Trong hàng chục nghìn năm, các xã hội "cổ sơ " của những người săn bắt-hái lượm đã lan tràn trên các vùng đất địa cầu, họ không hề biết đến nhau vì sự cách biệt địa lý, ngôn ngữ, lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục. Không xã hội nào giống xã hội nào, có nơi thì cởi mở, phóng khoáng, nơi khác lại khép kín, câu thúc, có chỗ theo chế độ tản quyền, chỗ theo chế độ tập quyền. Nhưng dù khác biệt, nói chung đó là những loại hình cơ bản ban sơ của xã hội những "con người tinh khôn" (homo sapiens) (1) Qua hàng chục nghìn năm cái cộng đồng lưu lạc (2) của những xã hội tiền sử không hề biết lẫn nhau này đã tạo thành nhân loại.
Sự phát triển của nền văn minh thành thị / thôn quê không những đã không hề biết đến cái nhân loại đó mà còn tiêu diệt nó. Những xã hội có lịch sử đã bành trướng, đẩy lùi xã hội cổ sơ vào trong rừng, trong sa mạc rồi ở chính nơi đó các nhà thám hiểm và thăm dò của thời đại toàn cầu lại tìm thấy họ để rồi cũng lại nhanh chóng đưa họ đến chỗ diệt vong. Cho đến nay, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các xã hội này đã vĩnh viễn bị sát hại mà những kẻ sát hại lại không hề thu lượm được những kiến thức họ đã tích luỹ được qua mấy nghìn năm.
Lịch sử rất tàn nhẫn đối với các nền văn minh đã chết vì chiến bại, lại cực kỳ tàn bạo đối với tất cả những gì thuộc về tiền sử. Cái tiền sử này thật ra không phải tự nó chết đi mà chính nó đã bị tiêu diệt. Những kẻ sáng lập ra văn hoá và xã hội "con người tinh khôn" ngày hôm nay đã bị diệt chủng. Mà chính cái nhân loại kia, trong giai đoạn lớn lên đã giết hại kẻ sinh ra nó.
Lịch sử ra đời có lẽ cách đây 10.000 năm ở Lưỡng Hà (Mésopotamie), cách đây 4.000 năm ở Ai Cập, cách đây 2.500 năm ở thung lũng Indus (In-đu) và lưu vực sông Hoàng Hà Trung quốc. Qua một sự hoá thân ghê gớm, những xã hội nhỏ bé không nông nghiệp, không nhà nước, không thành phố, không quân đội đã biến thành những đô thị, những vương quốc, đế quốc với hàng chục, hàng trăm nghìn, rồi hàng triệu dân, có nông nghiệp, thành phố, nhà nước, phân công lao động, giai cấp, chiến tranh, nô lệ, rồi những tôn giáo lớn, những nền văn minh lớn.
Lịch sử, đó là sự hình thành, phát triển và đấu tranh một mất một còn giữa các quốc gia với nhau. Đó là sự chinh phục, xâm lăng, nô lệ hoá và cũng là sự chống trả, nổi loạn, khởi nghĩa. Lịch sử là những trận chiến, những điêu tàn, những cuộc lật đổ chính quyền, mưu phản. Đó là sự ồ ạt của thế lực và sức mạnh, là sự vô chừng mực của quyền hành, sự thống trị kinh rợn của các bạo chúa khát máu, cũng là sự nô dịch, giết chóc quần chúng hàng loạt. Lịch sử là sự xây dựng cung điện, đền đài, kim tự tháp hùng vĩ, cũng là sự phát triển kỹ thuật, nghệ thuật, sự ra đời và hoàn thiện của chữ viết (3), là sự trao đổi hàng hoá, tư tưởng bằng đường biển và trên đất liền. Lịch sử cũng còn là ở nơi này một thông điệp của tình thương và đồng cảm, ở nơi kia một tư tưởng đặt nghi vấn về lẽ huyền bí của trời đất.
Lịch sử, là tiếng ồn ào và lời thịnh nộ, nhưng đồng thời cũng là sự hình thành của những nền văn minh lớn, tưởng mình sẽ đời đời tồn tại, nhưng rồi cũng phải chết : Đó là trường hợp của Ai-cập thời Pha-ra-ông, đế quốc Assyrie (Ax-xê-ri), vương quốc Babylone (Ba-bi-lon), đế quốc Mi-no-en, văn hoá Dravida (Dra-vi-da), Etrusci (Ê-trux-ci), Olmèque (Ôn-mé-cơ), thành quốc A-ten, đế quốc Ba-tư, đế quốc La-mã, thành quốc Maya (Ma-ya, đế quốc Toltèques (Tôn-téc), văn hoá Zapotèques (Da-pô-téc), đế quốc Byzance (Bi-giăng), vương quốc Angkor (Ăng-co), đế quốc Aztèque (Ax-tec), nước Incas (In-ca), vương triều Sassanides (Xát-xa-nít), đế quốc ốt-tô-man, vương triều Habsbourg (Háp-xbuốc), Đệ Tam Đế Quốc (Troisième Reich), Liên bang Xô viết...
