Báo "Vorwarts", số 60, có đăng một bài nhận đề là "Vua Phổ và cải cách xã hội" và ký tên " Một người Phổ".
Trước hết, "Người Phổ" này, như ông ta mệnh danh, trình bày nội dung cái sắc lệnh của nội các vua Phổ về cuộc nổi loạn của công nhân ở Xi-lê-di 104 và ý kiến của tờ báo Pháp "Réforme" 105 về sắc lệnh của nội các Phổ. Báo "Réforme" coi "sự khiếp sợ và tình cảm tôn giáo" của nhà vua là nguồn gốc của sắc lệnh. Thậm chí báo đó còn coi văn kiện ấy nói lên cái dự cảm rằng sắp có những cải cách lớn xảy ra đối với xã hội tư sản. "Người Phổ" bèn cho báo đó một bài học như sau:
"Nhà vua và xã hội Đức còn chưa dự cảm được rằng cải cách 2) sắp xảy ra trước mắt nó; cả những cuộc nổi loạn ở Xi-lê-di và Bô-hêm vẫn không khêu gợi được tình cảm ấy. Không thể nào chứng minh cho một nước phi chính trị như nước Đức thấy rằng sự nghèo đói cục bộ trong các khu công nghiệp là việc có liên quan tới mọi người, và lại càng không thể chứng minh cho nó thấy được rằng sự nghèo đói này là một tai họa của toàn thể thế giới văn minh. Người Đức coi hiện tượng đó như thể là một trận lụt hay một nạn đói nào đó có tính chất địa phương . Bởi vậy, nhà vua coi bộ máy hành chính quản trị thiếu năng lực điều khiển hoặc thiếu sót của hoạt động từ thiện là nguyên nhân của hiện tượng này. Vì nguyên nhân đó - và còn vì rằng, để dẹp những người thợ dệt hèn yếu thì một toán lính nhỏ thôi cũng đủ, - việc phá hủy công xưởng và máy móc không thể gây cho nhà vua lẫn các cơ quan chính quyền một sự " khiếp sợ " nào hết. Sắc lệnh của nội các cũng chẳng bị thôi thúc bởi tình cảm tôn giáo : nó là một biểu hiện rất tỉnh táo của nghệ thuật quản lý nhà nước theo kiểu Cơ Đốc giáo và của cái học thuyết chủ trương rằng, không có khó khăn nào lại có thể cứ ỳ ra trước cái phương thuốc duy nhất được học thuyết đó thừa nhận: trước "thiện ý của những tấm lòng Cơ Đốc giáo". Nghèo khổ và phạm tội - đó là hai cái họa lớn; ai có thể cứu chữa khỏi chúng? Nhà nước và các cơ quan chính quyền ư? Không, chỉ có sự hòa hợp của tất cả những tấm lòng Cơ Đốc giáo mới có thể làm được điều đó".
Tác giả, tự mệnh danh là "Người Phổ", cũng phủ nhận nỗi "khiếp sợ" của nhà vua với cái lý lẽ cho rằng, một toán lính nhỏ thôi cũng có thể dẹp được những người thợ dệt yếu hèn.
Như vậy, ở một nước mà một bữa cơm trưa long trọng với những lời chúc tụng kiểu phái tự do và những cốc sâm banh sùi bọt theo kiểu tự do - xin nhớ đến bữa đại tiệc ở Đuýt-xen-đoóc-phơ - là nguyên nhân đẻ ra bản sắc lệnh của nội các nhà vua 106; ở một nước mà không cần đến một tên lính nào để trấn áp nguyện vọng của toàn bộ giai cấp tư sản tự do muốn đòi tự do báo chí và đòi hiến pháp; ở một nước mà ngoan ngoãn thụ động là vấn đề cấp thiết, ở một nước như vậy, việc cần phải dùng đến binh lực để chống lại những người thợ yếu hèn há lại không phải là một sự kiện , một sự kiện làm cho phải khiếp sợ hay sao? Vì rằng trong cuộc xung đột đầu tiên, những người thợ dệt yếu hèn đã thắng. Và chỉ nhờ có viện binh thêm người ta mới đàn áp được họ. Phải chăng cuộc nổi dậy của quần chúng công nhân trở nên ít nguy hiểm hơn vì không cần đến toàn bộ quân đội để đàn áp nó? "Người Phổ" đại thông minh hãy cứ việc so sánh cuộc nổi dậy của thợ dệt Xi-lê-di với những cuộc nổi dậy của công nhân ở Anh, và lúc đó sẽ thấy rằng những thợ dệt Xi-lê-di là những người thợ dệt kiên cường.
