Bia tưởng niệm là một cách điệu nghệ thuật: một khối đá đen tuyền bóng láng nằm nghiêng nghiêng trên triền đồi thoai thoải. Nhưng vẻ giản dị của nó gợi lại một thực tại dữ dội. Những dòng tên của người đã khuất khắc trên đá hoa cương không chỉ ghi nhận những cuộc đời đã mất trong chiến trận mà còn biểu hiện sự hy sinh cho một cuộc chinh phục đã thất bại, cho dù động cơ của cuộc chinh phục đó là cao quý hay ảo vọng. Theo một ý nghĩa rộng hơn, chúng biểu trưng cho niềm hy vọng đã tàn phai – hoặc có lẽ là sự sinh thành một nhận thức mới. Chúng là bằng chứng cho điểm kết thúc một niềm tin tuyệt đối vào tính độc nhất về đạo đức, sự bất khả chiến bại về quân sự, và vận mệnh hiển nhiên của nước Mỹ. Chúng là cái giá phải trả, bằng máu và niềm đau khổ, cho sự thức tỉnh để trưởng thành của nước Mỹ, cho sự thừa nhận những giới hạn của nước Mỹ. Cùng với những thanh niên đã chết ở Việt Nam đã tiêu tan luôn giấc mơ về một “Thế kỷ Mỹ”.
Hàng ngàn cựu chiến binh Việt Nam đổ về thủ đô Washington để dự lễ tưởng niệm trong một dịp cuối tuần lạnh và khô tháng 11 năm 1982. Họ đến cùng với gia đình họ và gia đình của những người đã khuất. Có những người bị bại liệt ngồi trên xe lăn, có những người cụt tay. Họ mặc áo quần lao động hoặc trang phục của doanh nhân, một số người còn mặc nguyên quần áo lính. Có những bài diễn văn, những cuộc hội ngộ, một cuộc diễu hành và một nghi lễ nghiêm trang tại Giáo đường Quốc gia, nơi những người tình nguyện đã tổ chức thắp nến nguyện cầu trong suốt tuần lễ, xướng tên từng người một của gần năm mươi tám ngàn người lính đã bị giết hoặc mất tích trên chiến trường. Nhìn từ xa, đám đông trông giống hệt những đoàn biểu tình phản đối chiến tranh đã tràn qua thủ đô trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong dịp cuối tuần này, những cuộc tranh cãi quá khứ đã không lộ rõ. Giờ đây người Mỹ có vẻ như đang thanh toán món nợ với những người đã chiến đấu và đã chết – ca ngợi sự đóng góp của họ, đền đáp nỗi đau khổ của họ. Những gương mặt, những lời xưng tụng và cả đài tưởng niệm nữa dường như cố chữa lành các vết thương. Hai cái tên ở dòng đầu trên bia tưởng niệm – Dale R. Buis và Chester M. Ovnand – làm tôi nhớ lại một sự kiện xa xôi.
Tôi đến miền Nam Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1959, ngay sau khi sang châu Á làm thông tín viên chính cho các tạp chí
Time và
Life. Những người nổi dậy chỉ vừa mới “đồng khởi” để thách thức một chế độ mới được sinh ra năm năm về trước, khi một hội nghị quốc tế tổ chức ở Geneva đã chia đôi đất nước này sau thất bại của người Pháp. Lúc đó vẫn chưa có danh từ Việt Cộng – một cái nhãn hàm ý miệt thị mà chính phủ Nam Việt Nam đặt ra để dán cho những người nổi dậy, xem họ là người cộng sản. Cho đến lúc đó những người nổi dậy vẫn còn được gọi là Việt Minh, lực lượng đã đánh bại người Pháp. Vài trăm cố vấn quân sự Mỹ được phái tới đây để huấn luyện và trang bị cho quân đội miền Nam Việt Nam nhưng hiếm có những dấu hiệu bất ổn nghiêm trọng. Thế rồi vào tối ngày 8 tháng 7 năm 1959, một biến cố đã xảy ra tại một trại lính gần Biên Hòa, tổng hành dinh của các sư đoàn quân đội miền Nam Việt Nam chỉ cách Sài Gòn khoảng hai mươi dặm về phía đông bắc. Ngày hôm sau tôi lái xe đến đó để thu thập thông tin chi tiết.
Sáu năm sau, khi Mỹ đổ binh lính, tiền bạc và phương tiện vào đây để mở rộng cuộc chiến, Biên Hòa trở thành một căn cứ Mỹ khổng lồ và thành phố thoái hóa thành một khu giải trí nhếch nhác đầy những quán rượu và nhà thổ. Nhưng vào năm 1959 Biên Hòa vẫn còn là một thị xã tỉnh lỵ nhỏ bé mơ màng với ngôi giáo đường, những tòa biệt thự và những con đường rợp bóng cây, tàn dư của một thế kỷ thực dân Pháp cai trị. Trong lúc lái xe suốt buổi sáng nhiệt đới nóng bức và ẩm ướt, tôi được nhìn lần đầu tiên một vùng đất chưa hề bị chiến tranh khuấy động. Nông dân mặc đồ bà ba đen đội nón lá cúi mình trên đồng lúa giữa những đám ruộng nước, nhịp điệu lao động chậm rãi của họ biểu thị đức tính kiên trì vô hạn của châu Á. Những ngôi chợ quê bận rộn dọc bên đường quảng bá cho sự trù phú của quốc gia. Nhưng khi chạy xe vào trại lính tôi gần như nếm ngay được sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh mà quy mô cuối cùng của nó chắc chắn đã vượt quá những tưởng tượng hoang đường nhất của tôi khi ấy.
