Mọi người đều vui mừng vì Mẫn Huy đã đồng ý cưới Đan Uyên. Nhất là bà Tâm Khuê, bà như giải quyết được một gánh nặng đè lên người bấy lâu nay.
Chính bà đã bảo bà Huệ Ngân phải dùng áp lực để buộc Mẫn Huy cưới vợ.
Mặc cho ba người lớn vui thích, Mẫn Huy vẫn thấy bực đọc, chán chường.
Mặt Mẫn Huy lúc nào cũng quạu đeo:
– Khi không cưới cô gái chẳng quen biết gì cả.
Bà Tâm Khuê vỗ về:
– Rồi sẽ quen thôi. Con cứ đến nhà Đan Uyên. Hai đứa hãy vui vẻ với nhau, người lớn đã thỏa thuận cả rồi.
– Cô Đan Uyên đồng ý hả nội.
Bà Tân Khuê khẽ nhìn Mẫn Huy:
– Còn phải nói. Đan Uyên được làm vợ con là hạnh phúc đến thế nào. Nó là một cô gái rất xinh đẹp.
Mẫn Huy cau mầy:
– Con đâu có nói chuyện đẹp xấu.
Bà Tâm Khuê nhận định.
– Đứa con trai nào chẳng thích cưới vợ đẹp.
Mẫn Huy nhăn mặt:
– Nội nói thế thì con chịu thua luôn.
Bà Khuê động viên Mẫn Huy:
– Con đừng phân vân gì nữa, cứ lo làm chú rể đi.
Mẫn Huy thắc mắc:
– Còn Đan Uyên thì sao? Nội tin, chắc cô ta chịu con à?
– Chắc chắn chứ còn gì nữa. Nó vinh hạnh lắm chứ. Đâu phải cô gái nào cũng được nội chọn cưới cho con.
Mẫn Huy buột miệug:
– Thà để con chọn, nội ơi!
Bà Tâm Khuê nhìn Mẫn Huy với ánh mắt nghiêm nghị:
– Đồng ý rồi còn chọn gì nữa? Định trở chứng hả?
Rồi bà hăm he:
– Mẹ con mà trở bệnh thì con không được yên đâu.
Nội lại đem chứng bệnh tim và mạng sống của bà Huệ Ngân ra đe dọa Mẫn Huy. Anh chỉ còn biết im lặng.
Bà Tâm Khuê thúc giục Mẫn Huy.
– Mọi việc nội và mẹ con đã chuẩn bị xong cả rồi tuần sau đám cưới. Con hãy đến nhà Đan Uyên đưa nó đi sắm sửa đi.
Giống đám cưới điều khiển từ xa quá. Mẫn Huy nhủ thầm và thắc mắc hỏi:
– Đan Uyên không biết mặt chú rể mà cũng chịu đại sao?
Bà Tâm Khuê đáp với giọng tự hào:
– Đan Uyên tin vào sự sắp xếp của người lớn.
Đã chấp nhận, ưng cưới Đan Uyên, Mẫn Huy không thể nào không biết lý do, nên hỏi thẳng bà Tâm Khuê:
– Tại sao nội cứ ép buộc con cưới Đan Uyên? Có gì bí mật không?
Bà Tâm Khuê nhíu trán:
– Chẳng có gì bí mật cả. Do nội và ba con hứa với ba Đan Uyên sẽ cưới nó cho con.
Mẫn Huy tức khí:
– Hứa gì kỳ quái vậy nội?
Bà Tâm Khuê nói nhanh:
– Vì ba Đan Uyên cứu ba con trong công việc làm ăn.
– Bộ làm ăn phạm pháp sao cứu hả nội?
Bà Tâm Khuê xua tay liên tục:
– Cái thằng, nói nhảm không hà! Thôi, lo chuẩn bị đi!
Mẫn Huy ngạc nhiên:
– Chuẩn bị gì hả nội?
– Chiều nay nội có mời mẹ con Đan Uyên đến đây dùng cơm để bàn chuyên đám cưới. Con đến rước nó đi!