Xuất phát từ mối quan hệ chung giữa chính trị và những tệ nạn xã hội, chúng tôi sẽ chỉ rõ tại sao cuộc nổi dậy của thợ dệt đã không thể gây cho nhà vua một nỗi "khiếp sợ" đặc biệt. Giờ đây chúng tôi chỉ nhận xét như sau: cuộc nổi dậy đã trực tiếp nhằm chống lại giai cấp tư sản chứ không phải chống nhà vua Phổ. Với tư cách là nhà quý tộc và ông vua chuyên chế, vua Phổ không thể thương yêu giai cấp tư sản; tuy vậy, do những quan hệ căng thẳng gay gắt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, giai cấp tư sản ngày một ngoan ngoãn hơn, bất lực hơn, - tình hình đó lại càng có thể ít làm cho nhà vua lo sợ. Tiếp nữa, người theo đạo Thiên chúa chính thống có thái độ thù địch với người theo đạo Tin lành chính thống nhiều hơn là với người vô thần, cũng như người theo chủ nghĩa chính thống có thái độ thù địch với người theo chủ nghĩa tự do nhiều hơn là với người cộng sản. Và điều đó không phải là do người vô thần và người cộng sản gần gũi với người theo đạo Thiên chúa và người theo chủ nghĩa chính thống hơn, mà vì người vô thần và người cộng sản còn xa lạ với người theo đạo Thiên chúa và người theo chủ nghĩa chính thống hơn là người Tin lành và người theo chủ nghĩa tự do, bởi lẽ họ đứng ở ngoài phạm vi của người đó. Nhà vua Phổ, với tư cách nhà chính trị, coi chủ nghĩa tự do là cái đối lập trực tiếp với mình trong lĩnh vực chính trị. Giai cấp vô sản, với tư cách là cái đối lập, không tồn tại đối với nhà vua, cũng như nhà vua không tồn tại đối với giai cấp vô sản. Chỉ trong trường hợp giai cấp vô sản đã đạt tới một sức mạnh đáng kể, thì nó mới dập tắt được tất cả những mối ác cảm và những sự đối lập chính trị khác và mới thu hút được toàn bộ sự thù địch chính trị về phía mình. Cuối cùng, nhà vua, nổi tiếng về việc ham thích tất cả những gì thú vị và hệ trọng , thậm chí sẽ còn phải ngạc nhiên một cách sung sướng vì cái khả năng bất ngờ có thể phát hiện được trên mảnh đất riêng của mình cái cảnh bần cùng "thú vị" và "hết sức ồn ào", cảnh này đồng thời cũng có thể tạo cho ông ta một dịp để lại buộc người ta phải nói về mình. ông ta sẽ khoan khoái biết bao khi nghe rằng từ nay, ông ta có một cảnh bần cùng "riêng của mình", của vương quốc Phổ!
"Người Phổ" của chúng ta còn không thành công hơn nữa khi ông ta đi tới phủ nhận rằng "tình cảm tôn giáo" là nguồn gốc của sắc lệnh của nội các nhà vua.
Tại sao không thể xem tình cảm tôn giáo là nguồn gốc của bản sắc lệnh này? Vì rằng sắc lệnh này là "một biểu hiện rất mực tỉnh táo của nghệ thuật quản lý nhà nước theo kiểu Cơ Đốc giáo", một biểu hiện "tỉnh táo" của cái học thuyết "chủ trương rằng không có khó khăn nào lại có thể cứ ỳ ra trước cái phương thuốc duy nhất được học thuyết đó thừa nhận: trước thiện ý của những tấm lòng Cơ Đốc giáo".
Phải chăng tình cảm tôn giáo không phải là nguồn gốc của nghệ thuật quản lý nhà nước theo kiểu Cơ Đốc giáo? Phải chăng cái học thuyết coi thiện ý của những tấm lòng Cơ Đốc giáo là phương thuốc vạn năng chữa bách bệnh, lại không dựa trên tình cảm tôn giáo? Phải chăng biểu hiện tỉnh táo của tình cảm tôn giáo không còn là biểu hiện của tình cảm tôn giáo? Hơn thế nữa! Tôi quả quyết rằng cái tình cảm tôn giáo cho rằng "nhà nước và các cơ quan chính quyền " không có khả năng "cứu chữa khỏi những tai họa lớn" và đi tìm phương thuốc cứu chữa khỏi những tai họa ấy trong" sự hòa hợp của những tấm lòng Cơ Đốc giáo", là một tình cảm rất tự cao và rất tự mãn. Chỉ có một tình cảm tôn giáo đầy tự mãn mới có thể, - như "Người Phổ" thú nhận, - thấy mọi tội lỗi đều do thiếu tình cảm Cơ Đốc giáo mà ra, và vì vậy, nó chỉ cho các cơ quan chính quyền rằng" khuyên bảo " là phương tiện duy nhất để củng cố tình cảm đó. Xây dựng thiện ý Cơ Đốc giáo , theo "Người Phổ", là mục đích của sắc lệnh của nội các. Tình cảm tôn giáo coi mình là hạnh phúc duy nhất, - đương nhiên là khi nó say sưa tự mãn chứ không phải tỉnh táo. Bất kỳ tội ác nào mà nó gặp thấy, nó cũng đều cho là do thiếu tình cảm tôn giáo, bởi vì nếu hạnh phúc duy nhất là tình cảm tôn giáo thì chỉ có tình cảm tôn giáo mới có thể làm điều thiện. Vì vậy, bản sắc lệnh của nội các, được thôi thúc bởi tình cảm tôn giáo, lại triệt để thôi thúc những kẻ khác làm theo tình cảm đó. Nhà chính trị có tình cảm tôn giáo tỉnh táo , trong cơn "bối rối" sẽ không "cầu cứu" sự "khuyên bảo, sự tuyên truyền ngoan đạo kêu gọi củng cố thiện ý Cơ Đốc giáo".
Thế thì, bằng cách nào mà kẻ gọi là "Người Phổ" lại chứng minh được cho báo "Réforme" thấy rằng sắc lệnh của nội các không phải là con đẻ của tình cảm Cơ Đốc giáo? Chính là bằng cách ở đâu ông ta cũng hình dung sắc lệnh của nội các là con đẻ của tình cảm Cơ Đốc giáo. Có thể chờ đợi một sự hiểu biết về những phong trào xã hội từ bộ óc phi lô-gích này chăng? Chúng ta hãy nghe ông ta ba hoa về thái độ của xã hội Đức đối với phong trào công nhân và đối với cải cách xã hội nói chung.
