Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Yêu Sống

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1107 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Yêu Sống
Nguyễn Văn Thọ
     Sang tháng ba giá rét, một đêm mưa xuân về. Sớm ra vạn vật bừng thức. Nước ở các lạch nhỏ quanh vườn ấm, trong vắt lạ thường...
 
Nhiều loài cây, hoa, cỏ bất ngờ mươn mướt, mởn mởn những mầm non. Khắp nơi phơi phới, lên đầy xuân sắc. Gió cũng hây hây mới. Gió mang theo mùi hương ngan ngát, da diết và rất đỗi thân thương của những nụ hoa tinh khôi, những chùm hoa bưởi chớm nở, hoa ngâu, hoa sói lấm tấm, kịp chín sau đêm mưa, hoa cau rắc trắng mặt đất… cả không gian quanh khu vườn tràn ngập sự dịu dàng, đằm thắm của mùa xuân.
Xuân về đẹp vậy, mà ông Thiều không vui. Ông đang bên con chó già nhệch nhạc, xơ xác, im lìm. Trong tiếng lộp bộp rớt xuống giữa nhiều tàn lá của những giọt mưa sót đọng lại từ đêm, nghe tiếng người thở dài và tiếng rên nhè nhẹ của con vật ốm.
Vâng, ba tháng nay, con Luca của cha con ông Thiều ốm. Bắt đầu, chân trái nó cà nhắc. Ông sờ nắn, xoa bóp, tưởng nó bị sai khớp. Nửa tháng sau, nó liệt một chân, kế đó liệt tiếp chân còn lại. Đôi mắt tự nhiên chảy nhựa liên tục.
Hai tháng nữa trôi qua, nó lòa hẳn. “Luca đã mười lăm tuổi. Loại chó Đức về già, đa phần đều rất yếu hai chân sau…”. Một bác sĩ từ Hà Nội về đã tới khám nó và phán vậy. Loài vật cũng sinh, lão, bệnh, tử! Mệnh đã đến rồi!
Nghĩ thế, nhưng ông Thiều vẫn hy vọng. Ông không thể cầm lòng khi mỗi sớm, nhìn nó thảm hại hơn. Nhất là khi ông an ủi, con vật nghển lên nghiêng đôi tai to, xưa luôn giương cao, giờ đã rủ xuống, chăm chú nghe và để đáp lại, nó thè lưỡi liếm láp bàn tay người.
Thứ bẩy. Mọi lần con trai ông đã tới khu vườn thăm bố và ở đó qua chủ nhật trò chuyện với ông, chơi với Luca. Vậy mà hôm nay, chiều về, con ông vẫn không đến. Gọi điện, nó bảo, con bận quá. Bận lắm! Chúng nó hôm nay, các vụ làm ăn để tiền đẻ ra tiền gối nhau, quay như chong chóng.
Ông tới bên con chó, hôm nay bạn mày không về thăm đâu. Không biết mày có qua nổi tuần này không? Ba ngày chỉ liếm cháo, con chó già lết tới cạnh ông già và dừng lại. Ông Thiều vuốt lưng nó, cù nhẹ vào đám lông dưới cổ.
Con chó nằm đổ ệch ra, thở. Nó dúi mõm vào bàn tay đầy gân xanh của ông, để lại những vệt ướt âm ấm. “Thôi, cố dậy mà ăn cho tao đỡ lo. Cứ nằm thế là chết thôi. Mày đau lắm hả? Tao chẳng thể giúp gì mày được. Có thằng bạn chết tiệt giúp mày được thì tuần này chắc không lại. Tao cũng già rồi, mọi thứ chán hết, mà vẫn cố sống đấy. Phải cố lên chứ, ai lại cứ nằm bệt mãi thế này? Dậy đi Luca!”.
Con chó ngước mắt. Trong chiều dần tắt, mặt trời là một khối đỏ ối chậm chậm chìm sau những trảng lá màu đen, những tia sáng yếu ớt, mong manh hồng chầm chậm soi vào đôi mắt chó. Đôi mắt không có hai tròng đen tuyền và long lanh nữa! Hai hốc mờ, đục luôn luôn nhễu ra một dòng nhựa, ướt bết cả những đám lông ở cổ. Và, từ đám nhựa sền sệt, đùng đục trong đôi mắt kia, ở chiều tàn ấy ứa tràn ra một dòng nước trong vắt. Luca khóc!
