- Giê- ma, dưới nhà có một người đàn ông đến muốn gặp chị.
Mác-ti-ni nói bằng một giọng nén chịu mà hai người đã bất giác chấp nhận từ mười ngày qua.
Giọng nói đó, cùgn với những lời lẽ và cử chỉ đều đều, chầm chậm là biểu hiện duy nhất nỗi đau buồn của từng người trong họ.
Giê- ma, mình đeo tạp dề và tay áo xắn lên, đang đứng bày những gói đạn lên trên bàn để chuẩn bị phân phát. Chị đã đứng làm việc từ sáng sớm tới giờ và giờ đây trông mặt chị hốc hác hẳn đi dưới ánh nắng trưa gay gắt.
- Một người đàn ông à, Trê-da-rê? Anh ta hỏi gì?
- Tôi không rõ, Giê- ma thân mến. Anh ta chẳng nói gì cả, mà chỉ nhắn là muốn nói chuyện riêng với chị.
Giê- ma cởi tạp dề, kéo tay áo xuống.
- Thế thì tôi phải xuống gặp vậy. Rất có thể chỉ là một tên mật thám.
- Để đề phòng, tôi sẽ ngồi ngay ở buồng bên, chị cứ gọi một tiếng là tôi sang ngay. Khi tiếp xong chị nên đi nằm nghỉ một chút. Hôm nay chị đứng suốt ngày rồi.
- Ồ, không! Tôi cứ làm việc thì hơn.
Giê- ma từ từ bước xuống thang gác. Mác-ti-ni lặng lẽ bước theo.
Mới chỉ mấy ngày mà trông Giê- ma già đi hàng chục tuổi. Lọn tóc bạc trước kia nay đã thành một dải lớn trên mái đầu. Chị hầu như không ngước mắt nhìn lên, nhưng mỗi khi Mác-ti-ni ngẫu nhiên gặp đôi mắt của chị, anh rùng mình trước vẻ âm thầm đáng sợ trong đôi mắt ấy.
Trong buồng khách nhỏ, chị thấy một người đàn ông trông có vẻ vụng về, đang chụm gót chân lại với nhau mà đứng ngay giữa phòng. Nhìn toàn bộ thân hình và bộ dạng có vẻ sợ sệt của anh ta, Giê- ma đoán chắc anh ta là lính trong đội cận vệ Thuỵ Sĩ. Anh ta mặc một chiếc áo nông dân ngắn, rõ ràng là đi mượn của người khác. Anh ta lấm lét nhìn ngang nhìn ngửa dường như sợ bị người ta phát hiện.
- Bà có nói được tiếng Đức không?
Anh ta hỏi với thổ âm nặng chịch của vùng Zurich.
- Ít thôi. Nghe nói ông muốn gặp tôi?
- Có phải bà là bà Bôla không? Tôi mang đến cho bà một bức thư.
- Một... bức thư?
Giê- ma bắt đầu run lẩy bẩy, chị phải vịn một tay vào bàn để khỏi quỵ xuống.
- Tôi ở trong đội lính gác ở đằng kia - người lính chỉ tay ra cửa sổ về phía pháo đài trên sườn đồi - Đây là bức thư của... người bị xử bắn tuần trước. Ông ấy viết thư này đêm trước đó. Tôi có hứa với ông là chính tôi sẽ trao tận tay cho bà.
Chị cúi đầu. Thế là anh ấy vẫn có viết thư...
Người lính nói tiếp:
- Vì thế đến tận bây giờ tôi mới đưa đến được. Ông ấy có dặn tôi không được đưa cho ai khác mà chỉ đưa cho bà, mà tôi lại không thể ra sớm được vì họ theo dõi tôi dữ lắm. Tôi phải đi mượn những thứ này mặc vào mới đến được đây.
Người lính lần tay vào ngực áo. Trời rất nóng nực, nên khi anh ta móc ra tờ giấy gấp nhỏ thì tờ giấy chẳng những bẩn và nhàu nát, lại còn đẫm mồ hôi. Người lính áy náy cứ đứng di hết chân nọ đến chân kia trên sàn nhà một lúc rồi lại đưa tay lên gãi gáy.
Anh ta đưa mắt nhìn Giê- ma với một vẻ nghi ngại và rụt rè nói:
- Bà chớ nói với ai nhé! Tôi đã liều mạng ra đến đây.
- Tất nhiên là tôi phải giữ hết sức kín rồi. Ông đợi cho một phút...
