Vừa mở mắt, tôi tưởng mình đang mơ – và là một giấc mơ rất đẹp. Tôi thức giấc trên một cái giường vĩ đại, trong một căn phòng tráng lệ, lúc đầu tôi không thể tin đó là thật. Chắc đêm hôm ấy dì Maruim phải ngủ với một trong những đứa con vì tôi nằm lịm trong phòng dì đến sáng hôm sau. Nhưng ngay lúc ra khỏi giường, cuộc sống tưởng tượng của tôi vỡ vụn và trở lại thực tế.
Lúc ra khỏi phòng dì, tôi đang lang thang trong nhà thì dì tìm được tôi.
- Hay lắm, cháu đã dậy. Chúng ta vào bếp và dì sẽ bảo cháu các việc cháu sẽ làm.
Như mê mụ, tôi theo dì vào căn phòng mà dì gọi là bếp. Nó chẳng giống với căn bếp trong nhà dì Sahru ở Mogadishu tí nào. Những cái tủ màu trắng ngà bao quanh căn phòng, gạch men xanh lơ sáng lấp lánh, giữa phòng ngự trị một cái lò khổng lồ có sáu bếp. Dì mở và kéo các ngăn kéo, gọi tên "..đây là dụng cụ nấu bếp, đây là dao kéo, đây là khăn ăn…" Tôi chẳng có chút ý niệm gì về những thứ dì nói, chẳng biết các thứ dì đang chỉ cho tôi là những gì, để tôi một mình tôi sẽ chẳng biết làm gì với chúng.
- Sáng sáng, cháu dọn bữa sáng cho chú lúc sáu giờ vì chú phải đến sứ quán sớm. Chú bị tiểu đường cho nên chúng ta phải cho chú ăn kiêng cẩn thận. chú thích ăn như thế này: trà thảo dược và hai quả trứng luộc nước sôi. Dì thích uống cà phê trong phòng lúc bảy giờ, sau đó cháu làm bánh kếp cho các em, chúng ăn vào lúc đúng tám giờ vì phải đi học lúc chín giờ. Sau bữa sáng…
- Dì ơi, làm thế nào mà cháu biết làm tất cả những việc này? Ai sẽ dạy cháu? Cháu không biết làm cái bánh..dì gọi thế nào nhỉ? – bánh kếp ấy. Bánh kếp là gì ạ?
Dì Maruim hít vào một hơi thật mạnh trước lúc tôi ngắt lời, và dì dang rộng tay cánh tay chỉ ra cửa. Dì nhìn tôi một lúc, cánh tay vẫn dang rộng trong lúc nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt hoang mang. Rồi dì thở ra rất dài và xuôi hai tay xuống bên sường, ép hai bàn tay lại với nhau như kiểu dì làm lúc tôi nhìn thấy dì lần đầu tiên.
- Lúc đầu, ta sẽ làm những việc này, Waris. Nhưng cháu phải xem ta làm thật kỹ. Xem ta thật kỹ, nhớ chưa, và phải học…
Tôi gật đầu, và dì lại thở ra một lần nữa, rồi trở lại nơi dì vừa bỏ đi.
Sau tuần lễ đầu tiên, và sau một vài tai hoạ nhỏ, tôi đã nắm được các lề thói hàng ngày và phải tuân theo răm rắp, 365 ngày một năm, và cứ như thế trong những năm sau đó. Là một cô gái chưa bao giờ có ý thức về thời gian, tôi đã học xem đồng hồ thật cẩn thận, và làm theo nó. Dậy lúc sáu giờ, bữa sáng của chú lúc sáu giờ rưỡi, cà phê của dì lúc bảy giờ, bữa sáng cho bọn trẻ con lúc tám giờ. Sau đó tôi dọn bếp. Lái xe đưa chú đến sứ quán và trở về đón bọn trẻ đến trường. Sau đó tôi dọn phòng dì, buồng tắm của dì, dọn dẹp các phòng trong nhà, phủi bụi, cọ rửa, đánh bóng mọi thứ suốt các tầng. Hãy tin tôi đi, nếu tôi lau dọn ngôi nhà không làm ai đó hài lòng, tôi sẽ nghe thấy nói ngay:
- Tôi không thích cách cô lau dọn phòng tắm. Lần sau phải làm thật sạch sẽ. Từng viên gạch phải sáng bóng và không có vết bẩn nào.
Ngoài người lái xe và đầu bếp, tôi là người hầu duy nhất trong toàn bộ ngôi nhà này. Dì tôi gi không cần mướn thêm người giúp việc cho một nơi nhỏ như nhà chúng tôi. Đầu bếp chỉ nấu ăn sáu ngày trong tuần, chủ nhật là ngày nghỉ của anh ta, tôi phải nấu ăn. Suốt bốn năm, tôi không được nghỉ ngày nào. Tôi đã nghị dì vài lần, dì tôi nổi cơn tam bành, bảo tôi không chịu cố gắng.
Tôi không ăn cùng với gia đình. Tôi ăn vội ăn vàng khi nào có dịp, để còn phải làm suốt cho đến lúc ngã xuống giường vào lúc nửa đêm. Nhưng tôi cảm thấy không được ăn với gia đình chẳng phải là một mất mát to lớn gì, vì theo quan niệm của tôi, anh bếp nấu nướng rất dở. Anh ta là người Somali nhưng ở bộ lạc khác bộ lạc của tôi. Tôi thấy anh ta là một người vênh vang, độc ác, lười biếng, chỉ thích hành hạ tôi. Bất cứ lúc nào có tôi vào bếp, anh ta lại nói, hoàn toàn bất ngờ:
- Waris, sáng thứ hai lúc tôi quay lại đây, cô để bếp hỗn độn quá thể. Tôi phải mất nhiều giờ mới dọn xong.
