Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Mười ngày ở Huế

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7515 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mười ngày ở Huế
Phạm Quỳnh

Phần II

Cổ ngữ Âu châu có câu: “Trăm con đường đều quay đầu về thành La Mã”. Có ý nói thành La Mã là nơi trung tâm của lịch sử Âu châu đời xưa, đâu đâu cũng qui phục về đấy, muôn sự đều do  đấy mà ra. Cái ánh sáng của văn minh nước La Mã nhóm lên từ đấy mà chiếu khắp thế giới, cái oai quyền của quân đội nước La  Mã dấy lên từ đấy mà trấn áp hoàn cầu; cái then máy của cuộc  thống nhất nước La Mã cũng do tự đấy mà vận động ra suốt cõiÂu  Châu. Từ xưa đến nay phàm nước nào đã có một cuộc lịch sử lâu  dài đều có một nơi trung tâm như thế: nước nào cũng có một thành  La Mã vậy. Thành La Mã của Việt Nam ta là ở đâu? Tức là nơi Đế đô bây giờ, đất Thuận Hóa khi xưa, kinh thành Huế ngày nay vậy.
Lấy lịch sử mà xét, lấy địa thế mà chứng, lấy cái tình thế chính trị ngày nay mà chiêm nghiệm, lấy lòng khuynh hướng quốc  dân sau này mà dự đoán, thành Huế thực là chốn căn cứ, nơi yếu  điểm của giống Việt Nam, xưa đã nhờ đấy mà gây dựng nên bờ cõi,  nay lại nhân đấy mà nói lên cái tư cách mộtdân quốc hoàn toàn.  Ôi! Phàm đã gọi là một dân quốc không thể giây phút thiếu cái tư  tưởng, cái tinh thần một dân quốc. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy gọi  một tên tức là cái quốc hồn vậy. Quốc hồn của Việt Nam ta ngày  nay phải tìm ở đâu cho thấy? Thiết tưởng phi ở Huế không đâu  thấy vậy.
Ấy trước khi bước chân xuống đất Huế, cái tư tưởng tôi triền  miên như vậy. Tôi chưa biết Huế tôi đã yêu Huế rồi, yêu vì cái  nghĩa cao thượng nó ngụ ở trong cái tên ấy, yêu vì cái cảm tình vô  hạn nó chan chứa trong lòng tôi. Bình sinh tôi học vấn được đến  đâu, cảm giác được đến đâu, tư tưởng được đến đâu, hy vọng được đến đâu, bấy giờ tựa hồ như con sông vỡ đê mà tràn ngập cả trong  tâm giới tôi vậy.
Đương mộng tưởng mơ màng thì xe hỏa dừng trước nhà ga  Huế. Sực tỉnh trong bụng nửa mừng mà nửa lo. Mừng rằng nay đã tới nơi rồi, lo rằng không biết sự thực có xứng với cái mộng không,  hay là quen thói thường chỉ đủ khiến cho mình thất vọng...
Thường câu đọc trong sách Đại Nam nhất thống chí, thiên  Kinh sư, có tả địa thế cùng lược lịch sử nơi kinh thành Huế như  sau này:
“Chốn Kinh sư gồm cả núi bể trong nước mà ở vào giữa  khoảng Bắc Nam, khí hậu hòa bình, sơn thủy kỳ tú. Đường bể thì  có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền làm hiểm, đường lục thì có ải  Quảng Bình, ải Hải Vân làm trở. Sông nhớn bao mặt trước, núi cao  chắn mặt sau. Ba nguồn Bồ Trạch bọc bên tả bên hữu. Đầm Tam  Giang, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung làm then làm chốt. Thực  là một nơi hổ chồm rồng cuốn, địa thắng hình cường; đất hiểm yếu  của giời đất, làm thượng đô cho đế vương. Kể từ khi nước Nam  dựng nước, thuộc về nhà Trần là đất Thuận Hóa, thuộc về nhà Lê  là Thuận Hóa thừa tuyên, đều xưng là nơi trọng trấn. Về Bản  Triều, đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế chịu mệnh Giời mở nền nước ở cõi Nam, trước đóng ở Ái Tử, sau đi ra Trà Bát (tên làng thuộc  tỉnh Quảng Trị, huyện Đăng Xương, lại đi ra phía đông Ái Tử nữa  ở nơi gọi là Cát Doanh). Đức Hi tôn Hiếu Văn Hoàng đế lại tự Cát  Doanh đi ra Phúc An (tên làng, thuộc huyệnQuảng Điền). Đức  Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế lấy nơi Kim Long là đất có hình  thế, đổi ra đóng đấy. Đức Anh tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế lại dịch ra  Phú Xuân (Kim Long Phú Xuân đều là tên làng). Đức Thế tôn  Hiếu Võ Hoàng đế chia đất trong cõi làm 12 doanh. Ở Phú Xuân  thì gọi là Chính doanh,lại xưng là Đô thành. Đều là đất Thuận  Hóa vậy. Phía Bắc cưỡi lên sông Gianh, phía Nam gồm đất Chân  Lạp, Liệt Thánh tương truyền hơn hai trăm năm. Năm Giáp Ngọ đời đức Duệ tôn Hiếu Định Hoàng đế, quân Trịnh đến chiếm. Sau  bị giạc Tây Sơn trộm giữ trong ba mươi năm. Kịp đến đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta dấy lên như rồng như mây, thay Giời dẹp giặc,  mùa thu năm Mậu Tuất thu phục thành Gia Định, mùa hạ năm  Tân Dậu khắc phục chốn cựu kinh, mùa hạ năm Nhâm Tuất bắt  tướng giặc ở cõi Bắc; từ đó gồm An Nam nhất thống dư đồ, bờ cõi mênh mông, nam tới Tiêm La Chân Lạp, bắc giáp nước Tàu, đông  đến bể, tây đến Ai Lao. Giở về đất cũ, mở rộng thêm ra, định đô ở Phú Xuân, từ đấy mới xưng là Kinh sư vậy. Đặt phép tắc, định  triều cống, như cái nóc nhà cao hơn cả, bốn bề đều quay về đấy,  như ngôi sao Bắc đẩu tôn hơn cả, trăm sao đều chầu chung quanh.  Cái nền vững vàng thịnh vượng của nước nhà trong ức vạn năm  thực là ở đấy vậy. Rực rỡ thay! Vẻ vang thay!"
