Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người Tây

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 669 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Tây
Nghiêm Lương Thành

     Trong đời sống xã hội, ta thường dùng từ "thằng" để diễn tả sự coi thường, khinh bỉ, thậm chí ghét bỏ, căm thù: Thằng ba láp, thằng lưu manh, thằng giết người, thằng xâm lược ... Nhưng, hoàn toàn trái ngược, nhiều khi từ này được dùng trong các quan hệ thân mật, xuồng xã, thậm chí trìu mến: thằng bạn, thằng phải gió, thằng chó cún ... 
            Cách đây khoảng mười lăm năm, một đồng nghiệp của tôi đã trình bày phát hiện của anh như sau: ở đời chỉ có hai hạng bị gọi là thằng, đó là ăn mày và Tây ! Tất nhiên, phát hiện này không thể gọi là chuẩn, nhưng có cái gì đấy vừa tếu vừa thực, khiến người nghe không khỏi mỉm cười, gật gù ngẫm nghĩ. Ngày xưa, nếu không kể những tu sỹ đi truyền đạo, Tây sang ta chủ yếu là thực dân Pháp, còn lại thì cũng là những kẻ đánh thuê cho kẻ xâm lược, gọi là thằng thì đúng rồi. Nhưng ngày nay, từ những năm cuối thế kỷ trước đến giờ, trừ mấy "anh bạn" gián điệp ra, Tây sang ta là bạn bè, là những người tình nguyện đến giúp ta, là những người làm thuê cho các tổ chức quốc tế quan tâm tích cực đến Việt Nam, là những doanh nhân sang hợp tác làm ăn, là những người đi du lịch sang hèn đủ loại ... Vậy mà, cũng chẳng phải hữu tình hay ác ý gì, khi nói chuyện với nhau, ai cũng dùng chữ thằng để chỉ những người ngoại tộc này. Không phải vì coi thường, khinh bỉ, căm ghét; cũng chẳng phải vì thân mật, trìu mến hay suồng sã, vì thực ra phần lớn họ là những người không hề quen biết với ta. Tại sao vậy ? Do thói quen tình cảm còn rớt lại từ thời gian trước năm 1954 ? Hay nói chỉ cốt cho nó oách, để khoả lấp những gì trong sâu thẳm còn đang thiếu hụt, yếu kém ? Rằng ta cũng bình đẳng, cũng chẳng thua kém gì họ, thậm chí còn khối cái vượt trội, ngay cả khi chưa hề uống bất cứ loại sữa nào đang quảng cáo trên các đài truyền hình của nhà nước ! Thực ra, trong công việc, khi phải tiếp xúc với họ, phần đa chúng ta đều tỏ ra rụt rè, thiếu tự tin, thậm chí thiếu tự tin đến mức đáng thương, rồi đâm ra lúng túng, trình ra những lối hành sử không xững đáng một chút nào với công dân của một đất nước có bộ hiến pháp luôn được cập nhật theo tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại !
            Tại sao lại như vậy ?
            Vì họ là những người có kích vóc hình học lớn hơn ?
Không phải ! Thực tế cho thấy tỷ lệ thành đạt ở những người có tầm vóc thấp bé bao giờ cũng cao hơn những người bình thường. Về vấn đề này, người phương Tây đã có những công trình nghiên cứu rất nghiêm túc.
            Vì họ là những người có thu nhập cao hơn ? 
Điều này có thể đúng trong phạm vi hẹp, với những người ít may mắn, chưa được thụ hưởng đúng mức những gì mà nền giáo dục phổ thông mang lại; hoặc chưa có năng lực để nghĩ tới và thực hiện quá trình tự giáo dục, lại thêm vật dục trì ám, đau đáu khôn nguôi. Còn lại, phần lớn, đều hoặc đã biết, hoặc đã thấm nhuần đạo lý nghèo mà không hèn, thiếu thốn mà không dúm dó. Đây không phải là lời giải thích hợp lý.
            Vì họ là những người có học vấn cao hơn ?