Lời thông báo nhẹ tênh của bà Tâm Khuê mà Mẫn Huy tưởng chừng như tai họa sắp xảy ra.
Mẫn Huy thoái thác:
– Nội mời thì chắc chắn mẹ con cô ấy sẽ đến. Con rước mà làm gì?
Bà Tâm Khuê phán:
– Cái thằng thật tệ!
Mẫn Huy buột miệng như trách bà Tâm Khuê.
– Nội mời cơm họ mà sao không nói cho con hay.
Bà Tâm Khuê vặn lại:
– Con có phụ được gì đâu mà nói. Mọi việc có chị Xuân lo cả rồi. Thôi, để nội xuống bếp chỉ cho chị Xuân làm đây.
Mẫn Huy bực dọc vô cùng. Nhà nầy mọi việc đều do bà nội quyết định, sắp xếp. Bà là tổng chỉ huy phán lệnh. Mẫn Huy đã trưởng thành rồi. Anh đã gần ba mươi mà bà nội cứ xem như là đứa con nít lên ba. Bà quyết định cho anh tất cả.
Mẫn Huy tức khí muốn bỏ đi thì nghe bà Tâm Khuê căn dặn.
– Nếu con không đi rước Đan Uyên thì hãy ở nhà chờ mẹ con nó đến mà lo tiếp.
Cứ như bà Tâm Khuê đã đọc được suy nghĩ của Mẫn Huy vậy. Mẫn Huy mang bộ mặt như đưa đám về phòng. Sáu gíờ chiều, hai mẹ con Đan Uyên đến.
Hai người ăn mặc sang trọng như đi dự dự tiệc. Bà Như mẹ Đan Uyên mặc chiếc sườn xám bằng gấm xanh, tóc búi cao trông rất thanh lịch. Đan Uyên thì rất model với chiếc váy xẻ và chiếc áo đỏ hở lưng, trông cô chẳng khác nào một đốm lửa hừng hực.
Bà Huệ Ngân niềm nở mời hai mẹ con bà Như ngồi ghế:
– Chị và cháu ngồi chơi, để tôi gọi Mẫn Huy ra cho hai đứa giáp mặt.
Bà Tâm Khuê bước ra vui vẻ bảo:
– Hai mẹ con cứ tự nhiên. Bác đang chỉ con Xuân làm mấy món ăn.
Đan Uyên lơ đãng nhìn quanh cũng chẳng chú tâm nghe người lớn nói chuyện.
Bà Huệ Ngân đứng lên đi gọi Mẫn Huy.
Khi Mẫn Huy xuất hiện nơi phòng khách thì Đan Uyên tròn mắt nhìn anh:
– Là anh ư? Bức tranh cát chân dung em hoàn thành chưa?
– Có lẽ nó không bao giờ hoàn thành.
– Tại sao?
– Tôi còn để trên Đồng Nai. Mẹ bệnh nên về vội vã.
Đan Uyên buông gọn:
– Thì anh lên Đồng Nai lấy về làm hoàn tất.
– Tôi sẽ không làm nữa!
Đan Uyên nghiêm giọng:
– Không được nuốt lời hứa nghe!
Gặp Đan Uyên, Mẫn Huy biết anh phải làm gì rồi.
– Tôi với cô ra ngoài nói chuyện.
Bỏ ba người lớn lại trò chuyện trong phòng khách, Mẫn Huy cùng Đan Uyên ra ngoài sân trao đổi.
Vườn hoa trước sân nhà Mẫn Huy rực rỡ với các loài hoa. Hương hoa bay lan tỏa trong gió chiều.
Hai người ngồi xuống ghế đá. Đan Uyên cất tiếng trước.
– Em không ngờ người đó là anh.
– Tôi thì sao?
- Em ngạc nhiên quá.
Mẫn Huy cáu kỉnh:
– Tôi là một người đàn ông lãng tử, phóng túng, tôi không dễ gì chịu theo sự sắp đặt của người lớn đâu.