Ông Thiều thở thượt.
Con người ta, ai chẳng có thời tráng niên để vùng vẫy mà yêu sống. Luca của ông cũng và đã một thời, thời ấy gắn bó với ông, với khu vườn này. Hơn chục năm trước, con ông mua mảnh đất này. Đất ven sông, nghe nói xưa là dự án nuôi cỏ giống nước ngoài cho bò của nông trường. Chuyên gia rút hết, máy móc gỉ hết, để lại toàn cỏ tranh cao ngang thắt lưng người.
Khi ấy ông đã sáu ba tuổi, hai ngày ốm, ba ngày khỏe. “Bố về đấy trông thợ làm vườn hộ con. Không cần làm gì cả. Không khí trong lành, không như ở Hà Nội chật hẹp, ô nhiễm”. Thế là ông tạm xa Hà Nội, vào trang trại. Hoang toàng, cô liêu. Một người bạn già tới thăm ông, nhìn khu vườn mênh mông, mang tới con chó ba bốn tháng tuổi.
Giống chó nòi, khôn. Đúng rồi, ra trận không thể đơn độc, phải có đồng đội, phải có bạn. Bao nhiêu năm, Luca trưởng thành, thực sự là một chàng chó dũng mãnh. Khu vườn cũng dần thực sự là vườn, đầy cây trái. Luca tia chớp, cường tráng, phi như gió, là chiến binh cần mẫn và là bạn.
Chiến công thì nhiều, ông Thiều nhớ nhất chuyện đêm ấy từ phố qua đường mòn trong vườn về nhà. Ông đã bị con rắn hổ dài hơn hai mét, nặng tới ba cân nằm chắn ngang đường mòn phục kích.
“Mổ nhẹ một phát là đi toong! Luca từ phía sau, bất ngờ xông tới trước, phát hiện ra kẻ thù gầm gừ đôi mắt long lên đầy lửa. Mươi phút gì đó, cắn vòng, tránh né, hăm dọa, nó lừa miếng, ngoạm ngang cổ địch thủ luôn phì phì thổi nọc đe dọa. Kẻ chiến thắng chồm hai chân lên đối thủ nguy hiểm đã chết, uy quyền, kiêu hãnh, không một tiếng sủa! Thế đấy, thời tráng niên của Luca qua đi, mười lăm năm. Giờ là lúc nó chờ trời tới rước đi!…
Hai tuần sau, Luca vẫn sống. Nó ít động cựa, biếng ăn hơn. Sớm thứ bảy tiếng xe máy quen thuộc êm êm từ đầu khu vườn vọng tới. Luca nhỏm dậy. Mọi khi, nó đứng lên, vẫy đuôi, lao vút ra. Song giờ đây, Luca không đứng lên chạy ra đón chủ được nữa.
Cậu chủ tới. Anh bê trên xe xuống hai chiếc thùng cát tông đầy ngộn thức ăn, bánh trái, vài cuốn sách mới: “Bố thông cảm cho con. Tại đây, bố muốn tiêu gì thì tiêu. Thiếu gì, ngại đi thì gửi bác Tư hàng xóm ra phố mà mua. Bố thuê phim về mà xem. Hai tuần nay công việc ngập cổ. Dự án bắt đầu triển khai, xểnh ra là mất tiền tỉ như chơi!”. “Tiên sư anh! Tôi chả tha thiết cái gì hết. Tôi ngủ sớm, dậy sớm, thở hít dưỡng sinh… đủ rồi. Còn Luca? Anh nhìn nó xem, ai lại mặc nó thế kia. Phải có cách gì chứ?” “Cách gì, già là phải chết. Bạn con là bác sĩ thú y giỏi bậc nhất Hà Nội mà bó tay thì còn biện pháp gì nữa”. Thế anh để nó sống đau đớn quằn quại thế kia hả! Anh xem, khi cái trại của anh còn là đống đất chó ỉa, nó đã cùng thằng già này… bữa nào vào, anh chả quấn quýt với nó. Giờ, anh chê nó hôi thối, lê lết, vô dụng! Bận gì cũng phải vào mà xem nó ra sao chứ. Hỏng! May mà tôi còn cụng cựa được, chứ nằm liệt, chắc anh cũng mặc cha thằng già này. Đứa con quay lại nhìn ông, xin bố đừng nói vậy, đừng suy diễn. “Không, tôi nói thế thôi, để anh có biện pháp ngay với nó!”.
