Tình & Tiền
Lê thị Bạch Nga
Thấm thoát mà chúng tôi rời bỏ đất nước ra đi sống đời tỵ nạn cộng sản gần 13 năm. Nghĩ lại thấy buồn nhiều hơn vui. Buồn là vì xa lìa nhiều quá, xa những thứ mình trìu mến yêu thương. Không kể những điều to lớn tuyệt vời của gia đình, quê hương, tổ quốc, tình bạn thân thiết...không kể những thứ thùng rỗng kêu to như danh vọng, của tiền, sự nghiệp, địa vị, tiếng tăm..Tôi buồn vì tiếc nuối nhớ thương từng con đường êm đềm quanh phố, vào tận giường ngủ mỗi sáng mỗi chiều, từng cánh cửa chạm trỗ tinh vi kín đáo nhẹ nhàng khép ra khép vô trong căn nhà kỷ niệm, ở đó có Mẹ có Cha, có chị em bà con tới lui, qua lại... Trong mấy cái khổ tôi học được ở Tứ Diệu Đế, cái khổ xa lìa làm cho tôi thấm thía sâu xa, thấm tới tận ngọn tóc chân răng. Cái răng cái tóc là gốc con người, mà từ ngày rời quê xa tổ, tôi đã đã biết đau tới ngọn tóc chân răng là gì, càng lâu càng đau, càng lâu càng thấm...chỉ những ai bỏ nước ra đi vì họa cộng sản thì mới thông cảm cùng tôi nỗi đau buồn không nguôi này.
Vậy mà tôi có biết vô số người, xem chừng chưa thấm lắm. Họ còn muốn lìa xa nhiều nữa, có lẽ họ khổ chưa đủ, cho nên mới còn hăng...thế nhưng mỗi người có mỗi đời sống, mỗi nguyên tắc sống, mỗi lý lẽ riêng để biện minh cho lối sống của họ, tôi không thể phê bình đúng sai, nhưng tôi nhìn, nhìn mãi ...thì tôi thấy cái nguyên nhân xa lìa, ruồng rẫy, bỏ bê nhau, cũng tại hai chữ Tình Tiền.
Đang sống trong một xứ chiến tranh, sự chết lan tràn khắp chốn, mạng người như rác, nước lại nghèo, bạc tiền khó kiếm, tôi bổng nhiên thấy mình rơi tỏm vào một cái xứ lạ lùng kỳ khôi: mọi thứ trong đời sống hàng ngày vốn đã đầy đủ ê hề về vật chất, lại còn được bảo đảm tối đa bằng tiền. Tôi tự cảm thấy mình quan trọng hẳn lên. Không quan trọng sao được, này nhé, đi làm thì có bảo hiểm lương hướng, bảo hiểm thất nghiệp; đi bác sĩ nhà thương thì có bảo hiểm sức khỏe. Chồng tôi lại còn bày đặt mua thêm cái bảo hiểm nhân thọ. ( Ôi, cái mạng người cũng đánh giá bằng dollars! Càng nhiều đô la thì thấy mạng sống mình càng to). Các con tôi đi học, có xe bus đưa rước tận nhà, có gì mà lo xe nhà binh cán như bên Việt Nam, vậy mà vẫn có thêm bảo hiểm tai nạn... Đáng lý ra thì phải sướng hơn, vui hơn, thoảii mái hơn...nhưng mà không, niềm đau khó nguôi...Tôi vẫn thấy buồn, chồng tôi vẫn buồn, bạn bè bà con tôi vẫn buồn... Chỉ có một số người xem chừng nỗi đau khổ về xa lìa có vẻ chưa đủ thấm nên đã làm một cuộc cách mạng thứ hai: xa lìa nhau, vợ xa chồng, cha mẹ xa con...
Nhìn những cuộc tình lở dở, những mái gia đình tan rã như bọt biển trên sóng... Nguyên nhân xa, tôi không dám nói, dám đoán, nhưng nhìn xem những gì hiển lộ trước con mắt, tôi thấy họ bỏ nhau cũng vì mấy chữ Tình Tiền! Tình là gì, tôi không dám bàn đến, tôi chẳng phải là nhà Tâm Lý Học. Nhưng bạc tiền là cái quái gì mà ghê gớm lạ lùng thế thì tôi có thể nhìn gần gần mà thấy được. Bạc tiền mạnh hơn cả Tình vì nó có năng lực biến kẻ có tình ra kẻ vô tình, làm cho kẻ gần nhau phải xa nhau, biến yêu thành ghét, biến còn thành mất, biến có thành không...
