Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Hoa Hoàng Hậu

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 537 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hoa Hoàng Hậu
Hoàng Nhật Tuyên

Bạn bè tôi có người giải thích: “Đó là hoa lồng đèn”. Số khác thì nói những cái tên nghe lạ huơ lạ hoắc. Thật khó biết đâu là đúng, là sai. Còn ở làng tôi, giờ đây chẳng ai chịu dùng cái tên nào khác, mà duy nhất gọi đó là hoa hoàng hậu. Vài năm nay, nhiều người trong xã còn bảo làng tôi là làng hoa hoàng hậu - một cái tên quá kêu so với cái tên cũ kỹ đã có từ trước- làng Dơi


Một vùng đất nhỏ nằm xa thị trấn, bao đời, hết thế hệ này đến thế hệ khác, chân lấm tay bùn, quần quật với cảnh ruộng vườn bỗng dưng khoác lên mình cái tên rất đỗi nhẹ nhàng của hoa, mà là hoa hoàng hậu, kể ra nghe cũng lạ, nhưng nào ai áp đặt hay cố tình gò nén gì đâu!


Tôi chẳng rõ, nếu trở về, anh Toản sẽ nghĩ gì trước cái tên làng mới này. Còn tôi mỗi lần nhớ về anh, lòng cứ se lại... Vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi về những gì diễn ra giữa anh Toản và loại cây hoa ấy. Năm đó, tôi là cậu học trò lớp chín trường xã, một buổi chiều đi học về, ngang qua con đường nhỏ đầy rơm mục để vào nhà, bỗng nghe tiếng anh Toản gọi:

- Cu Nhốc! Cu Nhốc vào đây xem này! Qua kẽ trống của hàng rào dâm  bụt, tôi thấy anh Toản đang đứng ở đầu sân, trên người chỉ độc một chiếc quần xà lỏn, hai tay đang vuốt ve gốc một cây hoa do anh trồng ở đầu sân. “Nhốc. Nhốc...”. Tôi lẩm bẩm khó chịu bởi cách gọi ấy. Vì tên Nhốc chỉ để gọi lúc tôi còn nhỏ thôi. Bây giờ tôi đã lớn, sao không tự ái được? Nhưng chẳng để ý tới khuôn mặt chùng bùng của tôi, anh Toản nói với giọng đầy hớn hở:

- Này, hoa sắp nở nghen! Đẹp lắm đây!

Rồi như để diễn tả hết nỗi vui mừng, anh bồng tôi đưa lên cao, chạy tưng tửng trong sân như một đứa bé, miệng reo lên: “Sắp nở rồi! Sắp nở rồi, Nhốc ơi!”.

Tôi tỏ ra thờ ơ vì chẳng hiểu loài hoa mà anh Toản đang vui mừng kia sẽ đẹp như thế nào. Trước mắt tôi chỉ là một cây cao phải đến mấy sải tay, lá rụng hết mà hoa thì chưa nở, chỉ có những chùm búp nối vào nhau, từ trên cao buông thòng xuống.

- Tên nó là gì anh?

- Chẳng rõ nó có tên gì - anh Toản không nhìn tôi, đáp - đi trên thành phố thấy đẹp quá, xin một cây về trồng. Khi nó nở em sẽ thấy nó đẹp đến nhường nào.


Sáng hôm sau, thức dậy, tôi đứng dưới gốc hàng chuối sứ nhìn sang. Những chùm búp xanh ở cái cây cao trước nhà anh Toản vẫn chưa nở thành hoa. Còn mấy cánh cửa nhà anh thì đóng kín.

- Anh Toản! Tôi chụm hai tay đưa lên miệng, gọi thật to - Anh Toản!

Không có tiếng trả lời. Mẹ tôi đang lom khom trước mấy cây chè trước ngõ, nghe tiếng, liền đứng thẳng người lên:

- Hay là chạy sang bên ấy thử coi! Nó đi đâu hay lại lên cơn rồi?

