Chim sa cá nhảy
Lưu Quốc Hòa
Vốn là người hào phóng, Kiểm phong bì tạ ơn hết chỗ này chỗ nọ, tất nhiên là quân sư Lanh nhận được phần khá nhất - nguyên khoản ấy, ngân quỹ vẹt đi không phải ít. Kiểm thuê ba bốn hiệp thợ đấu, đắp chỗ nọ phá chỗ kia, việc quản lý lỏng lẻo, thợ ăn gian khối lượng cũng không hay biết. Các loại lưới chia căng sáng lóa cả một đoạn sông, không khí sôi lên sùng sục.
Chim sa cá nhảy Có việc phải xa nhà hai tháng, vừa về đã thấy trên bàn viết của tôi một tờ báo in ảnh Kiểm kèm theo một cái “tít” có cánh. Tờ báo này là của Hân, bạn tôi đem sang đã hơn tuần, cậu ta trải tờ báo lên bàn, cẩn thận đè lên đấy một cái thước góc thợ xây cùng một dấu hỏi to như gà mái ghẹ.
Đọc xong bài báo tôi nổi khùng, chửi váng lên. Vợ tôi khoặm mặt cự lại:
- Anh vớ vẩn vừa thôi! Ghen à? Có giỏi thì làm theo người ta để được báo chí ca ngợi. Vợ con anh mát mặt, cái ngữ anh ngày thì nhọ nhọ nhem nhem, đêm thì mài đũng quần viết lách, còn lâu mới cất đầu lên được…
Tôi quắc mắt gầm lên:
- Phù phiếm, bợm bãi, láo toét! Chúng nó định giết người ta hay sao mà bày ra cái trò này. Tôi sống với nó đã hai thứ tóc không hiểu sao! Thằng Kiểm mà thành tỉ phú thì cả nước này là tỉ phú! Nó dại như vích, khờ như gà thiến thì làm nổi trò trống gì…
Vợ tôi bĩu môi mát mẻ:
- Thì cũng là do cánh văn chương nhà các anh dựng lên chứ ai vào đấy! Còn trách ai mà cứ táo tác như quạ già mất tổ.
Vừa nói, cô ta vừa vung vẩy đi ra ngõ… tức thật.
Tôi có năm thằng bạn thân, chơi với nhau từ ngày còn quần cộc, đi học “vỡ lòng”, đứa Ngọ, đứa Mùi suýt soát nhau, cùng lên đường nhập ngũ. Chiến tranh, trận mạc cướp mất một đứa, còn lại hai thằng là thương binh. Hết chiến tranh về quê chẳng đứa nào có nghề ngỗng gì lại đông con, sức khỏe kém, vốn liếng mỏng tèo, học hành lại ít, nghe có bao gương vươn lên làm giàu bọn tôi cũng trăn trở nhưng vẫn chưa tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình, thế mà đùng một cái, như có phép thần thông, một ông bạn lại trở thành tỉ phú, vua biết mặt chúa biết tên thì kể cũng lạ…
Tôi sang nhà Hân, hắn đang xay đậu, mồ hôi nhễ nhại, hắn cười, phô mấy cái răng ám khói thuốc lào:
- Mày về rồi đấy à, khỏe không, vào nhà đợi tao một tý, loáng nữa là xong, gọi cả thằng Kim sang uống rượu với đậu phụ luộc ngải cứu chấm mắm tôm.
Tôi bảo con bé lớn nhà Hân:
- Cháu sang bảo chú Kim đến ngay, bác và bố cháu đang đợi!
Con bé như chim sẻ chạy vù ra ngõ! Đã đủ mặt, tôi hỏi hai thằng bạn, giọng cố nén bực tức:
- Tao đi mới chưa đầy hai tháng mà thằng Kiểm đã lên tỉ phú, nó giết ai ra tiền cơ chứ! Chúng mày ở nhà có hiểu gì không?
Hân vừa lau mồ hôi, vừa bô lô, ba la:
- Tỉ phú cái con tiều! Vay tiền ngân hàng đổ vào dự án giời ơi đất hỡi để lấy cái danh tỉ phú, nó bị kẻ bất lương xúi giục, lợi dụng. Phen này chúng nó ăn thịt thằng Kiểm là cái chắc! Tao cũng đang lộn ruột lên nhưng chẳng làm gì được.