Đan Uyên vặn lại:
– Thế sao anh đồng ý làm chú rể? Bữa cơm hôm nay để người lớn bàn chuyện đám cưới đấy!
Mẫn Huy nhếch môi đáp:
– Cô tưởng tôi đồng ý à? Tôi vì mẹ tôi thôi.
Rồi anh hỏi lại Đan Uyên:
– Còn cô đồng ý đám cưới không biết mặt chú rể à?
Đan Uyên trề môi:
– Xí! Làm gì đồng ý. Giá như mẹ em cho biết chuyện nầy sớm hơn thì hay biết mấy. Đằng nầy, em đã có người yêu rồi. Thế mà mẹ em vẫn bắt buộc.
– Tôi cũng vậy. Cô thừa biết tôi có người yêu.
Đan Uyên láu táu hỏi:
– Chân dung trên cát đó hả?
Mẫn Huy nói nhanh:
– Tôi và cô không thể?
– Nhưng đám cưới vẫn tiến hành. Mẹ em làm dữ lắm không chịu bà sẽ từ em luôn.
Mẫn Huy chép miệng than vãn:
– Tôi với cô thế nầy mà không giải quyết được chuyện của mình mà phải làm theo người lớn thì dỡ quá.
Đan Uyên thở dài một cách ngán ngẩm:
– Biết sao được hở anh?
– Bây giờ phải tính sao đây?
– Tính gì?
– Làm đám cưới à? Cô không chịu ?
– Nhưng em đâu còn cách nào?
Mẫn Huy chống cằm hỏi như phỏng vấn Đan Uyên:
– Cô có người yêu mà không đấu tranh để cùng tiến tới với anh ta.
Đan Uyên thở dài vẻ bất lực:
– Không dễ chút nào đâu anh.
Mẫn Huy đưa ý kiến.
– Tôi với cô thỏa thuận thế nầy nhé.
Đan Uyên nhanh nhảu hỏi:
– Thế nào hả anh?
Mẫn Huy nói chậm rãi:
– Vẫn tiến hành đám cưới theo ý người lớn nhưng tôi và cô chỉ giả vờ thôi.
– Nghĩa là vợ chồng giả?
Mẫn Huy giao kết:
– Chỉ là vợ chồng trước mặt mọi người. Còn tôi với cô có cuộc sống riêng không ai xâm phạm đến ai. Cô đồng ý không?
Đan Uyên gật đầu nhanh:
– Cũng được!
Điều nầy Hoàng Lạc sẽ mừng lắm đây.
Đan Uyên sẽ báo tin cho Hoàng Lạc để anh yên tâm.
Cô chỉ là chồng hờ vợ tạm thôi.
Mấy hôm nay, Đan Uyên vẫn chưa dám nói gì với Hoàng Lạc. Anh chàng yêu Đan Uyên cũng ghen dữ dội. Hoàng Lạc hăm he Đan Uyên đủ thứ nếu cô bỏ anh.
Bây giờ Đan Uyên đi lấy chồng nhưng không bỏ Hoàng Lạc. Ý kiến của Mẫn Huy đưa ra thật là hấp dẫn và dễ thực hiện. Chỉ là vợ chồng giả, mỗi người có con đường riêng mạnh ai nấy đi. Đan Uyên sẽ thoải mái sống với Hoàng Lạc mà Mẫn Huy không thể nói được gì vì đây là đề nghị của anh đưa ra mà.
Để cho chắc ăn, Đan Uyên khẳng định thêm:
– Không được xâm phạm tự do cá nhân của nhau.
Mẫn Huy đồng ý ngay:
– Tất nhiên rồi. Mạnh ai nấy sống, không ai có quyền nói gì và cũng không làm ảnh hưởng đến nhau.
Sự thỏa thuận bí mật như là một bản giao kèo mà hai người đồng ý ký kết.
Mẫn Huy nghĩ tạm thời giả quyết như vậy. Anh cưới Đan Uyên để nhìn thấy gương mặt Hồng Cát qua gương mặt cô. Đơn giản hơn nữa là hai người sẽ giả vờ làm vợ chồng giả một thời gian rồi sẽ ly dị.
