Những ngày sau đấy, cuộc sống không khủng khiếp như chị vẫn nghĩ về mấy cuộc tình trước hành hạ chị. Hóa ra anh đã không thêm vào cuộc đời chị những gì lớn lao.
Cuộc chia tay chẳng đào khoét một hố sâu tật nguyền nào trong tâm hồn chị. Sao lại như vậy. Chính chị cũng không lý giải được điều này. Chị không mừng, không buồn phiền vì điều đó. Chắc anh còn nhẹ lòng hơn nhiều. Một vài lần anh gọi điện cho chị vào đêm khuya, nói rằng anh vẫn còn nhớ ly cocktail của chị. Chị còn mời khi nào anh thích thì cứ đến, chị sẽ pha tặng. Nhưng anh không đến. Chị cũng không chờ mong.
Người chị hay nghĩ đến lại chính là con bé. Cái buổi tối nó đến thăm chị sau mấy tháng im hơi lặng tiếng cứ là lạ. Dường như nó biết rất rõ cuộc chia tay giữa họ vừa mới xẩy ra tức thì. Nó khoái trá không cần giấu giếm. Nhưng sau đêm ấy nó lại biến mất. Chị đến nhà tìm cũng không lần nào gặp và cũng chẳng biết thêm điều gì mới về nó. Con bé cũng chẳng gọi điện thoại cho chị lần nào. Chị nhắn tìm qua thằng em của nó cũng không thấy hồi âm. Chị càng khao khát được thấy nó thì nó càng náu kín vào đâu đó. Cứ như thể nó đã trôi ra khỏi cuộc đời này...
Chị quen nó ngày ấy cách đây đã mười năm, khi con bé mới mười hai tuổi. Bố nó sang Nga học nghiên cứu sinh và mang theo cả ba mẹ con nó. Mẹ nó mở một cửa hàng phở trong một ốp buôn bán của người Việt. Ngoài giờ học nó thường giúp mẹ bán hàng. Chị thỉnh thoảng có ghé vào đó ăn phở và trò chuyện với nó. Chị thích con bé vì trông nó xinh xắn lại mau mắn. Nó cũng quý chị vì chị hay cho nó quà, những món quà nho nhỏ của trẻ con Nga vì nó rất ít khi được ra phố dạo chơi. có lần nó kéo tay chị thầm thì:
- Cô ơi, hôm nào cháu xin phép mẹ rồi cô cháu mình đi chơi Park Kyltury nhé. Nghe nói ở đấy có nhiều trò chơi hay lắm phải không cô. Mấy năm rồi cháu không biết công viên là gì!
Nhiều lần rỗi rãi chị tới để rủ nó đi. Nhưng nó không sao dứt bỏ khỏi công việc giúp mẹ nên đành thôi. Nó níu chị, mắt rơm rớm vẻ nuối tiếc.
- Cô đừng giận mẹ cháu nhé.
Chị bật cười xoa đầu nó.
- Sao cô lại giận mẹ cháu?
- Mẹ cháu cũng không muốn cháu phải thế này đâu. Mẹ cháu bảo, cố kiếm tiền thêm một năm nữa thì sẽ đưa chị em cháu về nước.
- Ừ, có khi lúc đấy cô cũng về rồi đấy.
- Thế thì thích lắm cô nhỉ - Mắt nó sáng bừng - Nhưng về nước cô đừng quên cháu nhé.
- Quên cháu thế nào được.
- Biết đâu đấy! Cô là người lớn, có bao nhiêu việc, cháu chỉ là trẻ con thôi.
- Nhưng người lớn không thể sống thiếu trẻ con được, cháu biết không.
Con bé cấu nhẹ vào tay chị, rồi lại xoa xoa vì sợ chị đau.
- Cháu làm thế này để cô phải nhớ.
Mấy tháng sau đấy vì bận làm luận án nên chị không thể qua chơi với nó được. Cuối tháng Năm thì chị sẽ bảo vệ xong. Đúng ngày mùng một tháng Sáu, chị tới chỗ con bé. Chắc ngày này mẹ nó sẽ không thể từ chối lời cầu xin đưa nó đi công viên của chị.
Tới nơi đúng lúc xe hàng từ Ba Lan về. Cả mấy tầng ốp người ta chen chúc đi lại như kiến. Lách mãi chị mới leo lên nổi tầng bốn, nơi có hiệu phở nhà con bé. Chị ngạc nhiên thấy chủ hiệu là một người đàn ông to béo, bóng nhẫy đang tay năm tay mười làm phở cho khách. Khó khăn lắm chị mới hỏi được về con bé trong cái âm thanh pha tạp tiếng người, tiếng băm chặt, tiếng chửi tục, tiếng gắt gỏng khó chịu của tay chủ quán vì bị làm phiền.
Chị xuống cầu thang tầng hai, nơi chiếu nghỉ ẩm thấp tối tăm. Con bé ngồi nép trong góc, bị che khuất dưới chân người qua lại, trước mặt là rổ bánh rán. Lúc nãy vì quá đông người nên chị đã không nhìn thấy nó lúc đi ngang qua. Chị ngồi thụp xuống ngơ ngác hỏi:
- Có chuyện gì phải không cháu?
Có bé nhìn chị, đôi mắt khô lạnh, thản nhiên không một nụ cười như trước đây.
- Bây giờ cháu đi bán bánh rán.
- Thế bố mẹ cháu đâu?
- Chết rồi. - Giọng nó khô khan.
- Sao lại thế? - Nước mắt chị tự nhiên ứa ra - Họ mất khi nào vậy?
Có hai người dừng lại mua bánh rán. Lúc trả tiền con bé lục mãi trong túi quần để tìm đồng bạc lẻ, người khách đợi lâu khó chịu nói:
- Thôi, dẹp. Cho mày.
Có bé trừng mắt nhìn anh ta, lôi ra đồng năm rub nhầu nhĩ giữa đống tiền hàng để lộn xộn trong túi nilon.
- Trả ông.
Anh ta quay đi sau khi buông một câu "Sĩ diện!" Con bé không thèm bận tâm, vẻ mặt trở lại thản nhiên u uẩn như cũ.
- Bố mẹ cháu làm sao vậy? - Chị gặng hỏi.
- Tai nạn.
Nói xong nó nuốt khan và im lặng. Hôm ấy, và cả sau này, chị không thể biết từ nó thêm điều gì về cái chết của bố mẹ nó. Đại để chị chỉ biết bố nó mất trước, vì đau buồn suy sụp mẹ nó mất sau đó hai tháng. Tai họa ập lên đầu chị em nó khi lần cuối cùng chị đến thăm và hứa đưa nó đi chơi công viên vào ngày mồng một tháng Sáu chừng hai tuần lễ. Một người quen cho chị em nó ở nhờ và nó đi bán bánh rán để kiếm sống. Một năm sau chị em nó dắt díu nhau về nước. Trước đó chừng hai tháng, chị đến tìm nó để đưa mấy bộ quần áo mà chị tự may cho. Nó bảo sắp về nước vì muốn tiếp tục đi học.
- Về bên ấy, cháu sẽ sống thế nào?
- Cháu chưa biết, nhưng thế nào cháu cũng sống được.
- Cháu có còn ông bà không?
- Hồi nhỏ bố cháu sống ở trại trẻ mồ côi. Còn ông bà ngoại cháu thì già lắm rồi, ở tít tận quê cơ. Nhưng ở Hà nội, chúng cháu vẫn còn căn hộ tập thể của bố mẹ cháu để lại, nhỏ thôi, nhưng hai chị em cháu thì cần gì rộng.
Nó còn cho chị xem số tiền dành dụm được trong năm qua, cộng với khoản tiền mẹ nó để lại trước khi chết, và của bạn bè bố mẹ góp lại mỗi người một ít giúp chị em nó. Nghe con bé nói dường như nó đã sắp đặt cuộc sống ngày mai đâu vào đấy rồi. Mới mười bốn năm sống làm người, liệu nó có lường hết bất trắc của cuộc đời không? Nhưng nó cương quyết quá khiến chị hoang mang, không dám khuyên bảo điều gì.
- Sắp tới cô có về nước không? - Con bé ngẩn ngơ hỏi khi thấy chị chỉ im lặng nhìn nó.
- Cô cũng chưa biết thế nào. - Chị lắc đầu.
- Cháu về rồi thì cô thường xuyên viết thư cho cháu nhé. Cháu chẳng còn ai thân thiết cả. Bây giờ cháu sẽ phải làm lại từ đầu. Sáu năm sang bên này chắc bạn bè cũ quên cả rồi.
- Hay là cháu ở lại thêm một thời gian nữa rồi về cùng với cô luôn thể. - Chị thận trọng đề nghị.