Tất nhiên đó là nước hoàn toàn dối trá. Anh ta chỉ ra sức tô vẽ mình trước mặt chú và dì tôi, vì biết các món ăn của anh ta chẳng có tác dụng ấy. Tôi nói với dì là không muốn ăn những thứ anh ta nấu nên dì nói:
- Vậy thì cháu tự làm lấy bất cứ món gì cháu thích.
Lúc này tôi mới thật sự mừng là đã quan sát cô em họ Fatima nấu nướng hồi còn ở Mogadishu. Bằng trực giác, tôi biết mình có khiếu nấu ăn và bắt đầu làm món mì ống theo nhiều kiểu hoàn toàn do tôi tưởng tượng. Lúc cả nhà thấy tôi ăn, họ cũng muốn nếm thử. Ngay sau đó, họ hỏi tôi thich làm món gì, cần những nguyên liệu gì ở chợ, vân vân. Điều đó làm anh bếp chẳng khóai gì tôi.
Ngày cuối tuần lễ đầu tiên ở London, tôi nhận ra rằng tôi và dì chú tôi có hai quan niệm rất khác nhau về vai trò của tôi trong đời sống của họ. Đây là điều phổ biến ở hầu khắp châu Phi, các thành viên giàu có trong gia đình nhận nuôi con cháu họ hàng nghèo, những đứa trẻ này làm việc để trả công nuôi nấng. Có khi những người họ hàng dạy dỗ bọn trẻ con và coi chúng như con đẻ. Có khi không được như thế. Tôi mong được rơi vào trường hợp đầu nhưng tôi sớm hiểu rằng trong đầu dì chú tôi có nhiều vấn đề quan trọng hơn là nuôi dạy một đứa trẻ dốt nát nhận từ sa mạc về, chỉ đáng làm con hầu cho họ. Chú tôi bận việc đến nỗi chẳng chú ý gì mấy đến mọi chuyện ở nhà. Nhưng dì tôi, người mà tôi hình dung sẽ là người mẹ thứ hai của tôi, hình như chẳng bao giờ coi tôi là đứa con gái thứ ba của bà. Tôi chỉ là một con hầu. Lúc thự tế này trở nên rõ ràng một cách tàn nhẫn, cùng với những ngày dài làm việc cực nhọc, niềm vui được đến London của tôi tàn héo dần. Tôi phát hiện ra rằng dì tôi bị các quy định, luật lệ ám ảnh, mọi việc cứ phải răm rắp đúng cách dì nói, vào đúng lúc dì bảo, ngày nào cũng thế. Không hề có ngoại lệ. Có lẽ dì cảm thấy cần phải cứng rắn để thành công trong nền văn hóa của nước ngoài, khác biệt với ở quê hương chúng tôi. Song thật may mắn, tôi tìm được một người bạn trong nhà này là cô em họ Basma.
Basma là con gái lớn nhất của dì và chú tôi, chị em tôi ngang tuổi nhau. Cô đẹp lộng lẫy, tất cả bọn con trai đều theo đuổi cô nhưng cô chẳng để ý. Cô đi học, và ban đêm việc duy nhất cô thích là đọc sách. Cô em tôi vào phòng riêng, nằm trên giường đọc nhiều giờ liền. Cô thường đọc mê mải đến quên cả ăn, thi thoảng đọc suốt ngày cho đến lúc có người kéo cô ra khỏi phòng.
Mỗi khi buồn nản và lẻ loi, tôi lại vào phòng Basma chơi và ngồi trên một góc giường cô.
- Em đọc gì thế? – tôi hỏi.
Không ngước nhìn lên, Basma lẩm bẩm:
- Để em yên. Em đang đọc…
- Chị không thể nói chuyện với em được ư?
Vẫn nhìn chăm chú vào quyển sách, cô đáp bằng giọng đều đều, líu ríu như đang nói trong lúc ngủ:
- Chị muốn nói chuyện gì?
- Em đọc gì thế?
- Hừm…
- Em đang đọc gì thế? Chuyện kể về cái gì hả?
Cuối cùng, lúc giành được sự chú ý của cô, cô ngừng đọc và kể cho tôi nghe nội dung cuốn sách. Hầu hết là những tiểu thuyết tình cảm, và đỉnh cao nhất là au những gián đoạn và hiểu lầm, cuối cùng nhân vật nam và nữ hôn nhau. Suốt đời tôi mê mẩn các câu chuyện, những lần thật này tôi rất thích thú, tôi ngồi như bị mê hoặc trong lúc cô thuật lai cốt truyện với nhiều tình tiết tuyệt vời, cặp mắt cô sáng ngời, cánh tay vung vẩy. lắng nghe Basma kể chuyện, tôi đâm thèm học đọc vì tôi hình dung sau này tôi có thể đọc truyện bất cứ lúc nào tôi muốn.
Cậu Abdullah, em trai mẹ tôi hiện cùng sống với chúng tôi, cậu đến London với chị để học đại học. Cậu hỏi tôi có muốn đi học không.
- Cháu biết không, Waris, cháu cần phải học đọc. Nếu cháu thích, cậu sẽ giúp cháu.
Cậu chỉ cho tôi trườjg ở đâu, học lúc nào và – điều quan trọng hơn cả - là học miễn phí. Ý nghĩ tôi có thể đi học chưa bao giờ nảy ra trong đầu tôi. Vị đại sứ trả tôi mỗi tháng một khoản tiền tiêu vặt nhỏ bé, chắc chắn không đủ để đi học. Nao nức muốn học đọc, tôi đến gặp dì Maruim và nói với dì tôi muốn đến trường. Tôi muốn học đọc, học viết và học nói tiếng Anh.