Tôi băng qua hàng rào, đẩy cửa vào nhà. Anh Toản đang quằn quại trên giường, hai tay ôm lấy đầu, miệng rên ầm ừ, đau đớn.

- Anh Toản! Anh Toản! - Tôi lắc vai anh - Đang bị đau hả?

Quằn quại hồi lâu, anh Toản mới ngước mắt nhìn tôi và ra hiệu, bảo lấy cho anh gói thuốc ở đầu chiếc tủ gỗ.


Anh uống vội mấy viên thuốc rồi tiếp tục ôm lấy đầu, nằm sấp mặt xuống giường. Là hàng xóm gần, nên tôi rất rõ căn bệnh của anh Toản. Hồi nhập ngũ, chiến đấu, anh bị một mảnh đạn vào đầu. Chắc chắn một sợi dây thần kinh nào đó bị đứt nên đã biến anh từ một chàng trai khỏe mạnh, tháo vát thành người có tính hơi “đãng đãng” và thỉnh thoảng, anh phải oằn người trên giường với những cơn đau. Có điều bị bệnh, nhưng anh Toản rất dễ thương, chẳng hề hại ai hay làm phiền ai bao giờ. Ngày anh Toản ở chiến trường, mẹ anh bị bệnh mất, còn người chị gái đã lấy chồng xa. Trở về, anh sống với khu vườn nhà mình. Thương anh đơn chiếc, bệnh tật nên ngoài đồng lương thương binh, hằng tháng ủy ban xã có trợ cấp thêm. Bà con lối xóm cũng rất quý mến anh Toản, đám giỗ nào cũng mời và có việc gì anh cần cũng đều giúp đỡ. Hết cơn đau, anh Toản lại đi lang thang đây đó. Có lần anh mang ba lô đi cả tuần liền và chẳng hiểu thu nhập từ đâu anh mang về đủ loại hoa trồng trong vườn. Ngày ngày, anh trò chuyện với các loại cây rồi cười, rồi hát. Vào những đêm trăng, ở góc sân nhà mình, anh hát đến khuya:


Tháng ba trăng lên vàng cánh đồng

Tiếng ai hò vang vang trên sông

Sông trôi về đâu ta nhắn gởi

Lời yêu thương đến em má hồng...


Người trong làng bảo, ngày chưa vào bộ đội, anh Toản là một cây văn nghệ của xã, làm cho lắm cô phải mê mệt. Nhưng anh chưa hề yêu ai, chẳng để ý đến ai. Thỉnh thoảng các cô gái trong làng trêu chọc:

- Lấy vợ đi anh Toản! Cứ hát hoài chẳng chịu lấy vợ.


Anh cười, nụ cười hiền như đất. Mẹ tôi và các thím, các cô hay nhìn anh, giấu lòng thương qua tiếng thở dài. Ai cũng tiếc cho anh, một người trẻ trung, hiền lành bỗng chốc bị đạn bom làm mất đi cái tính bình thường vốn có.


Lần ấy, cơn đau hành hạ anh Toản đến ba ngày liền. Khi anh khỏe lại cũng là khi cây hoa lạ trong sân nở rộ và trông chúng mới đẹp làm sao! Những đóa hoa cánh mỏng như giấy đan sát vào nhau và vàng rực thả xuống từng chùm. Màu vàng của hoa như thu tóm tất cả sắc vàng trong đất trời này để dệt nên - vàng lộng lẫy, vàng kiêu sa, thánh thiện. 


Ai đi ngang qua cũng đều dừng lại để ngắm cây hoa lạ và hỏi:

- Tên nó là gì?

- Chưa biết tên! - anh Toản đáp - Thấy người ta trồng trên thành phố nên xin về trồng.

Tôi nói với anh Toản:

- Gọi nó là hoa không tên đi!
-Ừ! Cứ tạm gọi như vậy - anh Toản đáp lại, rồi bảo tôi cùng vun đất vào gốc cây.


