Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Y Học, Sức Khỏe >> Giải đáp một số thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11555 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giải đáp một số thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ
Nguyễn Thị Kim Hưng

Chương 6: Một số tình huống đặc biệt

35. Mẹ có đủ sữa cho hai trẻ sinh đôi không?
- Các bà mẹ đều có đủ sữa để nuôi cả hai đứa trẻ. Khi mẹ càng cho bé mút vú nhiều thì sữa sẽ càng tiết ra nhiều. Vì vậy, nếu cả hai trẻ đều được cho bú thì sẽ có đủ sữa cho cả hai (Nhiều bà mẹ còn có đủ sữa cho ba đến bốn trẻ...).
- Mẹ cần tìm ra cách cho bú tốt nhất sao cho thuận lợi cho mình và cho hai trẻ. Mỗi người có thể làm một cách khác nhau. Có thể cho cả hai trẻ bú cùng một lúc hoặc trẻ trước trẻ sau, mỗi trẻ bú một bên hoặc thay đổi lần lượt hai vú...
- Cần sự giúp đỡ của người chồng và gia đình, cùng bàn bạc cách giúp đỡ mẹ chăm sóc cho hai trẻ.
36. Bé sinh thiếu tháng, nhẹ ký có thể bú mẹ được không?
Những trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1800 gram thì không thể bú mút đủ mạnh để kích thích tạo sữa, cũng như trẻ nhỏ hơn 1500 gram thì hoàn toàn không thể tự mút vú mẹ được.
* Cho trẻ sinh nhẹ ký bú như thế nào? (sinh dưới 2500 gram).
- Mẹ phải vắt sữa để cho bé uống bằng ly hoặc bằng ly và muỗng, một ngày ít nhất 8 lần (cách mỗi 3 giờ thì cho một cữ) sẽ giúp sữa được tạo ra liên tục. Nếu mẹ chỉ vắt 1-2 lần mỗi ngày thì sữa mẹ sẽ cạn dần và mất sữa (xem câu 39).
- Khi bé có thể bú được, cố gắng giúp bé học cách mút vú mẹ càng sớm càng tốt, để kích thích phản xạ tạo sữa (xem câu 3).
- Giúp bé ngậm vú mẹ cho đúng. Điều này có thể khó khi miệng bé nhỏ mà núm vú to. Tuy nhiên nếu bé được ngậm vú tốt thì sẽ nhanh chóng có thể tự bú được tốt hơn (xem câu 5).
- Sức bé bú được tới đâu thì bú tới đó, rồi sau đó vắt sữa còn lại cho uống bằng muỗng.
- Cần luôn giữ ấm vì những trẻ nhỏ rất dễ bị lạnh ngay cả trong thời tiết lạnh. Một trẻ bị lạnh thì phải sử dụng năng lượng từ thức ăn để giữ ấm cơ thể, nên không đủ năng lượng để phát triển. Cách tốt nhất là cho bé ngủ cùng với mẹ và đắp chung chăn.
- Nên cân bé đều đặn để chắc chắn rằng bé tăng cân tốt.
* Cho trẻ uống bao nhiêu sữa là đủ cho một ngày?
- Ngày đầu tiên: 60ml cho mỗi ký lô (kg) cân nặng của trẻ.
Chia làm 8 bữa (hay cho uống cách mỗi 3 giờ).
- Ngày thứ hai: 80ml/kg.
- Ngày thứ ba: 100ml/kg.
- Từ ngày thứ tư đến ngày thứ bảy: Mỗi ngày tăng 20ml/kg.
- Từ ngày thứ tám trở đi: 200ml/kg/ngày.
Duy trì lượng sữa này cho đến khi cân nặng bé đạt cân nặng của trẻ bình thường và có thể tự bú mẹ.
* Làm gì khi mẹ chưa xuống sữa?
Trẻ sinh nhẹ cân phải cho bú sớm trong vài giờ đầu tiên để tránh hạ đường huyết, cho nên có thể không chờ được tới khi mẹ xuống sữa. Vì vậy một vài cữ ăn đầu tiên của trẻ có thể "mượn" sữa của một bà mẹ khác dư sữa (con của bà ấy bú không hết...).
Hoàn toàn yên tâm khi dùng sữa của bà mẹ này để cho con của bà mẹ khác uống. Sữa mẹ rất an toàn, có thể dùng tươi, không cần phải tiệt trùng... Cố gắng cho trẻ uống càng sớm càng tốt, trong vài giờ đầu sau khi sữa được vắt ra.