Người đàn ông trẻ tới bên Luca: “Đứng dậy!”. Con chó rướn lên, theo mệnh lệnh cậu chủ mà không được. “Liệt rồi, đến giai đoạn này vài tuần là tiêu thôi!”. Đứa con ngồi xuống bên con chó. Thực ra, anh là người yêu súc vật. Nhưng quả thực công việc làm ăn cạnh tranh đầy bất trắc bây giờ buộc anh quan tâm hơn con chó này. Giờ anh thấy nó tội nghiệp.
Chợt lóe lên một ý nghĩ. “Bố này!”. “Cái gì?”. “Nó đằng nào cũng chết. Hay là…”. Anh định thế nào? Cho nó uống thuốc ngủ hả? Có mang theo không? “Không! Cần gì thuốc ngủ!”. Đứa con kéo cái dây da, lôi con chó đi. Luca lồm cồm bới hai chân trước, hai chân bất động để lại vệt kéo lết trên mặt đất. Không được làm thế! Ông Thiều quát. Anh định đi đâu và làm gì? “Bố cứ mang hộ nó ra kia”. đứa con chỉ khoảnh đất trước nhà, bên bờ ao mới đào. Ông cúi xuống, bế Luca lên. Nó nhìn ông đăm đăm, hàm ơn, chưa hiểu điều gì sẽ diễn ra sau đó.
Thằng con đến bên xe máy, lôi ra cái túi bạt dài buộc sau xe. Khẩu súng săn, báng nâu được gập lại, giờ đây mở chốt hãm, duỗi hai nòng bóng đen nước thép. Đạn ghém chì trong cat– tut giấy nện màu đỏ lắp vào nòng. Đứa con tới bên bố.
Ông Thiều không kịp phản ứng gì. Đứa con trao súng “Bố bắn đi. Quen súng, quen đạn”. Ông nhíu mày, gạt khẩu súng. Đứa con ngần ngừ một lát rồi lại gí súng vào tay ông, nghiêm túc. “Bố giúp con và Luca. Con không quen. Ngoài mặt trận, bố từng giết bao nhiêu người? Bây giờ, một mạng chó!”.
Ông Thiều giật bắn mình. Câu nói vô tình như cái roi quất một đòn lạnh lùng chí tử vào trái tim ông. Ông bàng hoàng. Ngớ ra trong tích tắc, bất ngờ phang thẳng bàn tay đầy gân xanh, tát vào mặt thằng con trai. Tao đã nuôi mày, dạy mày, cho mày ăn học và về khu vườn cô quạnh này vì mày, cố sống quãng đời còn lại vì mày! Vậy mà”... Cái tát trượt, thằng con trẻ nhanh hơn, tránh được.
Con Luca không hiểu gì cả. Nó nằm nghiêng đầu cố nghe, sao hai con người lại đánh nhau thế kia?
- Biến ! Biến ngay cho khuất mắt tao! Ông già hơn bẩy chục tuổi nổi giận với cái máu của người chỉ huy năm nào. Ông quay lại nhà, bất ngờ rút ra cái cán cuốc như sẵn sàng nện cho đứa con mất dạy kia. Tất nhiên, chỉ hăng vậy thôi, ông không phải là loại người dễ kích động tới mức quên cả tình cha con, dù trong đời chưa bao giờ bị xúc phạm như vậy. Giận quá! Nó lại là con mình đẻ ra chứ đâu phải người dưng. Bàn tay ông già run rẩy.
Ông vứt cái cuốc xuống đất. Cắn chặt đôi môi, muốn bật khóc. Ông vào nhà. Đứa con lặng lẽ theo sau và đứng bên hiên. Sự thể không ngờ khiến cả hai không muốn nói gì nữa. Lời nói bay ra, sẩy rồi, khó có thể giữ lại. Đứa con chợt cảm thấy tẽn tò, vô duyên. Nó hấp háy chào ông, hấp tấp dắt xe, nổ máy, vút đi.
