Lữ Trọng Quí là một nhà tân học, tánh tình cang trực, khí sắc hiên ngang, hễ quyết làm việc chi thì làm đùa, hễ muốn nói điều chi thì nói đại, chớ không phải như mấy tay xảo quyệt, mỗi lời nói đều cân đo lợi hại, mỗi việc làm đều sắp đặt mưu kế. Nhưng vì thấy Chánh Tâm thất chí não lòng, mà lại nghĩ cái họa của Chánh Tâm đó bởi tại mình gây ra; bởi vậy chàng bỏ cái thói cang trực, và phải lo mưu mà cứu Chánh Tâm trước rồi sau sẽ lập thế mà làm cho cha con tương phùng, vợ chồng hòa hiệp.
Khi Trọng Quí dụng mỹ nhơn kế, thì chàng tính làm đỡ trong năm ba tháng cho Chánh Tâm bớt sầu bớt não, đặng cho chàng kiếm tìm Chánh Hội mà thôi, chẳng dè trót năm năm trường chàng làm đủ cách mà tìm Chánh Hội cũng chưa ra mối, chàng nói hết lời mà Cẩm Vân cũng chưa chịu tha lỗi cho chồng.
Tuy cái công của chàng không đặng kết quả, song cái kế của chàng ước mơ Lý Chánh Tâm nhờ cô Năm Đào khêu động ái tình, mà lại nhờ cô khéo an ủi nữa, nên tuy chàng không hết buồn về nỗi lìa vợ mất con, song chàng an lòng lay lất cho qua ngày tháng khỏi sầu não đến sanh bịnh.
Khi mãn tang mẹ rồi thì Chánh Tâm bằng lòng để Tòa chia gia tài cho cháu là Phùng Sanh một phần. Phần của Phùng Sanh mỗi năm thâu huê lợi chín ngàn giạ lúa thì cha nó là Phùng Xuân nhận lãnh. Còn phần của Chánh Tâm thì chàng giao cho vợ chồng Hương bộ Huỷnh cai quản, đặng chàng thong thả mà lo nỗi vợ con.
Việc nhà sắp đặt xong rồi, Chánh Tâm cứ qua ở miết bên nhà Trọng Quí.
Cái tình của chàng dan díu với cô Năm Đào ai cũng đều ngó thấy; hễ cô Năm Đào có về Trà Bang mà thăm nhà thì chàng buồn bực ngóng trông, ăn ngủ không được, làm cho Trọng Quí phải cho xe vô rước cô ra, thì chàng mới hết buồn.
Tuy cái tình của chàng như vậy, mà trong năm năm trường chàng gần gũi với cô, chàng quyến luyến cô, song chẳng hề chàng tỏ một lời nào gọi là trêu hoa ghẹo nguyệt. Có nhiều khi canh khuya trò chuyện, có nhiều lúc dưới nguyệt nhìn nhau, trai bát ngát lòng vàng, gái ngẩn ngơ dạ ngọc, sóng tình dồi dập, biển ái mênh mông, chàng không thể dằn lòng được, muốn mở miệng ép liễu nài hoa. Mà chàng vừa tính nói ra thì chàng liền thấy hình của nàng Cẩm Vân ở trước mắt chàng, khiến chàng áo não bâng khuâng, rồi bỏ đi chỗ khác hoặc nói lảng chuyện khác.
Còn cô Năm Đào, khi cô chịu lãnh trách nhậm giải sầu cho chàng Chánh Tâm thì cô đã ái ngại lắm rồi; đến chừng cô gần gũi trò chuyện với chàng thì cô càng xốn xang nhiều hơn nữa. Chưa được mấy ngày thì cô đã muốn xa lánh chàng rồi, ngặt vì Trọng Quí theo năn nỉ quá, cực chẳng đã cô phải ép mình mà làm nghĩa, nên trong năm năm cô ở đây, cô nhọc lòng khổ trí không biết chừng nào.
Một buổi chiều, Chánh Tâm, Trọng Quí và cô Năm Đào đương ngồi nói chuyện với nhau trong nhà, còn con Lý thì hái bông chơi đàng trước. Người đi phát thơ bước vô cửa ngõ mà đưa một phong thơ cho con Lý. Con nhỏ nhờ mẹ nó dạy nên nó đã biết đọc rồi. Nó cầm phong thơ mà coi, nó thấy đề tên Lý Chánh Tâm thì lật đật đem vô trao cho chàng.