Dù đang sống ở London, ở nhà chúng tôi toàn nói tiếng Somali, vì không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên tôi chỉ biết vài từ tiếng Anh. Dì bảo:
- Được, để dì nghĩ đã.
Nhưng lúc dì bàn với chú, chú bảo không được. Tôi cứ thúc dì cho tôi đi nhưng dì không muốn trái ý chú. Cuối cùng tôi quyết định cứ đi, không cần họ cho phép. Trường mở mỗi tuần ba tối, từ chín giờ đến mười một giờ đêm. Cậu Abdullah đồng ý dần tôi đi hôm đầu tiên và chỉ cho tôi biết đi đâu. Hồi này tôi đã được mười lăm tuổi, và lần đầu tiên tôi được đến lớp. Căn phòng đầy ắp người đủ mọi lứa tuổi từ khắp mọi nơi trên trái đất. Sau buổi tối đầu tiên, một ông già người Italy đón tôi mỗi khi tôi lẻn ra khỏi nhà chú tôi, rồi lại đưa tôi về lúc tan học. Tôi háo hức đến mức thày giáo phải bảo tôi:
- Cô khá đấy, Waris, nhưng cứ từ từ đã nào.
Tôi học bảng chữ cái, và bắt đầu học kiến thức tiếng Anh cơ bản, thì chú tôi phát hiện ra rằng lẻn đi học vào ban đêm. Chú tôi giận tôi không nghe lời và đặt dấu chấm hết vào việc đi học của tôi, sau có vài tuần lễ.
Dù không được phép đến trường nữa, tôi vẫn mượn sách của cô em họ và cố tự học. Tôi không được phép xem tivi cùng gia đình, nhưng thỉnh thoảng tôi nấn ná bên cửa nghe tiếng Anh, cố phát trỉên cách nghe thứ ngôn ngữ này. Mọi việc cứ thế tiếp diễn cho đến một hôm dì Maruim gọi tôi lúc tôi đang lau dọn.
- Waris, làm xong trên gác xuống đây nhé. Dì có việc muốn nói với cháu.
Tôi đang dọn giường và lúc làm xong mọi việc, tôi vào phòng khách, dì tôi đang đứng bên lò sưởi.
- Dạ.
- Hôm nay dì vừa nhận được điện thoai ở nhà. À.. em trai cháu tên là gì nhỉ?
- Ali?
- Không, đứa bé nhất co mái tóc hoa râm kia.
- Ông Già ư? Dì đang nói về Ông Già phải không ạ?
- Ừ. Ông Già và chị lớn của cháu, chị Aman. Dì rất tiếc, cả hai đều chết rồi.
Tôi không thể tin điều nghe thấy. Cái nhìn của tôi dán lên mặt dì, tôi tưởng dì đùa, hoặc dì giận điên lên với tôi vì một chuyện gì đấy mới cố trừng phạt tôi bằng cách báo cho tôi cái tin khủng khiếp ấy. Nhưng dì không có vẻ như thế, gương mặt dì hoàn toàn bối rối. "Chắc dì phải nói nghiêm túc, nếu không vì sao dì lại nói thế nhỉ? Nhưng, làm sao chuyện đó lại là sự thực?" Tôi chết cứng cả người tại chỗ và không thể nhúc nhích, cho đến lúc tôi cảm thấy chân tôi cử động và tôi ngồi xuống chiếc sofa trắng trong giây lát. Thậm chí tôi không hỏi chuyện xảy ra như thế nào. Có lẽ dì tôi đã nói, đã giải thích những tin khủng khiếp ấy cho tôi, nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm trong tai. Đờ đẫn, đi cứng nhắc như một người dở sống dở chết, tôi lên phòng riêng trên tầng bốn.
Tôi nằm trên đó suốt phần ngày còn lại vì bàng hoàng, duỗi dài trên giường dưới mái hiên, trong căn bé tí tôi ở chung với cô em họ. Ông Già và Aman đã chết! Sao lại thế cơ chứ? Tôi đã bỏ nhà, đánh mất cơ hội chia sẻ thời gian với anh chị em, và giờ đây tôi không bao giờ gặp lại họ nữa. Aman luôn là người mạnh mẽ, Ông Già là người khôn ngoan. Có vẻ như họ không thể chết được, và nếu họ chết, thì cuộc sống có ý nghĩa gì với những người còn lại trong gia đình, vốn kém cỏi hơn?
Đêm hôm đó, tôi quyết định không muốn chịu đau khổ hơn nữa. Không có gì trong đời mùi đi tệ hại đến thế, kể từ buổi sáng tôi chạy trốn cha tôi. Giờ đây, hai năm sau, tôi thiếu vắng ghê gớm sự thân mật của gia đình, và hiểu rằng hai người trong nhà tôi đã ra đi vĩnh viễn, vượt quá sức chịu đựng của tôi nhiều. Tôi xuống bếp, mở ngăn kéo lấy con dao thái thịt. Cầm con dao trong tay, tôi trở lên phòng. Nhưng lúc tôi nằm đó cố thu hết can đảm tự cắt tay mình, tôi vẫn nghĩ đến mẹ tôi. Người mẹ khốn khổ của tôi. Tuần này tôi đã mất hai người, còn tôi đã mất ba. Dường như làm thế này không công bằng với mẹ, nên tôi nằm, con dao để trên bàn cạnh giường và nhìn trừng trừng lên trần. Tôi quên bẵng con dao, cho đến lúc cô em họ Basma vào xem tôi ra sao. Nó nhìn tôi sửng sốt.
- Cái quỷ gì thế này! Chị định làm gì với con dao này vậy?
Tôi không cố trả lời, chỉ nhìn trân trân lên trần nhà. Basma cầm con dao đi ra.
