Bên lề một đám cưới
Tôn Nữ Thanh Yên
Đã gần đến ngày thím Hồng lên máy bay đi Úc thăm con gái sắp sinh con đầu lòng, mà chuyện hôn nhân của Thịnh chưa trù tính được gì. Thịnh muốn cưới vợ vào cuối năm nay. Thím Hồng lại đi nước ngoài với thời hạn sáu tháng. Thịnh muốn gì thì cũng phải chờ mẹ trở về. Thím Hồng còn nói để coi qua bển có con gái nhà nào tử tế sẽ cưới về cho Thịnh. Thịnh vùng vằng không chịu nghe. Hai mẹ con cứ vậy mà cãi lẫy nhau. Chung quy cũng vì thím Hồng không chấp thuận, lấy lý do thân thế, địa vị và gia sản của gia đình Liễu không tương xứng với gia đình mình. Đây không phải là lần đầu, đã một lần cách đây sáu năm, thím Hồng từng viện lý do “môn đăng hộ đối” để ngăn cản Thịnh nên vợ nên chồng với cô gái là mối tình đầu của Thịnh. Thế, em của Thịnh, đã yên bề gia thất mà Thịnh còn lần lữa, hôn sự coi mòi chẳng được hanh thông, suôn sẻ.
Đến ngày thím Hồng chuẩn bị hành lý, Thịnh mới về nhà sau mấy ngày bỏ đi đâu biệt tăm, gia đình nhắn tin gọi điện mấy cũng tắt máy không trả lời. Thịnh về, tránh không nhìn vào mặt mẹ, chỉ lẳng lặng giúp mẹ đóng gói hành lý. Thím Hồng đang tíu ta tíu tít lo bao nhiêu chuyện cho chuyến đi xa nên có vẻ chẳng để ý bận tâm gì đến cậu con lớn. Chú Thiệp, Thịnh và vợ chồng Thế đi thành phố Hồ Chí Minh tiễn thím Hồng ra sân bay. Tôi ở nhà một mình trông coi ngôi nhà lầu đồ sộ. Cảm giác rằng khối bê tông nặng nề, trầm lắng này cần có tiếng chân người, giọng người cười nói, tiếng khóc nữa, cho vang động lên, ồn ào lên âm thanh của cuộc sống. Ngôi nhà lộng lẫy tân kỳ này đã không níu được chân Thế và Loan. Lấy cớ là con gái duy nhất nên Thế ở rể, tình thực là Loan né tránh chuyện sống chung với gia đình chồng. Chỉ còn chờ Thịnh “đưa nàng về dinh”. Vậy mà...
Thím Hồng vắng nhà vừa đúng một tháng thì có chuyện xảy ra... Dì Hảo, người chị cả của thím Hồng từ thành phố Hồ Chí Minh về chơi. Tôi ở trọ học trong nhà này đã hai năm, thỉnh thoảng vẫn nghe mọi người nhắc đến dì Hảo, đến nay mới gặp mặt. Thím mỗi khi nói đến người chị của mình thường tỏ lòng kính trọng, yêu quý. Chính điều này khiến tôi kiêng dè sự xuất hiện của dì Hảo.
Chú Thiệp xin nghỉ phép ở cơ quan, lấy xe máy chở dì Hảo đi đi về về như thoi đưa. Chị vợ và em rể cứ rầm rầm rì rì bàn bạc với nhau có vẻ tương đồng tương đắc. Lại thấy chú Thiệp gọi Thịnh đến cùng ngồi nghe. Thím Hồng đi, giao phận sự cơm nước chợ búa, nên đi học về là tôi túi bụi dưới bếp. Chẳng biết được những người ngồi trên phòng khách đang bàn tính việc gì. Thật không ngờ, dì Hảo và chú Thiệp đã đi đến quyết định tiến hành lễ đính hôn cho Thịnh và Liễu, trong lúc thím Hồng vắng mặt! Thịnh phóng xe đi về tất bật, mặt mày chàng ta bơ phờ nhưng không che giấu được sự vui sướng hài lòng lộ ra nơi cái miệng cứ cười cười. Vợ chồng Thế – Loan cũng đến góp tay vào việc sắm sanh sính lễ hỏi vợ cho anh trai. Dì Hảo huy động vợ chồng cậu Hiển, em kế dì Hảo, đi họ đàng trai. Chú Thiệp thì mời ba má tôi. Kể ra mới thấy sự trọng thị của dì Hảo lẫn chú Thiệp đối với cuộc hôn nhan của Thịnh. Lễ đính hôn được diễn ra suôn sẻ tốt đẹp. Gia đình Liễu được thông báo về sự vắng mặt của người mẹ bên đàng trai như là một điều bất đắc dĩ. Ngày lành tháng tốt được chọn cho đám cưới sẽ là cuối năm, khi ấy sẽ có mặt mẹ của Thịnh. Thịnh cũng không cho Liễu biết đám hỏi này là một sự “thông đồng, âm mưu”, vì ngại rằng Liễu sẽ mặc cảm hoặc tự ái. Tôi thì nghĩ, giống như một trận đánh úp, chưa biết kết quả sẽ được gì.