Chánh Tâm mở thơ ra coi thì thơ nói như vầy:
"Cher cậu Ba...
Tôi cầm viết mà viết bức thơ nầy, thì tôi lấy làm ái ngại lắm. Nhưng vì tôi biết bụng cậu, dầu thế nào cậu cũng không nỡ bỏ cha con tôi, nên tôi mới dám tỏ thiệt việc nhà của tôi cho cậu Ba hiểu, rồi xin cậu vui lòng cứu giúp cha con tôi một phen.
Từ ngày tôi lãnh phần ăn của con tôi, thì tôi hết lòng lo làm ăn, chớ không chơi bời như hồi trước nữa. Vì tôi muốn làm giàu thêm cho con, nên tôi cho mướn ruộng luôn năm năm, tôi lấy bạc trước để làm vốn buôn bán làm ăn. Chẳng dè thời vận của tôi thật là xui xẻo, tôi đút tiền vô đâu thì mất đó, tôi làm việc gì thì lỗ việc nấy, bởi vậy bây giờ cha con tôi không còn một đồng xu, còn ruộng thì họ còn ăn huê lợi ba năm nữa rồi tôi mới lấy lại cho mướn được.
Cậu Ba ơi, thân cha con tôi bây giờ nghèo khổ lắm! Xin cậu Ba làm ơn cho tôi mượn đỡ vài ngàn đồng bạc đặng tôi nuôi con tôi. Tôi hứa chắc chừng tôi cho mướn ruộng nữa được thì tôi sẽ lấy bạc mà trả lại cho cậu y số.
Xin cậu Ba vui lòng giúp tôi trong cơn túng rối, ơn nầy chẳng hề khi nào cha con tôi dám quên. Tôi trông cậy cậu lung lắm. Bây giờ tôi ở đường Mayer, số nhà 165.
Như cậu sẵn lòng với tôi thì xin trả lời cho tôi biết và nói coi bây giờ cậu đang ở đâu đặng tôi xuống đó mà lấy bạc.
Chúc cậu mạnh giỏi,
LÊ PHÙNG XUÂN"
Chánh Tâm đọc thơ rồi chàng ngó Trọng Quí mà nói rằng:
- Anh đó khốn nạn quá. Thiệt tôi nói không sai. Ảnh làm hết tiền của thằng nhỏ rồi.
- Anh nào?
- Anh Hai tôi, chớ anh nào.
- Té ra thầy Phùng Xuân gởi thơ cho cậu đó hay sao? Thẩy nói giống gì đó. Thẩy có nói thằng nhỏ ra thế nào hôn?
- Anh coi thơ đây thì biết.
Chánh Tâm đưa bức thơ của Phùng Xuân cho Trọng Quí xem. Trọng Quí đọc rồi liền đứng dậy và cười và nói rằng:
- May lắm!
- May giống gì?
- Nếu cậu sẵn lòng giúp tôi thì chuyến nầy tôi bắt con tôi được.
- Ảnh dễ cho hôn !
- Không cho không được. Để tôi nói cho cậu nghe; gia tài của cậu chia cho đó là gia tài của thằng nhỏ. Thầy Phùng Xuân không có quyền gì hết, thẩy làm thủ hộ thì coi thâu góp để dành đặng chừng thằng nhỏ khôn lớn giao hết huê lợi cho nó, chớ sao thẩy được phép lấy xài. Cậu là trưởng tộc của thằng nhỏ, nếu cậu vô Tòa mà thưa, thì thầy Phùng Xuân sẽ bị án sang đoạt.
- Ảnh bị án thì bị, chớ làm sao mà bắt con ảnh cho được.
- Ậy! Để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói tới. Bây giờ cậu làm ơn đi với tôi lên nhà thẩy, cậu hăm dọa đòi đi kiện cho thẩy run rồi cậu buộc thẩy phải làm tờ giao con lại cho cậu nuôi. Như thẩy dục dặc thì cậu làm tờ giao huê lợi cho thẩy hưởng đi, cậu cho thêm một hai ngàn đồng bạc nữa cũng được. Số tiền ấy tôi chịu cho, miễn là cậu bắt dùm thằng nhỏ cho tôi thì, dầu tốn hao bao nhiêu tôi không nệ.
Chánh Tâm ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Anh tính như vậy thì phải lắm. Phải bắt thằng nhỏ về mà nuôi đặng cho nó ăn học, chớ để nó ở với anh đó chắc nó phải hư.
