Phương Sách định đi chùa Thiếu Lâm mục đích là kiếm Tâm Tâm đại sư để trả mối thù mà Tâm Tâm đại sư đã cho mình uống rượu có chất độc.
Ngờ đâu Lợi Man lại cứ đứng yên không chịu đi, và còn trả lời chàng rằng:
- Đại ca đi trả thù thì tôi đi làm chi ?
Phương Sách liền nghĩ bụng:
“Phen này ta đi vào nơi đầm rồng hang hổ, hà tất phải rủ nàng đi để nàng bị liên lụy”.
Nghĩ đoạn, chàng có vẻ ăn năn, liền vái nàng một vái và nói:
- Cám ơn sư muội vừa rồi đã ra tay cứu giúp, sau nầy Phương mỗ không chết, thế nào cũng đền lại ơn này. Thôi, tạm biệt sư muội ở nơi đây.. Lợi Man nghe thấy chàng nói như thế tức giận đến mặt biến sắc. Câu nói của nàng vừa rồi là muốn bắt ép chàng phải nhìn nhận cuộc hôn nhân của hai người, nào ngờ chàng lại hiểu lầm mà quay người định đi ngay như vậy. Nàng hậm hực, dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng, rồi nói:
- Người này thật vô lương tâm !
Phương Sách ngạc nhiên, ngừng bước lại hỏi:
- Sư muội muốn nói gì chứ ?
Lợi Man biết dùng thủ đoạn cứng rắn bắt ép chàng ta không được nên nàng vội thay đổi thái độ nói:
- Người này thật không biết nếp tẻ gì hết ! Một ngày là mười hai giờ, mà trong đó có hai giờ là sư ca không thể trông thấy người được, nếu không có tôi ngấm ngầm theo sau, thì hồi nãy cơ thể sư ca đã bị toi mạng dưới chưởng của Ảo Không Đạo Giả rồi.
Lúc ấy Phương Sách mới biết rõ tại sao nàng ta lại nhảy tới cứu mình. Thì ra lúc nào nàng cũng ngấm ngầm đi theo để bảo vệ mình. Thấy nàng si tình với mình như thế chàng càng hổ thẹn thêm, liền nói:
- Sư muội tử tế với tôi quá, nhưng chuyến đi này rất nguy hiểm có thể nói là nắm chắc chín phần chết mà chỉ có một phần sống thôi. Vì chùa Thiếu Lâm oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ đã có không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt định tới trả thù mà đã phải lui bước.. Thấy chàng nói rất thành khẩn, Lợi Man sực nghĩ đến một việc liền bụng bảo dạ rằng:
“Sư phụ dặn ta phải bảo vệ chàng, đã biết rõ chàng không thể gần đàn bà được, hễ gần là làm bậy ngay, mà sư phụ lại còn bảo ta phải theo chàng như thế, chắc thế nào cũng có thâm ý..” Nghĩ tới đó, nàng đưa mắt ngắm nhìn chàng sực nhớ tới khi chàng mới lên núi mặt hãy còn đẹp trai, đã ôm mình vào lòng như điên như dại. Nghĩ tới đó, lòng hổ thẹn đến đỏ bừng lên ngay.
Lúc này, Lợi Man đã quá yêu thương chàng rồi, nàng bỗng giơ tay lên rờ vết thẹo trên ngực của mình rồi nghĩ tiếp:
“Ta chỉ có thể lấy chàng được thôi, chứ không thể lấy được người nào khác nữa, vậy ta với chàng phải sống chết có nhau, huống hồ sư phụ lại dặn bảo như vậy.” Nghĩ đến đây, nàng cương quyết nói:
- Đại ca sống thì tôi sống, đại ca chết thì tôi chết nhưng đại cạ. Nói tới đó, nàng nức nở khóc ngay.
Nghĩ đến nàng đã cứu mình thoát chết. Phương Sách cảm thấy mình đối xử với nàng như thế quả thật không nên, không phải, liền thở dài một tiếng và đỡ lời:
- Thôi được ! Nhưng nếu có chuyện gì không may xảy ra lại càng khiến lòng tôi không được yên thêm.
Thế rồi đôi thanh niên nam nữ ấy liền rời khỏi khu rừng đi thẳng về phía chùa Thiếu Lâm.
Chiều hôm sau, hai người đã tới chân núi Tung Sơn. Hai người tìm một chỗ vắng vẻ để điều công vận sức, chờ đến canh ba mới lên chùa Thiếu Lâm để dò xét.
Lần này, Phương Sách rất cẩn thận. Chàng quyết định lên dò thám trước chứ nhất định không ra tay vội. Vì ngôi chùa đã lớn rộng, tăng chúng lại nhiều, nếu ra tay đánh trong một hai tiếng đồng hồ chưa chắc đã thoát thân nổi, mà hễ đến giờ Tý là mình biến thành phế nhân ngay. Như vậy, có khác gì là thúc thủ để cho người ta bắt trói không ?