Trong khi đế quốc La-mã chỉ kéo dài được vài thế kỷ thì riêng hai trung tâm văn minh duy nhất vẫn tồn tại qua cả nghìn năm sau bao cuộc xâm lăng và thay đổi triều đại, đó là ấn độ và Trung hoa.
Lịch sử truyền thống kể cho ta nghe âm thanh và cuồng nộ của các trận chiến, các cuộc đảo chính, những tham vọng điên rồ. Nó ở trên đầu sóng ngọn gió, ở nơi mà "lịch sử mới" chỉ thấy được toàn bèo bọt các sự kiện. Cái lịch sử mới này mà hôm nay đã trở thành cũ lắm rồi, cũng tưởng mình đã nắm bắt được thực chất của tương lai nhân loại bằng cái tất định luận kinh tế - xã hội, nhưng rồi nó lại bắt đầu quay về với nhân chủng học, theo phía đa chiều (hướng). Ngày nay các hiện tượng ngẫu nhiên và đột phát vốn dĩ đầy dẫy trong các khoa học vật lý, vi sinh cũng đã trở lại với khoa học lịch sử. Chúng không chỉ còn là bèo bọt mà biến thành thác ghềnh, những khúc ngoặt trong dòng cuồng lưu lịch sử kia.
Mang tính sự kiện, tính kinh tế-xã hội, tính dân tộc học, rồi đôi khi đã trở thành đa chiều (hướng), lịch sử của các nhà sử học lại cũng phải trở thành nhân loại học. Nhân loại học lịch sử phải biết quan sát những trật tự, đảo lộn, tổ chức đối nghịch, liên kết, quyện vào nhau trong quá trình lịch sử, trong tương quan với những thế lực của trật tự - hỗn loạn - tổ chức vốn thuộc về tinh thần, tư tưởng của con người tinh khôn-rồ dại (Homo Sapiens-demens). Nó cần soi rọi những hình thức tổ chức xã hội đã xuất hiện trong quá trình lịch sử, từ Ai-cập dưới thời Pha-ra-ông, thành quốc A-ten thời Périclès (Pé-ri-cléx) cho đến những nền dân chủ và những chủ nghĩa chuyên chế đương đại mà xem đấy là các biểu hiện của tính tiềm tại xã hội nhân loại. Nó phải nhìn rõ vào những cuộc chiến, những cuộc tàn sát, nô dịch, hãm hại, tra tấn, vào lòng cuồng tín cũng như lòng tin với những nhiệt tình ở đỉnh cao của chúng, vào triết học như những biểu hiện đương đại của tính tiềm tại nhân loại học. Nó có lẽ cũng phải thấy được tính cá biệt của các nhân vật từ Aknaton (Ac-na-ton), Périclès (Pê-ri-clex), Alexandre de Macédoine (A-léc-xan-đơ của Ma-xê-đoan) cho đến Na-pô-lê-ông, Xta-lin, Hít-le, Đờ-gôn như sự cụ thể hoá, đương đại hoá những tiềm năng của con người tinh khôn-rồ dại.
Chúng ta cần có một lịch sử đa chiều mang tính nhân loại học, bao gồm cả những thành phần của âm thanh và cuồng nộ, hỗn loạn và chết chóc. Vì về mặt nhân loại học, lịch sử của những sử gia đã tụt hậu so với những bi kịch Hy lạp, kịch thời Ê-li-da-bét, và đặc biệt là kịch thời Sếch-xpia. Những kịch này đã chứng tỏ rằng bi kịch của Lịch sử là bi kịch của đam mê, vô độ và mù quáng của con người.
Vĩ đại lẫn ghê tởm. Rực rỡ và tàn khốc. Huy hoàng cùng khốn khổ. Những thực tại hai mặt và phức tạp của "bản chất con người" (4) đã được diễn đạt một cách hoang đường trong cái Lịch sử mà cuộc phiêu lưu vẫn tiếp diễn, lan ra, tăng thêm trong thời đại toàn cầu của chúng ta. Hiện nay, số phận của nhân loại đang thôi thúc chúng ta trong một câu hỏi then chốt: Chúng ta có thể nào thoát khỏi cái lịch sử đó hay không? Cuộc phiêu lưu đó sẽ vẫn còn là con đường duy nhất của chúng ta ư ?
Những lịch sử trọng đại
Từ thủa gọi là Thời cổ đại và trong 5.000 năm sau đó, Lịch sử đã dàn trải, lan toả ra trên nhiều đại lục. Nhưng cho đến thế kỷ thứ XIV của thời đại chúng ta, nó vẫn chưa có tính toàn cầu. Đó chỉ là những Lịch sử riêng lẻ, giữa chúng không có liên hệ gì với nhau. Nhưng rồi, những văn minh lớn, bành trướng bằng chiến tranh và nghề hàng hải bắt đầu khám phá được quả đất.