Hồi cồ sơ, trên thế giới, thời con người còn ăn lông ở lỗ, nào có bạc tiền gì đâu! Sau này con người sống hợp đoàn., tạo thành xã hội, có trao đổi giao thiệp nhưng họ cũng chỉ dùng sản vật để đổi chác cho nhau...Rồi tiền bạc ra đời, bắt đầu bằng những hòn đá quí, rồi từng đồng tiền bằng vàng, bạc, đồng...xâu từng xâu, gánh từng gánh, đong từng ô... Cho đến bây giờ, trong cái xứ đại văn minh mà tôi đang sống ở đây, tiền bạc là những tờ giấy xanh đỏ, tờ bạc dollar mỏng dính, nhẹ bều, gió thổi là bay, nhưng thật ra nó vẫn còn nặng lắm, đập vào ai là gây thương tích ngay, đập vào một gia đình là tan nát gia đình!
Có người lại bảo, có tiền mua Tiên cũng được. Ai lại chẳng muốn mua tiên! Cho nên con người lại phải hì hục làm tiền, cặm cụi làm tiền, dùng mọi thủ đoạn mánh khóe tài năng ra mà làm cho có tiền để có thể mua tiên!
Tiên thì tôi chưa gặp, nhưng nếu nói theo nghĩa bóng để mua sung sướng hạnh phúc thì tôi rất nghi ngờ.
Không nghi sao được! Rành rành trước con mắt, suốt ngày suốt tháng suốt năm, vợ chồng ông A hì hục đi làm: 6 giờ sáng lên xe, mỗi người đi một đường đến sở, con cái lên xe đến trường học; chiều vợ về nấu cơm, chồng cố cày thêm một job thứ hai ở hãng khác...để chi vậy?? Thì để có tiền trả cho xong nợ nhà, nợ xe, nợ tivi, nợ bàn ghế tủ giừơng, để nuôi con ăn học cho nên người, cho bằng...con cái người ta... Có trả xong nhà thì mua thêm một cái thứ hai, cho thuê lấy lời, tạo chút ít vốn về già...Chương trình không có chổ nào chê! Chí thú như vậy trong ba bốn năm... Con ông A hết nói tiếng Việt với cha mẹ như hồi mới bỏ nước ra đi ( có gặp mặt nhau đâu mà nói?) Vợ chồng hết nói chuyện tâm tình, xây mộng tương lai như hồi còn nghèo khổ...nói hết nổi, mở miệng ra là cãi nhau, cãi về chuyện gì ?? Thì chuyện Tiền, tiền tôi, tiền anh, tiền mày, tiền tao...Cuối cùng đem nhau ra tòa ly dị. Chia tiền chia của, chia cả con...tình chết vì tiền.
Đến cái gia đình ông B mới buồn cười. Họ là những người con chí hiếu, nhưng ngày kia đành gạt nước mắt bỏ lại mẹ già cha yếu, quyết chí đem nhau đến chân trời xa lạ này lập lại cuộc đời, tìm tự do, sống đời độc lập... Mấy năm đầu còn êm đẹp, chồng làm, vợ làm, mỗi cuối tuần dắt nhau ra phố mua quà gửi về VN nuôi gia đình. Ông một thùng cho cha mẹ, bà một thùng cho chị em. Nhưng năm tháng dần trôi...mỗi lần soạn quà là một lần cãi nhau, danh sách thân nhân gửi qua xin quà càng dài, càng khẩn thiết thì gây nhau càng dữ dội. Chồng cho rằng gia đình bên vợ đòi hỏi quá nhiều, ông đâm ra xót ruột...Vợ thì ghét mặt mấy cô em chồng đòi xin những thứ xa xỉ phẩm son phấn gì đâu...lo ăn chưa xong còn lo diện...bên này người ta cày chết xác, muốn sụm luôn...lại tiền ông, tiền tôi, tiền chúng ta...Vậy là tiêu tùng hạnh phúc...