Chàng quyết định cởi áo bào trắng thư sinh ra, cột vào một bó đeo trên lưng, trong người chỉ mặc bộ quần áo dạ hành màu đen thôi.
Lợi Man cũng mặc quần áo dạ hành, cũng như Phương Sách nàng dùng khăn đen để che mặt. Trong bóng tối trông thấy hình dáng của hai người như vậy, ai cũng phải kinh hoảng liền.
Tối hôm đó, mây đen kéo dầy đặc. Trên trời trăng sao không thể nào ló ra được.
Bốn bề tối đen như mực.
Chỉ nghe thấy tiếng gió tiếng cành lá kêu kẽo kẹt, khiến khung cảnh càng trở nên rùng rợn thêm.
Bỗng có chín tiếng chuông với tiếng mõ kêu vọng lên liên tiếp.
Đó là giờ các hòa thượng chùa Thiếu Lâm tụng kinh ban đêm.
Hàng ngàn người cùng tụng kinh một lúc, tất nhiên tiếng tụng niệm phải kêu như sấm động và vọng đi thật xa.
Nghe thấy tiếng mõ với tiếng tụng niệm kinh người như vậy, Phương Sách cũng phải kinh hãi thầm.
Cho tới khi các hòa thượng tụng kinh xong thì trống đã điểm canh ba.
Phương Sách với Lợi Man từ trong bụi rậm bước ra, tiến thẳng lên trên đỉnh núi.
Những điện võ ở trước mặt đều có thắp đèn, ánh sáng đèn liên kết với những vì sao trên trời khiến người ta không sao phân biệt ra được ánh sáng nào là đèn của nhà chùa, và ánh sáng nào là ngôi sao trên trời.
Trong những điện võ ấy có mặt không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt đã tới hội họp với các hòa thượng để bàn về cách đối phó với cuộc hẹn ước Tử Vong thuyền chủ đã định đến ngày Trùng Cửu sẽ đến hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm.
Phương Sách nghĩ bụng:
“Trong chùa có tới mấy nghìn hòa thượng, chỉ riêng những hòa thượng lớn tuổi, võ công rất cao siêu, cũng không sao đếm xuể. Nay với bọn mình hai người, muốn tìm kiếm Tâm Tâm đại sư mà không bị ngăn cản, quả thật không phải là chuyện dễ dàng.
Chi bằng ta cứ ra mặt gọi thẳng Tâm Tâm đại sư để nói chuyện có lẽ còn đở phiền phức hơn.” Nghĩ đoạn, chàng liền đem ý kiến ấy ra bàn với Lợi Man, tất nhiên nàng tán thành ý kiến đó rồi.
Hai người bước lên một tảng đá để ngắm nhìn xem Tâm Tâm đại sư ở nơi nào ?
Nhưng khốn nổi điện võ với văn phòng lại quá nhiều khiến hai người không sao biết được nơi nào là văn phòng của Tâm Tâm đại sư ?
Trong lúc đang phân vân, Phương Sách bỗng nghe thấy phía sau lưng có tiếng người khẽ hỏi:
- Chẳng biết đêm khuya thế này, bạn tới chùa Thiếu Lâm chúng tôi để làm chi vậy ?
Phương Sách với Lợi Man vội quay người lại nhìn mới hay phía sau lưng mình chừng hai trượng có một lão hòa thượng đang đứng yên tại đó.
Tuy lời nói của hòa thượng rất hiền từ, nhưng đôi mắt của ông ta lại sắc bén và đang đăm đăm nhìn Phương Sách và Lợi Man.
Phương Sách vội chắp tay vái chào, cố làm ra vẻ rất bình tĩnh đáp:
- Thưa sư phụ, bọn tại hạ hai người chúng tôi đây muốn được yết kiến Tâm Tâm đại sư.
Hòa thượng nọ lộ vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Hai vị có quen biết chưởng môn nhân chúng tôi đấy à ? Xin hai vị cho biết quý danh ?
Phương Sách đáp:
- Sư phụ làm ơn và thông báo hộ là có Thanh Diện Truy Hồn với Thái Y Đoạt Phách đến xin thỉnh giáo.
Nghe hai cái tên mà Phương Sách vừa xưng hô rất lạ tai, lão hòa thượng càng ngạc nhiên thêm, hỏi tiếp:
- Xin hai vị cho biết rõ ý định ?
Thấy hòa thượng nọ cứ vặn hỏi hoài, Phương Sách đã nổi giận, liền cười giọng rất quái dị và cố ý làm ra vẻ phóng đảng, trong bụng thì nghĩ thầm:
“Phương Sách quang minh chính chính trực đã chết rồi, hiện giờ chỉ còn lại Thanh Diện Truy Hồn này tới để trả thù thôi. Đối phó với lão sói đầu gian giảo xảo trá, ta phải giở thủ đoạn, chàng liền dơ bàn tay lên, làm ra vẻ muốn chặt đầu, và dùng giọng kỳ quái đáp:
- Tại hạ tới đây không có ý định gì hết, mà chỉ muốn truy hồn đoạt phách tên giặc sói đầu Tâm Tâm thôi.