Họ, cũng như ta, cũng như bất cứ dân tộc nào, trong những người đồng bào của mình cũng có những người học vấn thấp kém, cũng có những người học vấn cao và ưu tú. Thực tế cho thấy không hiếm những người thuộc các nước nhược tiểu, lạc hậu (Developing countries - theo cách gọi của những người có văn hoá) chiếm được các học vị và vị trí cao trong các cơ quan khoa học, nghệ thuật cấp cao tại những nước tiên tiến (Developed countries), có một nền văn hoá rực rỡ, liên tục và bề thế. Nói Mỹ là một quốc gia trẻ thì đúng, nhưng vì thế mà có ai đó cho rằng nền văn hoá của họ cũng mới chỉ có hơn hai trăm năm thôi thì e rằng có phần bộp chộp. Thực ra đó là một cây chiết, được chiết từ cây mẹ Anh Quốc và sau đó, với tư cách là cây chủ, nó được ghép thêm vào rất nhiều loại chồi của rất nhiều cây dân tộc khác trên khắp thế giới.
            Trong ngót chục năm gần đây, nhờ được làm việc trong một Dự án đầu tư, có điều kiện tiếp xúc và làm việc với một số cố vấn người nước ngoài, tôi có cơ hội tốt để hiểu thêm về họ. Đến đây, chắc chắn bạn sẽ đặt ra một câu hỏi cho tôi: "Trong khi làm chung với những người này, quý bạn có thấy kém tự tin như đã nói ở trên không ?". Xin thưa là: Có ! Bởi tôi là một người bình thường (nói như thế, xét cho công bằng, thì cũng đã có phần kiêu ngạo rồi !). Tại sao ? Vì họ nhanh nhẹn, hoạt bát, được đào tạo kỹ, có bài bản về công việc của mình và, hơn cả, là những con người luôn tự tin vào bản thân mình. Trong số họ, có những người thông thạo đến ba ngoại ngữ thông dụng của thế giới. Bất cứ công việc gì, dù là nhỏ, họ đều có thói quen lập kế hoạch chi tiết. Các kế hoạch này bao giờ cũng trả lời cho những người cộng tác đầy đủ về những gì họ quan tâm: Làm gì ? Phương pháp thực hiện ? Với ai ? ở đâu ? Bao giờ ? Mục tiêu đặt ra ? Kết quả mong đợi ? Và những khó khăn có thể lường trước ?. Đó là thời gian đầu.
Thời gian tiếp theo, qua thực tế làm việc, qua quan sát các đồng nghiệp Việt Nam trong môi trường "Hợp tác lao động", tôi nhận ra hai điều: Một là, cái kim, dù được bọc cất cẩn thận chu đáo đến mấy, cũng có lúc bị lòi ra ngoài. Trong một số trường hợp do bất cẩn, hoặc do quá mỏi mệt vì cái sự luôn phải để ý điều chỉnh hành vi trong giao tiếp, lúc này lúc kia, trong lời nói, cử chỉ của họ đã có dấu hiệu coi thường người Việt. Điều này, bất cứ người nào có nhãn quan nhậy cảm ở mức trung bình là có thể nhận ra được. Vậy là, thực ra, trong sâu thẳm, họ chưa bao giờ xếp người mình ở tầm ngang hàng với họ (tôi viết câu này mà cảm thấy cây bút trên tay đang bị nghẹn mực). Đó là một thực tế không mấy dễ chịu, khiến lòng tự ái bị tổn thương, mà lâu nay ta vẫn lẩn lờ, không đủ công lực để nói huỵch ra. Hai là, trong khi xử lý các công việc kỹ thuật cụ thể, các đồng nghiệp người Việt đã tỏ ra hơn hẳn các cố vấn trong một số vấn đề. Đó là một thực tế, dù ở dạng thức nào, các chuyên gia này cũng buộc phải thừa nhận. Bằng chứng là, trong phạm vi nhóm làm việc, họ không tái phạm những suy nghĩ, những hành vi bất cẩn như trước nữa; họ bắt đầu hỏi ý kiến, chăm chú lắng nghe các kiến giải từ phía ta và hồ hởi áp dụng ngay vào công việc. Ưu điểm lớn của họ là: thấy phải, thấy được việc thì áp dụng ngay mà không hề chen vào, dù chỉ là một chút, tư ý lệch lạc. Thực tế này đã giúp tôi tự đánh giá lại bản thân, đánh giá lại các đồng nghiệp người mình và có cái nhìn khách quan hơn, đúng đắn hơn với những cố vấn nước ngoài đó; nó cũng giúp tôi đạt được trạng tái tự tin cần thiết trong công việc. Tôi vẫn coi trọng họ, nhưng không ở cái mức như hồi đầu, khi mới làm việc cùng họ nữa.