Người lính quay gót định đi ra, nhưng chị đã ngăn lại, tay lục túi tiền, nhưng anh ta lùi lại có vẻ giận và cục mịch nói:
- Tôi không cần tiền của bà. Ông ấy nhờ thì tôi vì ông ấy mà làm. Lẽ ra tôi phải giúp ông ấy nhiều hơn nữa. Chúa phù hộ cho tôi... ông ấy đối với tôi rất tốt...
Giọng anh ta nghèn nghẹn khiến Giê- ma phải nhìn lên. Người lính đang chầm chậm đưa ống tay áo cáu bẩn lên quệt mắt. Và thì thào qua một hơi thở, anh ta nói tiếp:
- Tôi cùng các bạn lính không bắn không được, vì chúng tôi phải tuân theo mệnh lệnh. Chúng tôi đã bắn chệch đi, rồi lại phải bắn lại... và ông ấy cười chúng tôi... bảo chúng tôi là đội lính bắn tồi... ông ấy đối với tôi rất tốt...
Căn buồng trở nên im ắng. Một lát sau, người lính đứng thẳng người, vụng về chào theo kiểu nhà binh, rồi đi ra.
Giê- ma đứng im lìm trong mấy phút với tờ giấy trong tay. Rồi chị ra ngồi bên cửa sổ mở rộng để đọc thư.
Bức thư viết bằng bút chì, chữ rất sít, đôi chỗ rất khó đọc. Nhưng ba chữ đầu tiên ngay ở đầu trang nổi lên rất rõ ràng và bằng tiếng Anh.
"Dim thân yêu!"
Những dòng chữ bỗng nhạt nhoà và mờ mịt đi trước mắt Giê- ma. Thế là chị lại một lần nữa mất anh, mất mất anh rồi. Ngay khi trông thấy tên gọi thân thuộc thuở thiếu thời ấy, chị lại thấy niềm tuyệt vọng của sự mất mát đau thương tràn ngập lòng mình. Chị buông xuôi tay với nỗi vô vọng mịt mù, dường như tất cả nấm đất chất trên mình anh đang đè nặng lên trái tim chị.
Rồi chị lại nâng tờ thư lên đọc tiếp:
"Sáng sớm mai tôi sẽ bị xử bắn. Tôi đã hứa nói hết với Dim, và chỉ còn có lúc này mới thực hiện được lời hứa đó. Nhưng phân bua dài dòng làm chi? Bao giờ chúng ta cũng hiểu nhau mà không cần nhiều lời, ngay từ khi chúng ta còn bé bỏng.
Dim thân yêu, chắc Dim cũng thấy rằng không cần gì phải vò xé trái tim mình về câu chuyện cái tát ngày xưa ấy. Lúc đó tôi rất khổ tâm. Nhưng rồi sau tôi cũng nhận bao nhiêu cái tát như thế nữa mà vẫn chịu được. Đôi lúc còn trả thù được nữa. Và bây giờ tôi như con cá nhỏ trong cuốn sách trẻ con của chúng ta (tôi quên tên cuốn sách đó rồi), "sống và quẫy đuôi", thật thế, quẫy đuôi lần cuối cùng... còn sáng mai thì đã "Finita la Commedia!" (1) Đối với Dim và tôi thì điều đó có nghĩa là: trò xiếc đã diễn xong rồi. Và dù sao chúng ta sẽ tạ ơn các thánh thần về bao điều nhân từ này. Ơn ấy tuy chẳng là bao, nhưng cũng vẫn là ơn. Chúng ta cũng vẫn nên biết cả ơn ấy cùng với mọi phúc lành khác nữa chứ nhỉ. (2)
Còn về phần sớm mai đây, thì tôi muốn cả Dim và Mác-ti-ni hiểu rõ rằng tôi rất sung sướng và hài lòng, không ân hận gì về số phận cả. Dim hãy nói cho Mác-ti-ni biết điều ấy, coi đó là lời nhắn nhủ của tôi. Anh ấy là bạn tốt lại vừa là một đồng chí tốt... anh ấy sẽ hiểu. Dim thân yêu, tôi biết rằng khi những kẻ ngoan cố kia quay lại dùng những thủ đoạn xử kín và hành quyết bí mật vội vã như vậy thì chúng chỉ làm lợi cho chúng ta và tự chuẩn bị cho chúng một số phận không hay. Tôi biết rằng, nếu các bạn còn sống, vẫn tiếp tục cùng nhau đứng vững và tấn công mạnh mẽ thì rồi các bạn sẽ thấy những sự kiện vĩ đại. Còn tôi, mai đây, tôi sẽ bước ra pháp trường với tấm lòng thanh thản, thanh thản như một cậu học trò nhỏ rảo bước về nhà nghỉ hè. Tôi đã hoàn thành phần công tác của tôi với một tinh thần tận tuỵ, và bản án tử hình đã chứng minh cho tôi điều đó. Chúng giết tôi là vì tôi đã làm cho chúng hoảng sợ. Như thế lòng người còn muốn gì hơn nữa?
