Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Phiêu Lưu, Mạo Hiểm >> Cuộc du hành vào lòng đất

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29194 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cuộc du hành vào lòng đất
Jules Verne

Chương 8

Tám giờ sáng, ánh sáng ban ngày rọi xuống muôn ngàn mặt nhỏ của dung nham ở vách giếng rồi hắt ra như mưa sao, đánh thức chúng tôi. Ánh sáng này khá rõ, đủ để chúng tôi ngắm nhìn sự vật sung quanh.
Vừa xoa hai bàn tay, giáo sư vừa hỏi tôi:
- Sao? Axel, cháu thấy thế nào? Suốt thời gian sống trong ngôi nhà ở đường Konigstrasse, đã bao giờ cháu được ngủ ngon như ở dưới đáy ống khói này chưa? Ở đây không có tiếng xe, không còn nghe giọng giao của hàng rong cũng chẳng thấy vang vọng tiếng quát tháo của mấy bác lái đò ngang!
- Đúng là ở dưới đáy giếng đây chúng ta được yên tĩnh, nhưng sự yên tĩnh này có cái gì đó thật đáng sợ!
- Chưa chi cháu đã khiếp sợ, không hiểu sau này sẽ ra sao? – chú tôi kêu lên – Cháu nên biết chúng ta chưa tiến sâu vào lòng đất được bao nhiêu cả!
- Chú nói vậy là sao?
- Chú muốn nói chúng ta mới chạm tới mặt đất liền của đảo thôi. Cái ống khói thẳng đứng này kéo dài từ miệng núi lửa Sneffels xuống gần ngang mực nước mặt biển thì dừng lại.
- Có chắc vậy không, thưa chú?
- Chắc quá đi chứ! Hãy nhìn khí áp kế của cháu sẽ biết ngay.
Thực vậy, cột thủy ngân trong khí áp kế cứ cao dần theo độ sâu mà chúng tôi thực hiện được, và dừng lại ở nấc hai mươi chín phút.
- Cháu thấy đấy, chú tôi nói tiếp, chúng ta chỉ còn chịu áp suất một atmosphere. Chẳng mấy chốc, áp kế sẽ thay thế cái khí áp kế này.
Đúng như vậy, chừng nào khối lượng của không khí vượt áp suất được tính ở mặt đại dương thì cái khí áp kế này sẽ không sử dụng được nữa.
- Nhưng thưa chú, - tôi hỏi – nhưng nếu áp suất cứ tăng mãi làm chúng ta không chịu đựng nổi thì sao?
- Cháu không phải lo. Chúng ta tụt xuống từ từ do đó phổi của chúng ta cũng sẽ từ từ quen dần với sự hít thở không khí bị nén chặt ấy. Lên đến những tầng không khí ở độ cao, những người điều khiển khí cầu có thể bị thếu dưỡng khí, chú chúng ta có khi lại dư quá mức ấy cháu ạ! Tuy nhiên, chú lại thích thế hơn. Thôi, không nên để mất thời gian vô ích. Còn hành lý đi vào lòng núi trước chúng ta ở đâu nhỉ?
Tôi chợt nhớ chiều tối hôm qua chúng tôi tìm số hành lý ấy mãi nhưng không thấy. Chú tôi hỏi Hans. Sau khi chăm chú quan sát bằng cặp măt tinh tường của một thợ săn, anh ta đáp:
- Der huppe!
- Ở trên kia kìa!
Đúng vậy, các hành lý vị mắc vào một mô đá nhô ra ở cao trên vách ống khói cách đầu chúng tôi chừng một trăm bộ. Hans thoăn thoắt leo lên và chỉ mấy phút sau hành lý đã nằm dưới chân chúng tôi.
- Bây giờ chúng ta ăn bữa sáng, - chú tôi nói – nhưng phải ăn cho thật no vì cuộc du hành còn dài lắm!
Ăn xong, giáo sư Lidenbrock rút ra một quyển sổ nhỏ dùng để ghi chép những điều quan sát được. Ông nhấc hết cái nọ đến cái kia những dụng cụ chính xác và ghi vào sổ những dữ kiện sau đây:
Thứ hai, ngày 29 tháng 6.
