Với giọng nói trong trẻo, lạc quan, chị cuốn hút người nghe bằng những câu chuyện không đầu không cuối. Lăn lộn với đủ loại nghề để nuôi con, nuôi chồng, nuôi cả tượng của chồng, nhưng Y Ban vẫn giữ cho mình sự lãng mạn, tinh khiết của tâm hồn.
Nhân vật nữ của Y Ban luôn ám ảnh người đọc. Đó là những cô gái lỡ dại, những người đàn bà luôn khát khao sự dịu dàng, mải mê kiếm tìm mẫu đàn ông lý tưởng. Bề ngoài, họ tỏ ra gai góc, chấp nhận cuộc sống, nhưng ẩn sau đó là những tâm hồn thèm muốn được nâng niu, chiều chuộng. Trong buổi gặp mặt sinh viên trường Berkeley, Mỹ, một cô gái hỏi: Chị có giống những nhân vật của mình không , Y Ban đáp lại: Nhân vật của tôi là những cô gái đẹp, mà bạn thấy đấy, tôi không hề đẹp. Điều nữa, là bạn đừng bao giờ cuộc đời hoá các tác phẩm của nhà văn như vậy. Cuộc đời của tôi đã hoá thành tác phẩm . Quả vậy, những bức bối của đời sống thường ngày, những khát khao đều được chị dồn nén vào nhân vật.
Sinh tại Nam Định, chị trải qua một tuổi thơ bom đạn và dữ dội. Bố đi bộ đội, mẹ quá vất vả với công việc tại bệnh viện, một mình chị chăm lo cho 3 đứa em nhỏ. Đến bữa cơm, chị chỉ ngồi chăm chăm lo cho mẹ và 3 đứa em ăn. Lớn lên, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Sinh, chị xin về làm giáo viên của Cao đẳng Y Nam Định. Mê đọc sách từ bé, nên khi về trường, chị lùng sục khắp thư viện và... tập viết. Một loạt những Người đàn bà có ma lực, Thư gửi mẹ Âu Cơ... ra đời. Gửi đi báo tỉnh, nhưng không ở đâu đăng vì không chịu nổi lối viết của con này . Đi xem bói, thầy phán nên đổi tên, vậy là từ cái tên Phạm Thị Xuân Ban, chị đặt bút danh Y Ban, có nghĩa là Ban ở trường Y . Quả thật, truyện của chị được in ngay và đoạt giải nhất cuộc thi báo Quân đội Nhân dân. Vì đam mê văn chương, và cũng vì tiếng gọi tình yêu với một nhà điêu khắc trẻ, chị bỏ dạy về Hà nội học trường viết văn Nguyễn Du.
Chưa kịp tốt nghiệp, đã lấy chồng, sinh con, rồi bao khó khăn đổ ập xuống. Chị phụ mẹ chồng bán gà tần, làm bột sắn, quần quật suốt ngày mà không đủ ăn. Chị từng gào khóc nức nở khi làm mất hộp sữa của con mà không thể lấy đâu tiền mua lại hộp khác. Chồng chị là người có tài, anh đam mê tượng. Yêu vợ, yêu con, nhưng anh lại không thể nuôi sống vợ con. Mọi sự bức bí dồn nén đôi khi thành những trận đòn phũ phàng. Thậm chí, đã có lần chị bỏ đi, nhưng rồi thương con, xót xa cho chồng, chị lại quay về duy trì tổ ấm. Y Ban tâm sự: Khi đêm buông xuống, con ngủ rồi, tôi mới được sống với thế giới riêng của mình, thương thân, chỉ còn biết khóc. Tôi giải toả bằng nước mắt và luôn tin rằng ngày mai, mọi sự sẽ tốt đẹp hơn .
Khi còn trẻ, chị luôn đẩy cảm xúc của mình tới tận cùng, đau khổ vì cả những chuyện nhỏ nhặt, vớ vẩn. Nhưng ngoài 30 tuổi, chị nhìn đời sắc sảo hơn, và chấp nhận mọi thứ một cách tương đối. Chị dành những gì hoàn hảo cho câu chuyện của mình, chúng luôn được kết thúc có hậu như chuyện cổ tích. Chị để trí tưởng tượng bay bổng đến tận cùng và giải thoát mọi ưu phiền của cuộc đời bằng trang viết.
Chị nhặt nhạnh những mẩu đối thoại hay hay chợt nghe được, những truyền thuyết được kể lại thành cốt truyện. Ngoài những thành công khi viết về thân phận phụ nữ, Y Ban còn rất tâm đắc với những truyện liêu trai mang màu sắc ma quái. Cuối tháng này, chị cho ra mắt hai tập truyện Người đàn bà có ma lực và Chợ rằm ở dưới gốc dâu cổ thụ. 1/3 truyện ngắn trong đó là những sáng tác mới viết trong năm 2002.
Hiện, làm biên tập cho báo Giáo dục và Thời đại, Y Ban đang ở trong giai đoạn viết sung sức nhất. Chị toại nguyện với sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, người đàn bà có tâm hồn lãng mạn này vẫn luôn đi tìm sự bình yên.