Ôi! Cưới làm chi cho rắc rối thế nầy.
Tuy nhiên Mẫn Huy cũng thấy nhẹ nhõm khi anh đã giải quyết được chuyện phức tạp nầy. Ba người phụ nữ trong nhà say sưa bàn chuyện đám cưới và rất phấn khởi khi thấy bên ngoài đôi trẻ đang say sưa trò chuyện rất tâm đầu ý hợp.
Tuy nhiên, ba người phụ nữ đâu có biết mỗi cái đầu của Mẫn Huy và Đan Uyên đều suy nghĩ riêng theo hai chiều hướng riêng. Thấy đôi trẻ say sưa trò chuyện, ba người lớn cũng chẳng gọi vào. Bữa cơm được dọn lên. Ông Mẫn Kha điện về báo là không về kịp. Ba người lớn ngồi vào bàn.
Bà Tâm Khuê bảo:
– Chẳng lẽ để tụi nhỏ nói chuyện hoài? Thôi, con Xuân ra mời hai cô cậu vào ăn.
Bà Như vui vẻ nhận định:
– Hai cô cậu nầy mới vừa gặp gỡ đã quyến luyến rồi. Đúng là duyên tiền định rồi.
Bà Tâm Khuê tỏ vẻ tự hào:
– Duyên tiền định mà bác định nữa.
Rồi bà quay sang con dâu:
– Con chuẩn bị sắm nữ trang cho Đan Uyên. Còn đồ cưới để tự hai đứa nó lo.
Tuổi trẻ bây giờ nó thích khác mình.
Bà Huệ Ngân gật đầu:
– Mẹ thật là tâm lý.
Bà Như cũng vui vẻ khen:
– Bác rất là rộng lượng với bọn trẻ.
Mẫn Huy và Đan Uyên bước vào trong đầu hai người nghĩ gì chẳng ai biết nhưng trên nét mặt thì có vẻ hân hoan.
Bà Huệ Ngân cất tiếng hới:
– Hai con trò chuyện vui vẻ chứ.
– Dạ!
Mẫn Huy trả lời mẹ mà nhìn nơi khác. Đan Uyên nũng nịu nhìn anh:
– Chút nữa anh đưa em đi nghe nhạc nhé!
Mắt bà Như nhìn con gái ánh lên niềm vui thích.
Bà Tâm Khuê nhắc nhở:
– Thôi, mọi người dùng cơm đi. - Rồi bà nói với Mẫn Huy - Bữa cơm hôm nay để con và Đan Uyên ra mắt và hai bà mẹ thì kết tình sui gia.
Đan Uyên vỗ tay tinh nghịch:
– Bà nội diễn thuyết hay ghê.
Bà Như lại nhắc con gái:
– Nói năng đàng hoàng nghe con.
Đan Uyên láu lỉnh:
– Thì con khen bà nội mà!
Bà Như mắng yêu:
– Con nhớ nầy!
Và tươi cười, nói với bà Huệ Ngân:
– Chị xem con dâu chị đó, tinh nghịch như con nít vậy.
Như kẻ bàng quan, Mẫn Huy chẳng chú ý nghe mọi người nói chuyện đầu óc anh để tận đâu đâu ...
Không nghĩ đến đám cưới nhưng đám cưới của Mẫn Huy và Đan Uyên đã cận kề.
Trên bàn ăn chủ khách mời mọc nhau vô cùng cởi mở và lịch sự.
Mẫn Huy đang tự hỏi chẳng biết có phải mọi người đang đóng kịch với nhau.
Vũ trường Sao đêm rực rỡ ánh đèn. Đan Uyên và Hoàng Lạc tay trong tay quay cuồng theo điệu nhạc.
Ngày mai đám cưới. Mặc! Đan Uyên vẫn lả lơi trong vòng tay của Hoàng Lạc.
Sau khi nghe Đan Uyên kể chuyện đám cưới, Hoàng Lạc nhấc bổng cô lên hôn khắp mặt.