- Đồng hổ chỉ 8 giờ 17 phút sáng.
- Khí áp kế: 29 phút
- Nhiệt kế: 6 độ
- Hướng: Đông đông nam. Đông đông nam là hướng của đường hầm tối.
Ghi chép xong, giáo sư phấn khởi nói:
- Axel này, bây giờ chúng ta mới thực sự đi sâu vào lòng trái đất. Bây giờ mới đúng là lúc cuộc thám hiểm của chúng ta bắt đầu.
Nói xong chú tôi nâng máy phát điện đeo ở cổ lên, đấu dòng điện với bóng đèn, lập tức một làn ánh sáng chói lọi chiếu sáng đường hầm. Hans cũng cho chạy máy phát sáng của mình. Sự ứng dụng tài tình này của điện tạo ánh sáng ngay cả trong những môi trường các chất khí dễ cháy, giúp chúng tôi đi được lâu dài. Giáo sư Lidenbrock ra lệnh:
- Lên đường!
Mọi người khoác ba lô của mình. Hans có nhiệm vụ đẩy kiện quần áo và thừng chão lăn đi trước. Chúng tôi bước vào đường hầm, tôi đi sau cùng.
Trước khi dấn mình trong hành lang tối om đó, tôi ngẩng lên và qua khoảng trống của miệng ống khổng lồ tôi ngắm lần cuối cùng bầu trời Iceland, mà có lẽ tôi chẳng bao giờ được thấy lại nữa.
Trong đợt phun trào lần chót vào năm 1229, dung nham đã vạch một lối xuyên qua đường hâm fnày và trát lên quanh vách một lớp dày, lóng lánh. Ánh sáng điện phản chiếu lên đó càng thêm sáng rực rỡ.
Cái khó của đường đi bây giờ chỉ là giữ sao cho khỏi bị trượt quá nhanh xuống cái dốc nghiêng khoảng 45 độ ấy. May thay cũng lắm chỗ lồi lên lõm xuống, chúng tôi chỉ việc lần theo những bậc thang thiên nhiên đó và bằng một sợi thừng dài, giữ cho hành lý tự tụt xuống.
Phải nói là chúng tôi trượt mới đúng vì chúng tôi buông mình trườn xuôi trên con dốc chẳng mệt nhọc gì cả. Tôi luôn theo dõi địa bàn, kim nam châm một mực chỉ hướng đông nam. Cái dòng dung nham này chảy theo một đường thẳng tắp.
Trong khi đó nhiệt độ không tăng lên mấy. Điều đó càng chứng tỏ lý thuyết của nhà bác học Davy là đúng. Một lần nữa tôi ngạc nhiên kiểm tra lại nhiệt kế. Từ lúc đi tới giờ đã hai giờ, mà nhiệt kế mới chỉ 10 độ nghĩa là nhiệt độ chỉ mới tăng hơn có 4 độ. Điều này khiến tôi có nhận xét: chúng tôi đi ngang nhiều hơn là đi xuống? Còn muốn biết chính xác độ sâu đạt được cũng chẳng khó lắm. Giáo sư có đo một cách chính xác góc độ lệch và góc độ nghiêng của đường đi nhưng những kết quả quả quan sát này chỉ có mình ông biết thôi.
Đến tám giờ tối, giáo sư Lidenbrock ra hiệu dừng chân. Hans liền ngồi ngay xuống. Chúng tôi đang ở dưới một vòm hang, ở đó không đến nỗi thiếu không khí lắm. Trái lại, có vài làn gió thổi tới chỗ chúng tôi. Do sự khuấy động khí quyển nào và tại sao có gió, trong lúc này tôi chẳng suy luận được nữa. Hành trình xuống dốc liên tục trong bảy giờ đâu phải mất ít sức lực! Tôi đã mệt đừ. Khi nghe hiệu lệnh dừng chân, tôi tỉnh cả người. Hans bày đồ ăn lên một tảng dung nham. Đoàn thám hiểm chúng tôi ăn rất ngon miệng. Nhưng một điều làm tôi lo lắng là chúng tôi đã uống hết phân nửa số nước dự trữ mang theo. Chú tôi tính sẽ lấy nước ở những nguồn nước ngầm để bổ sung, nhưng đến giờ này vẫn không gặp một con suối nào cả. Tôi bèn nhắc nhở giáo sư về vấn đề này.