Gương mặt nó đanh lại.
- Không được cô ạ, cháu còn nhiều việc phải làm.
Hôm tiễn chị em nó ra sân bay, chị đưa nó đồng kopek, bảo ném xuống đất. Nó ngơ ngách hỏi để làm gì. Chị bảo đó là phong tục để hy vọng có ngày còn trở lại nơi đây. Nó đưa trả lại chị.
- Không bao giờ cháu muốn quay trở lại nơi đây.
Dù bất cứ giá nào.
Nó xa rồi chị mới cảm thấy cuộc sống của mình bị hẫng hụt. Nghiêng về bên nào cũng thấy trống vắng. Ở bên này nếu không vì công việc thì bạn bè cũng trở nên thưa thớt, nhạt nhẽo và xa vắng. Cô bạn thân người Ukraina thấy vẻ ngẩn ngơ mất hồn của chị bèn mời về quê chơi. Cô ấy kể, đó là một làng quê bé nhỏ, hẻo lánh, xa xôi, có rừng, có đồng cỏ, có dòng suối đẹp như trong mơ, có món saslưk ngon nhất thế giới. Chị đang sống một cuộc sống mơ hồ, tất cả đều hư ảo, dường như không có gì là thật cả nên đồng ý ngay lời mời ngọt ngào đó.
Trước hôm chuẩn bị lên đường thì nhận được thư của con bé. Lá thư viết sau khi nó trở về ít lâu. "Cô ơi, đêm đầu tiên nằm trong căn nhà mình cháu không sao ngủ được." - Con bé viết - "Hai chị em cháu nằm ôm nhau khóc suốt đêm. Chiếc gường trước đây bố mẹ cháu nằm đã bị mọt không thể nào dùng được nữa. Chúng cháu nằm tạm trên nền nhà, không có chăn nên rất lạnh. Cháu nhớ bố mẹ cháu vô cùng. Nhớ cả cô nữa... Tự nhiên cháu thấy sợ những ngày sắp tới, giá cháu nghe cô đừng vội mà chờ cô thêm một thời gian nữa... Nhưng đã muộn quá rồi phải không cô?" Hôm sau chị đành xin lỗi cô bạn Ukraina và thu xếp về nước. Chị không còn ràng buộc gì ở nơi đây, cả công việc, cả bạn bè, cả một mối tình nào đó. Nhưng cứ ngỡ trở về thanh thản lắm, nào ngờ một nỗi buồn nhớ dai dẳng, đau đớn đeo bám chị cho đến tận bây giờ. Cuộc đời sau này của chị dường như bám rễ đâm chồi trên mảnh đất xa xôi lạnh giá ấy. Nơi ấy có một khoảng đời đã qua, khuất nẻo vào bên trời kí ức, nhưng vẫn luôn hắt những tia nắng lung linh vào cuộc sống nhàm tẻ hàng ngày của chị. Nơi ấy lưu giữ tất cả bóng hình không rõ mặt người, không tên tuổi, những cánh rừng thu rợp lá vàng bay, những cơn gió tháng Chín điên cuồng đuổi theo bước chân người, làm nhức buốt hai thái dương, những con đường hun hút chạy mãi vào vùng trống vắng, những xóm làng xa xôi chìm khuất dưới vô vàn những bông tuyết lặng lẽ...
Ngay chiều hôm về tới nơi, chị đến nhà con bé. Thấy chị nó lao vào ôm chặt lấy và bật khóc nức nở. Đó là lần cuối cùng chị thấy nó khóc.
Những ngày qua hai chị em nó vẫn sống tằn tiện bằng số tiền đã mang về. Nếu cứ như thế này thì giỏi lắm cũng chỉ cầm cự thêm được một năm nữa. Con bé đang có ý định kiếm việc làm. Nhưng mới mười lăm tuổi đầu thì làm được việc gì? Nó đã đi hỏi mấy nơi, nhưng chưa tìm được chỗ nào phù hợp. Tình cờ một lần sang hàng xóm chơi nhân dịp về sau mấy năm xa cách, chị đã mang vận may đến cho nó. Bà hàng xóm bỏ việc nhà nước cả năm nay để làm bánh ngọt đưa cho các vườn trẻ và truờng học bán trú. Công việc khá phát đạt và bà ta đang có ý định thuê thêm người. Con bé đã được nhận vào làm nửa buổi, còn nửa buổi đi học. Cứ thế nó đã học xong cấp ba và thi đỗ vào đại học. Hai năm sau, thằng em cũng thi đỗ một trường đại học khác. Cách đây hơn hai năm con bé nói với chị sẽ làm gia sư cho một gia đình khá giả.
- Họ trả lương cháu cao, vì họ giầu mà. - Nó kể nhưng không có vẻ gì mặn mà lắm.
- Cháu không thích à? - Chị nhìn vẻ mặt thản nhiên của nó hỏi.
- Cháu không có quyền thích hay không thích, cô ạ. Cháu không có sự lựa chọn được phép nào hết. Cháu cần tiền, cháu cần cuộc sống, cháu còn cần một thứ khác vô cùng quan trọng nữa...
Nó nuốt khan. Con bé có thói quen rất hay nuốt khan. Mỗi lần như thế lại gây cho chị cảm giác sờ sợ. Chị chờ nghe tiếp, nhưng nó im lặng, nghĩ ngợi đâu đâu.
Sáu tháng làm gia sư, con bé thay đổi hẳn. Nó không mặc tuềnh toàng như trước kia. Mái tóc được cắt tỉa đúng mốt, đôi khi còn trang điểm nữa. Với tuổi đôi mươi, trông nó càng rực rỡ, khiến chị đôi lúc cũng thấy sững sờ. Chỉ có đôi mắt là u uẩn, mỗi ngày qua càng u uẩn, khó nắm bắt. Dường như cả bóng tối cuộc đời chứa đựng trong đôi mắt ấy.
- Cháu đang yêu phải không?
Có lần ngồi uống nước với nó ở quán nhỏ ven Hồ Tây, nhìn nắng chiều trườn nhẹ trên mái tóc nhuộm hoe hoe vàng của nó đang rực lên như một cánh rừng thu, chị hỏi vậy. Nó nhìn chị như không hiểu chị đang nói gì. Chị nhắc lại. Nó cười gằn một tiếng. Mãi sau mới nói thong thả cứ như thể nó cần tự trấn an mình vậy.
- Thực ra cuộc sống của cô có những gì nào? Công việc, một nhúm bạn bè, một tủ sách, một ngôi nhà trú thân... Thế cũng đủ rồi cho một cuộc sống. Ngày trước bố cháu đã từng có nhiều tiền, rất nhiều tiền. Nhưng rồi bố cháu được gì, chị em cháu được gì? Hóa ra cuộc sống còn phải vứt đi nhiều thứ. Một lần trút bỏ là một lần đau đớn. Cháu đã quen với cuộc sống có rất ít sự níu kéo. Cháu không muốn bị chiếm hữu, cháu cần được tự do trần trụi. Mà tình yêu lại không mang lại cho cháu những cái đó.
Chị cho rằng mình hiểu những mất mát, đau đớn quá sức mà tuổi thơ con bé đã trải qua, nhưng càng ngày chị càng thấy mình lầm. Cái vẻ thay đổi lộng lẫy tươi trẻ bên ngoài của nó không đánh lừa được chị. Vết thương ấy không thể lành lặn mà càng thêm trầm trọng mỗi phút giây qua đi. Nhưng nó đã làm gì trong đêm tối mênh mông mà nó mang trong lòng chỉ có trời mới biết được. Chị đã thử nhiều lần kéo nó ra khỏi vực thẳm đen tối của kí ức nhưng bất lực. Chị chỉ có thể ở bên nó, phấp phỏng yêu thương lo lắng cho nó một cách dè dặt. Nó cũng không cho chị cơ hội để có thể làm hơn những điều chị mong muốn cho nó.
Có một chuyện xẩy ra cách đây ba bốn tháng gì đó khiến chị luôn băn khoăn mà không dám hỏi lại. Một buổi chiều nó mời chị tới nhà ăn cơm. Một bữa cơm thịnh soạn với nghi ngút khói hương trên bàn thờ bố mẹ nó. Chị tưởng giỗ bố hay mẹ nó nhưng hóa ra không phải.