Chúng ta sẽ phân biệt,- điều mà "Người Phổ" của chúng ta không làm,- những phạm trù khác nhau được tập hợp lại trong thành ngữ " xã hội Đức ": chính phủ, giai cấp tư sản, báo chí và cuối cùng, bản thân công nhân. Đây là nói đến những quần chúng khác nhau. "Người Phổ" kết hợp tất cả những quần chúng ấy lại với nhau và với quan điểm cao thượng của mình, ông ta đã kết án họ một cách vô căn cứ. Xã hội Đức, theo ý kiến ông ta, "thậm chí còn chưa dự cảm được cuộc cải cách sắp xảy ra trước nó".
Vì sao xã hội Đức lại không có bản năng đó?
"Không thể nào chứng minh cho một nước phi chính trị như nước Đức", - "Người Phổ" trả lời, - "thấy rằng sự nghèo đói cục bộ trong các khu công nghiệp là việc có liên quan tới mọi người , và lại càng không thể nào chứng minh cho nó thấy được rằng sự nghèo đói này là tai họa của toàn thế giới văn minh. Người Đức coi hiện tượng đó như thể là một trận lụt hay một nạn đói có tính chất địa phương . Bởi vậy, nhà vua coi sự bất lực của bộ máy hành chính hoặc thiếu sót của hoạt động từ thiện là nguyên nhân của hiện tượng này".
Do đó, "Người Phổ" giải thích cái khái niệm lộn ngược này về tình trạng nghèo đói của công nhân bằng những đặc điểm của một nước phi chính trị.
Mọi người đều thừa nhận rằng nước Anh là một nước chính trị . Người ta cũng thừa nhận rằng nước Anh là một nước của tình trạng bần cùng , thậm chí bản thân từ này cũng bắt nguồn từ tiếng Anh. Vì thế, quan sát tình hình ở Anh, có thể nghiên cứu tốt hơn cả thái độ của một nước chính trị đối với tình trạng bần cùng . ở nước Anh, sự nghèo đói của công nhân không phải là hiện tượng đơn nhất mà là một hiện tượng phổ biến, sự đói nghèo không hạn chế trong các khu công nghiệp mà lan tràn đến cả những vùng nông thôn. Về những phong trào phản kháng do sự nghèo khổ gây nên, không thể nói là chúng chỉ mới nằm trong quá trình phát sinh: đã gần cả một thế kỷ nay những phong trào ấy được lặp đi lặp lại ở đây theo chu kỳ.
Vậy giai cấp tư sản Anh , chính phủ và báo chí gắn bó với nó, đã nhìn nhận tình trạng bần cùng như thế nào?
Chừng nào giai cấp tư sản Anh cho rằng, tình trạng bần cùng nảy sinh là tại chính trị thì chừng đó đảng Vích đổ cho đảng To-ri gây ra tình trạng bần cùng, còn đảng To-ri thì đổ cho đảng Vích. Theo ý kiến của đảng Vích, nguồn gốc chủ yếu của nạn bần cùng là sự độc quyền sở hữu ruộng đất lớn và những đạo luật ngăn trở việc nhập lúa mì. Theo ý kiến đảng To-ri, tất cả tai họa đều ở chủ nghĩa tự do, ở sự cạnh tranh, ở hệ thống công xưởng phát triển quá đáng. Hai đảng, không đảng nào đi tìm nguyên nhân trong chính trị nói chung, mà mỗi đảng chỉ thấy có nguyên nhân ở đường lối chính trị của đảng kia, đảng đối lập với mình; thậm chí cả hai đảng cũng không nghĩ đến một cải cách xã hội nào cả.
Biểu hiện rõ ràng nhất của những quan điểm Anh về nạn bần cùng - chúng tôi vẫn đang nói đến những quan điểm của giai cấp tư sản và Chính phủ Anh - là khoa kinh tế chính trị Anh , tức là sự phản ánh những điều kiện kinh tế nước Anh vào khoa học.
Mắc-Cu-lốc, - một trong những nhà kinh tế học Anh ưu tú nhất và nổi tiếng nhất, am hiểu tình hình sự việc hiện nay và do đó, ắt phải có một quan điểm chung nào đó về sự vận động của xã hội tư sản, đồ đệ của Ri-các-đô vô liêm sỉ, - ngay hiện nay, trong một buổi diễn giảng công khai, - và lại được công chúng tán thưởng, - vẫn dám vận dụng vào khoa kinh tế chính trị điều mà Bê-cơn nói về triết học:
"Một người, với sự khôn ngoan thật sự và không mệt mỏi, chưa vội kết luận dứt khoát, cứ tiến dần lên phía trước, vượt hết chướng ngại này đến chướng ngại khác, những chướng ngại này tựa như những ngọn núi ngăn cản tiến trình nghiên cứu khoa học, - một con người như thế với thời gian sẽ đạt tới đỉnh cao của khoa học, nơi có thể khoan khoái hưởng thụ sự yên tĩnh và không khí trong lành, nơi mà thiên nhiên mở ra trước tầm mắt ta toàn bộ vẻ đẹp của nó và từ đó, theo lối dốc thoai thoải thuận tiện, có thể tụt xuống tận những chi tiết nhỏ nhất của thực tiễn".
Còn gì phải nói nữa, cái không khí trong lành ấy mới tốt làm sao: cái bầu không khí dịch bệnh của những căn nhà hầm ở Anh! Cái vẻ đẹp này của thiên nhiên mới tuyệt diệu làm sao: những bộ quần áo rách mướp kỳ lạ của dân nghèo Anh; thân hình răn rúm, cằn cỗi của những người phụ nữ kiệt quệ vì lao động và đói khổ; những đứa trẻ bê bết trong bùn; những thân hình quái dị do lao động cơ khí đơn điệu, quá sức tại công xưởng sinh ra! Những chi tiết nhỏ nhặt nhất ấy của thực tiễn mới mê li làm sao: mại dâm, tự sát và giá treo cổ!