* Hỗ trợ cho bà mẹ có con sinh nhẹ ký:
Đối với các bà mẹ này, cán bộ y tế cần có sự giúp đỡ đặc biệt trong việc tạo ra và duy trì nguồn sữa mẹ. Trẻ nhẹ cân không thể tự mút vú mạnh để kích thích tạo sữa, nhưng lại cần sữa mẹ hơn cả những trẻ bình thường khác.
- Mẹ nên tin tưởng rằng:
+ Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho bé.
+ Có thể cho đứa con của mình bú sữa mẹ được.
+ Mình sẽ có đủ sữa cho con.
+ Mẹ sẽ làm một điều tốt cho bé nếu biết vắt sữa cho uống.
+ Sẽ dễ dàng hơn khi bé đủ lớn để có thể tự bú mẹ.
- Mẹ nên ở gần con càng nhiều càng tốt. Sự vuốt ve, ẵm bồng sẽ làm cho mẹ cảm thấy yêu trẻ và giúp sữa tiết ra.
37. Làm thế nào để nuôi trẻ sứt môi - hở hàm ếch - chẻ vòm hầu?
Các khuyết tật này có thể được chữa trị khi trẻ lớn hơn. Vì vậy, vấn đề là phải cho ăn để trẻ lớn và đủ sức chịu đựng một cuộc phẫu thuật.
- Trẻ sứt môi, hở hàm ếch phía trước miệng thì có thể bú mẹ. Cần giúp trẻ ngậm vú mẹ đúng. Khi trẻ ngậm được cả vùng quầng vú vào miệng thì một phần vú sẽ che được chỗ hở và trẻ có thể bú tốt hơn.
- Trẻ bị chẻ vòm hầu sâu (hở ở thành trên và sau họng) thì sẽ khó bú hơn. Có thể vắt sữa cho uống bằng muỗng hoặc nhỏ giọt dạ dày bằng một loại ống thông đặc biệt. Lúc này, mẹ cần hỏi ý kiến nhân viên y tế để được giúp đỡ.
38. Mẹ sinh mổ thì có sữa cho bé bú mẹ không?
Trường hợp này cũng không có gì ngăn cản việc nuôi con bằng sữa mẹ.
- Mẹ cần cho trẻ bú ngay khi con được cho gần mẹ.
- Nếu mẹ gặp khó khăn vì vết mổ, vẫn có thể cho con bú ở tư thế nằm nghiêng, hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế khi đặt bé vào vú trong 1 đến 2 ngày đầu. Điều quan trọng là bé cần được bú sớm trong vòng 24 giờ đầu tiên (nếu có thể) và cho bú theo nhu cầu của bé.
- Nếu bé bị cách ly mẹ vì một lý do nào đó thì vẫn có thể làm nhiều cách:
+ Mẹ nặn sữa vào bình và đưa nhân viên y tế khoa chăm sóc trẻ sơ sinh cho uống (bằng ly, bằng muỗng). Cần vắt sữa thường xuyên để duy trì lượng sữa mẹ.
+ Nhờ nhân viên y tế đưa bé đến chỗ mẹ nằm để cho bú vào mỗi cữ bú, hoặc cho mẹ vào khoa săn sóc sơ sinh cho con bú cách khoảng 3 giờ một lần...
+ Khi bé được gần mẹ thì cho tập bú mẹ ngay để tạo lại nguồn sữa. Mẹ cần kiên trì cho bé mút vú mẹ càng nhiều càng tốt để giúp tạo sữa và tiết nhiều sữa.
+ Nếu lúc đầu chưa có sữa, bé không muốn ngậm vú mẹ thì cần làm một số thủ thuật nhỏ như: pha sữa vào bình và nhỏ sữa bình lên vú mẹ trong khi bé đang mút vú mẹ, dán một ống dẫn sữa nhỏ lên ngực mẹ và cho bé ngậm chung với vú mẹ...
- Nếu gặp khó khăn gì, mẹ có thể trao đổi với các nhân viên y tế và đề nghị giúp đỡ.
39. Một số cách vắt sữa từ bầu vú mẹ:
1. Vắt sữa bằng tay:
* Chuẩn bị dụng cụ vắt sữa:
- Chọn ly - cốc có miệng rộng (hoặc chén, tách).
- Rửa sạch ly cốc bằng xà bông và nước sạch.
- Rót nước sôi vào đầy cốc. Khi đã sẵn sàng vắt sữa thì đổ nước đi.
* Cách vắt sữa bằng tay:
- Rửa sạch tay.
- Ngồi hoặc đứng thoải mái. Đưa cốc đựng sữa đến gần vú.
- Đặt ngón tay cái lên vú phía trên quầng thâm của vú và núm vú, ngón tay trẻ ở dưới quầng vú và đối diện với ngón tay cái, các ngón tay khác đỡ vú.
- Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực (ấn vào người), dồn sữa ở trong các xoang chảy ra, rồi bóp hai ngón tay cái và trỏ lại gần nhau để ép sữa ra. Không nên ấn quá mạnh vì dễ làm tắc ống dẫn sữa.
- Ấn, bóp rồi thả ra, làm như vậy nhiều lần. Nếu thấy đau có nghĩa là kỹ thuật làm sai, cần xem lại. Lúc đầu có thể sữa chưa xuống ngay nhưng sau khi ấn nhiều lần, sữa bắt đầu chảy ra.
- Đổi vị trí ngón tay để ấn vào tất cả các phần vú, đảm bảo sữa ở tất cả các xoang trong vú được vắt hết ra.
- Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay trên da. Tránh chạm tay vào quầng vú và núm vú vì việc ấn hoặc kéo núm vú không làm cho sữa chảy ra.
- Vắt mỗi bên từ 3 đến 5 phút cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia. Sau đó vắt lại cả hai bên.
* Một ngày nên vắt tối thiểu 8 lần, cách khoảng 2 đến 3 giờ vắt một lần để có nguồn sữa liên tục. Nếu số lần vắt ít hơn, số lượng sữa tạo ra sẽ ít dần và mất sữa.
2. Hút sữa bằng dụng cụ:
* Dụng cụ hút sữa bằng tay:
Khi vú quá căng sữa hoặc núm vú bị đau thì có thể vắt sữa bằng dụng cụ hút sữa bằng tay. Dụng cụ này giúp hút sữa dễ dàng hơn khi vú căng đầy, có bán nhiều tại các nhà thuốc, cơ sở y tế.
* Cách sử dụng:
Dụng cụ hút sữa bằng tay là một ống thủy tinh đặc biệt, một đầu có bóng tròn bằng cao su, một đầu rộng ra để úp vào bầu vú.
- Bóp bóng cao su đẩy khí ra ngoài.
- Đặt đầu kia vào sát da bầu vú (úp lên xung quanh núm vú), bảo đảm kín không để khi bên ngoài lọt vào.
- Thả bóng cao su. Đầu vú và vùng quầng vú bị hút vào trong ống.
- Bóp bóng rồi thả ra như vậy vài lần thì sữa sẽ bắt đầu chảy ra, và nằm ở phần phình ra của dụng cụ.
- Đổ sữa vào ly (cốc) và cho trẻ uống bằng muỗng.
- Cần làm sạch và tiệt trùng dụng cụ trước và sau khi sử dụng. Nấu dụng cụ trong nước đang sôi trong khoảng 10 phút ngay trước khi dùng.
* Bơm điện:
 Sử dụng bơm điện thì hút sữa hiệu quả hơn, thường sử dụng trong bệnh viện. Tuy nhiên, cần phải làm sạch và tiệt trùng dụng cụ kỹ càng trước và sau khi sử dụng, đặc biệt khi nhiều phụ nữ cùng dùng chung một ống bơm.
40. Cách sử dụng biểu đồ tăng trưởng:
Trong mỗi cuốn sổ hoặc phiếu theo dõi sức khỏe của trẻ đều có in Biểu đồ sức khỏe này. Các bà mẹ nên cân con mình mỗi nửa tháng hoặc mỗi tháng và đánh dấu vào biểu đồ tăng trưởng của con mình.
Biểu đồ này có hai chiều:
- Chiều ngang là số tháng tuổi của trẻ (dò từ trái qua phải).
- Chiều dọc là số cân nặng của trẻ (tính bằng kg, dò từ dưới lên).
Trên biểu đồ có in sẵn 4 đường cong chia thành các kênh:
- Kênh A: Giữa đường cong thứ nhất và thứ hai tính từ trên xuống.
- Kênh B: Ngay dưới kênh A.
- Kênh C: Ngay dưới kênh B.
- Kênh D: Ngay dưới kênh C.
* Cách đánh dấu trên biểu đồ:
- Mỗi tháng cân trẻ xong, dò từ số tháng tuổi của trẻ đi hướng lên, gặp đường ngang đi qua số cân của trẻ tại một điểm.
- Đánh dấu điểm giao nhau này trên biểu đồ.
- Nối điểm này với điểm của tháng trước... Tất cả các điểm này sẽ hợp thành đường biểu diễn cân nặng của trẻ.
Xác định tình hình sức khỏe trẻ:
- Xác định tình trạng dinh dưỡng hiện tại của trẻ:
+ Điểm đánh dấu nằm trong kênh A: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ là bình thường (không suy dinh dưỡng).