- Không gặp nguồn nước cháu ngạc nhiên lắm sao? – chú tôi hỏi.
- Thưa chú, cháu chỉ lo thôi! Chúng ta chỉ còn đủ nước uống trong năm ngày!
- Cháu hãy an tâm. Đảm bảo sẽ tìm được nước uống, nhiều nữa là đằng khác!
- Bao giờ hả chú?
- Chừng nào chúng ta rời khỏi cái vỏ dung nham này.
- Nhưng nếu dòng dung nham này kéo dài mãi thì sao? Mà hình như chúng ta chưa xuống được tới đâu cả!
- Ai nói với cháu vậy?
- Nếu đã xuống được sậu trong vỏ trái đất ta phải thấy nóng hơn chứ ạ.
- Đấy là theo luận điểm của cháu. Nhiệt kế hiện đang chỉ bao nhiêu độ?
- Gần 15 độ. Như vậy tính từ lúc khởi hành mới tăng có 9 độ.
- Vậy cháu kết luận thế nào?
- Theo cháu, qua những quan sát chính xác nhất, cứ sâu xuống một trăm bộ trong lòng đất, nhệt độ sẽ tăng lên 1 độ. Tuy vậy, tùy điều kiện từng nơi con số này có thể thay đổi. Rõ ràng điều đó phụ thuộc vào tính dẫn nhiệt của đất đá. Cứ tạm coi giả thuyết cuối cùng này là khả dĩ nhất, ta thử tính toán xem…
- Cháu cứ tính đi.
- Vâng, vừa nói tôi vừa đặt ngay bài toán vào trong sổ tay, chín lần một trăm hai mươi lăm bộ bằng một ngàn một trăm hai mươi lăm bộ.
- Đúng!
- Chú nói sao ạ?
- À, theo những quan sát của chú, chúng ta đã xuống sâu dưới mực nước biển mười nghìn bộ!
- Thật vậy sao?
- Đúng, cháu ạ. Con số bao giờ cũng vẫn là con số!
Chú tôi đã tính đúng, chúng tôi đã xuống sâu hơn bất kỳ con người nào trước đây tới sáu ngàn bộ. Ở độ sâu ấy, lẽ ra nhiệt độ phải là 81 độ thì cột thủy ngân trong nhiệt kếu của chúng tôi lại mới lên tới 15 độ. Vấn đề này phải cần đặc biệt suy ngẫm.
Sáu giờ sáng, thứ ba 30 tháng 6, đoàn thám hiểm lại lên đường.
Chúng tôi vẫn đi xuống theo đường hầm dung nham, một đoạn đường dốc tự nhiên, thoai thoải. Đường sá cứ như vậy cho tới mười hai giờ mười bảy phút, và khi chúng tôi theo kịp Hans cũng là lúc anh dừng lại.
- A! – giáo sư Lidenbrock reo lên – Chúng ta đã tới cuối ống khói!
Nhìn quanh, tôi thấy mình đang đứng giữa một ngã ba, nơi có hai đường hầm hẹp và tối đổ vào. Điều khó khăn bây giờ là không biết lên theo con đường nào? Nhưng không muổn tỏ ra lưỡng lự trước mặt tôi và Hans, giáo sư liên chỉ ngay đường hầm hướng đông. Ba chúng tôi bèn đi sâu vào lối ấy. Vả lại có lưỡng lự cả ngày cũng không biết lên chọn đường nào vì có vết tích gì xác định con đường nên đi theo đâu! Bắt buộc phải chọn lựa may rủi thôi!
Đường hầm mới ít dốc, mặt cắt của nó lại không đều. Được một dặm, chúng tôi phải đi lom khom dưới những vòm thấp với những cột và chân vòm ăn sâu vào đá. Ở nhiều chỗ cấu trúc này được thay thế bằng những đường hầm thấp rất hẹp khiến chúng tôi phải trườn mới qua được.