Hôm nọ bà B than thở:
- Lấy nhau đã 12 năm, em vẫn không muốn có con, không dám có. Có con thêm khổ! Ai đi làm? Ai nuôi con? Ai kiếm tiền để gửi về VN nuôi mẹ, nuôi em...???
Qua cái ông C, may mắn mảnh bằng kỹ sư còn dùng được, lương tiền khà, đủ nuôi nấng bảo bọc vợ con. Cảnh gia đình êm đẹp sung túc: chồng đi làm, vợ ở nhà coi sóc nhà cửa, lo lắng con cái, đi chợ nấu ăn... Quá lý tưởng rồi còn gì! Mọi người nhìn họ mà thèm, tấm tắc khen ngợi...Hồi đầu bà C cũng hảnh diện tưởng vậy, thôi hãy quên đi cái chức vị giáo sư việt Văn ngày xưa ở Sài Gòn...thật là may mắn có được ông chồng kiếm ra tiền, mình chỉ còn một việc là làm nội tướng của đức phu quân...Nhưng nói vậy mà không phải vậy...Được vài năm, dưới ảnh hưởng của năng lực tiền tài, ông chồng đổi giọng:
- Xứ này ai chẳng nuôi ai, có làm có ăn, ta là kẻ làm ra tiền, ta là chủ nhân ông..
Những hôm buồn vì nhớ nhà nhớ quê, vì làm việc bị chủ nó đì, bị tụi đồng nghiệp nó chơi...tuổi cũng xế chiều, thân tâm mỏi mệt bầm dập với cuộc đời, ông bùi tai xuôi theo lời rủ rê của bạn bè họp nhau giải trí, bàn chuyện đời, nhâm nhi vài chai rượu..ngồi dự vài canh xì phé...để quên sầu...
Vợ có cằn nhằn ngăn cản, chồng mắng xả vào mặt vợ:
- Tiền tôi kiếm ra, tôi có quyền làm gì thì làm, tiêu gì thì tiêu...bà không được quyền xía vào...Gia đình biến thành địa ngục, vợ chồng càng lúc càng xa...Nhìn đàn con nhỏ dại mà đau lòng, bà C đành nuốt hận đi bác sĩ xin thuốc an thần uống đều đều mỗi đêm để quên sầu...Thề rằng...
Còn ông D hiền khô như cục bột lại gặp nhằm bà vợ bất hủ, ít giống ai, chẳng làm cũng chẳng nhìn đến nhà cửa, con cái, chỉ mê đánh chắn. Chồng đi làm, con đi học, bà mặc áo đến nhà bạn gầy sòng hơn thua, thua thì nhiều, được chẳng mấy khi...Con chó nó hiền, đánh hoài nó cũng phải sủa, vợ chồng khuyên can nhau chẳng được, mắng mỏ nhau thậm tệ...bệnh cờ bạc làm sao chữa cho khỏi, thuốc tiên cũng chịu...Cái điệu này tôi đoán trước sau gì cũng đem nhau ra tòa chia tay. Chia của không được ( còn gì nữa mà chia) thì chia con. Ai chiếm được con, người đó thắng. Tội nghiệp, thằng bé ngẩn ngơ, bơ phờ giữa cơn sấm sét của mẹ và cha, chẳng biết theo ai, rối loạn tinh thần, chả buồn ăn học...
A, B, C, D... 24 chữ cái, nếu tôi cứ tà tà theo thứ tự mà kể thì tôi có thể kể 4 lần 24 những trường hợp tôi biết ở đây, xung quanh tôi, rành rành trước mắt tôi từ 13 năm nay, từ ngày bỏ nước ra đi. Vâng, cái xứ kỳ dị này, tiền nhiều bạc lắm thật, đi đâu cũng nghe nói tới tiền, mọi giá trị của vật của người, tinh thần, vật chất...đều được trị giá bằng tiền. Tiền thật dễ kiếm, dễ tìm...nhưng tiền càng nhiều thì tình càng cạn, chuyện đời nó rõ ràng như vậy. Trăm cặp vợ chồng đem nhau ra tòa ly dị, có đến 99 cặp tan rã vì tiền hoặc vì tình, không tình thì tiền.