- Bỗng đêm qua cháu nằm mơ thấy bố mẹ cháu về. - Nó nói khi chị hỏi lý do bữa cơm đột xuất này - Bố cháu nằm trên chiếc giường kia kìa, trên người phủ tấm dra trắng toát. Còn mẹ cháu ngồi ở ngoài kia xõa tóc khóc. Cháu vừa đi đâu đó về nhìn thấy bèn dắt mẹ vào nhà, đến bên chỗ bố cháu nằm và nói: "Bố trông mẹ hộ con nhé! Con bận đi công viên một lúc". Bố giở tấm vải trắng, tay dang ra đón, mẹ cháu nằm xuống nín khóc. Vừa lúc ấy cháu nghe có tiếng thở dài rất to của ai đó và tỉnh hẳn. Chắc đêm qua bố mẹ cháu đã về đây, không phải lưu lạc bên kia nữa.
Chị thấy mắt mình cay cay. Còn con bé thản nhiên đứng lên thắp thêm tuần hương mới. Nó chắp tay rất lâu trước bàn thờ. Bữa cơm hôm ấy nó nói rất nhiều, cười rất nhiều, nhưng trong lòng thì chị cảm thấy rõ, một khoảng trống vắng mênh mông. Một mình lê bước trong đêm tối của lòng mình, nó đang muốn khỏa lấp một điều gì đó khiến nó day dứt, nhưng không thể làm khác được. Suốt bữa ăn, thỉnh thoảng nó lại nhìn đồng hồ vẻ bồn chồn không yên. Ăn xong, lấy cớ bận việc chị về sớm. Nó cũng không giữ chị lại như mọi khi. Ra đến cổng nó ôm chặt lấy chị, giọng run run.
- Con yêu cô vô cùng. - Đột nhiên nó đổi cách xưng hô - Dù thế nào cô cũng yêu và tha thứ cho con chứ.
Chị hôn vào má nó. Cả người nó run bắn lên. Thương quá!
- Cô làm sao có thể ghét con được. Lúc nào cô cũng nguyện cầu những điều tốt lành đến cho con. Nếu con yêu và tin cô thì hãy đến với cô khi nào con không thể chịu đựng nổi cuộc sống này nữa, nhớ chưa.
- Con nhớ!
Giọng nó ngàn ngạt, rồi từ từ buông chị ra, bỏ vào nhà.
Đêm ấy chị không sao ngủ được. Nó đang cố tình bưng bít một chuyện gì đó. Nhưng cũng như lâu nay, chị không thể hiểu nổi đó là cái gì. Nó vét voi từng tí tình cảm riêng tư đem cất vào phía tối của tâm hồn, không cho ai chạm tới, không một ánh mắt nào rọi thấu được. Nó nghiêng lòng xóa đi tất cả dấu vết khiến ai đó có thể bất chợt tìm thấy con đường dẫn tới vùng xa thăm thẳm của cõi lòng chắc có nhiều toan tính. Đã quen với sự bí ẩn ấy của nó, chị không cố nghĩ xem cái nó đang bưng bít ấy là gì.
Chị chỉ biết lo lắng và chờ đợi. Chờ đợi cái ngày những bí mật kia sẽ bị dằn vặt đến tận xương tủy sẽ bật vỡ ra. Có thể đó là một kỷ niệm khủng khiếp như cơn ác mộng, thâu tóm thời thơ ấu xa xưa và trùm lên cuộc sống ngày hôm nay của nó. Rồi con sẽ được thanh thản. Rồi con sẽ được sống như những thanh niên thế hệ con đang sống, chưa hẳn đã trọn vẹn, một cuộc sống không có chỗ dành cho quá khứ và những kế thừa văn hóa, nhưng sống động, đầy khát vọng, vui tươi. Rồi con sẽ có nụ cười hạnh phúc của riêng mình. Rồi con sẽ có nhiều thứ ngoài mái nhà che mưa, che nắng và những thứ giúp con no bụng. Rồi con sẽ làm tất cả những gì mà thế hệ cô đã không làm được, ngay cả khi nguyện vọng cho phép. Cuộc sống tương lai của con chính là những khát vọng tự do mà nhiều thế hệ mơ ước, và đã bị dập vùi. Trong cuộc sống ấy nếu con không được tự do, không được bay bổng, không say mê một cái gì đó thì con sẽ mang hình ảnh trái ngược với con, như thế hệ cô vậy. Rồi khi cô chết đi, con sẽ đừng ngần ngại đọc trước linh cữu cô lời ai điếu cho những người quen nhượng bộ, coi đó như một lối sống mẫu mực để rồi chỉ còn biết giơ mặt trái của mình ra mà cười thân ái với nhau, miễn sao cuộc đời của con cũng chân thành như nỗi đau khổ của con vậy.
Sau đó ít lâu chị ra nước ngoài bốn tháng để làm một công trình khoa học mà chị đang theo đuổi. Truớc khi đi chị tìm nhắn con bé mấy lần mà không sao gặp được. Dạo này nó thường xuyên biến đi vài ngày, rồi lại bất ngờ xuất hiện trước chị, vô cùng tình cảm, có khi nằm dài ra giường ngủ thiếp một giấc, tỉnh dậy lại ra đi, không nói một lời, cũng chẳng hẹn khi quay lại. Mấy tháng ở bên kia chị có viết thư cho nó nhưng không được trả lời. Đôi khi chị thoáng chạnh lòng vì sự lạnh nhạt khó hiểu của nó. Nhưng rồi tình yêu lạ lùng của chị dành cho con bé vẫn lớn hơn hết tất thẩy. Và, con bé như miếng bọt biển hút hết cả tâm hồn lẫn tình cảm của chị.
Ngồi trên máy bay trở về, chị cố hình dung vẻ mặt con bé ra sao khi nhận những món quà chị đã lựa chọn kỹ càng để tặng nó. Đơn giản là chị mong được nhìn thấy gương mặt tươi vui thanh xuân mà không bao giờ chị có lại nữa. Vậy mà suốt mấy ngày chị không thể tìm được nó. Đứa em trai cũng không biết nó đi đâu. Rồi chị phải đi dự hội nghị ở một tỉnh vùng biển, sau khi viết lại mấy chữ. Đại để chị rất nhớ. Và mong được gặp nó.
Chị trở lại đúng vùng biển nơi chị đã gặp và yêu anh. Buổi chiều rỗi, chị tách khỏi nhóm đồng nghiệp để lang thang một mình trên bãi biển. Dù không muốn nhưng chị vẫn cảm thấy lòng mình bồi hồi một nỗi nhớ, nỗi nhớ mà chị đã quên sau sự ra đi của anh. Không hẳn là nỗi nhớ anh. Chị chọn một cồn cát nhỏ và nằm dài ra. Về chiều, con nước ròng đã lên, sóng dịu lại và biển thôi gào thét. Gió vẫn ầm ào thổi từ khơi xa vào, mang theo cái vị của lòng sâu đại dương tưởng như mặn mòi ngay đầu lưỡi. Nhớ hồi còn bé, lần đầu tiên ra biển, chị đã vốc nước biển lên để nếm. Chỉ nếm cả những hạt mưa rào bất chợt tới làm cả mặt biển khổng lồ như bị rỗ hoa. Chị nếm cả những hạt cát lầu bầu khó chịu dưới những bước chân. Chị đứng giang tay, dang tay, há miệng thè lưỡi nếm cả những đượt gió trong lành thổi từ chần trời nghiêng soi làm dáng xuống mặt biển.
Cô bạn gái cùng đi nhe hàm răng sún ra cười, bảo chị đúng là một con dở hơi, khi chị cam đoan gió biển cũng mặn như miếng cá kho vậy. Sau cuộc đi chơi biển đầu tiên ấy, cô bạn gái của chị chưa kịp thay răng mới thì đã bị chết trong một trận bom. Chuyện đã xẩy ra hơn ba mươi năm, nhưng mỗi lần đứng một mình trên bãi biển vắng, chị cảm giác như vẫn còn nghe thấy tiếng cười như nắc nẻ của cô bạn, khiến chị đôi lúc phải nhìn quanh quất tìm một bóng người.
Chiều muộn, con nước ròng viên mãn nằm thở rì rầm, khoan khoái. Mặt biển tự sưởi ấm mình bằng cách cuộn vào lòng sâu của nó những tia ráng chiều rực hồng cuối cùng. Đã đến lúc phải rời bãi biển. Chị cảm thấy lòng lâng lâng dễ chịu.
Chị bỏ bữa cơm hội nghị đặt sẵn ở một khách sạn lớn và đến một nhà hàng xinh xắn, khuất nẻo nằm cạnh hàng dừa sát bờ biển, tìm một góc kín đáo để ngồi. Đang mơ màng chờ món ăn mà chị đã gọi thì bị đánh thức bởi tiếng con gái cười khúc khích.