Đêm trước đó, sáu trong số tám cố vấn Mỹ đồn trú ở Biên Hòa đã trở về chỗ nghỉ sau bữa ăn tối để xem phim, bộ phim
The Tattered Dress do Jeanne Crain thủ vai nữ chính. Một người trong số họ đã bật đèn lên để thay phim khi biến cố xảy ra. Quân du kích thò súng qua cửa sổ và vãi đạn khắp phòng bằng súng trường tự động – ngay lập tức giết chết thiếu tá Buis và thượng sĩ Ovnand, cùng với hai cảnh vệ Nam Việt Nam và một đứa bé tám tuổi.
Hai người này không phải là những lính Mỹ đầu tiên bị giết ở Việt Nam. Trung tá A. Peter Dewey của Văn phòng Dịch vụ Chiến lược
[1] đã bị bắn hạ một cách tình cờ bởi một nhóm Việt Minh ở ngoại ô Sài Gòn tháng 9 năm 1945. Và một phi công Mỹ gan dạ, đại úy James B. McGovern - biệt danh là McGoon Động đất, theo tên một nhân vật trong bộ phim hài
Li’l Abner – đã tử nạn khi lái máy bay chở hàng tiếp tế cho quân đội Pháp đang bị bao vây tại Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954. Nhưng Buis và Ovnand là những người đầu tiên chết trong “Kỷ nguyên Việt Nam”, một lối ngoa ngữ chính thức của người Mỹ để chỉ một cuộc chiến tranh không bao giờ được tuyên chiến chính thức.
Bản tin của tôi về biến cố ở Biên Hòa chỉ nhận được một khoảng không gian khiêm tốn trên tạp chí
Time – nó không đáng được nhiều hơn. Bởi vì khi ấy không ai tưởng tượng được rằng sẽ có khoảng ba triệu người Mỹ phục vụ tại Việt Nam – rằng sẽ có hơn năm mươi tám ngàn người bỏ mạng trong những cánh rừng, trên những cánh đồng và tên tuổi của họ hai mươi ba năm sau sẽ được khắc trên một tấm bia tưởng niệm nằm cạnh tượng đài các tổng thống Washington và Lincoln.
Khi ấy, trong lúc xem xét khu nhà chi chít vết đạn ở Biên Hòa, tôi cũng không hình dung được cho dù rất mơ hồ cuộc tàn sát khủng khiếp sẽ hủy diệt nước Việt Nam suốt mười sáu năm chiến tranh triền miên sau đó. Hơn bốn triệu binh lính và thường dân Việt Nam ở cả hai bên – tức là khoảng 10 phần trăm dân số đã bị giết hoặc bị thương. Đa số những người Nam Việt Nam chết được chôn cất trong những nghĩa trang gia đình hoặc dòng tộc. Đi thăm miền Bắc đất nước sau cuộc chiến, tôi đã thấy hàng hàng lớp lớp những bia mộ trắng trong mỗi nghĩa trang làng xã, mỗi tấm bia mang dòng chữ Liệt sĩ. Nhưng những ngôi mộ ấy đều là mộ gió, thi hài của những người đã khuất đã bị xe ủi đẩy xuống những hố chôn chung trong những nấm mồ tập thể ở miền Nam, nơi họ ngã xuống.
Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến tranh không có người chiến thắng, ít ra là theo ngôn ngữ nhân văn – đó là cuộc chiến tranh giữa các nạn nhân. Nguồn gốc của nó cực kỳ phức tạp, những bài học của nó luôn được tranh cãi và hậu quả của nó các thế hệ mai sau sẽ tính toán. Nhưng cho dù đó là một cuộc dấn thân hợp lý hay một nỗ lực sai lầm, nó cũng là một bi kịch mang tầm vóc sử thi.
*Lịch sử là một tiến trình trình hữu cơ, là một chuỗi các sự kiện có liên quan với nhau, vô tâm vô tình nhưng không phải không thể tránh được. Các lãnh tụ và người dân đi theo họ quyết định và ủng hộ các sự lựa chọn nhưng chỉ trong khung khổ những kinh nghiệm và khát vọng của họ mà thôi. Cội nguồn của sự can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam đã được gieo trồng và nuôi dưỡng trong cái mà giáo sư Daniel Bell ở trường đại học Harvard gọi là “quan niệm của người Mỹ về tính độc nhất của mình”.
Khi rời nước Anh để sang châu Mỹ năm 1726, nhà triết học và giám mục Anh giáo George Berkeley đã viết: “Hãy tiến về phía tây con đường của đế chế”, báo trước những chân trời mới ở phía xa. Và một thế kỷ sau đó những người Âu châu đã lặp lại lời ông tán dương xã hội mới. Đối với Hegel, châu Mỹ là “miền đất của tương lai”, vẫy gọi “tất cả những ai đã chán nản” lục địa già; trong khi Tocqueville coi nước Mỹ - nơi có những thể chế dân chủ, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và cơ hội dành cho cá nhân - như là một cột mốc, một hình mẫu cho châu Âu suy đồi đang bị tả tơi vì nghèo đói, vỡ mộng, xung đột giai cấp và rối loạn về ý thức hệ. Ý tưởng về tính độc nhất cũng truyền cảm hứng cho chính những người Mỹ, và cụm từ “vận mệnh hiển nhiên” (manifest destiny) biểu thị niềm tin của họ vào nghĩa vụ phải xuất khẩu những lợi ích mà họ được hưởng cho những nền văn minh ít được đặc ân hơn ở nước ngoài.