Lấy cái cảm giác nhà ái quốc mà đọc những nhời đó, trong  lòng hứng khởi biết chừng nào! Người vô tình cho là nhời văn  chương hư sức, mà người có cảm với nước nhà qua câu văn hình  như trông thấy cái hồn trong nước sinh trưởng ở vùng Thuận Hóa  Phú Xuân nơi đất cũ vậy.
Tôi vốn không tin cái thuật địa lý của bọn thầy vườn lấy  đống đất giữa đồng, ngòi nước bên ruộng làm ngai rồng tay hổ.  Nhưng tôi tin những nơi sơn thủy kỳ tú có ảnh hưởng đến vận  mệnh một nước. Người ta đối với cái ngoại cảnh không phải là không có quan hệ. Người đồng bằng biệt ra tính cách đất đồng  bằng, người rừng núi biệt ra tính cách nơi rừng núi; thói ăn cách ở,  đường sinh kế, lối tư tưởng, không gì là không tùy theo cái ngoại  cảnh mà khác nhau. Huống chi là những bậc đế vương mở đất  dựng nước, những nơi sông núi xinh đẹp lại không có quan hệ với  cái lòng hoài bão nhớn nhaohay sao? Liệt Thánh bản triều ta đặt  nền Đại Việt ở đất Phú Xuân thực đã dự tưởng mà biết cái cơ đồ vĩ  đại về sau vậy.
Người khách mới đến thành Huế tưởng như bước chân vào  bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp  hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao la,  thâm nghiêm kín cổng. Cái phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là thứ nhất  bởi con sông Hương Giang. Con sông xinh thay! Hà Nội cũng có sông Nhị Hà, mà sông Nhị với sông Hương khác nhau biết chừng  nào! Một đằng ví như cô con gái tươi cười, một đằng ví như bà lão  già cay nghiệt. Nhị Hà là cái thiên tai của xứ Bắc, Hương Giang là cái châu báu của xứ Kinh. Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ,  ít khi có tị sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần. Nhưng đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa,  cái cảnh mới thực là toàn xinh. Ngự Bình không phải là một núi cao như núi Phú Sĩ nước Nhật, Hương Giang không phải là một  sông rộng như sông Hoàng Hà nước Tàu, nên nói rằng sông ấy núi  ấy làm hiểm trở cho chốn Đế kinh thì cũng là nói quá, nhưng sông  ấy núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ Huế vậy. Vả cái khí vị của  phong cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí  vị mĩ diệu; cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường,  đáng yêu mà không phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng. Phải nhận kỹ như thế thì mới khỏi nhầm mà hiểu được  tinh thần của cái bức sơn thủy hiển nhiên ấy.
Khi mới bước chân vào một xứ lạ, cái gì nó cảm mình trước  nhất là cái cảnh ngoài. Có cái cảnh ưa người, như tươi cười mà đón  khách, có cái cảnh ghét người như hẩm hiu mà mới gượng, lại có lắm cái cảnh vô tình, mình hỏi không thèm đáp, phần đó là phần  nhiều. Cảnh Huế là một cảnh rất ưa người, ngoài mặt mới tiếp xúc  trong lòng đã sinh cảm tình. Hay là lòng tôi đã nhiệt thành sẵn  mà dễ cảm như thế? Cũng có nhẽ, nhưng bởi cái tinh thần riêng  của phong cảnh cũng nhiều.
Nay đã có cảm tình với cảnh Huế, phải gây lấy mối cảm tình  với người Huế nữa. Đó là cái công việc tôi trong mấy ngày về sau  này.
Cái mục đích cuộc du Kinh của tôi là chủ xem tế Nam Giao.  Vậy trước nhất hẵng xin thuật chuyện Giao.
Tế Giao đính nhật đêm ngày 12 rạng 13 tháng 2 an nam (tức  là 24-25 tháng 3 tây). Tôi tới Kinh từ ngày mồng 9, có ý sớm mấy  bữa để xem cái cảnh tượng trong phố phường cùng cách trần thiết  ở Giao Đàn. Mấy ngày ấy thành Huế tấp nập những kẻ đi người  lại. Hai bên đường Hoàng Thượng sắp ngự qua từ Nội thành đến  Giao Đàn đương làm rạp đặt hương án. Những hương án đó là do  các thôn xã mấy huyện ở gần Kinh đô, mỗi làng phải đặt một sở,  nghe nói cả thảy mấy trăm sở. Nhất là con đường thẳng lên Nam  Giao hai ngày 10-11 đi dạo chơi không cảnh gì vui mắt bằng: cờ xanh, cờ đỏ, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành, các hạng cờ cắm san sát  hai bên đường, gió thổi bay cả về một hướng, xa trông phấp phới,  tưởng tượng như con hoàng long ở dưới đất nổi lên mà mỗi lá cờ là một cái vẩy đương rung động vậy! Hương án liên tiếp nhau, cách  vài thước lại một cái, không có khoảng nào bỏ không. Mỗi sở có mấy viên ký-mục ngồi túc trực. Sau lưng những hàng quán dựng  lên nhan nhản. Giữa đường kẻ đi người lại như nước chảy, nào là người phục dịch về Giao Đàn, về các hương án, nào là dân các nơi  lại xem, đàn bà con trẻ cũng nhiều. Tôi có ý nhận những đám đông  người ở đây rất nghiêm, không những như ngoài Bắc. Lính cảnh  sát có ít mà trên đường vẫn có trật tự, không hề thấy đám đánh  nhau chửi nhau, ồn ào rộn rịp, thứ nhất là không có cái tiếng rất  khả ố là tiếng cập kè của bọn sẩm chợ, như những khi hội hè ở ngoài ta.