Tiếng cười nghe quen lắm làm chị phải nhìn ra. Và thấy cả một đêm tối đổ ập ngay trước mặt mình. Con bé mặc một chiếc váy ngắn ngang đùi, áo dây hở từ ngang ngực trở lên, lộ ra cái cổ cao gầy mảnh khảnh. Nó vừa đi vừa cười, đầu tựa vào vai người đàn ông mặc quần sooc và chiếc áo phông mỏng lộ rõ vồng ngực căng. Người đàn ông ấy chính là anh, người mà vừa mới đây thôi còn từ ký ức về với chị trong niềm mến thương dịu ngọt.
Vào đến giữa phòng, con bé dường như linh cảm thấy điều gì bèn ngoảnh lại. Ánh mắt nó chạm vào cái nhìn đờ đẫn của chị, mặt tái đi, sững sờ. Anh còn đang mải tìm một chỗ ngồi ưng ý nên không biết đến cái điều khủng khiếp đang xẩy ra. Chị vội vàng đứng dậy, đi vào trong bếp hấp tấp trả tiền cho món ăn mà chị đã gọi nhưng chủ nhà chưa làm xong, xin lỗi rồi theo lối cửa sau bỏ về khách sạn.
Có lẽ cho đến lúc này, đó là đêm khủng khiếp nhất trong đời chị. Những gì chị tin yêu nhất đã tuột ra khỏi tầm tay. Chị đã tưởng cứ mỗi ngày cố làm một cái gì đó để ngày hôm sau sẽ tốt hơn ngày hôm qua, nhưng mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Hay chị đã rời bỏ nó từ khi nào mà chính chị cũng không biết nữa? Có lẽ nào chỉ vù muốn mang hạnh phúc đến cho nó, nhưng cái cách chị theo đuổi hạnh phúc lại quá vụng về đến nỗi chỉ đem lại phiền muộn. Chị làm cho mọi việc trở nên đổ nát ư? Có lẽ chị đã lê chân xuống vực sâu để sống cuộc đời như cỏ cây mặc người đời xéo nát? Sự thể này kéo dài bao lâu rồi?...
Đêm ấy chị ngồi trong bóng tối căn phòng, hút hết một bao thuốc lá, nhìn ra biển, chúng kiến cảnh bình minh vẽ phủ lên nền đêm đen mầy vàng nắng, thấy cô đơn khủng khiếp.
***
Cũng khá vất vả chị mới trở lại được cuộc sống như trước đây. Trước khi có con bé. Trước khi có anh. Tất nhiên chẳng thể như ngày xưa, nhưng mà cuộc sống chưa bị rắc rối do những nỗi thống khổ, cô đơn và sợ hãi sinh ra. Nhưng ít ra vào những đêm không ngủ hiu quạnh, muộn phiền, chị không còn khao khát hơi ấm của con người, một giọng nói dịu dàng, một tiếng thở dài êm ái... Chị không còn ước mơ lấy lại những gì đã mất, những cái chị đã tưởng nắm tay trong vĩnh viễn. Cũng chẳng thể nào lấy lại được, mà có thì chỉ là những mảnh vỡ. Cuộc sống vẫn đang chuyển động, chị bằng lòng dừng lại ở bến bờ của riêng mình. Bây giờ chị có thể dạo chơi một mình ngoài đường, hòa vào đám người hạnh phúc, và thiên hạ nghĩ rằng chị cũng là người hạnh phúc như họ. Trong nhật ký của chị, trang cuối cùng chị viết rằng: Ngày 10 tháng 04 đã đạt được hiệp ước hòa bình có tính lịch sử ở Bắc Ai Len, sau cuộc thương lượng khó khăn kéo dài 21 tháng. Nhờ nó mà chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba thập kỷ qua ở Bắc Ai Len. Ngày 10 tháng 04, lực lượng nổi dậy Hutu ở Ruanda đã giiết chết 53 thường dân, và làm bị thương 31 người khác. Ngày 10 tháng 04, cơ quan vũ trụ Châu Âu thông báo, một nhóm các nhà thiên văn học Mỹ đã phát hiện một khối lượng nước tập trung trong một đám mây. Lượng nước này nhiều gấp một triệu lần số nước có trên trái đất, có nghĩa là có khả năng đổ đầy vào đại dương 60 lần trong một ngày. Ngày 10 tháng 04, mình dời bãi biển về, có lẽ cho đến cuối đời, không bao giờ trở lại nơi đấy nữa... Mình tự ký hiệp ước đình chiến với cuộc đời mình... chị không viết thêm một dòng nào nữa sau đó. Chị cất quyển nhật ký vào nơi thật cao trên giá sách, nơi không để ý tới và rất khó lấy.
Chiến tranh, chém giết, chia ly, phản trắc... Cuộc đời là vậy đấy! Biết làm sao được khi bất trắc rủi ro hay hạnh phúc không chia đều cho mọi người theo luật bình đẳng. Người nào chống đối lại nó là chống đối lại chính bản thân mình, như nguời mù chống lại đêm tối. Chị học cách thu mình nhỏ nhất trong cuộc sống hiện tại. Và để mình không trở nên nhàm tẻ, đơn điệu với chính mình, chị năng đi chùa, việc trước đây chị chưa từng làm.
Vài lần con bé tìm cách gặp chị nhưng chị đã cương quyết từ chối. Có lần nó đến trước cổng nhà chị bấm chuông và chờ đợi. Chị tắt đèn rồi đứng trong bóng tối căn phòng nhìn ra, dửng dưng thấy nó co ro trong sương lạnh, ủ rũ như một cây non cô lẻ. Chị thấy mình không còn đủ sức để mà xúc động nữa. Cả những tầng văn hóa mà chị đã được dậy dỗ từ nhỏ, được học hành cũng không khêu gợi được lòng trắc ẩn đã bị vùi sâu trong sự tự ái và khinh bỉ. Con bé đứng như thế rất lâu và chỉ ra về khi thành phố chìm trong tiếng thở dài của ngọn gió đang rong ruổi trong những vòm lá trùm lên các ngôi nhà câm lặng như nấm mồ.
Nhưng sự bình thản hoặc chị tưởng như thế, kéo dài không lâu. Chị hay tự thanh minh cho mình mỗi khi tìm cớ đi ngang qua phố nhà nó, mắt kín đáo nhìn vào ngõ nhỏ, hồi hộp mỗi khi thấy bóng dáng nào mảnh mai thấp thoáng ở lòng sâu con ngõ. Đêm đêm chị hay bắt gặp mình nhìn chiếc điện thoại thường reo lên vào giờ muộn, lúc con bé trở về nhà sau một ngày bộn bề công việc. Rồi chị mất ngủ triền miên, hút thuốc lá và uống rượu nhiều hơn, những ly whisky không thèm pha chế. Càng uống chị càng tỉnh, càng nhớ con bé. Khi mọi nỗi niềm cay đắng đã vơi cạn, những triều cảm xúc hung bạo đã lắng xuống, chị chợt thấy sự thiếu vắng này còn khủng khiếp hơn nỗi oán hận chị đã dành cho nó. Vào một đêm tháng Chạp lạnh tưởng chừng như đông được cả gió, chị thấy bồn chồn không yên, máu như dồn cả về tim, và gió như gào thét trong im lặng rợn người. Chị ra vườn, ngồi xuống chiếc ghế mây, trước đây thường ngồi chơi với nó trong đêm trăng đẹp, thu mình trong chăn dạ mỏng. Trong đêm tối sâu thẳm của lòng mình, chị cố gắng lê bước để tìm cái ánh sáng nguyên sơ mà con bé đã soi rọi vào cuộc đời chị. “Dù thế nào cô vẫn yêu và tha thứ cho con chứ?” Nó đã từng nói với chị như vậy. Và chợt hiểu rằng, chị đã không sao quên được những gì đã qua, nhưng từ miền bao la của tình mẫu tử chị đã tha thứ cho nó.
Chị vùng dậy đi như chạy vào nhà, chân vấp phải bậu cửa đau điếng, cầm ngay máy điện thoại, ngón tay run rẩy ấn bẩy con số mà nhắm mắt chị vẫn có thể làm được. Gặng hỏi mãi đứa em trai mới thú nhận với chị rằng chị nó nằm viện đã hơn tuần nay.
Hôm sau chị đến bệnh viện từ rất sớm. Con bé trân trân nhìn chị. Trong mấy giây ngắn ngủi ấy, cả hai như sống lại trọn vẹn quãng đời đẹp đẽ từ khi có nhau. Chị ngồi xuống bên nó, cầm bàn tay xanh xao nhỏ nhắn lên kẹp chặt giữa đôi tay lạnh giá của mình. Đôi mắt đỏ rực long lanh. Có lẽ nó đang cố gắng để không khóc, hoặc nó không còn đủ sức để chắt ra nhưng giọt lệ đang khô kiệt dần.