Mưa lại lắc cắc rơi. Không biết mưa nhòe nhẹt trên đôi má nhăn nheo hay nước mắt ông Thiều. Trời ơi, ai ngờ nó đã hiểu cuộc sống ngày xưa của các ông giản đơn như vậy! Nhiều người ở thế hệ mới đã chẳng biết gì về cuộc chiến đằng đẵng mà các ông đã đi qua. Chiến tranh chết chóc, tàn nhẫn, và đau khổ, nhưng ông và biết bao người đâu muốn thế! Ông muốn yên hàn để yêu và sống. Ai muốn cả tuổi xanh mình bị tước đoạt, bỏ quên, đánh mất trong những khu rừng nhiệt đới? Suốt đêm ấy ông thức trắng. Cái võng kẽo ca kẽo cọt, đong đưa, nhẩn nha vang đều nhịp buồn trong khu vườn yên tĩnh.
Tiếng chim rộn rã đón bình minh làm ông bừng thức. Giấc ngủ hơn hai tiếng giúp ông Thiều nguôi ngoai đi việc tối qua. Như mọi sớm, ông nhìn ngay tới chỗ Luca nằm. Không thấy Luca. Trên đất để lại vệt lết của con chó. Nó đâu! Ông Thiều chồm dậy.
Khi ấy mưa chợt dầy hơn, rơi nhanh trong những luồng nắng, tựa hồ như ức triệu hạt thủy tinh lung linh, lấp loáng rắc trên cây cỏ, mặt đất. Con Luca trườn lùi trong mưa và, cách nó chừng sáu mét, có con chó cái vàng tơ, cũng kệ mưa sũng sĩnh, ròng ròng rỏ từ khắp thân, trân trân, xói mắt cảnh giác nhìn ông.
Ê! Bọn mày rủ rê nhau, mò ra đây lúc nào vậy? Vốn tinh nhậy, ông Thiều đã hiểu. Con Luca đã đẩy đĩa thức ăn sau bao nhiêu lâu, từ hiên nhà ra tận nơi con chó cái lạc loài run rẩy, không dám tới bên nhà kia? Thôi chúng mày cứ ở đây nhé. Ông Thiều quay lại, lên nhà sàn, sát tấm liếp phòng trong, ghé mắt xuống quan sát.
Hai con vật, một cái, một đực, một già sắp chết, một non tơ sáp lại gần nhau. Tất nhiên, loài vật cũng có những phút ban đầu bỡ ngỡ, thận trọng. Nhưng con chó vàng tơ rất đói, và có thể chính điều đó làm nó liều lĩnh hơn. Nó liếm rất nhanh đĩa cháo, vừa lấm lét nhìn con chó già tàn tật đang nằm, ngỏng đầu lên nghiêng nghiêng tai.
Cả tuần sau, sớm nào ông cũng đứng sau bức tường ngăn cách giữa ông và hai con vật. Tất nhiên khẩu phần ăn đã thay đổi. Ông nấu cơm nát, trộn thịt cho cả hai ăn chung. Quan sát, ông mới thấy sự ghê gớm, khó hiểu của tạo hóa. Điều gì đã giúp Luca khỏe lên trước con chó lạc kia? Thương lắm, khi Luca bên con chó, liếm láp bạn mới khắp nơi. Và, ngày lại ngày, lông con vàng mượt ra, đẫy lên. Đúng là một con chó cái tơ đẹp mã! Nó lạc từ đâu tới? Không cần biết! Ông vui, vì nó chứ không phải ông, đã làm Luca hồi sức.
Sau ba tuần, con chó vàng đã quen hơi với người, tự nguyện ngủ bên con Luca ngay bên thềm nhà, sát nơi ông ngủ. Sau đó, vàng tơ không hề chạy trốn khi ông tới gần để ve vuốt. “Ta sẽ huấn luyện mi như Luca dũng cảm. ở lại đây với ta nhé, nàng vàng!”. Ông tủm tỉm, hóm hỉnh nhìn, khi con Luca điềm nhiên liếm bộ lông của bạn gái để vàng tơ đứng yên phăng phắc.