Cái vui của người dân đây nghiêm mà không nhả. Đại để dân  xứ Huế rất có lễ phép, dù bậc hạ lưu cũng vậy. Xem đó đủ biết là gần cái phong hóa của Triều đình. Ngoài ta không hạng người nào  bại liệt bằng hạng phu xe: ở Huế bọn phu xe cũng có lễ phép,  không hề nói tục nói láo bao giờ. Cái nhân phẩm của phu xe Huế,  còn cao hơn phu xe Hà Nội gấp mấy lần vậy.
Ngày 11 ta, giao đàn trần thiết đã chỉnh bị cả. Chiều hôm ấy  tôi cùng với ông Chương Dân lên xem khắp mọi nơi, muốn thu  trước lấy cái địa đồ vào trong mắt để khi xem tế cho tường hơn.  Xin thuật đại khái như sau này.
Giao đàn ở giữa cánh đồng, rộng ước bằng hai Văn Miếu Hà Nội. Ngày thường là cái đàn không, không có nhà cửa gì cả; khi tế mới căng vải dựng nhà, tế xong lại triệt đi. Đàn chia làm bốn  thành: thành thứ nhất cao hơn cả là viên đàn, thành thứ nhì thấp  kém là phương đàn, thành thứ ba thấp kém nữa, đến thành thứ tư  là khoảng đất bao chung quanh, bằng với mặt đất ngoài, giồng  toàn thông cả. Khi tế thì chỉ trần thiết trong ba đàn thứ nhất thứ nhì thứ ba mà thôi. Đàn thứ nhất là viên đàn thì căng vải xanh  khắp cả, làm thành cái nhà tròn, gọi là thanh ốc. Trong bầy như  sau này: ở giữa đặt hai án chính vị, tả thờ Thiên Hoàng (Giời), hữu  thờ Địa kỳ (Đất), đều quay mặt về phía Nam. Ở hai bên thì tả hữu  mỗi bên đặt ba án phối vị, đông tây đối nhau. Tả nhất án thờ đức  Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (tức là đức Nguyễn Hoàng, tổ bản triều);  hữu nhất án thờ đức Thế tổ Cao Hoàng đế (tức là đức Gia Long); tả nhị án thờ đức Thánh tổ Nhân Hoàng đế (tức là đức Minh Mệnh);  hữu nhị án thờ đức Hiến tổ Chương Hoàng đế (tức là đức Thiệu  Trị); tả tam án thờ đức Dực Tôn Anh Hoàng đế (tức là đức Tự Đức); hữu tam án thờ đức Cảnh Tôn Thuần Hoàng đế (tức là đức Đồng Khánh). Đức Đồng Khánh mới thăng phối năm nay là lần  đầu, Hoàng thượng đã ký cáo trước ở Giao Miếu từ ngày mồng 1  tháng 2. Trước bấy nhiêu án đã kể trên đó, mỗi án có đặt năm cái  bàn độc để bầy những đồ tự khí tế phẩm. Ở trước chính vị ngay  giữa, đặt một cái nội hương án, trước nội hương án là chỗ Hoàng  thượng đứng làm lễ. Ấy đại khái trong thành thứ nhất trần thiết  như thế.
Thành thứ nhì thì ở trước viên đàn về mặt nam dựng một cái  nhà vuông căng vải vàng, gọi là hoàng ốc. Ở chính giữa hoàng ốc  đặt một cái ngoại hương án (đối với nội hương án ở đàn trên), trước  án đặt chỗ ngự bái để Hoàng Thượng đứng tế. Hai bên tả hữu  thành thứ nhì đặt tám cái án gọi là tùng đàn, đông tây đối nhau.  Trên đàn bắc khung căng vải, mỗi án đặt ba cái bàn độc để bầy đồ tự khí tế phẩm, trước án đặt chỗ để các quan phân hiến đứng tế.  Tả nhất án thờ Đại Minh chi thần (Mặt Giời); hữu nhất án thờ Dạ Minh chi thần (Mặt Giăng); tả nhị án thờ Chu thiên tinh tú chi  thần (các vì sao trên giời); hữu nhị án thờ Sơn hải giang trạch chi  thần (các núi sông); tả tam án thờ Vân vũ phong lôi chi thần (mây  mưa gió sấm); hữu tam án thờ Khưu lăng phần diễn chi thần (gò đống đồng điền); tả tứ án thờ Thái tuế nguyệt tướng chi thần (thần  các năm các tháng); hữu tứ án thờ Thiên hạ thần kỳ chi thần  (bách thần trong nước).
Thành thứ ba góc đông nam đặt nơi liệu sở, trữ sẵn củi bằng  gỗ tùng để khi tế đốt lửa làm đình liệu, góc tây bắc đặt nơi ế sở là chỗ đem chôn mao huyết những con sinh vật dâng tế. Trước mỗi sở có đặt cái bàn độc, che tàn lọng. Về phía đông lại đặt nhà đại thử,  căng vải vàng, che mành màu sắc vàng, để làm chỗ khi Hoàng  Thượng ngự tới Giao Đàn vào nghỉ đấy, rửa tay, sửa áo, rồi mới lên  làm lễ. Về phía nam, ngay ở sân dưới thềm, hai bên bầy các đồ nhạc khí. Ngoại những trống, chuông, chiêng, khánh, là đồ thường, còn có nhiều các đồ cổ nhạc lạ lắm. Nhất là có một cái  trống bằng gỗ, hình như cái hòm hổng mặt trên, khi nào bắt đầu  một khúc hát thì đánh vào đấy một hồi: gọi là cái chúc tỵ. Lại có cái ngữ ty, hình con hổ nằm trên cái hòm, trên lưng thủng đặt  mười tám miếng gỗ ken liền với nhau, khi hát xong một khúc lấy  cái que siết vào thành tiếng quẹt quẹt. Những đồ cổ nhạc ấy không  ra thanh âm gì cả: ý giả chế ra đó để cho hợp cổ lễ mà thôi. Lại có thứ như đàn cầm đàn sắt nhớn, cái sáo bài tiêu, chỉ bầy mà khi tế không dùng đến. Cạnh những đồ nhạc khí thì phường nhạc  phường hát sắp hàng đứng hai bên. Phường hát tức là phường  múa, vừa hát vừa múa, theo lối gọi là múa bát dật. Cả thảy có 128  người, chia làm hai ban văn sinh và võ sinh, mỗi ban 64 người, có một thầy đội bát phẩm coi, bên văn là hiệu cờ mao, bên võ là hiệu  cờ tinh. Văn sinh võ sinh đều mặc áo xanh, nhưng bên văn thì tay  áo rộng, bên võ thì tay áo hẹp. Văn sinh tay trái cầm cái thược (cái  sáo), tay phải cầm cái vũ (cái gậy); võ sinh tay trái cầm cái can (cái  mộc), tay phải cầm cái thích (cái búa). Khi tế thì vừa múa vừa hát,  sắp làm 8 hàng 8 người một, bên võ hát khúc Võ thiên uy, bên văn  hát khúc Văn thiên đức.