Ngay cả cái bộ phận trong giai cấp tư sản Anh hiểu rõ nguy cơ của tình trạng bần cùng, cũng chỉ nhìn tình trạng này và những phương thức xóa bỏ nó theo quan điểm riêng của mình, nói thẳng ra là theo quan điểm trẻ con và phi lý.
Chẳng hạn, trong tập sách nhỏ của mình, cuốn "Những biện pháp mới nhất về cải tiến công tác giáo dục ở Anh", bác sĩ Cây đã quy tất cả vào việc coi thường những vấn đề giáo dục . Các bạn hãy đoán xem tại sao! Do thiếu giáo dục, công nhân không hiểu được những "quy luật tự nhiên của thương mại , - những quy luật này dĩ nhiên dẫn họ đến tình trạng bần cùng. ấy cũng vì thế mà họ làm loạn. Điều đó có thể " gây trở ngại cho sự hưng thịnh của các công xưởng Anh và cho nền thương mại Anh, làm lung lay sự tin cậy lẫn nhau giữa những nhà kinh doanh, làm suy yếu những cơ sở chính trị và xã hội".
Sự đần độn của giai cấp tư sản Anh và báo chí của nó trong vấn đề tình trạng bần cùng, cái bệnh dịch toàn quốc này của nước Anh, lớn đến như thế đấy.
Như vậy, chúng ta hãy cho rằng những lời mà "Người Phổ" của chúng ta trách cứ xã hội Đức là có căn cứ. Vậy thì sao? Phải chăng nguyên nhân của tình trạng này là tình hình phi chính trị của nước Đức? Nhưng nếu giai cấp tư sản của nước Đức phi chính trị không đủ trình độ để hình dung rằng sự đói nghèo cục bộ là một vấn đề có ý nghĩa chung thì ngược lại, giai cấp tư sản của nước Anh chính trị lại khôn ngoan lảng tránh ý nghĩa phổ biến của nạn đói nghèo toàn diện, - sự đói nghèo đã phơi bày cái ý nghĩa chung của nó bằng cách lặp đi lặp lại có tính chất định kỳ trong thời gian, bằng cách lan tràn trong không gian, cũng như bằng mọi mưu toan vô hiệu nhằm khắc phục tai họa này.
Tiếp đó, "Người Phổ" còn gán cho trạng thái phi chính trị của nước Đức cái tình hình là, vua Phổ cho rằng nguyên nhân của tình trạng bần cùng là sự bất lực của bộ máy hành chính và thiếu sót của hoạt động từ thiện và vì vậy, đi tìm những phương tiện chống lại tình trạng bần cùng trong những biện pháp hành chính và từ thiện.
Phải chăng chỉ riêng nhà vua Phổ mới có quan điểm này? Chúng ta hãy lướt nhìn sang nước Anh, - nước duy nhất có thể nói là đã triển khai một hoạt động chính trị lớn, nhân tình trạng bần cùng.
Pháp chế ngày nay ở Anh về những người nghèo bắt nguồn từ thời đạo luật ban hành năm thứ 43 triều ê-li-da-bét 1). Những thủ đoạn mà pháp chế đó dùng đến là gì? - Là giao trách nhiệm cho giáo khu phải giúp đỡ công nhân nghèo, là khoản thuế để giúp người nghèo, là hoạt động từ thiện do pháp luật điều tiết. Pháp chế này, hoạt động từ thiện này, được tiến hành theo quy chế hành chính, đã tồn tại hai thế kỷ rồi. Sau khi đã trải qua kinh nghiệm lâu dài và đau xót của hai thế kỷ này, nghị viện đứng trên quan điểm nào trong việc tu chỉnh đạo luật về dân nghèo, được phê chuẩn năm 1834?
Trước hết, nó giải thích sự tăng lên khủng khiếp của nạn bần cùng là do "sự bất lực của bộ máy hành chính".
Bởi vậy, người ta tiến hành cuộc cải cách bộ máy hành chính quản lý việc thu thuế để giúp cho dân nghèo. Trước đây, bộ máy hành chính này gồm các quan chức của từng giáo khu nhất định. Bây giờ người ta lập ra những khối gồm khoảng hai mươi giáo khu, thống nhất thành một đơn vị hành chính riêng. Ban thường trực gồm những quan chức do những người đóng thuế bầu ra - Board of Guardians - họp nhau lại vào một ngày nhất định ở trung tâm hành chính của khu và giải quyết vấn đề trợ cấp. Hoạt động của những ban thường trực này do các đại diện của chính phủ - tức là do ủy ban trung ương đặt trụ sở tại Xô-mơ-xết Hau-dơ 108, hay như định nghĩa rất trúng của một người Pháp, do cái bộ bần cùng này - chỉ đạo và kiểm soát. Số vốn do cơ quan này chi phối hầu như ngang với số tiền chi phí cho bộ máy quản lý quân sự ở Pháp. Số chi nhánh địa phương do cơ quan này quản lý lên tới 500, và trong từng chi nhánh địa phương ấy, đến lượt mình, có ít ra là 12 viên chức làm việc.
Nghị viện Anh không tự giới hạn trong một cuộc cải cách hình thức đối với bộ máy hành chính.