Cụm từ này, được chế tác vào năm 1845 để xúc tiến việc sáp nhập bang Texas vào nước Mỹ, lúc đầu chỉ để biện minh cho công cuộc mở rộng nước Mỹ tới các biên giới tự nhiên của nó. Rồi nó trở thành khẩu hiệu của những nhà cải cách, những người bảo trợ đạo luật cấp đất cho người di cư, những người tìm cách mở mang những lãnh địa mới cho những nông dân nhỏ - trong số đó có những di dân người Đức và người Ái Nhĩ Lan, những người đã đào thoát đến nước Mỹ để tìm kiếm tự do và sự an toàn. Chẳng bao lâu sau đó nó được các nhà duy tâm mơ mộng như nhà thơ Walt Whitman phóng đại lên; ông đã thấy trước việc nước Mỹ phóng chiếu “tự do và hạnh phúc” của nó đến các nền văn hóa cổ xưa ở châu Á. Sau đó nữa những người cấp tiến như các tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson tin rằng họ đang mở rộng nền đạo đức tự do của nước Mỹ đến Việt Nam như một thứ thuốc giải đối với chủ nghĩa toàn trị. Có lẽ họ đã mượn ý tưởng từ thơ của Whitman:
Từ bờ biển California nhìn về tây
Tôi, một đứa bé già nua,
Tò mò, không mỏi mệt, tìm kiếm những gì chưa thấy
trên những ngọn sóng, hướng về ngôi nhà của tổ phụ, miền đất của người di dân, trông thật xa vời,
Nhìn xa bờ biển Tây phương của tôi, vòng tròn dường như đã bao quanh…
Học thuyết về vận mệnh hiển nhiên rất khác với động lực đế quốc chủ nghĩa vốn bành trướng mạnh trong buổi giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20. Nước Mỹ đã thò tay ra nắm lấy quần đảo Hawaii, đảo Guam và một phần quần đảo Samoa; và nó cũng chiếm lấy Puerto Rico, Cuba và Philippines sau khi đánh bại Tây Ban Nha năm 1898. Nhưng trong lúc các thế lực Âu châu khi ấy cố gắng đục khoét châu Á và châu Phi, thì nước Mỹ rất ít nghiêng về phía thống trị các lãnh thổ ngoại quốc. Trái với người châu Âu cần các thuộc địa ở hải ngoại làm nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng công nghiệp của chính quốc, nước Mỹ có thể dựa hoàn toàn vào các nguồn tài nguyên và thị trường nội địa rộng lớn của mình. Ngoài ra, là những người khởi nghĩa chống lại sự đàn áp của chủ nghĩa thực dân Anh, người Mỹ kiên quyết cự tuyệt cái ý nghĩ thống trị các dân tộc khác. Những người dẫn dắt dư luận xuất sắc nhất của thời ấy như Andrew Carnegie và chủ tịch đại học Harvard Charles Eliot đều kiên quyết chống lại chủ nghĩa đế quốc; họ khẳng định trong các lý lẽ của họ rằng chủ nghĩa đó vi phạm tự do thương mại.
Thế là Cuba được trao trả độc lập, yêu cầu của Haiti và San Domingo muốn đứng dưới quyền cai trị của Mỹ bị bác bỏ. Khác với châu Âu, nước Mỹ đã tự kiềm chế để không lao vào cuộc cướp bóc đất nước Trung Quốc mà hành động một cách rất đặc trưng là dùng khoản tiền bồi thường cho những thiệt hại người Mỹ phải gánh chịu trong cuộc nổi loạn Nghĩa hòa Đoàn
[2] để đào tạo những người Trung Quốc sống trên đất Mỹ. Philippines, lãnh thổ chính còn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ, cuối cùng cũng đã bị chinh phục sau một chiến dịch “bình định” kéo dài, một chiến dịch báo trước chiến lược của Mỹ ở Việt Nam sau này. Nhưng việc người Mỹ sáp nhập quần đảo Philippines là việc làm miễn cưỡng. Như sau này tổng thống William McKinley thú nhận: “Sự thực là tôi không muốn nước Philippines. Và khi quần đảo đó đến với chúng tôi như một món quà của trời đất thì chúng tôi không có cách nào khác hơn là tiếp nhận và tiến hành giáo dục người Phi… Và, nhờ ơn Chúa, chúng tôi làm cho họ những gì tốt nhất mà chúng tôi có thể làm”.