- Thầy Phùng Xuân láo xược quá! Thẩy làm việc gì đâu mà thẩy khoe làm ăn. Mấy lần đi Sài Gòn, tôi có dọ cách ăn ở của thẩy. Thẩy bỏ thằng nhỏ ở nhà với thằng bồi, thẩy đi đánh bài sáng đêm tối ngày. Thẩy cho mướn ruộng, lấy mấy chục ngàn đồng bạc rồi đi hốt me riết cụt vốn, chớ buôn bán giống gì.
- Tôi nghĩ thiệt tôi giận ảnh lung lắm. Vì ảnh nên chị Hai tôi mới chết, mà cũng vì ảnh nên mới gây chuyện làm cho tôi tan nhà nát cửa, lìa vợ mất con như vầy đây.
Chánh Tâm nói tới đó rồi cúi mặt xuống đất, hai hàng nước mắt rưng rưng. Trọng Quí lấy làm xốn xang trong lòng, nên chàng ngó lơ mà sắc mặt coi buồn thiu.
Cô Năm Đào nãy giờ lóng tai mà nghe, chớ cô không nói một tiếng chi hết.
Đến chừng cô thấy tình cảnh như vậy, cô mới chen vào mà nói rằng:
- Anh Hai tôi ảnh tính như vậy thì hay lắm. Tốn hao bao nhiêu thì tốn, miễn bắt cháu tôi được thì quý hơn hết. Thôi, cậu Tú làm ơn dùm cho ảnh. Xưa rày cậu lâu đi Sài Gòn. Vậy cậu nên nhơn dịp nầy lên thăm mợ Tú luôn thể.
Vì cái xe hơi của Trọng Quí hư máy kéo vô hãng hơn một tuần rồi mà sửa chưa xong, nên sáng bữa sau hai người đi tàu qua Mỹ Tho rồi ngồi xe lửa mà lên Sài Gòn.
Hai người mướn phòng tại Bá Huê Lầu mà nghỉ, và tính để qua ngày sau sẽ đi kiếm Phùng Xuân.
Tối lại, Chánh Tâm cậy Trọng Quí vô Chợ Lớn thăm nàng Cẩm Vân, và xin nàng vui lòng để cho chàng đến thăm.
Trọng Quí đi chừng vài giờ đồng hồ rồi chàng trở về nói rằng:
- Lúc nầy mợ Ba mạnh mẽ như thường. Tóc mợ đã dài ra rồi, nên mợ bới coi cũng vẻn vang như hồi trước. Tôi năn nỉ hết sức, mà mợ thiệt là chắc dạ. Mợ không chịu cho cậu tới nhà. Mợ nói rằng dầu cậu có tới nhà, mợ không cho cậu thấy mặt đâu mà tới cho uổng công.
Chánh Tâm nghe nói như vậy thì khóc mà nói rằng:
- Đã năm năm rồi mà cũng chưa hết giận, thiệt là khổ cái thân tôi quá! Buộc tôi phải kiếm cho được con; tôi kiếm hết sức mà không được, bây giờ biết làm sao?
Sáng bữa sau, Chánh Tâm với Trọng Quí thay đổi y phục, rồi ngồi mỗi người một cái xe kéo mà đi lên đường Mayer.
Tới căn phố trệt 165, hai người biểu xa phu ngừng lại rồi thủng thẳng bước xuống xe.
Trọng Quí thấy Phùng Sanh đương ngồi dựa lề đường, mình mặc quần vải trắng, áo vải trắng, mà quần thì dĩ mô dĩ quẹt rách tét, hai lai áo xề xệ không gài nút. Trọng Quí bước lại gần; thằng nhỏ buông hai nắm cát, vùng đứng dậy phủi tay lia lịa, hít mũi một cái chụt, rồi đứng ngó hai người mới xuống xe. Trọng Quí nắm cánh tay nó mà hỏi rằng:
- Nhà con ở đây phải hôn?
Phùng Sanh gật đầu, mà cậu nó là Chánh Tâm bước lại gần nó mà cũng không chào hỏi. Chánh Tâm hỏi rằng:
- Có ba cháu ở nhà hôn?
Nó lắc đầu rồi bỏ đi vô nhà.
Trọng Quí với Chánh Tâm đi theo. Trọng Quí cúi mặt xuống đất hoài, coi bộ không vui. Vừa bước vô cửa thì thấy có một đứa con trai trạc chừng 25, 26 tuổi, đương nằm ngửa trên ván mà ngủ, nó ở trần, bày cái ngực với hai cánh tay có xâm hình xâm chữ xanh xanh. Nhà không quét, nên dưới gạch nào là giấy, nào là rác tràn lan.
