Ngạn
Viên Nhật
Bà Cả đang nằm lơ mơ trên cái võng đu đưa, bỗng nghe một tiếng xoảng khiến bà ngồi bật dậy. Bà cố lắng tai nghe ngóng trong sự im lặng đáng ngờ vực. Lòng đầy bực bội, bà lớn tiếng nói:
- Ngạn à, làm bể cái gì nữa đó?
Không có tiếng trả lời, bà xỏ chân vào đôi dép, đi xuống nhà bếp. Trước mắt bà, cái bếp hệt như một bãi chiến trường: Nào nồi, nào chén, miểng dĩa, miểng tô … còn cô con gái nhỏ của bà thì đang ngồi giữa bãi chiến trường ấy mà ăn ăn, xé xé với một cái dĩa đầy những con gì đen đen, cháy cháy giống con cồng quều.
Nghe tiếng chân của mẹ, cô bé ngừng nhai, ngẩng đầu lên. Gương mặt đầy lọ nghẹ vạch ngang, vạch dọc của con gái làm bà mẹ buồn cười đến quên cả giận. Bà rên lên:
- Trời ơi, con gái ơi là con gái …! Mẹ đâu có đẻ ra con hề thế này. Con gái xinh đẹp của tui đâu rồi?
Cô bé vụt cười toe, nhe hai hàm răng trắng đều rất tươi:
- Con xinh đây mà … hihihi.
Vừa nói, cô bé vừa kéo vạt áo lên lau mặt. Bà mẹ lại rên lên:
- Thôi rồi, còn đâu cái áo tui mới may cho nó.
- Úi quên. Sorry, sorry, mamy!
- Lại còn xài tiếng Tây cạp cạp với tui nữa!
Cô bé đứng dậy, chạy ào tới, vòng tay ôm mẹ, áp cái đầu nhỏ xinh vào ngực mẹ. Bà Cả chẳng biết làm sao, đành cứ đứng đấy, xuôi hai tay. Ánh mắt bà nhìn vào hai cái xoáy trên đỉnh đầu con gái rồi thở dài thầm nghĩ: Chẳng trách ông bà vẫn nói đầu hai xoáy khó bảo. Đã đặt tên nó là Ngạn trong nghĩa Hồi đầu thị ngạn (Quay đầu thì thấy bờ), nhưng xem ra còn lâu con bé mới biết bờ là thế nào. Dù sao, nó chỉ mới mười bốn tuổi. Thôi thì cứ đợi nó bơi vài năm nữa xem sao.
Quả thật cô con gái nhỏ của bà vừa hậu đậu, vừa nghịch ngợm. Phải chi hậu đậu mà chậm lụt thì đỡ biết mấy. Đằng này nó nhanh như con sóc. Mới nghe lục sục đầu này thì tiếp đó đã nghe loảng xoảng đầu kia. Căn nhà lúc nào cũng ngổn ngang những đồ vật linh tinh.
Tiếng chuông đồng hồ quả lắc gõ từng tiếng ngân nga trong buổi trưa hè. Bé Ngạn đang ngồi chồm hổm, lọt thõm trong chiếc ghế bành rộng, mắt nó nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ quả lắc. Nó luôn tò mò muốn biết tại sao con gà có thể nhảy ra, nhảy vào khi đồng hồ gõ chuông. Có lần nó đã bắc ghế rinh cái đồng hồ xuống, tháo ra xem. Khi ráp vào, không hiểu sao nó cứ dư rất nhiều bộ phận mà nó không tìm ra chỗ nào để gắn vào.
Bà Cả bắt gặp trò phá hoại của cô bé và đét cho một trận. Mặt bà lúc giận mới ghê chứ! Ngạn biết mẹ rất quý chiếc đồng hồ này. Sáng nào thức dậy, công việc đầu tiên của bà là lấy chìa khóa, lên dây cót đồng hồ. Tiếp đó, bà lau bụi cho nó một cách dịu dàng, như thể cái vỏ gỗ và mặt kính đồng hồ mỏng manh lắm vậy.
