Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Phố Tàu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6706 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phố Tàu
Thuận

Chương 4

Tôi còn nhớ như in một buổi tối cuối năm, bố tôi lao vào căn hộ mười tám mét vuông khu tập thể đê La Thành. Mẹ tôi lao theo. Bố tôi rút từ trong cặp ra một bản phô tô cóp pi. Mẹ tôi cầm lấy đưa cho tôi. Bố tôi hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Mẹ tôi cũng hạ giọng bố mẹ có cái này cho con. Tôi luôn ngạc nhiên trước khả năng hạ giọng của bố mẹ tôi. Tôi bảo tôi không muốn bàn chuyện thi cử. Bố tôi đứng phắt dậy. Mẹ tôi đứng phắt dậy. Tôi bảo Thụy mới đi được nửa năm. Bố tôi làm như không nghe thấy. Mẹ tôi cũng làm như không nghe thấy. Tôi bảo thằng Vĩnh còn bé quá. Bố tôi bật khóc hu hu. Mẹ tôi cũng bật khóc hu hu. Một tuần liền bố tôi bỏ cơm. Một tuần liền mẹ tôi ốm. Nhà như có đám. Tôi và thằng Vĩnh ôm nhau trên giường. Tôi cũng bỏ cơm. Nó cũng ốm. Một tuần rồi cũng hết. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi xoa. Bố mẹ tôi mở tủ. Bố tôi cho quần áo của tôi vào một cái túi. Mẹ tôi cho quần áo thằng Vĩnh vào một cái túi. Quần áo của Thụy bố mẹ tôi không động tới. Tôi quàng khăn vào cổ, đội lên đầu thằng Vĩnh cái mũ len. Bố tôi ra trước. Mẹ tôi ra sau. Hai mẹ con tôi ra cuối cùng. Tôi không quay lại nhìn căn hộ khu tập thể đê La Thành. Tôi cũng không chia tay hàng xóm. Chúng tôi im lặng đi về hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Hai chữ tương lai đề nghị bố mẹ tôi chuyển từ nấu chè đỗ đen và xếp hàng mua óc lợn sang trông thằng Vĩnh. Hai chữ tương lai trao cho tôi nhiệm vụ đoạt giải nhất kì thi cao học sứ quán Pháp tổ chức, lần đầu tiên từ ngày bình thường hóa quan hệ hai bên. Thay ba cặp kính, ba trung tâm luyện tiếng, ba thầy giáo, ba bộ sách giáo khoa, tôi chẳng giải nhất, chẳng giải nhì cũng chẳng giải ba. Bố mẹ tôi chầu trực cả ngày xem kết quả, suýt gọi cấp cứu vào khoa tim mạch bệnh viện Việt-Đức thì thấy tên tôi đứng cuối cùng danh sách. Bố mẹ tôi thời Đổi Mới cũng linh hoạt hơn. Bố mẹ tôi không còn lấy thủ khoa làm thước đo danh dự. Bố mẹ tôi mãn nguyện dùng cả ba màu đỏ trắng xanh tô lên hai chữ tương lai. Hai chữ tương lai mới hơn một năm đã phai hết màu Xô Viết. Bố mẹ tôi không cần sang Pháp. Bố tôi chỉ cần chín giờ tối lên giường ôn lại cảnh máy bay Air France xé không khí vút về phía Tây. Mẹ tôi bảo ăn uống là chuyện phù phiếm, mẹ tôi nhờ tôi thưởng thức hộ phó mát, rượu vang, toi et moi. Bố mẹ tôi gặp ai sang cũng gửi biếu ông bà bên ấy nửa cân cà phê Trung Nguyên và nửa cân mứt sen Hàng Điếu. Nhưng nửa cân mứt sen tôi mua một tuần trước ngày đám cưới, bố mẹ tôi để chảy nước trên bàn thờ. Bố mẹ tôi ngay từ lần đầu gặp hắn, đã vội vàng toan tính một đám cưới Pháp-Việt. Nhưng đám cưới Hoa-Việt của tôi và Thụy, bố mẹ tôi không đến. Bố mẹ Thụy cũng không Ċến. Đám cưới tôi và Thụy diễn ra chóng vánh. Chỉ có mấy đứa bạn học cùng tôi ở Leningrad. Chúng nó mang cả con đến dự. Những đứa trẻ sinh ở Liên Xô vừa kịp ngửi mùi bơ mùi sữa đã leo lên máy bay về nước. Chúng nó bây giờ mới biết mặt Thụy. Chúng nó hỏi tôi bằng tiếng Nga anh kiến trúc sư của mày đấy à. Thụy không hiểu gì. Thụy cố cười đáp lại. Thụy ngại ngùng. Chúng nó hỏi tiếp, lần này bằng tiếng Việt, anh làm việc ở cơ quan nào. Thụy càng ngại ngùng. Thụy càng cố cười đáp lại. Tôi phải trả lời thay, Thụy đang chuyển cơ quan. Tôi nói sang chuyện khác. Nói sang chuyện khác là chuyên môn của tôi. Tôi thạo nó từ ngày đi chơi với Thụy. Hôm qua thấy lang thang ở cuối phố Bà Triệu với anh nào đấy. Tuần trước mải nói chuyện cùng ai gọi mãi mà không trả lời. Hai anh chị xem phim chăm chú thế, bao giờ thì cho ăn kẹo. Tôi nói sang chuyện khác. Năm năm tôi nói sang chuyện khác người ta cũng quen, người ta cũng để cho tôi yên. Đám cưới tôi, tôi nói sang chuyện khác, bọn bạn tôi không quen nhưng cũng không nói gì. Tôi kể chuyện ngày xưa. Tôi cố nhớ lại những chuyện thật khôi hài để kể. Đám cưới mấy đứa trẻ con ăn bậy ăn bạ gì cũng xong. Cô dâu nào cũng chuẩn bị vào nhà hộ sinh. Các cô bạn đến dự phần lớn cũng chuẩn bị vào nhà hộ sinh. Khu tập thể sinh viên từ năm thứ tư biến thành vườn trẻ. Bố mẹ trẻ con trông trẻ con. Đầu óc toàn chuyện tã lót, pha sữa, quấy bột. Học làm sao để được toàn điểm xấu, để được đúp một năm nữa, để được ở lại, hết học bổng thì ăn bắp cải, ăn bắp cải quanh năm cũng không sao, cũng không sợ rộp lưỡi. Đỡ phải về nước ngày nào hay ngày đấy. Chúng nó lăn ra cười. Chúng nó bảo tôi nhớ dai. Chúng nó đã quên hết. Đặt chân đến sân bay Nội Bài là quên hết. Bọn con cái chúng nó một tháng sau cũng quên hết mùi bơ mùi sữa. Chúng nó bảo phải quên đi mà sống. Chân lý đấy. Phải quên đi mà sống. Chúng nó bảo chỉ có tôi là học hành chăm chỉ, ban ngày đến lớp chép bài cho cả bọn, buổi tối về nhà ngồi viết thư cho Việt Nam. Chúng nó nhìn Thụy đầy ngụ ý. Chúng nó đòi cô dâu chú rể hôn nhau đi. Hôn nhau như Liên Xô. Hôn đi. Liên xô đi. Tôi nhìn Thụy luống cuống. Thụy nhìn tôi luống cuống. Cả hai chúng tôi chưa bao giờ hôn nhau trước mặt người khác. Cả hai chúng tôi hai mươi lần hôn nhau chưa bao giờ hôn được vào môi ngay từ cái đầu. Chúng nó lại đòi cô dâu chú rể hôn nhau đi. Không hôn nhau không xong với chúng nó. Tôi giật tay áo Thụy. Mặt Thụy đỏ bừng. Tôi giật tay áo Thụy lần nữa. Thụy luống cuống ôm lấy người tôi. Tôi áp môi vào môi Thụy. Lần đầu tiên không bị rơi xuống cằm hay nhầm phải mũi. Chúng nó vỗ tay ầm ầm bên cạnh. Mặt Thụy đỏ bừng. Chúng nó vẫn không tha. Hôn đi. Liên xô đi. Tôi giật tay áo Thụy. Thụy luống cuống ôm lấy người tôi. Tôi áp môi vào môi Thụy. Môi trên vào môi trên, môi dưới vào môi dưới. Chúng nó vỗ tay ầm ầm bên cạnh. Đám cưới cuối cùng cũng vui vui. Chỉ hai tiếng mà tôi và Thụy hôn nhau nhiều hơn hai năm. Tôi tự bảo may mà nhờ chúng nó. May mà bố mẹ tôi không đến dự. Có bố mẹ tôi, chúng nó không dám đùa cợt như thế. Có bố mẹ tôi, Thụy không dám chạm vào người tôi, tôi cũng không dám chạm vào người Thụy. Tôi và Thụy sẽ nhìn nhau nghiêm nghị. Bố mẹ tôi sẽ nhìn nhau nghiêm nghị. Bọn con cái chúng nó chắc cũng nhìn nhau nghiêm nghị.
Chín giờ tối, ông bảo vệ vào bảo hết giờ rồi nhé. Chúng nó ở lại giúp tôi dọn dẹp. Quét vỏ hạt dưa, rửa tách uống chè, gỡ đi cái phông bằng vải đỏ trên có hai chữ đầu tên tôi và tên Thụy lồng vào nhau. Cái phông do Thụy tự trang trí. Thụy mua vải rồi cắt chữ dán lên. Thụy cắt thêm cả một chữ phúc rất đẹp bằng tiếng Hoa. Đó là dịp đầu tiên tiếng Hoa của Thụy được đem ra sử dụng. Thụy làm lúc nào tôi không biết. Trước đó chúng tôi không bàn đến chuyện phông màn. Chúng tôi chỉ cần một đám cưới ít rườm rà nhất. Mấy bó hoa đồng tiền do tôi mua về rồi cắm lấy. Cuối buổi đem chia cho lũ trẻ con. Lọ trả lại phòng cưới. Ông bảo vệ được một túi kẹo lạc. Bọn bạn tôi nhìn tôi và Thụy ái ngại. Chúng nó bảo thương mày quá, cả đời chỉ biết học, mắt càng ngày càng cận, kính nào đeo cho vừa. Chúng nó bảo cuộc sống khó khăn lắm, không vô tư như ngày xưa được đâu. Phải quên đi mà sống. Chân lý đấy. Phải quên đi mà sống. Ngày tôi chửa thằng Vĩnh mọi người cũng nói với tôi hệt như thế. Ngày tôi mang thằng Vĩnh về nhà, tôi cũng được nghe những lời tương tự. Một tháng sau Thụy ra đi, người ta nhắc lại ngần ấy câu. Ai cũng đe tôi cuộc đời lắm chông gai mà tôi thì không mảy may kinh nghiệm. Chín giờ rưỡi tối tôi và Thụy đạp xe từ phòng cưới về nhà. Không nói với nhau lời nào. Thụy không hỏi tôi, tôi không hỏi Thụy, nhưng gần đến khu tập thể, hai cái xe quay về phía sông Hồng. Chúng tôi chọn một góc kín đáo, một trong những chỗ tôi và Thụy vẫn ngồi các tối thứ bảy. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi và Thụy im lặng. Tôi đã quên đám cưới chúng tôi cách đây một tiếng. Tôi đã quên Thụy và tôi vừa hôn nhau, lần đầu tiên trước mặt người khác, lần đầu tiên môi áp ngay vào môi. Tôi nghĩ đến bố mẹ tôi, đến cuộc sống chung của ba chúng tôi bây giờ mới chấm dứt. Bây giờ tôi mới không phải sống cho bố mẹ tôi, không phải làm gì cũng nghĩ đến bố mẹ tôi, đi đâu cũng nghĩ đến bố mẹ tôi, hôn Thụy cũng sợ xúc phạm bố mẹ tôi, xúc phạm cuộc sống chung của ba chúng tôi, làm hỏng tương lai cũng của ba chúng tôi. Hai mươi bảy tuổi tôi mới đặt được tình yêu bố mẹ sang một bên. Như thế có phải là quá muộn. Tôi có thể đặt nó sang một bên từ lâu lắm rồi. Một tháng, một năm, hay ba năm, bốn năm. Hai mươi bảy tuổi tôi mới bắt đầu sống cho tôi. Như thế có phải là quá muộn. Xong cái bằng màu đỏ cho bố mẹ tôi, đáng lẽ tôi phải tìm một địa chỉ mới mà về, phải pha lấy nước chanh mà uống, phải vác xe đạp từ dưới nhà lên gác mà cất ngay đầu giường, rồi lấy hai cái xích ra mà khóa cả hai bánh. Sau này, nằm cạnh thằng Vĩnh trong căn hộ Belleville, tôi cũng tự bảo đáng lẽ tôi không nên để mẹ tôi ngày ngày nấu cháo chân giò và hoa chuối hột, rồi bón cho tôi từng thìa vì thằng Vĩnh cứ thấy vú cao su là nhổ xuống đất. Đáng lẽ tôi không nên để bố tôi sáng nào cũng ra máy nước công cộng giặt một chậu đầy tã lót, giặt xong lại phơi, lại là, lại gấp, lại pha sữa cho hai mẹ con uống, lại xách nước cho hai mẹ con tắm, lại ngồi quạt cho hai mẹ con ngủ, lại đánh muỗi để chúng nó đừng đốt cả mẹ cả con. Thằng Vĩnh ba tháng, tôi phải đi làm. Bố mẹ tôi hàng ngày đưa nó đến nhà trẻ rồi lại đón nó về, lần lượt nấu cháo, nấu bột, nấu cơm cho nó ăn. Nó phỏng đậu, ho gà cũng ông bà ngoại. Nó ỉa chảy, chốc đầu cũng ông bà ngoại. Ông bà ngoại cho nó tắm mướp đắng để đỡ rôm, cho nó ăn cháo thịt băm những hôm nó sưng họng, cho nó mặc quần hoa áo hoa vào rằm trung thu, cho nó nhong nhong xe đạp cả chủ nhật, cho nó đi chọn đào ngày ba mươi Tết. Tôi không hiểu trong sự tận tình bố mẹ tôi giành cho thằng Vĩnh có bao nhiêu tính toán cho tương lai của tôi, tương lai của bộ ba chúng tôi hay chỉ hai từ tương lai không cần danh từ bổ ngữ lẫn đại từ sở hữu. Cả bố lẫn mẹ tôi không đả động tới chuyến tàu Thống Nhất, không nhắc tên Thụy, không trách móc không phàn nàn. Như thể không có Thụy trong cuộc đời này, như thể Thụy chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời chung của ba chúng tôi. Bố mẹ tôi có biệt tài làm như không biết. Bố mẹ tôi có biệt tài duy lý trí. Bố tôi với mẹ tôi là một. Từ thú vui hàng ngày (cả hai đều thích ăn xu hào luộc) đến các tham vọng (trước là cái bằng màu đỏ Liên Xô, sau là luận án cao học Pháp). Từ quan hệ gia đình (cả hai đều nể cậu mợ tôi) đến quan hệ xã hội (cả hai đều thù ghét người Hoa). Từ quá khứ (ông bà nội và ông bà ngoại tôi là bố và mẹ tôi cách đây hai mươi lăm năm) đến tương lai (là tôi).
 Từ lọ tăm đến chai nước mắm. Từ cái bô đến tiếng gáy song song. Bố tôi với mẹ tôi là một, là một trong khả năng không bao giờ mon men lại giường của nhau. Ngay cả khi có khách nhà quê ra ngủ nhờ, bố mẹ tôi vẫn giữ vững nguyên tắc giường ai người ấy nằm. Khách đàn ông xoa hai chân vào nhau, khạc một cái rồi trèo lên giường bố tôi. Khách đàn bà cũng xoa hai chân vào nhau, khạc một cái rồi trèo lên giườn nằm ngay ngắn giữa mẹ tôi và tôi. Ngay cả khi tôi mang vi trùng dịch hạch, bác sĩ bắt nằm riêng, bố mẹ tôi vẫn nhất quyết không mang gối mang chăn chia với nhau một cái giường. Bố tôi đêm nay nằm đất, nhường giường cho tôi. Mẹ tôi đêm sau nằm đất, nhường giường cho tôi. Cả hai cùng sưng họng cho đến khi vô tuyến thông báo dịch hạch đã rời khỏi Hà Nội để vào phía Nam. Ngày hai mươi tháng mười một, ngày Tết dương lịch, ngày Tết âm lịch, ngày mồng tám tháng ba, ngày mồng một tháng năm, tôi được bố mẹ tôi lần lượt dắt đến giáo viên chủ nhiệm rồi các giáo viên bộ môn, rồi dĩ nhiên không bỏ sót giáo viên thể dục, giáo viên nữ công. Bài kiểm tra văn cuối học kì của tôi không cần được xét lại để có điểm nhất lớp, môn toán của tôi cũng không cần thêm nửa phẩy nữa mới kéo được học lực của tôi từ khá lên giỏi. Các môn học của tôi tự động đạt kết quả xuất sắc không nhờ tới những chuyến viếng thăm của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi cũng không yêu mến hay ngưỡng mộ các thầy giáo cô giáo của tôi hơn các cấp trên của mình. Nhưng bố mẹ tôi vẫn viếng thăm. Cũng như bố mẹ tôi mỗi năm phải ngồi mười lăm phút phòng khách nhà các giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng, phó phòng nơi bố mẹ tôi làm việc. Bố mẹ tôi cũng chẳng yêu mến hay ngưỡng mộ họ hơn các thầy giáo cô giáo của tôi. Nhưng đó là những quan hệ cần được chăm sóc. Đó là nguyên tắc, như bố mẹ tôi vẫn nói. Như bố mẹ tôi vẫn cặm cụi mang nải chuối, con vịt tới biếu cậu mợ tôi. Cậu mợ tôi không cần nải chuối, con vịt. Mợ tôi thấy nải chuối là xua tay. Một ngày mợ tôi nhận được năm mươi nải chuối của năm mươi gia đình bệnh nhân bệnh viện Việt Nam-Cu Ba. Mợ tôi nấu chè chuối, làm bánh chuối, xào chuối ốc đậu, bung chuối với lươn không hết, phải hàng ngày khệ nệ xếp vào bao tải bốn mươi chín nải chuối còn lại, rồi lại khệ nệ vác ra kí gửi ở sạp hoa quả chợ Bắc Qua. Cậu tôi thấy con vịt cũng xua tay. Không tuần nào các nhân viên công ty thực phẩm nơi cậu tôi phụ trách đảng ủy không mang đến một chục con vịt phế phẩm công ty không nỡ phục vụ khách hàng. Một chục con vịt phế phẩm được mợ tôi cắt tiết, nhổ lông măng, biến thành vịt rán, vịt quay, vịt luộc, vịt tiềm hạt sen. Hai thằng sinh đôi em họ tôi ngửi thấy mùi vịt là kêu như cháy nhà, mợ tôi đành mang năm con đã cắt tiết và nhổ lông măng kí gửi cửa hàng cháo vịt đầu phố. Hai