tôi đã làm các anh nhức đầu không ít.  Lần cuối cùng, tôi không cãi lại các anh nữa.  "Ðảng đã cho các anh tôi sáng mắt sáng lòng. "Ðó là lần một anh nói với tôi:"Người em không yêu làm em khổ, em đâu có đau bằng anh? Anh đã yêu, anh đã dâng hiến cả cuộc đờim mà ngày nay anh bị phụ bạc, anh bị lừa dối..." Một anh khác:"Viên gạch đã trót để vào xây tường, giờ có rút ra cũng bị vỡ tan.  Thôi em ạ, không còn còn đường nào khác!"
Trên con đê này, giữa khung cảnh hoang vắng của buổi chiều trung du, bốn anh em đi bên nhau.  Thương cho thân mình.  Thương cho các anh.  Lý tưởng sụp đổ tan tành.  Ngày mai đen tối.
Trời chạng vạng.  Tôi đã bắt đầu đi những bước thấp bước cao.  Quãng đường này làm tôi nhớ lại những lần vượt biên.  Xuống ghe tại Nhà Bè khi thành phố còn chìm trong màn đêm.  Lên bờ đi bộ băng qua bao nhiêu là thửa ruộng.  Vấp ngã bao lần mà không cảm thấy đau đớn vì thần kinh đang trong tình trạng căng thẳng: hồi hộp, lo sợ.
Lần nầy trên cánh đồng: mệt mỏi, chán chường.  Cũng phải vài giờ nữa mới tới trụ sở Ban Chỉ Huy.  Tiếng dế nỉ non.  Xa xa ánh đèn leo lét.  Cố lê bước tới đó để xin ngủ nhờ qua đêm.  Nhìn một căn nhà tương đối khang trang, chúng tôi vào gặp chủ nhà xin ngủ đỡ ngoài mái hiên.  Nhưng cũng bị từ chối.  Ðang lo lắng không biết tôi có đủ sức đi tiếp hay không, thì như có phép lạ, một người đàn bà gánh lúa từ xa đi tới.  Bà ta dừng lại:"Các bác tìm nhà ai thế?" Khi biết ý, bà ta mời chúng tôi về nhà.  Bốn anh em mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao.  Dù gánh lúa nặng trĩu trên vai, bà ta vẫn bước đi thoăn thoắt.  Trong khi tôi lẽo đẽo theo sau.
Khi bà đẩy cánh cổng tre, bóng tối làm tôi không thể nhìn rõ một người đàn ông đang xếp lúa ngay đầu nhà.  Ông ta không quay lại và cũng không lên tiếng đáp lại lời chào của các anh tôi. Trước thái độ lạnh nhạt đó, chúng tôi hơi e ngại.  Trong lòng vẫn mừng thầm không bị đuổi ra.
Một gian nhà ba gian bằng tre sơ sài nhưng gọn ghẽ.  Nhìn cách trang trí nhà cửa, nhìn bức tượng Chúa nho nhỏ trên bàn thờ cao, tôi có thể đoán chủ nhân không phải là người quê mùa.  Tôi ôm bộ quần áo ra giếng.  Những giọt nước mát lạnh làm tôi tỉnh táo lại.  Trăng bắt đầu lên.  Tôi đã nhìn rõ khung cảnh chung quanh.  Mảnh sân hình chữ nhật. Khu vườn nhỏ.  Chái bếp cuối sân.  Ánh lửa bập bùng.  Hàng cây cau vươn cao đón ánh trăng.  Tôi liên tưởng tới hàng cau của khu vườn trước nhà tôi ở quê hương.  Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường trèo lên nhanh như một chú mèo con để hái quả cau cho mẹ tôi têm trầu đãi khách.  Trong không gian thoang thoảng mùi hương hoa thiên lý.  Âm thanh tiếng đàn mandoline bản Valse Favorite vui tươi, tiếng hát chan chứa tình quê "Làng tôi xanh bóng tre.  Hồn lắng tiếng chuông ngân.  Tiếng chuông nhà thờ rung..." chợt khua động trong tôi ngày tháng êm đềm thời thơ ấu.