- Cô.
Nó cất lên đúng một tiếng bằng cái giọng run rẩy nhưng cũng để cho cõi lòng chị tan chảy ra.
- Con làm sao thế?
Chị không nghe thấy giọng nói của mình. Nó trào dâng trên con sóng của nỗi niềm thương sót đang cuồn cuộn chảy trong tim chị.
- Con không sao đâu. Cô đừng lo.
Con bé cố mỉm cười. Nụ cười giữa cặp môi khô nhạt dường như choán hết gương mặt héo xanh, chìm lún trong chiếc gối mầu cháo lòng nhầu nhĩ.
- Con nhớ cô biết bao! Đêm nào con cũng nghĩ về cô và mơ thấy cô.
Nước mắt chị bỗng trào ra. Chị cầm bàn tay nó áp vào má mình, thổn thức.
- Cô cũng nhớ và yêu con vô cùng.
- Con biết mà!
Nó cười rạng rỡ. Chị nhìn thấy đứa trẻ hạnh phúc vừa mới chào đời trong cái cơ thể ốm yếu, gầy guộc kia. Một ý nghĩ giống như tia chớp rạch ngang tâm trí chị. Chị sẽ chiến đấu bằng cả tình yêu và cả nỗi đau đớn của mình để đứa trẻ hạnh phúc kia được lớn lên, không mang trong nó dấu ấn một tiền kiếp khủng khiếp đã qua.
Gần như cưỡng bức, chị đưa con bé ra khỏi cái bệnh viện nặng mùi và đầy những tiếng gắt gỏng chao chát của những bóng blu trắng để đến nhà nghỉ cạnh cái hồ lớn ăm ắp ngay cả vào mùa khô. Buổi sáng chị đưa nó đi dạo trên triền dốc đồi thông để đón tia nắng đông đầu tiên hiếm hoi. Buổi trưa chị bắt nó ăn những món ăn chị đặt riêng cho nó. Buổi chiều cả hai ra ngồi ở hàng hiên nhà nghỉ, nhìn ra mặt hồ lặng nghe tiếng mây trôi. Rồi chị đọc truyện cho nó nghe. Con bé thiu thiu ngủ trong hoàng hôn đang trườn tới chậm chạp từ rặng núi mờ xa phía trời tây. Chị lo lắng ngắm nhìn gương mặt con bé thấp thoáng vài nếp nhăn mờ như sương nơi khóe miệng – những dấu vết oan nghiệt mà nó vay mượn trước từ cuộc đời.
Tuần lễ sau, tâm trạng con bé có vẻ phấn chấn hơn. Nó bắt đầu đùa nghịch với mấy đứa trẻ ở nhà nghỉ với những trò chơi mà nó bầy ra. Nhiều lúc chị phải bật cười bởi những trò tinh quái của nó. Một lần nó ôm lấy, dụi đầu vào ngực chị thầm thì:
- Cô ơi, ước gì cứ mãi mãi thế này nhỉ?
- Nếu con muốn thì sẽ là như thế.
Chị hôn lên đầu nó và nói âu yếm. Nó buông chị ra, lắc đầu, khe khẽ nói:
- Nhưng mọi chuyện đã quá muộn rồi!
- Con hãy quên những chuyện đã qua đi. Con hãy gỡ ra khỏi đầu như một sợi rơm vướng trên tóc ấy.
Nó chỉ lắc đầu không nói gì thêm.
Hai hôm sau, vào buổi chiều nắng sánh vàng như mật ong từ đất ứa ra, nó rủ chị lên tận đỉnh đồi thông, chọn một bãi cỏ gấu ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh nhưng chẳng để tâm vào một vật gì cụ thể, và cứ nuốt khan mãi... Chị nhìn nó, hỏi:
- Con muốn nói chuyện gì phải không? Nếu là chuyện kia thì cô không nghe đâu.
Nó lắc đầu. Chị kiên nhẫn chờ đợi. Mãi lúc sau mới lên tiếng, tuồng như khó khăn lắm mới lựa chọn được lối ra khi đứng trường những ngả đường tăm tối.
- Cô biết vì sao bố con bị chết không?
Chị nắm bàn tay nó bóp nhẹ.
- Không, cô không biết và cũng không muốn biết. Mà con cũng cố quên đi.
- Con muốn thế, nhưng con không thể. Nếu con quên thì có nghĩa con đã vong ơn bố con.
Và nó kể. Như kể chuyện của ai đó, không can hệ đến nó.
Khi ở bên Nga, bố nó làm ăn với một người bạn mới thân từ khi sang đó vì cùng làm nghiên cứu sinh ở một trường. Mới đầu họ đánh hàng từ Matxcơva đi các tỉnh xa vùng Xibêri. Khi đã có chút vốn kha khá, họ chuyển sang buôn dollar. Sau một thời gian số tiền họ có trong tay không phải là nhỏ. Một lần bố nó đi mua số lượng lớn dollar từ thành phố Petrigo lên Matxcơva để bán. Đáng lẽ người bạn đi cùng chuyến này, nhưng có chuyện đột xuất nên đành ở lại. Công việc hoàn tất, trôi chảy, bố nó trở về Matxcơva. Vừa tới sân bay Vnukovo thì có hai thanh niên lịch sự mặc bộ comple đắt tiền đến bên bố nó và nói:
- Anh có phải là anh Khang không?
- Vâng, tôi đây.
- Chúng tôi là nhân viên sứ quán được lệnh mời anh về trụ sở làm việc.
Bố nó hốt hoảng hỏi lại:
- Nhưng chuyện gì chứ? Tôi có làm gì nên tội đâu?
Hai thanh niên ép sát hai bên không cho bố nó nhúc nhích.
- Chúng tôi nghi anh có liên quan đến một vụ việc quan trọng, anh cứ đi theo chúng tôi. Nếu không có chuyện gì chúng tôi sẽ thả anh ra ngay.
Bố nó miễn cưỡng theo hai thanh niên lên chiếc xe ô tô mầu đỏ. Một người lái, còn người kia ngồi ép sát bố nó ở ghế băng đằng sau. Chiếc ôtô đi vào thành phố, loanh quanh khá lâu đến chập tối thì dừng lại trước một khu phố lạ. Hai thanh niên ròng bố nó vào một thang máy. Khi cửa thang máy đóng lại, một tên rút khẩu súng ngắn ra dí sát vào thái dương bố nó dọa:
- Muốn sống thì nôn dollar mà ông vừa mua ở Pêtrigo ra đây.
Không đợi bố nó phản ứng, một tên luồn tay vào trong chiếc pantô to sụ lôi ra những tập dollar dầy cộp. Bố nó quá sợ hãi không nói nổi một lời, mặc chúng hành sự. Trước khi rút đi, chúng ném lại mấy đồng ruble đủ để bố nó đi về nhà với lời đe dọa:
- Nếu ông là người khôn ngoan thì đừng có kêu, và đứng trong này đợi chúng tôi đi khỏi đây mười phút thì hãy đi.
Bố nó bàng hoàng làm theo như thể người bị điểm huyệt. Nhưng bố nó không về nhà mà đến thẳng căn hộ của người bạn thuê với cô bồ, kể lại mọi chuyện. Sau phút giây sững sờ, người bạn bắt đầu lồng lộn, căn vặn bố nó đủ điều. Mặc dù bố nó quỳ xuống thề thốt, người bạn vẫn không tin và cho rằng bố nó đã bầy ra trò trấn cướp kia để chiếm giữ số tiền. Anh ta như phát điên lên. Ngay lập tức lệnh cho cô bồ sang ở nhờ nhà bạn và gọi thêm hai người bạn tới. Họ khóa trái căn hộ và bắt đầu tra tấn bố nó để phải khai ra nơi giấu số tiền kia. Bố nó chỉ biết khóc và van xin người mấy phút trước đây còn là bạn. Nhưng con người anh ta chỉ còn là nỗi căm giận ngùn ngụt. Anh ta trói bố nó lại, lấy can nhựa đốt nóng chảy để từng giọt nhựa nhỏ từ từ xuống người bố nó. Khắp người bố nó đầy những vết bỏng nhựa. Hai đầu vú bị rụng ra. Bố nó kêu gào, khóc lóc, van xin, thề thốt cho đến lúc kiệt sức ngất đi. Bọn họ ngồi uống bia chờ bố tỉnh lại và tiếp tục màn trình diễn mới cho đến tận sáng. Mấy ngày liền bố nó bị nhốt trong căn hộ. Gần như bị bỏ đói khát. Rồi lại bị đánh đập đến lúc không còn sức để kêu xin nữa. Một hôm bọn chúng bỏ đi đâu đó sau khi đã kiểm tra chắc chắn là bố nó không thể vượt ngục, cũng không thể gọi cầu cứu ai được.