Nó đã phát hiện ra căn nguyên tình trạng gay go của nạn bần cùng ở Anh ngay trong đạo luật về người nghèo . Theo nó, thủ đoạn mà đạo luật quy định để chống lại tệ nạn xã hội, hoạt động từ thiện, lại càng làm tăng tệ nạn xã hội. Còn về nạn bần cùng nói chung, thì nạn đó tựa hồ như là một quy luật vĩnh cửu của tự nhiên , phù hợp với thuyết Man-tút:
"Bởi vì dân số luôn luôn cố vượt quá những tư liệu sinh hoạt, cho nên hoạt động từ thiện là một sự ngu xuẩn, là công khai khuyến kích nạn nghèo khổ. Vì vậy, nhà nước chẳng còn gì nữa để làm ngoài việc phó mặc dân nghèo cho số phận riêng của họ, và nhiều lắm thì cũng chỉ làm cho người nghèo chết được dễ dàng mà thôi".
Nghị viện Anh kết hợp cái thuyết nhân ái đó với cái quan điểm về nạn bần cùng với tính cách là nạn nghèo khổ của công nhân, mà dường như bản thân công nhân đã gây ra , và vì vậy, nó coi sự nghèo khổ ấy không phải là một sự bất hạnh cần ngăn ngừa mà là một tội phạm cần đàn áp và trừng phạt.
Thế là xuất hiện chế độ trại lao động, nghĩa là những trại cho người nghèo mà nội quy gây cho kẻ nghèo một sự khủng khiếp đến nỗi họ chẳng muốn tìm đến đó nương tựa dầu có chết đói đến nơi. Trong các trại lao động việc làm phúc quyện chặt một cách khôn khéo với sự trả thù của giai cấp tư sản đối với người nghèo nhờ đến sự làm phúc của nó.
Do đó, nước Anh thoạt đầu cũng đã mưu toan thủ tiêu nạn bần cùng bằng hoạt động từ thiện và những biện pháp hành chính . Sau đó, nó đã nhìn thấy rằng sự phát triển nhanh chóng của nạn bần cùng không phải là hậu quả tất yếu của nền công nghiệp hiện đại, mà ngược lại, là hậu quả của thứ thuế Anh để giúp người nghèo . Nó chỉ coi nạn nghèo đói phổ biến là một vấn đề cục bộ của pháp chế Anh. Cái mà trước kia người ta đã giải thích bằng tình trạng hoạt động từ thiện không đủ , thì giờ đây người ta lại bắt đầu giải thích bằng tình trạng hoạt động từ thiện quá thừa . Cuối cùng, người ta đã xem sự nghèo khổ là lỗi của bản thân những kẻ bần cùng, vì lỗi này mà họ phải chịu trừng phạt.
Cái ý nghĩa phổ biến mà nạn bần cùng đã có được trong nước Anh chính trị , bị giới hạn bởi cái tình trạng là trên bước đường phát triển, nạn bần cùng đã biến thành một thể chế quốc gia bất chấp mọi biện pháp hành chính, và vì vậy dĩ nhiên phải trở thành đối tượng hoạt động của bộ máy hành chính có rất nhiều chi nhánh và rộng lớn. Thế nhưng nhiệm vụ của bộ máy hành chính này không còn là thủ tiêu nạn bần cùng nữa, mà là làm cho nó trở nên có kỷ luật , tồn tại mãi mãi. Bộ máy hành chính này từ bỏ việc ngăn chặn nguồn gốc của tình trạng bần cùng bằng những biện pháp tích cực; nó tự thỏa mãn với việc dùng thái độ mềm mỏng của cảnh sát để đào huyệt chôn nạn bần cùng một khi tệ nạn này nổi lên trên bề mặt của thế giới chính thức. Nhà nước Anh không hề đi xa hơn những biện pháp hành chính và từ thiện, mà trái lại, nó đã tụt lùi một bước lớn. Sự bảo trợ có tính chất hành chính của nó giờ đây chỉ áp dụng cho cái tình trạng bần cùng tuyệt vọng tự để cho mình bị tóm cổ và nhốt vào trong những trại lao động.
Thế là, cho đến nay "Người Phổ" vẫn chưa khám phá ra một cái gì độc đáo trong những biện pháp của vua Phổ. Nhưng tại sao , - nhân vật vĩ đại này thốt lên một cách ngây thơ hiếm có, - "tại sao nhà vua Phổ lại không hạ lệnh tóm ngay lập tức tất cả lũ trẻ bị bỏ rơi để giáo dục?" Tại sao thoạt đầu ngài lại trông vào cơ quan chính quyền và chờ đợi những kế hoạch với kiến nghị của họ?
"Người Phổ" đại thông minh sẽ yên lòng biết rằng trong trường hợp này vua Phổ cũng ít độc đáo như trong mọi việc khác của ngài, và con đường ngài đã chọn cũng là con đường duy nhất có thể có đối với vị nguyên thủ quốc gia.
Na-pô-lê-ông đã muốn thủ tiêu nạn bần cùng ngay một lúc. ông ta đề nghị các cơ quan chính quyền của mình đệ trình những kế hoạch trốc tận rễ nạn bần cùng trong toàn nước Pháp. Việc thảo dự án bị kéo dài. Na-pô-lê-ông sốt ruột; ông viết thư cho bộ trưởng bộ nội vụ của mình là Crê-tê, và ra lệnh cho ông này phải thủ tiêu nạn bần cùng trong vòng một tháng. Na-pô-lê-ông nói:
"Chúng ta không được đi qua trên trái đất này mà lại không để lại đằng sau ta một dấu vết khiến hậu thế phải cảm ơn ta. Đừng đòi tôi cho ba, bốn tháng nữa để thu thập tin tức. ông có những thính giả trẻ, những quận trưởng thông minh, những kỹ sư có học thức trong cục giao thông liên lạc; ông hãy huy động tất cả họ đi; đừng có nằm ngủ trong một công việc bàn giấy bình thường".