Tôi thở thật sâu để nén xúc cảm.  Ðêm yên lặng.  Ðêm mờ ảo.  Tất cả đều rất mong manh.  Một tiếng động nhỏ cũng đủ làm tan vỡ giấc mơ xưa thoáng đến với tôi, đưa tôi về thực tại.  Tôi phải vào nhà để bàn chuyện ngày mai.
Tiếng cười nóoi làm tôi ngạc nhiên.  Ông chủ nhà cùng ba anh tôi đang vui vẻ quây quần bên khay trà bốc khói.  Thấy tôi vào, ông kéo ghế trịnh trọng mời ngồi.  Tôi còn đang ngơ ngác trước thái độ thay đổi nhanh chóng thì một anh đã giải thích:"Ban đầu ông Tuyển tưởng anh em mình đi thăm nuôi tù.  Bây giờ ở đây có tù hình sự (những thanh thiếu niên can tội cướp của giết người ) Tù chính trị chuyển đi từ lâu rồi.  Một số về trại Hà Nam Ninh.  Ða số vào Nam.
Ông Tuyển đặt ly trà thơm phức trước mặt tôi:"Ðược biết cô về đây bốc mộ cho chồng, chúng tôi vô cùng cảm kích.  Gia đình chúng tôi xin hết sức giúp đỡ cô và các ông anh đây."
Vầng trán cao.  Khuôn mặt chữ điền.  Cách nói chuyện lưu loát cùng dáng điệu từ tốn, cử chỉ lịch sự, chứng tỏ ông Tuyển là một người có một số vốn kiến thức về học vấn cũng như về xã hội.  Ông cho biết có một người anh là linh mục trong một ngôi nhà thờ vùng đất đỏ Long Khánh.
Ông Tuyển đã sắp xếp chỗ ngủ cho chúng tôi.  Ðể khách được tự do, ông Tuyển dặn dò vợ con và đi vào thôi tìm người quen chuyên việc cải táng.
Gian phòng khác rộng, sơ sài nhưng ngăn nắp.  Giường tre, bàn gỗ mộc mạc, thô kệch, được hình thành có lẽ do bàn tay của chủ nhà.  Tượng Chúa và tượng Ðức Mẹ trên cao là một hình ảnh cảm động hiếm có trong những ngôi nhà tại miền Bắc.  Theo như lời ông Tuyển, đời sống gia đình ông bắt đầu khá hơn kể từ khi hợp tác xã nhà nước tan vỡ.  Lối làm ăn tập thể nhường lại cho lối khoán sản phẩm.  Tuy nhiên, vẫn phải nộp đủ cho nhà nước , cả nhà xúm nhau cày cấy mới có gạo ăn.
Dưới nhà ngang, các con ông bà Tuyển đang đập lúa, giã gạo, sàng sẩy...Mọi người chăm chú làm việc, không tò mò để ý khách phương xa. Tôi mệt mỏi nằm thiếp đi trong chốc lát.
Khi tôi tỉnh dậy, trăng đã lên cao.  Ông Tuyển vừa về tới.  Tay cầm hai chai rượu và một bó hoa tươi.  Ông cho biết đã tìm được một người rất thành thạo trong việc bốc mộ.  Chai rượu này để rửa hài cốt.  Tìm mua được rượu ở miền núi không phải là chuyện dễ dàng.
Bà Tuyển bưng mâm cơm từ nhà bếp lên. Chúng tôi trải chiếu ngoài hiên, ngồi ăn cơm dưới ánh trăng.  Ðĩa thịt gà luộc thơm mùi lá chanh thái chỉ rắc lên trên. Tô canh rau "tập tàng"- đủ mọi loại rau hái ngoài vườn - mát ngọt.  Tôi không ngờ anh em chúng tôi được đối xử như một thượng khách ở nơi đây.  Thế mới biết ở một nơi tưởng chừng như không có, ta vẫn tìm thấy một tấm lòng.