Nhưng sẽ là một sự xuyên tạc trắng trợn nếu nói rằng sự hiện diện của người Mỹ ở nước ngoài là do họ bị thôi thúc triền miên bởi lòng vị tha nhân hậu như vậy. Các doanh nghiệp lớn đã bóc lột “những người anh em da màu nhỏ bé của chúng ta” ở Philippines cũng giống như họ đã thao túng các nền kinh tế Mỹ La-tin, họ thường ủng hộ bọn cường hào ác bá ở địa phương để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Nhưng một giọng điệu thường thấy trong chủ nghĩa bành trướng Mỹ bắt nguồn từ Kinh Thánh - trong khi hoàn tất một trách nhiệm thiêng liêng nào đó dường như nước Mỹ đã được Thượng đế chọn để thực hiện sứ mệnh cứu rỗi địa cầu. Lối nói khoa trương về sự cứu chuộc thấm sâu trong những cam kết của tổng thống Woodrow Wilson “làm cho thế giới trở nên an toàn cho nền dân chủ” dưới sự che chở của Mỹ. Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng đã nhấn mạnh một đề tài tương tự. Ông đã khuyến khích phong trào tự quyết mang tính chất dân tộc chủ nghĩa ở các thuộc địa của châu Âu trong khi phủ nhận rằng nước Mỹ có tham vọng bá chủ thế giới trong thời kỳ sau Thế chiến thứ II. Nhưng ông nhấn mạnh, hòa bình và sự ổn định của thế giới thời hậu chiến sẽ tùy thuộc vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
Trong khi đó những tuyên bố đạo đức này lại sánh đôi với sự hăng hái của các nhà truyền giáo Mỹ, nhất là ở Trung Quốc. Ở đó nước Mỹ truyền bá một chính sách Mở Cửa (Open Door), được thiết kế để nâng cao chủ quyền của Trung Quốc chống lại sự xâm phạm của chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Nhưng các nhà truyền giáo có nhiệm vụ làm việc từ bên trong để chuyển hóa Trung Quốc thành một đất nước theo Thiên chúa giáo, bằng cách đó mà kích thích sự phát triển các thể chế dân chủ và hun đúc các quan hệ với Mỹ. Ngày nay công việc đó có vẻ kỳ quái nhưng vào lúc ấy có nhiều người Mỹ nổi tiếng nuôi hy vọng về một nước Trung Quốc Công giáo. Anson Burlingame, một nhà ngoại giao và sau này làm cố vấn cho triều đình Mãn Châu, đã từng hình dung “cây thập tự sáng rực trên mọi đỉnh đồi, mọi thung lũng” của đất nước Trung Quốc, còn William Jenning Bryan mong mỏi một “nền văn minh Trung Quốc mới… hình thành trên phong trào Thiên chúa giáo”. Những ước mơ kiểu này dâng trào vào đầu thập niên 1930, khi thống chế Tưởng Giới Thạch – lãnh đạo người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc – cải đạo theo Tin lành Methodist, chủ yếu là để cải thiện quan hệ với phương Tây. Chẳng bao lâu sau đó nhiều người Mỹ thấy Trung Quốc đang từng bước trở thành một bản sao của Mỹ, một khát vọng mà thượng nghị sĩ Kenneth Wherry của bang Nebraska trình bày một cách nghiêm chỉnh vào năm 1940: “Nhờ hồng ân của Chúa, chúng ta sẽ nâng Thượng Hải lên cao, lên cao nữa cho đến khi nó giống như thành phố Kansas”.
Cũng tán dương cái chủ đề ấy, Henry Luce, ông chủ đầy ảnh hưởng của các tạp chí
Time và
Life, đã giới thiệu một bản thiết kế huy hoàng cho tương lai nước Mỹ ngay đêm trước khi xảy ra Thế chiến thứ II. Ông là con của các nhà truyền giáo và được sinh ra ở Trung Quốc. Bài xã luận của ông trên báo
Life có nhan đề “Thế kỷ Mỹ” đã gây chú ý bằng một giọng giống như Chúa cứu thế: “Điều mà chúng ta cần hơn hết thảy là tìm kiếm và tạo dựng một tầm nhìn về nước Mỹ như là sức mạnh của thế giới, một nước Mỹ thật sự… Nước Mỹ như là trung tâm năng động của tinh thần doanh nghiệp luôn luôn mở rộng, như là trung tâm đào tạo những người phục vụ tài giỏi cho nhân loại, nước Mỹ như là những người Samarita tốt bụng thực sự tin tưởng rằng khi cho ta sẽ được hưởng phước nhiều hơn khi nhận và nước Mỹ như là nơi phát xuất những lý tưởng về Tự do và Công lý – từ những nguyên tố này chắc chắn chúng ta có thể gầy dựng nên một tầm nhìn cho thế kỷ 20… Thế kỹ Mỹ vĩ đại đầu tiên”.
Người ta đón nhận bài báo hùng hồn mà nhạt nhẽo này bằng thái độ hoài nghi, thậm chí chế giễu. Luce đã rút lại ý kiến của mình – nhất là sau khi đương đầu với sự phản hồi của Reinhold Niebhr, một nhà thần học nổi tiếng đã lên tiếng cảnh báo về “sự suy đồi ích kỷ” của các quốc gia được thúc đẩy bởi những mong muốn như vậy. Nhưng niềm tin mà Luce phát biểu – như là người rao giảng về nhiệm vụ của nước Mỹ là bảo vệ trật tự toàn cầu – vẫn tồn tại, và trở thành niềm thôi thúc mới ngay sau Thế chiến thứ II, khi bóng ma của chủ nghĩa cộng sản ám ảnh nước Mỹ. Các tổng thống Mỹ nối tiếp nhau giải thích đi, giải thích lại chính sách ngoại giao của họ bằng một thứ ngôn ngữ vũ trụ. Harry Truman nói: “Thế giới ngày nay mong được chúng ta lãnh đạo”; Dwight Eisenhower cũng nói những lời tương tự. Kennedy cũng vậy, trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống ông đã thề rằng nước Mỹ sẽ “bằng mọi giá, chịu đựng mọi gánh nặng, đương đầu với mọi khó khăn, hỗ trợ mọi người bạn, chống lại mọi kẻ thù để bảo đảm sự sinh tồn và thành công của tự do”. Mục tiêu của Johnson, như ông ta miêu tả, là để “mang lại hòa bình và hy vọng đến cho tất cả các dân tộc trên thế giới”. Còn Richard Nixon tự phô diễn mình như là một kiến trúc sư của “tòa lâu đài hòa bình” quốc tế.