Thấy lời nói và thái độ của Phương Sách rất tức cười, Lợi Man cũng không sao nhịn được, nhưng trong lòng nàng rất lấy làm lạ, nghĩ thầm:
“Xưa nay chàng là người rất nghiêm cẩn, sao ngày hôm nay lại thay đổi tính nết một cách kỳ lạ như thế ?” Sự thật, nàng có biết đâu, sau bộ mặt hoạt kê ấy của Phương Sách, đây là một hành vi biến thái trong lúc tức giận đến cực độ mà không sao thố lộ cùng ai được.
Nghe Phương Sách trả lời một cách xấc xược như vậy, hòa thượng nọ mặt liền biến sắc, cười khẩy nói:
- Chùa Thiếu Lâm này lập nghiệp đã ba trăm năm nay, mà chưa từng thấy một đôi trẻ nhỏ nào lại ngông cuồng như hai người. Hai người có bản lãnh gì hảy thông qua quan ải của Bổn Tư pháp chủ trì đã, rồi lão tăng sẽ thông báo hộ các ngươi sau.
Lão chưa dứt lời đã nhanh như gió lướt tới trước mặt Phương Sách.
Lão xử dụng thân pháp “Lập Thân Kiến Ảnh” là một môn khinh công rất hiếm thấy trên chốn giang hồ, nên Phương Sách với Lợi Man đều kinh hãi thầm.
Nguyên lão hòa thượng nọ là Tư Pháp chủ trì, tên gọi Đà La tăng. Lão lớn tiếng niêm phật hiệu, nói tiếp:
- Thí chủ, ngã Phật từ bi, nếu biết hối cải thì sẽ thấy bến bờ ngay. Dù cho thí chủ có muốn tẩm thù thì hãy để ngày mai hãy tới. Nhược bằng cứ chắp nệ không biết hối cải, thì đừng nói bọn thí chủ chỉ có hai người thôi, mà dù có mười người hay một trăm người đi chăng nữa, cũng địch không nổi phái Thiếu Lâm này đâu ...
Chỉ vì nhất thời u mê, Phương Sách yên trí người bỏ thuốc độc vào rượu để hãm hại mình là Tâm Tâm đại sư với Lam Bào quái nhân, nhưng chàng có biết đâu mình đã trúng phải kế ly gián của Tử Vong thuyền chủ.
Nghĩ đến việc mẹ bị hãm hiếp rồi bị giết chết, cha bị kẻ thù đuổi tận giết tuyệt, thù mới hận cũ cùng dồn dập tới một lúc, khi nào chàng chịu nghe theo một đôi lời khuyên bảo của lão hòa thượng này mà rút lui ?
Vì vậy Phương Sách giận dữ quát mắng:
- Lão già sói đầu kia, ngươi địch không nổi bổn thiếu gia đâu. Mau gọi lão tặc Tâm Tâm ra đây thì bổn thiếu gia sẽ tha chết cho ngươi ngay.
Đà La Tăng nghe Phương Sách nói như vậy liền cười khàn khạc đáp:
- Vô trí tiểu nhi dám ăn nói ngông cuồng như vậy mà không biết xấu hổ. Lão tăng hiện phụ trách trông coi cửa, nếu ngươi muốn vào trong chùa thì phải thông qua quan ải này trước mới được.
Phương Sách thét lớn:
- Câm mồm ! Ngươi muốn chết thì đừng có trách thủ đoạn của bổn thiếu gia độc ác.. Cũng được, vậy hãy để cho ngươi tạm lãnh cái chết hộ lão tặc Tâm Tâm trước.
Nói xong, chàng giơ chưởng lên định tấn công, nhưng Lợi Man đã vội kéo áo chàng nói:
- Đại ca hãy để muội đối phó với y cho.
Vừa dứt lời, nàng đã múa chưởng xông lên tấn công Đà La Tăng tức thì.
Lúc ấy Đà La Tăng mới nhận ra đối phương là một thiếu nữ. Lão vội lui ngay về phía sau một bước, nhắm mắt, chắp tay niệm luôn:
- A Di Đà Phật ! Ngã Phật từ bi.
Lợi Man thét lớn:
- Lão giặc sói đầu kia, đừng có giả bộ giả tịch.
Vừa nói, nàng vừa giở môn tuyệt học của Cô Lâu Lão Nhân truyền thụ đem ra tấn công liền.
Đó là “Toàn Khuyên Lực Khí” một khi khí công được dồn ra, nó liền quay tít như từng cái vòng một và quay xung quanh thân hình kẻ địch như một cơn gió lốc.