thằng sinh đôi mười tuổi đã bị nghi thừa mỡ vịt trong máu. Bố mẹ tôi từng đến bệnh việt Việt Nam-Cu Ba nhìn bốn cái xi lanh các bác sĩ dưới quyền mợ tôi cắm vào bụng chúng nó để hút mỡ vịt ra bốn cái chai, mỗi cái 75 CC. Nhưng bố mẹ tôi vẫn cặm cụi đến thăm cậu mợ tôi để cái bao tải của mợ tôi hôm sau lại phải cõng thêm mኙt nải chuối nữa, để khách quen của cửa hàng cháo vịt đầu phố hôm sau ăn đến bát thứ hai vẫn không biết đâu là vịt phế phẩm, đâu là vịt mua ở phố Hàng Vịt. Bố mẹ tôi bảo đó là nguyên tắc, là những quan hệ cần được chăm sóc. Ôi bố mẹ tôi, bố mẹ tôi ra sức chăm sóc cho rất nhiều mối quan hệ nhưng mối quan hệ vợ chồng thì bố mẹ tôi lại vô cùng chểnh mảng. Chưa lần nào tôi được nghe bố tôi phát vào mông mẹ tôi để mẹ tôi quát là đồ động cỡn. Chưa lần nào tôi được thấy mẹ tôi mặt mày xưng xỉa vì bố tôi mải ngắm đôi đùi bà hàng xóm hớ hênh một buổi tối mất điện, tênh tênh một trưa hè không gió. Chưa lần nào nửa đêm tôi bị những tiếng hổn hển đánh thức để chỉ cần hé mắt là có thể thấy mẹ tôi rung lên bần bật dưới sức nặng bốn mươi lăm cân của bố tôi còn cái giường thì như trong cơn động đất dưới sức nặng của cả bố tôi lẫn mẹ tôi chín mươi cân chẵn. Chưa lần nào, chưa lần nào, từ khi tai tôi biết nghe, mắt tôi biết nhìn, tai mắt tôi được dịp chứng kiến bố mẹ tôi chăm sóc cho mối quan hệ vợ chồng. May mà trong khuôn khổ Việt Nam, sự chểnh mảng ấy không khiến bố mẹ tôi phải dẫn nhau ra tòa, khiến căn phòng của ba chúng tôi phải chia làm đôi bằng cót ép, khiến tôi buổi sáng ăn cơm với mẹ, buổi tối ăn cơm với bố, mười hai giờ trưa đi học về, xúc của bố nửa bơ gạo, xúc của mẹ nửa bơ gạo, nấu thành cơm mà ăn một mình. Tôi không biết có phải bố mẹ bọn bạn tôi mải mê mối quan hệ vợ chồng nên chúng nó không bao giờ có điểm cao nhất ở tất cả các bộ môn như tôi, không bao giờ được các thầy cô giáo ghi vào học bạ chăm chỉ xuất sắc rất có tương lai như tôi. Tôi không biết có phải vì tôi, vì tương lai của ba chúng tôi, mà bố mẹ tôi quên bẵng những cái phát vào đùi, những cái véo vào mông, những cái cấu, những cái chí, những cơn ghen, dù cơn nào cũng vô thức như cơn nào. Tôi và Thụy ngồi bên bờ sông. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Sau này đọc các nhà văn khác, bất kì một nhà văn nào khác, tôi tự bảo không bao giờ có thể viết tình dục được như họ. Huyễn tưởng tình dục lại còn khó hơn. Tình dục luôn làm cho ngòi bút của tôi cứng đờ. Một giờ sau đám cưới, tôi và Thụy ngồi bên bờ sông. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi cũng không đủ dũng cảm hôn Thụy, tay tôi cứng đờ, lưỡi tôi cứng đờ, y hệt như mười năm sau, mỗi khi tôi có ý định viết tình dục. Mười năm sau, tôi vẫn nhớ đêm ấy trên chiếc giường mới, chúng tôi không lăn vào nhau, không nhai ngấu nghiến nhau, hút cạn sức lực nhau, dâng hiến cho nhau mọi thán từ như các nhà văn vẫn miệt mài kể. Tôi sẽ không bao giờ viết được như họ. Hai mươi bảy tuổi tôi mới rời giường mẹ tôi, Thụy mới rời giường bố Thụy. Như thế có phải là quá muộn. Học trò tôi, một lũ choai choai, cả giờ ngồi ngáp bàn chủ đề phim tươi mát. Chúng nó bảo phim tươi mát của vô tuyến truyền hình lạc hậu khủng khiếp, vô tuyến truyền hình cũng lạc hậu khủng khiếp mới chiếu những phim tươi mát mà chẳng tươi mát tẹo nào, mới dí vào mắt chúng nó các tư thế đáng thương của ông bà chúng nó. Chúng nó giơ tay giơ chân diễn tả. Chúng nó rú rít cười. Giấc mơ của chúng nó không là cốc chè đỗ đen có dừa nạo và tinh dầu hoa bưởi. Giấc mơ của chúng nó cùng một lúc phải đáp ứng cả nhu cầu dạ dầy lẫn nhu cầu thị giác. Bánh mì McDolnald thôi không đủ. Mười ba tuổi chúng nó vừa gặm McDonald vừa xem phim tươi mát. Tôi mở miệng, chúng nó huýt sáo, chúng nó ê ê, chúng nó phê bình tôi không biết ngồi yên nghe chúng nó giảng về phim tươi mát. Tôi cho làm bài kiểm tra, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận bài cũ chưa hết, tôi không có quyền kiểm tra. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho nghe băng, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận có nghe nữa chúng nó cũng không nói được như băng. Tôi cũng không nói được như băng. Tôi cũng nói giọng Liên Xô. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho xem video, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận tôi không chuẩn bị bài, tôi muốn giết thời gian. Chúng nó dọa báo cáo lên lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi cho chép bài, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận tôi không biết phương pháp giảng dạy. Tôi chỉ biết phương pháp giảng dạy Việt Nam. Chúng nó dọa báo cáo lên thầy hiệu phó rồi thầy hiệu trưởng. Tôi vẽ hình minh họa, tôi phô tô cóp pi những thứ không có trong sách giáo khoa, tôi cắt, tôi dán, tôi cố làm theo phương pháp giảng dạy không phải Việt Nam, chúng nó phản đối ngay lập tức. Chúng nó lý luận đằng nào thì chúng nó cũng không đặt chân được đến nước Anh nước Mỹ. Chẳng ai cho chúng nó đặt chân đến nước Anh nước Mỹ. Chúng nó cũng cóc cần đặt chân đến nước Anh nước Mỹ. Chúng nó mất mười euro xem phim tươi mát ở đây cũng chẳng sao, cũng vẫn tươi mát. Chúng nó chán ngấy giờ học của tôi. Giờ học của tôi chả được ích lợi gì. Giờ học của tôi còn đáng thương hơn các tư thế của ông bà chúng nó. Tiếng Anh tiếng Mỹ chả được ích lợi gì. Tiếng Anh tiếng Mỹ còn đáng thương hơn phim tươi mát của vô tuyến truyền hình Pháp. Ông hiệu phó đi qua nháy mắt học trò bướng quá hả. Ông hiệu trưởng lại gần bắt tay thôi cố lên đấy nhé. Ai cũng tỏ vẻ thân thiện. Ai cũng tỏ vẻ thông cảm. Thân thiện và thông cảm hơn cả là các đồng nghiệp tiếng Anh, các đồng nghiệp tiếng Anh đã nhanh nhẹn trao cho tôi ba lớp có vấn đề của ba khối, ba lớp đông học sinh cá biệt nhất, ba lớp có đ ểm trung bình thấp nhất, ba lớp phụ huynh mặc áo ngủ đến nói chuyện với giáo viên. Mỗi năm một trường. Ở trường nào người ta cũng nhanh nhẹn trao cho tôi ba lớp có vấn đề. Ở trường nào các đồng nghiệp tiếng Anh cũng bảo cái khó phải chia nhau mà chịu, năm ngoái có người chịu rồi, năm nay tôi chịu, năm sau người khác chịu thay tôi. Nhưng tôi chỉ ở mỗi trường một năm. Người ta lại bảo mỗi năm một trường còn hơn ba tháng, bốn tháng, năm tháng một trường. Ba tháng thay một đồng nghiệp nam nghỉ ốm. Bốn tháng thay một đồng nghiệp nữ nghỉ đẻ. Năm tháng thay một đồng nghiệp không hiểu nam hay nữ, không nghỉ ốm cũng không nghỉ đẻ nhưng bỏ dạy ngay sau hôm khai giảng, không biết bây giờ lang thang ở đâu, bộ Giáo Dục gửi ảnh tìm khắp nơi. Cuối năm tôi tự bảo tôi sẽ chuyển nghề, nghề nào cũng được, nghề coi tù cũng được. Hai tháng hè trôi qua, tôi lại tự bảo giáo viên cấp hai còn hơn gia nhập đội ngũ năm triệu người thất nghiệp. Năm triệu người thất nghiệp khiến tôi lại lặn lội ba tiếng hết xe buýt đến tàu hỏa tới dạy ba lớp có vấn đề, học trò một lũ choai choai, cả giờ ngồi ngáp bàn chủ đề phim tươi mát. Chúng nó nhìn tôi chán nản. Một chục lần trốn công an vào xem phim tươi mát, mười ba tuổi chỉ cần liếc mắt, chúng nó biết ngay tôi có vấn đề. Chúng nó giơ tay giơ chân diễn tả. Chúng nó rú rít cười. Chúng nó huýt sáo. Chúng nó ê ê. Chúng nó phê bình. Tôi lên thư viện. Tôi hỏi Freud. Hai bảy tuổi có phải là quá chậm. Ba mươi chín tuổi có phải là quá chậm. Freud bảo hai bảy tuổi không chậm, không chậm ngay cả so với thời Freud, thời Freud hai mươi bảy tuổi đàn ông đàn bà nẫu hết cả người vì kinh nghiệm. Nhưng trường hợp của tôi, Freud bó tay. Hai mươi tám tuổi đã dừng. Ba chín tuổi lại muốn có. Là điều không thể. Là trường hợp Freud chưa từng nghĩ đến. Freud cũng bó tay. Các bác sĩ tâm lý tôi không dám đến gặp. Gặp tôi họ cũng ngán. Tôi là con bệnh nan y mà họ lại không phải phòng thí nghiệm. Bộ Giáo Dục chủ quản không cấp kinh phí nghiên cứu dài hạn, họ không hơi đâu mà dính vào tôi, dính vào tôi lợi đâu chưa thấy đã mang tiếng thiếu năng lực chữa bệnh. Tôi biết tôi có đến thì họ cũng cố tiếp tôi một lần, cố nghe tôi kể lể mười lăm phút rồi tìm cách để cô thư kí tiễn tôi ra cửa. Lần sau tôi có bén mảng đến nữa thì cô thư kí sẽ tận tình xếp cho tôi một cái hẹn giữa ngày thứ hai để tôi không thể đi qua ba mươi cây số về khám bệnh rồi lại ba mươi cây số về lại trường cho kịp tiết sau. Nếu tôi cứ dai như đỉa đói, thứ tư chầu trực từ giờ mở cửa tới giờ đóng cửa, đòi được khám được xét thì họ sẽ nói thẳng là bệnh tôi vô phương cứu chữa, bệnh tôi thậm chí không có trong danh mục bộ y tế, bệnh tôi Freud cũng bó tay. Khi tiễn tô ra cửa, để làm dịu tình hình, cô thư kí thế nào cũng tận tình phô tô cô pi cho tôi hai mươi trang danh sách các hiệp hội. Tôi sẽ phải bỏ ra thêm một tuần để nghiên cứu xem hội nào cần thiết cho trường hợp tôi hơn cả. Hội dân di cư gốc Á châu hay hội những người mẹ độc thân hay hội giáo viên các trường cấp hai cá biệt hay hội nạn nhân chiến tranh hay hội phụ nữ sắp mãn kinh hay cả năm hội liền một lúc. Chọn được rồi, tôi sẽ phải nộp tiền gia nhập hội, tìm một cái ảnh để dán lên thẻ thành