Xét kỹ những tế khí bầy trên các bàn độc cũng là thuần cổ cả. Thường đọc trong sách cũ thấy những tên cái tôn, cái tước, cái  biên, cái đậu, cái phủ, cái quỉ, nay mới được trông, cái thì tròn, cái  thì vuông, cái thì cao, cái thì thấp, hình dáng rất lạ. Những đồ ấy  dùng để đựng các thứ nước rượu, thóc gạo, hoa quả, rau dưa, thịt  cá, mỗi thứ một ít, để dâng tế thần. Lại cây đèn, bộ đỉnh, cái ống  hương, cái mâm bồng, cái đài, cái chén, không gì là không có cái vẻ cổ lỗ và mộc mạc.
Tôi muốn về Kinh để xem phong thể cũ nước nhà, nay thật  được thỏa thích. Nội trong Giao Đàn không có một đồ vật gì là không cũ; những người hành động trong ấy, ăn bận mũ áo xưa,  trông cũng rất là cổ. Khi mặt giời đã xế, một mình đứng giữa đàn  rộng mênh mông, mơ màng tưởng như tinh thần đương mộng du ở một nơi thế giới nào khác, tự mười lăm hai mươi thế kỷ về trước, ở đâu nơi triều đình nhà Hán hay cung điện nhà Đường vậy. Người  đời tàu bay tàu lặn mà trong giây phút được nhác trông một cái  cảnh tượng đời thượng cổ như thế, còn gì khoái lạc bằng!
Xem xong Giao Đàn, xem đến Trai cung là nhà Hoàng  Thượng ra trai giới ở đấy một ngày trước khi hành lễ. Cung ở ngoài đàn, xa xa về bên hữu; chung quanh xây tường. Trong cung  có hai mặt: mặt trước về hướng nam có cái sân rộng, là chỗ Hoàng  Thượng ngự để bách quan triều yết và làm lễ mừng sau khi tế xong. Mặt sau có buồng the, giường sập, bàn ghế, mùng màn, để làm chỗ Hoàng Thượng nghỉ ngơi. Sau cung có hai bên tả lang hữu  lang để thị vệ túc trực. Bốn bề đều giồng rặt những cây tùng, um tùm rậm rạp. Những cây gần cung là phần nhiều của Liệt Thánh  đời xưa giồng, lắm cây đã cao và to lắm. Ra ngoài một ít là những  cây của các Hoàng thân Vương công giồng. Còn ngoài xa là cây của  các quan đại thần. Người nào giồng đều có cái biển đã khắc tên  hàm cùng năm tháng, buộc vào cái vòng bằng sắt treo lên trên cây.  Nhìn qua một lượt mà sực nhớ đến bao nhiêu những bậc danh  thần đại công của Triều đình ta, người thì mất đã lâu dựng nên  công nghiệp nhớn cho nước nhà, người thì mới mất tiếng thơm còn  lừng lẫy trong châu quận, người thì hãy còn hoặc đương giúp  Thánh triều, hoặc đã về hưu nơi cố quận, thanh giá kẻ khen người  trọng. Cũng là một cách kỷ niệm rất có ý nghĩa vậy. Đại để ngày  nay những cây to đến một ôm, cao đến ngất giời, là những cây gieo  hạt tự đời Gia, Minh, Thiệu, Tự vậy. Khoảng đất ở sau cung là những cây tùng mới giồng, mới cao được độ một thước hay hơn một  thước ta, nhìn biển xem thì là những cây của các bậc đường quan  ngày nay từ tứ phẩm giở lên vậy.
Ngày 12 là ngày Hoàng Thượng ngự giá ra Trai cung. Từ sáng sớm trong thành phố đã tấp nập những người đi xem, giời  nắng ráo sáng sủa trông thực là vui vẻ. Tám giờ sáng ở cửa Ngọ môn nổi chín tiếng súng. Ngự giá từ cửa Đông nam trong thành  ra, tiền hô hậu ủng, nghi vệ rất nghiêm mà rất thịnh. Thực là một  cảnh tượng mắt tôi chưa từng được trông bao giờ. Đám nhiều đến  hơn nghìn người, dài đến ngót một cây lô mét. Cờ quạt, tán lọng,  gươm giáo, voi ngựa, đồ nghi trượng, đồ lộ bộ, trống chuông, các  phường nhạc, cho đến những đồ ngự dụng, ngự liễn, ngọc kỷ, xe  ngựa, xe tay, không thiếu tí gì. Hoàng Thượng thì ngồi trong loan  giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng; các hoàng thân vương công cùng  các quan văn võ mặc triều phục đi theo sau. Đương khi đi chỉ đánh  trống, còn quân nhạc, đại nhạc, nhã nhạc, có đem mà không cử.  Gần cuối đám lại có mang một cái tượng bằng đồng gọi là đồng  nhân. Tượng hình người, hai tay cầm cái biển khắc hai chữ Trai  giới. Hỏi ra thì là do một tích cũ bên Tàu ngày xưa, có người trông  thấy ở dưới bể hiện lên một pho tượng đồng, sắc xanh xanh, sáng  như ngọc, trong bụng đựng toàn nước trong. Từ đấy dùng tượng  đồng để biểu sự thanh tịnh trai giới. Tượng mang đi đây là để đặt  trong Trai cung trước mặt Hoàng Thượng để ngài nhìn mà tâm  niệm về sự trai giới trước khi hành lễ. Ngự giá tự cửa Đông nam ra, đi qua cầu Thành Thái, phố Tràng Tiền, cầu Phủ Cam, rồi đi  thẳng vào đường Nam Giao. Nhất khi chẩy qua cầu Thành Thái,  đứng bên bờ sông trông rất là ngoạn mục; cờ tán phấp phới, trống  đánh rập rình, như con rồng dài lượn trên mặt nước vậy. Cạnh các  hương án đặt hai bên đường, những kỷ lão đã quì sẵn, đợi khi ngự giá đi qua thì cúi lạy. Người dân đứng xem bên bờ đường cũng bỏ nón ngồi thụp xuống. Khi giá đến Trai cung, thì những hoàng thân  vương công, cùng quan văn tự ngũ phẩm, quan võ tự tứ phẩm giở lên đều mặc triều phục quì đón ở trước sân Trai cung. Còn quan  văn tự lục phẩm, quan võ tự ngũ phẩm giở xuống thì quì đón ở ngoài cửa bắc Giao Đàn. Phụng Hoàng Thượng vào Trai cung nghỉ  ngơi rồi, bách quan mới lui về.