Nhiệt độ vẫn giữ ở mức chịu đựng được. Vô tình, tôi nghĩ dung nham đã từng ầm ầm chảy qua con đường yên tĩnh này để phun ra miệng núi lửa Sneffels, cứ tưởng tượng những dòng thác lửa và khí nóng bỏng ào ào xối vào những ngóc ngách của đường hầm và bị nghẽn lại ở những quãng hẹp này mà rùng mình. Tôi nghĩ thầm:
“Mong rằng cái núi lửa đã ngưng hoạt động này đừng bỗng dưng giở chứng!”
Những suy nghĩ này tôi không tâm sự cùng giáo sư. Giáo sư cũng không thông cảm với tôi, vì giờ đây trong đầu ông chỉ có duy nhất một ý nghĩ là tiến lên: ông đi, ông trượt, ông lao xuống với cả một niềm tin đáng kính phục!
Tới sáu giờ chiều, sau một cuộc hành trình khá mệt, chúng tôi đã đi về hướng nam được hai dặm, nhưng chẳng xuống sâu được bao nhiêu! Giáo sư Lidenbrock ra hiệu dừng lại nghỉ. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện qua quýt rồi lăn ra ngủ chẳng lo lắng gì. Chúng tôi không lo giá lạnh cũng chẳng sợ ai quấy rầy. Những nhà thám hiểm giữa sa mạc châu Phi hay nơi rừng thẳm châu Mỹ, đêm đêm bắt buộc phải kẻ ngủ người thức để canh phòng, nhưng ở đây tuyệt đối an toàn và yên tĩnh, khỏi phải lo bị các giống người man rợ hay mãnh thú hãm hại.
Hôm sau, chúng tôi thức dậy khỏe khoắn và khoan khoái. Cuộc hành trình lại tiếp tục. Đoàn thám hiểm tiến lên theo con đường dung nham như hôm trước. Không tài nào phân biệt được chất đất ở những nơi đường đi qua. Đáng lẽ thọc sâu xuống lòng đất, đường hầm lại có nhiều hướng ăn ngang. Hơn nữa, tôi còn nhận thấy có có vẻ xiên chếch lên mặt đất. Đến mười giờ sáng, khuynh hướng ấy cang rõ rệt làm chúng tôi mệt nhọc và bắt buộc phải chậm bước. Giáo sư Lidenbrock sốt ruột nhắc nhở tôi:
- Thế nào Axel?
- Cháu không chịu được nữa rồi!
- Hả? Mới dạo chơi có ba giờ trên một con đường dễ đi như vậy mà cháu đã như thế rồi sao?
- Cháu không nói đường khó đi, cháu chỉ bảo là nó làm cháu mệt quá thôi!
- Xuống dốc đều đều như vậy ma cũng mệt sao?
- Thưa chú, chúng ta leo lên dốc thì có!
- Leo dốc! Cháu nói gì kỳ vậy?
- Đúng thế đấy chú ạ. Từ nửa giờ qua, hướng dốc đã thay đổi. Cứ đà này, chắc chắn chúng ta sẽ quay trở lại đất Iceland!
Giáo sư Lidenbrock lắc đầu không tin tôi. Tôi cố gắng bắt chuyện lại nhưng giáo sư không nói năng gì cả. Ông ra lệnh đi tiếp. Sự im lặng của giáo sư rõ ràng nói lên tâm trạng bực bôi mà ông cô nén.
Tuy vậy tô vẫn dũng cảm khoác ba lô lên vai và nhanh nhẹn bước theo Hans và chú tôi. Tôi cố sức bám sát và không để lạc mất họ. Tôi chỉ sợ bị lạc trong cái đường hầm chằng chịt sâu thẳm này.
Hành trình ngược dốc càng đi càng vất vả. Tôi tự an ủi rằng con đường này sẽ đưa tôi lên mặt đất.
Tới trưa, cấu trúc vách đường hầm có sự thay đổi. Tôi nhận thấy ánh sáng điện chiếu lên vách hắt ra mờ mờ hơn trước. Đó là do đá trơ đã thay thế lớp vỏ dung nham. Chúng tôi đang đứng giữa tầng đất đá của thời kì chuyển tiếp.
- Rõ ràng quá rồi, - tôi thốt lên – chúng ta đang đứng giữa thời kì xuất hiện những động vật và những cây cỏ đầu tiên.