Qua một đêm ngủ với nhiều mộng mị, sáng sớm hôm sau, tôi và các anh đến Bộ Chỉ Huy.  Có quãng đường đi được bằng xe đạp.  Có quãng đường đá lởm chởm phải dắt bộ.  Chỉ huy trại là người mới. Không phải Thiếu Tá Nguyễn Thùy tôi gặp lần trước.  Hắn vồn vã thái quá, khiến tôi chỉ im lặng ngồi nghe.  Hắn kể chuyện, có một người nước ngoài, cách đây không lâu, về đây bốc mộ bố.  Cầm bình hài cốt lên xe, xe không nổ máy.  Gọi xe ngựa đến kéo, con ngựa nhảy quớ lên không chịu chạy.
Nhìn hắn ba hoa, ngồi bỏ cả hai chân lên ghế, tôi hơi khó chịu.  Nhất là cặp mắt hắn thỉnh thoản lại nhìn vào mấy bao thuốc là "555" anh tôi mang đến làm quà.  "Ba con năm vừa nằm vừa ký", cho nên bọn tôi mới được chấp thuận một cách dễ dàng.
Những chuyện hắn nói có thể xảy ra ở đâu, hắn nghe được. Hắn muốn nói đến đời sống tâm linh.  Anh em tôi thì có rất ít thời gian.  Cũng có thể sau một thời gian quá dài bị đè nén, những con người triệt để chống chủ nghĩa duy tâm ngày nay bắt đầu duy tâm hơn ai hết.
Xe Volga cọc cạch chở chúng tôi đi lên ngọn đồi, nơi an nghỉ của những quân nhân chế độ cũ.  Ít ra từ ngày Việt Công muốn bang giao với Mỹ, đã có lúc họ bỏ được từ ngữ "ngụy quân ngụy quyền".  Nhưng tiếc tay những tên gọi này vẫn là vết hằn trong lòng người Việt.
Tôi ngồi đợi trong một căn nhà nhỏ dựng sơ sài bằng tre nứa.  Nền đất lồi lõm. Trên vách nhỏ treo đủ thứ khẩu hiệu, kế hoạch công tác hàng tháng, tuần... Hình ảnh các lãnh tụ Cộng Sản thế giới và trong nước quá khổ so với bức vách, treo xộc xệch như sắp rơi.  Ðây là nơi làm việc của toán công an canh gác.
Cách đây bốn nă,, khi tôi đến nơi đây nhận mộ chồng, cảnh vật chung quanh gọn ghẽ hơn.  Hàng ngày còn có bàn tay bạn tù săn sóc.  Giờ đây cỏ cây, dây leo chằng chịt, không nhìn thấy lối đi.  Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tên công an cầm bản đồ nghĩa trang và các anh tôi trở lại trụ sở với gương mặt thất vọng.  Không tìm thấy mộ vì cỏ cây che lấp cả một vùng rộng lớn.  Tim tôi như muốn ngừng lại.  Chẳng lẽ lại về không?
Tôi xin mọi người hãy cho tôi đến tìm.  Tôi thầm cầu nguyện cũng như ở Sài Gòn, mẹ tôi và các em tôi đã cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được tốt đẹp.
Kỳ lạ thay! Tôi chỉ vạch lá chui vào đúng một quãng ngắn là tìm ra mộ.  Tôi reo to lên.  Các anh tôi đứng ngoài không tin.  Ngôi mộ có hai bia đá.  Tôi lầm thế nào được.  Một tấm bia tôi mang từ Hà Nội lên.  Một tấm bia nữa của anh em bạn tù đẽo gọt bằng tay.  Nét chữ khắc vào đá mờ đi vì rêu phủ.