Trưa hôm ấy tôi nhận được giấy tòa Khâm sứ cho phép vào  Giao Đàn xem diễn nghi từ 4 giờ đến 6 giờ chiều. Khi ấy thì được  lên tận viên đàn xem, chớ đến khi tế có Hoàng Thượng ngự thì  nghiêm cấm không ai được vào. Nên buổi chiều hôm ấy các quan  tây các bà đầm đến xem đông lắm. Diễn nghi tức là tế thử, vì lễ thức phiền phức, phải tập trước cho đến khi hành lễ các quan cùng  viên chức dự tế khỏi nhầm nhật. Nghi tiết cũng y như khi tế thực,  chỉ khác không thắp hương lửa, không đọc chúc văn mà thôi; các  quan bồi tự cũng bấy nhiêu ông, chỉ trừ chủ tế là một ngài Khâm  mạnh thay Hoàng Thượng. Vậy hình thức thì đủ cả, duy kém có cái vẻ chân hoạt, nên xin để dưới này sẽ thuật.
Đêm hôm ấy trên Giao Đàn đèn thắp như sao sa. Bấy giờ mặt giăng đã lặn, trông lại càng sáng lắm. Nhưng trong cái vẻ rực  rỡ ấy có cái ý nghiêm túc ở đấy. Tưởng như lúc ấy đứng trên ngọn  núi cao nào mà nhìn xuống, thì ngờ là một cõi Thiên quốc ở chốn  nhân gian vậy. Ngoài đàn thì kẻ đi người lại tấp nập, trong đàn thì  lặng lẽ như không.
Hai giờ sáng tôi tới Giao Đàn. Vẫn biết rằng hôm nay  nghiêm cấm không mấy người được vào, vả tòa sứ cho giấy vào  xem diễn nghi hôm trước, tức là có ý để hôm sau khỏi đến nữa.  Song đã mang cái tư cách nhà báo, không có nhẽ đến hồi trọng yếu  nhất trong bài kịch mà mình lại vắng mặt ở nơi diễn đàn. Nhưng  làm thế nào cho các thầy lính canh cửa (vừa lính ta vừa lính tây)  hiểu được cái nghĩa vụ của nhà báo như thế? Khó lắm thay! Vậy  tôi cứ đường đột vào. Đến chặng canh thứ nhất mấy thầy lính ta hỏi: “Ông đi đâu? ” Tôi nói: “Tôi vào có việc, đã có giấy quan Khâm  đây”. Tôi đưa cho xem cái giấy phép chiều hôm trước, chắc rằng  các thầy chẳng hiểu chữ chi chi. Quả nhiên soi vào đèn thấy chữ tây cả, giả lại tôi, rồi cứ để cho vào. Cách mấy thước lại gặp thầy  lính tây bồng súng đứng đấy. Thấy tôi vào nói: “Không được vào!”.  Tôi nói: “Đã có phép đây”. Tôi lại chìa cái giấy kia ra. Chỗ ấy bóng  cây tối, thầy nhìn mãi không đọc ra chữ gì, sau nhận sắc giấy nói:  “Phải có giấy đỏ mới được vào, giấy trắng không được”. Tôi nghĩ  ngay một kế nói liền: “Tôi đi theo quan Toàn quyền ngài sắp tới,  đây là giấy phép riêng, phải để tôi vào mới được”. Thầy ngần ngại  một lúc, rồi trao lại tôi cái giấy, cứ để cho vào. Thế là thoát nạn!  Vào đến đệ nhị thành gặp cụ Thượng Công, bữa trước tôi đã vào  hầu ở bộ. Cụ giữ nói chuyện một hồi lâu, rồi cho phép đứng ngay  đấy xem. Bấy giờ nhìn trước nhìn sau, trừ những người có phần  việc ở Giao Đàn, không thấy ai là người ngoài được vào xem cả,  mới biết rằng buổi đó thực là một sự hạnh ngộ cho mình vậy. Đến  sau bên mình đứng chỉ thấy thêm có vài ba ông tây nữa, còn bên  kia thì có quan Toàn quyền, quan Nguyên súy, quan Khâm sứ với  mấy quí quan đi theo. Các ngài thì được lên tận viên đàn xem, còn  mình thì cứ đứng ở đệ nhị đàn đó cũng đủ thu được cái chân tướng  đêm hôm ấy.
Lúc bấy giờ trong Giao Đàn có cái vẻ nghiêm tĩnh vô cùng,  như trước khi sắp sẩy ra một sự gì rất quan trọng, ai nấy đều  ngóng trông. Không có tiếng người nói, không có tiếng dế kêu. Chỉ  chốc chốc nghe tiếng lung linh như những miếng đồng nhỏ đập vào  nhau: ngoảnh lại thì là một ông quan mặc triều phục, đeo ngọc bội  làm bằng những miếng đồng buộc với nhau (vua thì bằng ngọc  thật), lúc đi dập vào chân mà thành tiếng. Người ấy, cảnh ấy, thời  khắc ấy, khí vị ấy, lại thêm bốn bề đuốc đốt rực giời, ngoài xa rừng  thông mù mịt, bút nào mà tả cho được cái ảnh tượng mơ màng như  trong thơ trong mộng đời cổ xưa vậy?