Mà nào chỉ có vợ chồng bỏ nhau mà thôi, còn cha mẹ từ con, còn con bỏ phế cha mẹ, anh em từ nhau, bạn bè tan rã...cũng chung qui hai chữ bạc tiền.
Cụ Ba than thở:
- Phải mà biết vậy, tôi qua đây làm chi cho thêm tủi. Con tôi nó vất tôi một xó chẳng ngó ngàng gì đến, tôi đi tới đi lui trong ngôi nhà vắng như ở tù, mong mau mau đến cuối tuần năn nỉ nó cho đi chùa lạy Phật, gặp bạn già hàn huyên đôi chút cho đỡ nhớ quê nó cứ hẹn rày hẹn mai, làm như nó bận quá vậy, làm rộn đến nó quá vậy...Con cái đời nay...mình là cục nợ của nó chứ không phải mẹ nó đâu.
Cụ Sáu buồn buồn:
- Tôi thì chẳng thiếu thốn gì, nhưng buồn quá, thật là cô đơn. Con tôi nói là đem tôi qua đây, nói là đoàn tụ gia đình, vui với đàn cháu, ngờ đâu bước xuống phi trường, thay vì cho về nhà, chúng nó chở thẳng tôi đến một ấp (appartement) đầy đủ tiện nghi, thuê sẳn từ trước.
- Cha ở đây, khi nào con rảnh, sẽ đến thăm!
Mà lúc nào thì chúng nó rảnh? Cả tuần đi làm, cuối tuần con cái vợ chồng chúng nó phải “go out” với nhau, chỉ đủ vài phút phone cho mình xem thử mình có đau yếu gì không? Có lúc nó xẹt qua một chút, chất đầy đồ ăn vào tủ lạnh, rồi lật đật ra đi. Cuối tháng nó chuồi lên bàn cái “sec” (cheque) rồi hỏi:
- Cha có cần gì không, nói con biết!
Tôi ngao ngán lắc đầu, tôi già rồi chả thiết ăn, mà tôi còn cần gì nữa hở bác, chỉ cần tình thương, mà tình thương theo cái kiểu “tình là tiền” này thì tôi buồn quá, muốn chết lẹ đi cho rảnh nợ...cho khuất mắt, đỡ đớn đau.
Hai người bạn ngày xưa cùng học một trường, cùng ở một tỉnh, cùng làm một sở, thân thiết đi lại bao năm trời. Một người đi được 75, người kia 85 mới vượt biển đến được bến bờ tự do, tưởng gặp nhau sau 10 năm xa cách thì mừng...Nhưng không, giữa hai người bạn nằm lù lù một cục mặc cảm to tổ bố, che mất tình xưa:
- Nó may mắn qua trước, làm tiền nhiều, nhà đẹp, xe sang...Mình vác mặt đến làm gì...có mời cũng chả thèm tới cho thêm nhục...thấy cái mặt thêm ghét!
Ôi, tình bạn như đám phù vân, nào phải lỗi tại ai...ngoài hai chữ bạc tiền.
Thấy thiên hạ bỏ nhau nhiều quá, vợ chồng tôi ngồi mà run. Nhìn sự đời diễn ra trước mắt như trong xi-nê, giống như những con thuyền vật vờ trên biển, mục nát rồi tan vỡ lần lần, từng mảnh, từng mảnh chìm vào trong những con sóng bạc tiền...Thiên hạ mới hạnh phúc, mới yêu đương đó mà nay đã chia của, chia con, hết yêu nhau rồi, ôi chữ yêu và không yêu sao nó cận kề gang tấc.
Còn cuộc tình của mình thì sao? Hai mươi năm làm vợ làm chồng, vui buồn cũng lắm, đắng cay cũng nhiều, Tình cũng có mà Tiền cũng đa mang...Lạ lùng thay sao chưa thấy bỏ nhau cho rồi như thiên hạ? Bao giờ thì bỏ nhau??
Ngày nọ tôi đề nghị:
- Ở với nhau cũng đã chán rồi, hạnh báo oán trong nhà Phật, học cũng đã chín rồi, kinh Vị tằng hữu thuyết nhân duyên trì hoài rồi...nợ thì phải trả, con thì phải nuôi, ơn trả nghĩa đền xong là dẹp tiệm...Mai mốt con khôn lớn, mình hai vợ chồng già cũng nên chia tay mỗi đứa mỗi đường cho khỏe cái thân già. Sống với nhau mà chẳng hợp nhau thêm khổ, gây nhau tăng nhiều khẩu nghiệp, người nói trời kẻ nói đất, người xuôi kẻ ngược, tôi tu Tịnh ông tu Thiền...