Kể đến đây con bé chợt dừng lại. Nó nuốt khan hàng mấy phút liền. Dọc chiếc cổ mảnh mai, những sợi gân xanh nổi lên chằng chịt. Chị chết lặng không dám nhúc nhích như sợ chạm phải một người điên đang lên cơn.
- Rồi sau đó...
Giọng khản đặc tựa có cái gì kéo tụt lưỡi vào trong. Chi ôm nó van vỉ:
- Thôi cô hiểu rồi, con đừng kể nữa...
Con bé không nghe thấy gì, không còn cảm thấy gì xung quanh nó cả. Chỉ còn kí ức đau đớn đang đốt cháy nó thành hòn than rực lửa căm hờn. Đúng cái ngày bọn người kia không có nhà thì một băng cướp "đầu đen" phá khóa ập vào căn hộ. Chúng tra khảo bố nó chỗ giấu tiền vì nghĩ bố nó là chủ nhà. Tất nhiên bố nó không thể làm gì hơn ngoài mấy lời phân trần và sau đó im lặng. Chúng lục tung khắp ba căn phòng không tìm được một đồng kopech nào. Trước khi rút đi, chúng giận giữ trói bố nó vào lò sưởi. Đang mùa đông lò sưởi lúc nào chả bỏng dẫy lên. Quần áo phơi vài tiếng còn khô cứng như gột hồ mấy lần. Mấy ngày sau khi bọn người kia về thì bố nó chỉ còn như quả táo sấy quá lửa. Đôi môi tựa như hai chiếc lá mỏng cuốn chặt lại, hàm răng nhe ra, đôi mắt trợn trừng như đang cười, nụ cười lố bịch trêu ngươi. Sau đám tang một thời gian, mẹ nó mới biết được sự thật về cái chết đau đớn của bố nó. Chính cái tên đã báo cho bọn trấn cướp tiền ở sân bay vẫn thường xuyên buôn bán với họ, nhưng vì không được tra công thích đáng bèn phun ra với mẹ nó những chuyện đã xảy ra. Nó tình cờ nghe được câu chuyện khi đứng nấp sau cánh cửa. Mẹ nó không chịu nổi sự thật đó nên đã đổ bệnh. Rồi một chiều chị rơi từ gác tư xuống đất. Người thì bảo mẹ nó tự tử, người thì bảo rằng đó là một tai nạn. Trước khi chết mấy hôm, mẹ nó buột miệng nói cho nó biết người bạn quý hóa của bố nó là ai. Đó chính là anh, người tình một thủa của chị....
- Không... không thể như vậy được.
Chị ôm đầu kêu rống lên như con thú bị trúng đạn. Đến lúc này nó là người an ủi bằng cách ôm lấy, ngả đầu vào bờ vai chị đang rung lên như một người kinh giật.
- Hôm ấy con và mẹ con đến nhà một người quen để lấy ít tiền mà người đó còn vay của bố con trước đây. Nhưng khi bước vào nhà, một người khách đàn ông xoay lưng ra ngoài cửa quay lại nhìn hai mẹ con con, nụ cười còn dính trên môi, mẹ con kêu lên một tiếng, mặt nhợt nhạt như sắp ngất rồi lảo đảo chạy ra. Con sợ hãi đỡ lấy mẹ thì nghe mẹ thều thào như lời trăng trối của người sắp chết: "Nó đấy... cái kẻ đã hành hạ bố con đấy." Khốn nạn hơn nữa, ông ta đã kịp đến trước để lấy đi số tiền ít ỏi mà bố con để lại. Con làm sao quên được gương mặt quỷ sứ ấy.
Những hạt cát của lòng căm thù đã được góp nhặt từ giây phút ấy, và qua năm tháng đã biến cuộc đời con bé thành sa mạc khô cằn, không có nổi giọt nước mát ngọt của tình yêu và sự thanh thản.
- Trong đời, con đã chứng kiến cái chết của người anh họ vô cùng thân thiết, gắn bó với tuổi thơ con. Anh ấy bị bệnh máu trắng. Những ngày sắp chết khắp người anh ấy nổi những cục bầm tím khiến người anh như chùm quả bồ quân chín mọng. Con sợ không dám đến gần, không dám động vào người anh ấy. Nhưng sau này lớn lên, cùng với năm tháng, kỷ niệm về cái chết ấy chỉ càng làm cho con thấy cuộc đời mà con đang có hạnh phúc biết bao. Và mỗi lần nghĩ lại, con chỉ nhớ đến khuôn mặt trắng trẻo đẹp trai, thân hình mảnh khảnh đáng yêu của anh ấy. Nhưng cái chết của bố con lại khiến con không sao hình dung nổi gương mặt, dáng điệu, nụ cười vui sống trước đây của ông nữa.
Trong tâm trí con chỉ luôn có cái chết khủng khiếp, vắt kiệt từng giọt nhựa sống thật chậm chạp, từng phút từng giây, đùa cợt với mạng sống của con người như cách bố con phải chịu đựng. Ngoài ra không còn cái gì khác. Con thề rằng bố con đã phát điên lên vì tuyệt vọng, vì sợ hãi trước khi cuộc sống lìa bỏ khỏi cơ thể ông. Dù không muốn con luôn phải là kẻ đồng hành với cái chết ấy.
Chiều muộn đã dâng lên chân đồi. Mặt hồ như tấm vải tang đen phủ lên mặt đất. Và gió lạnh từ lòng sâu đất ẩm thổi bốc lên làm đám bụi ven hồ tóa ra thành một quầng thâm nhạt. Chị bỗng thấy ớn lạnh và sợ hãi. Chị muốn được về nhà nghỉ, uống một chén trà mật ong nóng, may ra có thể làm tan đi nỗi kinh sợ đang vón cục trong lòng chị. Nhưng con bé vẫn ngồi im, và tiếp tục câu chuyện như đã học thuộc lòng.
Khi biết người đàn ông kia về nước, con bé cũng quyết định mang đứa em về theo. Để làm gì, chính nó khi ấy cũng không biết nữa. Nhưng nó không muốn anh ta vuột khỏi tầm mắt. Nó tự nguyện thành cái bóng của anh ta. Mấy năm trong nước, vì phải vật lộn mưu sinh để nuôi em, lại phải học hành, và chăng trong nó vẫn còn chút tính hay quên của trẻ con nên câu chuyện kia thảng lúc bị nguôi ngoai đi. Nhưng khi biết anh ta chính là người tình của chị thì bao nỗi căm giận, oán hờn, bao nỗi đắng cay tủi nhục sau cái chết của bố mẹ nó nổi lên như một trận cuồng phong, cuốn tung đi tất cả sự bình yên tưởng như đã đến với nó.
- Tại sao tất cả những gì con yêu thương nhất trên đời đều rơi vào tay ông ta? - con bé nói, gương mặt bừng bừng sát khí - Ông ta là quỷ dữ hiện thành người để sâu xé cuộc đời con sao? Không, con không cho phép....
Có những nỗi đau đớn, có những lòng căm thù dần dần theo năm tháng sẽ bị sự xâm lãng của sự lãng quên. Nhưng cũng có khi nó lại tựa thứ quả cần phải thời gian để chín tới. Bất hạnh cho con bé là định mệnh đã đẩy nó đến đỉnh cao của lòng căm thù, rồi để mặc nó đơn độc ở đó, tự nó phải rút gươm ra khỏi bao để chống lại loài quỷ dữ. Con bé không đầu hàng. Chớp lấy thời cơ, nó bắt tay vào thực hiện kế hoach của chính mình. Anh ta có cô con gái út học không được giỏi cho lắm nên phải đi tìm gia sư. Anh ta không thể nhận ra nó, sau chừng ấy năm, giờ nó đã thành một thanh nữ xinh đẹp. Với sự khéo léo và hình thức dễ coi, con bé nhanh chóng được ông chủ chấp nhận với mức lương cao hơn bình thường. Tai họa cũng bắt đầu từ đấy mà anh đâu có thể lường được. Chẳng khó khăn gì con bé đã trói được anh trong vòng tay của nó. Cuộc chia tay với chị cũng vì lý do này, mà anh ta cứ loanh quanh nói về vợ con, công việc, sự dằn vặt phải dối mọi người đến chị cũng phải ngẩm nghe mãi... Chính buổi chiều con bé mời chị đến nhà ăn cơm là buổi hẹn hò đầu tiên nó dành cho anh ta... Tối ấy nó quyết định sẽ dâng hiến tấm thân trinh nữ để đổi lấy lòng tin yêu. Với những người đàn ông đã quen thói chiếm đoạt thì chuyện này dễ như bứt ngọn cỏ. Bởi thế nó làm bữa cơm xin bố mẹ tha thứ và thầm hứa sẽ trả thù cho họ. Nó cũng thầm xin chị bỏ qua, nhưng lúc ấy chị làm sao hiểu được.