Đúng 2 giờ 40 phút thì Ngự giá tự Trai cung ra Giao Đàn. Do  cửa bên hữu vào, xuống xe, tiến đến nhà Đại thử. Tôi đứng đệ nhị  đàn trông rõ lắm. Hoàng Thượng đội mũ miện, mặc áo cồn, tay  cầm ngọc trấn khuê (tức là cái hốt bằng ngọc), có hai ông quan võ cầm quạt lông che, bốn ông cầm đèn lồng, cầm nến, rồi mấy ông đi  theo sau nữa. Ngài ngự vào nhà đại thử làm lễ quán tẩy (rửa tay).
Bấy giờ quan cung đạo (tức là quan Lễ bộ) quì tâu rước ngài lên  nhà hoàng ốc. Trống chuông nổi lên Hoàng Thượng tiến vào đứng  trước ngoại hương án. Phàm các lễ tiết là do những quan nội tán  xướng tâu, Hoàng Thượng cứ y nhời mà hành lễ. Lại có những  quan thông tán truyền tán xướng to lên để các quan bồi tự ở ngoài  cùng các quan phân hiến ở các tùng đàn cũng theo mà làm lễ. Vậy  mỗi tiết kể sau này là có nhời xướng cả. Bấy giờ nghe xướng:  “Phần sài! Ế mao huyết!” (Nghĩa là đốt lửa thui trâu, và chôn lòng  máu), thì trông thấy ở góc đàn thứ ba lửa cháy lên ngùn ngụt. -  Hoàng Thượng lễ bốn lạy ở trước ngoại hương án gọi là lễ “nghênh  thần”. Ngoài sân phường ca hát khúc An thành, vừa múa, vừa hát.  Đương đêm thanh vắng, hơn một trăm con người đồng thanh hát  lên, nghe rất là cảm động, tưởng thấu đến tận giời cao đất thẳm,  mà xa đưa tới đứng Thiên Hoàng Địa ký cái tấm lòng thành của cả một dân một nước. Những khúc hát đó bằng chữ cả, đứng xa chỉ  nghe thấy tiếng hề! Ở cuối câu: ế... hề, hêề, hêêề!..., giọng rung  rinh cho hợp với điệu múa Hát xong, phụng Hoàng Thượng lên  viên đàn làm lễ “điện ngọc bạch” (dâng ngọc lụa). Tấu khúc Triệu  thành, cũng hát múa như trên kia. Rồi làm lễ “tiến trở” (dâng cái  mâm con trâu thui). Tấu khúc Tiễn thành - Lại phụng Hoàng  Thượng lên trước chỗ chính hiến, làm lễ “sơ hiến” (dâng rượu lần  thứ nhất). Tấn khúc Mĩ thành. Phường bát dật múa dưới dân bằng  cái can, cái thích, theo điệu võ -Phụng Hoàng Thượng quì. Quan tư  chúc đọc bài chúc văn. Đọc xong Hoàng Thượng về nơi bai vị Bấy  giờ các quan phân hiến mới lên các tùng đàn, đứng trước tám án ở hai bên đông tây quì làm lễ “hiến bạch” (dâng lụa) và “hiến tước”  dâng rượu) -Lại phụng Hoàng thượng lên trước chỗ chính hiến,  làm lễ “á hiến” (dâng rượu lần thứ hai). Tấu khúc Thụy thành.  Phường bát dật múa bằng cãi vũ, cái thược, theo điệu văn - Kế sau  làm lễ “chung hiến” (dâng rượu lần sau cùng). Tấu khúc Vĩnh  thành Dàn nhạc dứt tiếng, phường múa lui về. Phụng Hoàng  Thượng lên trước chỗ ẩm phúc, làm lễ “ẩm phúc” và “thụ lộ” (nghĩa  là uống chén rượu cúng, nhận miếng thịt cúng). Thế là lễ thành.  Các quan làm lễ “triệt-soạn”, nghĩa là cất những đồ cúng xuống.  Tấu khúc Nguyên thành. - Phụng Hoàng Thượng xuống đàn. Đến  trước ngoại hương án ở đệ nhị thành, Hoàng Thượng lễ bốn lạy để tống thần. Tấu khúc Hi thành - Phụng Hoàng Thượng ra chỗ vọng  liệu để xem đốt tờ chúc văn cùng các đồ bạch soạn. Tấu khúc Hựu thành - Lại phụng Hoàng Thượng về chỗ bái vị. Lễ xong quan  Cung đạo đưa Hoàng Thượng tự trên đệ nhị thành xuống cửa nam,  ra cửa bên tả, rồi mời Ngài lên loan giá về Trai cung. Ra đến cửa  tây đàn, tấu khúc Khánh thánh. Nghe đâu khúc này là bọn đồng  ấu hát, nên nghe hay lắm. Tiếng thanh thanh, xa xa, văng vẳng,  như trên cung giăng hát khúc Quảng Hàn vậy. Rõ ra cái giọng vui  vẻ tơi bời, mừng rằng đại lễ đã thành, Thánh chúa đã làm trọn cái  thiên chức đối với Giời, đối với dân, mà từ nay nhờ đức trên phúc  Giời sẽ giáng cho lũ dân Nam Việt vậy.
Bấy giờ ước 4 giờ rưỡi sáng. Từ khi khai tế cho đến khi tế xong, cả thảy hai giờ đồng hồ.
Trên kể đó là nói cái đại khái mà thôi. Còn như lễ vật nhiều  ít thế nào, mũ áo khác nhau thế nào, cùng các quan bồi tự khi lên  khi xuống thế nào, ca công nhạc công khi tấu khi dứt thế nào, thì  phiền tế lắm, không thể biết hết được, không thể nhớ hết được, mà cũng không thể thuật hết được.