Thằng Kim khề khà vớ ống điếu:
- Chả hiểu ra làm sao cả? Các ông nhà văn, nhà báo hết tốp này đến tốp nọ tham quan, ông nào cũng vỗ ngực là “nhà lớn” đã từng tham dự vào bao “sự kiện lớn”, hôm nay thăm một “mô hình lớn” với một ông chủ có “chí lớn”, toàn là cái “lớn” cả, bọn rong rêu bèo bọt như chúng tao chỉ nhìn đồ lễ, xe cộ, áo quần đã hãi rồi. Thôi mặc xác, việc họ họ làm, can gián bây giờ không khéo lại bị quy tội là phá chủ trương này nọ…
Tôi gặng lại:
- Thế chúng mày không bàn hơn tính thiệt với bản thân vợ chồng nó thì còn quái gì là bạn bè, chiến hữu. - Có rồi, hai lần chúng tao gặp nó rồi. Lần trước thằng Kiểm còn lịch sự, lần sau nó gần như là lên lớp, nhục mạ bọn mình là thiếu ý chí, thiếu năng động. Chắc đứa nào bơm vào đầu nó chứ thằng Kiểm phổi bò đâu nghĩ ra được những lời cay độc như thế… Buồn thật, tức thật - Kim nhăn mặt thở dài.
Thực tâm cả bọn đều ái ngại cho Kiểm. Việc cơm áo khó nói lắm, ngày xưa ở với nhau ngoài chiến trường, trận mạc nhường nhau sống chết là bình thường, tất cả đều thanh thản và tự nguyện. Giờ thì khác rồi, ở mặt trận không tiếng súng có nhiều cạm bẫy xanh, đỏ, tím, vàng, có những danh vọng vật chất và cả phi vật chất nữa cũng có sức hấp dẫn chết người.
Cả bọn quyết định gặp Kiểm lần cuối. Chúng tôi rẽ xuống khu bãi nổi, nơi vợ chồng Kiểm dựng lều tạm coi cá. Gặp đám thợ đấu đang giải lao uống nước, họ nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Một gã đen như cột nhà cháy nói kháy:
- Chắc là bọn bạn ông Kiểm ở ngoài làng. Thấy bạn sang thì bắt quàng tìm đến! Đúng là “đói rách thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em…”.
Thật là ức đến nổ ruột. Bước chân cảm thấy chùng lại, chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau và đọc được ở nhau nỗi buồn mênh mang về con người và thế sự…
Như đã kể từ đầu chuyện, chúng tôi là bạn nối khố. Quê tôi là dải đất đồng chiêm trũng nghèo khó, miếng cơm, manh áo chỉ trông chờ hạt lúa, củ khoai. Làng xóm ngày ấy nghèo đói đến thắt lòng, cha mẹ, anh chị chúng tôi cứ hết mùa lại tha phương kiếm kế sinh nhai. Nghề chính là làm thợ đấu đào ao, vượt thổ.
Ông bạn Kiểm của chúng tôi vừa làm nghề nông, vừa chài lưới ở khúc sông trước nhà. Được cái Kiểm có sức khỏe và chịu khó, hết lòng thương vợ quý con. Vợ Kiểm là cô gái cùng làng, tốt nết và nhẫn nhịn, luôn yên lòng vì chồng, một anh chàng tính nết như bánh đúc bày sàng, thật thà chất phác, mang ơn ai một tý thì xuýt xoa, trăn trở, có lẽ điều không hài lòng duy nhất là chồng nhẹ dạ, cả tin, dễ bị lợi dụng! Tôi nhớ, ngày còn ở Quảng Bình, có cô thanh niên xung phong ở bến phà Xuân Sơn, đẹp gái nhưng hơi lẳng lơ, ỡm ờ. Có lần cô nói kháy khẩu đội pháo thủ chúng tôi:
- Em thấy ở sườn núi sau nhà nhiều ơi là nhiều hoa phong lan đẹp, đố anh nào có gan trèo hái tặng em thì bảo em gọi gì cũng được…
Mấy cậu lính trẻ gặng lại:
- Là anh hùng hay là người yêu! Tất cả phá lên cười nhưng chẳng ai dám trèo lên vách đá dựng đứng!
Khẩu đội trưởng Thăng đáp lại một câu thật hóm:
- Anh thấy bằng liệt sĩ chẳng có dòng nào ghi anh hùng hái hoa phong lan cả, em thông cảm nhá!
Kiểm phổi bò thì không nề hà, hùng hục trèo lên, đận ấy Kiểm sống được là do may rủi, cu cậu trượt chân ngã ở lưng chừng vách núi trúng bụi bùng nhùng, không thì tan xương rồi.
Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng cùng ba đứa con, mấy sào ruộng và dăm tay lưới, ngày qua tháng đoạn cái gia đình ấy vẫn nhôi nhai, tạm đủ nhưng nổi trội hơn đám bạn bè là gia sự bình yên, chẳng bao giờ vợ chồng đay trì nhau, con cái khỏe mạnh, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Ngày ủy ban xã có chủ trương đấu thầu khúc sông trước nhà, Kiểm thắng thầu và làm chủ một đoạn dài gần nửa cây số. Mát mặt được vài ba năm thì hết hạn hợp đồng, địa phương tổ chức đấu thầu lại, Kiểm vò đầu bứt tai nghĩ cách giữ cái nồi cơm nhà mình. Đang bí kế thì Lanh, một tay chuyên nghề sống bằng nước bọt, vừa là văn thư, vừa là anh loong toong của xã hiến kế:
- Ông có dự án khả thi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là khỏi phải lo đấu thầu, mô hình này không làm dự án thì quá phí. Ông là người biết làm ăn, có chí lớn phải ra tay cho đời biết mặt, tôi dám chắc 5 năm sau, ông sẽ thành lập công ty khai thác thủy sản, có ôtô riêng hẳn hoi, cho mấy tay làm ăn cò con chết ngất vì thèm!
Kiểm xoa tay vào đít quần nhăn nhó:
- Dự án dự iếc quái gì, tiền đâu ra, người đâu ra mà mơ tưởng, cứ nhì nhằng thế này chắc ăn hơn.
Tay Lanh tán vào:
- Có sổ đỏ thế chấp, có dự án khả thi là có tất cả, ông không thảo được dự án đã có tôi quân sư, dự án càng to ngân hàng cho vay càng nhiều. Ông không nhớ câu ca các cụ à: “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”, một vốn bốn lời, tôi phục cái tài, cái trí ông tôi mới bàn chứ thằng khác thì thây kệ.
Thế là Kiểm gật đầu! Cuộc vận động để cho ra đời dự án âm thầm diễn ra, vốn liếng tự có bao nhiêu dốc sạch, cái sổ đỏ 360 m2 thổ cư, 480m2 thổ canh và hồ sơ dự án với hàng lô chữ ký đóng dấu đỏ tươi nằm gọn trong két sắt ngân hàng, cái vốn 300 triệu cũng được đặt trịnh trọng vào tay chủ dự án, Kiểm vênh vang tuyên bố:
- Tao đã có gậy chống rồi, đứa nào còn lớ xớ là ăn đòn!
Vốn là người hào phóng, Kiểm phong bì tạ ơn hết chỗ này chỗ nọ, tất nhiên là quân sư Lanh nhận được phần khá nhất - nguyên khoản ấy, ngân quỹ vẹt đi không phải ít. Kiểm thuê ba bốn hiệp thợ đấu, đắp chỗ nọ phá chỗ kia, việc quản lý lỏng lẻo, thợ ăn gian khối lượng cũng không hay biết. Các loại lưới chia căng sáng lóa cả một đoạn sông, không khí sôi lên sùng sục. Rồi các đoàn khách đến tham quan có mô hình ngăn sông thả cá của Kiểm, mỗi lần lại phong bì, lại liên hoan đặc sản, cả chủ lẫn khách mặt mày chín bầm rượu bia, lời chúc mừng, ca tụng, tâng bốc cứ lẫn lộn với nhau. Thấy chi tiêu quá lãng phí, vợ Kiểm phàn nàn. Kiểm vung tay trấn an:
- Nhạt toẹt, dự án thành công là “bộn” tiền, mẹ mày khỏi lo.
Quả thật Kiểm đang cưỡi lên lưng hổ xám, cầm số vốn 300 triệu có nghĩa là cứ ngày 26 hàng tháng, chị cán bộ ngân hàng nhẹ nhàng và nghiêm túc chìa phiếu thanh toán hơn 3 triệu tiền lãi, một tháng Kiểm phải trả lãi gần bằng số tiền của cả nhà tôi tích cóp một năm, nghĩ mà sởn da gà.
Đấy là dạo tháng hai ta, lúc trời đất còn bình lặng, những con trôi quả gạo, con mè lưỡi hái đầu tiên được thả xuống sông sau đó là cá chim Amazôn cũng “nhập sới”. Cá tây, cá ta thi nhau đổ xuống, loại nọ rình ăn thịt loại kia. Kiểm như anh “đẽo cày giữa đường” ai bàn gì nghe nấy, một thứ dự án hổ lốn và phi khoa học, cả khúc sông đục ngầu những cá, thức ăn chế sẵn của nhà máy vãi ào ạt.