Thời kỳ thứ ba là thời gian tôi vỡ ra được nhiều cái mà trước đây mình chưa bao giờ biết. Trong khi thực hiện một số việc, khó khăn phát sinh; có cái gỡ được nhanh nhóng, có cái ách tắc ứ ự, khiến công việc trở nên ì ạch, không thoát. Họp bàn, phân tích, tìm ra nguyên nhân, xác định và quyết định phương pháp giải quyết, cho đến thời gian này, vẫn là một công cụ đắc lực khi lâm sự ách tắc. Trong những tình huống như vậy, thư ký cuộc họp tha hồ mà thoả chí tốc ký: rất nhiều ý kiến, rất nhiều tìm tòi. Các giải pháp đưa ra cũng tựa như khi ta thấy một thiếu nữ đang bị dòng sông nước chảy băng băng cuốn đi thì tất nhảy xuống cứu. Rất tốt ! Nhưng lát nữa ... lát nữa lại thấy ... lại thấy những thiếu nữ khác xuất hiện tiếp trên dòng sông trong tình trạng tương tự. Lại cứu ... lại cứu và cứ thế. Cứu một mạng phúc đẳng hà sa mà ! Và do đó không ai là không hoan hô thán phục. Chúng ta thường bị ngợp trước những vấn đề phức tạp trong công việc như lùng bùng trong những mớ bòng bong, không biết bắt đầu từ đâu, thành thử vấn đề thảo luận cứ bị loanh quanh, luẩn quẩn mãi; đi một hồi, cứ tưởng đã tiến được xa lắm nhưng thực ra lại chợt nhận ra mình đã trở về chỗ xuất phát từ lúc nào không biết. Vấn đề vẫn chưa được giải quyết và dường như không có lối thoát. Vậy mà khi mấy ông bạn Tây phát biểu, lời lẽ ngắn gọn, ngữ điệu điều hoà, mọi người đều thấy sự việc trở nên rất đơn giản, sáng sủa; giải pháp được đề nghị cũng vậy: đơn giản, gọn gàng và khả thi. Cũng giống như - xin trở lại câu chuyện - những người tham gia cứu nạn nói trên liền cử một nhóm nhỏ tiếp tục trực bên sông, phòng khi còn cô gái nào không may bị trôi xuống hạ lưu nữa; toàn bộ số còn lại thì lên đầu nguồn tìm hiểu xem tại sao lại có tình trạng như vậy. Thì ra một bản người dân tộc thiểu số vẫn còn mê tín, cho rằng thần sông nơi họ sinh sống đã nổi giận mà gây dịch bệnh, chết chóc cho dân bản. Họ quyết định ném các trinh nữ vô tội xuống dòng sông dữ tợn để tế Ngài. Người ta liền báo với chính quyền sở tại, huy động lực lượng y tế địa phương đến cứu chữa kịp thời. Bệnh dịch bị đẩy lùi, không còn người bị chết nữa và, đương nhiên, chấm dứt vĩnh viễn nỗi khiếp sợ đến cùng cực của các trinh nữ và những người có công sinh thành ra họ.