Buổi sáng hôm ấy có triều yết trong Trai cung, nhưng người  ngoài không được vào xem. Nghe nói Hoàng Thượng khi ở Giao  Đàn về nghỉ ngơi, rồi thay khăn vàng áo vàng, ngự lên ngai để các  quan văn võ làm lễ khánh thành ở trước sân Trai cung. Lễ xong,  ông Quản vệ bầy loan giá, phụng Hoàng thượng lên ngồi rước về cung, nghi vệ cũng y như khi đi. Chỉ khác trống chuông đều đánh,  quân nhạc, đại nhạc, nhã nhạc đều cử, là có ý khi đi chưa làm lễ chủ lấy nghiêm, khi về lễ đã thành chủ lấy vui vậy. Hai bên đường  các kỳ lão quị tống ở cạnh hương án. Cảnh tượng không khác gì  ngày hôm trước. Giá hồi cũng do cửa đông nam vào thành. Đến  cửa Ngọ môn quan Kinh thủ đã đứng sẵn ở bên hữu để đón. Phụng  giá đến cửa Đại cung môn, do cửa giữa vào. Ngoài thành bắn chín  tiếng súng mừng. Rồi phụng Ngự vào điện Văn minh, lên ngai  ngồi. Quan Kinh thủ bước vào làm lễ “phục mệnh”, phụng nạp cờ bài rồi ra. Hoàng thượng bấy giờ tiến vào trong Nội. Quan Thị vệ mang phần rượu phúc thịt tộ đi theo sau.
Thế là tế Nam Giao xong vậy.
Lấy cái tư tưởng mới mà xét thì có người cho những sự tế lễ ấy là phiền. Nhưng bất luận rằng việc tế tự có quan hệ với cái thể thống trong nước thế nào, phải sinh trưởng ở nơi không có những sự phiền như thế mới biết rằng trong cái phiền ấy có một cái thú đặc biệt, một cái nghĩa thâm trầm. Tôi nói đây là lấy cái phương  diện nhà hiếu cổ, nhà ái quốc mà nói. Theo phương diện ấy thì  phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái,  lên xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh  vậy. Tôi thiết tưởng ngày nay có nhiều nhà thiếu niên đọc Nam sử khao khát muốn được trông cái vết tích nước Nam ngày xưa thế nào mà khổ vì không tìm đâu thấy; như thế thì cái cảm tình với  nước được bao lâu mà chẳng tiêu mòn đi? Ở cái đời cấp tiến này,  người ta chỉ biết lấy cái chủ nghĩa quyền lợi mà đối đãi nhau, nếu  thời hồ không có dịp nào để biểu cái nghĩa liên lặc của người một  dân một nước thì mấy nỗi mà đến quên nhà quên nước vậy!
Trong Giao tự thực là có ngụ một cái nghĩa sâu ở đó. Tuy là do cái học thuyết đã cổ lắm mà không phải là không hợp thời. Theo  học thuyết ấy thì Vua là con Giời mà là cha mẹ dân. Vua phải  thuận mệnh Giời, lại phải mưu sự hạnh phúc cho dân. Như thế thì  Vua vừa có trách nhiệm đối với Giời, lại vừa có trách nhiệm đối với  dân nữa, nhưng hai trách nhiệm ấy cũng tức là một, vì cái thiên  chức của Vua là phải làm cho dân được sung sướng, dân được sung  sướng tức là thuận mệnh Giời. Tế Giao là Vua thay mặt con dân  mà cầu Giời giáng phúc cho dân. Vậy trong tế Giao có ba bậc: trên  là Giời, giữa là Vua, dưới là dân, ba bậc rất là liên lạc với nhau,  không thể dời nhau được. Giời đất là nguồn gốc của muôn giống,  dân phải nhờ giời che đất chở mới sống được. Nhưng dân không  thể trực tiếp mà cầu phục ở Giời; phải có một người đứng giữa, một  người giới thiệu, người cao hơn cả muôn dân, thay mặt dân mà cầu  Giời thì mới được. Người ấy là ai? Là Thiên tử, là con Giời, là Vua  vậy. Ấy cái nghĩa thần bí của tế Giao là thế. Vậy thì Vua tế Giao là biểu cái lòng tôn trọng với Giời và biểu cái tình thân ái với dân.  Thân làm chúa tể trong nước mà kính trọng khúm núm dưới thềm,  vái lạy cái hình ảnh thiêng liêng ở trên bàn thờ kia là vì ai? Vì dân  vậy, vì lũ lê thứ mình có cái trách nhiệm phải chăn nuôi, phải coi  sóc vậy. Như thế thì Giao tự cũng có quan hệ với chính trị, vì nhân  đấy mà cái dây thân mật nó buộc Vua với dân, buộc người dân với  nhau lại càng bền càng mạnh thêm ra. Ba năm một lần tế Giao tức  là ba năm lại một lần Vua trịnh trọng ra tuyên cáo với Giời Đất, với Tổ tiên, với Sông Núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh,  vẫn còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy. Chớ nên cho những nhời thuyết  lý về tôn giáo đó là viển vông, vì thử xét cả các tôn giáo trong thế giới có đạo nào là không có một phần viển vông như thế không?  Nhưng trong phần viển vông của cái đạo thờ Giời ở nước ta có một  nghĩa thiệt thực ở đấy, như ta đã giải trên kia, và có quan hệ đến  chính thể xã hội nước ta. Bởi thế nên tuy bề hình thức có phiền,  mà cái tinh thần rất nên phải giữ vậy.