Bàn không dọn, nên trên bàn nào là nhựt trình, nào là ly, nào là tách lộn xộn; có bốn cái ghế để không ngay hàng ngay lối, có hai khuôn hình mà treo không đối không đồng; cửa mở có một cánh nên bảy giờ sớm mơi mà trong nhà mờ mờ, vách không quét nước vôi, nên màu trắng hồi trước bây giờ hóa ra màu xám.
Phùng Sanh thấy khách đi theo vô nhà, nó bèn chạy lại kéo chưn thằng nằm ngủ đó mà kêu nó dậy. Thằng nọ lồm cồm ngồi dậy dụi con mắt rồi bỏ đi ra đàng sau, không hỏi không nói chi hết.
Chánh Tâm với Trọng Quí kéo ghế mà ngồi. Trọng Quí kêu Phùng Sanh lại ngồi rồi ôm nó trum trủm trong lòng, lấy khăn mu soa chùi mũi cho nó, gài nút áo lại ngay thẳng, vuốt tóc nó cho xuôi, vận quần nó cho chặt. Coi bộ thằng nhỏ vui lòng vì nó đứng im lìm để cho Trọng Quí sửa soạn, nó không nói chi hết.
Chánh Tâm ngó cháu hỏi rằng:
- Ba cháu đi đâu?
- Không biết. Ba tôi đi hoài đi hủy, tôi không biết đi đâu.
- Đi hồi nào?
- Đi hôm qua.
- Chừng nào về, có nói với cháu hôn?
- Không có nói.
- Đi hoài như vậy rồi bỏ cháu ở nhà với ai?
- Ở nhà với anh Tám đó.
- Có để tiền ở nhà cho cháu ăn bánh hôn?
- Hổng có.
Chánh Tâm ứa nước mắt và nói với Trọng Quí rằng:
- Coi anh đó phải khốn nạn quá hay không hử? Huê lợi của thằng nhỏ mỗi năm tới bạc muôn, mà ảnh không lo cho ăn học, lại bỏ nó bận rách bận rưới, nhịn đói nhịn thèm như vầy. Thiệt là quá quắt rồi.
Trọng Quí chau mày mà đáp rằng:
- Cậu mới thấy đây chớ tôi đã nghe lâu rồi.
Chánh Tâm ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi nói nữa rằng:
- Bây giờ biết chừng nào ảnh về nên ngồi đây mà chờ. Thôi để tôi viết ít chữ bỏ lại đây cho ảnh rồi mình trở về nhà ngủ. Chừng nào ảnh về ảnh xuống kiếm mình.
Trọng Quí gật đầu. Chánh Tâm móc bóp ra lấy cây viết chì mà viết. Trọng Quí vỗ đầu Phùng Sanh và hỏi rằng:
- Con chịu đi theo cậu hôn? Con về ở với cậu sướng lắm, cậu may quần áo tốt cho con bận, con muốn ăn vật chi cậu mua hết thảy. Con chịu hôn?
Thằng nhỏ gật đầu. Chánh Tâm cười và tính dắt nó xuống dưới nhà ngủ. Chàng biểu Phùng Sanh kêu thằng Tám ra, chàng đưa miếng danh thiếp cho nó mà nói rằng:
- Mầy cất cái giấy nầy, hễ thầy mầy về thì mầy đưa liền cho thầy mầy coi, nghe hôn. Bây giờ tao dắt Phùng Sanh xuống dưới Bá Huê Lầu chơi, thầy mầy xuống đó kiếm thì có tao.
Thằng Tám nghe nói dắt Phùng Sanh đi, coi bộ nó lo, nên muốn ngăn cản, mà nó vừa muốn mở miệng thì Trọng Quí nói rằng:
- Ông đây là cậu ruột của Phùng Sanh chớ không phải ai đâu mà sợ. Thầy về em nói lại như vậy, thì thầy biết.
Chánh Tâm với Trọng Quí đứng dậy đi về.
Trọng Quí dắt Phùng Sanh đem lên xe, thằng nhỏ líu ríu đi theo, không nghi ngại dục dặc chi hết.
Về tới Bá Huê Lầu, Trọng Quí kêu bồi tắm gội Phùng Sanh cho sạch sẽ.