Nếu địch thủ công lực hơi kém, thì thế nào cũng bị cái vòng hơi đó cuốn chặt, khiến không sao thoát thân được, nếu không chết cũng bị thương ngay.
Nàng cố ý lấy lòng Phương Sách và cũng muốn cho chàng biết rõ tài ba của mình như thế nào, nên vừa ra tay một cái, nàng đã giở toàn lực ra tấn công luôn.
Đà La Tăng chỉ là một lão hòa thượng gác cổng chùa Thiếu Lâm thôi, võ công chỉ thuộc vai vế hạng nhì, nhưng về địa vị Ở trong chùa thì lão lại được liệt vào hạng Chủ trì tăng.
Vì có địa vị khác cao như vậy, nên ngày thường lão rất tự phụ, không bao giờ coi những người tuổi trẻ vào đâu hết.
Cho nên kình lực của Lợi Man vừa đưa ra, lão rất thủng thẳng giơ chưởng lên phất mạnh một thế.
Ngờ đâu chưởng lực của lão vừa đưa ra đã bị kình lực của đối phương bao trùm.
Lão muốn rút lui nhưng đã muộn mất rồi.
Đà La Tăng cảm thấy thân hình mình như bị hàng vạn chiếc vòng bó chặt, không sao cử động nổi.
Lão kinh hoảng vô cùng, vội vận hết công lực dồn vào song chưởng đè mạnh xuống một cái, mượn thiền công cửa Phật để thừa cơ nhún chân phi lên trên cao.
Lợi Man thét lớn một tiếng, tả chưởng hất lên một thế, đồng thời nàng cũng nhảy lên theo, chìa hia ngón tay ra điểm thẳng vào sau lưng Đà La Tăng.
Đà La Tăng đã nhảy được lên trên không, nhưng lão không ngờ thân pháp của Lợi Man lại nhanh đến như thế, chưởng phong và chỉ lực của nàng đã tấn công tới cạnh liền.
Võ học của phái Thiếu Lâm đâu phải tầm thường, Đà La Tăng đã giở được thân pháp huyền ảo kia ra nhảy lên trên không tránh né.
Tuy lão nhanh đến đâu, vai trái vẫn bị kình lực của Lợi Man quét phải, đầu vai tê tái, nên khi vừa hạ chân xuống tới mặt đất, lão không đứng vững được, té lăn ra đất tức thì.
Lợi Man nhanh nhẹn nhảy tới, giơ chưởng bổ xuống một thế.
Chiếc đầu sói của Đà La Tăng liền bị đánh nát bét, máu bắn ra tung tóe như mưa, chết không kịp ngáp.
Trong đêm tối bỗng có tiếng giận dữ quát mắng:
- Ác tặc giỏi thật, dám hành hung như vậy !
Tiếng nói vừa dứt, trên bờ tường đã có ba cái bóng người cao lớn phi thân xuống.
Ba người nọ vừa trông thấy xác của Đà La Tăng nằm dưới đất đã đồng thanh quát mắng:
- Ở trước cửa chùa Thiếu Lâm mà dám hành hung như thế này, từ năm mươi năm nay mới có một. Hai tên giặc kia thông báo tên họ đi ?
Ba người đó đều mặc áo cà sa màu vàng, tuổi trên sáu mươi, mắt sáng như điện, hậm hực nhìn bọn Phương Sách.
Phương Sách cả cười đáp:
- Bổn thiếu gia muốn sự việc xẩy ra lần thứ nhất và cũng lớn nhất từ ba trăm năm nay của chùa Thiếu Lâm các ngươi. Nhưng hãy để lát nữa mới mở màn, còn hiện giờ ba tên giặc sói đầu các ngươi đừng múa mép như thế vội, mau vào thông báo cho giặc sói đầu Tâm Tâm ra đây lãnh lấy cái chết, nói có Thanh Diện Truy Hồn, sư huynh của Phương Sách tới đây tầm thù.
Chàng có biết đâu ba hòa thượng mặc áo cà sa màu vàng này đều thuộc vai vế chữ “Chính” của chùa Thiếu Lâm, võ công được liệt vào hàng cao tăng hạng nhất.
Vì do Không Đạo Giả và Giang Tĩnh Thục đã tới trước Phương Sách với Lợi Man một tiếng đồng hồ, nên Tâm Tâm đại sư đã được biết rõ chuyện rồi, mới đặc biệt phái ba người này đi tuần đề phòng bị Phương Sách và Lợi Man đuổi theo tới sinh sự.
Ba người nghe nói đều kêu ủa một tiếng, mặt liền biến sắc. Một người trong bọn vội vàng chạy vào trong chùa để thông báo ngay.
Phương Sách với hai hòa thượng còn lại vừa mới đối đáp được có vài câu thì cửa điện lớn đã kêu kẹt một tiếng rồi mở rộng ra luôn.
Bên trong có mấy bóng người thủng thẳng bước ra.