Có một buổi, hai con chó dìu nhau ra sau nhà. Luca muốn chồm lên lưng cô “bạn gái” mà không được. Bản năng Luca bất tử, nhưng hai chân sau Luca bất lực. Con chó vàng lại thản nhiên đứng, xoay xoay mông. Không được! Luca tẽn tò mãi, để cuối cùng chừng mệt nhoài, nó ngửa ra trên mặt đất, rít lên rất thảm thiết. Ông bật cười. Những tia nắng mong manh của chiều úa tàn, trên ngàn lá, trong gió lấp láy như giễu cợt.
“Về đây mà xem Luca khỏe lên. Tôi tha cho anh!”. Ông Thiều không tắt máy hay im lặng nữa, vui vẻ trả lời điện thoại con. Bố ơi! Con không về được, xin bố tha thứ cho con. Con đang ở miền Nam. Hai ba tháng nữa con ra… Ông Thiều đặt máy. Vui và buồn. Hai trạng thái đan xen ở một tâm hồn vốn cả nghĩ.
Hai tháng trôi qua, hè tới. Nhãn, vải, bưởi, hồng… kết trái. Con ông vẫn chưa ra. Trời chuyển nắng, có ngày cực oi ả. Vợ nó nghe lời chồng dặn, mang hai đứa cháu nội vào thăm ông dầy hơn. Mỗi lần chúng vào, khu vườn như dịu nắng, rộn lên.
Chiều buông, bọn trẻ về Hà Nội, vườn lại đầy tiếng côn trùng và yên tĩnh lạ lùng. Nhưng trong lòng ông đã vơi đi nỗi buồn. Ông nằm chao võng, cảm thấy khu vườn như còn đọng lại đâu đây tiếng cười khanh khách, ròn tan của hai đứa trẻ.
Rồi nắng dữ dội. Đất hầm hập đất bốc hơi trên nơi không có tàn cây che phủ. Sương, mưa, oi, nắng! Đôi khi giông bão. Một sớm, ông thấy con vàng không ở bên con Luca nữa. Ông bật dậy. Linh cảm có chuyện chẳng lành. Ông đi tìm quanh, thấy nó bên lạch nước. Con vàng tơ đang nằm. Ông tới, nó chẳng buồn nhẩy cẫng lên như mọi lần. Vàng làm sao?
Con chó, mắt đờ đẫn, trước mõm đang thở dốc có một đám nhớt nhãi lổn nhổn, bốc mùi lộn mửa. Mày làm sao thế? Lại ăn bậy ăn bạ oặt ra như cái dẻ khoai nướng thế này. Ông Thiều hốt hoảng bế nó quay về nhà và đặt bên Luca. Con chó đực lết sát vào bạn mình và hít khắp con vàng tơ. Dường như Luca phát hiện ra điều gì và nó rít lên cuống cuồng. Đêm, con chó cái không ăn một chút nào, đờ ra.
Ông Thiều hấp tấp tra số máy gọi cho bác sĩ, bạn của con. “Nó bị dịch! Hà Nội và vùng ngoại vi đang có dịch triệu chứng như hiện tượng bác nêu. Chúng cháu chưa có biện pháp điều trị… Ông Thiều bỏ máy, tới bên hai con chó. Mới có nửa giờ trôi qua mà con chó cái dường như trút hết sinh lực. Mắt nhắm nghiền. Nằm nghiêng, chân co quắp, như một cái xác không hồn thi thoảng oằn mình như muốn trỗi dậy mà chẳng được. Đúng khi ấy, chuông điện thoại réo. Tiếng con trai ông từ phi trường gọi về.
“Con đã ra Hà Nội. Bố có khỏe không?”. “Sớm mai vào đây. Con vàng bị ốm. Chắc chết”. Còn Luca? Nghe tiếng con, ông hình dung ra khuôn mặt lo lắng của nó. Vâng, sáng mai con sẽ vào thăm bố. Được, anh vào đây, tôi có chuyện muốn nói. Máy tắt. Ông nhìn đôi chó, tim nhói lên.
Suốt đêm ông Thiều luôn trở giấc. Trăng đêm tròn, vàng, trong, rực rỡ tỏa sáng khắp khu vườn. Suốt đêm con Luca lục sục. Nghe rõ tiếng nó thở, tiếng loạt soạt của miếng xốp ông kê cho hai con vật bữa nào. Gần sáng, con Luca bỗng tru lên thảm thiết. Ông Thiều choàng thức, bật đèn, quên cả xỏ dép chạy ra.