Đến lúc này, dù muốn hay không, tôi lại phải đặt họ lên cao mà ngưỡng mộ, học tập; dù ai đó bảo rằng tôi mắc bệnh sùng ngoại cũng đành vậy ! Tôi ngưỡng mộ là ngưỡng mộ lái lối nhìn nhận vấn đề, lối tư duy bao quát, sáng sủa và chặt chẽ của họ. Tại sao họ lại có được cái nhìn như vậy ? Người mình, xét về tư chất thì có kém gì họ ? Chương trình học phổ thông của ta so với họ là nặng hơn (là nói về số ki lô gam sách vở) và lối rèn rũa trí tuệ cũng có phần cầu kỳ và tinh vi hơn. Có lần, một đồng nghiệp Ta đem đến cơ quan một bài toán "sao" lớp bốn. Thấy hay hay, một anh bạn Tây (chuyên gia có hạng về bản đồ và giải đoán ảnh vệ tinh) cũng thử làm, nhưng chau mày, nhăn trán, vật vã mãi cũng không giải được và, cuối cùng, lắc đầu ngượng ngịu xin thua. Một lần khác, chúng tôi cùng đi hiện trường ở một tỉnh Tây Nguyên. Người dân địa phương đề nghị Dự án xây một ngôi trường học cho con em họ khỏi phải đi bộ quá xa. Để có thể đưa ra một khái toán nhanh, cần phải nhân diện tích ngôi trường với định mức của nhà nước cho một mét vuông xây dựng. Ngài cố vấn của chúng tôi (hôm ấy quên không mang theo máy tính) với chiếc bút và tờ giấy, loay hoay đến toát cả mồ hôi mà vẫn cứ nhầm lẫn hoài. Qua những chuyện đại loại như vậy, một số ít người dương dương tự đắc mà cho rằng Tây kém Ta. Cũng có một số người lại không cho là như vậy. Họ bảo đó chỉ là những kỹ năng: Kỹ năng giải toán, kỹ năng nhân chia cộng trừ. Học là được, làm thì quen, chứ đâu có gì giỏi giang. Mùa đông, gió bấc hun hút, mưa phùn lây rây, cái lạnh chỉ chực thấm vào tận xương; một cái áo mỏng mảnh, dù có diêm dúa, sặc sỡ thì cũng phỏng có tích sự gì ?! Giỏi giang thì tự làm lấy các việc, hà cớ gì lại phải chịu tốn kém tiền của thuê người ta từ tít đẩu đâu đến làm thầy giúp mình ?!
Cái chết của người ta là: Bản thân mình thì vốn bình thường (là lẽ thường) nhưng khi đưa con vào học lớp một, trong lòng lại tràn trề hy vọng: Rằng rồi ra nó sẽ là đứa giỏi giang, làm được những kỳ tích này kia, làm cha mẹ mở mày mở mặt với bạn bè, thiên hạ. Khi con mới được vài điểm tốt đã vội vã tin rằng nó sẽ là thiên tài đích thực. Khi nó mới bị một điểm kém thì niềm hy vọng tụt xuống hố sâu và quay ra sỉ vả, chửi bới, mắng nhiếc ... cho hả nỗi quan tâm, yêu thương cao quý của các bậc phụ mẫu hết lòng vì tương lai con cái. Có người cho rằng, xét đến cùng những kẻ làm cha mẹ đó cũng chỉ vì chính cái sỹ diện xám ngoét của họ mà thôi, và đối với những "cái búp trên cành" còn non nớt, dễ bị tổn thương kia, đó là một áp lực tâm lý có cường độ thô bạo không kém gì lối cư sử từ thời trung cổ xa lắc. Thấy trường này dạy nhiều bài toán khó, lắt léo thì cho rằng đó là trường tốt. Vì thế đã có tình trạng có cô giáo còn ra cả toán đố khi học trò lớp một chưa học hết các âm vần chữ quốc ngữ; chắc là để "tạo mẽ thương hiệu". Thấy thày cô giao quá nhiều bài tập về nhà thì liền khen là nghiêm túc, có lương tâm nghề nghiệp, biết lo lắng cho học trò; trong khi chính những người tán thành những việc đó thuộc làu làu một cổ ngôn phổ thông: "Thái quá bất cập lợi !".