Người đi đầu cao lớn vạm vỡ, mày trắng dài hàng tấc, mặc áo bào rộng thùng thà thùng thình, trông rất oai vệ. Đúng là Tâm Tâm đại sư, chưởng môn nhân phái Thiếu Lâm, và cũng là người thuộc nhóm Võ Lâm Tam Lão.
Đi theo sau ông ta là Giang Tĩnh Thục. Ngoài ra còn có ba người mặc áo cà sa màu đỏ, hai người vận áo màu xám, với hòa thượng vừa vào bên trong thông báo, cộng tất cả là tám người.
Tuy họ đi rất thủng thẳng, nhưng chỉ trong nháy mắt đã xuống hết tám mươi tư bậc thang đá ở trước điện rồi.
Hai hòa thượng mặc áo cà sa màu vàng chỉ vào xác Đà La Tăng mà thưa rằng:
- Bẩm chưởng môn.
Tâm Tâm đại sư liếc nhìn cái xác của Đà La Tăng, cau mày lại, quay đầu hỏi Giang Tĩnh Thục rằng:
- Có phải bọn chúng hai người đấy không ?
Giang Tĩnh Thục nhìn bọn Phương Sách hai người, thấy ăn mặc khác trước, thoạt tiên nàng hơi ngẩn người ra, nhưng khi nhìn tới Phương Sách, thấy chiếc khăn lụa đen che mặt vẫn như trước, nàng mới cương quyết đáp:
- Chính tên mặt xanh che mặt kia đã chặt gẫy cánh tay trái của sư thúc đấy.
Tâm Tâm đại sư nhiệm một câu A Di Đà Phật, hai mắt tia ra hai luồng ánh sáng, với giọng kêu như tiếng chuông quát hỏi Phương Sách rằng:
- Đã đả thương bạn già của lão tăng, lại còn đến trước cửa chùa Thiếu Lâm mà hành hung. Bổn chưởng môn nhân từ khi lên nhận chức tới giờ, năm mươi năm nay chưa một người nào dám miệt thị bổn chưởng môn đến như thế. Ngươi với chùa Thiếu Lâm này có thù hằn gì mà lại đêm hôm khuya khoắt tới tầm thù như vậy ?
Phương Sách cười khẩy mấy tiếng rồi đáp:
- Giặc sói đầu kia đã biết rõ lại còn giả bộ hỏi. Ảo Không lão tặc đã chả sớm nói cho ngươi biết rồi là gì ? Bổn thiếu gia đặc biệt nương tay mới vào báo tin cho ngươi biết trước, để ngươi có chết cũng không oán hận. Bổn thiếu gia đây là Thanh Diện Truy Hồn, với Thái Y Đoạt Phách đêm nay tới đây để trả thù cho nghĩa đệ Phương Sách.
Tâm Tâm đại sư cười khẩy một tiếng, hỏi tiếp:
- Phương Sách với bổn chưởng môn có thù hằn gì đâu mà hai người phải tới đây trả thù hộ ?
Phương Sách đáp:
- Lão tặc, nếu muốn người ta không biết chuyện thì mình đừng có ra tay làm.
Ngươi với Lam Bào Quái Tử thông đồng với nhau ngấm ngầm bỏ thuốc vào rượu đầu độc nghĩa đệ của chúng ta, khiến công lực của y bị mất hết, hầu như một phế nhân vậy.
Y không còn mặt mũi nào trông thấy người đời nữa, mới hàm oan đâm đầu vào đá chết.
Tâm Tâm đại sư liền niệm một câu A Di Đà Phật, hỏi:
- Có phải đích thân y nói, hay là !
- Chẳng lẽ lại còn là giả hay sao ?
Tâm Tâm đại sư hỏi tiếp:
- Y đâm đầu vào đá chết, chính mắt ngươi đã trông thấy ư ?
- Chẳng lẽ mỗ lại bịa đặt hay sao !
Tâm Tâm đại sư hỏi:
- Vì vậy, ngươi tới đây trả thù hộ y, phải không ?
Phương Sách gật đầu:
- Phải.
- Vì thế ngươi đã đả thương Ảo Không Đạo Giả, phải không ?
- Đó là ta hãy còn nương tay đấy.
- Vì thế người lên bổn chùa giết Tư Pháp chủ trì của lão tăng, phải không ?
- Còn đầu lâu ở trên cổ ngươi, lại thêm.. Tâm Tâm đại sư vội hỏi:
- Lại thêm cái gì nữa ?
- Hai cái đầu lâu của nhị Lão nữa. Phải lấy đủ đầu của Võ Lâm tam Lão, thiếu một chiếc cũng không được. Còn.. - Còn cái gì nữa ?
Phương Sách trầm giọng đáp:
- Các đệ tử của bảy đại môn phái đã hành hung vào hồi mười tám năm về trước.
