Trần Thùy Mai sinh năm 1954, hiện là biên tập viên NXB Thuận Hóa. Đã xuất bản: Bài thơ về biển khơi, Thị trấn hoa quỳ vàng, Cỏ hát, Trò chơi cấm, Gió thiên đường, Quỷ trong trăng (giải B Hội Nhà văn VN năm 2002), Biển đời người, Thập tự hoa (giải thưởng văn học - nghệ thuật 2003 của Ủy ban toàn quốc các hội văn học - nghệ thuật VN), Đêm tái sinh, Mưa đời sau.
TTCN - Một cô Hạnh chịu đựng và hi sinh tất cả cho hạnh phúc của chồng trong Trăng nơi đáy giếng (đã chuyển thể sân khấu - vở Hãy khóc đi em), một sư Mi bắt đầu biết đến sự ngọt ngào và đau khổ trong tình yêu với mối tình đầu sớm vụn vỡ trong Gió thiên đường, một thiếu phụ giam mình trong kỷ niệm của Thập tự hoa; không hẹn mà gặp những nhân vật trong truyện ngắn của Trần Thùy Mai cùng lúc được đưa lên màn ảnh.
* Theo chị, vì đâu những tác phẩm của chị gần đây thường được các nhà làm phim chú ý?
- Có lẽ là do lúc viết mình luôn nghĩ là viết cho những người đọc của thời bình. Đây là lúc người ta có thời gian để trở lại với những vấn đề gần gũi với cuộc sống: tình yêu, tình người, thân phận con người. Mặt khác, cuộc sống công nghiệp ngày càng căng thẳng khiến người ta cần có những rung động chân thành, lãng mạn để chống lại sự công nghiệp hóa tâm hồn...
* Ngoài Thập tự hoa, Gió thiên đường và Trăng nơi đáy giếng, trước đó đã có những tác phẩm khác của chị được chuyển thể điện ảnh?
- Các truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan, Người bán linh hồn… đã được chuyển thể kịch phim, tiếc rằng không có cơ duyên được dựng phim.
* Chị có lo âu rằng những đứa con tinh thần của mình sẽ biến dạng khi được chuyển thể điện ảnh? Và liệu cái không khí văn chương đằm thắm, tinh tế của Trần Thùy Mai có thể hiện được trong phim?
- Một đạo diễn trước hết là một người đọc, một người đọc đã thích tác phẩm của mình, đã chọn nó để khởi đầu công trình của họ, tất nhiên điều đó làm mình rất cảm động. Nhưng truyện ngắn chỉ là một hạt mầm, hạt mầm sẽ thành cây trái như thế nào, còn phải mất nhiều công lao trồng tỉa chăm sóc của đạo diễn và diễn viên...
Mình cũng biết là khi chuyển sang phim, câu chuyện sẽ thay đổi nhiều. Mình chỉ mong muốn sao cái hồn của truyện được giữ lại, các tính cách của nhân vật đừng thay đổi, còn thì phải để cho biên kịch và đạo diễn tự do trong công việc sáng tạo của họ.
Đa số các đạo diễn làm phim của mình đều còn trẻ, có người còn xem đây là phim đầu tiên. Còn trẻ nên có thể chưa có một bề dày sự nghiệp để được tin tưởng. Nhưng nhiệt tình, sự năng động và khát vọng nghệ thuật của họ có thể bù vào chỗ thiếu kinh nghiệm. Tôi hi vọng như vậy.
* Nếu phải nói ngắn gọn về tình yêu, chị sẽ nói thế nào?
- Tình yêu là đôi cánh giúp con người vượt qua biên giới của chính mình.
* Nhưng tình yêu trong tác phẩm của chị thường thấm vị xót xa...
- Vì trên thực tế có những giấc mộng không thể đứng vững trước cuộc đời. Nhưng không phải vì thế mà người ta thôi ước mơ, không phải vì thế mà những giấc mơ không đẹp.
* Tác phẩm nào của chị nói lên được cái đẹp của tình yêu nhất? Và tác phẩm nào về tình yêu lay động chị nhất?
- Tác phẩm về tình yêu lay động tôi nhất là Đồi gió hú của Emily Bronti. Tôi đã xem phim và rất thán phục các nhà làm phim: không hiểu sao họ có thể chuyển một tác phẩm đầy chất u uẩn nội tâm như thế sang ngôn ngữ của điện ảnh được. Còn truyện của mình về đề tài tình yêu ưng ý nhất có lẽ là Gió thiên đường.