Bằng cách đó nước Mỹ tiến tới, dựa trên các giả thuyết được cả chính phủ và nhân dân chia sẻ trong một bầu không khí đồng thuận của cả hai đảng. Những cuộc tranh luận chiến lược lớn trong thời kỳ hậu chiến – chẳng hạn như “trả thù đại chúng” hay “phản ứng linh hoạt” – chỉ tập trung vào các phương thức chứ không phải những mục đích. Và như vậy nước Mỹ đã không vấp ngã vào vũng lầy Việt Nam một cách mù quáng; nước Mỹ cũng không bị đẩy vào cuộc chiến tranh bởi âm mưu của những kẻ hiếu chiến ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao hoăc Cục Tình báo trung ương CIA câu kết với các tập đoàn tài chính ở Phố Wall và các công ty Mỹ. Nhiều nhóm viên chức quân sự và dân sự đã trải qua những quá trình lâu dài, cồng kềnh, và thường rất khó khăn khi nghiên cứu các dữ kiện, phác thảo các kế hoạch, đề ra các khả năng lựa chọn mà tổng thống sẽ cân nhắc cẩn thận cùng với những yếu tố chính trị quốc nội trước khi đưa ra sự chọn lựa của mình. Những quyết định của tổng thống còn bị tác động bởi các thành kiến hình thành từ kinh nghiệm quá khứ, thậm chí bởi các yếu tố khí chất riêng của ông ta. Vì thế, việc hoạch định các chính sách đối với Việt Nam không phải là việc làm bừa bãi, tùy tiện nhưng cũng không phải là khoa học. Tuy nhiên các quyết định, cho dù chúng được hoạch định thế nào chăng nữa, cũng phản ánh quan điểm của hầu hết dân chúng Mỹ đến mức họ không thể né tránh trách nhiệm của họ với tư cách một kẻ giám hộ toàn cầu.
Thảm họa ở Việt Nam đã làm mờ quan điểm đó, làm cho người Mỹ bối rối và lưỡng lự về vai trò của họ trên thế giới. Và trong những năm tiếp theo, những diễn biến trái chiều càng làm suy sụp giấc mơ về sự ưu việt của họ. Năm 1973 các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông đột ngột tăng giá dầu, qua đó chứng minh tính chất dễ bị tổn thương của Mỹ và các nước công nghiệp khác. Người Mỹ cũng thấy họ thua xa các nước khác trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và xây dựng đô thị. Bị đè nặng dưới khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, hậu quả của chi tiêu lãng phí, chẳng bao lâu sau, để tránh bị phá sản, nước Mỹ trở nên phụ thuộc vào việc bán trái phiếu và cổ phiếu ra nước ngoài. Vào năm 1989, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ I, đầu tư nước ngoài vào Mỹ đã vượt quá đầu tư của Mỹ ra nước ngoài. Một thời là chủ nợ lớn nhất thế giới, nay nước Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới.
Nhưng hơn tất cả mọi biến cố, thất bại tại Việt Nam – cuộc chiến bại duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - đã làm suy giảm niềm tin tự cao tự đại vào sự siêu việt của nước Mỹ. Tháng giêng 1991, khi tổng thống George Bush phát động cuộc tấn công của Mỹ chống Iraq sau khi nước này xâm lược Kuwait, ông chỉ ra tay sau khi đã vận động được sự ủng hộ của Liên hiệp quốc để cho thấy rằng nước Mỹ không hành động đơn phương. Hơn thế nữa, khi công bố cuộc tấn công, tổng thống Mỹ đã tìm cách xua đuổi nỗi ám ảnh Đông Nam Á bằng cam kết rằng “đây không phải là một Việt Nam khác” – như ông Bush miêu tả, đây là cuộc chiến mà binh lính Mỹ được “yêu cầu chiến đấu với một tay đút túi quần”. Dù sao đi nữa, trước khi ông triển khai quân đội, đã có sự chia rẽ trầm trọng cả trong Quốc hội và trong công chúng Mỹ, sự chia rẽ gợi lại những cuộc tranh cãi đã chia đôi đất nước trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt nam. Và sau khi chiến cuộc đã nổ ra, nước Mỹ vẫn tỉnh táo và phân vân khi những tuyên ngôn về lòng ái quốc bị xóa nhòa bởi nỗi lo âu và hoài nghi ngày càng lan rộng. Đã qua rồi cái thời mà người Mỹ, tin ở tính chất vô địch của mình, cảm thấy thoải mái và tự tin thực hiện cái vai trò sen đầm quốc tế.
Tuy vậy vào cuối tháng 2 năm 1991, trạng thái tâm lý của nước Mỹ thay đổi nhanh chóng – từ lo sợ sang một sự pha trộn giữa tâm lý nhẹ nhõm và hân hoan khi Mỹ và các lực lượng đồng minh ở vùng vịnh Ba Tư chiến thắng một trong những chiến dịch quân sự ngoạn mục nhất trong lịch sử. Sau chỉ sáu tuần chiến tranh – và chỉ bốn ngày đụng độ trên mặt đất – họ đã giải phóng Kuwait và tiến vào miền Nam Iraq, giết, làm bị thương và bắt làm tù binh hơn một trăm ngàn binh sĩ Iraq với cái giá là chỉ hai trăm lính Mỹ chết. Tổng thống Bush tuyên bố thắng trận và trong giây phút đầy tự hào, ông tuyên bố: “Nhờ ơn Chúa, chúng ta đã đá văng cái hội chứng Việt Nam, một lần và mãi mãi”. Nhưng ông đã vội vã nói thêm rằng chiến thắng vùng Vịnh không báo trước sự hồi sinh của thời kỳ trước chiến tranh Việt Nam, khi nước Mỹ tìm cách giải quyết các cuộc khủng hoảng ở khắp mọi nơi – bởi vì, như ông giải thích, cuộc phô diễn hoành tráng sức mạnh quân sự ở vùng Trung Đông đã góp phần ngăn trở các cuộc xung đột tương lai. Ông nói: “Vì những gì đã xảy ra, chúng ta sẽ không phải sử dụng các lực lượng Mỹ ở khắp thế giới”.