Khi anh ta tựa như con ngựa bị bịt hai bên mắt, chỉ còn biết tung vó phi nước kiệu theo ngọn roi quất của con bé, thì nó khéo léo để lộ cho vợ anh ta biết, kích thích lòng ghen tuông thành lòng căm hận người chồng bội tình. Sự mù quáng đã đẩy chị ta đến hành động thô bạo và quyết liệt. Chị ta đến gặp cấp trên của chồng, nói hết những thủ đoạn trong công việc mà chồng trót hé lộ lúc trên gường và tố cáo cuộc sống trụy lạc, bê tha của chồng. Ngay sau đó, việc xem xét đề bạt lên một chức vụ béo bở của anh ta bị dừng lại. Lúc này con bé luôn bên cạnh anh, vuốt ve, trấn an để anh ta nghĩ rằng, anh ta không hề đơn độc và một cuộc sống mới hạnh phúc đang chờ đợi mình. Tuổi trẻ, sắc đẹp, trí thông minh và vẻ quyến rũ chết người nảy sinh từ lòng căm thù khiến con bé chiến thắng.
Anh ta đồng ý để lại ngôi biệt thự sang trọng cho vợ và hai cô con gái. Gom nhặt toàn bộ những đồng vốn cuối cùng, anh ta mua một căn nhà khác để con bé đứng tên, sau khi đưa nó đến bệnh viện để xác định là nó mang thai thật. Khi mọi giấy tờ nhà cửa trong tay, con bé thản nhiên nói lời chia tay, mặc anh ta van nài, cầu xin như mất trí mà không một lời giải thích. Nó lạnh lùng chấp nhận hình ảnh con bé trơ trẽn đào mỏ trong mắt những người quen của hai người. Bởi cho đến lúc này, nó đã sống mấy cuộc đời, đã làm mấy con người trong hình hài nhỏ nhắn kia, thì thêm hình ảnh một con người khác nữa phỏng có điều gì tệ hại hơn đâu... Sau đó nó đến một cơ sở y tế tư nhân để nạo thai. Không may cho nó, tay bác sỹ ba hoa thất nghiệp kia đã làm thủng dạ con, khiến nó phải vào bệnh viện cấp cứu và bị cắt đi toàn bộ dạ con. Đó chính là lúc chị đến với nó, rồi đưa nó tới đây.
- Con đã không chịu nổi với ý nghĩ hằng đêm cô sẽ ở bên con người độc ác, đê tiện và giả trá ấy, âu yếm vuốt ve và làm cho hắn ta thỏa mãn. Trên đời này con chỉ còn đứa em trai và cô là người thân yêu nhất, vậy mà hắn ta vẫn không buông tha. Con phải kéo cô ra bằng được cái con quỷ dữ ấy. Cô hiểu và tha thứ cho con chứ?
Chị kéo nó vào lòng, vỗ về như đang bế ru một hài nhi. Nước mắt chẩy trào trên gương mặt, chị thổn thức:
- Ôi.. con gái bé bỏng và dại dột của tôi!
Con bé dụi đầu vào ngực chị, gọi khe khẽ:
- Mẹ!
Chị áp chặt mái đầu nó vào giữa hai bầu vú đang căng cứng của mình như thể cho nó bú mớm. Chưa từng sinh nở, nhưng lúc này chị cảm thấy rõ ràng sự mệt mỏi rã rời như vừa mới trải qua cơn vượt cạn đau đớn để cho đời một đứa con mà chị hằng mong đợi. Tột cùng đau khổ nhưng lại vô cùng hạnh phúc khi được sưởi ấm một sinh linh khác mà phải khốn khổ lắm mới dành được cho mình. Chị muốn vỗ về, hát cho nó nghe những bài hát ru mà hồi bé mẹ thường ru chị... nhưng đã không thể...
- Mẹ ơi... Đừng bỏ con!
Mơ hồ chị nghe lời thì thào trong tiếng gió. Tưởng con bé nói với mình, chị cúi xuống nhìn gương mặt trắng mờ trong bóng tối. Đôi mắt khép chặt. Nó đã thiếp đi từ khi nào. Chị vuốt nhẹ mái tóc mềm mại của nó xõa đầy trên cánh tay chị. Không dám động cựa mạnh vì sợ nó tỉnh giấc, chị ngồi lặng nhìn bầu trời đêm đầy sao. Ước gì có thể biến giấc ngủ của nó thành giấc ngủ ngọt ngào thủa nó mới chào đời, bay qua cuộc đời nhọc nhằn đau khổ, để tỉnh dậy nó sẽ là cô gái tràn đầy hạnh phúc, sẵn sàng bước bước chân đầu tiên trên con đường đi tới tương lai tươi sáng chỉ dành riêng cho chúng. Chị mong giờ đây rồi mọi việc sẽ thay đổi, ký ức tràn đầy đau thương của con bé sẽ được gió cuốn đi như những đám cỏ lông chông lăn vô tư trên cát. Con bé sẽ được sống trong những vòng tay yêu thương, nó sẽ trở lại trinh nguyên như ngày nào và bao nhiêu ước mơ tàn lụi trong nó sẽ lại được nở hoa...
Hai tháng sau, khi em trai nó tốt nghiệp đại học, nó nói với chị là sẽ đưa em trai vào Sài Gòn xin việc vì người bạn của bố nó hứa sẽ giúp đỡ. Trước khi đi, ba cô cháu làm một bữa cơm chia tay. Hôm đấy con bé vui lắm. Nó bảo rằng lời hứa với mẹ đã làm xong và nó không còn phải ân hận điều gì. Chị còn vui hơn con bé vì thấy chiều cảm xúc của nó đã lắng xuống, để lộ sự tĩnh tại khó mà có được ở tuổi ấy. Hỏi bao giờ ra Hà Nội, con bé bảo chưa thể biết được vì còn phải ổn định công việc và cuộc sống cho đứa em. Chị nói với nó rằng, nếu ở trong đó vui thì cứ ở trong đó đến bao giờ nó muốn, mọi chuyện ngoài này chị sẽ lo cho. Con bé hứa với chị sẽ làm đúng như vậy.
Sự thể nào có ai ngờ, phải gần hai năm sau chị mới được gặp lại nó. Suốt thời gian ấy, chị gần như phát điên vì lo lắng, lùng sục khắp nơi từ Nam ra Bắc, vậy mà vẫn không có ai biết về nó. Rồi nhờ một sự tình cờ, một người bạn đã cho chị hay...
***
Vì xe hỏng dọc đường nên chị tới vùng bán sơn địa ấy vào lúc tia nắng quái xế chiều hôm ấy xiên khoai ngang sườn núi. Tiếng chim núi cô lẻ rơi vào thinh lặng đến mức có thể nghe dòng nước chảy trong mầm cây.Khi ấy bước chân của chị âm vang như có cả đoàn người đang đi rầm rập. Chiều núi ập xuống rất nhanh.
Theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy giữa hai bờ cây rậm rạp, tới tận sát chân núi là ngôi chùa nằm dựa lưng vào sườn núi. Mái ngói rêu phong phủ kín, lại ẩn mình dưới đám cây cổ thụ, ngôi chùa như tan biến vào rừng sâu núi thẳm vây quanh. Chị thận trọng mở cánh cửa gỗ cũ mòn, ẩm ướt rêu bám xanh rì, đi vào bên trong. Không một bóng người. Gian tam bảo rộng mở, mùi khói hương dìu dịu tỏa ra...
- Nhà chùa có ai không ạ?
Chị gọi khe khẽ. Không có tiếng trả lời. Chị vào tam bảo thắp nén hương khấn Phật rồi ra ngoài sân. Giữa sân có cái hồ bán nguyệt, bên trong có vài bông hoa súng đang chúm chím nở. Phía trước có hàng cau lùn, vài cây đang độ ra quả, có chùm quả vàng rực như nhúm nắng còn vương vấn lại. Thấy có lối nhỏ bên cạnh, chị lững thững đi dạo để vãn cảnh. Lối nhỏ ấy dẫn ra khu vườn phía sau chùa. Có một bóng áo nâu đang cắm cúi dọn vườn. Chị tiến lên và cất tiếng chào.
- Xin chào nhà chùa!