Vài ngày sau dì tôi lại gọi:
- Waris! Xuống đây – tôi nằm đó giả vờ không nghe thấy – WARIS! XUỐNG ĐÂY! – tôi xuống dưới nhà và thấy dì đang đợi ở chân cầu thang – Nhanh lên, có điện thoại!
Tin này làm tôi sửng sốt, vì tôi chưa bao giờ có điện thoại. Nói đúng hơn, là tôi chưa bao giờ nói bằng điện thoại.
- Của cháu ạ? – tôi hỏi khẽ.
- Ừ, ừ - dì chỉ vào ống nghe nằm trên bàn – đây này, cầm lên, câm máy lên!
Tôi cầm ống nghe trong tay, nhìn thứ dụng cụ ấy như thể nó sắp cắn tôi. Giơ ra cách gần nửa mét, tôi thì thào "Vâng".
Dì Maruim tròn mắt:
- Nói đi! nói đi chứ, nói vào máy đi! – dì xoay ngửa ống nghe cho đúng chiều và kéo nó lại gần tai tôi.
- Hello? – lúc ấy tôi nghe thấy một giọng nói làm tôi sửng sốt: tiếng mẹ tôi.
- Mẹ ơi, mẹ! trời ơi có phải là mẹ thật không? – lần đầu tiên sau nhiều ngày, nụ cười mở rộng trên mặt tôi – mẹ ơi, mẹ có ổn không?
- Không, mẹ đang rất khó khăn đây.
Bà kể sau khi Ông Già và Aman chết, bà như mất trí. Lúc nghe mẹ tôi nói, tôi thầm cảm tạ trời đất là đã từ bỏ ý định tự tử, cộng thêm nỗi đau thương của mẹ tôi. Mẹ tôi đã chạy vào sa mạc, bà không muốn sống với ai, nhìn thấy ai, nói chuyện với ai nữa. Sau đó bà đi một mình đến Mogadishu thăm gia đình. Hiện giờ bà vẫn ở đó, bà đang gọi điện từ nhà dì Sahru.
Mẹ tôi cố giải thích chuyện xảy ra. Ông Già bị ốm. Một đặc điểm trong cuộc sống của dân du mục châu Phi là không có y tế trợ giúp, không ai biết nó ốm bệnh gì, hoặc phải làm gì. Trong lối sống của xã hội ấy chỉ có hai cách lựa chọn: sống hoặc chết. Không có gì ở giữa. chừng nào còn sống, mọi sự đều ổn. Chúng tôi không lo đến đau ốm nhiều, vì không có bác sĩ hoặc thuốc thang, chúng tôi không thể kiểm soát được bệnh tật. Lúc có người chết, cũng vẫn ổn, vì những người sống tiếp tục sống. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Triết lý in shalllah thống trị cuộc sống của chúng tôi "Nếu trời định". Cuộc sống được đón nhận như một món quà, còn cái chết là quyết định không thể tranh cãi của Trời.
Nhưng khi Ông Già ốm, cha mẹ tôi rất sợ hãi vì nó là một đứa con đặc biệt. Mẹ tôi – không biết làm gì hơn – là phải gởi tin nhắn đến Mogadishu cho Aman nhờ giúp đỡ, Aman lúc nào cũng là người mạnh mẽ, chị sè biết phải làm gì. Và chị đã làm. Từ Mogadishụ đến đón Ông Già và đưa đến bác sĩ. Tôi không biết chính xác lúc ấy gia đình tôi hạ trại cách thủ đô bao xa. Nhưng có điều mẹ không biết là lúc mẹ nhờ cậy Aman, chị đã có mang tám tháng. Lúc chị đưa Ông Già đến bệnh viện, em chết ngay trên tay chị. Aman bị sốc nặng, vài ngày sau chị chết theo, cả đứa bé trong bụng chị. Tôi không biết chắc họ chết bao giờ, nhưng mẹ tôi là người lúc nào cũng kiên định một cách âm thầm, đã quỵ ngã. Vì mẹ là trung tâm chèo chống cả gia đình tôi, nên tôi đau đớn thấy cuộc sống đúng là một đặc ân cho những người còn lại trong nhà. Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy kinh hoàng vì đang mắc kẹt ở London, và không thể giúp gì mẹ tôi lúc bà cần đến tôi nhất.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tiếp tục với tất cả chúng tôi, và ở London, tôi cố hưởng càng nhiều càng tốt. Tôi làm mọi việc trong nhà, nói đùa với các em họ và bạn bè chúng.
Một đêm kia, tôi nhờ Basma giúp tôi trong nghề làm người mẫu ban đầu của tôi. Vì đến London, tôi dần dần ưa thích các loại quần áo, nhưng tôi không đặc biệt thèm muốn có chúng, tôi chỉ thích thử mặc làm vui. Nó như một trò đóng kịch, tôi có thể giả vờ làm người khác. Trong lúc cả nhà đang xem tivi trong căn phòng nhỏ, tôi vào phòng chú Mahommed và đóng cửa lại. Tôi mở tủ áo của chú, lấy ra một trong những bộ complê đẹp nhất bằng hàng len màu xanh nước biển có sọc rất nhỏ. Tôi xếp chúng lên giường cùng chiếc sơ mi trắng muốt, chiếc cà vạt lụa, đôi tất sẫm màu, đôi giày màu đen thanh lịch của Anh và chiếc mũ phớt. Tôi mặc thử tất cả những thứ đó, cố thắt cà vạt như tôi đã thấy chú làm. Rồi kéo sụp mũ xuống. Lúc đã ăn mặc chỉnh tề, tôi đi tìm Basma. Nó gấp đôi người lại mà cười.
- Em đến nói với bố là có ông nào đến gặp bố đi.
- Với quần áo này của bố à? Trời ơi, ông sẽ giết…
- Cứ đi đi.