Trong lúc đó, những chuyên gia chiến lược như cựu bộ trưởng ngoại giao Henry Kissinger thì lo ngại; họ không chấp nhận kết luận rằng từ nay trở đi nước Mỹ có thể trở lại vai trò trước kia của nó là cảnh sát toàn cầu chỉ từ một thành công gây xúc động trong vùng vịnh Ba Tư. Vốn là một người ủng hộ mạnh mẽ và công khai cho sự can thiệp vào Iraq, bây giờ ông ta lại cảnh báo rằng người Mỹ phải vứt bỏ cái ý nghĩ rằng họ có thể “xử lý đồng thời tất cả mọi vấn đề”. Thay vì vậy, ông viết, đất nước “phải chọn lựa cẩn thận để nuôi dưỡng những nguồn lực cũng như sự tín nhiệm của mình”. Các nhà bình luận khác cũng nhấn mạnh một cách tương tự rằng nước Mỹ đang phải đương đầu với hàng loạt vấn đề nan giải về kinh tế và xã hội cho nên không thể tự mình khoác lấy cái gánh nặng là trách nhiệm vô hạn. Thế là, trong lúc người Mỹ có đầy đủ lý do để vui mừng vì thành công ở Trung Đông thì họ có rất ít lý do để giả định rằng một lần nữa họ lại trở thành một sức mạnh quốc tế vô địch. Sự phởn phơ của người Mỹ đã không làm suy giảm cái căn cứ vững chắc trong quan sát của Daniel Bell mười lăm năm về trước: “Thế kỷ Mỹ được xây dựng trên những bãi cát ngầm của Việt Nam”.
*Những lời ngợi ca mang tính chất hồi tưởng về các cuộc chiến tranh bao giờ cũng là lời kinh cầu cho “những gì lẽ ra đã được thực hiện”, sinh ra từ sự sắc sảo của những nhận thức muộn màng về các biến cố đã xảy ra trong quá khứ; trường hợp cuộc xung đột ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Người Mỹ đã hậu thuẫn mạnh mẽ tổng thống Lyndon Johnson khi lần đầu tiên ông gửi binh lính chiến đấu Mỹ ra trận vào tháng 3 năm 1965. Về sau, sự ủng hộ chiến tranh thu nhỏ dần – và từ khi chiến tranh kết thúc, thái độ của người Mỹ trở nên lộn xộn và mâu thuẫn. Một cuộc thăm dò ý kiến của báo
Time công bố tháng 4 năm 1990 cho thấy 57 phần trăm công chúng Mỹ coi sự can thiệp đó là một “sai lầm”. Nhưng cũng một tỉ lệ ngang như vậy quan niệm rằng, một khi đã tham chiến nước Mỹ cần phải sử dụng tất cả sức mạnh của mình để chiến thắng đối phương. Nhìn cuộc chiến qua một lăng kính khác, đa số các cựu binh đều coi cam kết của Mỹ là hợp lý và họ nói lên niềm tự hào được tham gia thực hiện cam kết đó. Một cuộc khảo sát ý kiến trước đó cũng cho thấy một kết quả tương tự: 83 phần trăm những người được hỏi khẳng định rằng họ đã bị ngăn cản, không cho giành thắng lợi – và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là hai phần ba những người được hỏi ý kiến nói rằng họ sẵn sàng chiến đấu một lần nữa ở Việt Nam nếu như không có những sự kiềm chế mà theo họ tố cáo, đã trói buộc chân cẳng họ trong suốt thời gian chiến tranh. Dù vậy, điều nghịch lý là gần một nửa số cựu chiến binh mà báo
Time khảo sát năm 1990 đồng ý với kết quả sau cùng là thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ cộng sản ở Hà Nội.
Cho đến lúc đó, đã có nhiều cựu chiến binh trở lại thăm Việt Nam. Họ đi thăm lại những bãi chiến trường xưa, nay lại trở thành rừng hoang, và khám phá lại những phố thị, những làng mạc một thời họ đã từng sống. Cho dù bị cô lập với thế giới bên ngoài nhiều người Việt Nam cũng đã tiếp thu văn hóa Mỹ qua việc nghe các chương trình phát thanh từ Mỹ, các băng nhạc Mỹ hoặc xem các băng video-cassette ghi lại các bộ phim Mỹ. Và có cảm tưởng như thời gian đã ngừng trôi, những cựu binh Mỹ lại thấy mình được săn đón bởi đám trẻ con vừa cười toe toét vừa hét vang những câu chào thời chiến quen thuộc: “Hê, Joe!”. Tháng giêng năm 1989, tại thành phố Hồ Chí Minh – tên trước kia là Sài Gòn, một cựu du kích Việt Cộng tên là Văn Lê đã đưa cho người phóng viên truyền hình Mỹ Morley Safer một bài thơ mà ông ta viết để vinh danh sự quay lại của những “lính Mỹ”.
Bao nhiêu lính Mỹ
Chết ở đất này?
Bao nhiêu người Việt
Vùi dưới cỏ cây?
Hòa bình gặp lại,
Bên ly rượu đầy
Nào cùng nâng chén
Nước mắt tràn xuống tay.