Chàng đi một lát rồi trở về, có ôm ba bốn gói; chàng mở lấy một bộ quần áo may sẵn rồi mà bận cho Phùng Sanh, đồ mua nhắm chừng mà bận coi vừa lắm. Gói thứ nhì là một cái nón với một đôi giầy, nón thì đội vừa, giầy thì rộng một chút xíu. Còn hai gói nữa là một gói bòn bon và một gói nho tươi, chàng mở ra biểu Phùng Sanh ăn. Phùng Sanh được bận áo mới lại ăn đồ ngon, nên mặt coi vui vẻ lắm.
Đến 11 giờ, Chánh Tâm với Trọng Quí dắt Phùng Sanh đi lại nhà hàng mà ăn cơm.
Chừng trở về nhà ngủ, hai người khép cửa phòng đặng thay quần áo nghỉ trưa. Phùng Sang đương xẩn bẩn một bên Trọng Quí mà nói chuyện, thình lình nghe có tiếng giầy lên thang lầu rồi lại nghe gõ cửa cộp cộp. Trọng Quí nói:
- Ai đó? Xin mời vô.
Phùng Xuân mở cửa bước vô thấy Phùng Sanh mặc áo quần lạ hoắc, lại thấy Trọng Quí ngồi đó chớ không thấy Chánh Tâm thì chưng hửng nên đứng khựng lại. Trọng Quí chào và mời ngồi. Chánh Tâm ở trong bước ra, ngó Phùng Xuân một cách rất nghiêm nghị và nói rằng:
- Anh làm gì tệ quá vậy! Anh ăn của cháu tôi bạc muôn mà anh bỏ nó bò lăn bò lóc, nhịn đói nhịn khát như con ăn mày. Tôi phải đi kiện anh mới được.
- Tôi ở có một mình, phần tôi mắc lo làm ăn, làm sao mà săn sóc nó cho được. Tuy vậy mà tôi có mướn bồi ở giữ tắm rửa nó, tại tôi đi khỏi, ở nhà nó bỏ thằng nhỏ chơi dơ dáy, nên cậu lên cậu gặp đó chớ.
- Anh đi đánh bài bạc, chớ làm ăn giống gì?
- Ai nói với cậu đó? Trời ơi, tôi có bài bạc xin Trời Đất giết tôi đi. Từ ngày tôi lãnh gia tài của cậu chia đến nay, tôi có rờ tới lá bài thì thiên tru địa lục tôi đi.
- Anh hốt me, chớ anh có đánh bài nữa đâu mà không dám thề.
- Cậu nghe lời người ta, cậu nói như vậy thì tội nghiệp cho tôi quá.
- Tôi chia gia tài cho cháu tôi, anh làm tiêu hết, rồi anh dám viết thơ mượn bạc tôi nữa chớ. Tôi lên đây đặng nói anh hay rằng tôi sẽ kiện anh.
- Tôi làm sao mà cậu kiện tôi?
- Anh thủ hộ cho cháu tôi; anh phải thâu góp huê lợi của nó mà để dành đặng chừng nó đúng tuổi anh giao cho nó, chớ sao anh dám làm ngang, cho mướn ruộng của nó đặng lấy bạc trước mà hốt me cho thua hết đi.
- Tôi cho mướn ruộng lấy bạc mặt đặng có vốn làm ăn, may thì làm giàu cho nó. Rủi lỗ lã cụt vốn thì thôi, chớ tôi có muốn chi vậy mà cậu phiền.
- Anh nói anh không có lỗi. Để tôi vô đơn trong Tòa, tôi kiện anh về tội sang đoạt của con nít chưa thành định, anh giỏi thì anh đối nại với trạng sư của tôi.
- Cậu không thương, cậu làm như vậy thì tội nghiệp tôi lắm.
Chánh Tâm bỏ đi ra ngoài cửa phòng mà đứng. Phùng Xuân ngồi chống tay trên ghế, mặt coi buồn thiu.
Trọng Quí nắm tay Phùng Sanh mà kéo và chỉ dĩa nho tươi biểu nó ăn. Cách một hồi Chánh Tâm trở vô hỏi nữa rằng:
- Anh giết chị tôi chết rồi, bây giờ anh còn muốn báo hại cho cháu tôi mạt nữa. Tôi bắt nó về tôi nuôi. Tôi không cho nó ở với anh nữa.
- Tôi ăn gia tài của nó mà tôi để nó cho cậu nuôi thì coi sao được.