Tâm Tâm đại sư hỏi:
- Sư phụ của ngươi là ai ?
- Không thể nói cho ngươi hay biết được.
- Ngươi có tài ba gì mà dám kiêu ngạo như thế.
- Ta chỉ thị có đôi chưởng này thôi.
Tâm Tâm đại sư nghe nói mặt liền biến sắc, hai mắt nhìn thẳng vào mặt Phương Sách một hồi bỗng cất tiếng cười rất sầu não.
Trong đêm khuya bốn bề yên lặng, tiếng cười của ông ta như dao sắc bén chọc tai, và cũng như sét đánh vậy.
Những hòa thượng đứng cạnh đó, và cả Phương Sách lẫn Lợi Man cũng đều rùng mình đánh thót một cái, không ai hiểu ông ta cười như thế là có dụng ý gì ?
Tiếng cười của Tâm Tâm đại sư kéo dài hàng khắc đồng hồ mới chấm dứt, vẻ mặt rầu rĩ bỗng biến thành rất hiền từ, ông ta nói tiếp:
- Nếu ngươi nói như vậy, thì vị anh kiệt hậu sinh trăm năm mới có một, và cũng là một bông hoa kỳ lạ của võ lâm lâu nay đã chết một cách bất minh bất bạch thật chăng ?
Phương Sách thấy ông ta hỏi như vậy, ngạc nhiên vô cùng, liền nghĩ thầm:
“Chẳng lẽ lão tặc đã biết ta là ai rồi mới cố ý giả bộ làm ra vẻ từ bi như vậy chăng ?” Nghĩ đoạn, chàng cười khẩy lớn tiếng quát bảo:
- Y chết như vậy thật hợp với tâm lý của ngươi lắm !
Tâm Tâm đại sư bỗng ứa hai hàng lệ, ngửng mặt lên trời lẩm bẩm tự nói:
- Tử Vong thuyền chủ, ngươi ác độc thật !
Nói tới đây, ông ta bỗng quay đầu lại nhìn Phương Sách với Lợi Man hai người, rồi tiếp:
- Ngươi chặt gãy một cánh tay của Ảo Không Đạo Giả, một mình bổn chưởng môn không đủ quyền can thiệp vào việc này. Để nay mai ngươi dứt khoát với ông ta.
Đêm nay, ta thấy hai ngươi bị sa vào cạm bẩy mưu kế của Tử Vong thuyền chủ, làm vật hy sinh cho hắn. Tuy hai ngươi đã giết chết Tư Pháp chủ trì của ta, nhưng ta không truy cứu, vì biết hai ngươi bị mắc mưu chứ không phải là định tâm. Vậy lão chỉ mong hai người sớm ngày giác ngộ, mau hối cãi ngay. Bằng không, hai ngươi còn lên đây lần nữa thì dù lão tăng từ bi đến đâu, tăng của bổn chùa cũng không thể nào buông tha cho hai người được. Thôi, hai người đi đi.
Thấy Tâm Tâm đại sư nói như vậy, không những Phương Sách với Lợi Man rất ngạc nhiên, mà các hòa thượng cũng đều ngạc nhiên theo, nhất là ba hòa thượng mặc áo cà sa đỏ, là những người có địa vị rất cao trong chùa, không sao nhịn được liền lên tiếng hỏi:
- Thưa chưởng môn nhân, uy tín của chùa Thiếu Lâm đã xây dựng hàng ba trăm năm.. Tâm đại sư vội xua tay, không cho họ nói tiếp, cương quyết trả lời rằng:
- Lão tăng đã quyết định như vậy rồi.
Ông ta vừa nói dứt thì Phương Sách đã thét lớn:
- Lão tặc đừng có giở trò từ bi giả dối ấy ra nữa. Đêm nay muốn hai chúng ta rời khỏi Chùa Thiếu Lâm này thì chỉ có một vật mới có thể bảo được chúng ta đi thôi, đó là đầu lâu trên cổ đại sư.
Các hòa thượng nghe thấy Phương Sách nói như thế liền biến sắc, nhưng Tâm Tâm đại sư vẫn hòa nhã như thương, nói:
- Nếu chúng ta tàn sát lẫn nhau thì chỉ trúng phải quỷ kế của Tử Vong thuyền chủ thôi.
- Phương Sách mới trúng phải quỷ kế của ngươi, chứ Thanh Diện Truy Hồn này không bao giờ bị mắc hỡm một cách dễ ...
Phương Sách chưa nói dứt câu, các hòa thượng đã không nhịn được nữa.
Ba lão tăng mặc áo cà sa đỏ đều nổi giận, đồng thanh quát lớn:
- Chưởng môn nhân chúng ta có lòng từ bi hỉ xả, tha chết cho hai ngươi, mà hai ngươi lại không biết nếp tẻ gì hết, thật là ngông cuồng quá đỗi.