Vậy thì tại sao những người Tây, không làm nổi một bài toán lớp bốn trong chương trình dạy học của ta, không thực hiện được thành thạo một phép tính nhân quá bình thường, lại giải quyết được những khó khăn ách tắc trong công việc điều hành quản lý của chúng ta một cách dễ dàng và khúc triết đến như vậy ? Đào tạo nhân tài cho ngành toán là việc cần thiết, nhưng lại là chuyện khác. Việc giải những bài toán lắt léo, ghi nhớ những mẹo mực có tính tiểu xảo, không thuộc dòng kiến thức cơ bản, tiêu tốn nhiều nơ ron thần kinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển thể chất học sinh thì sẽ giải quyết được vấn đề gì ? Trong một thế hệ học sinh, chỉ có một bộ phận rất (rất) nhỏ sau này theo các ngành khoa học cơ bản. Số còn lại, phần đa, làm việc trong tất cả các ngành khác. Về môn toán, những người có trình độ đại học, đang làm việc trong các bộ, ngành, công sở, trong các công ty kinh doanh hiện đang thường xuyên đang sử dụng công cụ gì, ở mức độ nào và thực tế, trong công việc, họ đang phải đối mặt với những vấn đề gì ? họ đã có gì ? và đang thiếu gì trong tư trang tri thức của mình ? Điều đó, tất cả chúng ta đều rõ. Thời Trần, trong Hịch tướng sỹ, chẳng phải cụ Trần Quốc Tuấn đã nói: Mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh đó sao ?  ở đây không có chuyện cờ bạc, binh đao gì cả, vì thế, câu này, nhiều người đã hiểu theo cái nghĩa rộng mà cụ Trần muốn gửi gắm vào đó. Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của người Tàu, đoạn Trương Tùng vâng mệnh chủ là Lưu Chương đi sứ sang Nguỵ, nhân Tào Tháo hỏi về học vấn của Lưu Chương, ông đáp: Chủ của tôi là người đọc rộng biết nhiều, đọc sách chỉ cốt nắm lấy cái nghĩa lý của nó, chứ không tra từng câu, dò từng chương như bọn hủ nho !
Đã bao giờ chúng ta, nghiêm túc và chính thức, đặt ra câu hỏi: Những công dân của các nước Tây đã học những gì, đã được dạy như thế nào để họ làm cho đất nước của chính mình giàu mạnh đến thế ?
Năm 1946, trong một bức thư gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước nhân Tết trung thu, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Non sông ta có được vẻ vang hay không, đất nước ta có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không là nhờ ở một phần công sức học tập của các cháu". Chúng ta may mắn vì đã từng có một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng. Nhưng - Nói theo lối của ngài Bá Dương - nếu thế hệ nào cũng lặp lại câu ấy, thì liệu đó có phải là điều may mắn cho người Việt ta không ?!
            Hay chúng ta còn thiếu cái gì đó nữa ?!
Về mặt lịch sử, không phải bàn cãi gì nữa, người Việt hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu là một dân tộc tự cường, có ý chí độc lập chưa hề bị khuất phục. Theo vó ngựa của mình, người Đại Hãn đã lần lượt chinh phục phần lớn châu á, châu âu, trong đó có nhiều cường quốc nổi tiếng; Nhưng khi đến xứ Việt thì bị đánh cho tơi bời, thê thảm. Ngọn cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ bay trên nắp hầm của tướng Pháp Đờ-cát-tờ-ri là một biểu tượng sáng chói, là lời kêu gọi đứng lên tự giải phóng, có sức thuyết phục nhất đối với các nước thuộc địa khác cùng thời. Khúc khải hoàn ca Giải phóng Điện Biên rộn rã hào hùng là cái ngòi nổ thời đại, đã làm rung chuyển và xụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của các Đế chế hùng mạnh nhất.
Vậy mà, so với người phương tây, tại sao chúng ta vẫn nghèo nàn, yếu kém ? Vấn đề này, không chỉ ngày nay, mà từ thời Nguyễn, các đại trí thức có tâm huyết, có tư tưởng cấp tiến đã từng chong đèn, vật vã nghĩ suy, tìm hiểu để tìm cho ra cái gốc rễ, cái nguyên uỷ của nó. Một trong những đại diện của lớp người ấy là cụ Nguyễn Trường Tộ với bản tấu "Bảy điều trần" trình lên vua Tự Đức sau khi đã được tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh kỹ nghệ phương tây tại chính quê hương của nó. Cụ đã dũng cảm phê phán thẳng vào cái tinh linh của nền tảng xã hội mình đang sống rằng người Việt ta chỉ biết có Nho giáo, tự cho mình là "Hoa Hạ" (thực ra nó lại ở tít đâu tận miền Hoa Trung phương Bắc) cao siêu, còn ba cái anh mắt xanh mũi lõ tối tăm mông muội đáng thương kia thì chỉ biết có vẽn cái lợi (!) Lẽ sống duy nghĩa phiến diện của những giáo lý Nho học đó đã không khuyến khích con người ta tìm ra cái lợi, thậm chí không cho phép người ta nghĩ đến cái lợi, ngay cả khi đó là chân lợi. Nhưng trên thực tế bao đời, quan lại là tầng lớp thấm nhuần nền học thuật Nho gia nhất, hơn nữa lại là những kẻ luôn ra rả tuyên giảng những nghĩa lý của Nho gia đến đám dân đen con đỏ, lại chính là tầng lớp quan tâm đến cái lợi và thu lợi nhiều nhất. Vì thế người ta mới thích làm quan, mới cứ nhất định là phải ra rả chi hồ dã dã bền bỉ trong nhiều năm ròng để mong đạt được điều gì đó trong khoa cử đặng được làm quan. Bởi vậy, trong dân gian mới có câu "Lập thân tối hạ thị văn chương"; thật mỉa mai và đau lòng thay ! Và đáng tiếc là hai thành phần trực tiếp, được coi là điều kiện cần để tạo ra một nền sản xuất tiến bộ là Công và Thương lại không được hoan nghênh mà bị xếp vào hai bậc cuối trong ba rem phân hạng giai tầng của xã hội.