Chồng tôi nghi ngờ:
- Bà nổi cơn chướng, chán sự đời đây chứ gì? Bắt đầu mở máy gây chứ gì?? Tôi hỏi bà, bà còn muốn gì nữa đây??? Bà bỏ tôi rồi lấy ai săn sóc bà khi yếu đau...Thuốc uống thuốc chích lu bù, ngày mấy cử, không có tôi thì bà chết!
Tôi nổi máu anh hùng:
- Tôi chả cần ai lo! Đau thì vô nhà thương nằm, bên này vào nhà thương chẳng tốn tiền. Còn sức thì đi làm nuôi thân, không còn sức thì xin tiền xã hội mà sống còn hơn sống với một ông chồng khó khăn không ai chịu nổi, gây nhau tối ngày.
- Được, được, nói vậy thì cho bà đi. Con lớn rồi, nuôi chúng nó ăn học cho nên người, gả vợ gả chồng xong xuôi rồi tôi cũng đi, bạc tiền sản nghiệp tôi để lại cho bà hết..
- Chả thèm, bạc tiền như con rắn độc, bạc tiền là ngũ dục, chả ham, nó quay lại nó cắn tôi một cái thì bỏ mạng…sa trường! Thầy tôi dạy tri túc, sống nghèo mà hành đạo…một trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân là tri túc, biết đủ. Tôi xa chồng là đi thẳng vào chùa xin thầy đi tu.
Chồng tôi phì cười:
- Tưởng đi đâu! Đòi đi vào chùa! Chùa nào thầy nào dám chứa cái máy phát thanh ra rả suốt ngày? Chưa kể cái tham ăn của bà, bà không chết vì ăn thì chùa cũng sập vì nuôi bà. Thôi xin bà tha cho thầy, cho chùa, cho bá tánh.
Động lòng tự ái, tôi nổi sân:
- Chỉ giỏi nói xấu người ta. Tôi không ở chùa thì tôi thuê một căn gác gần chùa, khỏi phiền hà đến ai. Ngày ngày tôi đi lễ Phật, chiều chiều tôi đi thiền hành, tối tối tụng kinh niệm Phật chờ ngày về an lạc quốc với Phật Di Đà.
- Ừ, đi đâu thì đi nhưng nhớ để lại địa chỉ.
Tôi ngạc nhiên:
- Bỏ nhau rồi, ly dị rồi còn để lại địa chỉ làm gì?
- Thì để tui tới thuê căn gác bên cạnh.
Tôi vênh mặt cười đắc chí:
- Biết mà, người ta đi đâu là đeo dính theo đó, để chực ăn! Tới giờ ăn lại bò qua xin ăn chứ gì, khỏi nấu. Sao ông khôn quá xá vậy? Sao tham ăn hết cỡ vậy?? Nói cho ông biết, lúc đó tôi gìa rồi, chả thèm lo cho ai mà tưởng bở, tôi chỉ lo phần hồn phần xác của tôi cho được an lạc tỉnh táo, chờ ngày...
Chồng tôi hạ giọng, cắt ngang:
- Ăn uống thì cũng chả cần, lúc đó tôi cũng gìa rồi, răng rụng hết trơn rồi còn đâu mà ăn. Nhưng tôi làm vậy để lo bà có đau nằm xuống, kêu lên một tiếng thì tôi chạy qua kịp chở bà vào nhà thương...
Đến đây thì chuyện học đòi thiên hạ ly dị, ly thân của đôi vợ chồng già chúng tôi đành phải gác lại một thời gian vô hạn định. Ôi, duyên nợ gì đâu từ ba sinh còn sót lại, đến nay tôi vẫn còn lãnh đủ, không biết phải đổ tội cho ai. Thôi thì học theo thầy, một chữ "tri túc", chẳng những tri túc bạc tiền như thầy dạy mà còn tri túc về cái tình nghĩa nghiệp duyên....
Hết