Nhìn về quá khứ, các chuyên gia quân sự và chính trị Hoa Kỳ đã chẩn đoán chi tiết cuộc xung đột cho nên nghiên cứu về cuộc chiến đã trở thành công việc thứ yếu. Nhưng những lý giải bằng cách nào mà người Mỹ đã ngoảnh mặt với thất bại của họ ở Việt Nam thì cũng nhiều và đa dạng như số lượng các nhà phân tích.
Như có thể đoán trước được, đại tướng William C. Westmoreland, người chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968, đã tuyên bố trong hồi ký rằng nhiều ràng buộc đã phá hỏng tính hiệu quả của ông. Ông trách tổng thống Johnson đã leo thang chiến tranh quá chậm, đã từ chối cấp phép cho những cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ của quân thù ở Lào và Căm Bốt, đã cung cấp cho quân đội miền Nam Việt Nam những trang bị không cân xứng và hơn thế nữa, đã không dẹp yên được công chúng Mỹ. Ông cũng chê bai tổng thống Nixon và thương thuyết gia Henry Kissinger đã “bỏ rơi” chính phủ Sài Gòn qua việc chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng Giêng 1973 cho phép quân đội miền Bắc được ở lại miền Nam. Trên tất cả, ông phản đối mạng lưới báo chí và truyền hình Mỹ, cho rằng những tường thuật xuyên tạc của họ đã khiến công luận Mỹ quay sang chống đối chiến tranh. Ông đã cho tôi xem bản ghi ý kiến đó vào năm 1981, khi chúng tôi tán gẫu trong bữa ăn tối ở Charleston, thành phố quê hương ông ở bang South Carolina. Ông nói, “Một bài học cần nhớ thuộc lòng là đừng bao giờ gửi thanh niên ra trận trừ phi tổ quốc ủng hộ họ”.
Nhiều sĩ quan Mỹ khác cũng chê bai báo chí; họ cáo buộc rằng các phóng viên đã đầu độc dư luận trong nước bằng cách thổi phồng những thiếu sót và hành động tàn ác của lính Mỹ. Đối với nhiều người chính các bài tường thuật trên báo chí, dù đúng hay sai, đều xói mòn chính nghĩa của người Mỹ. Trung úy Philip B. Davidson viết rằng những cảnh “tàn phá, đau đớn, máu me” xuất hiện hàng đêm trên truyền hình “đã làm dân Mỹ kinh hoàng và mất hết can đảm”. Đại tướng Fred Weyand, người chỉ huy Mỹ cuối cùng ở Việt Nam, đã nhấn mạnh hơn nữa rằng sự chống đối chiến tranh ngày càng tăng lên của dân chúng Mỹ, được báo chí cổ vũ, đã quay lại tác động vào lính Mỹ ở mặt trận, làm cho họ nản chí. “Quân đội Mỹ là quân đội nhân dân thực thụ theo nghĩa là nó thuộc về nhân dân Mỹ… Khi quân đội Mỹ dấn thân thì nhân dân Mỹ cũng dấn thân; còn khi người dân Mỹ từ bỏ sự dấn thân của mình thì mọi cố gắng duy trì sự dấn thân của quân đội đều chỉ là vô ích”.
Nhưng các tổng thống Johnson và Nixon đã chùn tay trong việc áp đặt lệnh kiểm duyệt cùng với những sự kiểm soát nghiêm ngặt về tài chính đối với báo chí; theo tính toán của họ, điều đó sẽ làm gia tăng tầm quan trọng của cuộc chiến và có thể phá họai hình ảnh chính trị của họ ở quê nhà. Thay vì vậy họ áp dụng cái mà họ gọi là “chính sách sự thực tối thiểu”, theo đó các viên chức thông tin quân sự sẽ cố gắng quản lý báo chí bằng cách pha chế ra những dữ kiện lạc quan, thể hiện sự tiến bộ giả tạo. Nhưng rồi, như William M. Hammond kết luận trong một cuốn sử chính thức của quân đội về cuộc chiến, những bản tin mà các phóng viên gửi về từ Việt Nam, tuy có sai sót nhưng “vẫn chính xác hơn nhiều” so với các báo cáo tô hồng của chính phủ. Thế là những nỗ lực che giấu sự thật là những nỗ lực chiến tranh đang suy yếu đã sản sinh ra cái gọi là sự khủng hoảng lòng tin mà theo thời gian đã xói mòn niềm tin của công chúng Mỹ vào các tuyên bố chính thức của nhà nước.
Đối với nhiều sĩ quan Mỹ, thủ phạm chính là tổng thống Johnson, người đã từ chối việc đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh vì lo sợ rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ thủ tiêu những chương trình kinh tế và xã hội đối nội của ông. Kết quả là, như các sĩ quan này tuyên bố, họ bị chối từ chiến thắng – và nhiều người thậm chí còn cho rằng, bộ tham mưu liên quân nên từ chức hơn là chấp nhận những hạn chế áp đặt lên các lực lượng tham chiến trên chiến trường.