Dạo ấy, chị Thắm, chị ruột của tôi đang học tại trường cao đẳng sư phạm, được phân về thực tập ở trường xã. Bây giờ nhớ lại, tôi không thể hiểu được đó là điều may mắn hay một việc chẳng lành. Vì cùng về thực tập với chị Thắm còn có chị Vi - một cô gái thành phố có làn da trắng mịn và đẹp như tiên sa. Chị Vi lại là người đắm say loại hoa vàng mới lạ ở sân nhà anh Toản. Chị mê ngay từ ngày đầu mới đến. Khi cùng chị Thắm sang ngắm hoa, chị Vi đi tới, đi lui, trầm trồ mãi. Nghe anh Toản và tôi gọi đó là hoa không tên, chị Vi gạt đi:

- Sao lại không tên. Gọi nó là hoa hoàng hậu đi! Thấy không, trông nó rất lộng lẫy!

- Ồ! Hay đấy! Hoa hoàng hậu! - Tôi reo lên. Còn anh Toản thì cười. Nụ cười tán đồng. Rồi anh đứng như bị trồng ở đầu sân, mắt không rời chị Vi.


Suốt một tháng thực tập, ăn, ở chung nhà tôi, hầu như ngày nào chị Vi cũng sang nhà anh Toản chơi. Có đêm chị cùng anh ngồi hát. Họ hát rất ăn ý, ăn lời. Và vốn là một cô sinh viên thành phố nghịch ngợm, thời gian gần nhau, chẳng rõ chị Vi đã nói điều gì mà trong những ngày ấy tôi thấy mặt anh Toản lúc nào cũng hớn hở như người đào được vàng. Hễ gặp tôi là anh Toản quàng tay ôm lấy, rồi hỏi: Chị Vi đang làm gì bên nhà? Chị Vi có nói gì về anh không?


Càng ngạc nhiên hơn là ngày chị Thắm cùng chị Vi trở lại trường, anh Toản đã hái tất cả những chùm hoa vàng cột thành bó, đưa cho họ. Khi cả hai đi rồi, anh bảo tôi:

- Sau này chị Vi về đây và anh chị sẽ cưới nhau thành vợ thành chồng.

-Cái gì? - Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng giọng anh Toản có vẻ chắc chắn lắm.

- Mày đúng là thằng Nhốc. Chị ấy hứa sẽ trở lại đây làm vợ anh. Nghe rõ chưa?

Tôi không cãi lại. Tôi biết anh bị thương vào đầu nên đứng tần ngần nhìn anh  hồi lâu rồi chạy về méc mẹ.

Mẹ tôi bảo:

- Chúng nó đùa ấy mà.

Ba tôi cũng bảo:

- Chúng nó đùa.


Nhưng nào phải đùa. Anh Toản đã yêu chị Vi thật rồi. Ngày nào anh cũng nhắc tên chị. Anh dọn cửa, dọn nhà tươm tất hẳn và suốt ngày huýt sáo rồi hát. Đêm hát. Ngày hát. Rồi một lần không hiểu mua từ đâu, anh Toản mang về một gói hạt giống.

- Hoa hoàng hậu đấy - anh nói và bảo tôi cùng anh xới đất để ươm.

Hạt lên mầm. Cây ra lá rồi lên cao.

Tôi nói với anh Toản:

- Chị Vi đùa thôi. Chị ấy không trở lại đây nữa đâu.

Câu nói của tôi làm mặt anh Toản đỏ lên, giận dỗi.

- Im đi! Mày còn nhỏ biết gì.

Tôi nín bặt trước lời quát mắng và bối rối không biết phải giải thích làm sao cho anh hiểu. Còn anh, sau một lát lại ôm lấy tôi, khoe với giọng tràn trề hy vọng:

- Mày không biết đâu Nhốc ạ! Chị Vi đã hôn vào má anh rồi đấy. Chị ấy hứa sẽ về làm vợ anh. Mày thấy có ai đẹp bằng chị ấy đâu chứ!


Tôi gỡ tay anh Toản, lại đứng lặng nhìn anh, rồi thở dài.