Trước kia cũng đã từng có những trào lưu sôi sục thúc đẩy con người đi chinh phục thế giới, những trào lưu to lớn mà ngắn ngủi này còn để lại những tên tuổi như A-léc-xăng-đơ, Thành cát tư hãn, Ta-mẹc-lăng. Đã có những cuộc mạo hiểm trên biển ở quy mô lớn đến những miền đất lạ như chuyến đi của người Vi-king, họ đã đến châu Mỹ mà không hề biết điều đó và có lẽ cả người da đỏ châu Mỹ đã đến Âu châu mà không hề ý thức được cái họ từng khám phá...
Rồi đến lượt những trào lưu khác như trào lưu của những tôn giáo mang tính thế giới, lấy mục tiêu là loài người, từ ấn Độ đã tràn sang viễn đông (Phật giáo), từ Tiểu á sang Tây phương (Thiên chúa giáo), từ A-ra-bi đi về phía Đông, sang Tây, xuống phía Nam (Hồi giáo). Nhưng những đấng thượng đế lớn đó vẫn là những con người tỉnh lẻ, họ còn mù tịt về thế giới, về quả đất, về nhân loại, những thứ tuy vẫn được xem là do các vị ấy đã tạo ra.
Vào thời Trung cổ tây phương, dù lịch sử của các miền vẫn chưa thống nhất, dù những nền văn minh còn khép kín, nhưng hoa quả, rau cỏ, gia súc cũng như tơ lụa, ngọc thạch, gia vị đã được du nhập từ Đông sang Tây, từ á sang Âu. Quả anh đào đã từ vùng biển Cax-piên đi đến Nhật bản và Âu châu. Quả mơ đã từ Trung quốc sang Ba tư, rồi từ Ba tư sang phương Tây. Con gà đã từ ấn độ mà bay khắp lục địa Âu-á. Việc dùng sức kéo súc vật, rồi sự sử dụng thuốc súng, la bàn, giấy, kỹ thuật in đều từ Trung quốc đến Âu châu và cung cấp cho nơi này kiến thức và công cụ cần thiết để cất cánh và đặc biệt đưa nó đến sự khám phá ra châu Mỹ. Những nền văn minh A-rập đã phát hiện con số Zê-rô của ấn độ và đem nó về truyền bá cho phương Tây.
Trước thời hiện đại, các nhà hàng hải Trung quốc, Phê-ni-xi, Hy-lạp, A- rập, Vi-kinh đã khám phá ra những không gian rộng lớn của cái mà họ vẫn chưa biết là hành tinh. Một cách ngây thơ, họ đã vẽ bản đồ về cái phần họ biết và xem đấy là tất cả thế giới. Tóm lại, Tây Âu, cái phần nhỏ của đại lục Âu-á suốt trong thời Trung cổ đã nhận được từ miền Viễn đông rộng lớn những kỹ thuật cho phép nó trang bị được đầy đủ kiến thức và phương tiện để khám phá và chiếm cứ châu Mỹ.
Từ đó một sự lên men dồn dập đã bắt đầu ở nhiều điểm trên quả đất để sửa soạn, báo trước, cho ra đời những công cụ, tư tưởng của cái sẽ trở thành kỷ nguyên toàn cầu. Và, ngay lúc Đế quốc ốt-tô-man, sau khi đã chinh phục By-zan-xơ, đến sát tường thành của thành phố Viên (áo), đe dọa trung tâm Châu Âu thì cái miền viễn tây của Châu Âu này đã xông ra biển để sửa soạn mở ra kỷ nguyên toàn cầu.
Chú thích :
(1). E.Morin, "Phạm thức thất lạc" (Le Paradigme perdu), Paris, Editions du Seuil, "Points Essais". 1979, Tr.165-188
(2). Diaspora: (Tiếng Hy lạp) Lúc đầu để chỉ cộng đồng hoặc khu vực người Do thái lưu lạc ở các nước, nghĩa bóng chỉ tất cả các cộng đồng lưu lạc, tản mạn (Người dịch chú thích :ND).
(3). Khoảng 3.000 năm trước Tây lịch: Văn tự tượng hình của Ai cập, văn tự hình vẽ của Lưỡng Hà (Mêdôpôtami); khoảng 1500-1400 năm trước Tây lịch: văn tự ghi ý của Trung Quốc, văn tự đường nét của Crète (Cơ-rét) và Hy Lạp, văn tự hình góc ở Anatôli. Khoảng 1100 trước Tây lịch người Phênixi đã làm ra chữ mẫu tự.
(4). Về ý niệm "bản chất con người", xem (Le paradigme perdu), sách đã dẫn (sđd), Tr.148-164.