* Chắc chị từng yêu nhiều lắm và sống hết mình cho tình yêu mới có thể viết như thế?
- Cụm từ “sống hết mình” có nhiều cách hiểu quá, không biết mình có xứng đáng được nhận nó không đây? Chỉ biết rằng mình không bao giờ phải hối tiếc khi sống chân thật và sống hết lòng. Điều này không phải chỉ trong tình yêu mà trong mọi mặt của cuộc sống. Khi viết mình thấy thương nhân vật của mình, thế thôi. Đôi khi mình cảm thấy đang sống cùng họ trong những nỗi đau và hạnh phúc đó, dường như cuộc sống của họ là sự nối dài cuộc sống của chính mình vậy.
* Đánh giá của chị về phim tình yêu tay ba, tay tư của Hàn Quốc, từ góc nhìn của một nhà văn chuyên viết đề tài tình yêu?
- Trong thể loại phim giải trí thì họ thật sự thành công, đặc biệt với phụ nữ. Có lẽ có hai lý do để phụ nữ ưa thích phim Hàn Quốc: trước hết vì trong đó không có bạo lực và tình dục, những thứ ăn khách với đàn ông nhưng phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ, lại không hợp. Thứ hai, trong phim thường đặt ra những vấn đề xã hội mà giới trẻ quan tâm như những quan niệm mới về mối tương quan giữa sự chân thật và lòng chung thủy, tình yêu và sự nghiệp, tình cảm gia đình và tự do cá nhân…
Tôi thấy trong cách giải quyết vấn đề, ý tưởng của tác giả phim rất mạnh mẽ, khai phóng, vượt qua những thành kiến, áp lực (là thứ mà tuổi trẻ rất ghét). Tuy vậy họ biết xử lý rất khéo vấn đề, không để quá đà, gây sốc trong đa số công chúng. Những phim đó góp phần giáo dục cho đa số công chúng thái độ sống đẹp trong những tình huống thực tế mà không phải nói những lời đao to búa lớn gì cả.
* Chị đang viết một cuốn truyện ngắn đề tài lịch sử, với những nhân vật bị cả lịch sử và văn học bỏ quên?
- Vẫn không xa đề tài tình yêu và thân phận, nhưng lần này nhân vật là những người đàn bà trong lịch sử. Cụ thể là một số bà công chúa, cung phi của vương triều Nguyễn. Ví dụ có một bà là vợ của Quang Toản, vua cuối cùng của triều Tây Sơn, sau trở thành vợ thứ ba của vua Gia Long.
Người đàn bà đó là chiến lợi phẩm, trong mấy mươi năm bà ta phải làm vợ và sinh con cho một người đàn ông đã xé xác chồng mình. Con gái của bà, công chúa Ngọc Ngôn, đã lớn lên như thế nào giữa ánh mắt kỳ thị trong một hoàng cung triều Nguyễn sau chiến tranh... Những con người ấy chỉ có cái tên nhỏ trong lịch sử nhưng bi kịch thì lớn, và bi kịch ấy không phải của riêng một thời nào...
* Hình như một chút ngậm ngùi của cố đô Huế - mảnh đất chị lớn lên và gắn bó - đã đi vào văn của chị?
- Mình lớn lên ở Huế và điều làm mình gắn bó với Huế nhất là cái cảm giác bé nhỏ, hiền hiền, thương thương mà lúc nào mình cũng cảm thấy khi nghĩ về xứ sở này. Trong những gì mình viết ra có rất nhiều mảnh đời ở Huế…
* Chị nhận xét thế nào về các nhà văn nữ Trung Quốc đương đại như Vệ Tuệ, Miên Miên, Xuân Thụ...? Còn văn học nữ trong nước hôm nay?
- Đã là văn chương thì viết cách gì cũng được miễn là hay, mình nghĩ vậy. Mình thích Vệ Tuệ, văn cô ấy rất bạo nhưng đầy nữ tính. Những tác giả nói trên đều có chỗ giống nhau, họ phản ánh cuộc sống như nó đang tồn tại chứ không phải như người ta muốn nó tồn tại. Đó là nét hấp dẫn của họ. Văn học nữ trong nước cũng có những động thái tương tự, nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ, đang tìm cách bứt phá để vượt qua ngưỡng của thời đại, mà trước hết là vượt qua mặc cảm hổ thẹn của phái nữ.
Điều mình mong là mọi sự bứt phá phải dẫn đường đến cái đẹp, và văn học nữ dù trực diện chát chúa cũng trực diện, chát chúa một cách đáng yêu...
LINH THOẠI