Bà Hai ghé nhà chị Lành, định uống miếng nước cho đỡ khát rồi tiếp tục ra bờ ruộng cắt đám môn đang bỏ dở, nhưng chị Lành cứ ngồi nói chuyện con cà con kê khiến bà không dứt nổi để đi. Chị còn vô bếp bưng ra rổ khoai nóng hổi nài nỉ mời bà. Nể tình chị, bà cầm lấy một củ, bóc vỏ nhai trệu trạo.
Chị Lành xởi lởi:
- Bà Hai ngồi đây nghỉ, chờ bớt nắng rồi hãy đi.
- Mấy bữa nay, mình mẩy rêm quá, nhưng phải ráng quơ cào chút đỉnh để sắm cho con Hiền cái áo bận Tết với người ta. Bây có biết chừng bao nhiêu một cái không? – Bà Hai nhìn ra ngoài trời than thở.
- Loại vải thường ở ngoài chợ họ bán khoảng mười mấy ngàn à.
Bà Hai chắc lưỡi:
- Dữ vậy hả... Còn thứ nào rẻ hơn chút không?
Chị Lành kể lể:
- Rẻ thì cũng mười ngàn. Thằng Tứ của con quanh năm đầu tắt mặt tối mà cái áo coi cũng chẳng ra hồn. May thời hôm rồi, thằng cháu nội ông Tư Hổ về chơi, thấy vậy mới cho nó một cái bận vừa chang. Thằng nhỏ thật tốt bụng.
Giọng bà Hai thiểu não:
- Thấy cháu người ta, ngẫm lại cháu mình sao mà thương nó quá. Kẻ thì thừa mứa, còn người lần đỏ mắt không ra. Thôi tao đi đây.
Bà lật đật chụp cái mê nón lên đầu rồi bước men theo mấy luống rẫy vòng ra bờ ruộng. Hồi sáng đến giờ, bà lội gần rã cặp giò mới gặp được đám môn kha khá. Bà Hai nhẫm tính, nếu ngày nào cũng kiếm độ một ngàn thì dăm hôm nữa bà sẽ dẫn con Hiền dung dăng đến sạp quần áo may sẵn chọn cho nó một cái. Bà Hai nôn nao trong dạ khi nghĩ tới gương mặt rạng rỡ của con Hiền, chắc con nhỏ mừng phải biết.
Cắt hơn nửa đám môn, trời đã xế trưa. Cái nắng đổ về chiều càng gay gắt như dội hơi nóng lên người bà Hai. Tấm áo bạc phếch vá nhiều chỗ của bà ướt đẫm mồ hôi. Bà tự nhủ, ráng thêm chút nữa vì đâu phải ngày nào cũng gặp được đám môn lá tốt như thế này. Có khi chỉ chậm chân một chút, người khác đã hớt tay trên. Bà Hai cứ hì hụp giữa những bụi môn nước, cho đến khi bà cảm thấy đầu óc quay cuồng...
Con Hiền ngồi canh nồi cháo mà tâm trí cứ nghĩ ngợi vẫn vơ. Ðôi mắt nó không giấu được những vẻ lo âu mệt mỏi. Nó nhắm chừng nồi cháo sắp sửa nhừ nên rút bớt của ra, chỉ để lửa than riu riu rồi lần bước tới bên ngoại nó.
Bà Hai đang nằm thiêm thiếp trên giường. Mấy ngày qua bà chỉ húp được vài muỗng cháo. Mọi người tưởng đâu hôm đó bà “đi” luôn, khi người ta vực bà dậy từ đám môn nước sình lầy. Họ xúm vào cạo gió, giựt tóc, một hồi sau thì bà tỉnh lại.
Con Hiền ngồi thụp xuống đất, đặt bàn tay lên bộ ngực lép kẹp của ngoại. Bà Hai khẽ trở mình, giương cặp mắt lờ đờ nhìn nó.
- Trời sáng chưa con?
Thấy ngoại thức giấc, con Hiền vui sướng đáp:
- Trời sáng lâu rồi ngoại, con đã nấu cháo xong. Con múc nước cho ngoại súc miệng rồi ngoại ăn cháo nghen.