- Cháu tưởng như vậy à!
Tôi ép giáo sư rọi ngọn đèn lên vách đường hầm rồi ngóng chờ tiếng kêu của ông. Nhưng ông vẫn im lặng và tiếp tục lên đường. Rõ ràng chúng tôi đã bỏ con đường dung nham và đường đoàn thám hiểm đang đi không thể dẫn tới lò lửa của núi Sneffels! Tuy vậy tôi cũng tự hỏi không hiểu mình có quan trọng hóa vấn đề thay đổi của đất đai hay không? Liệu tôi có nhầm lẫn không?
- Nếu mình có lý, - tôi nghĩ thầm – thế nào mình cũng tìm được vài mảnh vụn thực vật nguyên thủy!
Đi được khoảng trăm bước những chứng cứ không thể trối cãi đã bày ra trước mắt tôi. Đôi chân tôi đã quen với nền dung nham cứng, bỗng dưng đạp trên đất bụi, tàn tích của thực vật và vỏ sò, vỏ ốc. Trên vách đường hầm, hiện ra một cách rõ ràng dấu in của tảo sừng hươu và của thạch tùng. Nhưng giáo sư vẫn làm ngơ và tiến lên.
Không chịu nổi tháy độ này của giáo sư tôi bèn nhặt một vài vỏ cứng hoàn toàn nguyên vẹn của một động vật giáp xác, và đưa cho ông:
- Chú ơi, - tôi nói – chú xem này.
- Có gì lạ đâu, - giáo sư thản nhiên đáp – đây là vỏ cứng một loài tôm cua thuộc bộ bọ ba thùy đã hóa thạch.
- Chú không rút ra kết luận gì sao?
- Thế cháu đã rút ra được kết luận gì? Riêng chú, chú xác định chúng ta rời khỏi lớp granit và con đường dung nham. Có thể chú đã lầm, nhưng chú chỉ khẳng định sai lầm này một khi đã đi tới cuối đường hầm.
- Thưa chú, chú hành động như vậy là đùng. Cháu rất tán thành nếu như không có một mối nguy hiểm đang ngày càng đe dọa chúng ta.
- Cháu muốn nói mối nguy hiển nào?
- Thiếu nước uống!
- Nếu vậy chúng ta chỉ cần uống ít lại!
Đúng là chúng tôi phải uống ít lại thôi, vì lượng nước dự trữ còn đủ dùng trong hơn ba ngày. Tôi được biết điều này khi ăn bữa tối. Chúng tôi rất mong gặp một nguồn nước, nhưng ở giữa tầng đất thuộc thời kì chuyển tiếp này hi vọng đó thật mỏng manh. Suốt cả ngày hôm sau những vòng cung của vòm cuốn đường hầm bày ra như không bao giờ hết trước chúng tôi. Đoàn thám hiểm bước đi trong im lặng, tính ít nói của Hans đã lây sang chúng tôi.
Tôi nhận thấy đường không đi lên nữa, mà ở vài chỗ còn có vẻ xuôi xuống. Điều này vẫn không làm cho giáo sư yên tâm, bởi tính chất của những lớp đất đá vẫn không thay đổi va thời kì chuyển tiếp càng được khẳng định.
Tuy vậy giáo sư Lidenbrock vân không để ý tới. Ông chỉ chờ đợi hai việc: hoặc có một cái giếng thẳng đứng mở ra dưới chân tạo điều kiện cho ông đi sâu xuống, hoặc gặp một vật chướng ngại cản không cho ông đi tiếp con đường này nữa. Nhưng mãi đến chiều tối vẫn không gặp một sự việc nào như vậy cả.
Thứ sáu, qua một đêm bắt đầu bị cơn khát dằn vặt, đoàn thám hiểm lại tiến sâu vào những ngóc ngách của đường hầm. Sau mười giờ đi bộ, tôi bỗng nhận thấy ánh đèn phản chiếu trên vách mờ hẳn đi, chúng tôi đang đứng giữa một mỏ than đá.
- A! Một mỏ than! – tôi reo lên.
- Một mỏ than không có thợ mỏ! – giáo sư nói – Đến giờ ăn chiều rồi. Nghỉ đã.