Mọi việc đã hoàn thành trong mấy tháng. Ngày 5 tháng Bảy 1808, đạo luật nhằm thủ tiêu nạn bần cùng đã được ban hành. Thủ tiêu bằng cách nào? Bằng những nhà tế bần, những nhà tế bần này chuyển thành những nhà giam nhanh đến nỗi chỉ ít lâu sau người nghèo chỉ rơi vào đấy theo quyết định của tòa án cảnh sát cải tạo . ấy thế mà ngài Nô-ay đuy Ga, ủy viên Hội đồng lập pháp hồi bấy giờ đã thốt lên:
"Mãi mãi ghi ơn vị anh hùng đã cho kẻ túng thiếu nơi ẩn náu và cho người nghèo cái ăn. Trẻ em sẽ không còn bị phó mặc cho số mệnh; gia đình nghèo sẽ không còn bị tước mất nguồn sống, còn công nhân thì sẽ không còn bị bỏ rơi và không công ăn việc làm. Cái cảnh ghê tởm của những thân hình gầy guộc và đói rách nhục nhã sẽ không còn cản bước chúng ta trên các đường phố nữa".
Câu nói vô liêm sỉ cuối cùng là một chút xíu sự thật duy nhất trong toàn bộ lời ca tụng này.
Nếu như Na-pô-lê-ông đã kêu gọi các thính giả, quận trưởng và kỹ sư của mình suy nghĩ, thì tại sao nhà vua Phổ lại không kêu gọi các cơ quan chính quyền của mình?
Tại sao Na-pô-lê-ông không hạ lệnh thủ tiêu ngay lập tức nạn bần cùng? Và câu hỏi của "Người Phổ" cũng ở trình độ như vậy thôi: "Tại sao nhà vua Phổ lại không hạ lệnh tóm ngay lập tức tất cả lũ trẻ bị bỏ rơi để giáo dục?" Liệu "Người Phổ" có hiểu trong trường hợp như vậy, nhà vua ắt phải ra sắc lệnh gì không? Thủ tiêu giai cấp vô sản , không hơn không kém. Muốn giáo dục trẻ em thì cần phải nuôi dưỡng chúng và giải thoát chúng khỏi phải đi kiếm sống . Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em bỏ rơi, tức là nuôi dưỡng và giáo dục toàn bộ thế hệ mới lớn lên của giai cấp vô sản, sẽ có nghĩa là thủ tiêu giai cấp vô sản và nạn bần cùng.
Hội nghị quốc ước đã có lúc dũng cảm ban bố sắc lệnh thủ tiêu nạn bần cùng - thực ra, không phải " ngay lập tức " như "Người Phổ" đòi hỏi đối với nhà vua của mình, mà chỉ sau khi hội nghị đó giao cho ủy ban cứu quốc vạch ra những kế hoạch và những kiến nghị cần thiết, và sau khi ủy ban cứu quốc đã sử dụng được những cuộc điều tra rộng rãi của Hội nghị lập hiến về tình trạng dân nghèo ở Pháp, và thông qua Ba-re, đề nghị lập "Sổ từ thiện quốc gia" v.v.. Quyết định của Hội nghị quốc ước kết quả ra sao? - Kết quả là trên đời có thêm một quy định nữa và chỉ một năm sau Hội nghị quốc ước đã bị những người đàn bà đói kém bao vây.
Nhưng Hội nghị quốc ước là mức tối đa của nghị lực chính trị , của sự hùng mạnh chính trị , và của lý tính chính trị.
Không một chính phủ nào trên thế giới lại thông qua những quyết định về nạn bần cùng ngay lập tức mà không tham khảo ý kiến các cơ quan chính quyền. Nghị viện Anh thậm chí còn cử những đặc phái viên của mình đi khắp các nước châu âu tìm hiểu những phương kế hành chính khác nhau để chống nạn bần cùng. Nhưng các nhà nước có nghiên cứu nạn bần cùng đến đâu chăng nữa thì họ vẫn hoặc giả không vượt quá những biện pháp hành chính và từ thiện , hoặc giả thụt lùi, thậm chí từ bỏ cả tác động hành chính và hoạt động từ thiện.
Nhà nước có thể làm khác đi không?
Nhà nước, - bất chấp những yêu sách do "Người Phổ" đề ra cho vua mình, - không bao giờ coi " nhà nước và cơ cấu xã hội" là nguyên nhân của những tệ nạn xã hội . Nơi có những chính đảng thì mỗi một đảng đều cho căn nguyên của bất kỳ tệ nạn nào cũng do chỗ đảng kia, đảng thù địch với nó, nắm quyền chấp chính chứ không phải là nó nắm. Thậm chí những nhà hoạt động chính trị cấp tiến và cách mạng cũng tìm căn nguyên của tệ nạn trong một hình thức nhà nước nhất định mà họ muốn thay thế bởi một hình thức nhà nước khác, chứ không phải trong bản chất của nhà nước.