viên, sau đó hàng tuần phải gửi thằng Vĩnh ở nhà hàng xóm rồi đến hội tâm sự, hàng tháng phải nhận lời liên hoan, hàng năm phải thuê xe đạp, kẹp bánh mì mà tham gia cắm trại, hai ba ngày có nhận được vài cú điện thoại của các thành viên khác thì cũng đừng nên phàn nàn vì nhu cầu tâm sự, liên hoan, cắm trại bao giờ cũng nhiều hơn dự đoán. Rồi cũng phải tìm cho thằng Vĩnh một cái hội cho đúng tinh thần tâm lý học. Phải nộp tiền nhập hội cho nó. Phải chọn cho nó một cái ảnh để nó dán lên thẻ thành viên. Nếu không thấy cái nào thì phải dẫn nó ra máy chụp tự động. Thả bốn đồng một euro, mấy phút sau được bốn cái chân dung 3X4. Rồi hàng tuần, ngoài giờ tiếng Hoa ở phố Tolbiac, phải sắp xếp một ngày khác mà đưa nó đến với hội của nó. Phải đứng đợi hai tiếng bên ngoài để nó tâm sự với các thành viên trong hội. Hàng tháng phải đi liên hoan cùng với nó, mẹ một xuất, con một xuất. Hàng năm phải theo nó đi cắm trại, hai mẹ con hai cái xe đạp, hai cái bánh mì. Lâu lâu cầm máy lên thể nào cũng rơi phải vài thằng bé con bé không quen. Nhu cầu tâm sự, liên hoan, cắm trại của trẻ con ngang với của người lớn. Tôi tự nhủ biết tìm đâu cho đủ thời giờ mà hoang phí với các hiệp hội. Bệnh nan y của tôi đành mãi mãi nan y, chắc vài chục năm nữa vẫn chịu cảnh chầu rìa danh mục bộ Y tế. Một lúc sau tôi lại tự an ủi nan y, chầu rìa như thế thì cũng không nên chữa. Ở Việt nam ở Liên Xô bao nhiêu bệnh động trời còn qua được nữa là. Nếu không viết được tình dục, tôi sẽ bỏ nó qua một bên, tôi không đả động đến nó, tôi tìm cái khác tôi thay. Mỗi tháng một lần tôi trèo lên tầng mười tám tour Olimpic nghe cô Feng Xiao kể chuyện. Cô Feng Xiao không chồng, không tình nhân, ngũ tuần cũng không cần bác sĩ tâm lý, không cần vào cả hội di cư gốc Á châu lẫn hội phụ nữ sắp mãn kinh. Có ai trêu năm mươi mùa pháo nổ chưa cầm cổ tay ai, cô cũng vẫn cười. Có ai dọa không lấy chồng, chết thành bà cô ông mãnh, cô cũng vẫn cười. Có ai thành thực khuyên già thì lấy chồng già hưởng duyên già, cô cũng vẫn cười. Cô không bình luận. Cô tiếp tục kể chuyện Tứ Xuyên quê cô có món cá Lệ Mai nuôi trong hoa sen nấu cũng trong hoa sen, có Đặng Tiểu Bình vừa sành ăn vừa vĩ đại, vĩ đại nhất trong các lãnh tụ của nước Trung Hoa. Ông ấy chết tội nghiệp lắm cơ, ốm đau bệnh tật, tội nghiệp lắm cơ. Bao giờ nhắc đến Đặng Tiểu Bình cô cũng nói bằng giọng như vậy, một câu như vậy. Tôi đồ rằng cô nói thế để tự an ủi. Tôi thấy thương cô. Tôi bảo Thụy cũng họ Âu, chồng tôi, bố thằng Vĩnh cũng họ Âu. Cô cười thế là tôi và nị có họ đấy. Đàn ông họ Âu phiêu lưu nhất Trung Hoa, đàn ông họ Âu đi khắp thế giới. Tôi lại bảo tóc Thụy cắt cao, mắt Thụy xếch. Cô cười tiếp đàn ông họ Âu đẹp trai nhất Trung Hoa, đàn ông họ Âu có vợ khắp thế giới. Tôi cười theo cô. Tôi cũng hay nghĩ Thụy đã lấy vợ mới. Tôi không viết thư hỏi Thụy. Tôi cũng không hỏi bố mẹ Thụy, không hỏi thằng Vĩnh. Nhưng tôi hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào. Tôi tự bảo tôi không cần biết cuộc sống riêng của Thụy. Tôi tự bảo cái đó từ lâu không dính dáng gì đến tôi. Nhưng tôi vẫn hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào, Thụy có mấy con, Thụy có yêu vợ mới con mới của Thụy không. Tôi không quên được chợ Lớn. Tôi chưa đặt chân đến chợ Lớn. Nhưng tôi không bao giờ quên được chợ Lớn. Phim Người tình tôi hiểu lơ mơ. Truyện Người tình Hoa Bắc tôi lẫn lộn từ đầu tới cuối. Tôi chỉ nhớ ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu chữ Hoa, hai cái đèn lồng. Tấm ảnh Thụy gửi về hôm thằng Vĩnh tròn một tuổi. Tấm ảnh Thụy tôi vẫn bỏ ra xem. Hết nhìn Thụy lại nhìn thằng Vĩnh. Để biết bao giờ hai giọt nước bằng nhau. Tháng sau sinh nhật thằng Vĩnh. Thụy sẽ gọi điện cho nó khi nó mười hai tuổi. Tôi không hiểu tại sao Thụy chọn cái mốc mười hai. Tôi không hiểu tại sao Thụy đợi đến bây giờ mới bấm số máy của tôi, số máy tôi có từ mười năm nay, số máy duy nhất của tôi từ ngày sang Pháp. Thằng Vĩnh không nói gì, nó luôn tránh nói với tôi về Thụy, nhưng tôi biết nó đếm từng ngày. Nó đã gặp Thụy nhiều lần ở Hà Nội. Nó đã quen giọng Thụy từ ba năm nay. Nhưng nó muốn được nghe Thụy nói từ nơi xa, bao nhiêu cây số nó không rõ, nó chỉ biết rất xa, xa như ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu chữ Hoa, hai cái đèn lồng. Như trong tấm ảnh của Thụy. Tấm ảnh của Thụy nó vẫn bỏ ra xem. Hết nhìn Thụy lại nhìn nó. Để biết bao giờ hai giọt nước bằng nhau. Nó đếm từng ngày. Chưa bao giờ sinh nhật