Chị em
Nguyễn Thị Châu Giang
Sang tháng Mười hai trời trở lạnh. Không rét mướt như mùa đông Hà Nội nhưng cũng vẫn có từng đợt gió thổi về như sắp bão. Buổi chiều ra vườn, lá rụng đầy mặt đất, tràn vào lối đi, bám lên những hàng dậu thưa mọc đầy hoa bìm bịm. Đâu đấy trong không khí, một mùi hương rất ngọt, rất Tết khẽ khàng bay vào nhà.
Chị Hoài vào chơi Sài Gòn. Đã mười năm rồi mẹ tôi chưa gặp được chị, đứa con không đứt ruột đẻ ra nhưng thương như con đẻ. Hôm chị vô, trời nhập nhoạng tối, mẹ ngẩn người mãi mới nhận ra chị. Mẹ kêu tên chị, nước mắt chảy ròng ròng. Mẹ nhận xét, chị dạo này lớn, xinh đẹp nhưng ốm và lạ đi nhiều. Tôi thì khác. Tôi đã kịp quen gương mặt của chị, những đường cong trên người chị, mái tóc dài cổ xưa của chị sau một tháng mười ngày ở Hà Nội. Tất cả, chị và Hà Nội bện chặt vào nhau trong mớ ký ức lộn xộn, không đầu không đuôi của tôi.
Chị Hoài bày quà ra bàn, bảo: "Cái này con biếu dì, cái này con biếu cậu Ba". Chị díu vào tay tôi một hộp giấy nhỏ, ràng buộc cẩn thận. Tôi hồi hộp mở, òa lên sung sướng. Hai con búp bê bằng gỗ, tóc tai bù xù, ngổ ngáo và mơ mộng nhìn tôi không chớp mắt. Chị hỏi "Giống không?". Tôi nhăn mũi. Mẹ bảo: "Lại còn không à! Lúc nào cũng như con trai". Mẹ vuốt tóc chị ngập ngừng "Dạo này con thế nào?". Chị nhìn mẹ, mắt trong veo: "Con vẫn bình thường, dì ạ". Nhưng hai vai rũ xuống. Những ngón tay mảnh và xanh mướt lặng đi hồi lâu trên những gói quà chưa kịp bày ra bàn.
Chị Hoài là con của vợ sau ba tôi. Hồi lấy mẹ tôi chưa được một tháng, ba tập kết ra Bắc. Nghe phong phanh mẹ tôi lấy chồng khác, lập nghiệp nơi xa, ba yêu và kết hôn với một cô gái Hà thành, sinh ra chị Hoài. Năm 1975 vô công tác Sài Gòn gặp lại mẹ, bấy giờ đang bán vải ở chợ Bến Thành, ba mới ngớ người ra. Chừng bấy nhiêu năm mẹ vẫn ngày đêm thắp nhang niệm Phật chờ ba về. Ba đau đớn, dằn vặt. Mẹ không trách ba, chỉ khóc lặng người. Mà thật ra cũng không trách ai được.
Đêm đó mẹ có tôi. Và mẹ cũng không bao giờ muốn giữ chân ba lại. Năm tôi được chín tuổi, ba hy sinh ở chiến trường Campuchia. Kỷ vật ba gởi về cho mẹ là mấy bộ quần áo cũ đựng trong chiếc ba lô con cốc ẩm mốc, tấm hình chụp chân dung mẹ con chị Hoài và dòng địa chỉ li ti cuối bức hình. Dưới đáy ba lô là một chiếc nhẫn cưới làm bằng vỏ đạn khắc tỷ mẩn hai chữ hoa tên ba mẹ lồng vào nhau quấn quít. Mẹ tôi không khóc, hay nước mắt chảy vô trong rồi không biết, âm thầm dẫn tôi đáp tàu ra Hà Nội thăm mẹ con chị Hoài.
Mẹ chị Hoài nhìn yếu ớt và hiền lành (là sau này mẹ kể lại thế chứ lúc đó tôi chỉ có cảm giác lạ lẫm và sợ hãi). Sau vài câu giới thiệu, bà gọi chị Hoài: "Hoài, vào chào dì với em đi con". Giọng bà thánh thót như chuông. Mẹ nhờ "Hoài dẫn em Thương đi chơi nghe con". Chị Hoài chở tôi trên chiếc xe đạp mini cọc cạch, chạy vòng quanh Hồ Gươm. Gió thổi lạnh buốt kéo theo mưa phùn lây rây. Chị mua cho tôi vài viên kẹo lạc rồi dụ tôi về nhà.
Ở nhà, hai người đàn bà ôm nhau khóc. Mẹ chị Hoài kéo tôi và chị Hoài vào lòng, thủ thỉ: "Cha các con mất rồi". Chị Hoài nức nở, dậm chân thình thịch xuống đất, hai bím tóc xõa ra đen nhánh sau lưng. Chị gào lên "Con không tin" và bỏ vào phòng. Máy ngày ở Hà Nội, trời liên tục mưa và gió. Trong căn nhà bé xíu, cũ kỹ và ẩm mốc của mẹ con chị Hoài, những vết nức trên tường toả hơi ra lạnh ngắt. Không quen khí hậu, tôi lên cơn sốt, nằm thiêm thiếp trên giường. Bạn bè chị Hoài kéo đến rất đông.Họ tụ lại thành từng đám, trò chuyện nho nhỏ và nhìn tôi trìu mến. Chị Hoài ngồi lặng lẽ ở góc phòng, khói nhang mờ mịt, không chịu ăn uống gì. Mẹ tôi phải dỗ dành mãi, chị mới húp một ít nước cháo, gục vào vai mẹ thổn thức. Mẹ chị bảo "Nó yếu đuối lắm" và hỏi: "Con thích vào Nam chơi vớ dì và em không?". "Thế còn mẹ?". Dì lắc đầu: "Mẹ phải ở đây. Còn mồ mả ông bà". Chị cười yếu ớt: "Thế thì con cũng vậy. Con không muốn đi đâu cả". Chị quay lại ôm mẹ tôi: "Dì ơi, con thương dì lắm. Nhưng con không vào với dì được. Con còn chăm sóc mẹ con. Chừng nào mẹ con khoẻ, mẹ con con vào thăm dì".
Nhưng mẹ chị Hoài ốm đau luôn. Còn mẹ tôi lo quần quật kiếm sống. Khi kinh tế đã khá lên lại phải nghĩ sang cách làm ăn khác để quay vòng vốn. Lúc ngẩng mặt lên đã vùn vụt gần chục năm trôi qua.
Tôi đề nghị: "Chị mặc thêm áo. Em với chị đi chơi xem Sài Gòn với Hà Nội khác nhau bao nhiêu". Tôi chở chị chày vòng vèo khắp khu Nguyễn Huệ, ghé vào các shop quần áo. Chị níu tay tôi rụt rè: "Đừng em". "Có sao đâu chị!". "Ngại lắm - Chị cúi mặt - Mình như nhà quê lên tỉnh". Tôi cười ngất. Nhưng nhìn chị lại thấy tồi tội. Nghèo không phải tội, vậy mà sao người ta vẫn luôn phải mặc cảm, tự ti?