Từ khi chiến tranh kết thúc, những người lính chuyên nghiệp đã công bố hàng loạt nỗi bất bình sâu sắc. Một số người phát biểu rằng họ bị làm tê liệt bởi một cơ cấu chỉ huy mà các binh chủng khác nhau được hoạt động độc lập với nhau – đến mức mà, ví dụ, các đơn vị bộ binh và không quân không thể phối hợp với nhau được. Các cựu phi công của không quân khẳng định rằng, tăng cường ném bom Bắc Việt Nam ngay từ đầu chứ không phải leo thang dần dần theo kiểu Johnson hẳn đã có thể nghiền nát cộng sản trước khi Liên Xô và Trung Quốc kịp giúp họ xây dựng các đơn vị phòng không hết sức hữu hiệu. Đối với trung tướng Robert Montague, người đã phục vụ ở Việt Nam đầu thập niên 1960, sai lầm chết người là ở chỗ ném quân đội Mỹ - những người được huấn luyện để đẩy lùi các cuộc tấn công của người Nga trên đồng bằng Trung Âu, vào một mớ lộn xộn những rừng già nhiệt đới, núi non và đồng lúa, nơi không thể phân biệt quân du kích đối phương với những người nông dân bản xứ bình thường. Đại tướng Bruce Palmer Jr., nguyên là phó của tướng Westmoreland, thì buộc tội hệ thống luân chuyển quân lính, theo đó lính Mỹ được rút về nước chỉ sau một năm – không đủ thời gian cho họ hòa nhập với đơn vị. Phát biểu theo kiểu vừa nói vừa chửi, đô đốc Thomas H. Moore, nguyên là chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, bảo tôi: “Lẽ ra chúng ta phải đánh nhau ở miền Bắc, nơi mọi người đều là kẻ thù, nơi mà bạn không phải lo nghĩ mình có bắn nhầm vào các thường dân vô tội hay không. Ở miền Nam, chúng ta phải đối phó với những phụ nữ giấu lựu đạn trong áo ngực hoặc trong xe nôi trẻ con. Tôi nhớ hai người lính thủy quân lục chiến của chúng tôi đã bị giết vì những thiếu niên mà họ đang bày cách chơi bóng chuyền. Nhưng Lyndon Johnson đã không muốn lật đổ chính phủ Bắc Việt Nam. Hừm, cái lý do duy nhất để đi đánh nhau là lật đổ một chính phủ mà ta không thích”.
Đại tá Harry G. Summers Jr., một nhà phân tích xuất sắc, thì tỏ ra ít cay cú với báo chí và các chính trị gia hơn là nhiều sĩ quan đồng sự của ông. Là cựu binh hai lần đi thăm Việt Nam, ông phê phán các nhà kế hoạch quân sự của Mỹ về việc truy lùng quân du kích – những người được bố trí để quấy rối quân Mỹ cho đến khi các sư đoàn Bắc Việt Nam có thể tiến hành những cuộc tấn công quy mô lớn. Nói tóm lại, người Mỹ đã tự làm cho mình kiệt sức vì những nỗ lực vô ích để chống nổi dậy – “giống như một con bò mộng chỉ tấn công tấm choàng màu đỏ của đấu sĩ hơn là tấn công chính người đấu sĩ”. Đây là “cuộc chiến tranh tiêu hao” của Westmoreland, căn cứ vào lý thuyết rằng hỏa lực vượt trội của quân Mỹ chắc chắn sẽ hạ gục quân thù. Nhưng như Summers đã viết, trong khi người Mỹ thành công về chiến thuật, hoạt động của Mỹ là một thất bại chiến lược. “Chắc ông biết,” ông ta khoe khoang với một đại tá Bắc Việt Nam sau chiến tranh, “các ông không bao giờ đánh bại chúng tôi trên chiến trường”. Người sĩ quan cộng sản đã đáp lại: “Có thể như thế, nhưng chuyện đó đâu có can hệ gì”.
Theo ước đoán của Summers, lẽ ra nước Mỹ nên bắt đầu tổng phản công từ cuối năm 1965 sau khi đã phá hỏng được nỗ lực của cộng sản muốn cắt ngang miền Nam Việt Nam từ cao nguyên phía tây xuống các khu vực dân cư đông đúc miền duyên hải. Có lẽ ông ta sẽ xua quân vượt qua “khu phi quân sự” chia cắt hai miền Nam – Bắc, rồi tấn công vào đất Lào đến tận biên giới Thái Lan trên sông Mê-kông để phong tỏa những con đường thâm nhập của quân thù từ Bắc vào Nam – một cách giải quyết chỉ đòi hỏi một lực lượng lính Mỹ ít hơn là những chiến dịch “tìm và diệt” của tướng Westmoreland và nhờ vậy sẽ làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ. Trong cách nhìn của ông ta, nhiệm vụ chiến đấu với Việt Cộng phải được chuyển giao cho lực lượng miền Nam Việt nam. Tuy nhiên các phân tích gia quân sự khác lại nhìn nhận rằng quân đội của chính phủ Sài Gòn đã bỏ dở nhiệm vụ đó – bởi vì, theo lời của một cố vấn quân sự Mỹ - giới lãnh đạo của nó đã bị bắn thủng vì “thủ đoạn chính trị, tham nhũng và cục bộ”.
Về tác giả: Là một trong số ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, Stanley Karnow chứng kiến tận mắt những sự kiện lớn và có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của các bên. Ông cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần để tiếp xúc, phỏng vấn các lãnh tụ chính trị, quân sự. Tác phẩm
Vietnam – A History của ông là một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại từ khi tiếp xúc với phương Tây, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Đây là tác phẩm chủ yếu của Stanley Karnow, mang về cho ông giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành. Ngoài tác phẩm này Stanley Karnow còn tham gia tư liệu cho bộ phim tài liệu nổi tiếng
Việt Nam – một thiên lịch sử bằng truyền hình.
[1]Office of Strategic Services: lực lượng tình báo OSS, tiền thân của CIA sau này (ND).
[2]Phong trào nổi dậy bài Tây phương ở Trung Quốc 1900-1901 (ND)
Nguồn: Stanley Karnow:
Vietnam – A History, Penguin Books, 1997; chương thứ nhất “The War Nobody Won”, trang 9-59