Ngày Gió
Đinh lê vũ
Ngày gió, buổi sáng thức dậy thật sớm, vừa mở cửa bước ra sân, em đã thấy một cảnh tượng hoang tàn. Trong sân nước đọng thành từng vũng, toàn xác lá rơi và cành cây gãy. Cây ổi trước sân nhà ngày thường trông cao to là thế, bây giờ lá rụng xác xơ. Mẹ thầm thì, giọng đầy vẻ âu lo : “Mưa gió thế này, nước lụt dâng cao chứ chẳng chơi.”, rồi nhắc : “Sáng nay lúc nào ngớt mưa, con ra chợ mua cho mẹ vài chục cân gạo về để sẵn đó chứ không mai mốt gạo tăng giá, không chen chân nổi với người ta...”. Mẹ bỏ lửng câu nói, quày quả bỏ vào nhà. Ở nhà chỉ có hai mẹ con, không có đàn ông, cái gì mẹ cũng lo xa...
Em xách chổi ra quét sân, nhận ra trong xác lá rơi và cành cây gãy, có cả những trái ổi non, chợt thấy ngỡ ngàng. Đã ngơt mưa, nhưng vẫn còn gió mạnh, những đám mây đen cứ vùn vụt lướt qua, làm thành những mảng đen kịt cuộn lại, liên tục thay đổi hình dáng. Những ngày thời tiết như thế này, em thấy lười học kinh khủng, cứ muốn đạp xe đi loanh quanh dọc theo con đường bờ sông, để gió mơn man da mặt, làn tóc đến lạnh buốt mới thôi. Thói quen này, em học được từ ngày có anh, bây giờ thì không còn anh nữa, em vẫn không sao bỏ được. Cũng như không sao dứt được anh thường trực hiện diện ra khỏi ý nghĩ của mình... Ngày gió, nỗi nhớ anh trỗi dậy cồn cào, em lại muốn lôi xe đạp ra, đạp xuống con đường dọc bờ sông...
Trong nhà, mẹ lục tục choàng áo len, chiếc áo len cũ màu đỏ, kỷ vật còn sót lại của cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi của mẹ với ba. Mẹ kể : ba ra đi cũng một ngày trời gió, dáng xách va ly khòm khòm, nặng trĩu để rồi mãi mãi không về trong một tai nạn máy bay. Em biết, mẹ lại nhớ ba khi mang chiếc áo len đỏ ra mặc. Bao nhiêu năm qua rồi, vẫn thế, mẹ càng thêm còm cõi với màu áo len đỏ trong những ngày gió. Em nghe mẹ ho khan, chợt thấy thương mẹ hơn bao giờ hết...
Đã gần hai năm rồi kể từ ngày anh đi. Anh đi, cũng bằng chiếc phi cơ trắng lạnh trong một ngày đầy gió. Anh bảo : “Anh đi học, chỉ vài năm thôi.” rồi đi với lời hứa hẹn một ngày về xa mù mịt. Em đã cố tin vào những điều anh nói : “Lúc nào em thấy buồn, cứ thả nỗi buồn theo gió mang đến anh, thế nào anh cũng nhận được...”, tin giữa anh và em có sợi dây thần giao cách cảm vô hình, và cả bài hát anh hát tặng em trong buổi liên hoan bạn bè tổ chức chia tay anh : “Những buồn đau đã qua rồi, tựa thoáng mù sương cuối khung trời, để gió đưa vào lãng quên...” để rồi bất lực nhìn những yêu dấu ngày cũ đang dần dần tuột khỏi tay mình. Ngày gió, em thường chạy một mạch ra bờ sông, làm theo lời anh, đứng giang tay, mở rộng lòng ra, buồn bã nhận ra rằng gió đã chẳng mang đi được điều gì hết, anh có biết ? Những lúc như vậy, em chẳng hề muốn khóc đâu, bặm môi lại, mà sao nghe môi mình mặn chát...
Em vẫn đi về trên con đường quen thuộc, hai hàng cây long não có vòm lá xanh ngút, ngày gió, thảng thốt nghe tiếng gió ầm ừ đuổi nhau trên những ngọn cây, tiếng cành cây gãy rơi xuống khô khốc, vụn vỡ, chợt thấy nhớ mong vô cùng một chiếc dù xanh bất ngờ từ sau lưng đưa tới che mưa cho em và giọng cười anh hồn hậu, nồng ấm. Thư anh viết về bây giờ, chỉ toàn kể chuyện ngôi trường học ấm cúng, đi đâu cũng thấy lò sưởi, những buổi picnic trược tuyết ngoài trời, vốc từng nắm tuyết trắng tinh ném vào nhau, cô bạn tóc vàng cùng lớp anh có tiếng cười vang khanh khách... Biết anh còn nhớ những ngày gió nơi thành phố cũ, có mưa rát mặt, có bờ sông mùa lụt nước dâng và nỗi âu lo cơm áo nhọc nhằn của mẹ...
Ngày gió, có một người mặc áo mưa, ngồi bó gối trên chiếc ghế đá quen bên bờ sông xưa, nhớ anh, lòng chợt ngậm ngùi khi mơ hồ gió đọc cho nghe một câu thơ ngày cũ : “Trời mùa đông ngày ngắn tình dài...”