Bà Hai thều thào hỏi:
- Con chưa đi chợ à?
- Bữa nay chỉ có rau ngót, đi trể chút không sao đâu ngoại, con bán loáng một cái là hết.
Ðôi môi bà Hai mấp máy:
- Hiền à, con có sợ ngoại chết không?
Miệng con Hiền méo xệch:
- Ngoại... con hổng muốn ngoại nói vậy nữa đâu. Bữa hổm ngoại làm con sợ điếng hồn.
Bà Hai lẩm bẩm như nói với chính mình:
- Mỗi ngày kiếm được một ngàn thì dăm hôm nữa...
- Ngoại ráng hết bịnh nha ngoại, con có nhiều truyện hay lắm, con sẽ đọc cho ngoại nghe. Ðể con đỡ ngoại ngồi dậy.
Nó lòn tay ra sau lưng đỡ bà ngồi dậy rồi lăng xăng đi múc nước, lấy khăn. Bà Hai biết sức mình đã yếu, nhìn nó bà không khỏi đau lòng.
Ðặt chén cháo bốc khói xuống chõng, con Hiền căn dặn:
- Ngoại ở nhà ăn cháo nghen, con đi chút xíu về liền, ngoại muốn ăn gì để con mua.
Bà Hai lắc đầu yếu ớt:
- Con cứ mua vài lon gạo, dư tiền thì mua cho ngoại miếng cau ăn trầu.
Con Hiền tíu tít:
- Con mua thịt nạc nấu cháo nữa nghe ngoại, hổm rày ngoại ăn cháo trắng không hà.
- Thôi bày đặt làm chi, lo đi riết rồi về.
Con Hiền đội thúng rau lên đầu, đứng bịn rịn một chút rồi bước đi. Bà Hai nhìn theo nó, hốc mắt sâu thẳm của bà từ từ ứa ra hai giọt lệ...
Thường ngày hừng đông, con Hiền quá gian ghe tam bản của con Chi chèo lên chợ Huyện. Chợ này sầm uất, buôn bán tấp nập nên sáng ra nó đã bán xong đâu đó trở về sớm. Nhưng mấy hôm nay, bà Hai ngã bệnh, con Hiền không dám để bà nằm một mình mà chờ bà thức dậy nó mới cuốc bộc vô chợ xã. Chợ xã nhỏ hơn, người mua kẻ bán phần đông là dân ở mấy vùng lân cận. Chả ai để ý đến nó.
Vừa đi, con Hiền vừa nghĩ ngợi lan man. Nó thầm cầu mong cho ngoại mau khỏi bệnh, dù khổ cực cách mấy nó cũng chịu đựng nổi, miễn là có ngoại nó cận kề. Hầu như nó không còn để tâm đến chuyện gì khác ngoài thần sắc ngày càng héo hon của ngoại. Nó lâm râm khấn vái các vị thần linh hãy phù hộ cho ngoại nó sống lâu, đừng nhẫn tâm bắt ngoại nó đi.
Con Hiền chợt nhớ đến câu chuyện kể về một chú bé dũng cảm của thằng Sơn hôm nào, và nó ước mong sao có một phép màu nào đó hoán đổi được bệnh tật của ngoại sang cho nó. Nó ngẫm lại con nít bệnh vài hôm sẽ hết, như nó vẫn thường ấm đầu, sổ mũi. Còn những người già như ngoại, bệnh tật sẽ triền miên hành hạ và cuối cùng như chiếc lá khô không đủ sức chống đỡ, dù chỉ là cơn gió nhẹ! Nó ngây thơ nghĩ như thế vì cách đây hai năm bà nội của con Chi cũng bệnh liệt giường rồi nhắm mắt. Tronng ngày đưa tang, mọi người đều gào khóc, nhưng bà mãi mãi không bao giờ thức dậy.
Con Hiền lại nhớ tới thằng Sơn. Hôm chia tay, hành động của thằng Sơn đã khiến nó và thằng Tứ vô cùng ngỡ ngàng...