Ấy là lấy con mắt nhà triết học mà giải nghĩa Giao thì Giao  có cái nghĩa như thế. Nếu lại lấy con mắt nhà mĩ học, nhà thi  nhân mà xét Giao thì Giao thực là một cảnh tượng rất đẹp, rất  trang nghiêm của cái Việt Nam cổ quốc này. Không những con  mắt người mình xem ra thế, mà nhất là con mắt người ngoại quốc  lại càng phục lắm. Bao nhiêu những tay văn sĩ Pháp đã ở qua xứ này, đã từng được xem tế Giao, sau thuật lại ra văn ra thơ cũng  đều lấy làm một cái cảnh tuyệt diệu. Tôi còn nhớ khi xưa có đọc  bài tả cảnh tế Giao của một bà nữ sĩ Pháp, nhời văn rất cảm động  và rất lý thú. Bà nói cái cảnh Giao đàn ban đêm như cảnh trong  mộng, đèn thắp trong đàn thành từng dãy dọc dãy ngang, trông xa  như một chữ triện nhớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo  lửng chừng giời; tiếng đàn tiếng sáo thì như tiếng nước chẩy suối  reo, tiếng xướng tiếng hát thì như tiếng thiên thần địa quỉ reo hò ở bãi bể... Cái tư tưởng của các bậc đế vương ngày xưa đặt ra nghi  tiết lễ Giao cũng đã li kỳ lắm mới gây nên một cái cảnh huyền diệu  như thế!
Nghe dân sĩ ở Kinh đô nghị luận nói rằng tế Giao lần này  vừa đẹp vừa nghiêm hơn những lần trước nhiều. Có nhẽ cũng là một điềm hay cho niên hiệu mới Vua ta vậy.
Quan Toàn quyền, quan phó Toàn quyền, quan Nguyên súy  đều ở Hà Nội về xem. Nhân các ngài tới Kinh, hội Đô thành hiếu  cổ xã có đặt hai cuộc chơi rất nhã: một là cuộc trần thiết những đồ dùng đồ bầy cũ của An Nam ta để khôi phục lại hình ảnh một cái  nhà cổ ngày xưa; hai là cuộc diễn tuồng tây để quyên tiền cho hội  Hồng thập tự. Trần Thiết thì ở nhà Tân thư viện, tức là điện Long  An cũ. Đồ cũ, nhà cũ thực là hợp cảnh. Điện này cũng là một cái  châu báu trong nghề kiến trúc của ta. Rộng rãi thênh thang, trông  rất là có bề thế. Không có những lối tô điểm rườm rà, những sắc xanh đỏ sặc sỡ, mầu gỗ xưa, thềm đá cổ, mà có cái vẻ thuần túy rất  đáng yêu. Cứ so sánh cái điệu cổ ấy với hai nhà Quốc Tử Giám mới  đương xây ngay trước mặt, thì đủ biết nghề kiến chúc ở nước ta  ngày nay có thoái bộ mà không có tiến bộ. Những nhà cửa mới  dựng bây giờ không ra kiểu tây, không ra kiểu ta, lại thêm cái lối  vẽ vời phiền phức, rất là khó coi. Có lắm cái cửa đền cửa phủ tưởng  như xây toàn bằng mảnh bát vỡ. Thực là một cảnh tượng dễ làm  cho chạnh lòng nhà hiếu cổ.
Những đồ trần thiết trong điện Long An thì hoặc là đồ trong  Nội, hoặc là đồ riêng của nhà các quan đem lại. Bầy ra từng gian,  trông nghiễm nhiên như phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Bộ đồ trà bằng “pháp lạn”, bộ quân cờ bằng xương, cái bình phong khắc  bài thơ nôm, đôi ngà voi mỗi chiếc dài hai thước tây, thứ nhất là một cái quạt bằng xương dài ước một thước tây mà mở rộng đến  hai thước; còn nhiều đồ quí lạ nữa, không thể kể cho hết được.  Xem một lượt cũng đủ hình dung được cái cách sinh hoạt của các  bậc thượng lưu ở Kinh đô về khoảng mười lăm hai mươi năm  trước. Vì ngày nay những nhà sang trọng dùng đồ Âu châu đã nhiều.
Cuộc diễn tuồng thì ở nhà Quốc tử giám chiều ngày 26 tháng  3 tây. Thoạt đầu diễn mấy lớp toàn con trẻ đóng vai, ăn mặc rất  đẹp, ca vãn rất hay. Rồi đến một bài hí kịch của hai nhà làm tuồng  có tiếng bên Đại Pháp. Ở Kinh Đô không có phường hát tây, các  vai tuồng đều do các quí quan cùng quí phu nhân đóng cả, cũng  như các vai trẻ con trên kia là do các cô các cậu đóng. Tuy không  phải là những tay nhà nghề, mà khi ra diễn coi đã thạo lắm, chẳng  kém gì ở nhà Đại Vũ đài Hà Nội. Khá khen thay là những nhà chủ trương hội ấy, không sẵn người sẵn đồ mà kẻ giúp công người giúp  của, vì việc nghĩa gây nên một cuộc mua vui rất tao nhã. Hoàng  Thượng, quan Toàn quyền, các quan tây quan ta đến xem đông  lắm. Hát hai tối luôn mà tối nào cũng chật ních những người.  Đương hát có các cô đi quyên tiền cho Hồng Thập Tự. Chắc bữa đó thu được nhiều, vì ai đã tới đấy tất sẵn lòng giúp về việc nghĩa,  huống các nhà chủ trương lại hết tài hết sức làm cho xứng đáng  cái hảo tâm của người xem!
Nhân dịp Nam giao, trong thành lại mở một hội đấu hoa  nữa, ở nơi vườn hoa mới lập sau điện Long An, trước cửa bộ Học.
Quan dân nhà ai có chậu bông đẹp đều đem họp tại đấy, chiều  chiều những bậc giai thanh gái lịch ở chốn Trường An, cũng đến  họp mặt đông lắm, như muốn đua tài đua sắc với trăm hoa. Lại  các nhà thi nhân vinh hoa cũng nhiều; đem chậu bông thường kèm  bài thơ theo, kẻ xướng người họa, thực là một cuộc tiêu khiển rất  phong nhã. Nghe đâu các Cụ lớn cũng có ngâm vịnh. Những bài  thơ đó có yết vào cái bảng ở giữa vườn hoa. Tiếc không kịp biên  được, những bài hay để điểm thêm chút hương thơm xứ Huế vào  nhời kỷ thuật nhạt nhẽo này.

<< Phần I | Phần III >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 914

Return to top