Dường như lúc này Tâm Tâm đại sư cũng đã nổi giận, thấy Phương Sách cứ lăm le định xông lên, ông ta liền biến sắc mặt, nói tiếp:
- Nếu hai ngươi còn không chịu đi ngay thì đừng có trách lão tăng đã nuốt lời hứa vừa rồi.
Phương Sách cả cười, tiến tới gần Tâm Tâm đại sư miệng thì quát lớn:
- Tên giặc sói đầu kia, có mau nộp mạng đi không !
Ba lão hòa thượng mặc áo cà sa đỏ càng tức giận thêm, vội tiến tới trước mặt Tâm Tâm đại sư, đẩy ra một luồng kinh lực ngăn cản không cho Phương Sách tiến lên, một mắt liếc nhìn Tâm Tâm đại sư để hỏi xin phép:
Tâm Tâm đại sư thấy thế liền nghĩ thầm:
“Công lực cao siêu như Ảo Không Đạo Giả mà còn bị chặt gẫy tay, khinh công củ Tư Pháp chủ trì mà cũng còn thiệt mạng, như vậy chắc võ công của hai tiểu tử này không phải tầm thường.” Vì vậy, ông ta muốn để ý xem võ công của hai người như thế nào trước đã, nên ông ta gật đầu, cho phép ba lão hòa thượng ấy ra tay, rồi tránh ngay sang một bên tức thì.
Thấy Tư Pháp chủ trì Đà La Tăng đấy không đầy ba hiệp đã bị Lợi Man giết chết, Phương Sách mới khinh địch.
Chàng đã giao đấu qua với Tâm Tâm đại sư hai chưởng rồi, thấy công lực của ông ta cũng như thường thôi, nên chàng lại càng không coi ba lão hòa thượng vận áo cà sa đỏ này vào đâu hết.
Vừa thấy ba lão hòa thượng áo đỏ xông lên chàng liền quát bảo:
- Ba lão giặc sói đầu kia, hãy xông cả lên, cùng một lúc đi !
Dứt lời, chàng liền giơ chưởng lên chuẩn bị, mặt lộ sát khí, định ra tay một cái là giết chết đối phương ngay tức thì.
Ba lão hòa thượng áo cà sa đỏ thuộc vai vế chữ “Phụ”, phụ trách ba chức vụ tối cao trong chùa Thiếu Lâm là Ty Hình, Ty Nghi và Ty Sự.
Ba hòa thượng này đều được gọi là tam Ty đại sư, công lực của họ chỉ kém có một mình Tâm Tâm đại sư thôi và là ba tay cao thủ có hạng, nội ngoại công khinh công và ngạnh công của họ đều đứng trên cả ba ngàn tăng lữ chùa Thiếu Lâm.
Tam Ty nghe Phương Sách nói như vậy, mặt liền biến sắc, trong đó chỉ có Ty Hình là trẻ tuổi hơn hết, nên tính nết cũng rất nóng nảy thấy đối phương ít tuổi như vậy mà lại dám ăn nói ngông cuồng đến thế, liền quát lớn:
- Đâu dám phiền đến hai vị sư huynh phải ra tay. Hãy coi chưởng của ta !
Dứt lời, y liền tiến lên một bước, từ từ giơ hai cánh tay lên, tay áo của y phồng lên, cứng rắn như hai chiếc thùng sắt vậy, xung quanh người y còn có kình phong bao quanh.
Cả đôi bên cùng giơ cánh tay lên, sắp sửa giao đấu với nhau đến nơi.. Những người đứng ở xung quanh đó đều im hơi lặng tiếng. Chùa Thiếu Lâm đổ xô như vậy mà yên lặng như một bãi tha ma.
Đột nhiên, có tiếng “bùng” thật lớn nổi lên, kình phong bay ra tứ phía.
Hai người đang đứng đối địch với nhau đều rùng mình đánh thót một cái, rồi cùng loạng choạng lui bước.
Phương Sách bị đẩy lui ba bước, nhưng vẫn đứng vững được, còn Ty Hình tăng thì bị đẩy lùi năm bước, ngã ngồi phịch xuống đất luôn.
Các hòa thượng thấy thế mặt biến sắc. Tâm Tâm đại sư thấy thế, cau mày lại nghĩ thầm:
“Mới đấu có một thế thôi, môn hạ của mình đã địch không nổi y rồi. Có lẽ Ty Hình đã bị nội thương rồi cũng nên …” Ty Nghi tăng với Ty Sư tăng vội chạy lại đỡ Ty Hình tăng dậy, xem qua vết thương của Ty Hình, hai người cùng quay người lại, tiến thẳng tới chỗ Phương Sách.
Lúc ấy Phương Sách đã nhanh nhẹn khôi phục lại chân lực và đứng lấy thế, đợi chờ đối phương tấn công.
Chàng thấy Ty Nghi tăng với Ty Sư tăng đang tới gần liền lớn tiếng quát bảo:
- Được, hai người cứ việc xông cả lại cùng một lúc đi !