Hans dọn thức ăn. Tôi chỉ ăn qua loa và uống vài giọt nước cần chừng. Tất cả dự trữ nước của chúng tôi chỉ còn lưng nửa bình được Hans đeo bên mình. Ăn uống xong, giáo sư và chàng thợ săn vịt biển lăn ra ngủ để lấy lại sức. Riêng tôi nằm trằn trọc cho đến sáng.
Sáu giờ sáng thứ bảy, đoàn lại lên đường. Hai mươi phút sau, chúng tôi tới một cái hang cao rộng mênh mông. Do một chần động ngầm dữ dội nào đó, đất đai ở đây bị giãn, bị thúc ép và nong ra thành một cái hang rộng. Trên những bức vách đen sẫm, nhà địa chất học dễ dàng đọc được toàn bộ lịch sử kỷ than đá.
Tôi vẫn cùng đoàn thám hiểm tiến bước. Nhiệt độ xung quanh vẫn dễ chịu. Tôi bỗng phát hiện trong đường hầm nồng nặc mùi cacbour hydro, còn gọi là khí mỏ. Chất khí này khi nổ gây ra những thảm họa khủng khiếp. Cũng may chúng tôi sử dụng máy phát điện chứ nếu dùng đuốc soi đường thì…
Cuộc dạo chơi trong mỏ than kéo dài đến chiều tối. Giáo sư Lidenbrock đang nóng ruột thì bỗng đâm sầm vào một bức tường đá chắn ngang đường. Chúng tôi đã gặp phải một ngõ cụt.
- Thôi thế cũng may, - giáo sư nói – ít ra cũng xác định được đây không phải đường ông Saknussemm đã đi qua. Đành phải nghỉ lại đây một đêm, sáng mai chúng ta sẽ quay lại con đường rẽ hai.
- Cầu trời cho chúng ta còn đủ sức dể lểt được về tới đó. – tôi nói.
- Tại sao lại không còn sức nhỉ?
- Thưa chú, vì ngày mai chúng ta không còn một giọt nước nào cả!
- Này Axel, - giáo sư nghiêm khắc nói – đúng là nước dự phòng đã cạn, nhưng chẳng lẽ dũng khí trong người chúng ta cũng hết theo sao?
Tôi hổ thẹn, cúi mặt và im lặng.
Hôm sau, chúng tôi lên đường thật sớm. Phải khẩn trương vì từ đây tới con đường rẽ hai ấy, nhanh nhất cũng phải mất năm ngày đường.
Tôi không kể lể dông dài về những nỗi khổ của đoạn đường quay trở lại. Giáo sư Lidenbrock chịu đựng với cả sự tức giận cảu một người biết rằng mình đã quyết định sai. Hans chấp nhận nó một cách lặng lẽ như anh đã tiếp nhận mọi chuyện trên đời. Còn tôi, phải thú nhận là đã hết hy vọng nên cứ rên rỉ than vãn hoài, điều rủi ro ấy đã làm cho tôi mất hết sự hăng hái.
Như tôi đã báo trước, tới cuối ngày thứ nhất lượng nước dự trữ đã hết sạch. Chỉ còn một ít rượu gin, nhưng rượu càng làm cháy cổ thêm! Tôi thấy nóng bức ngột ngạt và đờ ra vì mệt. Đôi lúc tôi suýt ngã xuống ngất đi. Đoàn thám hiểm đành phải dừng lại. Giáo sư và Hans hết sức an ủi tôi. Tôi cũng thấy chú tôi đã kiệt sức và khát lắm rồi.
Sau cùng, vào hôm thứ ba ngày 8 tháng 7, chúng tôi bò về được tới điểm gặp nhau của hai đường hầm trong cảnh nửa sống nửa chết. Tôi nằm lăn ra sóng soài trên nền dung nham. Lúc đó là mười giờ sáng. Chú tôi và Hans dựa vào vách hầm cố sức ăn mấy mẩu lương khô. Đôi môi sưng vều của tôi thả ra mấy tiếng rên rỉ rồi thiếp đi.
Một lúc sau, chú tôi lại gần và đỡ tôi dậy, ông thì thầm với vẻ thương hại:
- Tội nghiệp thăng bé!