Tôi đứng trong hành lang và lắng nghe cô em họ, đợi đến lúc xuất hiện.
- Ai đến vào lúc đêm hôm như thế này? – Chú Mohammed có vẻ không vui – Ai thế nhỉ? Ông ta muốn gì? Con đã gặp ông ta lần nào chưa?
Basma lắp bắp:
- Con…dạ, con không biết ạ. Con tưởng ba biết ông ấy .
- Ra bảo ông ấy …
- Sao ba không gặp ông ta? – Basma nói nhanh – Ông ta ở ngay ngoài cửa.
- Thôi được – chú tôi đồng ý, vẻ mệt mỏi.
Đấy là tín hiệu cho tôi. Tôi kéo sụp mũ xuống mắt, chỉ Để có thể nhìn thấy, thọc hai tay vào túi áo khoác rồi nghênh ngang bước vào phòng.
- Xin chào, ông có nhớ tôi không? – tôi nói bằng giọng nam trung. Cặp mắt chú tôi lồi ra, chú cúi xuống cố nhìn rõ mặt dưới cái mũ. Rồi lúc nhận ra là ai, ông cười phá lên. Dì tôi và tất cả nhà đều cười theo.
Chú Mohammed vẫy ngón tay với tôi:
- Chú đã cho phép cháu chưa….
- Cháu chỉ thử thôi, thưa chú. Chú có thấy buồn cười không ạ?
- Ôi đức Allah…
Tôi trình diễn như thế thêm vài lần nữa, mỗi lần lại đợi đủ lâu để chú tôi hoàn toàn bất ngờ. Sau đó chú bảo tôi:
- Thế là đủ rồi, Waris. Cháu đừng mặc thử quần áo của chú nữa, hiểu không? Để yên chúng đấy.
Tôi biết chú nói nghiêm túc, nhưng chú vẫn nghĩ đó là trò đùa. Sau này tôi nghe thấy chú vừa cười vừa kể với bạn bè:
- Con bé này vào phòng, mặc thử quần áo của tôi, rồi Basma đến và nói "Ba ơi, có ông nào đến gặp ba". Rồi nó bước vào, mặc quần áo của tôi từ đầu đến chân. Các vị sẽ thấy…
Dì tôi kể các bạn dì khuyên tôi nên đi làm người mẫu. Nhưng phản ứng của dì là "Hừm, các vị biết đấy, chúng tôi không làm nghề ấy được, chúng tôi là người Somalia và theo đạo Hồi". Tuy vậy, hình như chưa lần nào dì phản đối nghề người làm mẫu của Iman, con gái bạn dì. Dì quen biết mẹ Iman nhiều năm nay, nên bất cứ lúc nào mẹ con họ đến London, dì Maruim nhất quyết mời họ nghỉ lại với chúng tôi. Lắng nghe những cuộc thảo luận của Iman, lần đầu tiên tôi làm quen với ý tưởng làm người mẫu. Tôi cắt nhiều bức ảnh trong tạp chí của cô em họ và dán lên tường căn phòng bé nhỏ của tôi. Nếu Iman là phụ nữ Somali và có thể làm nghề đó, sao mình lại không thể, tôi lý luận.
Mỗi khi Iman đến nhà chúng tôi, tôi luôn muốn tìm được cơ hội thích hợp để nói chuyện với cô. Tôi muốn hỏi cô:
- Liệu tôi có thể trở thành người mẫu được không?
Tôi chỉ vừa biết có một nghề như thế trên đời, chach là tôi không hề biết làm thế nào để thành người mẫu. Nhưng mỗi lần đến thăm, Iman dành hết buổi tối nói chuyện với những người lớn tuổi, tôi biết dì và chú tôi không bao giờ cho tôi xen ngang câu chuyện vì cái ý muốn thành người mẫu vớ vẩn của tôi. Cuối cùng, một tối kia tôi đã tìm được đúng lúc. Iman đang đọc sách trong phòng chị thì tôi gõ cửa.
- Tôi có thể mang cho chị cái gì đó trước lúc chị đi ngủ được không?
- Được chứ, tôi thích một chén trà dược thảo - tôi xuống bếp và bưng khay trở lại.
Lúc đặt khay lên bàn, tôi bắt đầu:
- Chị biết không, tôi có nhiều hình của chị trong phòng tôi – tôi lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc và thấy mình như một con ngốc – Tôi cũng thích được làm người mẫu. Chị thấy có khó quá không? Chị làm nghề đó ra sao? Nghĩa là chị bắt đầu như thế nào?
Tôi không biết tôi mong Iman nói những gì, có lẽ tôi hy vọng cô vẫy chiếc đũa thần kỳ diệu ấy lên người tôi và biến tôi thành một nàng Lọ lem. Nhưng mơ ước thành người mẫu của tôi thật trừu tượng, toàn bộ ý tưởng đó phi tự nhiên đến mức tôi không mất nhiều giờ nghĩ đến nữa. Thay vào đó, tôi làm các công việc trong nhà, ngày lại ngày chăm chú vào các bữa sáng, bữa trưa, các món ăn và phủi bụi.
Lúc này tôi khoảng mười sáu tuổi và đã sống ở London được hai năm. Tôi đã thực sự làm quen với môi trường đủ để biết ngày tháng người phương Tây đo thời gian: năm 1983.
Hè năm ấy, em gái chú Mohammed chết ở Đức, để lại một đứa con gái nhỏ. Con gái cô là bé Sophie đến sống với chúng tôi, và chú tôi ghi tên cho em vào trường All Souls Church. Sáng sáng, tôi lại thêm việc đưa Sophie qua mấy khối nhà để đến trường.