Một hôm đoàn làm phim, có đạo diễn hẳn hoi đến quay cảnh cá ăn, một chi tiết khá nực cười là cảnh cá nhảy trong lưới, ai đời, thả cá mới hơn một tháng mà kéo lên cứ to như chày giã cua cỡ bự. Cá mè, cá chép thì bằng quạt nan, ba ba lớn nhỏ lúc nhúc trong chậu, làng trong xã ngoài đồn ầm cả lên. Riêng tôi biết tỏng cái trò ấy từ thời bao cấp, mượn lợn xã viên đem nhốt vào chuồng hợp tác để tham quan điển hình, không ngờ, căn bệnh trầm kha ấy hôm nay vẫn còn diễn lại.
Cá thả được gần 5 tháng thì trận lụt xảy ra, ông trời như đứa trẻ hờn dai, suốt cả tuần liền, bầu trời như sà thấp hơn xuống mặt sông để trút nước, lác đác vùng lân cận đã nổi hiệu trống hộ đê, cái eo sông nhỏ được dâng dần lên đề phòng cá vượt ra sông cái. Lũ cá phản chủ tụ tập xanh rờn, thỉnh thoảng lại giãy lên đùng đùng, tìm cách thoát ra.
Một buổi sáng, vợ Kiểm hộc tốc chạy từ chợ tỉnh về mặt cắt không ra máu hốt hoảng gọi chồng:
- Anh ơi! Chợ bán ê hề là cá, cánh lưới bén rổ lớn rổ bé khuân lên, em trông giống hệt cá nhà mình, không khéo cá chuồn hết ra sông cũng nên!
Kiểm quắc mắt quát vợ:
- Vớ vẩn, lưới vẫn còn nguyên thế kia thì cá ra sao nổi, họa là nó có cánh bay qua.
Nói vậy để trấn an, thực tâm Kiểm cũng lo! Biết đâu có kẻ hại mình xé lưới thì sao!
Và thế là Kiểm cùng mấy người lặn xuống sâu sờ từng khoảng lưới thì ôi thôi; hằng hà sa số lỗ thủng, lỗ thì to như cái thúng, lỗ thì nhỏ đút lọt bàn tay, cái lũ cá chim Amazôn răng khỏe như răng nghé tơ, phàm ăn như thuồng luồng đã cắn lưới chui ra kéo theo cả những giống khác “du lịch” ra sông cái và chui vào lưới những gã đánh bắt tự do.
Khi nước rút, Kiểm gia cố bờ, căng lưới sắt, nhưng quả như câu ca người xưa để lại: “Họa vô đơn chí”, đợt nước đen từ phía thượng nguồn đổ về. Cả một vùng sông, cá chết như ngả rạ, những người nuôi cá lồng cũng dở khóc dở mếu. Dân kêu, báo chí truyền hình phản ánh rồi đến tỉnh kiến nghị hết đợt này đến đợt khác, dòng nước đen quái ác vẫn đổ về. Sự thiệt thòi của dân đôi bờ vẫn đợi chờ các cấp cầm cân nảy mực.
Vâng! Một dự án thiếu tính khả thi, việc thất bại là điều không tránh khỏi. Từ ngày Kiểm trắng tay, chẳng thấy “nhà lớn” nào lai vãng. Những lời tán dương tắt lịm, tay Lanh cò mồi cũng lặn mất tăm. Chỉ còn lại chữ ký của đích danh Kiểm với ngân hàng cùng món nợ khổng lồ khó bề thanh toán.
Khi tôi viết câu chuyện này thì đúng lúc tỉnh có dự án mở con đường vành đai, nhà Kiểm ở trong vùng quy hoạch được đền bù, số tiền cũng đủ để trang trải món nợ và xây dựng nhà mới, thế là anh bạn của tôi lại trở về vạch xuất phát.
Sau những biến cố chết người, tôi, Hân và Kim lại tìm đến Kiểm như ngày xưa vẫn tìm nhau sau mỗi trận đánh. Kiểm nhìn tôi hồi lâu rồi chép miệng thở dài:
- Mày là dân có máu văn chương, thế thì mày cứ viết chuyện cái dự án con tiều của tao đi, sỉ vả tao thế nào cũng được, cốt đừng để có thằng nào lâm vào cảnh khốn nạn như tao.
Tôi ậm ờ:
- Chuyện này cũng đáng viết đấy, nhưng để sau. Cái cần bây giờ là phải tiếp tục sống, có điều nên sống bằng chính năng lực của mình. Mèo nào thì bắt chuột ấy. Làm giàu thì đừng có “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”...
Buổi chiều cuối thu, chúng tôi ngồi bên nhau rất lâu, trước mặt là con sông kỷ niệm tuổi thơ vừa dữ dằn vừa nhân hậu, mỗi đứa lặng lẽ nghĩ chuyện “một thời” và chuyện “một đời” với bao thăng trầm buồn vui, khôn dại....
Lưu Quốc Hòa