Ty Nghi với Ty Sư tăng thấy Phương Sách kiêu ngạo như vậy thì nhịn sao nổi, liền rú lên một tiếng rất thảm khốc. Cả hai cùng giở hết bình sinh công lực ra, xử dụng thiền công của cửa Phật, kình khí của họ như bài sơn đảo hải nhằm người Phương Sách tấn công luôn.
Vội né sang bên để tránh chưởng lực phía diện, Phương Sách thuận tay rẽ luôn song chưởng sang hai bên, rồi xử dụng Lưỡng Nghi Cương Khí đẩy mạnh về phía trước.
Cách thức này chỉ có những cao thủ tuyệt đỉnh mới dám đấu như thế, vì chỉ sai một li đi một dậm, chỉ chênh lệch một sợi tơ kẽ tóc cũng đủ toi mạng ngay, nguy hiểm vô cùng.
Vì vậy những cao thủ thận trọng không ai dám đấu theo lối này cả, chỉ có những thanh niên tính nết nóng nẩy như Phương Sách, mới dám liều lĩnh như vậy thôi, vì chàng thị tài ba hơn người, khinh thường kẻ địch.
Nhưng chàng có ngờ đâu Ty Nghi và Ty Sự tăng không những kình lực mạnh hơn Ty Hình, huống hồ lại hai người tấn công một lúc, như vậy chàng không bị thiệt thòi sao được ?
Chưởng lực của ba người vừa va đụng nhau, Phương Sách đã cảm thấy cánh tay tê tái, bụng thầm kêu “nguy tai”, chàng vội nhảy ngay lên trên cao để tránh né ngay.
Khi nào anh em Ty Nghi, Ty Sự lại chịu để cho chàng được rảnh tay điều công vận sức, nên hai người lại đuổi theo tấn công tiếp.
Lợi Man thấy thế, định đẩy chưởng lực của huynh đệ Ty Nghi tăng sang bên.
Nhưng nàng đã ra tay hơi chậm một chút.
Lúc ấy Phương Sách đang lơ lững trên không, chỗ cao chừng hai trượng, hai luồng kình lực nặng hàng nghìn cân của đôi địch thủ đang ở hai mặt tấn công tới, một nhằm giữa ngực, một nhằm sau lưng chàng đẩy mạnh tới. Đồng thời, không may cho chàng lúc này lại vừa lúc giáp giờ Tý với giờ Thìn công lực của chàng bỗng mất hết.
Sư huynh đệ Ty Nghi tăng ở bên dưới đã phi thân nhảy lên được bảy thước thì chưởng lực của Lợi Man cũng đang nhằm đầu hai người tấn công tới.
Vì vậy, hoàn cảnh của Phương Sách với sư huynh đệ Ty Nghi khác hẳn nhau.
Vì muốn bảo tồn thanh danh của chùa Thiếu Lâm, Tâm Tâm đại sư đã ra hiệu ngầm cho các người đừng có ai vào giúp sức anh em Ty Nghi hết, nên mọi người thấy thế chỉ kêu “ủa” một tiếng thôi, chứ không ai dám xen vào cả.
Ba người ở trên không cùng kêu “hự” một tiếng và cùng như diều đứt dây rơi cả xuống bên dưới.
Lợi Man kêu lên một tiếng rất thảm khốc, vội chạy lại ẳm lấy Phương Sách, thấy mặt chàng nhợt nhạt như không có sắc máu, mép rỉ máu tươi và đã chết giấc rồi.
Ty Nghi với Ty Sự tăng thì bị thương nhẹ hơn, chỉ ngã ngồi phịch xuống đất, miệng thổ máu tươi thôi.
Các hòa thượng thấy thế đều nổi giận, định xông lại tấn công Lợi Man, nhưng Tâm Tâm đại sư đã vội quát bảo:
- Các người đứng yên !
Ông ta đi tới gần, xem xét vết thương của Phương Sách rồi cau mày lại, nói với Lợi Man rằng:
- Bổn chưởng môn nhân đã nói trước mà y không nghe, tự mang họa vào thân.
Hiện giờ vết thương của y quá nặng khí huyết đã chảy ngược, không biết có thể cứu được hay không, điều đó còn phải nhờ vào số mạng hên sui của y.
Nói xong, ông ta ném cho ba viên thuốc to bằng đầu ngón tay cái, rồi nói tiếp:
- Thí chủ đi đi ! Đừng ở lại đây nữa !
Lợi Man tức giận giơ tay lên hất ba viên thuốc xuống đất quay đầu nhìn Ty Nghi với Ty Sự tăng, hậm hực quát lớn:
- Bữa khác bổn cô nương sẽ tới lãnh giáo lại.
Nói xong, nàng bồng Phương Sách, quay người đi xuống núi ngay.
Đây là lần đầu tiên nàng ra đời gặp phải sự đại bại.