Thím Hồng trở về sau sáu tháng sống với gia đình con gái và thăm thú các thắng cảnh xứ người. Dư vị của chuyến du lịch còn say lòng thím Hồng cho đến ngày bà biết được chuyện xảy ra ở nhà trong lúc bà vắng mặt. Chưa bao giờ tôi thấy thím Hồng lồng lộn như vậy. Thím đập bàn. Thím xô ghế. Thím dằn chén cơm. Thím quăng đôi đũa. Đứng ngồi không yên, thím đi đi lại lại, rồi chửi mắng Thịnh té tát, rồi cãi cọ to tiếng với chú Thịnh. Cũng là lẽ thường tình, thử đặt mình vào tình huống của thím, ai cũng phải tức tối giận dữ. Lạ một điều, thím Hồng oán trách dằn vặt chồng con luôn mồm, ngày này sang ngày khác, nhưng tuyệt nhiên chẳng đả động gì đến dì Hảo. Tôi đem thắc mắc đó ra hỏi chú Thiệp. Chú giải thích: Dì Hảo là một người quyết đoán, đảm đang và tận tụy. Cha mẹ mất sớm, mới mười chín tuổi xuân đã một mình bươn chải nuôi năm em nhỏ. Dì Hảo có tài kinh doanh, biết làm lợi từ đồng vốn nhỏ, biết tích lũy mà thành sản nghiệp lớn. Một tay dì Hảo chu toàn cho các em ăn học rồi dựng vợ gả chồng cho. Em út ai nấy yên bề gia thất, dì Hảo ngoảnh lại mình đã luống tuổi, chịu ở vậy với danh phận một nhà doanh nghiệp thành đạt. Năm người em từ nhỏ đã sợ oai chị, gọi dạ bảo vâng, nhất nhất việc gì cũng nghe theo, vì nói chung điều gì dì Hảo làm đều là muốn tốt đẹp cho đàn em của mình. Những người em dâu, em rể cũng theo đó mà có sự kính nể đối với dì Hảo... Ức bà chị lắm, nhưng thím Hồng cất trong bụng không nói ra lời xúc phạm. Cho đến ngày dì Hảo lại xuất hiện...
Sau một bữa ăn, đề tài mấu chốt được đưa ra. Dì Hảo nói:
- Chúng ta nên bàn tính chuyện đám cưới của cháu Thịnh. Thịnh đã chững chạc trưởng thành; cháu muốn lấy vợ là lẽ tự nhiên và cháu đã có sự lựa chọn, dượng dì không nên ép uổng hay ngăn cản. Chị đã có tìm hiểu về gia đình và bản thân cháu Liễu. Họ có nề nếp gia giáo, ăn ở hiền lành thuần hậu; cháu Liễu bản tính dịu dàng hiền thục, nói năng nhỏ nhẹ lễ độ. Cháu về làm dâu thì không đến nỗi nào đâu, chỉ cần dì bảo ban rèn cặp cho cháu hợp với nếp nhà mình. Gia đình mình đã đem sính lễ đến hỏi con gái người ta, bây giờ đã đến lúc bàn đến lễ cưới... Ý kiến của chị là tán thành cháu Thịnh kết hôn với cháu Liễu.
Chú Thịnh nói rõ từng tiếng:
- Thưa chị, em cũng tán thành.
Mặt thím Hồng sa sầm u ám, giọng của thím nghe rung như đang dằn đang nén nỗi buồn giận:
- Em không tán thành. Lễ hỏi đó không có mặt em, nên em không có ý kiến. Nhưng, bây giờ em phải thưa cho chị biết: em không bằng lòng cái cách chị đã hành động áp đặt đối với em, cho em một sự đã rồi. Em vẫn còn quyền quyết định của mình; em là mẹ, em không cho phép con trai em lấy đứa con gái mà em không bằng lòng.
Dì Hảo nhìn thẳng vào mặt em gái, giọng điềm đạm:
- Em không bằng lòng cháu Liễu ở điểm nào?