Con vàng đã chết. Vàng tơ, bạn gái của Luca, đã chết. Chân duỗi thẳng, cứng queo. Mép rỉ ra một dòng máu tím sẫm. Luca nằm bên buồn rầu liếm láp bộ lông đã xơ xác của vàng tơ. Những con đực thường không khóc khi đau thương quá. Luca chúi mõm rúc vào bụng bạn tìm cái gì đó, không ai hiểu và chính nó không bao giờ còn có thể tìm thấy.
Chôn con vàng bên gốc hồng cách nhà hơn trăm mét, ông Thiều vội đón mấy người nông dân quanh vùng vào thu hái đu đủ, bọc giấy và đóng sọt, thu hái bí ngô xanh khắp xó xỉnh trong vườn. Tới quá trưa, mọi việc mới van vãn. Chuyến xe cuối cùng vừa rời khỏi vườn thì con ông tới. Luca chẳng thèm mừng cậu chủ. Nó hơi ngước lên, và gục ngay mõm xuống đất, khép hốc mắt lòa.
Đó là một tối, lâu lắm hai cha con mới trò chuyện bên nhau. Thằng con kể về đồng bằng phía nam, về mấy người bạn ông khi nó tới thăm Sài Gòn. Nó kể về dự định của công ty chúng nó, những việc mà ông Thiều không mấy quan tâm. Ngoài thềm, Luca khò khè thở. 9 giờ tối. Như lệ thường, ông vặn nhỏ âm thanh tivi cho con ông xem tiếp. Tắt đèn. Ông ngủ sớm, dậy sớm.
Song thực ra, ông đi nằm mà chưa ngủ. Ông muốn nói với con ông nhiều lắm mà không thể. Trong đêm, ông hình dung ra khuôn mặt của nó. Ông nhớ ra cả hồi nó còn nhỏ dại. Ông nhớ tới bao bạn bè đã gục xuống, những người không biết một ngày của hoà bình.
Ông nghĩ, bây giờ chúng nó đã trưởng thành. Phải lựa lời. Thế hệ chúng nó bây giờ ghét nói dài. Sẽ bắt đầu, trở lại câu chuyện khẩu súng và cuộc sống thế nào cho nó hiểu? Sẽ nói về sự yêu sống của ông, thế hệ ông ra sao cho đủ ý, ngắn gọn? Gần sáng ông chợp mắt.
Tới khi bừng thức thì mặt trời đã le lói sau những trảng lá thấp phía đông. Như mọi lần, ông xuống giường và bước tới bàn pha trà gần nơi Luca nằm. Ông giật mình. Không thấy Luca đâu nữa. Dậy! Dậy! Luca đâu? đứa con ông choàng tỉnh. Nó vội vã xỏ dép, vội vã nhìn theo tay bố chỉ.
Một vết trượt kéo dài trên mặt đất rời khỏi ổ ấm của con vật. Trời ơi. Không thể tin được, Luca loà và liệt đã vượt qua hơn ba trăm mét. Qua đêm, qua sương, qua những bụi gai dứa… tới bên mộ vàng tơ. Sao mày lại tới đây? Ông chạy thốc lại bế con vật lên: Luca! Luca! Tiếng người già khàn khàn thoảng thốt đau đớn thầm âm trong khu vườn vắng.
Luca mãi thinh lặng. Luca mãi không trả lời. Luca mãi mãi không vẫy đuôi, thè lưỡi liếm, để trên tay ông già những vệt ướt âm ấm. Cứng queo và lạnh toát, đôi mắt loà đục, trợn ngược…
Sớm ấy, những người cắt cỏ vườn, thấy hai cha con ông già đắp một nắm đất và trồng cỏ. Chẳng ai biết, tại đó, chôn hai con vật sống hồn nhiên, chết không ngờ. Hai người đàn ông câm lặng làm việc bên nhau. Chẳng ai nói một lời và họ quay lại ngôi nhà sàn đẹp, tới bên cái ổ ấm mà hôm nào thôi còn có đôi chó bên nhau…
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 500

Return to top