Phía sau nhà Ngạn là một con sông nhỏ. Bà Cả rào bờ sông rất kỹ để Ngạn không thể ra tắm sông. Nó chỉ có thể quậy bùn trong cái ụ tàu cạn sều dù nước rong tháng mười cũng không thể ngập đầu nó được.
Ngày nào cũng nghe tiếng bà Cả la mắng con gái bằng một giọng lớn nhưng thiếu sự giận dữ. Bé Ngạn quen tai đến mức nó chẳng nhúc nhích tí nào. Căn nhà sau một ngày vẫn là bãi chiến trường cho bà Cả dọn dẹp đến khuya.
Đôi khi, bà đứng nhìn con gái ngủ say. Dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, bé Ngạn nằm sải dài chân tay, môi he hé cười, tấm lòng người mẹ lại nặng trĩu nổi lo lắng vì sự vô tâm, hời hợt của con gái.
Cuộc sống của hai mẹ con cứ êm đềm trôi. Năm ấy, Ủy ban Xã đắp đập ngăn con sông nhỏ sau nhà, nghe nói dự trù dùng khúc sông ấy nuôi tôm. Tôm đâu không thấy, chỉ thấy hàng chục mẫu ruộng, trong đó có ruộng nhà Ngạn trở thành vuông phèn vì không có nước sông ra vô lọc đất. Lúa cấy xuống chưa được ba ngày đã héo rủ.
Khúc sông sau nhà trở thành cái hồ lớn, nước đỏ quạch váng phèn, đủ thứ rác nổi lập lờ và mấy chục chiếc cầu tõm bắt ra sông, rợn hết cả người. Còn đâu dòng sông nước trong xanh với những hàng mắm bần thơ mộng, treo đầy những tổ chim. Cứ mỗi chiều về, những chú chim bay về tổ kêu vang động cả buổi chiều quê.
Vụ mùa đi tong. Lần đầu tiên Ngạn biết đến một cái Tết buồn. Mọi năm, những ngày trước Tết, Ngạn phụ mẹ dí bồ lúa to đùng ở nhà sau. Năm nay, nhà sau sạch sẽ, trống rỗng đến nao lòng. Ngạn hỏi:
- Năm nay mình ăn bằng gì hả mẹ?
Đó cũng là câu hỏi cháy lòng bà Cả.
Ngày trước, Ngạn thường hái trái cây vườn nhà đem cho bạn. Bây giờ mẹ chắt chiu từng ngọn rau, trái chín mang ra chợ bán đổi gạo. Ruộng thành đất hoang. Bà Cả ra chợ buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.
Mấy năm sau, Ủy ban xã đến hỏi mua miếng đất của bà Cả để làm sân chơi cho thanh niên trong xã với giá hai trăm triệu đồng. Quy ra vàng là bốn chục cây. Những người có ruộng bị thành đất hoang như bà Cả nói cho bà biết người ta đang kiếm mua đất để ở rất nhiều vì ở đây sắp mở một khu công nghiệp do Úc đầu tư và mấy chục mẫu ruộng hoang đã được huyện quy hoạch là khu dân cư. Giá đất đang lên vùn vụt.
Bé Ngạn cần tiền để học cao hơn nữa. Nhiều người đến hỏi mua mỗi người vài thước tới để cất nhà. Dù sao cũng không cày cấy được, bà Cả nghĩ: Ở đâu có nhà mình thì ở đó là quê.
Bán hết đất, hai mẹ con khăn gói ra đi. Hôm đó, bé Ngạn đứng ở đầu ngõ nhìn mãi ngôi nhà từ nay là của người khác, cũng như tuổi thơ đã đi qua, không bao giờ trở lại. Nỗi nghẹn ngào dâng trong lòng nó. Không hiểu sao trong đầu nó cứ vang vang mãi hai từ: Tha phương, tha phương!