- Hiền đừng mất công chép nữa, mấy cuốn truyện này từ ngay sẽ là của Hiền. Mẹ Sơn cũng đồng ý rồi.
Con Hiền ngớ người ra như không dám tin vào điều mình vừa nghe được. Nó mấp mấy đôi môi:
- Sơn... Sơn cho tui à?
Thằng Sơn cười rất dễ thương:
- Ở nhà Sơn còn nhiều sách lắm, mấy cuốn này Sơn... kỷ niệm cho Hiền. Còn cái này cho Tứ.
Nó chìa ra gói giấy nãy giờ vẫn còn giấu sau lưng. Thằng Tứ cầm lấy, hỉnh mũi lên hỏi:
- Tao cũng có phần nữa à? Mày đúng là lịch sự như dân thành phố.
Giọng thằng Sơn chợt buồn:
- Mai Sơn về rồi. Có lẽ hè sang năm Sơn mới xuống đây chơi.
Mặt con Hiền buồn xo, còn thằng Tứ chép miệng tiếc rẻ:
- Lẹ quá hén, tao cứ tưởng mày ở đây lâu.
- Sơn cũng thích vậy, nhưng phải về đi học, Sơn nghỉ cả tuần rồi.
Quay sang còn Hiền, nó cười hóm hỉnh:
- Hiền ráng học giỏi nghen, nhất định Sơn sẽ có phần thưởng cho Hiền.
Con Hiền cảm động lặng thinh không biết nói gì. Nó chỉ mong sao thằng Bạch đừng kể lại với Sơn những điều xảy ra trong lớp.
Thế là tờ mờ sáng hôm sau, con đò nhỏ từ từ rời bến, thằng Sơn đứng trước mũi, bùi ngùi đưa tay vẫy. Bóng nó xa dần...
Con Hiền bỗng thấy hai mi mắt cay cay. Nó vấp một cục đất chúi nhũi về phía trước, những bó rau văng tung tóe xuống đường. Nó gượng dậy đưa tay xoa mấy đầu ngón chân đau điếng, rồi lượm từng bó rau cho vào thúng, tiếp tục bước đi.
Nắng đã lên cao, chợ bắt đầu thưa thớt. Con Hiền cảm thấy lo khi mới bán vơi phân nửa. Và cũng như mọi lần, nó lầm thầm khấn vái.
Một người, hai người, rồi ba người... thản nhiên đi qua. Nó thẫn thờ đưa mắt nhìn theo một thằng bé vừa đi vừa mút que kem.
- Bao nhiêu một bó rau vậy em?
Mừng rỡ con Hiền quay lại. Nhưng cả người nó và người vừa hỏi đều vô cùng bối rối khi nhận ra nhau. Nó chỉ muốn chui xuống đất để thoát khỏi cái nhìn ngỡ ngàng, sửng sốt của cô Trân.
- Hiền... bán cho cô hết chỗ này...
Nó lí nhí như sắp hụt hơi:
- Thưa cô... em...
Cô Trân ngồi xuống, giọng cô thật dịu dàng:
- Em lấy dây cột lại dùm cô. Nhà em gần đây không?
Con Hiền thu hết can đảm, ngước nhìn cô Trân:
- Thưa cô, nhà em bên xóm Bình Hòa.
Bàn tay nó vụng về xếp lại từng bó rau. Nó hồi hộp không biết cô Trân đang nghĩ gì về nó.
- Sao em không đi học? Cô chỉ nhắc vậy thôi chứ cô nào đuổi em. Cô hỏi thăm các bạn trong lớp nhưng chẳng bạn nào biết nhà em. Hôm qua Bạch mới nói với cô. Cô định tới nhà bảo em đi học.
Con Hiền mím môi, nước mắt nó chực rơi xuống má.
Cô Trân tiếp:
- Sáng mai em nhớ đến trường, mượn bài vở của bạn chép lại, tuần sau thi rồi đó.
Con Hiền lắc đầu bệu bạo:
- Em không thể đi học vì ngoại em đang bệnh. Cô đừng giận em.
