Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Nhà văn Võ Hồng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 329 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà văn Võ Hồng
V.T

Tác Giả - Tác Phẩm


Võ Hồng (tên thật cũng là bút danh) sinh ngày 05.05.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên. Thuở nhỏ hoc trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi học trường trung học Qui Nhơn. 1940 học tú tài ở Hà Nội. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Võ Hồng từng làm bí thư toà Tổng Ðốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến, ông làm Trưởng Ty Bình dân tộc vụ tỉnh Phú Yên (1949). Ông cùng vợ dạy học ở trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên) sau ông làm hiệu trưởng trường này. Từ 1956-1975, ông dạy ở trung học bán công Lê Quý Đôn và sau đó làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập, Nha Trang đến 1978, nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977.
Cuộc sống đơn chiếc đeo đuổi Võ Hồng từ ngày vợ mất, mái gia đình sum họp trở thành dĩ vãng xa xôi. Từ khi các con trưởng thành, lần lượt rời bỏ ngôi nhà sinh trưởng, cuộc sống của ông chỉ còn là hiu quạnh. Vắng bóng vợ, xa cách con cái... Cuộc sống của ông quạnh quẽ trong ngôi nhà nhỏ.
Võ Hồng cầm bút khá sớm, truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội, 1939) với bút hiệu Ngân Sơn, khi ông còn là học sinh đệ tam. Mãi đến 1959 Võ Hồng mới thật sự gia nhập làng văn qua tác phẩm đầu tay "Hoài cố nhân".
Sau 1975 Võ Hồng thường viết về đề tài giáo dục và tuổi thơ, sống ẩn dật. Thời gian này ông còn ký 2 bút hiệu khác: Võ An Thạch và Võ Tri Thủy.
***
"Tuyển tập Võ Hồng" - NXB Văn Nghệ TP.HCM
Võ Hồng đã xuất bản hơn 8 tiểu thuyết, truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình. Sự nghiệp văn học của ông sống qua mọi thời đại vì nó luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên. Các tác phẩm chính của Võ Hồng:
- Truyện ngắn: Hoài cố nhân, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Trầm mặc cây rừng, Trong vùng rêu im lặng...
- Truyện dài: Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao...
- Tuyển tập: Áo em cài hoa trắng, Trận đòn hoà giải, Xuất hành năm mới, Mái chùa xưa, Chia tay người bạn nhỏ, Hồn nhiên tuổi ngọc...
*** 
Võ Hồng ngụ trong ngôi nhà số 53 Hồng Bàng, TP Nha Trang. Cả cuộc đời ông vẫn là một nhà giáo và một nhà văn. Với ông, viết và được viết vẫn là điều thú vị.
Trước cổng nhà Võ Hồng có treo tấm bảng nhỏ: "Kéo dây gọi Võ Hồng", cạnh đó là sợi dây kẽm nối ba chiếc lon sữa bò rỉ sét. Khi khách kéo sợi dây, những chiếc lon khua vào nhau phát ra âm thanh leng keng như tiếng đuổi chim. Từ trên căn phòng nhỏ, Võ Hồng bước xuống. Khi tiễn khách, bao giờ cũng vậy, dù khách đề nghị ông cứ ở trong nhà, nhưng ông vẫn ra tận cổng để tiễn đưa. Nhiều người gọi ông bằng bác, chú, anh, nhà văn... nhưng có một từ mà ông thích được gọi: "Thầy".
Võ Hồng gần như sống lặng lẽ một mình ở ngôi nhà đó. Sáng hoặc chiều ông thường ngồi trên chiếc võng nhỏ. Võ Hồng tỏ ra rất hứng thú khi nói chuyện vớ những ai đến với ông. Khi đã đến ngôi nhà này, khách văn nhận ra ngay đây là nơi mà những trang văn của Võ Hồng đã mô tả: mảnh sân, bóng cây và cả tiếng vọng đến từ hàng xóm!
Võ Hồng bận dạy học nên ít có thời giờ dành cho việc viết lách. Ông lại còn phải lo săn sóc con, lo coi sóc việc nhà. Vợ ông mất sớm (1957), mọi việc vặt: mua sữa, mua gạo, mua sắm cho con, đưa con đi bác sĩ... ông đều phải tự làm. Võ Hồng thường viết được nhiều nhất vào buổi tối, chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật. Với điện ảnh, Võ Hồng thích những phim xã hội tình cảm. Cải lương thì ông thích nghe giọng ca của Thanh Nga. Về tân nhạc, Võ Hồng yêu tiếng hát của Hoàng Oanh rộng và ấm làm ông liên tưởng đến tiếng hót của chim cưỡng. Ông đặc biệt yêu thích bản nhạc "Ai lên xứ hoa đào". Dù đang làm việc mà nghe ai mở dĩa hát bài đó là anh ngưng việc, nghe đến hết bài. Là nhà văn nhưng Võ Hồng lại ít uống cà-phê. Ông thích uống trà hơn, nhất là trà xanh. Tửu lượng của ông rất kém. Chỉ uống một ly bia đã đỏ mặt!
Võ Hồng có thói quen nằm trong giường để viết. Ông đặt bản thảo lên một tấm các-tông nhẹ nghiêng nghiêng, viết bằng bút máy. Ông cũng viết ở ghế xa-lông, nằm ở ghế dựa đặt đưới gốc cây trứng cá, dưới bóng cây ổi, cây mận. Luôn có những cánh hoa rơi trên tóc, trên áo, trên trang giấy, trên mặt đất xung quanh... Khi viết bản thảo, Võ Hồng thường viết chữ rất nhỏ, viết nhanh.
Tác phẩm Võ Hồng khắc hoạ cảnh sinh hoạt của nông thôn và đô thị miền Nam trong giai đoạn từ thập niên 1930 đến sau này, đậm nhất là vào các thập niên 40, 50, 60, 70. Khi viết những bài nho nhỏ về tình cha mẹ, tình thầy trò, Võ Hồng nói ao ước: "Phải chi mọi người được đọc những bài viết này, họ sẽ yêu thương quí mến cha mẹ, thầy cô hơn xưa nữa!". Võ Hồng như thế đó!
Trong bài "Hương hoa không bao giờ phai nhạt" (TTCN 18.10.2003) GS Trần Hữu Tá viết:
"...Khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trãi nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau.
Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” như nói ở trên đã là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, chân thành, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ.
Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Vì thế tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng".



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 229

Return to top