Áo nâu ngẩng lên. Hai đôi mắt nhìn nhau như vừa tỉnh dậy sau một giấc hôn mê kéo dài. Chị mấp máy môi cố thốt một lời, nhưng lưỡi bị dính chặt vào hàm dưới. Con bé bình tĩnh tiến lại phía chị. Nó không cười như mọi lần gặp gỡ, mà trên gương mặt bừng sáng một niềm vui sướng toát lên từ bên trong. Chiếc áo cà sa nó mặc trên người đã bạc mầu, nhưng chiếc khăn nâu quấn trên đầu vẫn còn mới.
- Cô... Con đây mà!
Dù nó đang cố bình tĩnh nhưng giọng nói vẫn run lên. Nghẹn ngào không nói nổi một lời, chị ôm mặt khóc nức nở. Con bé khoác vai chị thầm thì:
- Con có sao đâu... Con vẫn đây mà... Đừng khóc nữa cô ơi!
Con bé dìu chị về trai phòng của nó. Căn phòng bé nhỏ, quá nỗi giản dị của kẻ tu hành, thâm u trong chiều nhập nhoạng.
- Thầy con hôm nay đi vắng, chỉ mình con ở nhà. Đêm nay cô ở lại đây với con. Lâu rồi con không được ở bên cô, cô nhỉ!
Nó thủ thỉ, rồi nó rót cho chị cốc nước vối lớn. Trong lúc chị nhấp từng ngụm nước nóng hổi, nó ngồi bên, vén sợi tóc ướt xòa trên mặt chị thật dịu dàng. Không chịu nổi chị lại thổn thức...
Lát sau đợi chị bình tâm, nó xin phép vào bếp nấu cơm. Chị cũng vào theo, không muốn rời nó một phút nào.
- Hôm nay con đãi cô món xu hào kho tương nhé - Nó lấy ra mấy củ xu hào trái vụ nhỏ như nắm tay nằm lăn lóc trong góc bếp.
- Để cô gọt cho. Món này cô chỉ được ăn hồi mẹ cô còn sống. Bà rất thích ăn những món nhà chùa.
- Con nhớ lúc nhà con còn nghèo, mẹ con thường chưng mẻ với cà chua để ăn cơm. Mới đầu hai chị em con khóc không chịu ăn, sau thấy ngon lại tranh nhau ăn. Thỉnh thoảng mới có thịt kho mặn, nếu ăn nước thì phải dành cái cho ngày hôm sau. Có lần em con thèm quá không chịu nổi, bèn ăn trộm một miếng thịt. Con mách mẹ, thế là em con bị đánh. Bây giờ nghĩ lại còn thấy thương em quá.
Rồi nó kể cho chị nghe phần kết của câu chuyện, những việc nó đã làm khi ở nhà nghỉ về. Con bé bán ngôi nhà mà nó đứng tên. Phần lớn số tiền ấy, nó đem tặng mấy trại trẻ mồ côi, tàn tật, số còn lại cúng vào các chùa chiền, nơi mà trước đây mỗi khi buồn phiền nó thường hay lui tới. Tất cả những nơi này nó đều không để lại tên tuổi. Nó tự xóa mình trong cuộc đời này. Một phần trong số đó, cộng với số tiền bán căn hộ, nó mua cho đứa em một ngôi nhà nhỏ ở Sài Gòn để lập nghiệp. Còn nó, nó chỉ mang theo đúng một bộ quần áo cũ nhất, hai tấm ảnh bố mẹ vào đây.
- Con chỉ lấy lại khoản tiền đúng bằng số tiền mà ông ta nhẫn tâm cướp đi sau cái chết của bố con, khiến ba mẹ con con lao đao mất một thời gian.
Chị không bàn luận, không phán xét những việc nó đã làm, chị bảo:
- Nhưng con còn trẻ quá, đây không phải là chỗ của con. Hãy nghe cô, về ở với cô nhé? Cô cũng rất cần con mà.
Con bé khẽ cười, lắc đầu:
- Bây giờ đối với con không còn chỗ nào tốt bằng chỗ này. Con muốn dành thời gian còn lại để chuộc những tội lỗi mà con đã gây ra. Con cũng đã đưa bố mẹ con về đây. Con sẽ đượcc ở bên hai người suốt đời.
- Con đã liệu đúng sức mình chưa? - Chị cố vớt vát.
- Nhưng chính cô cũng biết rồi đấy, ở ngoài kia không còn chỗ nào dành cho con cả, hoặc cũng có thể có, nhưng còn là gánh nặng của sự dằn vặt thì ai mang giúp con đây, mà con thì không đủ sức để gánh nó nữa rồi.
Chị hiểu rằng con bé không căm ghét con người, cuộc đời này cũng không, nhưng nó bị trôi trượt ra khỏi đó và thuận tình với sự trượt trôi này, không cố gắng bám víu vào nữa. Đến lúc này chị mới thực sự mất nó và mất vĩnh viễn. Chị đã không làm được gì cho nó, đành bất lực nhìn số phận cướp nó khỏi tay chị như nắm cát vuột qua những kẽ tay rơi xuống mặt đất đầy sỏi đá. Thường thì người ta mất những thứ quý giá vào lúc tưởng mình đang nắm chắc trong tay. Nhưng thực ra chị đã bao giờ có con bé đâu, khi chính nó tự xóa bản thân mình mỗi ngày, như sóng biển xóa vết chân trên cát. Thôi đành cầu mong nơi đây sẽ là bến bờ cuối cùng mà con sóng cuộc đời đánh nó trôi dạt về, miễn sao nó được an bình với cõi lòng thanh thản.
- Nhưng sao con không viết thư cho cô suốt hai năm qua.
Nó cười nói:
- Con biết cô không muốn con như thế này. Trước đây, nếu cô tới và khóc như lúc mới đến, rất có thể con đã không bình thản ở lại đây. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã an bài... Mấy hôm trước con mới được thầy đồng ý cho xuống tóc. Cũng định ít bữa nữa viết thư cho cô.
- Thế em con đã biết chưa?
- Truớc khi chia tay, con có dặn là con sẽ đi rất xa một thời gian dài. Bao giờ thuận tiện, con sẽ báo cho em nó biết về con. Nhưng cô đã tới đây, con muốn nhờ cô làm việc đó, được không cô? Cô nói sao để em con đừng buồn về con.
Chị rất muốn ôm lấy nó để vỗ về như trước đây, nhưng không thể được nữa rồi. Trong mắt chị con bé vẫn bé bỏng thân thương như ngày xưa nhưng giờ đây nó đã khoác lấy chiếc áo y, thay tên đổi họ, xuống tóc cạo đầu, vào ở ẩn nơi liêu sâu và nguyện bần hàn tuyệt dục. Vậy là nó bị đẩy ra xa khỏi chị, đi phía bên kia của cuộc đời. Chị nắm lấy tay nó bóp nhẹ.
- Nhất đinh cô sẽ nói để em hiểu như cô đã hiểu con, con cứ yên tâm.
Con bé cúi đầu phân vân một lúc rồi ngẩng lên nhìn chị.
- Còn một việc này nữa, con muốn cô giúp con. Em con không biết gì về cái chết của bố mẹ con vì lúc đó em con còn quá nhỏ. Cả những việc con đã làm vừa qua em con cũng chẳng hay chuyện gì đâu. Cô đừng cho em con biết dù bất cứ giá nào. Con muốn em con được sống thanh thản suốt cuộc đời.
- Cô hứa.
Nó khẽ rút tay ra khỏi bàn tay nóng rực của chị, đứng lên
- Có lẽ đi đường xa cả ngày, cô cũng mệt rồi, cô nằm nghỉ trước đi. Đến giờ con lên chùa tụng kinh rồi.
- Con cứ đi đi, mặc cô.
Con bé sửa sang lại chiếc áo y rồi thong thả đi vào tam bảo.
Chị tìm chỗ ngồi bên ngoài hiên. Bên trong con bé đang châm hương khắp các bàn thờ. Xong nó ngồi vào chiếc chiếu trải trước tam bảo. Cái nhìn của chị bị hút vào bóng dáng nhỏ bé ngồi nghiêm ngắn như một bức tượng được ánh nến run rẩy tạc ra từ khối đêm đen dầy đặc đổ xuống không gian xung quanh. Tiếng mõ đều đều, tiếng kinh cầu trong trẻo ấm áp... Dường như chị đã được đưa tới nơi nào cao lắm, sáng lắm, nơi ấy bình yên trong tiếng chim hót và mây bay, nơi ấy có thể nghe tiếng ru thì thầm cuối cùng của đất mẹ dịu dàng và tiếng hoan ca đầu tiên của những cánh thiên thần nhỏ bé...