Thực ra, điều này ai cũng thấy, văn chương đích thực bao giờ cũng cao quý bởi nó được chiết xuất công phu khó nhọc từ ngay trong đời sống; Bởi nó là thứ hoa thường hữu xạ, xa lạ với tất cả những gì sặc sỡ, sinh ra từ trí tuệ con người, luôn khát khao bừng nở giữa đời, là ngọn đuốc nâng đỡ con người ta trong quá trình tự bồi đắp và hoàn thiện nhân cách của mình trong cái cõi "Thế thượng nan vô sự" này.
Ngày nay, những người được sinh ra vào đầu những năm bảy mươi đổ về trước, trong đó có những người đã trải qua hai ba chế độ, có những người chỉ sống trong một chế độ mới, đều có chung một sự ngưỡng mộ với hình tượng cây tùng, cây trúc, biểu tượng của những phẩm chất văn hoá cứng cỏi, trung thực, ngay thẳng, chợt hoảng hốt nhận ra rằng mình đang ngày càng trở nên lạc lõng, cô đơn trong cái thế giới vừa mới đây thôi, còn rất gần gũi, bỗng nhiên nảy nở và phát tác ra một thứ hội chứng, không ai hoan nghênh, khuyến khích nhưng đang có xu hướng từ một hội chứng hạn hẹp tiến lên thành một loại văn hoá; Nếu mượn chữ của người Trung Quốc thì đó là loại Văn hoá thân mềm; Một thứ văn hoá Uriahíp [1], kỵ sáng, nhớp nháp, độc ác, hạ tiện và vô nhân ... khiến cho người ta phải rùng mình ớn tởm, gớm giếc như nhìn thấy loài rắn độc uốn éo khoe mềm !
Một đất nước liệu có thể phát triển được không, khi người ngay đang có xu hường phải khiếp sợ kẻ côn đồ, dù là hạng côn đồ thô bỉ hay sang trọng; Khi kiến nghĩa mà phải nghiến răng hoặc đành ngoảnh mặt mà bất vi để rồi trở thành một lũ vô dũng, ê chề, bạc nhược ?!
Một dân tộc có thể mở mặt được không, một khi còn phải thuê những kỹ sư, cử nhân ngoại đến hướng dẫn, bảo ban công việc cho những tiến sỹ nội ?
Kinh Thi có viết: Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử (Văn hoá vật chất dồi dào, sau đó mới có người tử tế). Về điểm này, trên quan điểm cá nhân, trộm nghĩ: Đó chỉ là những người tử tế thụ động (thứ cấp). Còn những người tử tế chủ động (sơ cấp) mới chính là động lực để tạo ra một xã hội có văn hoá và vật chất dồi dào !
Ngày nay, những người Nhật Bản - Đã từng bị kiệt quệ vì chiến tranh, vì thua trận và chịu thảm hoạ bom nguyên tử hồi năm 1945 - khi đi ra ngoài thế giới đều được các dân tộc khác thực lòng kính nể và ngưỡng mộ.
 - Tại sao vậy ?
- Hỏi vớ vẩn !

   Tháng 07 năm 2005

 

Chú thích:

[1] Một nhân vật trong Đê vit  Cô pơ phin của Đich Ken.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 635

Return to top