lại quan trọng như thế. Nó hỏi tôi Chợ Lớn cách Paris bao nhiêu giờ. Nó cộng nó trừ. Nó đòi nghỉ học. Nó chỉ lo Thụy gọi sang mà nó không có nhà. Nó đòi được cầm máy cả ngày hôm đó. Nó muốn là người đầu tiên trả lời điện thoại của Thụy. Nửa đêm nó đánh thức tôi dậy, bắt tôi kể chuyện chợ Lớn. Tôi bảo tôi chỉ biết mỗi cái tên. Nó nói thứ tư, sau giờ tiếng Hoa, nó sẽ hỏi thằng Hao Peng, thằng Hao Peng có thể giải đáp mọi câu hỏi. Nó thiếp đi. Để tôi nằm cạnh không ngủ. Tôi sợ. Tôi sợ một lúc nào đấy nó sẽ bảo nó chán Paris lắm rồi. Nó sẽ nói như Thụy đã nói với tôi. Nó sẽ ra đi như Thụy từng ra đi. Nó sẽ chọn một ngày như Thụy từng chọn. Ngày nó được một tháng. Ngày tôi và Thụy cưới nhau được một năm. Để ra đi. Người ta luôn tìm được cớ để ra đi. Nó sẽ ra đi như Thụy đã ra đi. Đàn ông họ Âu phiêu lưu lắm. Đàn ông họ Âu đi khắp thế giới. Cô Feng Xiao vừa cười vừa nói. Tôi vừa nằm vừa sợ. Thằng Vĩnh không biết là tôi sợ. Thụy cũng không biết là tôi sợ. Tôi cũng không biết là tôi đã sợ đến thế. Tôi sợ ngay từ đêm nằm cạnh Thụy, lần đầu tiên, trên chiếc giường mới. Hoặc có thể trước đấy. Bên bờ sông Hồng, một giờ sau đám cưới. Thậm chí trước cả đấy nữa. Ngay từ khi tôi quyết định lấy Thụy. Ngay từ khi tôi bắt đầu yêu Thụy. Tôi đã biết là Thụy sẽ ra đi. Ra đi rất nhanh. Không có gì để nuối tiếc. Hai mươi bảy tuổi Thụy không có gì để nuối tiếc. Hai mươi bảy tuổi, họ Âu của Thụy vẫn khiến các phòng tổ chức e ngại. Các phòng tổ chức gọi điện lên sở Công an xin ý kiến. Sở Công an gọi điện lên bộ Nội Vụ xin ý kiến. Bộ Nội Vụ gọi điện xuống ủy ban chống gián điệp xin ý kiến. ủy ban chống gián điệp gọi điện xuống vụ Văn hóa Tư tưởng xin ý kiến. Vụ Văn hóa Tư tưởng gọi điện xuống phòng theo dõi Hoa kiều xin ý kiến. Phòng theo dõi Hoa kiều gọi điện xuống chi cục theo dõi Hoa kiều thành phố Hà Nội xin ý kiến. Chi cục theo dõi Hoa kiều gọi điện xuống chi nhánh theo dõi Hoa kiều quận Hoàn Kiếm xin ý kiến. Từ ngày ra trường, Thụy chưa có dịp nào cầm đến cái bút chì. Mười hai tháng sống với nhau, Thụy đóng được một cái giá sách, một cái chạn, một cái bàn và hai cái ghế. Thằng Vĩnh một tháng. Một tuần liền Thụy không chợp mắt. Tôi không chợp mắt. Cả hai chúng tôi đều đợi. Đợi cái gì cả hai cùng biết. Đợi cái gì không ai dám nói ra. Chúng tôi không dám nhìn vào mặt nhau. Nếu chẳng may phải đối diện với nhau, mắt chúng tôi tự động quay xuống đất. Tôi đã từng xử sự như thế với bố mẹ tôi, nửa năm cho đến ngày lấy Thụy. Chỉ có điều tôi không bao giờ khóc với bố mẹ tôi. Dưới mái nhà của bố mẹ tôi, tôi được giáo dục nước mắt là vô bổ. Đối diện với Thụy qua bàn ăn cơm, tôi cầm bát lên nước mắt lưng tròng. Vừa và cơm vừa nuốt nước mắt. Thụy không chịu nổi. Thụy không dám nhìn tôi. Miếng cơm nghẹn ở cổ. Tôi không biết Thụy có khóc không. Tôi cũng không dám nhìn Thụy. Tôi sợ nhìn người khác khóc, nhất là đàn ông, nhất là Thụy. Căn hộ mười tám mét vuông không một tiếng động. Thằng Vĩnh cũng không gây một tiếng động. Tôi lay người nó. Nhưng nó chỉ nằm im. Chưa đầy một tháng mà nó đã biết im lặng. Dường như nó cũng đợi. Cái điều cả tôi và hụy cùng biết. Nhưng không ai dám nói ra. Nó đợi từ ngày còn nằm trong bụng tôi. Người ta bảo tim thai cùng đập một nhịp với tim mẹ. Con mèo con Thụy mua ngày chúng tôi mới cưới cũng bỏ đi. Con mèo con không chịu nổi sự im lặng. Cả sự im lặng lẫn nước mắt. Sự im lặng khiến người tôi trong vắt. Nước mắt làm khuôn mặt tôi méo mó. Một tuần trước khi Thụy lên tàu Thống Nhất. Cái gương ngoảnh lưng lại. Nó tiếp tục ngoảnh lưng lại cho tới bao giờ tôi không biết nữa. Cho tới ngày tôi thi cao học. Cho tới ngày tôi bước lên máy bay. Thậm chí cho tới tận bây giờ, trong căn hộ của tôi ở Belleville, cái gương cũng thường xuyên ngoảnh lưng lại. Không cần nó thì tôi cũng biết tôi vác một cái mặt méo mó từ mười hai năm nay. Một cái mặt vô cảm như bọn học trò tôi thường phê bình. Một cái mặt khó đăm đăm như hắn hay nói. Một cái mặt làm người khác stress như các đồng nghiệp của tôi vẫn nhận xét sau lưng. Tôi không muốn toàn trường nổ tung trong một cơn stress tập thể nên lúc họ nghỉ giải lao thì tôi ngồi lại trên lớp học, giờ họ ăn trưa ở căng tin thì tôi giở bánh mì ra nhai trong phòng giáo viên. Tôi không bước chân vào căng tin để có dịp kể chuyện cái áo tôi đang mặc, đôi giày tôi đang đi được mua ở siêu thị Auchan đợt hạ giá tháng bảy vừa rồi, để bàn xem trong nhà nên dùng lò sưởi gaz hay lò sưởi điện hay lò sưởi dầu, để