Nghe những lời đó tôi sung sướng biết bao, vì tôi chưa từng được thấy vị giáo sư nghiêm khắc này bày tỏ tình cảm của mình. Tôi liền nắm lấy đôi tay run rẩy của ông. Chú tôi nhìn tôi, rơm rớm nước mắt, rồi từ từ nâng cái bình nước đeo bên mình,áp vào môi tôi và nói:
- Uống đi cháu!
Tôi sửng sốt, không còn tin vào tai mình nữa. Hay chú tôi điên mất rồi? Tôi ngây mặt ra nhìn ông, trong lòng đầy nghi hoặc.
- Uống đi Axel! – chú tôi nhắc lại.
Nói xong, ông nghiêng bình dốc hết nước vào miệng tôi. Lúc đó tôi sung sướng làm sao! Miệng tôi đầy nước trong giây lát, cơn khát dịu xuống. Tôi chắp tay lại, cảm ơn chú tôi.
- Phải, - giáo sư nói – chỉ một ngụm nhưng là ngụm nước cuối cùng. Cháu nghe rõ chứ? Ngụm nước cuối cùng mà chú đã cẩn thận giữ lại ở đáy bình. Chú đã thèm nó một cách kinh khủng, biết bao lần chú định uống nhưng cưỡng lại. Axel, chú dành ngụm nước này cho cháu đấy!
- Chú ơi! – tôi thì thầm, mắt rớm lệ.
- Chú biết khi về đến đây thế nào cháu cũng kiệt sức nên chú cố giữ giọt nước cuối cùng này để làm cháu tỉnh lại.
- Cháu cám ơn, cám ơn chú!
Cái khát mới hơi dịu một chút tôi đã thấy khỏe hẳn lên. Các cơ bắp cổ họng đang bị co bỗng giãn ra, cặp môi nóng bỏng dịu đi. Tôi có thể nói thành lời.
- Bây giờ thiếu nước uống, - tôi nói – chúng ta phải quay trở lại thôi, không còn cách nào khác đâu, chú ạ!
Giáo sư im lặng cúi đầu.
- Phải quay lại, - tôi kêu lên – trở lên ngọn Sneffels thôi, không còn cách nào khác đâu, chú ạ!
Giáo sư im lặng cúi đầu.
- Phải quay lại, - tôi kêu lên – trở lên ngọn Sneffels thôi! Cầu trời cho chúng ta còn sức để leo được lên miệng núi lửa.
- Quay trở lại à? – giáo sư nói như là trả lời với chính mình hơn là nói với tôi.
- Phải, trở về và đừng phí một giây phút nào cả!
Cả ba im lặng một lúc khá lâu, bỗng giáo sư nói với một giọng rất lạ:
- Axel này, chẳng lẽ những giọt nước ấy không làm cháu dũng cảm và thêm nghị lực chút nào sao?
- Lòng dũng cảm?
- Cháu vẫn tuyệt vọng như trước sao?
Tôi không thể hiểu mình đang nói chuyện với một người như thế nào và cũng khó hình dung những ý đồ gì đang được hình thành trong cái đầu óc táo bạo ấy?
- Chú không muốn quay trở lại à?
- Rồi từ bỏ cuộc thám hiểm này đúng lúc sắp thành công à! Không bao giờ!
- Nhưng chúng ta sẽ chết hết!
- Không, Axel ạ! Chú không muốn thấy cháu chết đâu, Hans sẽ đưa cháu quay trở lại. Cứ để chú ở đây một mình!
- Bỏ chú lại đây?
- Cứ để chú ở lại! Chú bắt đầu cuộc phiêu lưu này và chú sẽ đi cho tới cùng, hoặc là sẽ không bao giờ trở về nữa. Axel, cháu hãy về đi! Hãy đi đi!
Chú tôi nói trong trạng thái bị kích động cao độ. Giọng ông bỗng trở lên cứng rắn và đe dọa. Ông đang dồn hết nghị lực để cưỡng lại điều không thể làm được ấy. Tôi không muốn bỏ ông lại một mình dưới đáy vực thẳm này, nhưng bản năng sinh tồn lại thôi thúc tôi rời xa ông.