Vào một trong những buổi sáng đầu tiên ấy, lúc Sophie và tôi đang đi đến toà nhà gạch cổ kính, tôi thấy một người đàn ông lạ mặt đứng nhìn tôi chằm chặp. Ông ta là người da trắng, khoảng bốn chục tuổi, buộc tóc theo kiểu đuôi ngựa, ông ta không giấu cái nhìn chăm chú, và nói thật, ông ta thật liều. Sau lúc tôi để Sophie lại bên cửam, người đó tiến đến chỗ tôi và bắt chuyện. Vì tôi không nói được tiếng Anh, nên không hiểu ông ta nói gì. Sợ hãi, tôi không dám nhìn ông ta và chạy về nhà. Việc đó cứ tiến diễn: tôi để Sophie lại, người đàn ông da trắng lại đợi sẵn, ông ta cố nói chuyện với tôi và tôi lại chạy.
Buổi chiều sau khi đón Sophie, trên đường về nhà nó hay nhắc đến một người bạn mới – một cô bé nó gặp trong lớp.
- Ờ, ờ - tôi nói, hoàn toàn không chú ý. Một hôm, tôi đi đón Sophie hơi muộn. Lúc tôi đến, nó đợi ở cổng trường và đang chơi với một cô bé khác.
- Chị Waris, đây là bạn em – Sophie nói với vẻ hãnh diện. Đứng cạnh hai cô bé là người đàn ông buộc tóc đuôi ngựa, người đã làm tôi lúng túng gần một năm nay.
- Ừ chúng ta về thôi – tôi nói, bồn chồn nhìn người ấy trừng trừng. Nhưng ông ta cúi xuống và nói gì đó với Sophie, em nói được tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Somali – Đi thôi, Sophie. Tránh xa người ấy ra – tôi nói và nắm lấy bàn tay em.
Em quay sang tôi và nói, tươi tỉnh:
- Ông muốn biết chị có nói được tiếng Anh không? – Sophie lắc đầu với ông ta. Ông ta lại nói một câu nữa và Sophie dịch – Ông ta muốn hỏi chị một điều.
- Bảo là chị không nói chuyện với ông ta đâu – tôi đáp một cách kiêu căng và nhìn sang hướng khác – Ông ấy có thể đi được rồi, Ông ấy có thể… - Nhưng tôi quyết định không nói hết câu vì con gái ông ta đang lắng nghe, còn Sophie sẽ dịch ngay mất thôi – Quên chuyện ấy đi, chúng ta đi thôi – tôi nắm chặt bàn tay Sophie và kéo em đi.
Sau cuộc chạm trán ấy ít lâu, một sáng kia tôi đưa Sophie đến trường như thường lệ. Lúc tôi về nhà và lên gác lau dọn thì chuông cửa reo. Tôi lao xuống dưới nhà, nhưng chưa ra đến cửa thì dì Maruim đã mở. Ngó qua hàng lan can cầu thang, tôi không thể tin ở mắt mình: ông Đuôi ngựa đứng đó. Chắc hẳn ông ta đã đi theo tôi. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là ông ta sắp bịa ra chuyện gì đấy với dì tôi, nói tôi làm hỏng việc gì đó chẳng hạn. Những lời dối trá, ví như tôi tin hắn, ngủ với hắn hoặc hắn bắt gặp tôi đang ăn cắp thứ gì đó. Dì nói bằng thứ tiếng Anh trôi chảy:
- Ông là ai?
- Tên tôi là Malcom Fairchild. Tôi rất tiếc đã làm phiền bà, nhưng tôi có thể nói chuyện với bà được không?
- Ông muốn nói về chuyện gì vậy? – tôi nghe thấy dì sửng sốt hỏi.
Trở lại tầng trên, tôi cảm thấy nôn nao, không biết ông ta sẽ nói gì, nhưng chỉ trong thóang chốc, tôi đã nghe tiếng cửa đóng sầm. Tôi lao bổ vào phòng khách lúc dì Maruim đang quát tháo trong nhà bếp.
- Dì ơi, ai đấy ạ?
- Ta không biết, người ấy nói ông ta đã đi theo cháu, muốn nói chuyện với cháu, nói vớ vẩn về việc muốn chụp ảnh cháu – dì trừng trừng nhìn tôi.
- Dì ạ, cháu không bảo ông ấy làm thế đâu. Cháu không nói gì với ông ta hết.
- TA BIẾT CHỨ! Chính vì thế ông ta mới đến đây! – Dì đi qua chỗ tôi – Về làm việc đi, đừng lo. Dì sẽ trông chừng ông ta.
Nhưng dì từ chối kể tỉ mỉ câu chuyện của họ, nói thực là dì giận dữ và tức tối đến nỗi tôi muốn tin rằng ông tamn chụp ảnh khiêu dâm này nọ. Tôi hoảng sợ và sau buổi sáng hôm ấy, không bây giờ dám nhắc đến sự việc tình cờ đó nữa.
Từ đó trở đi, mỗi lần nhìn thấy ông ta ở trường All Souls Church, ông ta không bao giờ nói chuyện với tôi . Ông ta chỉ mỉm cười lịch thiệp và làm việc mình. Cho đến một hôm tôi đến đón Sophie, ông ta tiến đến và đưa cho tôi một tấm danh thiếp làm tôi giật nảy mình. Tôi nhìn vào gương mặt ông ta không rời lúc nhận tấm danh thiếp và xếp gọn vào túi áo. Tôi quan sát ông ta bình tĩnh quay người bước đi, rồi bắt đầu nguyền rủa bằng tiếng Somali "Xéo đi, mi là tên đàn ông bẩn thỉu, là đồ con lợn chết toi!"