Theo quan điểm chính trị, thì nhà nước và cơ cấu xã hội không phải là hai sự vật khác nhau. Nhà nước là cơ cấu xã hội. Nhà nước thừa nhận sự tồn tại của tệ nạn xã hội đến mức nào thì nó cũng coi hoặc giả những quy luật tự nhiên mà không một quyền lực nào của con người có thể xóa bỏ nổi, hoặc giả đời sống riêng không tùy thuộc vào nhà nước, hay những hoạt động không hợp lý của bộ máy hành chính dưới quyền nó - là nguyên nhân gây ra những tệ nạn đó đến mức ấy. Chẳng hạn, nước Anh coi cái quy luật tự nhiên theo đó sự phát triển dân số bao giờ cũng phải vượt quá sự tăng lên của tư liệu sinh hoạt, là nguyên nhân của sự nghèo đói. Mặt khác, cũng nước Anh ấy coi ý chí độc ác của người nghèo là nguyên nhân của nạn bần cùng , cũng giống như nhà vua Phổ đổ nguyên nhân này cho những tình cảm phi Cơ Đốc giáo của người giàu , còn Hội nghị quốc ước thì quy nó cho cách suy nghĩ phản cách mạng, đáng ngờ, của những kẻ sở hữu . Bởi thế, nước Anh trừng trị người nghèo, vua Phổ khuyên nhủ người giàu, còn Hội nghị quốc ước thì chặt đầu bọn sở hữu.
Rốt cuộc, mọi nhà nước đều đi tìm nguyên nhân trong sự kém cỏi ngẫu nhiên hay có dụng ý của bộ máy hành chính, và vì vậy, coi những biện pháp hành chính là phương tiện sửa chữa những khuyết điểm của nhà nước. Tại sao? Chính tại vì hành chính là hoạt động tổ chức của nhà nước.
Muốn xóa bỏ mâu thuẫn tồn tại giữa mục đích của bộ máy hành chính với thiện chí của nó ở một bên, và bên kia là những phương tiện cùng những khả năng mà nó có, nhà nước ắt phải tự xóa bỏ mình, vì rằng chính nó lấy mâu thuẫn này làm cơ sở của mình. Nhà nước được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và đời sống tư, trên mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Vì vậy, bộ máy hành chính buộc phải tự giới hạn trong hoạt động hình thức và tiêu cực; bởi vì ở đâu đời sống công dân và hoạt động công dân bắt đầu thì ở đấy quyền lực của bộ máy hành chính cũng kết thúc. Hơn nữa, đứng trước những hậu quả đẻ ra từ bản chất phản xã hội của đời sống công dân này, của sở hữu tư nhân này, của thương mại này, của công nghiệp này, của sự bóc lột lẫn nhau giữa các giới công dân khác nhau này, - đứng trước tất cả những hiện tượng ấy, đối với bộ máy hành chính, sự bất lực của nó là một quy luật của tự nhiên. Bởi vì tình trạng phân tán này, tình trạng bỉ ổi này, ách nô lệ của xã hội công dân này là cái cơ sở tự nhiên trên đó nhà nước hiện đại được xây dựng, cũng giống như xã hội công dân chiếm hữu nô lệ là cái cơ sở tự nhiên trên đó xây dựng nên nhà nước cổ đại . Sự tồn tại của nhà nước và sự tồn tại của chế độ nô lệ gắn bó với nhau như hình với bóng. Nhà nước cổ đại và chế độ nô lệ cổ đại - những mặt đối lập cổ điển không che đậy này - đã bị cột chặt vào nhau với một mức độ cũng không hơn gì nhà nước hiện đại và thế giới buôn bán hiện đại, với những mặt đối lập Cơ Đốc giáo được tô điểm một cách dối trá này. Muốn xóa bỏ sự bất lực của bộ máy hành chính của mình, nhà nước hiện đại ắt phải xóa bỏ đời sống riêng hiện nay. Mà muốn xóa bỏ đời sống riêng, thì nhà nước ắt phải tự xóa bỏ mình, bởi vì nó chỉ tồn tại như là mặt đối lập với đời sống riêng. Thế nhưng không một sinh vật sống nào lại đi tìm nguồn gốc những thiếu sót của mình trong nguyên tắc của đời sống của bản thân nó, trong bản chất của đời sống ấy; mỗi một người đều đi tìm nguồn gốc này ở những hoàn cảnh nằm ở ngoài đời sống của mình. Tự sát là trái với tự nhiên. Vì vậy nhà nước không thể tin rằng bộ máy hành chính của mình có sự bất lực bên trong, nghĩa là không thể tin rằng chính mình bất lực. Nó chỉ có thể nhận ra những thiếu sót hình thức, ngẫu nhiên của bộ máy hành chính của mình và mưu toan sửa chữa chúng. Và nếu những sự sửa chữa này tỏ ra vô hiệu thì từ đó rút ra kết luận rằng, tệ nạn xã hội là sự thiếu hoàn chỉnh tự nhiên, không phụ thuộc vào con người, là luật trời định, hoặc kết luận rằng ý chí của các tư nhân đã quá hư hỏng để có thể đón những thiện ý của cơ quan hành chính. Và những tư nhân này thật lạ kỳ làm sao! Họ oán thán chính phủ một khi nó hạn chế tự do của họ, và đồng thời lại đòi chính phủ phải tránh cho họ những hậu quả tất yếu của tự do ấy!