Trong khi người thợ cải táng chặt cây cối chung quanh, tôi thắp nhang lui cui cắm trên từng ngôi mộ. Ðêm mưa, cỏ ướt, ngửi thấy có hơi người, những con vắt nhảy ra, bám lấy chúng tôi.  Máu chảy ròng ròng.  Tôi muốn ngất người đi vì sợ.  Cây cối quang dần.  Dầu nóng tôi bôi đầy mặt, mũi, chân, tay, khiến những chú dế bé xíu cũng không dám nhảy ra đột kích nữa.
Một ít trái cây mua vội dọc đường, bó hoa ông Tuyển mua dùm, chúng tôi chỉ có những tấm lòng thành trước linh hồn người đã khuất.  Người anh lớn nhất của tôi khấn thật lâu.  Những cây nhang cháy rất nhanh, tàn cong vòng...khói nhang thơm toả ngát.  Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đất, lòng tôi đau buốt.  Tiếng cuốc, xẻng đều đều vang vọng giữa miền rừng núi hoang vu.  Từng tảng đất bật lên, tâm hồn tôi nhu vỡ vụn.  Cho tới lúc lưỡi cuốc đụng vào quan tài.  Tôi hồi hộp.  Các anh tôi nôn nóng.
Khi tôi ra đến Hà Nội, các bậc lão thành có trấn an:"Ðất núi miền khô ráo, xương cốt lâu ngày sẽ tan đi.  Phải chuẩn bị tinh thần: có thể đứng trước một cái hòm chỉ có đầy cát bụi!"
Thế cho nên khi những nhát búa đầu tiên bổ xuống để nạy nắp quan tài, tôi cứ giật thót mình.  Một cảm giác đớn đau như lần đầu tiên nghe thấy tiếng đóng đinh vào quan tài bố tôi lúc liệm quan...
Gỗ áo quan dầy và chắc.  Khi chiếc nắp bật lên, tôi lạnh người: chiếc chăn len màu đỏ! Suốt đêm qua, người anh lớn của tôi cứ chợp mắt là nằm mơ thấy xác chồng tôi quấn bằng mảnh vải màu đỏ.  Gương mặt các anh tôi xúc động.  Bóc lượt chăn len ra là quần áo.  Hết lớp áo này đến lớp quần khác.  Bàn bè đã dồn tất cả cho người chết mang đi.  Nước mắt tôi ràn rụa.  Màu xanh lá cây đậm của chiếc áo len mẹ tôi mua tặng, gửi trong năm ký lô quà đầu tiên ra Bắc.  Chiếc sơ-mi trắng ngà có từng sợi chỉ xanh xanh, hồng nhạt, mang về Sài Gòn sau chuyến du học tại Mỹ năm 1971. Chai dầu gió, đôi giày ba ta...tất cả tôi đã tự tay xếp vào ba lô trước ngày anh đi trình diện "học tập cải tạo".
Không còn lầm được.  Không còn ảo tưởng:"Ðã trốn trại, còn đang ẩn trốn tại một nơi nào." Tôi mất anh thật rồi! Thế là hết.  Tôi khóc nức lên.  Trời như nổi gió.  Cỏ cây chao đảo.  Ðồi núi quay cuồng.  Quanh tôi cảnh vật mờ đi...
Lâu lắm, khi tôi tỉnh dậy, đống tro tàn của áo quần vừa đốt còn âm ỉ cháy.  Trong một cái xanh to bằng gang dùng thổi cơm cho trại tù đã gẫy tay cầm, các anh tôi đã đổ bột nhang thơm với rượu trắng để ngâm xương cốt.  Người thợ cải táng cùng các anh tôi quấn giấy bao từng lóng xương, đặt từng mảnh vào trong nhiều túi ni-lông ...
Không gian mênh mông yên lặng.  Tôi lặng lẽ theo các anh tôi bước nhanh cho kịp chuyến đò cuối cùng...
 
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 250

Return to top