Lúc về đến nhà, tôi chạy lên gác. Tất cả bọn trẻ ngủ ở tầng trên cùng, tầng đó thành nơi ẩn náu của chúng tôi, tách biệt hẳn với người lớn. Tôi vào phòng cô em họ và như mọi khi xen ngang lúc cô đang đọc sách:
- Basma xem hộ cái này tí. – Tôi vừa nói vừa moi tấm danh thiếp ra – Cái này của người đàn ông ấy, em có nhớ cái ông chị đã kể không, cái người hay làm phiền chị, theo chị đến đây ấy? Hôm nay, ông ta đưa cho chị tấm thiếp này. Nó viết cái gì vậy?
- Viết ông ta là một nhà nhiếp ảnh.
- Nhà nhiếp ảnh loại gì?
- Ong ta chụp ảnh.
- Phải rồi, nhưng ảnh loại gì?
- Thiếp đề "Nhà nhiếp ảnh thời trang".
- Nhà nhiếp ảnh thời trang – tôi nói, từ tốn nhắc lại từng tiếng một – Em định nói là ông ta chụp các bức ảnh về quần áo? Ông ta sẽ chụp chị mặc cả quần áo?
- Em không biết, Waris ạ - Basma thở dài – Em không biết thật mà.
Tôi hiểu tôi đang làm phiền Basma và cô đang muốn trở lại với cuốn sách. Tôi giấu tấm danh thiếp của nhà nhiếp ảnh thời trang trong phòng tôi, một tiếng nói nho nhỏ bảo tôi rằng hãy cố bám lấy nó.
Cô em họ Basma là cố vấn duy nhất của tôi: tôi vì cô, và cô cũng vì tôi và chưa bao giờ tôi cảm kích vì sự quan tâm của cô hơn, lúc tôi xin cô khuyên nhủ về chuyện anh trai của cô.
Haji hai mươi tư tuổi, là con trai thứ hai của dì tôi. Anh được coi là người sáng dạ và cũng như ông cậu tôi, đang theo học ở trường Đại học tổng hợp London. Lúc tôi đến London, Haji lúc nào cũng tỏ ra thân thiện với tôi. Lúc tôi lên tầng trên dọn dẹp, Haji nói:
- Này, Waris, chị đã dọn xong buồng tắm rồi à?
- Chưa đâu – tôi đáp – nhưng nếu anh muốn dùng nó thì cứ dùng rồi tôi sẽ dọn sau.
- Ồ không, tôi chỉ biết chị có cần giúp đỡ gì không – hoặc cậu ta sẽ nói – tôi sẽ đi lấy đồ uống, chị muốn uống chút gì không?
Tôi rất hài lòng khi thấy cậu em săn sóc tôi. Chúng tôi thường trò chuyện và nói đùa với nhau.
Đôi lúc tôi mở cửa ra khỏi buồng tắm, Haji ngồi ngay bên ngoài và không cho tôi đi qua. Tôi cố đi vòng qua cậu ta, Cậu ta cũng làm y như thế. Lúc đó tôi đẩy cậu ta và hét lên:
- Tránh ra, đồ bất lịch sự! - Còn Haji cười to lên.
Những trò chơi nho nhỏ ấy tiếp diễn, và mặc dù tôi cố coi chúng là những trò đùa cũ rích, song tôi vẫn bối rối. Có một cái gì đó trong thái độ của Haji làm cho cho tôi lo lắng. Cậu ta nhìn tôi rất buồn cười, ánh mắt như mơ màng và cậu luôn đứng quá gần tôi. Mỗi lúc có cảm giác nao nao, tôi luôn tự nhắc mình "Không, đừng thế nữa, Waris, Haji là anh em trai của mi thôi. Điều mi đang nghĩ thật đáng xấu hổ".
Một hôm đang xách xô đựng giẻ lau ra khỏi phòng tắm, tôi vừa mở cửa, Haji lại đứng đấy rồi. Cậu nắm lấy cánh tay tôi và đứng ép sát vào tôi, mặt cậu ta suýt nữa ép sát vào mặt tôi.
- Có chuyện gì thế? – tôi cười, lo ngại.
- Ồ không, không có gì, không có gì đâu – Haji buông ngay tay tôi ra.
Tôi cầm xô bình thản qua phòng khác, làm như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đầu óc tôi quay cuồng, tôi không biết rồi sao đó còn chuyện gì xảy ra nữa. Tôi hiểu có một điều gí đó không lành mạnh ở đây.
Tối hôm sau tôi đang ngủ trong phòng riêng. Shukree, em gái bé của Basma đang ngủ say tít trên giường nó. Nhưng tôi ngủ không say, và khoảng ba giờ sáng, tôi nghe thấy có người đi lên cầu thang. Tôi đoán chắc là Haji, vì phòng cậu ở đầu kia hành lang kể từ phòng tôi. Cậu vừa về đến nhà, và theo cái kiểu đi loạng choạng trong hành lang, tôi biết là cậu đã say. Kiểu hành xử này không được tha thứ trong nhà của chú tôi – về nhà vào giờ này và không ai được uống rượu. Họ là những tín đồ Hồi giáo nghiêm nhặt, bị cấm uống bất cứ thứ gì có cồn. Có lẽ Haji nghĩ cậu đã đủ lớn để thành đàn ông và thử xem sao.
Cửa phòng tôi mở ra khe khẽ và tôi cứng người lại. Cả hai giường trong phòng này đều đặt trên những bục đắp nổi, cao hơn cửa vài bậc. Tôi nhìn thấy Haji rón rén bước lên bậc, cố không làm cô em thức giấc vì giường nó gần cửa nhất. Nhưng cậu bước hụt một bậc và trượt, sau đó cậu bò lên giường tôi. Trong ánh sáng hắt ra từ cửa sổ phía sau Haji, tôi thấy cậu nghển cổ nhìn vào mặt tôi trong bóng tối.