Khi luống cây ươm lên cao vài ba gang tay, anh Toản đào hố trồng khắp nơi trong vườn nhà mình. Hết trồng hoa trong vườn anh lại trồng ở hai bên đường làng và cả trên bến sông. Các nhà trong làng ai nhờ trồng anh cũng làm. Suốt ngày mồ hôi đầm đìa, anh vẫn cứ lầm lũi đào hố trồng cây hoa ấy. Anh nói với tôi:

- Nhốc biết không? Chị Vi rất thích hoa này. Mình trồng nhiều để khi chị ấy trở về, cả làng sẽ ngập trong màu hoa.

Ngày chị Thắm ra trường, về nhà chơi, anh Toản hỏi:

- Vi đâu? Vi sắp về đây chưa?

Chị Thắm nhìn anh với đôi mắt lạ lẫm. Nhưng rồi chị hiểu ra và giảng giải:

- Con Vi nhận công tác ở xa rồi. Nó không bao giờ về đây nữa đâu!


Mặt anh Toản chợt tối sầm như đám mây lúc sắp mưa. Anh bỏ đi không thèm nói một câu vì nghĩ chị Thắm nói dối. Suốt ngày, tôi thấy anh đi vào, đi ra, rồi hát, rồi lặng lẽ tưới cây. Anh vẫn hy vọng chị Vi sẽ trở lại.


Một năm. Hai năm. Khắp các vườn và các đường làng những cây hoa lạ đã xanh tốt và lên cao quá đầu người. Qua tin của chị Thắm, mẹ tôi biết chị Vi đã lấy chồng. Mẹ tôi sang nhà anh Toản tỉ tê, giảng giải cho anh. Nhưng cũng như các lần trước, anh Toản không hề tin. Anh chỉ tin một điều duy nhất là chị Vi sẽ về. Vì chị đã hứa. Vì chị đã hôn anh rồi. Có điều, dường như nỗi chờ đợi dài quá đã làm anh buồn. Đêm đêm, tôi nghe anh hát nhiều hơn, khuya hơn. Nhiều người trong làng biết chuyện, đã thầm trách chị Vi và đến khuyên lơn anh Toản. Song nào anh chịu nghe. Nỗi lòng của anh như gởi qua tiếng hát:


Về đi người ơi, về đi

Bến sông con đò đang gác mái

Bến sông con đò như trong mơ

Bến sông con đò đang đợi chờ...


Rồi một buổi sáng, tôi đi học về và không thấy anh Toản nữa. Mấy đứa trẻ chăn trâu ở đầu làng kể rằng, anh Toản đã mặc bộ đồ bộ đội và mang chiếc ba lô ra đi. Anh bảo với chúng là lên thành phố để tìm chị Vi. Đứa lớn nhất trong bọn ngăn lại. Anh gỡ tay nó và bảo, anh là người lính, đừng lo, anh đi và anh sẽ về.


* * *


Người trong làng, trong xã chẳng rõ anh Toản đi theo hướng nào để mà tìm. Ủy ban xã đã mấy lần nhờ thông báo trên các đài, các báo nhưng chẳng ai biết tin anh Toản ở đâu. Vào đại học, học trên thành phố sau đó ra trường, công tác, ngày ngày thấy ai mặc đồ bộ đội đi trên đường tôi cũng quan sát, xem có phải anh Toản không. Song anh như cánh chim đã bay về phương trời nào đó biệt tăm.


Đã bao năm rồi, anh Toản vẫn chưa trở lại.


Năm nay, đang tiết xuân, tôi về. Khắp làng đang rực lên bởi màu vàng đẹp đến kỳ lạ của màu hoa do anh Toản trồng ngày nào, vàng khắp đường và vàng cả bến sông. Tôi nhớ anh Toản và tưởng như tiếng hát của anh vẫn còn vang vọng đâu đây:


Về đi người ơi, về đi

Bến sông con đò đang gác mái

Bến sông con đò như trong mơ

Bến sông con đò đang đợi chờ...



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 235

Return to top