Dẫu sao tôi vẫn còn có điều mong muốn. Người nào sắp chết mà lại chẳng có quyền vòi vĩnh đôi chút. Vòi vĩnh ở chỗ là tôi muốn giải thích cho Dim hiểu tại sao tôi hay cục cằn với Dim và tại sao tôi lại khó có thể quên được chuyện cũ. Thật ra Dim cũng đã tự hiểu, nhưng tôi muốn nhắc lại là chỉ bởi vì tôi thích viết lại những dòng này mà thôi. Giê- ma ạ, tôi đã yêu Giê- ma từ khi Giê- ma còn là một cô bé con xấu xí, từ khi Giê-ma còn mặc chiếc áo vải kẻ ca rô với cổ áo nhàu nhĩ, và còn để bím tóc nhỏ xíu sau lưng. Đến bây giờ tôi vẫn yêu Giê-ma. Giê-ma còn nhớ cái ngày tôi đã hôn tay Giê-ma và Giê-ma khẩn khoản xin tôi "đừng bao giờ làm như thế nữa"? Tôi biết làm thế là bậy bạ nhưng Giê-ma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ tôi lại hôn tờ giấy đã viết tên Giê-ma. Như thế là tôi đã hôn Giê-ma hai lần và cả hai lần đều không được Giê-ma cho phép.
Tất cả chỉ có thế thôi. Giê-ma thân yêu, vĩnh biệt nhé!"
Không có chữ ký. Cuối thư chỉ có bốn câu thơ ngắn mà hai người cùng học với nhau thời thơ ấu:
Đó là tôi
Dù kiếp ruồi
Sống hay chết
Vẫn tươi vui. (3)
Nửa tiếng sau, Mác-ti-ni bước vào phòng, và bừng tỉnh khỏi sự im lặng của nửa đời người, anh quăng đi tờ cáo thị đang cầm trong tay, ôm chầm lấy chị.
- Giê-ma! Sao thế? Chúa ơi! Giê-ma có khóc bao giờ đâu mà nay thổn thức thế! Giê-ma! Giê-ma! Giê-ma thương yêu của tôi!
- Không sao đâu, Trê-da-rê ạ. Để sau tôi sẽ kể lại anh nghe. Ngay bây giờ... tôi... chưa kể được.
Chị vội vã nhét bức thư ướt đẫm nước mắt vào túi, đứng dậy nghiêng người nhìn ra khỏi cửa sổ, giấu mặt đi. Mác-ti-ni nín bặt, cắn lấy ria mép. Sau từng ấy năm trời, lần đầu tiên anh để lộ tình cảm của mình như một cậu học trò nhỏ - vậy mà Giê-ma vẫn không để ý thấy!
Một lát sau đã tự chủ lại được, chị ngoảnh lại nói:
- Chuông Nhà thờ chính toà đang đánh. Chắc là có người chết.
Mác-ti-ni trả lời như thường ngày:
- Chính là cái tôi mang đến để chị xem đây.
Mác-ti-ni nhặt tờ cáo thị lên đưa cho chị. Bản thông cáo được in vội bằng cỡ chữ to, xung quanh viền khung đen.
"Vị giám mục yêu quý của chúng ta, Đức Hồng y giáo chủ Lôrentxô Mông-ta-ne-li do chứng mạch tim phình to (4) bị vỡ tim đã đột ngột từ trần tại Ravena."
Từ tờ cáo thị, chị mau lẹ đưa mắt nhìn lên. Anh nhún vai đáp lại ý tứ kín đáo trong cặp mắt chị:
- Còn muốn gì hơn nữa, Madonna? Vỡ tim do mạch tim phình to, - còn từ nào đủ nghĩa hơn thế.
----------------
(1) Finita la Commedia (tiếng Ý): hết trò rồi! Hài kịch đã diễn xong rồi!
(2) Đây là một sự châm biếm, nhắc tới lời cầu nguyện của người theo đạo Tin lành trước mỗi bữa ăn.
(3) Nguyên văn tiếng Anh:
"Then am I
A happy fly
If I live
Or if I die"
Trích từ bài thơ "Con ruồi" (The Fly) của nhà thơ và hoạ sĩ Anh William Blake (1757-1827)
(4) Aneurism (tiếng Anh).
HẾT