Cô Trân nhíu mày:
- Còn ba má em đâu? Chẳng lẽ chỉ có mình em?
Con Hiền kéo vạt áo chùi nước mắt:
- Em không có ba má, em sống với ngoại từ nhỏ. Mấy hôm nay ngoại bệnh nằm một chỗ, ngoại rất cần đến em.
- Em mua thuốc cho ngoại uống chưa?
- Dạ chưa, mấy lần trước ngoại bệnh, chỉ cần cạo gió, nấu nồi lá xông là khỏi, sao lần này ngoại lâu hết quá. Em định bán rau xong, sẽ mua thịt về nấu cháo cho ngoại. Ngoại thèm ăn thịt nhưng không đủ tiền nên chỉ dặn em mua gạo.
Cô Trân cảm động vét hết số tiền trong túi, dúi vào tay nó.
- Em cầm lấy để mua thuốc và mua thịt về nấu cháo cho ngoại. Em phải cho hành và thật nhiều tiêu nữa, nhớ không?
Con Hiền rụt rè nói:
- Thưa cô, em chỉ lấy đủ tiền rau.
Cô Trân nhìn thẳng vằo mắt nó:
- Em cần phải cầm hết, nếu không cô giận đó. Chiều mai cô sẽ đến thăm ngoại em.
Con Hiền tròn mắt ấp úng:
- Cô ơi... nhà em nghèo lắm, cô đừng cười nha.
Cô Trân cười hiền:
- Sao lại cười? Cô rất buồn nếu em không đi học.
- Nhưng... cái áo của em... đã rách rồi.
- Không sao, cô sẽ có cách.
- Lát nữa em kể ngoại nghe về cô, chắc ngoại mừng lắm.
Cô Trân vuốt nhẹ lên má nó:
- Trưa rồi, em lo mua thức ăn còn về để ngoại trông. Nói với ngoại cô gởi lời thăm.
- Dạ.
Con Hiền thấy lòng nhẹ tênh. Bây giờ trong thúng nó đã có đủ thứ: gạo, thịt, trầu, cau, thuốc cảm... và cả một gói bánh bèo. Món bánh mà ngoại nó thích ăn.
Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo tung tăng trên đường. Hoa lá cũng lao xao như chia xẻ niềm vui với nó.
Chiều hôm sau, cô giáo Trân dò dẫm hỏi thăm đường tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà cháu Hiền. Nhìn thấy cô giáo, con Hiền lúng túng như gà mắc tóc, nó không biết mời cô ngồi đâu vì nhà không có lấy một cái ghế. Ngoại nó sáng nay nhờ húp được chén cháo và uống thuốc nên đã tỉnh táo lại. Nhìn cảnh nhà đơn chiếc, nghèo túng của hai bà cháu, cô Trân không khỏi bùi ngùi cảm động. Cô tự trách mình đã không tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng em học sinh, để con Hiền phải nghỉ học chỉ vì một lý do đơn giản: không có áo trắng để mặc đến lớp. Kéo con Hiền lại gần, cô giúi vào tay nó một gói giấy nhỏ và nói khẽ:
- Ðây là quà cô cho em, em cứ mở ra xem có thích không?
Con Hiền ngước đôi mắt đen lên nhìn cô giáo, tay nó run run mở lớp giấy ra. Một cái áo trắng tinh. Cái áo mà nó vẫn thường mong ước bấy lâu nay. Nó áp cái áo vào ngực, giọng nghẹn ngào trong nước mắt:
- Em... cảm ơn cô.
Cô Trân mỉm cười:
- Em hứa với cô là em phải đi học lại nghe Hiền. Cô và các bạn chờ em đó.
Con Hiền khẽ gật đầu:
- Dạ, em hứa...
Con Hiền tiễn cô Trân ra tận mí vườn. Nó đứng nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất hẳn. Nó tự nhủ thầm: Ngày mai, nếu ngoại bớt bệnh, nó sẽ đi học lại. Nhất định nó sẽ không làm phụ lòng bà ngoại, cô Trân, và cả thằng Sơn với thằng Tứ nữa...
Tháng 6-1993 Hồng Thủy