– Sắp xếp như em thật tuyệt! Em giỏi thật.
Đan Uyên kề má vào má Hoàng Lạc:
– Anh ta thỏa thuận với em đó chứ.
Hoàng Lạc cười sằng sặc:
– Thằng ngu!
– Anh ta ngu, chúng ta mới mãi mãi không mất nhau.
Giờ đây trong vũ trường vòng tay siết chặt, nụ hôn say mê, nhịp chân hòa quyện, Hoàng Lạc vẫn sợ mất Đan Uyên.
– Coi chừng anh ta không ngu đâu.
– Anh nói sao?
– Trên danh nghĩa em là vợ anh ta, đám cưới hẳn hòi.
Hoàng Lạc con nhà giàu, như một công tử ăn chơi khét tiếng chắng làm gì cả. Anh chàng và Đan Uyên rất hợp nhau, vui chơi thụ hưởng, tình yêu đến, đam mê. Hai người luôn có mặt ở phòng trà, quán bar, vũ trường.
Nghe tin Đan Uyên đám cưới, Hoàng Lạc muốn lồng lộn lên nhưng đến khi cô bảo bí mật thỏa thuận của cô với Mẫn Huy thì Hoàng Lạc cười thú vị.
Bây giờ Hoàng Lạc lại ngờ vực:
– Em là vợ anh ta, em phơi phới thế nầy nằm cạnh mà anh ta chịu được à?
– Ờ thì ngủ riêng!
– Anh ta đâu có điên. Chẳng lẽ anh ta không làm gì em à?
Đan Uyên quả quyết:
– Anh ta đã thỏa thuận rồi mà!
Hoàng Lạc gằn mạnh:
– Em tin anh ta à?
– Thì phải tin.
Hoàng lạc rít giọng:
– Anh không tin! Không tin! Anh phải giữ chặt em không cho hắn ta động đến. Em là của anh biết chưa.
– Cô ấy sẽ chui ra từ quả thị cô Tấm cho anh thấy.
Đôi môi Đan Uyên há ra, ánh mắt tròn xoe nhìn Mẫn Huy không chớp.
– Anh nói cái gì?
Rồi bỗng cô như hiểu ra, vội châm chọc Mẫn Huy.
– Người đẹp của anh chỉ có trong truyện cổ tích thôi chứ gì?
Mẫn Huy cải chính:
– Có thật ngoài đời nữa!
– Vậy cô ấy đâu?
– Biến mất rồi!
Càng lúc Đan Uyên càng lạ lùng nhìn Mẫn Huy. Anh có tâm thần không nhỉ? Người yêu của anh có thật hay là do anh tưởng tượng rồi tạo nên tranh cát.
Bỗng dưng, Đan Uyên thấy Mẫn Huy có những dấu hiệu bất thường, khi Đan Uyên hỏi về cô người yêu của anh thì anh nói rất lung tung.
Đan Uyên muốn tìm hiểu nhưng lại phớt lờ. Thôi, mặc kệ anh. Điều quan trọng Đan Uyên cần biết là cách tạo tranh cát chứ không phải biết mặt người yêu của Mẫn Huy.
– Ngày mai em đi lấy bức tranh về anh làm tiếp nhé!
– Chi mà gấp dữ vậy?
– Em muốn nhìn xem anh làm tranh.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Vất vả tỉ mỉ công phu lắm, có gì mà xem.
Đan Uyên đáp tỉnh:
– Em xem để có gì phụ giúp anh.
Mẫn Huy buông giọng thẳng thừng:
– Cám ơn! Việc của tôi cô khỏi nhúng tay vào.
Đan Uyên nằn nì:
– Anh chỉ em làm tranh cát với nha.
– Tôi có chỉ cô cũng chẳng làm được.
– Anh đừng xem thường em nha! Em sẽ làm cho anh thấy.
Mẫn Huy buông lửng.
– Tôi chỉ thấy cô làm ...
Đan Uyên hỏi dồn:
– Anh nói em làm gì?