tìm một đồng nghiệp thông thạo vi tính vì máy vi tính nhà tôi hai ngày nay không chịu nhúc nhích, vì tối hôm qua vô tuyến thông báo một loại vi khuẩn vô cùng đặc biệt vừa xâm nhập vào hai mươi nghìn cái máy vi tính ở Paris. Tôi cũng không đóng một học kì năm euro rồi mang đến phòng giáo viên một cái cốc, rồi lúc nào khát thì cho vào đấy một thìa cà phê và hai viên đường, đổ nước sôi vào mà uống, rồi vừa uống vừa càu nhàu vì ai đó đã dùng nhầm cốc của tôi, rồi yêu cầu truy tìm tội phạm, rồi gắn một tờ giấy lên tường sau khi đã nắn nót ghi một hàng chữ rất to: mỗi người chỉ có quyền uống vào cốc của mình. Hôm sau tờ giấy nhất định sẽ nhận thêm một hàng chữ mới, to và nắn nót tương tự: một đề nghị rất thú vị. Hôm sau nữa thế nào cũng có ai đấy minh họa vào bên cạnh một cái cốc và một cái mồm có cả răng lẫn lưỡi, nối với nhau bởi một dấu bằng ngay ngắn rất đỏ. Phòng giáo viên cuối tháng gỡ đi bốn mươi chín đề nghị của bốn mươi chín giáo viên toàn trường, bốn mươi chín đề nghị thú vị được ghi chữ to, nắn nót, có hình minh họa và luôn được các đồng nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Tôi không có gì mà đề nghị. Chẳng lẽ Noel 2004, Noel Vietnam. Không biết hôm sau có được đồng nghiệp nào viết thêm : 50 năm Điện Biên Phủ, 50 nem. Không biết hôm sau nữa, có được một đồng nghiệp khác minh họa bên cạnh một khẩu đại bác à một cái nem, cả hai cùng kích thước và cùng bốc khói nghi ngút, nối với nhau bởi một dấu bằng ngay ngắn rất đỏ. Tôi không có gì mà đề nghị. Tôi không có thói quen đề nghị. Tôi sợ các đề nghị Đông Nam Á của tôi quá Đông Nam Á. Mười năm rồi tôi không tìm nổi một đề nghị nào Tây âu hơn để các đồng nghiệp của tôi có dịp nhiệt tình hưởng ứng. Mười năm rồi tôi đã qua bao nhiêu ngoại ô của Paris. Những toa tàu chỉ mình tôi ngồi ngủ gật. Những sân ga mù mịt. Những phòng bán vé chưa buồn mở cửa. Những cột cây số vẹo vọ. Những cánh đồng cỏ mọc chen cỏ. Đen thẫm và chạy dài đến vô tận. Đằng sau đường chân trời có thể là đất nước của tôi. Hình chữ S. Chính giữa là Huế. Đầu trên là Hà Nội. Đầu dưới là Sài Gòn. Cạnh Sài Gòn là Chợ Lớn. Hay Cholen như Duras từng viết. Hay Chinatown như người Mỹ vẫn gọi, người Pháp thấy vui tai cũng gọi theo. Đằng sau đường chân trời. Bên trái hay bên phải. Hướng đông hay hướng tây. Tôi không chắc. Khả năng định hướng của tôi dưới cả trung bình. Tôi thi ba lần không đỗ bằng lái xe. Tôi không biết có nên ghi tên thi lại lần thứ tư. Tôi cũng không biết có nên mượn tiền nhà băng mà mua xe trả dần. Mua xong rồi thì để vào đâu. Dãy nhà tôi ở không có tầng hầm đỗ xe. Trong khu Belleville thì đừng tính đến. Không tuần nào không có mấy tờ giấy vứt vào hộp thư yêu cầu tôi nhượng lại chỗ để xe, cho một ai đó không quen, một ai đó không cần biết tôi chẳng có gì mà nhượng. Mua xe rồi, tôi cũng không biết sử dụng nó vào việc gì. Đi làm thì xin quên ngay lập tức vì nếu tắc đường trên xa lộ, tôi không thể mọc cánh mà bay tới trường, để các đồng nghiệp của tôi lại có dịp rơi vào một cơn stress tập thể, để lũ học trò lau nhau của tôi ngay tiết sau sẽ chặn tôi từ cửa mà phê bình. Đi nghỉ thì tôi không biết đi đâu, đến nhà ai bây giờ, vùng nào của Pháp cũng đẹp, vùng nào tôi cũng chỉ mới thấy qua bưu ảnh. Mười năm trong ngành giáo dục vẫn chưa đủ cho tôi quen được các kì nghỉ bốn mùa. Tôi không biết biển Normandie khác biển Địa Trung Hải ra sao, biển nào có cá mập biển nào không, biển nào mặn biển nào đắng. Tôi không biết bao giờ nên vào rừng nhặt nấm, nấm nào làm thực phẩm nấm nào làm thuốc độc. Tôi cũng không biết tại sao người ta hì hụi trèo tít lên đỉnh núi để lại mất công trượt xuống, để đổi lấy cơ hội gẫy tay, bong đầu gối, vỡ động mạch, nhồi máu cơ tim. Cuộc sống Pháp vẫn trừu tượng như hồi tôi mới sang. Ở ủy ban Di trú, người ta lắc đầu khi tôi thật thà bảo tôi muốn có quốc tịch để khỏi phải xếp hàng từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, đóng năm mươi euro mới được phép ở lại thêm mười một tháng hai mươi chín ngày. Người ta lại lắc đầu khi tôi trả lời tôi và thằng Vĩnh không nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, không biết tay nào cầm dao tay nào cầm dĩa, không trang trí cây thông vào dịp cuối năm dương lịch cũng không đi dự dạ hội Tết cổ truyền với đồng hương ở hội trường Maubert. Người ta lắc đầu liên tục. Người ta tiễn tôi ra cửa, bắt tay rồi nói thôi cố lên nhé...

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 598

Return to top