Câu hỏi đưa ra như một khối u cần được mổ xẻ. Âm thanh, ngôn ngữ dậy lên, vỡ òa một cuộc tranh cãi. Tôi khép nép đi vào phòng mình. Một lúc, chú Thiệp và Thịnh lần lượt đứng dậy, đi lên lầu, ai về phòng nấy... Căn phòng của tôi, có ba bề tường không xây kín giáp trần nhà, lại có mấy vuông gạch gió, vì vậy, có đóng kín cửa phòng âm thanh vẫn lọt vào. Nỗi tò mò lại xui khiến tôi nghe ngóng câu chuyện rồi sẽ đi đến đâu. Hai người đàn bà ruột thịt ngồi lại với nhau. Sự im lặng nặng nề chen giữa họ. Rồi, dì Hảo cất giọng trầm trầm:
- Chị muốn kể cho em nghe câu chuyện này... Ngày xưa, chị có yêu một người (khi đó em mới lên bảy tuổi, chắc là không biết gì đâu!). Ừm, chị đã yêu một người. Anh ta đã ước hẹn với chị về một cuộc sống lứa đôi. Nhà anh mở tiệm buôn tạp hóa, cũng kể vào hàng giàu có. Năm đó, anh ta bị động viên, gia đình phải tốn nhiều tiền của chạy chọt mới không phải ra trận, chỉ làm lính kiểng. Chị thì cha mẹ mất sớm, để lại một đàn em lau chau, sống trong một căn nhà dột nát. Ước hẹn với nhau nhưng chị vẫn cứ dùng dằng lần lữa mỗi khi anh ta đề cập đến chuyện đưa cha mẹ đến xem mặt. Rồi... lần đầu.
Rồi... lần đầu chị đến nhà anh là khi hay tin ba anh vừa té ngã cầu thang. Anh đi đâu vắng. Hai người chị của anh nhìn từ bộ đồ chị mặc cho đến đôi guốc mộc chị mang bằng ánh mắt soi mói khinh thị. Mẹ anh thì cầm cây chổi quét qua quét lại mặt sân chỗ chị đứng. Nếp xưa ông bà dạy: khách đến nhà đừng cầm chổi quét nhà là có ý gì em biết đó! Vậy, lòng chị cay đắng đến chừng nào, em biết không?... Rồi, anh ta thưa dần những lần đến nhà mình. Lần cuối cùng, anh ta đến để nói lời chia tay. Chị hỏi: “Em đã làm điều gì lầm lỗi?”. Anh ta nói, câu nói trắng trợn và tàn nhẫn, câu nói mà chị đặt vào tim óc để lưu giữ suốt cuộc đời chị: “Mẹ anh không bằng lòng em... vả lại, anh không còn yêu em nữa... Anh không yêu ai ngoài yêu chính bản thân anh và gia đình anh”. Lạ lùng lắm em à, chị trơ trơ ra, không khóc lóc kể lể, không oán than trách móc, như là điều đó hiển nhiên sẽ xảy đến và chị đã chờ đợi để đương đầu với nó. Rồi, chị một thân một mình với cái gánh nặng, không một điểm tựa, không một bờ vai san sẻ... Chị làm việc để tìm quên, xoay xở bon chen khắp cùng phố chợ để kiếm ra tiền; gom góp được tí vốn, chị tính toán cách làm giàu. May sao, đồng tiền của chị cũng biết sinh sôi nảy nở. Chị tâm niệm một điều: quyết chí lo cho các em của chị được ăn no mặc đủ, học hành đến nơi đến chốn và tậu một ngôi nhà bề thế cho chị em mình. Chị làm tất cả những điều đó chỉ vì để cho các em của chị đến tuổi tìm đôi gặp lứa không bị gia đình người ta khinh khi rằng con nhà nghèo. Em ơi, có ai muốn cái nghèo đâu. Nhưng muôn đời nó vẫn là cái nhục, là sự thua thiệt của những người trót mang thân phận đó. Chị không muốn các em chịu nhục, chịu thua thiệt, không muốn các em phải mang nỗi mặc cảm tự ti. Và, chị đã hy sinh khoảng đời thanh xuân, hạnh phúc riêng của mình. Chuyện này, chị giấu kín bốn mươi năm nay, đến anh Hiển, chị Hoa của em cũng biết mập mờ... Bây giờ, em bình phẩm đánh giá về cái nghèo kém của gia đình người ta... là em đã chạm vào nỗi đau cũ của chị đó!...
Giọng kể ngưng bặt. Không nghe thím Hồng nói gì. Đột nhiên, thím Hồng bật khóc hu hu như trẻ con. Tiếng khóc rõ to, nức nở. Rồi, giọng thím mếu máo:
- Em xin lỗi chị... Em xin lỗi chị...
Tôi nghĩ ngay đến sự an bài cho đám cưới của Thịnh. Tự dưng, nước mắt tôi ứa ra.