Mẫn Huy tắt ngang:
– Mà thôi, cô muốn làm gì thì làm.
Đan Uyên thản nhiên lắc đầu:
– Em chẳng làm gì.
– Cô phải làm một việc gì để sống có ý nghĩa chứ.
Đan Uyên tức khí vặn lại:
– Anh bắt buộc em phải làm việc à? Anh là chồng mà không nuôi nổi vợ sao?
Mẫn Huy phân bua:
– Ý tôi không phải thế.
Đan Uyên chợt đổi giọng:
– Anh muốn em làm việc cho vui thì hướng dẫn cho em làm tranh cát nha!
Mẫn Huy không tin Đan Uyên làm được tranh cát. Một cô gái chỉ thích đua đòi, ăn chơi thì làm được gì. Cô có đam mê làm việc chắc chỉ được một ngày.
Anh bỏ mặc Đan Uyên với ý muốn làm tranh cát với cô.
Đêm ấy, Mẫn Huy ngủ dưới sàn nhà vì phải nhường chiếc giường êm ái cho Đan Uyên. Anh đang hỏi không biết tình trạng nầy kéo dài đến bao giờ. Có thêm một người ở trong phòng thật là khó chịu.
Không phải là vợ chồng cũng chưa từng là bạn, chẳng biết Mẫn Huy và Đan Uyên là gì đây. Trước mặt gia đình và mọi người thì hai người là vợ chồng.
Nhưng đêm về dù trong phòng chung, hai người vẫn là hai thế giới riêng.
Mẫn Huy không vào công ty địa ốc phụ với ông Mẫn Kha mà mở một phòng sản xuất tranh cát tại nhà.
Đan Uyên lẽo đẽo theo anh đòi xem làm tranh cát.
Mẫn Huy nói thẳng thừng:
– Tôi chỉ muốn làm việc một mình yên tĩnh.
Đan Uyên phân trần:
– Em ngồi tuyệt đối im lặng mà.
– Cô ngồi đây vẫn chi phối việc làm của tôi.
– Em không hề làm gì phiền đến anh.
Mẫn Huy vẫn lộ vẻ khó chịu.
– Có người ngồi trước mặt tâm trí tôi không thoải mái khó tập trung làm việc lắm.
– Anh sợ ngồi cạnh người đẹp, đầu óc suy nghĩ lung tung nên không làm tranh cát được chứ gì?
Mẫn Huy nói nhanh:
– Tôi chỉ thấy mất tự do vì phòng làm việc của tôi có người xuất hiện.
Làm ra vẻ một cô vợ ngoan ngoãn, Đan Uyên bảo:
– Anh không thích sự có mặt của em thì thôi em đi vậy.
Mẫn Huy giải thích cho Đan Uyên đừng tự ái:
– Tôi không thích có người ngồi nhìn từng động tác của tôi khi làm việc. Mất cả cảm hứng sao mà làm việc hở cô.
Vờ cảm thông, Đan Uyên bảo:
– Em biết!
Mẫn Huy nhắc nhớ – Cô có thể trò chuyện với nội và mẹ tôi nhớ là đừng quấy rầy tôi.
– Đồ đáng ghét, cao ngạo! Làm như hay dữ!
Đan Uyên nguyền rủa bỏ đi. Anh không giữ bí mật qui trình sản xuất tranh cát với Đan Uyên nầy được đâu. Đừng hòng dấu diếm rồi Đan Uyên sẽ biết được.
Anh cứ chờ đó!
Đan Uyên đi rồi, còn lại một mình anh trong phòng làm việc, Mẫn Huy vô cùng thoải mái. Anh không muốn bị vướng víu khi làm việc. Mỗi lần bắt tay vào làm một bức tranh cát là Mẫn Huy rất say sưa. Anh thả hết tâm hồn đầu óc và bức tranh có khi cao hứng còn cất tiếng hát.
Mẫn Huy rây cát thật nhuyễn mịn, sàng lọc cẩn thận, lựa chọn các màu cát tự nhiên vàng, hồng, trắng để tạo tranh, tùy hình ảnh mà pha trộn các loại cát. Mẫn Huy tuyệt đối không nhuộm màu cát.
