Nắng mùa Xuân chiếu xuyên qua cửa kiếng, tôi miên man đọc lại bài tường trình sau chuyến công tác cho công ty về khi ngồi trong Pub vào giờ trưa đông người ra vào. Thùy Mai bước vào ngó dáo dác tìm tôi. Tôi vẩy tay cho nàng biết hướng tôi ngồi.
Ôm một chồng sách trên tay, nàng để sách xuống bàn, đoạn hỏi tôi:
- "Anh đặt thức ăn chưa?"
- "Chưa. Hôm nay anh chẳng muốn ăn gì hết vì đầu óc bận rộn với bài phúc trình cho Dr. Browning", tôi trả lời.
- "Vậy để em xem có món gì ăn không nhe", nói xong Mai đi vào quầy chưng bày thức ăn bên trong câu lạc bộ bán thức ăn của trường.
Tôi buông viết và xếp vở lai. Ngó vào chồng sách của Mai, nào là sách các môn "Corporate Planning & Management", "Principles of Merger & Acquisition", "Theory of Corporate Finance" và hai quyẻn tiểu thuyết "Jane Eyre" của Charlotte Bronte, bên dưới còn có quyển "My Fair Lady" của Alan Jay Lerner, đã được quay thành phim. Trong khi tôi đã ra trường đi làm thì Mai theo học niên khóa cuối của bậc cao học. Nàng có 2 sở thích cố hữu như tôi đam mê là đàn dương cầm, tức âm nhạc và thú đọc sách.
Mai trở lại với khay thức ăn đầy ắp gồm chicken lasagna, salad, clam chowder, cheese nachos và ly pina colada. Pub trong trường chỉ có các món ăn Mỹ đại loại như vậy. Có điều nàng thích mua chỉ một ly nước khi chúng tôi đi chung với nhau thì uống cùng ly mà thôi, hình như vì uống môi em ngọt như nhạc của Phạm Duy hay sao đó. Tôi cho đó là sự dễ thương của Mai. Cuộc sống đại học chúng tôi có vui, có buồn. Sân trường vốn có tiếng cười khi vui, thì cũng có nước mắt khi dỗi hờn.
Tiếng ồn ào của các sinh viên ra vào xen lẫn tiếng nhạc của Rolling Stones qua bài ca bất hủ "Lady Jane" xa xưa mà tôi đã nghe khi trước ở Sài Gòn:
"My sweet Lady Jane, When I see you again, Your servant am I, And will humbly remain... Just heed this plea my love, On bended knees my love, I pledge myself to Lady Jane..."
Nàng thích truyện "Jane Eyre", bởi thế tôi đùa khi gọi nàng là "Sweet Lady Janie Mai". Năm cuối cùng tại tru+ờng đại học Northridge, chúng tôi phải xa nhau vì khi ra trường xong, ba mẹ nàng từ Việt Nam sang đoàn tụ với chị nàng tại Minneapolis, nàng phải về lại quê cũ và rời Los Angeles nhận việc làm tại Minnesota. Tôi đưa nàng ra phi cảng LAX, trong khi chờ phi cơ, tôi biên 4 dòng chữ vào quyển "Jane Eyre" của nàng:
"Xuân về tươi tắn vương màu nắng
Một thoáng bâng khuâng thắm xuân thì
Bởi vì mai đi, mai trở lại
Vòng tay ôm gọn hướng tương lai"
Mỗi năm khi mùa Xuân về, Tết đến nàng bay sang Cali thăm cảnh cũ người xưa. Những giao tình vẫn đậm đà, thắm thiết như giấc mơ hoa của những ngày chúng tôi gặp nhau trong sân trường. Ngày mai của ngày mai vẫn đến, mùa Xuân của mùa Xuân vẫn tới và Janie Mai của tôi vẫn về Cali thăm tôi. Mai có nụ cười thùy mị nhưng tình tứ, mang nét đoan trang, mang vẻ dịu dàng, và chút gì kín đáo, chút gì e thẹn như búp hoa mai vào đầu mùa Xuân để hồn tôi mãi tỏa ngập thơ:
"Em cười nháy mắt long lanh
Tươi như nắng sớm cho anh vương tình
Em cười nắng tỏa lung linh
Cho tình lưu luyến cho mình gần nhau"
Rồi một dịp cuối năm nàng gởi email cho tôi biết nàng dọn về nam Cali làm cho một công ty tài chánh. Tôi rất phấn khởi khi ra rước nàng dọn vào căn condo chỉ cách sở làm chỉ hai đoạn đường ngắn. Trong lúc dọn phòng tình cờ nàng để băng nhạc Fleetwood Mac Greatest Hits có những nhạc phẩm quen thuộc mà thuở xưa khi mới quen nhau trong đại học tôi đã mua tặng nàng, nhất là giọng ca điêu luyện, ngọt ngào của ca sĩ Christine McVie mà tôi vốn thích qua bài "Say you love me":
"... You know I m falling, falling, falling at your feet, I m tingling right from my head to my toes, so help me, help me, help me make the feeling go.