+ Điểm đánh dấu nằm trong kênh B: Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 (Suy dinh dưỡng nhẹ).
+ Điểm đánh dấu nằm trong kênh C: Trẻ suy dinh dưỡng độ 2 (Suy dinh dưỡng vừa).
+ Nếu điểm đánh dấu ở trên kênh A nhiều: Trẻ có thể bị béo phì.
* Xác định sự phát triển của trẻ:
+ Đường biểu diễn cân nặng của trẻ đi chếch lên hoặc song song với đường cong tăng trưởng được in trên biểu đồ: Trẻ phát triển tốt, chứng tỏ trẻ đã nhận đủ sữa và thức ăn.
+ Nếu đường biểu diễn cân nặng của trẻ đi lên quá nhanh: Trẻ tăng cân trên 1,2kg đến 1,4kg một tháng và tăng liên tục trong nhiều tháng thì không phải là tốt đối với trẻ có cân nặng có cân nặng lúc sinh trên 2500g. Trẻ sẽ bị béo phì rất khó điều trị. Bà mẹ không nên cho uống thêm sữa ngoài hoặc thức ăn ngọt, mỡ... vì những thức ăn này rất nhiều năng lượng.
+ Nếu đường biểu diễn cân nặng của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống: Trẻ không lên được 0,5kg một tháng, hay 125g một tuần. Cần xem lại trẻ có nhận đủ sữa và thức ăn chưa, đi khám và điều trị bệnh nếu có gì khác thường.
Đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ phải dựa vào cả hai yếu tố: Trẻ nằm trong kênh nào và chiều hướng của đường biểu diễn cân nặng trẻ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chiều hướng đi lên của đường biểu diễn cân nặng. Nếu trẻ đang ở kênh A (không suy dinh dinh dưỡng) mà đường biểu diễn nằm ngang hoặc đi xuống thì không tốt, và trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng nếu không có cách khắc phục. Mặt khác, nếu trẻ có cân nặng lúc sinh thấp hoặc trẻ suy dinh dưỡng mà đường biểu diễn đi chếch lên thì rất tốt, vì trẻ sẽ có thể chuyển độ suy dinh dưỡng được (từ suy dinh dưỡng đến hết suy dinh dưỡng, từ suy dinh dưỡng độ 2 thành suy dinh dưỡng độ I...).
41. Những phương pháp cho trẻ ăn dặm thêm sữa ngoài hỗ trợ cho việc bú mẹ:
1. Bộ dụng cụ hỗ trợ bú mẹ:
- Sử dụng một ống thông thực quản dạ dày hoặc một ống nhựa mềm và một ly đựng sữa.
- Cắt thêm một lỗ ở bên ống phía gần đầu ống sẽ đưa vào miệng trẻ (đây là lỗ bổ sung thêm cho lỗ ở cuối ống đã có sẵn).
- Chuẩn bị một cốc sữa (sữa mẹ vắt ra hoặc sữa nhân tạo theo số lượng cần thiết cho mỗi bữa ăn của trẻ).
- Đặt một đầu ống lên chỗ núm vú và dán ống nhựa sao cho trẻ có thể vừa bú mẹ vừa ngậm được ống.
- Đặt đầu kia của ống vào ly sữa.
- Buộc thắt nút ở ống nếu nó rộng quá hoặc dùng kẹp để hạn chế dòng chảy của sữa sao cho trẻ có thể bú khoảng 30 phút trong 1 lần bú (có thể nhấc ly lên để sữa chảy nhanh hơn hoặc hạ ly xuống để sữa chảy chậm hơn).
- Bà mẹ có thể cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn, kể cả những lúc bà mẹ không sử dụng bộ dụng cụ hỗ trợ. Trẻ bú nhiều sữa mẹ sẽ được sản xuất nhiều.
- Làm sạch ống thông và ly đựng sữa sau mỗi lần sử dụng.
2. Sử dụng bơm tiêm:
- Sử dụng bơm tiêm 5 đến 100ml, cần thêm vào đầu bơm tiêm một ống mềm khoảng 5cm.
- Pha và đong sữa cho mỗi bữa ăn vào một ly nhỏ.
- Hút đầy sữa từ ly vào bơm tiêm.
- Đặt ống vào góc miệng trẻ và bơm sữa vào thật chậm cùng với khi cho trẻ bú mẹ. Sau đó lại hút sữa vào bơm tiêm và tiếp tục cho tới khi kết thúc bữa ăn. Như vậy trẻ không chán bú mẹ mà còn làm cho vú sản xuất nữa.

 

<< Chương 5 - Ăn dặm và sữa mẹ |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 180

Return to top