Hans theo dõi cảnh này với vẻ thờ ơ cố hữu. Tuy vậy anh cũng chẳng hiểu điều gì ddang xảy ra với hai người bạn đường của anh. Những cử chỉ của chúng tôi chỉ khá rõ con đường khác nhau mà người này muốn cố lôi kéo người kia theo. Nhưng hình như Hans có vẻ quá lãnh đạm với vấn đề đang đe dọa số phận của mình, anh vẫn sẵn sàng lên đường khi có lệnh khởi hành và cũng sẵn sàng ở lại nếu ông chủ của anh muốn vậy.
Làm thế nào để có thể kéo anh về phe của tôi? Tôi phải làm cho anh ấy thấy rõ những nguy hiểm mà anh không ngờ tới. Với hai người, chúng tôi sẽ có thể thuyết phục được vị giáo sư bướng bỉnh này. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ cưỡng bức ông quay trở lại ngọn Sneffels.
Tôi bước lại gần Hans và đặt bàn tay lên vai anh ấy. Hans không nhúc nhích. Tôi giơ tay chỉ con đường ngược trở lại miệng núi lửa. Anh vẫn không động đậy. Khuôn mặt chờ đợi của tôi đã nói lên hết những nỗi đau khổ, nhưng anh chàng người Iceland chỉ khẽ lắc đầu, chỉ chú tôi và nói:
- Master!
- Ông chủ! – tôi kêu lên – anh điên à? Giáo sư không phải là ông chủ của đời anh không thể như vậy được! Phải trở lên. Phải mang ông ấy theo! Anh có nghe tôi nói không? Anh có hiểu tôi không?
Tôi nắm lấy cánh tay Hans, định lôi anh đứng dậy. Thấy chúng tôi dằng co, giáo sư bước tới can thiệp:
- Axel, hãy bình tĩnh nào! Cháu không thể bắt buộc anh ta làm theo ý của cháu đâu. Chú có lời đề nghị thế này, cháu hãy lắng nghe đây:
Tôi khoanh tay lại và nhìn thẳng vào vị giáo sư với vẻ trờ đợi.
- Cho đến nay những dự định của chú bị cản trở không thực hiện được là do thiếu nước uống. Trong đường hầm phía đông không gặp một tý nước nào cả! Giờ đây theo đường hầm phía tây có thể chúng ta gặp may hơn chăng?
Thấy tôi lắc đầu với vẻ hoài nghi lộ ra mặt, giáo sư gằn giọng:
- Hãy nghe chú nói hết đã. Lúc cháu ngất chú đã tranh thủ quan sát đường hầm phía tây. Đường hầm này đi sâu vào lòng đất, chẳng mấy chốc nó sẽ dẫn chúng ta tới lớp đá granit. Ở đây, chắc chắn chjúng ta sẽ gặp nhiều nguồn nước. Chắc chắn đây là con đường mà Saknussemm đã đi qua. Chú tin là trong vài giờ nữa nếu mình cố gắng đi tới sẽ gặp được nguồn nước, vì Saknussemm cũng cần nước như mình, ông ta đã qua được thì chắc chắn bên dưới đã có nước uống. Nhất định mình sẽ tìm thấy. Này xưa Chistophe Colomb lúc đi tìm đất mới thì thủy thủ đoàn đòi trở về, ông yều cầu thủy thủ đoàn cho ông thêm ba ngày nữa để tìm đất mới. Mặc dù ốm yếu, họ vẫn đành phải chấp thuận. Cuối cùng ông đã tìm ra Châu Mỹ. Chú chỉ yêu cầu cháu thêm cho chú một ngày nữa thôi. Nếu quá một ngày mà vẫn chưa gặp được nguồn nước, chú xin thề chúng ta sẽ quay trở lại mặt đất ngay lập tức!
Mặc dù bực tức, tôi cũng rất xúc động trước những lời lẽ và cách nói dữ dội của chú tôi.
- Thôi được rồi, - tôi kêu lên – cháu cũng đành chiều theo ý chú. Cầu trời phù hộ chú cái nghị lực siêu phàm của chú! Chú chỉ còn vài tiếng đồng hồ cầu may nữa thôi đấy. Chúng ta lên đường thôi!

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 253

Return to top