- Thiệt anh không chịu hay sao? Nếu anh không chịu thì tôi vô đơn rồi Tòa kêu án anh và giao nó cho tôi thủ hộ cho nó, coi tôi có bắt được nó hay không?
Phùng Xuân nghe mấy lời cứng cỏi mà lại trúng luật thì sợ nên nói xuôi xị rằng:
- Cậu muốn bắt nó thì cậu bắt, tôi đâu dám cản. Mà nếu cậu làm như vậy thì tội nghiệp cho tôi chớ.
Chánh Tâm trợn mắt đáp rằng:
- Tội nghiệp cái gì?
- Tôi nói thiệt với cậu, tôi nghèo quá, cậu Ba ôi! Tôi nhờ nó có của, nên tôi mới có cơm mà ăn, nếu cậu bắt nó rồi tôi làm sao?
- Hứ! Anh cứ lo ăn chực của con nít hoài! Anh thiệt là không nên thân! Anh tưởng tôi dành nó mà nuôi hay sao! Tôi không thèm đâu. Tôi thương chị tôi, nên tôi không nỡ để cho cháu tôi bò lăn bò lóc, tôi muốn đem nó về nuôi đặng cho nó ăn học, chớ không phải tôi muốn ăn của nó đâu.
- Cậu bắt nó mà cậu cũng để cho tôi hưởng huê lợi ruộng đất hoài hay sao?
- Tôi cho anh ăn đa. Tôi không thèm đâu. Mà chừng nó khôn lớn, anh phải trả lại cho nó.
- Trả huê lợi hay là trả ruộng đất?
- Trả hết thảy.
- Úy! Huê lợi xài hết còn đâu mà trả. Có trả thì trả ruộng đất mà thôi chớ.
- Được đâu.
Trọng Quí thấy Chánh Tâm buộc gắt quá. Chàng sợ Phùng Xuân chống cự rồi việc phải thưa kiện lòng vòng thất công, nên chàng chen vô mà nói giúp với Chánh Tâm dùm cho Phùng Xuân. Chánh Tâm dục dặc gần một giờ đồng hồ rồi mới chịu để ruộng đất của Phùng Sanh cho Phùng Xuân ăn, chừng nó lớn rồi thì trả ruộng đất chớ khỏi phải trả huê lợi. Nhưng mà chàng buộc Phùng Xuân phải làm một tờ nhận rằng mình đã sang đoạt con, và bằng lòng giao nó cho Chánh Tâm nuôi, không được phép tới lui mà thăm và nuôi cách nào cũng không được phép kêu nài chi hết.
Phùng Xuân cần ăn gia tài, chớ không cần gì nuôi Phùng Sanh bởi vậy nghe nói được hưởng huê lợi ruộng đất thì chàng chịu liền, dầu buộc cách nào chàng cũng chịu hết thảy. Nhưng vì chàng nghi Chánh Tâm vì Trọng Quí mới sanh chuyện mà bắt thằng nhỏ, nên chàng dục dặc làm khó mà nài xin thêm năm ngàn đồng bạc. Chánh Tâm cự hẳn không chịu cho và hăm đi kiện. Phùng Xuân sụt bớt xuống ba ngàn, Chánh Tâm cũng không chịu. Trọng Quí nóng nảy nên ra dấu biểu Chánh Tâm chịu phứt cho rồi, chừng ấy Chánh Tâm mới chịu, song buộc phải làm giấy mượn số bạc đó.
Phùng Xuân làm hai tờ giấy, một tờ mượn ba ngàn đồng bạc, một tờ giao con cho Chánh Tâm. Tờ giấy làm xong rồi, Chánh Tâm mới giao bạc. Phùng Xuân đếm đủ ba chục tờ giấy xăng rồi bỏ vô túi, miệng cười ngỏn ngoẻn. Chàng cúi xuống hun Phùng Sanh một cái và nói rằng:
- Thôi, con đi theo cậu Ba về dưới mà ở, nghe hôn con!
Thằng nhỏ gật đầu. Phùng Xuân từ giã bước ra, thằng nhỏ ngó theo mà nó cười, coi ý không trìu mến chút nào hết.
Trọng Quí nghe tiếng giầy của Phùng Xuân bước xuống thang lầu thì chàng chạy lại bồng Phùng Sanh hun trơ hun trất và nói rằng:
- Từ rày về sau, cha con mình sum hiệp rồi, cha hết lo nữa.
Chánh Tâm đứng ngó trân trân, mà nước mắt chảy dầm dề.