- Này Waris… - cậu thì thào gọi – Waris…
Hơi thở cậu nồng nặc mùi rượu khẳng định mối ngờ vực của tôi là cậu đang say. Nhưng tôi nằm thật im, giả vờ ngủ say trong bóng tối. Cậu giơ tay ra và bắt đầu dò dẫm quanh gối tìm mặt tôi. Tôi nghĩ "Trời ơi, xin đừng để chuyện này xảy ra!" Vừa rên rỉ "Hayyuh" tôi vừa trở mình như đang nằm mơ, cố gây đánh tiếng ồn để đánh thức Shrukree dậy. Đúng lúc ấy Haji hoảng và vội chạy về phòng cậu
- Chị muốn nói chuyện với em.
Tôi đoán vẻ hoảng hốt trên mặt tôi làm cô hiểu đây không phải là cuộc viếng thăm nói chuyện thông thường để giết thì giờ.
- Vào đi chị, đóng cửa lại.
- Chuyện về anh trai của em – tôi nói, hít một hơi thật sâu. Tôi không biết kể ra sao và cầu cho cô tin tôi.
- Anh ấy làm sao? – lúc này trông cô thật lo lắng.
- Đêm qua cậu ấy vào phòng chị, khoảng ba giờ sáng, lúc ấy trời tối đen như mực.
- Cậu ấy sờ vào mặt chị, và thì thào gọi tên chị….
- Ôi không. Chị có chắc không? Chị không nằm mê chứ?
- Còn nữa, chị đã thấy cách cậu ấy nhìn chị, nhất là lúc chỉ có chị và cậu ấy. Chị không biết phải làm gì nữa….
- Đồ rác rưởi. Đồ rác rưởi! Chị lấy cái gậy cricket và để dưới gầm giường chị, hoặc một cái chổi, mà không, cái chày cán bột dưới bếp, giấu giường, đến đêm nếu anh ta còn vào phòng chị, cứ đập vỡ đầu anh ta ra! Chị có biết phải làm gì nữa không? – cô nói thêm – Hét lên! Chị hét thật to lên, để mọi người nghe thấy.
Lạy trời, cô gái này dứt khoát đứng về phe tôi.
Suốt ngày tôi cứ cầu nguyện "Xin phù hộ cho cậu ta dừng lại. Xin đừng bắt con phải làm cái việc kinh khủng ấy". Tôi không muốn gây chuyện phiền toái. Tôi lo nhỡ cậu ta giải thích trí trá với bố mẹ cậu, họ sẽ tống tôi ra khỏi cửa. Tôi chỉ muốn cậu ta dừng lại, đừng đùa giỡn nữa, đừng đến lúc đêm khuya nữa, đừng mò mẫm nữa, vì tôi có một cảm giác rất tồi tệ về mọi chuyện săp tới. Bản năng tôi mách bảo tôi phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi trường hợp những lời cầu nguyện không có tác dụng.
Đêm hôm ấy tôi vào nhà bếp, lén mang cái trục cán bột vào phòng riêng và giấu dưới giường. Sau đó, lúc cô em họ đã ngủ, tôi lôi nó ra và để bên cạnh, không rời cái tay cầm. Sự việc diễn ra giống như đêm trước, khoảng ba giờ sáng Haji lại mò vào. Cậu ta đứng trên ngưỡng cửa và tôi thấy ánh sáng ở hành lang lấp lánh trên cặp kính của cậu. Tôi nằm, hé mắt canh chừng Haji. Cậu ta lẻn đến bên gối tôi và khẽ đập vào cánh tay tôi. Hơi thở của cậu nồng nặc mùi rượu Scotch làm tôi muốn nôn, nhưng tôi không nhúc nhích. Rồi cậu quỳ cạnh giường, Haji mò mẫm cho đến lúc thấy diềm khăn phủ, cậu ta lùa tay vào dưới khăn và lướt qua nệm đến chân tôi. Cậu ta bàn tay ngược lên đùi tôi, mò đến quần lót của tôi.
"Mình phải đập vỡ kính hắn, tôi nghĩ, để có chứng cớ hắn đã lẻn vào phòng mình" . Nắm chặt cái tay trục, tôi giáng hết sức mạnh vào mặt Haji, lúc đầu là một tiếng ngã uỵch, rồi tôi hét lên:
- XÉO NGAY RA KHỎI PHÒNG TAO, MÀY LÀ ĐỒ KHỐN…
Shukree ngồi dậy trên giườngvà kêu tướng lên:
- Có chuyện gì thế?
Chỉ trong chớp mắt tôi nghe thấy nhiều tiếng bước chân từ khắp mọi chỗ trong nhà chạy đến. Nhưng vì tôi đã đập vỡ kính của Haji, cậu ta không nhìn thấy gì nên phải bò về phòng bằng cả bàn tay lẫn đầu gối. Cậu ta leo lên giường, để nguyên quần áo giả vờ ngủ.
Basma vào và bật đèn. Lẽ tất nhiên cô biết toàn bộ kế hoạch nhưng ra bộ mù tịt hoàn toàn:
- Có chuyện gì ở đây thế?
Shukree giải thích:
- Anh Haji ở đây, anh ta bò trên sàn!
Lúc dì Maruim bước vào, áo choàng quấn quanh người, tôi kêu:
- Dì ơi, nó đã ở trong phòng cháu! Nó vào phòng cháu cả hôm qua cũng thế. Và cháu đã đánh nó! – Tôi chỉ vào cặp kính vỡ vụn của Haji gần giường tôi.
- Suỵt! – dì nói nghiêm khắc – Ta không muốn nghe chuyện này, không phải vào lúc này. Tất cả về phòng đi. Đi ngủ.