Nhà nước càng hùng mạnh, và đất nước do đó càng có tính chất chính trị hơn, thì nó càng ít muốn hiểu biết cái nguyên tắc chung của những tệ nạn xã hội và ít muốn tìm căn nguyên của chúng trong nguyên tắc của nhà nước, nghĩa là trong cơ cấu xã hội hiện nay mà nhà nước là biểu hiện hoạt động, có ý thức và chính thức của nó. Lý tính chính trị là lý tính chính trị chính bởi vì nó tư duy trong khuôn khổ của chính trị. Nó càng sắc sảo và sinh động thì nó càng không thể hiểu được những tệ nạn xã hội. Thời kỳ cổ điển của lý tính chính trị là cuộc cách mạng Pháp. Những anh hùng của cách mạng Pháp không hề đi tìm nguồn gốc những thiếu sót của xã hội trong nguyên tắc của nhà nước, - trái lại, họ coi những thiếu sót của xã hội là nguồn gốc của những hiện tượng thiếu tổ chức về chính trị. Chẳng hạn, Rô-be-xpi-e coi sự bần cùng lớn và sự giàu có đều chỉ là vật chướng ngại đối với nền dân chủ thuần khiết. Vì vậy ông ta muốn xác lập một cách phổ biến cuộc sống giản dị theo kiểu của người Xpác-tơ. Nguyên tắc của chính trị là ý chí. Lý tính chính trị càng phiến diện, và do đó, càng hoàn hảo, thì niềm tin của nó vào tính vạn năng của ý chí càng mạnh, thì nó thể hiện một sự mù quáng càng lớn đối với những giới hạn tự nhiên và tinh thần của ý chí, do đó nó càng ít có khả năng tìm thấy căn nguyên những tệ nạn xã hội. Chẳng cần phải đi sâu vào những lập luận tiếp theo về cái hy vọng vô lý của "Người Phổ" mong rằng "lý tính chính trị có sứ mệnh phát hiện ra gốc rễ của sự đói nghèo của xã hội ở nước Đức".
Mong đợi rằng nhà vua Phổ không những có một sự hùng mạnh mà đến cả Hội nghị quốc ước và Na-pô-lê-ông gộp lại cũng không có, mà còn mong đợi ông ta có những quan điểm vượt quá giới hạn của bất kỳ đường lối chính trị nào, những quan điểm mà bản thân "Người Phổ" đại thông minh cũng không gần gũi hơn một chút nào so với nhà vua của người đó - mong đợi như thế là phi lý. Toàn bộ lời tuyên bố này lại càng phi lý khi "Người Phổ" thừa nhận như sau:
"Những lời tốt và ý tưởng tốt đều là một vật rẻ tiền : sự hiểu biết và những việc làm có kết quả mới là quý giá . Trong trường hợp này, những cái đó còn cao hơn cả sự quý giá: giờ đây tuyệt nhiên không thể với tới chúng được".
Nếu như giờ đây tuyệt nhiên không thể với tới chúng, thì hình như cần phải biết ơn mỗi một người về mọi mưu toan làm những gì có thể làm được trong hoàn cảnh của người đó. Vả lại, tôi xin nhường cho bạn đọc tế nhị giải quyết xem trong trường hợp này có nên liệt kê những từ ngữ con buôn bô-hê-miêng: "rẻ tiền", "quý giá", "cao hơn cả sự quý giá", "giờ đây tuyệt nhiên không thể với tới chúng được", - vào phạm trù "những lời tốt " và "ý tưởng tốt " hay không.
Vậy, chúng ta hãy giả định rằng điều "Người Phổ" đã nói về Chính phủ Đức và giai cấp tư sản Đức, - vì giai cấp này tạo thành một bộ phận của "xã hội Đức", - là hoàn toàn có căn cứ. Phải chăng bộ phận xã hội này ở Đức lại bất lực hơn so với ở Anh và ở Pháp? Phải chăng có thể bất lực hơn so với ở Anh chẳng hạn, nơi mà sự bất lực đã được đề lên thành hệ thống? Nếu như giờ đây những cuộc nổi dậy của công nhân bùng ra khắp nước Anh thì chúng ta sẽ thấy rằng, giai cấp tư sản và chính phủ ở đấy được chuẩn bị cũng không tốt hơn so với phần ba cuối thế kỷ XVIII. Phương tiện duy nhất của họ là sức mạnh vật chất, và vì sức mạnh vật chất này của họ giảm sút theo mức lan rộng của nạn bần cùng và ý thức giác ngộ của giai cấp vô sản, cho nên sự bất lực của Anh nhất thiết phải tăng theo cấp số nhân.
Cuối cùng, cho rằng giai cấp tư sản Đức hoàn toàn không hiểu cái ý nghĩa phổ biến của cuộc nổi dậy ở Xi-lê-di, là không đúng, thực tế là không đúng. Trong một loạt thành phố, thợ cả cố lập những hiệp hội chung với thợ bạn. Tất cả những tờ báo thuộc phái tự do ở Đức, những cơ quan của giai cấp tư sản tự do, đều đầy rẫy những bài viết về tổ chức lao động, về cải cách xã hội, những bài phê phán các độc quyền và cạnh tranh v.v.. Tất cả những cái đó là kết quả của phong trào công nhân. Những tờ báo ở Tơ-ria, ở A-khen, ở Khuên, ở Vê-den, ở Man-hai-mơ, ở Bre-xlau và ngay cả ở Béc-lin, thường đăng những bài hoàn toàn rõ ràng về các vấn đề xã hội, và từ những bài ấy "Người Phổ" sẽ có thể rút ra được một điều gì đó bổ ích. Hơn thế nữa, trong những thư tín từ nước Đức gửi đi, thường xuyên để lộ sự ngạc nhiên về sự chống đối yếu ớt của giai cấp tư sản đối với những khuynh hướng và tư tưởng xã hội.
"Người Phổ" sẽ phải đặt câu hỏi ngược hẳn lại, nếu như ông ta am hiểu lịch sử phong trào xã hội hơn. Tai sao đến cả giai cấp tư sản Đức cũng coi sự đói nghèo cục bộ có ý nghĩa tương đối phổ biến như vậy? Do đâu mà giai cấp tư sản phát triển về mặt chính trị lại nổi giận và có thái độ vô liêm sỉ như thế, và do đâu mà giai cấp tư sản không phát triển về mặt chính trị lại không chống đối như vậy và có những thiện cảm như vậy đối với giai cấp vô sản?