Cause when the loving starts, and the lights go down, and there s not another living soul around, then you woo me until the sun comes up, and you say that you love me..."
Tôi cảm động vì kỹ niệm xưa này nàng vẫn còn trân quý cất giữ. Mai đưa tôi ly nước cam vắt, tôi bỗng kéo nàng vào lòng và hôn nhẹ bờ môi nàng thỏ thẻ "Cám ơn, my sweet lady Janie Mai". Nàng nháy mắt khoe đôi mắt tròn xoe và hai đồng tiền lúm trên má hồng thật xinh.
Tuần sau vào một buổi sáng tôi ngắm cành mai tứ quí trước nhà đã bắt đầu trổ hoa, nó nhhư nhắc nhở mùa Xuân lại về, bây giờ Mai không còn ở xa tôi, và tôi lại có hẹn với Mai đi ăn chiều tối nay.
Lấy thang máy lên tầng 16 của cao ốc Business Warner Center bao quanh đầy cửa kiếng trên đại lộ Burbank Blvd., nàng làm chuyên viên phân tích tài chánh cho công ty. Sự trùng hợp là công ty tôi đang làm lại có vài hợp đồng với công ty nàng làm. Do đó chúng tôi rất hợp với nhau khi trao đổi những vấn đề nghề nghiệp, cũng như âm nhạc và văn học trong nhà hàng PF Chang s tối nay, một nhà hàng tàu xinh xắn với nét đông phương trong khu thương mại Warner Center của cái thành phố trữ tình Woodland Hills này, nó y như khu thương mại Wilshire Blvd. thu hẹp của Los Angeles. Nhà hàng về đêm để nhạc nhẹ, không gian bên ngoài lên đèn, khung cảnh bên trong thật ấm cúng, chúng tôi lưu luyến nhắc chuyện xưa và thì thầm chuyện tương lai. Từ nhà hàng PF Chang s thả bộ đến xem phim tại rạp hát Edwards-16 ở khu đối diện tôi nghĩ nàng cũng như tôi xao xuyến tận hưởng mùa xuân yêu đương đang về. Khi đó rạp chiếu phim "Titanic" mà hầu như cảnh xếp hàng tại rạp hát càng về đêm thì hàng càng dài thêm.
Với các cặp tình nhân thì khoảng thời gian dư dã khi xếp hàng dài như thế này sẽ tha hồ cho họ trao đổi, thủ thỉ những tâm sự, những điều không đâu vào đâu với người khác, nhưng lại quan trọng đối với họ. Ịiều mà người Anh hay Mỹ gọi là những "sweet nothing", tôi hỏi nàng câu chân thật nhất là vì sao nàng lại quay về Los Angeles. Nàng thố lộ là gia đình nàng có ý định gả nàng cho một vị bác sĩ mà nàng không thương và không quen. Cha nàng nghĩ là hôn nhân cần sự vững vàng về cuộc sống xung quanh mà anh chàng này có thể mang đến cho nàng. Nhưng Mai lại dứt khoát thoái thác và xin cha cho dọn về nam Cali. Tôi nói với Mai quan niệm thân phụ của nàng rất hợp lý, nó như cái thực tế tại xứ này mà thôi. Nàng hỏi tôi:
- "Anh có nhớ là Pascal nói: "Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết" không?".
Tôi mỉm cười đồng ý và cuối hôn trên mái tóc của nàng như cám ơn cái ân tình mà nàng dành cho Los Angeles hay cho tôi.
Ra khỏi rạp hát, tôi ghé vào bưu điện lấy thơ, trong xấp thơ tôi nhận có cuộn CD nhạc có bài hát của người nhạc sĩ bạn quen sáng tác gởi tặng. Tôi mở máy nghe thử, mà tự hỏi bài nhạc sao lại đến đúng lúc mà tôi rất cần nó nhất như lời cầu hôn khi mùa xuân về cho hai chúng tôi trao lời tình tự yêu thương vô tận:
"Này em hỡi, xuân về rộn ràng. Bầy chim hót líu lo chào mừng. Nụ xuân ngát hương dịu ngọt ngào. Làn gió mát đưa tình yêu lên cao.
Này em tôi, anh yêu em màu xanh, yêu trời xanh. Anh yêu mùa xuân, yêu nắng xuân. Và anh... anh yêu em... anh yêu em.
Này em hỡi, xuân về bàng hoàng. Mầu môi thắm sao mà nồng nàn. Dòng tóc vắng bay trong chiều vàng. Em có biết xuân về hay không?"
("Mùa Xuân, Anh Yêu Em", Phạm Anh Dũng)
Viết cho những mùa xuân về trong dĩ vãng của một thuở hẹn hò, một thuở thần tiên trong đời.
Việt Hải
Los Angeles