Những bức tranh do Mẫn Huy làm đẹp lộng lẫy và tươi sáng. Yêu công việc, miệt mài sáng tạo, kỹ năng, kỹ xảo ngày càng cao, những bức tranh do Mẫn Huy sản xuất ngày càng điêu luyện.
Mẫn Huy làm việc rất vô tư. Anh chẳng nghĩ đến việc bảo đảm bí mật nghề nghiệp, giấu kín qui trình sản xuất. Mà giấu với ai cơ chứ?
Hết giờ làm việc, Mẫn Huy đóng cửa phòng làm việc đi tắm rửa nghỉ ngơi, ăn uống.
Ngày nào cũng thế, lợi dụng lúc Mẫn Huy vắng mặt, Đan Uyên vào phòng làm việc của Mẫn Huy.
Như một nhà điều tra, Đan Uyên xem xét, tìm hiểu việc làm tranh cát của Mẫn Huy và ghi chép cẩn thận. Điều nầy Đan Uyên đã được Hoàng Lạc dặn dò cẩn thận.
Chẳng mấy chốc, Đan Uyên đã ăn cắp bí quyết làm tranh cát của Mẫn Huy mà anh không biết không hay.
Được nhiều người đặt tranh, cảm hứng ngày càng tăng, Mẫn Huy phấn khởi lao vào sản xuất cát ngày càng hăng say.
Những lúc làm việc hình ảnh Hồng Cát lại ùa về trong tâm trí Mẫn Huy.
Nhớ căn lều trên núi, cô tiên từ quả thị chui ra giúp đỡ Mẫn Huy. Cô tiên miền biển đẹp mặn mà. Làn da rám nắng, chiếc đồng tiền tròn xoe trên má, mái tóc đuôi gà vàng hoe.
Hồng Cát không phải là tiểu thư đài các, không yểu điệu thục nữ mà có vẻ đẹp đằm thấm, vẻ đẹp đầy cá tính. Bướng bỉnh mạnh mẽ nhưng Hồng Cát cũng là một cô bé tinh nghịch cát.
Mẫn Huy nhớ những ngày tìm cát màu ngoài vịnh, ngoài biển vắng. Tưởng chừng như đang ở ngoài bãi biển tìm cát, như ngày nào.
Tưởng chừng như mới gặp Hồng Cát đây thôi. Thế mà Hồng Cát biền biệt nơi nào? Mớ rau tươi, con ốc biển, con cá khô ... Tất cả còn trong ký ức.
Làm sao quên được hình ảnh Hồng Cát thân thương? Em giờ mất hút rồi để lại trong ta bao nỗi luyến nhớ, ngậm ngùi.
Mẫn Huy khe khẽ hát. Tiếng hát từ trái tim tặng em mà em có nghe?
“Hình như trời trở heo may.
Biển ơi! Hãy hát lời ngày năm xưa.
Gió đưa mây, lất phất mưa.
Mênh mông sóng có ai vừa về qua.
Xòe tay núi ngày xa.
Ươm bao nhiêu mộng chỉ là hoài mong.
Nhớ ai thơ viết đôi dòng.
Nghe môi thắm nặng cay nồng bờ mi.
Thhở nào ngày ấy người đi.
Bên nhau trước biển hứa gì nhớ không.
Người ơi giờ giữa mênh mông.
Ta bơ vơ đứng chờ mong một mình”.
Mới gặp đây thôi mà tướng chừng như lâu lắm.
Người khuất xa rồi có còn gặp lại?
Ôi, Hồng Cát ơi!
Mẫn Huy trải lòng trên tranh cát, dồn tất cả nỗi nhớ mong lên tranh cát.
Những bức tranh cát ra đời từ tâm huyết và niềm đam mê, nói chung là từ con tim cháy bỏng của Mẫn Huy. Và anh đâu có hay rằng qui trình sản xuất tranh cát đã bị đánh cắp.